Sunday, 26 July 2009

“Ta gặp nhau, yêu chẳng hạn kỳ”

Mây ngàn gió núi đọng trên mi Áo bay, mở khép niềm tâm sự Hò hẹn lâu rồi - em nói đi (Đinh Hùng & Phạm Đình Chương – Mộng dưới hoa)

(Mt 11: 15)

Vừa gặp nhau, sao cứ bảo “yêu chẳng hạn kỳ”. Yêu nhau rồi, sao vẫn còn “mở khép niềm tâm sự”. Những hẹn hò. Mãi từ lâu. Phải chăng, ấy đó là chơi trò yêu đương/giận hờn, của người đương yêu, mà không biết?

Yêu đương hay đương yêu, vẫn là chuyện dài nhiều tập. Suốt mọi thời. Ở khắp chốn. Chí ít, là chốn dân gian mộng mơ. Có thơ văn. Âm nhạc. Của người yêu đâu đó quanh ta. Cả nhà Đạo.

Yêu đương chuyện nhà Đạo, tựa việc mặt trời chiếu sáng, ban mai. Rất dài dài. Bởi, nhà Đạo là Nước Trời ở trần gian. Ở đây, dân con Đạo Chúa, vẫn yêu thương nhau da diết. Mật thiết. Có khi, quá da diết đến độ “trì chiết”, dễ ngộ nhận. Cứ, tranh tụng và chấp nê nhau từng hành vi. Câu nói.

Có lẽ vì thế, mà nghệ sĩ thơ văn/âm nhạc, lại cũng nói:

“Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng:

có nàng thiếu nữ, đẹp như trăng.

Mắt xanh, là bóng dừa hoang dại,

âu yếm nhìn tôi, không nói năng.” (Đinh Hùng & Phạm Đình Chương – bđd)

Đúng thế, “ta gặp nhau, yêu chẳng hạn kỳ”. Yêu nhau, như Thầy từng. căn dặn. Yêu, tốt nhất và hay nhất là: cứ mải “nhìn nhau, không nói năng”. Bởi, ở đâu cũng thế. Hễ, cứ nói năng, lăng nhăng nói “trại”, thể nào cũng có lúc ta sơ hở. Kể cũng lạ, Hoá Công tạo nên ta chỉ một miệng, một lưỡi, những hai tai. Mà sao, ai cũng thích nói, chẳng buồn nghe. Nói nhiều hơn nghe, sẽ có ngày ta nói nhịu. Nói bậy. Tức, nói ngược nói ngạo, vượt phạm vi chức năng/thiên chức, người được nói.

Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật, dân con nhà Đạo, ta nghe Chúa nói rất nhiều điều, nhưng chưa hiểu. Điều Chúa nói, vỏn vẹn chỉ bây nhiêu:

“Ai có tai thì nghe.”

(Mt 11: 15/13: 9/Lc 8: 8)

Là, môn đệ theo chân Chúa truyền rao Tin mừng, bằng lời nói cụ thể, cụ sáu/thày cả, phải là những người thực hiện điều Chúa dạy, hơn ai hết. Nhưng, nhiều cụ quá bận rộn với “việc của Chúa” (chứ không phải việc chùa), lại hay dính đôi chút chuyện trần gian, nên quên lãng. Vì quên, nên có đức thày cứ trộm nghĩ mình là mục tử, hẳn đương nhiên có thêm chức năng của vị chủ chăn, là đấng bậc ở trên trông nom các mục tử trong giáo phận. Nên, có mục tử tự phát kỹ năng riêng biệt mà Hội thánh chưa kịp ban, cho mình.

Có đức thày, lại đã phóng tay có câu phán rất ư là “Chủ chăn” trước cộng đoàn giáo xứ, mà bần đạo tình cờ được đọc, như:

    “Căn cứ vào thời gian xảy ra sự việc…, căn cứ vào biên bản cuộc họp các ban ngành…, căn cứ vào lời kêu gọi ăn năn sám hối của Cha quản xứ và những người khôn ngoan đạo đức có uy tín trong Giáo xứ. Xét theo thời gian gia ân, nhưng thương ôi, các tội nhân không vâng lời chịu ăn năn sám hối , để được tha thứ …, Với chức vụ và quyền hạn của linh mục quản xứ, nay tôi quyết định ba điều sau:

Điều một: Cắt đứt mọi quyền lợi và loại khỏi giáo xứ, đối với những người sau đây: ô/bà A,B,C;

Điều hai:Tạm dừng mọi chức vụ và những người chưa… giám định trong Giáo hội;

    Điều ba: Mọi tín hữu trong giáo xứ …., không ai được giao lưu với những người trên, kể cả chết không được đưa tang, đám cưới không được tham dự;

    Điều bốn: Quyết này có hiệu lực VÀO ngày ký.

    Ngày… tháng… năm 2009.

    Lm …, quản xứ XYZ

    Đức thày còn thêm lời giải thích, rất như sau:

    ‘Từ ngày hôm nay trở đi, tôi và giáo xứ không có trách nhiệm gì đối với các người này, COI NHƯ QUÝ VỊ ĐÃ CHẾT TRONG ĐỨC TIN, CHẾT VỚI CHÚA NHƯNG QUÝ VỊ KHÔNG ĐƯỢC SỐNG LẠI VÀ CHẾT CHO RỒI.” (Trích điện thư 7/09, gửi từ quê nhà Hội thánh Chúa)

Đọc phán quyết của vị mục tử/tử mục chuyên chăn dắt đàn chiên nhỏ ở giáo xứ, bần đạo tưởng mình đang lội ngược giòng lịch sử, bơi về thời trước. Lội và xem, nhưng chẳng dám có lời thanh minh hay góp ý gì hết, chỉ biết ngân nga, ba câu thơ thẩn một lời hát. Hát rằng:

“Ôi, hoa kề vai, hương ngát mái đầu

đêm nào, nghe bước mộng trôi mau.

Gió ơi, gửi gió lời tâm niệm,

Và, nguyện muôn chiều, ta có nhau.” (Đinh Hùng & Phạm Đình Chương – bđd)

Ngâm nga xong, rồi lại mộng ước. Ước nguyện muôn chiều, ta có nhau. Có nhau, trong Nước Trời, Nhà Đạo. Có nhau, ngày của Chúa. Chốn cầu kinh. Như Ngài dặn:

    “Ở đâu có hai ba người họp lại

nhân danh Thầy,

thì có Thầy ở đấy,

giữa họ."

(Mt 18: 20)

Bần đạo trộm nghĩ, hội họp ở nhà thờ/nhà xứ để gọi là kính Chúa với cầu kinh, mà lại không để cho người khác cùng tham gia -dù người ấy có sai sót/quấy quậy điều gì đi chăng nữa- hẳn, cũng là chuyện không phải. Thiếu sót. Đó là, chưa nói về chuyện đức thày mục tử, sử dụng quyền hành-xử với bổn đạo dưới trướng, có phù hợp với chức năng rất thánh, của mình hay không.

Về chức năng/quyền hạn, đức thày làm chủ giáo xứ có tương đương ngang bằng hạn quyền của vị “chủ chăn” giáo phận hay không. Thậm chí, các vị chủ chăn có quyền vô ngộ, không sai sót như Đức Giáo Hoàng, không? Bần đạo còn nhớ lại câu hỏi của độc giả nọ, cũng đại loại như thế. Hỏi, và bảo rằng:

    “Con nhớ có lần đã từng đọc được ở đâu đó, hoặc nghe có người bảo: trong chừng mực nào đó, Đức Giám Mục địa phận có quyền phán quyết cũng “vô ngộ”, tức không sai sót, như Đức Giáo Hoàng. Điều đó, có đúng không? Nếu đúng, thì đúng trường điều kiện nào? Và vai trò của Giám mục và/hoặc Tổng giám mục khi ấy, sẽ ra sao?”

Thắc mắc/gạn hỏi, có lẽ được gửi từ một độc giả khá chuyên chăm -bởi có chuyên chăm cho lắm, mới bận tâm như thế. Và, nơi tiếp nhận thắc mắc/gạn hỏi, vẫn là đức thày rất chăm và rất chuyên về giải đáp, tức đức thày John Flader, rất linh mục, ở Sydney, như sau:

    “Có hai chuyện cần làm sáng tỏ. Trước hết, quả quyết ở câu hỏi đầu rất đúng. Đúng, không ở điều bảo rằng: mỗi giám mục, trên cương vị và tư thế của mình, đều vô ngộ. Dĩ nhiên, không phải thế. Lịch sử Hội thánh, dẫy đầy những trường hợp các giám mục đi chệch đường, có khi các ngài giảng giải cho mọi người tin, rặt những điều sai trái ấy. Nhưng giám mục, cùng với Đức Giáo Hoàng, nhìn tổng thể, cũng mang tính “vô ngộ”, ở một số hoàn cảnh.

    Công Đồng Vatican II, trong Hiến Chế “Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân)”, đã có phán quyết như sau:”Dù các giám mục, đứng riêng rẽ, không hưởng đặc quyền vô ngộ được. Tuy nhiên, các ngài vẫn có được đặc tính ấy khi tuyên bố tính vô ngộ trong giáo lý của Đức Kitô, theo các điều kiện sau đây: cụ thể là, khi dù tản mác nhiều nơi trên thế giới, nhưng vẫn duy trì sự hiệp thông với nhau giữa các ngài và với Đức Giáo Hoàng, trong cung cách giảng dạy về những điều có liên quan đến đức tin và luân lý, các ngài đồng thuận rằng có điều được giảng dạy riêng biệt phải được coi là rạch ròi, tuyệt đối. Rõ hơn nữa, là trường hợp khi các ngài tụ tập trong hội đồng đại kết, thì các ngài đều là các bậc giảng dạy hoặc đấng bậc phân xử, cho Hội thánh toàn cầu, về các vấn đề có liên quan đến giáo điều và luân lý; và, quyết định của các ngài phải được đính kết có sự thuận thảo trung kiên tuân phục, về đức tin.” (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, số 25).

Đấng chủ quản cả giáo phận, mà còn phải hợp lòng hợp ý với Đức Giáo Chủ/Giáo Tông, mỗi khi phán quyết điều gì. Chí ít, là quyết phán “vạ tuyệt thông”, với giáo dân. Chứ đâu đứng trước mặt bá quan giáo họ, mà căn cư vào cái-gọi-là “biên bản buổi hội họp của ban hành-giáo, hay hành (hạ) người Công giáo, để tuyên sấm, gây sấm sét.

Chẳng thế mà, nhà thơ cùng người nghệ sĩ âm nhạc, cứ dệt mộng “dưới hoa” với lời ca:

“Bước khẽ, cho lòng (anh) nói nhỏ

bao nhiêu mộng ước phù du;

ta xây thành mộng nghìn thu,

núi biếc, sông dài ghi nhớ.” (Đinh Hùng & Phạm Đình Chương –bđd, lời 2)

Vốn dĩ xây mộng nghìn thu, cho Nước Trời ở trần gian, người đi Đạo ở vùng sâu vùng xa, vẫn bị hành và hạ như trên, hẳn sẽ hát thêm:

“Tôi cùng em, mơ những chốn nào

Ước nguyện chung giấc mộng trăng sao..” (Đinh Hùng & Phạm Đình Chương – bđd)

Mơ những chốn nào, để đi đến. Hoặc, chung giấc mộng trăng sao, có thể là ước nguyện của các vị thấp cổ bé miệng ở đâu đó, nay quyết chí. Quyết, tìm hiểu chức năng/vai trò của đấng bậc, như người nước ngoài dám công khai hỏi, như lời ghi trên báo, ở trên. Và, “đức thày” nhẹ nhàng trả lời:

    “Chức thánh Giám mục (cũng như linh mục và phó tế) qua đó, vị thừa tác đến để san sẻ công cuộc thừa tác với Đức Kitô, theo cung cách đặc biệt. Chức thánh, được định nghĩa như nhiệm tích được ban cho vị nào đó, có ơn Chúa Thánh Thần kèm theo, cốt để giúp vị ấy thực hiện cách xứng đáng và có hiệu lực các vai trò thánh thiêng như: chức phó tế, linh mục, hoặc giám mục.

    Giám mục là chức lớn nhất trong ba chức thánh, vừa kể. Như thế, vị giám mục trở thành người kế vị các thánh Tông đồ và là thành viên của Giám mục đoàn, có trọng trách không chỉ trong giáo phận hoặc công cuộc thừa tác mình nhận lãnh, với toàn thể Giáo hội hoàn vũ.

    Khi được tấn phong, các giám mục có trọng trách giúp Đức Thánh Cha trong việc quản cai toàn thể Giáo hội hoàn vũ. Các ngài còn lĩnh nhận quyền uy để tấn phong cho các phó tế, linh mục và các giám mục khác. Và các đức giám mục còn được quyền ban phép Thêm sức như một thừa tác viên bình thường.

    Các giám mục, có thể phục vụ tại địa phương, ở giáo phận mình với tư cách Chủ chăn một giáo phận, hoặc là phụ tá, chuyên phụ giúp đức giám mục sở quản. Giám mục nào được Đức Thánh Cha ban cho quyền kế vị đức giám mục chủ quản của giáo phận, thì khi vị này rời chức vụ, thì giám mục phụ giúp kia được gọi là Giám mục phó. Nhưng vai trò của Giám mục phó, vẫn như các giám mục phụ tá, mà thôi.

    Ở một số quốc gia, vì tầm quan trọng của giáo phận nào đó ở trong nước, các giám mục được cất nhắc gọi là Tổng Giám mục, nhưng quyền hạn và chức vụ vẫn không hơn các giám mục ở các giáo phận khác. Ví dụ, như ở Việt Nam, có các Tổng giáo phận Hà Nội, Huế và Sàigòn.

    Một số Tổng giáo phận là giáo phận chính trong một nhóm giáo phận, lập thành Giáo tỉnh. Vị Tổng giám mục của các tổng giáo phận này được nhận danh xưng Tổng giám mục chính toà. Vị này có quyền hạn trông nom bao quát nhiều giáo phận khác, vẫn thường gọi là giám mục thuộc hạt.

    Vị Tổng giám jmục chính toà không có quyền hạn trông coi trên các các giáo phận thuộc hạt. Bởi lẽ, các giáo phận thuộc hạt, được đặt dưới quyền của chính giám mục chủ quản của các ngài. Vai trò của ngài chỉ là coi sóc bên trên, coi xem niềm tin và kỷ luật giáo triều có được tuân thủ trong khắp toàn giáo tỉnh của ngài hay không mà thôi. (x. Giáo luật số 436)

Xét từ trên xuống dưới các câu giải đáp của đức thày không thấy chức năng hoặc vô ngộ hoặc có quyền hạn đưa ra “vạ tuyệt thông” đối với giáo dân, dưới trướng. Cũng nào thấy “ghế tong toà” (ex-cathedra) để mà phán quyết, những “dứt phép thong công”.Thành thử, nhiều đức thày hành xử xem ra có vẻ theo luập pháp giáo hội, nhưng vượt quá giáo hội. Có lẽ nên gọi các đức thày này là đức cha tự sinh ra, hoặc Giáo hoàng tự phát. Nên chăng?

Nên hay không nên, thì trong hệ cấp điều hành của Giáo hội, nay vẫn chỉ như thế. Còn lại, nếu có vị nào vẫn nguyện và vẫn ước chuyện đổi thay, hãy cứ ngồi dưới cây sung già, mà khấn nguyện. Một đổi thay. Loay hoay hoài, không thấy.

Chẳng cần thấy và cũng không tìm đâu cho thấy. Chỉ cần trở về với nguồn cội của Lời, sẽ thấy ngay. Thấy ngay rằng, khi xưa cho đến “bi chừ”, Chúa vẫn khuyên và vẫn từ dân con, cho đến mục tử hoặc Chủ chăn, trong ngoài huyện dân gian, cùng nhà, rằng;

“Vậy anh em hãy đi

và làm cho muôn dân trở thành môn đệ,

làm phép rửa cho họ,

nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,

dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.

Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế."

(Mt 28: 19)

Ở đây, không thấy Chúa bảo: cứ thấy tay nào khó dạy, là đuổi ra. Ra khỏi cộng đoàn môn đệ, nhà Hội thánh. Ra khỏi Nước Trời, ở đó có Thầy ở “cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Xem như thế, là con dân đồ đệ, đích thật của Chúa, tưởng cũng nên đón chào các người anh người chị vào với Nước Trời ở trần gian, là Hội thánh. Là, cộng đoàn tình thương, nơi giáo xứ/họ đạo, dù lớn nhỏ. Dù ở đó, có cha sở rất khó tính. Dù ở đó, ở đàn con rất bướng bỉnh. Khó dạy. Hay “quậy”.

Để minh hoạ, cho những lời bàn ở trên, tưởng cũng nên tìm đến những truyện kể nhè nhẹ. Êm êm. Thánh thót, rất như sau:

Truyện rằng:

    “Ba em cùng trường, chuyện trò với nhau ở ngoài sân. Vào giờ chơi. Chơi hết mọi trò, thấy chán, bèn nghĩ ra trò mới: khoe nhau xem bà con nhà mình ai tài, ai giỏi, ai hơn ai. Đứa thứ nhất, vội khoe:

    -Tớ đây, chẳng biết gọi đó trò gì, mà sao cứ thấy bố mình lấy giấy bút ra viết nghuệch ngoạc vài hàng, rồi gọi đó là “thơ”, thế mà báo nọ cũng tặng ỗng, những 5 chục đô.

Đứa thứ hai nghe thế, thấy nóng mặt, bèn nổ “lốp bốp, to hơn:

    -Còn ông chú của tớ ấy à! Ỗng cũng lấy giấy viết ra, kẻ chỉ vài giòng, rồi chấm chấm phết phết, gọi đó bài nhạc. Thế mà cũng có người khùng, tặng đến năm trăm.

Đứa thứ ba, vội vàng nói nhanh:

    -Ông cậu của mình, chẳng biết có tài giỏi gì hơn ai không, mà sao ông ấy quyền thế đến như thế…

Mấy bạn nghe thế, rất sốt ruột, bèn thúc bạn mình bật mí để xem nghề gì mà ghê thế:

-Sao cậu không nói nhanh cho rồi, còn úp úp mở làm gì, bọn này chờ đợi hơi bị mệt đấy!

    -Có gì đâu. Nghe bảo rằng, cậu tớ làm tới chức “ông cha”, ở nhà thờ. Làm gì thì không biết, nhưng mỗi tuần ông viết vỏn vẹn không đầy một trang giấy, rồi lên bục nói rất lớn. Nói những gì tớ nào có hiểu, thế mà người lớn ngồi nghe cứ thế mà gật gù, tán thưởng. Sau đó, còn gom tiền bỏ vào rổ mang lên đưa cho ỗng, đến gấp ngàn. Có lần, nhiều người nghe xong còn bỏ về, khóc lóc thảm thiết lắm.”

Dưới tầm nhìn của giới thâm thấp/nhỏ nhỏ, thì làm mục tử giảng giải ở nhà thờ là làm lớn đến độ, nói gì người nghe cũng “gật gù”, tán thưởng. Thưởng bằng tiền. Tán và thán, bằng những cử chỉ khóc lóc, và bỏ đi. Tán thán hoặc bỏ đi như thế, tức đi ngược với lời dạy của Đức Chúa, Đấng chỉ muốn cho “muôn dân trở thành môn đệ”. Để, Ngài ở với, ở cùng mọi người. Mọi ngày cho đến trần thế.

Cuối cùng thì, vấn đề còn lại, là: hỡi bạn và tôi, ta cứ tự kiểm xem mình đã biết nghe Lời Ngài nhủ khuyên mà nạp thâu môn đệ cho Chúa, đã đủ chưa. Hay, ta lại xua đuổi người người rời khỏi cộng đoàn tình thương, của Đức Chúa.

Tự kiểm để học và hỏi. Hỏi và học, không chỉ ở đây. Bây giờ. Mà, cứ thế mãi. Rất về sau.

Trần Ngọc Muời Hai

Nghĩ mình vẫn cần học và hỏi.

Học thật nhiều.

Hỏi không thiếu.

Suốt cuộc đời.

Tuesday, 21 July 2009

“Chiều Chúa nhật buồn”

Nằm trên căn gác đìu hiu”

(Trịnh Công Sơn – Lời buồn thánh)

(Mc 1: 43)

Buồn là phải. Ai đâu, những buổi chiều vàng ngày của Chúa, mà cứ vò võ. Đìu hiu. Nằm dài, trên căn gác trọ, rồi thở than. Thật uổng phí. Mất thì giờ. Chẳng thế mà, nghệ sĩ lại vẫn hát:

“Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều,

Trời mưa, trời mưa không dứt,

Ô hay! Mình vẫn cô liêu!” (TCS – bđd)

Xanh xao. Đìu hiu. Cô liêu. Là, chuyện dễ hiểu. Thực chất, thì sự thể vẫn là những tình tự hiển nhiên, miên triền một chủ bại. Chủ bại, là tình tự gắn liền với cuộc đời. Của những người, lâu nay đà mang “lời buồn thánh”, quyết áp đặt ngày của Chúa.

Thật ra, thực chất của vấn đề, mà người người thường tự hỏi, là: hờn căm, giận dữ, với “nổi sùng”, có là “lời buồn thánh”, chốn dương gian? Nếu không gọi đó là thánh, thì tại sao Chúa cũng buồn, và biết giận? Chúa buồn giận? Hay, Ngài chỉ có những lời, như sau:

“Ngài nghiêm giọng

đuổi anh đi, và bảo:

“Coi chừng, đừng nói gì với ai,

nhưng hãy đi trình diện với tư tế;

vì anh đã lành sạch…”

(Mc 1: 43)

Nghiêm giọng, hoặc nổi “cơn giận lành” rồi đuổi đi, như khi Ngài vào đền thánh Giêrusalem thấy con dân vẫn cứ làm chuyện “không phải”.

Các dịch giả và nhà chú giải Kinh thánh, thấy khó xử, khi giải thích thái độ của Chúa, lúc Ngài thấy chuyện “không phải”, do dân gian. Quở mắng? Phiền trách? Hoặc, dùng roi đuổi đám ô tạp, vì cứ mải miết làm điều “không phải”, kéo dài dài?

Sự thường, thì: giận là trạng thái vẫn hay gặp, trong cuộc sống. Rất thông thường. Giận, là động thái quyết diễn lộ, hầu cho thấy: có cái gì đó không ổn xảy đến, ngoài ý muốn. Giận, có thể để giải bầy sự việc với người khác, không theo cung cách thường tình. Dễ thương. Giận, là một trong 7 thứ tình, luôn gắn liền vào với con người. Ta chỉ có thể kềm chế, chứ không tài nào dứt bỏ. Huỷ hoại. Mãi mãi.

Trong sống đời đi Đạo, giận dữ luôn có mặt bằng nhiều hình thái. Có loại hình nhè nhẹ, chỉ một nét nhăn chạy dài trên khung trán. Một ánh mắt hung hăng, rất thoáng vụt. Hoặc, một cái nhún vai, hất hàm. Tỏ dấu bất bình. Cũng có thể, là động thái hung hăng, quăng quật. Bằng cử chỉ rất dữ tợn. Ngôn từ, thì chồng chất những chĩu nặng. Cử chỉ, thì như muốn ăn tươi nuốt sống, người bên kia. Có thể, là hành vi sử dụng ngoại vật, gây tác hại lên nhiều thứ. Chất chồng. Đậm đặc. Khó dừng.

Không thể gọi đó là: “cơn giận lành”, vịn cớ rằng Chúa là Đấng mặc lấy hình hài của người phàm, nên Ngài cũng biết giận, để ta có thể men theo mà hận. Và oán. Rất phẫn nộ. Mà, nên hiểu nghĩa giận chỉ mang tính lành và thánh, khi nó tuyệt nhiên không gây hại. Một ai. Làm như thế, chỉ để điều chỉnh sự việc dầu “không phải”, nhưng sao vẫn thấy làm. Một việc làm, khó điều chỉnh. Đổi thay. Khó, trong vị thế. Số hiệu. Cường độ.

Để minh hoạ, cơn giận lành và thánh, có lẽ cũng nên về với truyện kể nhè nhẹ, rất như sau:

“Trưa hôm ấy, hai ông cháu đưa nhau xuống phố xem thiên hạ đối xử với nhau thế nào, ở huyện đời. Huyện nhà Luân Đôn, chốn ồn ào, náo nhiệt. Rất dễ ưa. Đi ngang qua Viện Thứ Dân, cô cháu nhỏ bèn hỏi ông nội:

-Nơi đây, có phải là nơi mọi người trong đó cứ đùng đùng nổi giận, rồi cã vã, không thưa ông?

-Chẳng phải thế đâu, cháu ơi. Đây là chốn mà người lớn ta gọi là chính trường.

-Chính trường là gì vậy hả ông?

-Là… ừ, chỉ là nơi kiến tạo và phân phát những quyền hành.

Thế rồi, hai ông cháu chợt đi ngang một toà nhà, mà thiên hạ vẫn gọi là “ngân hàng”. Cô cháu liền hỏi:

-Ông ơi, kìa! Đây có phải là chỗ người ta vẫn thường làm cho mọi người vui không sao thấy ai cũng hả hê, như thế?

-Đây là nơi người ta đang làm kinh tế đó, cháu!

-Làm kinh tế là làm cái gì, hả ông?

-Là, kiến tạo và phân phát sự giàu sang/phú quý, đó cháu.

Rồi, hai ông cháu lại tiếp tục đi. Cứ đi và đi mãi, gặp một nhà thờ, cô cháu bèn hỏi:

-Còn đây nữa, thế ông bảo đây là cái gì hà?

-Nhà thờ, đó cháu.

-Nhà thờ, là cái gì? Ở đây, người ta có nổi sùng, rồi cãi nhau không?

-Không đâu. Đây là nơi thờ phượng, mà.

-Thờ phượng là cái gì thế, ông? Nó có kiến tạo và phân phát gì không?

Ông nội nghe cô cháu hỏi câu hơi lạ, nhưng cũng đáp trả đôi ba tiếng, cho xong chuyện:

-Chỗ này đâu dính gì đến quyền hành và giàu sang/phú quý đâu mà giận hờn, cãi vã!

À thì ra, chỉ chỗ nào dính dấp chuyện quyền hành và giàu sang/phú quý, người ta mới cãi vã, nổi giận. Cũng là câu đối đáp. Rất hay. Nên suy tư, nghiền ngẫm. Bởi, chừng như suốt nhiều thế kỷ, người người vẫn cứ đối đầu. Rồi lại, tranh giành quyền hành và giàu sang/phú quý, nên mới xảy chuyện giận hờn, cãi vã. Phùng mang, trợn má. Chính trị và kinh tế. Nhà nước với thị trường. Giàu sang đa mang quyền thế, vẫn là chuyện gây tranh giành cãi cọ, một chuyện thường. Nhà nước chính là ta, qua tư cách một tập thể. Có khả năng chế ngự. Quản trị. Nhiều phù phép. Thị trường hay kinh tế, cũng do ta, qua tư thế của nhiều chủ thể. Những vị chủ.

Ở chính trị - kinh tế, người đời cứ cãi vã - giận hờn hằng thế kỷ. Đó là chuyện đã đành. Hiểu được. Bởi, hễ dính dấp chuyện giàu sang, lan man quyền thế, thì người đời thường không nhả bỏ. Nhưng, chuyện nhà thờ/nhà thánh, sao vẫn thấy hờn căm, ngăm đe chuyện tranh chấp. Chấp nhận sao?

Giận hờn và tranh chấp, xảy đến với kinh tế - chính trị, còn hiểu được. Là vì, người đời không thể san sẻ giàu sang - quyền lực cho nhau, với nhau được. Nhưng, với niềm tin và phụng thờ ở nhà Đạo, là địa hạt ta có thể và vẫn phải sẻ san, trao cho nhau. Sẻ và san, không chỉ tiền bạc/tài sản hoặc quyền hạn mà thôi, nhưng san và sẻ cả lòng thương, tình bạn lẫn kiến thức, ảnh hưởng, về mọi thứ. Mới phải chứ?

Quả thật, lòng thương, tình bạn, kiến thức cùng tầm ảnh hưởng, đều là những thứ mà mọi người đều có thể và cũng nên sẻ san. Là thứ, ta vẫn gọi là “thiết yếu”. Bởi, càng san sẻ, ta càng “có“ nhiều, và “có” thêm. Nói cách khác, quyền hành và giàu sang, là thứ trò chơi không tạo nên thực chất, cho một ai. Bởi, nơi trò chơi này, luôn luôn có một người thắng, một người thua. Nếu bạn thắng, tôi sẽ thua. Nếu bạn thua, tôi sẽ thắng. Còn, ở “san sẻ”, lại không như thế. Khi ta sẻ san, cả hai bên đều thắng lớn. Chẳng bao giờ có người thua. Không có bên thua. Chính trị - kinh tế, là đấu trường. Là, địa hạt của tranh đấu, với ganh đua. Giành giựt. Còn sẻ san, là địa hạt của hợp tác. Nâng niu. Đùm bọc.

Có lẽ, vì không nắm được ý nghĩa của thư giãn với sẻ san, nên người nghệ sĩ lại những than cùng thở:

“Chiều Chúa nhật buồn

Nằm trong căn gác đìu hiu

Tôi xin em năm ngón tay thiên thần

Trong vùng ăn năn, qua cơn hờn dỗi

Tôi tôi xin năm ngón tay em đi vào cô đơn.” (TCS – bđd)

Chính vì, cứ đìu hiu - ăn năn - hờn dỗi, nên người người mới cô đơn. Muộn phiền. Buồn thánh. Trong khi đó, thánh nhân nhà Đạo vốn quyết tâm sẻ san. Thương yêu. Đùm bọc, nên đã nhắc:

“Chớ gì giữa anh em

đừng có chia rẽ, ghen tương, oán ghét,

cạnh tranh, vu khống,

nói hành, kiêu căng, hỗn loạn.”

(2Cr 12: 20)

Sở dĩ, người nhà Đạo cứ vui. Cứ thương yêu - đùm bọc - sẻ san, là bởi người nhà Đạo vẫn biết và vẫn nhớ lời dặn của thánh nhân:

“Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn,

hiền từ và nhẫn nại;

hãy lấy tình bác ái

mà chịu đựng lẫn nhau.”

(Êp 4: 2)

Và người nhà Đạo, còn hiểu rằng: ở hiện trường kinh tế - chính trị, mọi người chỉ biết có đấu tranh, giành giựt, quyết chiến đấu, một mất một còn. Chính đó là ý nghĩa của cạnh tranh. Thi đấu. Với ganh đua. Ở nhà Đạo, là chốn mọi người vẫn chỉ muốn có hợp tác. Sẻ san. Giao ước. Do đâu có những đặc tính ấy? Chắc chắn, những thứ đó ta không tìm gặp được ở chính trường, lẫn thị trường. mà chỉ có thể, ở hôn nhân. Gia đình. Dòng tu. Hội ái hữu. Cộng đoàn tình thương, thôi.

Khác biệt, là ở chỗ: chính trường và thương trường chỉ thấy từng cá nhân, từng chủ thể o ép lẫn nhau, quyết giành lấy cho chính mình, của ngon vật lạ, mà hưởng thụ. Còn, ở cộng đoàn tình thương, các thành viên trong đó chỉ biết kính trọng lẫn nhau. Tin tưởng và yêu thương. Chăm lo – san sẻ những gì mình có người còn thua kém, thiếu thốn hơn mình.

Ở chính trường và thương trường, người người chỉ thấy có giao dịch, và kình địch. Còn, ở cộng đoàn, vẫn luôn là tương quan, và sẻ san. Chia sẻ những gì mình có. San sớt, những gì mình không thấy rất cần. Người nhà Đạo, không chỉ biết có thu thập. No say, những lợi nhuận. Có khi còn sớt chia cuộc sống, bằng những lời thề sống chết với nhau. Bên nhau. Và có nhau. Và mỗi khi làm vị gì lành và thánh, đều vẫn quyết không làm cho riêng mình. Chỉ một mình mình. Mà, là tất cả.

Đó chính là ý nghĩa của cuộc sống có tương quan. Mà, tương quan là sự hài hoà. Bình an. Vô vị lợi. Chính vì thế, người nhà Đạo công chính và đích thực, phải là người luôn vui sống. Hiền từ. Chỉ chú trọng đến những tình tự tích cực trong 7 thứ tình. Chứ không phải chỉ biết có tranh, và giành. Giành ăn. Giành sống. Giành quyền.

Chính vì thế, khi có tương quan với Chúa, với Hội (của các) thánh, người nhà Đạo không cầu “xin”, mà chỉ cầu nguyện. Cầu và nguyện, không cho mình. Nhưng cho người. Cho mỗi người. Và mọi người. Như lời cầu của ai đó, ở bên dưới. Như một truyện kể của dân con nhà Đạo, vẫn nguyện cầu cùng Chúa, như sau:

“Con cầu Chúa,

phù hộ thương ban cho người thân cùng bạn hữu của con,

mãi được khoẻ mạnh và hạnh phúc.”

Chúa nói:

-Nếu Ta chỉ cho họ có 4 ngày thôi.

Người đệ tử lại nguyện cầu:

-Thế thì, Chúa cho họ được khoẻ mạnh và hạnh phúc trong những ngày của mùa xuân, mùa hè, mùa thu và mùa đông.

Chúa lại nói:

-Nếu Ta chỉ cho 3 ngày thôi.

Người đệ tử lại nguyện và ước:

-Nếu chỉ được có 3 ngày, thì Chúa cứ cho họ được khoẻ mạnh và hạnh phúc ngày hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Đức Chúa lại nói:

-Vậy là, Ta chỉ cho 1 ngày thôi.

Người đệ tử bèn thưa:

-Dạ, như thế cũng được!

Chúa mới hỏi:

-Vậy, con muốn ngày đó là ngày nào?

-Người đệ tử mau mắn đáp:

-Chúa cứ cho họ được khoẻ mạnh và hạnh phúc, mỗi một ngày.

Chúa cười, và nói:

-Như thế là tốt. Bạn bè – người thân của con gồm cả những người nghe biết thông điệp này, sẽ được khoẻ mạnh và hạnh phúc, hết mọi ngày.

Thế đó, là truyện kể. Thế đó, chỉ để minh hoạ. Chứ, có Chúa nào mặc cả, và ra giá, như thế. Như ở chính trường, với thương trường. Bởi, cả chính trường lẫn thương trường, hoặc nhà trường-trường nhà, nơi nhà Đạo, tất cả chỉ là hiện trường của những khoẻ mạnh và hạnh phúc. Hết mọi ngày. Toàn cuộc sống. Mọi ngày đều là ngày của Chúa. Mỗi một ngày, đều không có cái-gọi-là “lời buồn thánh”. Mà chỉ là “một ngày như mọi ngày”, những ngày có Chúa. Có bạn. Và có tôi. Ta cứ thế mà sống vui. Sống mạnh. Sống vững chãi trong tình thương. Của mọi người.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn quan niệm

đời là như thế,

vẫn vui tươi.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.tranngocmuoihai.blogspot.com ;

hoặc, www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc, www.giadinhanphong.blogspot.com)

Sunday, 12 July 2009

“Tình vui, trong phút giây thôi”

"Ý sầu nuôi suốt đời Thì xin,
giữ lấy niềm tin,
dẫu mộng không đền.” (Vũ Thành An & Nguyễn Đình Toàn- Tình khúc thứ nhất) (Giáo luật số 276) Tình khúc thứ nhất, có là nhạc bản phổ từ thơ chất chồng những tình vui, vẫn là một trong các “bài không tên”, mang nhiều số hiệu của nhạc sĩ Vũ Thành An và nhà thơ Nguyễn Đình Toàn. Toàn, những bài ca thân thương. Trìu mến. Vào độ trước. Nhạc sĩ họ Vũ ngoài luồng độ trước, nay đã là Phó tế, trong Đạo. Trong cộng đoàn nhà Đạo. Vẫn miên man viết nhạc Đạo. Cũng nhiều tình tự, vui không kém. Tình tự thơ/nhạc của các nghệ sĩ Nguyễn và Vũ là tình vui, nhưng vẫn mang mác một nỗi buồn. Buồn một nỗi, không da diết lắm nhưng vẫn khiến người ca sĩ phải kêu lên: “Có biết đâu niềm vui, đã nằm trong thiên tai; những cánh dơi lẻ loi, mù, trong bóng đêm dài.” (Vũ Thành An & Nguyễn Đình Toàn – bđd) Đêm dài lẻ bóng, những cánh dơi. Và, niềm vui hàm ẩn một thiên tai. Mai ngày. Nhiều thương tiếc. Thương và tiếc, để rồi người viết xin cho “niềm tin (được) giữ lấy”, “dẫu mộng không đền”. Tiếc thương, nay là lập trường của các đấng bậc nhà Đạo. Thương tiếc, giòng đời đổi thay. Tiếc thương, phút vui “sum vầy”, rày rất hiếm. Hiếm, như ý từ của câu ca, bên dưới: “Ngày thần tiên, em bước lên ngôi đã nghe son vàng tả tơi. Trầm mình, trong hương đốt hơi bay, mong tìm ra phút sum vầy.” (Vũ Thành An & Nguyễn Đình Toàn – bđd) Tiếc, là tiếc cho ngôi cao nhà Đạo, nay tơi tả một đời. Đời linh mục. Đời của các đấng bậc, nay bay về nhiều nhận định làm nức lòng người nghe. Đầy dẫy những ưu tư, lo lắng. Lo cho tương lai của Giáo hội, nay thiếu linh mục. Lo, như lời lẽ trải dàn nơi bài viết, ở báo/đài. Khắp đó đây: “Lm Darrell Venters ở giáo phận Owensboro, Kentucky đã bỏ nhiều thì giờ ra để tuyển mộ linh mục ngoại quốc, đến phục vụ tại thị trấn nhỏ, giáo phận mình. Bằng vào kinh nghiệm tư riêng trong quá khứ, ông lên tiếng phát biểu: “Nếu chúng tôi không tuyển dụng các linh mục từ nước ngoài đến Hoa Kỳ phục vụ, thì tương lai các chàng trai linh mục của chúng tôi, sẽ quá tải mà lãnh nhận trọng trách cùng lúc coi sóc những 5 giáo xứ. Không ít. Và thêm nữa, nếu một trong các vị trẻ ấy phải bỏ rời nhiệm sở; hoặc, bị Giáo hội can ngăn Không cho thi hành sứ vụ mục tử. Hoặc tệ hơn, trường hợp các vị quá vãng/già bệnh, biết lấy ai mà thay thế.” Từ 6 năm qua, nội giáo phận Owensboro này thôi, chúng tôi cũng đã hân hạnh đón tiếp 12 linh mục đến từ Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ la tinh, phục vụ phần ba đất miền vắng vẻ còn lại ở phía Tây. Nơi đây, đa số là người da trắng. Vị quản hạt, nổi tiếng với sứ vụ “nhập” linh mục từ nước ngoài, cho biết: đây là phương cách tốt nhất để bù trừ tình trạng thiếu hụt linh mục tại Mỹ quốc. Phương cách đích đáng, hầu tái tạo Hội thánh Chúa, ở Hoa Kỳ. Bằng những kinh nghiệm riêng tư có giới hạn, Lm Venters còn nhận định:‘Thường thì, giáo phận ta dễ làm việc với các linh mục đến từ nước ngoài, hơn là các vị xuất thân từ các địa phận ở quê nhà. Bởi, dù các linh mục “nhập cảng”, nếu có bê tha/cẩu thả hoặc gì đi nữa, mình chỉ cần nói câu: ‘Xin cảm ơn cha, ta hẹn ngày tái ngộ’, là xong. Cứ chấm dứt quyền thường trú, không cho họ ở lại lâu hơn, là thành công ngay thôi.” (Laurie Goodstein, A growing American diocese, short of priest, recruits overseas, International Herald tribune 29/12/2008 tr. 5) “Nhập” linh mục từ nước ngoài, hay trao trọng trách coi thêm nhiều giáo xứ cho các linh mục chấp nhận ở lại với Hội thánh, vẫn là quyết định của đấng bậc có thẩm quyền. Không riêng gì Hoa Kỳ, Pháp quốc, hay Sydney. Ý kiến của các đấng bậc, thật đa dạng. Nhiều lý chứng. Rất hợp tình. Trong số ấy, cũng nên kể ra đây, ý kiến của Đức Hồng Y Carlo Maria Martini SJ, hôm trước. Rất như sau: “Thiếu hụt linh mục, nếu chỉ thêm việc cho các linh mục đang có sẵn, tức: giao trọng trách coi thêm giáo xứ cho vị nào mới chỉ chăm lo duy nhất mỗi một giáo xứ; hoặc, nhập thêm linh mục từ nước ngoài vào, thật ra, cũng chẳng giải quyết được nhiều nhặn gì. Khi trước, Hội thánh ta cũng đã tính đến khả năng phong chức cho một số giáo dân, gọi là chức thánh để thử nghiệm (còn gọi là ‘viri probati’). Có một điều, là: Kinh thánh Tân Ước có đề cập đến vai trò của các ‘nữ phó tế’, vào thời trước…” (Chú thích của Parco Politi: Đức Hồng Y Martini gợi nhớ cuộc nói chuyện với Tổng Giám Mục Canterbury là Gm George Carey, khi ngài nghe tin Giáo Hội Anh Giáo phong chức linh mục cho phụ nữ, ngài có nói với Tổng Giám Mục Carey, là: quý vị cứ can đảm lên, mà tiến bước. Ngài cũng tỏ bày niềm tri ân gửi đến Tổng giám Mục Anh giáo đã giúp đỡ Hội thánh Công giáo bằng những điều mà Giáo hội bạn vừa thực hiện. Giúp, là giúp ta biết định giá lại lập trường về công cuộc thừa tác mục vụ của phụ nữ. Và, ngài còn cảm tạ giáo hội bạn đã giúp nắm vững vấn đề, để ta tiếp tục mà tiến bước.” (Marco Politi, Tóm tắt buổi nói chuyện về đêm giữa Hồng Y Martini và Georg Sporschill, SJ, laRepubblica.it 19/5/2008) Nói gì thì nói, nghệ sĩ họ Vũ cũng đã viết lên những lời lẽ bình dị, nhưng sâu sắc, như: “Dù trời đem cay đắng gieo thêm cũng xin đón chờ bình yên. Vì còn đây, câu nói yêu em Âm thầm, soi lối vui tìm đến.” (Vũ Thành An & Nguyễn Đình Toàn– bđd) Chờ “Bình yên” cho nhà Đạo, hoặc “âm thầm soi lối vui, tìm đến”, là lời trấn an đi bước trước, của người nay-cùng-chung-một-Đạo, ta luôn tiến. Đặc biệt hơn, còn là lời nhắc nhở/gọi mời từ vị Chủ Chăn trên các chủ chăn, ở nơi cao chốn ấy, như sau: “Trong năm thánh Linh mục, chúng ta mở rộng không gian nguyện cầu, Chầu Thánh Thể, để lắng nghe Lời Chúa. Để, tiếng của Ngài được nhiều người trẻ nghe biết đến, mà đón nhận…” Đức Giáo Hoàng không quên nhắc đến tình trạng khan hiếm linh mục ở một số nơi. Và, ngài mời gọi tín hữu đừng nản chí trước tình trạng thiếu hụt ấy. Trái laị, phải gia tăng môi trường lặng thinh, lĩnh nhận bí tích giải tội, để tiếng Chúa được nhiều người trẻ nghe biết và đáp ứng. Bởi, Chúa luôn tiếp tục kêu gọi và củng cố.” (x. LmTrần Đức Anh O.P. VietCatholic News 02/7/2009) Với đấng bậc có trọng trách đào tạo/tuyển mộ linh mục đến từ nước ngoài, thì lại khác. Chẳng hạn như ý kiến của Lm Dennis Holly, thuộc Hội Thừa Sai Glenmary, Kentucky Hoa Kỳ, sau đây: Quả là, ta đang có vấn đề thiếu linh mục. Thế nhưng, thay vì ngồi đó hỏi hoài hỏi mãi lý do tại sao lại như thế, chúng tôi đành quyết định “nhập” một số linh mục ngoại quốc về đây để sinh hoạt. Coi như, thực tế không có vấn đề gì xảy ra, cho đến khi ta trực diện giải quyết các vấn đề: linh mục độc thân, phụ nữ làm linh mục, vv.. nếu không, cũng chẳng giải quyết vấn đề ơn gọi linh mục.” (x.Laurie Goodstein, bđd) Và tác giả bài báo, kết thúc bằng lời lẽ khá thực tiễn: “Tất cả vấn đề nêu trên, đều cần thiết. Rất có lý. Nhưng, trong khi chờ đợi có được giải pháp về lâu về dài, hẳn quý vị cũng như chúng tôi, ta vẫn phải tính chuyện đáp ứng nhu cầu của bà con trong Đạo, chứ!” (Laurie Goodstein, bđd) Nói gì đi nữa, vấn đề con số linh mục còn thiếu hụt, không đáng ta lưu tâm bằng đạo đức/chức năng và vai trò/trọng trách của các vị mục tử, ngày hôm nay. Về chuyện này, vẫn vang vọng nhiều ý kiến. Một trong những ý kiến rõ nhất, là thắc mắc của bạn đạo, trên The Catholic Weekly, Sydney hôm 05/07/2009, như sau: “Tôi thường nghe nhiều linh mục ở đây vẫn nói: khi đi nghỉ, các ngài không buộc phải làm lễ, chỉ cần cùng cộng đoàn tham dự thánh lễ, thế là đủ. Vào ngày nghỉ trong tuần, có vị còn chẳng buồn cử hành thánh lễ tại giáo xứ mình, nữa là. Vậy, câu hỏi của tôi hôm nay, chỉ thế này: là linh mục, hẳn là các vị đều phải cử hành thánh lễ mỗi ngày, như thế mới đúng, chứ. Bởi, đó là đạo đức/chức năng của chính mình. Xin cha giải thích thêm cho biết những điều vừa kể, để tránh tư duy thiếu bác ái, với các ngài.” Câu hỏi mà người bạn nào đó đặt ra, là cho người Sydney. Chuyển đến đấng bậc vị vọng ở đây, thật đúng cách. Thế nên, đức thày John Flader của Sydney lại được vời đến, ngõ hầu ta có được một giải đáp, thật chính xác: “Ngay từ đầu, các linh mục được khích lệ nên cử hành thánh lễ mỗi ngày. Nhưng, có luật nào gắt đến độ bắt các ngài phải làm việc ấy, mỗi ngày và mọi ngày, đâu! Luật Hội thánh, chương đặc biệt buộc hàng giáo sĩ ta phải tạo cho cuộc sống của mình được thánh thiện. Trong luật, có viết: “Các ngài phải nuôi dưỡng đời sống tâm linh của mình, thật sốt sắng. Nuôi, bằng Kinh thánh. Dưỡng, bằng Tiệc Thánh Thể. Các linh mục, ngay từ thời mới thành lập chức vụ này, đều được kêu mời hy sinh làm lễ mỗi ngày. Và, các phó tế cũng như trợ phó tế, cũng nên hợp tác dâng lễ, hằng ngày với linh mục.” (Giáo luật số 276, điều #2, câu 2) Lời khích lệ này, đối chọi với luật buộc các linh mục phải cầu nguyện bằng các Phụng Vụ Giờ Kinh, còn gọi là Kinh Nhật Tụng đọc hằng ngày, phù hợp với sách lễ của các vị, đã được phép.” (Giáo luật chương 276 #2, 3) Lý do tại sao các linh mục được yêu cầu cầu nguyện theo Phụng Vụ Giờ Kinh, mà không phải làm lễ, khi thánh lễ xem ra đã trở thành việc quan trọng? Để trả lời, có lẽ lý do chính đáng nằm trong khác biệt này, có bản chất thực tiễn. Muốn làm lễ, vị linh mục cần nhiều thứ, như: bánh và rượu, chén thánh, chai đựng rượu/nước, áo lễ, dây khăn thánh, sách lễ, giá sách, lễ phục, vv. Có nhiều khi, các thứ ấy không có sẵn. Đặc biệt, là khi vị linh mục trên đường di chuyển đi đây đó, lại không có nguyện đường Công giáo trong khu vực mình đến. Chính vì lý do này, mà Hội thánh đã miễn chước không đòi hỏi linh mục phải đến miền nào xa xôi khó kiếm để dâng lễ. Trong khi đó, để có thể cầu nguyện theo Phụng Vụ Giờ Kinh, linh mục chỉ cần đem theo cuốn Kinh Nhật Tụng, là đủ. Sách này được coi như “cẩm nang” cho linh mục, ai cũng có. Điều này, không hề làm mất đi tính chất quan trọng rất lớn lao của Thánh lễ, nơi đời sống của linh mục, và Hội thánh. Một chương-đoạn khác trong Giáo luật, cũng có viết: Hãy luôn nhớ rằng, nơi nhiệm tích Hy sinh của Tiệc Thánh Thể, công cuộc cứu rỗi vẫn còn đang tiếp diễn. Vì thế, linh mục phải thường xuyên dâng lễ. Thật thế, khi xưa, Hội thánh vẫn khuyến khích các linh mục nên dâng lễ hằng ngày. Bởi lẽ, dù có hay không có giáo dân tham dự, đây là hoạt động của Đức Kitô và Hội thánh, qua đó vị linh mục được uỷ thác thực hiện vai trò chính yếu của mình.” (Giáo luật số 904) Công Đồng Chung Vatican II cũng nói về Tiệc Thánh Thể như “nguồn cội và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu.” (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, 11). Và, Thánh Công Đồng cũng còn viết: “nhiệm tích Hy Sinh của Tiệc Thánh Thể là ‘trọng tâm và nguồn cội’ của toàn bộ đời sống linh mục. Thế nên, các linh mục phải cố gắng sống cuộc đời mình một cách trọn vẹn , như tất những gì được diễn bày nơi bàn tiệc thánh hy sinh.” (Tông Huấn Presbytorum Ordinis, 14) Chính vì thế, mà phần lớn các linh mục ngày nay vẫn coi việc cử hành thánh lễ như sinh hoạt quan trọng, trong công việc hằng ngày. Đức Giáo Hoàng Gio-an Phaolô Đệ Nhị, có viết trong cuốn “Quà Tặng và Nhiệm Tích”, rằng: “Chức linh mục, trong thực tại đậm sâu của nó, là thiên chức của Đức Kitô.” (x.John Flader, The Catholic Weekly, 05/7/2009, tr.10) Nếu dùng lời lẽ của người thường ở đời, thì chắc bạn và tôi, ta sẽ lại dùng ca từ của nghệ sĩ ở trên mà hát: “Thần tiên gẫy cánh đêm xuân, bước lạc sa xuống trần thành tình nhân đứng giữa trời không khóc mộng thiên đường…” (Vũ Thành An & Nguyễn Đình Toàn – bđd) Cũng chả chắc gì, Hội thánh hôm nay đang ngồi khóc khi thấy nhiều “thần tiên đang gẫy cánh” giữa đêm xuân lồng lộng, nhiều ân sủng. Nhưng, “mộng thiên đường” vẫn còn đó, chờ đợi tình nhân của Đức Chúa đứng giữa trời không, mà khóc lóc. Nói cho cùng, Hội thánh hôm nay có khóc lóc hay vẫn cười trước tình thế người người có “giữ lấy niềm tin” hay không, dẫu cho “mộng thiên đường” vẫn “không đền”. Chả ai chắc. Có điều chắc, là thời hôm nay có quá nhiều vấn đề vẫn chờ Hội thánh giải quyết. Chờ mọi người. Và chắc chắn một điều, là Thần Khí Chúa vẫn ở bên ta. Bên Hội thánh. Ở trần gian. Dù gì đi nữa, hãy nói như nhà mô phạm ở đâu đó, trong trường lớp. Xã hội. Giáo hội. Có những lời bàn, rất thân, như sau: “Có lẽ phải nghĩ đến chuyện “hãy ngưng thôi, đừng làm cuộc đời mình thêm rắc rối. Bởi, đời người rất vắn vỏi. Hãy phá lệ, Thứ tha nhanh Yêu thật tình, ôm hôn hoà bình thật đúng cách Và, cứ cười nhiều, không dứt. Nhất là, đừng bao giờ tắt ngúm nụ cười mỉm Dù cuộc sống có xa lạ, nhiều trắc trở. Vì, đời người đâu phải lúc nào cũng vui như ngày Tết, Nhưng bao lâu ta còn có mặt trên đời này Hãy cứ mỉm cười và vui sống.” Và lời cuối, ta cùng người nghệ sĩ, hãy hát thêm câu: “Ngày về quê xa lắc lê thê trót nghe theo lời u mê Làm tình yêu nuôi cánh bay đi Nhưng còn dăm phút vui trần thế.” (Vũ Thành An & Nguyễn Đình Toàn – bđd) Phút vui trần thế, vẫn còn đó nỗi buồn. Phút vui thiên đường, đâu chỉ ngắn thế. Bởi thế, cứ vui lên mà hy vọng. Cứ hy vọng để sống vui. Sống hùng. Sống hạnh phúc. Trần Ngọc Mười Hai Vẫn nhắc nhở chính mình Những lời như thế.
(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com; hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

Sunday, 5 July 2009

“Bây giờ anh vui, một linh hồn rỗi”

Tình yêu xứ này

(Trịnh Công Sơn – Cuối cùng cho một tình yêu)

(GLHTCG #1472)

Một bạn thân, có lần cũng từng nói: chẳng biết sao mà phần lớn các nhạc bản của người mình, vẫn cứ buồn, một tình tự. Cả đến Giáng Sinh, Lễ Hội vui nhộn là thế, mà sao nghe vẫn cứ buồn. Những là, “Lời kinh đêm” rất ngậm ngùi, “Thánh ca buồn”, “Mùa áo quan”, vân vân và vân vân.

Hôm nay đây, hỡi bạn và tôi, ta hãy thử minh chứng với người trẻ nọ, bằng ý-từ thi-ca, “linh hồn rỗi”. Bởi, linh hồn mình có rỗi, mới thấy vui? Thật thì không. Không phải thế. Người nghệ sĩ chỉ muốn nói: “Bây giờ anh vui, một linh hồn rỗi, Tình yêu xứ này.”

Nói như kiểu nghệ sĩ, một người từng bị người đời lôi ra chất vấn, thử hỏi rằng: “anh có vui?” khi mà thiên hạ cứ hỏi những vân vân và vân vân? Vâng. Trịnh Công Sơn là người nghệ sĩ, sẽ rất vui. Vui hơn bao giờ. Vui, cả vào trước khi anh hát…“nếu một mai, anh có qua đời”. Là bởi vì:

Ừ thôi em về, chiều mưa giông tố!

Bây giờ anh vui, hai bàn tay đói

Bây giơ anh vui, hai bàn chân mỏi

Thời gian nơi đây…” (Trịnh Công Sơn – bđd)

Thế mới biết, hai bàn tay anh dù có đói. Hai bàn chân anh, nay có mỏi. Hoặc gì gì đi nữa, nghệ sĩ mình vẫn cứ vui. Và cứ cười? Bởi ở đời, có nhiều bàn chân tuy không mỏi. Và, những đôi tay tuy không đói, nhưng vẫn buồn. Buồn, như giòng nhạc của người mình? Buồn, như tình không lối thoát? Một thứ “tình mình bây giờ”, có gì vui?

Tất cả các câu trên, đều thấy có chấm hỏi (?), là sao thế? Tức, vẫn cứ hỏi và rồi còn dấu chấm. Thôi thì, ta cứ chấm và cứ hỏi, như truyện kể ở bên dưới, chỉ để hỏi:

“Cả nhà đang ngồi ăn cơm vui vẻ, bỗng ông con nhỏ, hỏi một câu rất lãng xẹt:

-Bố ơi, sao hồi xưa bố lại lấy mẹ?

Ông bố quay qua vợ, cất cao giọng, giõng dạc nói:

-Đấy, Bà thấy chưa? Đâu phải có mình tôi là thắc mắc, mỗi chuyện ấy!

Thật vậy, những câu hỏi-đáp trong đời, vẫn là những câu nói có hơi buồn. Buồn như câu: trong đời đi Đạo, bạn có thấy buồn hay vui? Câu này, cũng từa tựa như câu nói ở trên, về nhạc Việt. Thôi thì, xin cứ “để lại cho em”, một chốn nợ đời, tha hồ mà hỏi tới. Rất tuỳ tâm. Tuỳ hỷ.

Tuỳ tâm - tuỳ hỷ, còn là tâm trạng của rất nhiều người, ở nhà Đạo. Tuỳ là vì, dù ta có được dạy bảo khá nhiều điều, nhưng sao vẫn thấy thiếu. Thiếu hiểu biết. Thiếu thực hiện, trong vui say. Vẫn cứ là động thái của nhiều người, tuy có tai nghe. Mắt thấy. Hệt như xưa Chúa căn dặn:

“Ai có tai thì nghe”

(Mt 11: 15/Mc 4: 9/Lc 8)

Hôm nay, nhiều người vẫn có tai, và có lòng đấy chứ, nhưng vẫn cứ hỏi. Hỏi nhiều điều. Cả những điều thấy rõ như ban ngày, mà vẫn như chưa nghe biết. Hỏi, như hỏi những câu ở bên dưới:

“Vừa qua, tôi có ông cậu qua đời, sau khi đã được rước Chúa vào lòng và lĩnh nhận bí tích xức dầu thánh, đầy đủ cả. Cậu còn là người rất ngoan đạo. Tôi cũng hiểu rằng Hội thánh thuận ban cho phép lành toàn xá vào lúc thập tử nhất sinh, cho người nào biết ăn năn cầu nguyện, trong cuộc đời. Phải chăng điều này có nghĩa là, ông cậu của tôi bảo đảm là ông đang được hưởng nhan thánh Chúa, trên thiên đàng? Mà, đã lên thiên đàng rồi, thì tôi khỏi cần cầu nguyện cho cậu, mà làm chi? Rất mong được linh mục giải đáp cho tôi thắc mắc này. Xin cảm ơn.

Câu hỏi của các độc giả như kiểu trên, xem không có vẻ gì buồn. Dù liên quan đến những chuyện buồn, nhưng rất thánh. Thế nhưng, câu trả lời có vui không, đó mới là vấn đề. Và vấn đề như thế, xin dành để cho người đọc, những bạn và tôi đang đọc và sẽ đọc, những giải đáp, như sau này:

“Xin bắt đầu câu giải đáp, bằng việc trở về xem lại giáo huấn của Hội thánh nói về ơn toàn xá, trước khi trả lời cho câu hỏi của ông/bạn trích ở trên.

Tất cả mọi lỗi tội đều tác hại đến sự vinh quang của Thiên Chúa, ảnh hưởng lên chính người mắc lỗi và cả vào Bản Thể nhiệm mầu là Hội thánh Chúa. Bản thân chúng ta chẳng thể nào hình thành đủ nhiều tác hại do chính mình tạo ra, nhất là việc phản chống tính nhân từ hiền hậu vô biên của Thiên Chúa. Nhưng may thay, Thiên Chúa đầy lòng xót thương đã chỉ cho phép ta hình thành mức độ tác hại ít hơn là lỗi tội của ta, đáng ra phải thụ lĩnh.

Dầu sao đi nữa, ta vẫn có thể làm điều gì đó, khả dĩ giúp ta chuộc lại các lỗi lầm trước khi được Chúa cho đạt chốn thiên đường. Hệ quả của các lỗi tội ta vi phạm, được biết dưới danh xưng luận phạt tạm thời. Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo mô tả việc này như “cái đuôi đính kèm không lành mạnh nơi thụ tạo, cần được tẩy rửa cho sạch ngay trên dương thế, hoặc sau khi chết, ở vào tình trạng được gọi là chốn Luyện hình” (GLHTCG #1472)

Nếu bạn và tôi, ta hợp lòng với tác giả của bài “Cuối cùng, cho một Tình Yêu”, là Trịnh Công Sơn, hẳn sẽ được nghe những lời na ná như:

“Một lần yêu thương, một đời bão nổi

Giã từ giã từ,

Chiều mưa giông tới, em ơi ơi…” (Trịnh Công Sơn – bđd)

Đời bão nổi. Một lần giã từ, đâu chỉ khi ta còn sống. Vẫn cứ nổi, cả vào khi ta nghe ý kiến của người nhà Đạo, rất như sau:

“Mọi người đều có thể tự mình thanh luyện/tẩy rửa hoặc thực hiện công việc tạm luận phạt, bằng nhiều cách. Một trong những cách rất hay, là ngang qua việc lành thiện ta làm trong tình trạng tràn đầy ơn thánh, cả vào lúc nguyện cầu. Đọc kinh. Hãm mình. Đối xử tử tế với người khác. Chấp nhận thánh giá cuộc đời đang mang đến, vv. Một cách hay nữa, là làm một số công việc mà Hội thánh chuẩn thuận ơn lành đại xá, hoặc ân xá.

Ân xá, được Sách Giáo lý định nghĩa như “một miễn chuẩn trước hình phạt tạm, từ Thiên Chúa, do lỗi phạm ta mắc phải, nhưng đã được thứ tha. Tức là, những việc mà người tín hữu Công giáo được xá giải và nhận lãnh, chiếu theo một số điều kiện được đưa ra, ngang qua hành động của Hội thánh. Bởi, với tư cách là người thừa tác cứu chuộc, Hội thánh có thể hoá giải và áp đặt với quyền năng vốn có từ kho tàng châu báu, do Chúa Kitô và các thánh chuẩn thuận.” (SGLHTCG #1471)

Nói cách khác, khi chúng ta có được ân xá do Hội thánh chuẩn thuận, ngang qua ân huệ Chúa ban và sự cầu bàu của các thánh, cũng hoá giải một phần hoặc toàn bộ hình phạt tạm, do các lỗi ta vi phạm, tạo ra. Khi ơn đại-xá xoá bỏ tất cả mọi hình phạt tạm, thì việc đó được gọi là toàn xá. Và nếu chỉ xoá bỏ một phần nào thôi, thì gọi là tiểu xá. (GLHTCG #1471)

Tiểu xá hay toàn xá, cũng đã làm cho nhiều người, trong đó có người nghệ sĩ, cất tiếng hát:

“Bây giờ anh vui,

một linh hồn rỗi

tình yêu xứ này.” ( TCS – bđd )

Đọc thêm chút nữa, ta sẽ thấy đức thày nhà mình, nói rõ hơn:

“Như ông/bạn có đề cập trong thắc mắc cần giải đáp, thì: trong số các ơn đại xá được Hội thánh chuẩn thuận, có một ơn được phú ban vào lúc người nào đó sắp từ trần. Và, người này đã làm một việc, hoặc đã nguyện cầu theo cách nào đó, trong đời mình; nhờ đó mới được lĩnh nhận ơn đặc biệt này. Đại xá, là ơn do chính Hội thánh chuẩn thuận, mà chẳng cần có vị linh mục hiện diện, ban bố phép lành.

Muốn được ơn đại xá (hoặc toàn xá), người thụ hưởng phải ở trong tình trạng lành thánh, không dính bén lỗi phạm nào, kể cả các lỗi nặng/nhẹ, và phải đến toà cáo giải để nhận bí tích giải tội, và phải rước lễ ít ngày trước hoặc sau đó; và nhất là, phải cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.

Trong trường hợp ông cậu của ông/bạn đang vào lúc sắp ra đi, ta có chắc chắn là ông sẽ đi thẳng vào chốn thiên đường, không? Không nhất thiết là như thế. Dù ông đã hoàn thành mọi trách vụ và điều kiện coi như trong tình trạng lành thánh và lĩnh nhận bí tích, ông vẫn phải từ bỏ mọi lỗi phạm nào còn vướng víu, kể cả các lỗi nặng/nhẹ. Nghe qua thấy dễ, nhưng đây có lẽ là một trong các điều kiện khó khăn, để hoàn thành. Bởi, việc ấy giả thiết là: ta thương yêu Chúa hết lòng. Hết trí khôn. Tuy nhiên, giả như có người nào không hoàn thành mọi điều kiện cần làm để có được ơn toàn xá, thì người ấy vẫn cần đến ơn tiểu xá.

Thêm vào đó, nhằm đạt chốn thiên đường, mọi người cần được giải thoát khỏi mọi hình phạt tạm thời, do lỗi phạm mình gây ra, thì cũng nên hối hận về các lỗi mình mắc phải, kể cả các lỗi nặng/nhẹ. Và, cũng nên, bỏ đi mọi thói tật xấu xa/hèn yếu đã vướng víu do lỗi của mình.

Hiểu như thế, ta hãy nên nguyện cầu và tham dự các thánh lễ được cử hành để cầu bàu cho các linh hồn đã ra đi, dù các vị ấy đã lĩnh nhận ơn toàn xá, lúc sinh thì. Bởi, thật tình, ta cũng chẳng biết chắc là các vị ấy có đi thẳng vào chốn thiên đường, hay không.” (x. John Flader, The Catholic Weekly 5/8/2007)

Đấy, ơn toàn xá là như thế. Có thể, cũng là ý nghĩa của ca từ “một linh hồn rỗi”, mà người viết nhạc tên Công Sơn, chợt nghĩ. Nhưng thôi, người nghệ sĩ có nghĩ hay không nghĩ đến chuyện này, ta vẫn còn đôi câu hát từ môi miệng của ông:

“Sầu thôi xuống đầy, làm sao em nhớ

Mưa ngoài sông bay, lời ca anh nhỏ, nỗi lòng anh đầy..” (TCS – bđd)

Nỗi lòng của anh, ôi nghệ sĩ. Hoặc, nỗi lòng của tôi hay của bạn, ôi bạn Đạo. Bao giờ cũng đầy. Rất đầy là đằng khác. Đầy đến độ, tôi và bạn, chẳng cần lo toan, những là “chiều mưa giông tố”, “hai bàn tay đó”, “hai bàn chân mỏi”, mỏi vì mong và chờ, nữa. Nhưng dám nói:

“Bây giờ anh vui

một linh hồn rỗi,

tình yêu xứ này.” (TCS – bđd)

Bởi, Tình Yêu đó, đã có từ Đầu Hết và Cuối Hết. Bởi, Thiên Chúa sẽ chẳng giáng phạt và bỏ rơi bất cứ ai. Cả những người phạm lỗi. Rất nặng/nhẹ. Chống lại Người. Như Kinh Sách có nói:

“Thật vậy Đức Chúa,

Thiên Chúa của anh em

là Thiên Chúa từ bi:

Người sẽ không bỏ mặc anh em,

sẽ không tiêu diệt anh em.

(Đnl 4: 31)

Lại thêm nữa, một khi ai đã tin Thiên Chúa là Tình Yêu, thì người ấy sẽ chẳng bao giờ nghi ngờ lòng nhân hậu, và tình lân tuất của Người.

Và, người nghệ sĩ đã có lý, khi ông đặt đầu đề cho bài hát có ca từ “ừ thôi, em về”, là “Cuối cùng cho một tình yêu”. Tình Yêu đây, trải dàn cả lúc ta còn sống. Lẫn vào lúc sắp chết. Vào phút đầu sự. Hay phút cuối cùng cuộc đời, vẫn cứ là: cho một Tình Yêu.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn cứ tin

vào lòng nhân từ thương xót

của Đức Chúa.

Vào mọi lúc.