Monday, 26 February 2018

“Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa”



Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 2 Mùa Chay năm B 25-02-2018

“Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa”
“Một chiều xuân em đã hẹn hò
Như ươm tình trong cánh hoa mơ,
Khơi hương theo làn gió
Em bảo rằng em viết thành thơ.”
(Châu kỳ - Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa)

(Mc 1: 12-15)
Cứ đón cứ đưa, rồi lại nhung nhớ những xuân xưa, thật cũng khó. Khó hơn cả, là làm sao đưa tình tự này vào đúng với ngày vui của mọi người, không phải Xuân. Khó hơn nữa, lại là khúc nhạc rất “Marie sến” năm xưa nhưng nay vẫn ăn khách lại đã lọt vào tầm tay người viết chuyện Đạo đời, cũng rất “phiếm”.  Thôi thì, có khó thế nào đi nữa tưởng cũng đạt. Bởi, mọi người như bạn  và tôi đây, đôi khi lại cũng thích đôi ba câu nhạc xưa ấy đến bây giờ.

Sở dĩ, bần đạo bầy tôi đây bảo rằng: “đó là yêu cầu thời thượng “rất bây giờ”, là bởi nghe đâu có nhiều vị đang làm cái chuyện gọi-là: trở về với giòng nhạc “Sến” nay đi vào lòng người nên cũng lạ. Thôi thì, trước khi đi vào vấn-đề bàn bạc chuyện thần-học với học về thần, lại mời bạn và tôi, ta nghe câu hát tiếp, để xem sao. Câu rằng:

“Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa.
Hẹn gặp nhau khi pháo giao thừa.
Em đứng chờ tôi dưới song thưa.
Tôi đi qua đầu ngõ.
Hỏi nhau thầm Xuân đã về chưa.
Xuân đến xuân đi, xuân về gieo thương nhớ.
Xuân qua để tôi chờ.
Xuân đến xuân đi, xuân về mơn lá hoa,
Xuân qua rung đường tơ.

Bước sông hồ như đắm như mơ.
Trở về đây khi gió sang mùa.
Mong ước tìm cô gái Xuân xưa, cho vơi bao niềm nhớ.”
(Châu Kỳ - bđd)

Thôi thì, có nhớ xuân này hay xuân xưa, cũng chỉ là “niềm nhung nhớ” về chuyện gì đó, như chuyện rất “nhà Đạo” chẳng hạn, tưởng cũng nên coi đó như nguồn hứng thú để bạn và tôi, ta liên-tưởng đến những chuyện xa xôi, vời vợi, những thử và thách thời chay/kiêng qua bài suy-niệm rất thần-học như sau:

Trình thuật thánh Máccô được trích vào ngày đầu Mùa Chay, có đôi giòng chảy viết về thử thách với khuyến dụ khiến Đức Giêsu đi vào sự thinh-lặng những 40 ngày/đêm. 40 đây, là con số biểu tượng chỉ thời gian cũng rất dài. Dài ngày. Dài tháng. Như cuộc sống của Chúa, vẫn thấy có khuyến dụ kéo dài ngày cho đến lúc Ngài giáp mặt sự thật trên đồi Calvariô. Thử thách cùng khuyến dụ, đã đưa Chúa đi vào chốn choá ngợp ở đời thường để rồi dẫn dụ Ngài gia nhập chính Mình Ngài vào ngợp choáng ấy.

Quả là thế! Chúa choáng ngợp với khuyến dụ trở thành Đấng Mêsia, mà mọi người trông đợi. Choáng đến ngợp, khi Ngài buộc phải đặt mình trước cảnh tình quyết đối đầu, hầu có quyết định cho đúng. Choáng và ngợp, trước quyết định hành động sao cho hợp ý Chúa Cha. Choáng rồi ngợp, trước chọn lựa những 3 cách thế để thể hiện vai trò được Cha giao phó. Cách đầu, là quyết tham gia vào chốn quyền bính ngõ hầu có thể kình chống người La Mã, cũng khá khó. Cách thứ hai, là hoà nhập với người đương thời, để rồi sẽ thống trị mọi người ở chốn dân gian, trần thế.       

Chọn cách này, Ngài sẽ có thể giải quyết chuyện đói nghèo do vua quan/lãnh chúa người La Mã từng tạo ra. Thử thách và khuyến dụ như thế, là lòng ham muốn tự giải quyết hết mọi việc ở thế giới, nhất thứ là chuyện kinh-bang-tế-thế, hầu tạo nên cuộc sống rất tốt lành cho mọi người.

Và thử thách cùng khuyến dụ cuối, vẫn cứ như thánh hội, là: nhắm mắt làm ngơ chẳng cần biết sự thể ở đời sẽ ra sao. Ra sao thì ra, vẫn cứ lặng thinh đi vào chốn linh thiêng thần thánh những là ê a kinh kệ để rồi sẽ lại giao hết cho Cha nhờ giải quyết. Đó là 3 thử và thách rất khuyến dụ thấy rõ ở trình thuật được thánh Mátthêu ghi chép.

Thử và thách cùng khuyến dụ dễ thấy nhất là những thử và thách cùng dụ dỗ về quyền bính. Là, cung cách mà người La Mã khi xưa sử dụng để hòng thống trị kẻ dưới trướng. Người La Mã xưa, vẫn muốn tạo khó dễ để bổ lên đầu kẻ dưới trướng. Bổ như thế, sẽ khiến họ lại trông mong có được đấng cứu tinh nào đó khả dĩ đem họ ra khỏi mọi thứ bất ưng, vẫn kéo dài. Có lẽ, giới thống trị La Mã khi ấy đã bất lực trong sử dụng quyền thế cách sai sót, để rồi người người ở dưới vẫn phải ngóng trông đấng bậc nào khác đầy uy lực đến thay thế.

Với thử thách cùng khuyến dụ này, Giêsu Đức Chúa không những chỉ trích cung cách mà vua quan cùng lãnh chúa người La Mã sử dụng quyền bính tối cao để cai trị; Ngài cũng còn đả phá cả quyền uy/thế lực là những thứ mà Ngài chẳng bao giờ muốn tạo lấy cho Ngài. Chúa chọn cuộc sống thấp hèn không mang nặng quyền uy vật chất để Ngài có thể hoà mình với người thấp bé, chẳng khi nào có được quyền uy thế lực cũng rất mực, chốn trần gian.

Thử thách/khuyến dụ thứ hai tỏ cho Chúa, là lòng ham muốn giải quyết tệ trạng đói nghèo của thế gian. Rõ ràng vào thời Chúa sống, trạng huống này từng xảy đến. Hầu như 95% người dân Galilê vẫn sống dưới mức độ những khó cùng nghèo. Tức: họ không đủ cơm ăn áo mặc hằng ngày mà còn thiếu cả đức tính tự tin vào bản lãnh cũng như tư cách của chính họ. Thêm vào đó, là: tình trạng đau yếu, chết yểu vẫn cứ diễn ra khó lòng mà giải quyết.

Những khó khăn này, đều do vua quan lãnh chúa trần gian như Hêrôđê tạo nên bằng vào chương trình xây dựng các đền đài bề thế, khiến dân con ở dưới đã nghèo lại còn gặp nhiều uẩn khúc. Nhằm thực hiện những mưu đồ như thế, vua quan ở đời lại đã phải bổ thêm thuế má đánh trên đầu dân con thiên hạ. Thử và thách cũng như khuyến dụ đây, là tìm cho ra đấng bậc vị vọng nào khả dĩ có thể dấy lên một cuộc cách mạng để chống nạn nhũng lạm quyền thế, cùng uy tín. Chính đó là lý do để người người trông chờ Đấng Thiên Sai mau đến mà cứu vớt họ.

Thử và thách thức cuối, là: gạt sang một bên những chuyện thực tế ở đời để rồi chỉ nghĩ chuyện siêu thăng phụng thờ và tế tự. Rồi tự nghĩ: bằng vào quyền sinh sát mình tự phát, sẽ có thể buộc Chúa phải dính dự vào với suy nghĩ cùng quyết định của riêng mình hầu giải quyết cho dân con của Ngài. Thử thách và khuyến dụ ở đây, hôm nay, còn là sử dụng chốn kinh kệ/phụng thờ mà cầu Chúa ra tay giải quyết hết mọi khó khăn đang diễn ra. Người Do thái thời trước, từng sống với những thử và thách giống như thế.

Thử và thách, là khuyến dụ mình chỉ sống đời thiêng liêng/linh đạo, hơn sống cho ý định của Chúa Cha. Đức Giêsu đã nhận ra chính những thử thách và khuyến dụ như thế, là chúa tể để có thể dám tự mình gạt qua một bên ý định rất thực của Chúa. Thế nên, Ngài mới không chọn đường lối kinh kệ/sùng Đạo như đám Pharisêu từng thêm vào luật tế tự. Trái lại, Ngài đích thực tuân theo ý định của Cha, chứ không phải ý tư riêng của Ngài.

Hội thánh hôm nay cũng đang sống cùng một cảnh tình rất tương tợ. Cảnh tình, có thử và có thách thức cùng những khuyến dụ, hệt như thế. Cảnh tình, là cảnh của đấng bậc chỉ biết sống ở trên cao, những muốn người của Giáo hội phải biết ganh đua với thế trần. Ganh và đua, hầu đoạt lại quyền uy thế lực từng để mất trong chính trường, ngoài xã hội, là nơi chốn mang nhiều ảnh hưởng lên dân chúng. Thông thường thì, người người thấy Hội thánh cứ ganh đua với cơ quan từ thiện ở nhiều nơi. Vẫn muốn người đời nể trọng mình vì mình cũng từng ban phát ân huệ, tài chánh và bổng lộc cho nhiều người.

Thường thấy hơn, rõ ràng hôm nay người người đều thấy thánh hội mình chỉ lo chuyện linh thiêng chốn tháp ngà nhiều mây tầng vần vũ. Lo rồi, còn bắt Chúa đồng thuận mà tuân theo qui định do thánh hội mình đề ra. Hội thánh hôm nay cũng gặp cùng một thử thách cũng như khuyến dụ bằng nhiều cách, giống hệt như Đức Giêsu vào thời trước. Tức, cũng nghĩ rằng Chúa Thánh Thần uỷ thác cho mình làm mọi chuyện theo ý của nhóm hội phe đảng cầm quyền, chứ không là ý định của Cha. Bởi, ý của Cha luôn là ý kiến và quyết định mời thánh hội theo đường khổ ải, trầm lắng chứ không sống đời ồn ào, những là phô trương lực lượng. 

Chúng ta cũng thế. Ngày nay, ta vẫn muốn trở thành dân con đặc biệt được Chúa tuyển chọn. Tức: những người có khả năng chỉnh sửa mọi thứ, cả những thứ mình không có thẩm quyền cùng chức năng,  trọng trách. Nói tóm lại, những nghĩ mình có khả năng giải quyết hết mọi chuyện trong huyện/ngoài đời dù nhiều lúc không được Cha uỷ thác. Dù, nhiều khi chính mình cũng không rành rẽ, bằng người đời.

Nhiều lúc, Hội thánh những muốn lôi kéo Chúa vào với lập trường rất riêng tư của một nhóm người chưa thành thánh, vẫn muốn dân con Đạo mình luôn ở bên trên. Trên mọi cơ chế, hoặc tôn giáo khác. Trên mọi sự. Hơn mọi người. Chính vì lý do này, mà một số người trong Đạo ngoài làng, nay bớt tin vào thánh hội của Chúa, dù vẫn tin vào tình thương của Ngài đối với mọi Đạo. Mọi người.

Nhiều lúc, Hội thánh cũng đối xử với con dân trong Đạo như khách lạ người dưng, cùng lắm chỉ như kẻ đứng ngoài dự khán, không hơn không kém. Thế nên, mới bỏ giờ ra mà thêm thắt cho diện mạo Đạo mình thêm phần hấp dẫn. Chính vì thế, nên người người mới không thấy được ý nghĩa của cuộc sống đích thực, trong Đạo. Không còn mong đợi Hội thánh giúp mình sống xứng hợp với Lời của Chúa. Lời, làm sống dậy như Chúa từng khuyên dạy.

Nhiều vị trong thánh hội của ta, vẫn sống cuộc đời phụng tự, cũng rất thật. Nhưng, quá đặt nặng hình thức rất lễ nghi, chỉ muốn điệu võ dương oai, nên đôi lúc hiểu sai ý nghĩa niềm tin rất thực. Nói tóm lại, dân con Hội thánh nay có lúc đặt quá nặng phần hình thức với diễn trình, cốt để khuyến dụ nhiều người vào Đạo, và theo Đạo. Phải chăng, đó cũng là thử và thách rất khuyến dụ, thời hôm nay.

Nếu quả có thế, cũng nên nguyện cầu cho thánh hội mình có lại cơ hội lướt thắng chính mình, mà hồi hướng trở về với con đường chính mạch do Đức Giêsu vạch ra. Hội thánh nói ở đây vẫn là mỗi người và mọi người trong thánh hội Công giáo rất La Mã, chứ không chỉ là cơ chế mạnh mẽ, rất Vaticăng.” (X. Lm Kevin O’Shea CSsR, Lời Chúa Sẻ San, Chúa Nhật Thứ 1 mùa Chay năm B, nxb Hồng Đức 2014, tr. 66-70)

Nguyện cầu cho Hội thánh của Chúa, là nguyện và cầu trong tâm tưởng có những lời ghi chép một dặn dò khi xưa rằng:

“Sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xatan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.

Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1: 12-15)

Thử thách và nguyện cầu thật liên-tu bất-tận, để rồi có được những tâm-trạng chịu được tất cả. Chịu đựng, để cùng chung một tâm-trạng như Đức Giêsu từng chịu vào hồi ấy, cũng không ít. Thử thách và nguyện cầu, để rồi sẽ bất chấp mọi sự mà cùng vui với người vui, khổ với người khổ, trong mọi sự.

Nguyện cầu thật lâu và thật nhiều, rồi cứ theo cơn trầm-thống, trỗi dậy mà ngẩng đầu lên rồi cũng sẽ vui vẻ với mỗi người và mọi người, qua truyện buồn/vui đầy kể lể gọi là “Câu chuyện của cha xứ vùng Angevin giúp chúng ta tập trung vào điều thiết yếu” như sau:

Có ai chưa bao giờ bực mình vì ca đoàn hát sai, vì linh mục giảng quá dài, vì người bên cạnh dám nghe điện thoại cầm tay không? Cám dỗ quá lớn đối với một số người, họ tức tối và bỏ nhà thờ ra đi không trở lại! Linh mục Matthieu Lefrançois, cha xứ họ đạo Thánh Antôn ở Angers tìm được một bài trên Facebook của “Giáo hội Công giáo Guinea” để kêu gọi chúng ta chỉ tập trung nhìn Chúa Kitô.

“Một thanh niên trẻ đến gặp một linh mục và nói:
– Thưa cha, con không đi nhà thờ nữa!
Linh mục hỏi:
– Vậy à, con có thể cho cha biết lý do không?
Người thanh niên trả lời:
– Lạy Chúa tôi, ở đây con thấy cô này nói xấu cô kia; anh đọc Sách Thánh đọc dở; ca đoàn vừa chia rẽ vừa hát sai; người đi xem lễ chỉ chăm chăm nhìn điện thoại, đó là không nói đến ngoài nhà thờ họ là những người ích kỷ, cao ngạo…
Linh mục nói với anh:
– Con có lý. Nhưng trước khi dứt khoát rời nhà thờ, con có thể làm cho cha việc này: con rót một ly nước đầy, rồi đi quanh nhà thờ ba vòng mà không làm đổ một giọt. Sau đó, con có thể bỏ nhà thờ.
Người thanh niên tự nhủ: quá dễ!
Và anh đi ba vòng như cha xứ dặn. Đi xong, anh về nói với cha:
– Rồi, con đi xong rồi.
Linh mục hỏi:
Khi con đi, con có thấy cô này nói xấu cô kia không?
Người thanh niên trả lời:
– Thưa cha không.
Con có thấy người này người kia thờ ơ với nhau không?
Người thanh niên:
– Thưa cha không.
Con có thấy người này người kia chúi mũi vào điện thoại không?
Người thiên nhiên:
– Không, con không thấy.
– Con có biết vì sao không con không thấy không: Vì con tập trung để ly nước không bị đổ. Con biết… cuộc đời cũng vậy. Khi tâm hồn chúng ta tập trung vào Chúa Kitô, thì chúng ta không có thì giờ để nhìn các sai lầm của người khác. Ai ra khỏi nhà thờ vì các kitô hữu đạo đức giả thì chắc chắn họ cũng không vào nhà thờ vì Chúa Giêsu”.

Nghe kể thế rồi, thiết tưởng bạn và tôi, sẽ không còn lý do gì để phàn nàn hoặc than-phiền về cuộc đời người lắm thứ chuyện lỉnh-kỉnh chẳng ra làm sao, nhưng vẫn chấp-nhận, để còn sống những ngày cuối cuộc đời mình, cũng vui tươi, san-sẻ với mọi người.

Nhận-định thế rồi, nay xin đi vào kết-đoạn của mục “phiếm-luận” dài giòng, chẳng ra làm sao. Nhưng vẫn mong bạn bè chấp-nhận cái sự thể “chẳng ra làm sao” ấy cho an-bình cuộc đời, của riêng tôi.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn cứ xin bạn bè
Những chuyện lẩm cẩm
Đến độ thế.


Saturday, 17 February 2018

“Người ơi một mai nếu tôi đi rồi”

Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 1 Mùa Chay năm B 18-02-2018

“Người ơi một mai nếu tôi đi rồi”
Thì nghìn lần thương cũng thế mà thôi
Tình em và tôi dẫu chưa đẹp đôi
Hãy quên những chiều mưa rơi
Giấc mơ nhớ đến tôi.”
(Minh Kỳ & Hoài Linh – Nếu Một Mai Anh Biệt Kinh Kỳ)

(Thư Do thái 7: 11-12/Cor 7: 32-35)

Đành rằng, khi viết những lời như thế, nghệ-sĩ nhà mình chỉ muốn diễn tả tâm-trạng người đi kẻ ở thời chinh chiến, mà thôi. Nhưng, giả như bạn và tôi, nay ta lại hát cho nhau nghe những lời tỉ tê này, ê ẩm này, hẳn ta lại sẽ nói lên những điều ít khi thấy.

Thật ra thì, bần đạo bầy tôi đây chẳng muốn lê thê nhiều điều khó nói cho bằng chỉ nhân cơ hội viết chuyện phiếm, những muốn lai rai nói dài dài về nhiều thứ/nhiều sự trong Đạo/ngoài đời, thôi. Vậy thì, xin hỏi: nhiều thứ và nhiều sự ấy là những gì mà ghê thế. Thì đây, xin thưa cùng bầu bạn như sau:

Số là, mới đây bần đạo bầy tôi nhận được bài viết trên báo Úc có những điều cần chuyển đến chư vị đồng bào như một “chứng-cứ” bảo rằng tôi đây vẫn còn sống. Vì vẫn sống, nên vẫn phải ỏ-ê/lê-thê với bạn bè, như mọi lần trong đời mình.

Tuy thế, trước khi đi thẳng vào vấn-đề để mạn bàn xin phép dẫn bạn và đưa tôi đi vào câu chuyện kể về “Đời người” có những nhận-xét cũng chí-lý, như sau:

Con cáo phát hiện một chuồng gà, nhưng con cáo đó vì quá mập nên không thể chui lọt qua hàng rào để ăn gà. Thế là nó nhịn đói suốt ba ngày, cuối cùng đã vào được

Tuy nhiên, sau khi ăn no nê rồi, chiếc bụng phình to nên lại không ra được nữa, đành phải bắt đầu nhịn đói lại ba ngày mới ra được. Cuối cùng nó xót xa than thở rằng, bản thân mình ngoài nhất thời sướng miệng ra, trên cơ bản hoàn toàn là phí công vô ích.

Đời người không phải cũng như vậy sao. Đến trần truồng mà ra đi cũng trần truồng. Không ai có thể mang theo tài sản và danh vọng mà mình đã vất vả kinh doanh một đời để theo cùng.

Dùng tuổi trẻ để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua lại được tuổi trẻ;
Dùng mạng sống để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua lại được mạng sống;
Dùng hạnh phúc để đổi lấy tiền, nhưng tiền lại không mua lại được hạnh phúc;
Dùng thời gian để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua lại được thời gian.
Cho dù dùng cả cuộc đời để có được tất cả tiền bạc của cả thế giới, nhưng tiền bạc của cả thế giới cũng không mua lại được cuộc đời của bạn.

Bởi thế nên, những lúc cần làm việc thì hãy làm việc, những lúc nên nghỉ ngơi thì hãy nghỉ ngơi, vui vẻ làm việc, tận hưởng cuộc sống, trân quý tất cả những gì mà mình có được, hãy yêu thương những người mà bạn yêu thương, vui vẻ mà sống trọn từng ngày.

Sống một ngày vui vẻ là sống một ngày,
Sống một ngày không vui vẻ cũng là sống một ngày……
Vậy tại sao ta lại không trân quý hết thảy, vui vẻ mà sống trọn một ngày chứ!” (ST sưu tầm)

Cứ sự thường, thì: cuộc đời người là như thế. Nhưng, lời hát ỉ-ôi/đưa tiễn ở đây, có thể, lại cũng là lời của chư vị nào đó thốt ra trước khi lên đường chọn cuộc sống có hơi khác. Sống độc-thân một mình, không chung-chạ với người khác phái, như câu hỏi/đáp giữa các bậc vị vọng, như sau:

“Thưa Cha,
Một trong các khuyến-cáo hoặc đề-xuất của Uỷ ban Hoàng-gia về phản-ứng đối với vụ/việc xâm-phạm tình dục với đám trẻ, là lề-luật buộc các linh-mục phải sống độc-thân, là việc tự-nguyện. Thế thì, đây có là điều kiện khiến Giáo-hội phải suy-tư nhiều để có thể áp-đặt trên mọi người, không? Xin Cha cho biết để bà con ta không còn thắc mắc những chuyện như thế nữa.

Cứ sự thường, khi có bổn-đạo gửi thư vấn-nạn về chuyện này/sự nọ, chí ít là chuyện “sống độc-thân đời linh-mục”, ắt hẳn đấng bậc nhà Đạo cũng sẽ điều-nghiên đôi ba phút rồi lấy giấy bút trả lời/trả vốn cho rộng đường dư luận. Và hôm nay, Đức thày nhà mình đã viết xuống câu giải đáp như sau:

“Tôi muốn đưa ra đây, 3 điểm cốt-yếu để trả lời cho câu hỏi của anh/chị.
Thứ nhất, thực ra đời độc-thân linh-mục luôn là việc tự-nguyện. Thành thử, câu anh/chị hỏi có thể khiến nhiều người nhíu lông mày tự bảo: Ấy chết! Có chuyện gì ghê gớm thế?

Nếu bảo rằng, chuyện sống đời độc-thân linh-mục là việc tự-nguyện, có nghĩa là: khi ứng-viên chọn sống đời linh-mục, ắt hẳn các vị này đều biết là: cuộc sống ấy luôn đòi hỏi mình phải sống độc-thân/ở vậy, tức: điều đó có nghĩa là mình đã tự chọn cuộc sống rất như thế, chứ chẳng có ai bắt buộc mình phải làm thế, hết.

Giả như ai đó chọn tuân theo tiếng gọi của Chúa để trở-thành linh-mục, thì người ấy dư biết là mình đang bước vào cuộc sống “ở vậy”. Và anh đã có tự-do mặc lấy cho mình tình-trạng đơn-độc, cũng tựa hồ như người chọn cuộc sống lứa đôi đã tự buộc mình phải thuỷ-chung với người phối-ngẫu, như đã thề hứa.

Dạo trước, tôi cũng từng viết trên tuần báo này một số bài viết có tính cách giải-đáp thắc-mắc được ban biên-tập gom gộp lại rồi in thành sách giải-đáp, trong cuốn số 3 trang 377, tôi từng khẳng định, là: ở thế-kỷ đầu đời, khi ấy các linh-mục được phép có gia-đình lại được ăn/ở với người nữ vợ mình, thì cả vào lúc ấy, các ngài cũng đã tình-nguyên kiêng cữ không ăn nằm với người phối ngẫu, suốt đời mình. Mãi về sau, đặc-biệt: kể từ ngày Giáo-hội mở ra Công Đồng Tri-đen-ti-nô hồi thế-kỷ thứ 16, các đấng bậc nhà mình mới thôi không lập gia-đình với ai, hết. Lúc ấy, ơn gọi độc-thân linh-mục đã nở rộ và người ta thấy nhiều chàng trai thế-hệ cứ là liên-tu ứng-đáp lời gọi, một cách thoải mái.

Nay, có hơn 100 ngàn chủng-sinh trên thế-giới đang chuẩn-bị chịu chức linh-mục theo nghi-thức La-Mã. Và, các vị đều tự chọn cho mình cuộc sống độc-thân, không lấy vợ. So với số linh-mục hiện-hành trên toàn thế-giới, thì cứ 4 vị thực-thi chức linh-mục hiện-hành lại có 1 chủng-sinh chuẩn-bị chấp-nhận đời sống đơn-độc, tự-nguyện, tức: một tỷ-lệ không nhỏ dự báo tương lai ngày một sáng-chói.

Hai nữa là, đời sống độc-thân linh-mục là chuyện tự mình định ra một thứ kỷ-luật cho mình, chứ không phải là giáo-lý/tín-điều nào hết. Và, với tư-cách là giới có thẩm-quyền thì: Giáo-hội có thể thay-đổi thể-chế này vào bất cứ lúc nào các ngài thấy thuận-lợi; tuy nhiên, tương-lai gần, ta chưa thấy dấu-hiệu nào cho biết các ngài sẽ làm như thế.

Như mọi người đều biết, Giáo-hội Đông Phương cũng cho phép linh-mục được lập gia-đình đấy, và có nhiều linh-mục theo nghi-thức La tinh cũng có gia-đình như Giáo hội Đông Phương hoặc Anh Giáo, hoặc các vị thuyên-chuyển từ các Giáo phái Thệ Phản qua Công giáo đấy, nhưng rõ ràng ra, tự thâm tâm, các đấng chủ quản Giáo hội hiện không thấy có gì mù mờ về chuyện duy-trì tình-trạng độc-thân linh-mục như ta thấy xảy ra trong nhiều thế-kỷ. Riêng, Thượng Hội-đồng Giám mục họp toàn-thể năm 1990 về đào-tạo linh-mục, cũng có nói:

“Thượng Hội-Đồng Giám mục không muốn tạo nghi-ngờ cho bất cứ ai về việc Giáo-hội La Mã cương-quyết duy-trì luật buộc các ứng-viên linh mục phải tự do và mãi mãi chọn đời sống độc-thân. (X. Đề-cương 11 trong Hiến-chế “Pastores dabo vobis” do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ Nhị chủ-trương, ở ghi chú số 29).

Cũng nên nhớ, các Giám mục hôm ấy nói rất rõ chuyện “đời sống độc thân phải là việc tự chọn.”
Và, các nghị-sự trong Thượng Hội Đồng Giám mục hôm ấy, còn cho biết là: các ngài muốn coi việc sống độc-thân linh-mục được trình-bày như “món quà quí-báu do Chúa ban tặng Giáo-hội; và coi đây là dấu-hiệu của Vương Quốc không thuộc về thế-gian, mà là dấu-chứng tình Chúa thương-yêu thế-gian, đồng thời là dấu-chỉ tình-thương không san-sẻ của linh-mục đối với Chúa và với dân con Ngài, cuối cùng thì: đời độc-thân được coi là điểm nhấn khiến đời sống linh-mục được phong-phú-hoá, một cách tích-cực.” (sđd)

Cũng nên ghi trong đầu một điều là: Úc Đại Lợi chỉ là một phần-tử nhỏ của Giáo-hội toàn-cầu với 5 triệu rưởi người Công-giáo so với số tổng cộng là 1 tỷ 3 trăm triệu tín-hữu trên toàn thế-giới.

Giáo-hội ta nhất quyết sẽ không mảy may thay-đổi cả một truyền-thống từng trụ suốt từ đầu; và, sẽ không kể gì lời đề-nghị nhỏ của Uỷ-ban Hoàng-gia be bé từ một đất nước không mấy lớn ở Nam Bán Cầu.

Thứ ba, theo thiển ý, cũng không nên hiểu rằng: việc cho phép linh-mục Công-giáo được lập gia-đình là câu trả lời phải lẽ hầu ứng-đáp sự/việc hàng giáo sĩ xâm-phạm tình-dục con trẻ ở đâu đó. Kiến-thức thông-thường cho ta biết: phần lớn các vụ xâm-phạm tình dục trẻ con lại cũng do thành-viên hoặc bạn bè của nạn-nhân trong gia-đình phạm phải; có thể là người cha ruột, cha ghẻ, chú, bác, cậu hoặc anh, em, cháu hoặc bạn bè của gia đình phần lớn không hoặc chưa có vợ.

Đây là phát-giác của Tài-liệu Nghiên-cứu/Khảo-sát về chuyện an-toàn riêng-tư gọi là Personal Safety Survey tổ-chức vào năm 2005 do Phòng Thống-kê Úc thiết-lập. Bản Khảo-sát này cho thấy là: người được hỏi trong lần khảo sát này là những người từng trải-nghiệm chuyện xâm-phạm tình-dục vào trước độ tuổi 15, 13,5% số người được định-danh nói rằng sự việc nói trên xuất tự cha ruột hoặc bố ghẻ vi-phạm, 30.2% do thủ-phạm là người thân/quen phái nam, 16.9% do bạn-bè trong gia-đình, 15.6% do quen biết hoặc hàng xóm/láng giềng, và 15.3% do người nào đó mà gia đình từng biết đến.

Giải-pháp đích-thực cho vấn-đề này (đã được áp-đặt cho mọi chủng-sinh của ta) là việc thanh-lọc các ứng-viên đi tu làm linh-mục trước khi những người này bước vào chủng-viện, cốt gạt bỏ các nam-nhân nào có định-hướng hoặc toan-tính tình-dục khiến họ dễ dấn thân vào những vụ xâm-phạm tình-dục tương-tự.

Nay, ta hãy cùng nhau nguyện-cầu Chúa ban phát ân-huệ để rồi các biện-pháp phòng ngừa ấy có kết-quả mỹ-mãn.  Thật sự thì, cho linh-mục được phép lập gia-đình không là giải-đáp thoả-đáng, đâu. (X. Lm John Flader, Clearing up the confusion about clerical celibacy, The Catholic Weekly 07/01/2018 tr. 15)      
    
Hệt như thánh Phaolô có ghi ở bức thư gửi cộng-đoàn Corinthô có những lời như sau:

Tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng chồng.

Tôi nói thế là để mong tìm ích lợi cho anh chị em, tôi không có ý gài bẫy anh chị em đâu, nhưng chỉ muốn đề nghị với anh chị em một điều tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co.” (1Cor 7: 32-35)


Thế đấy, là chuyện của người đi Đạo sống trong đời. Còn đây, lại là chuyện phiếm riêng-tây về cái-gọi-là “Ngân Hàng thời-gian” cũng do bạn ST sưu tầm:

“Có một ngân hàng, mỗi buổi sáng, cung cấp vào tài khoản của bạn 86.400 USD.

Số dư trong tài khoản không được phép chuyển từ ngày này qua ngày khác.
Mỗi buổi chiều, ngân hàng sẽ hủy bỏ hết số dư còn lại mà bạn đã không dùng hết trong ngày.

Bạn sẽ phải làm gì ?Sử dụng hết số tiền đó, dĩ nhiên!
Mỗi người trong chúng ta đều có một ngân hàng như vậy. Tên ngân hàng là THỜI GIAN.
Mỗi buổi sáng, ngân hàng này cung cấp cho bạn 86.400 giây.

Vào mỗi buổi tối, ngân hàng sẽ xóa bỏ, coi như bạn mất, thời gian mà bạn không đầu tư được vào các mục đích tốt.

Ngân hàng không cho phép bạn được để lại số dư trong tài khoản.
Cũng không cho phép bạn bội chi.

Mỗi ngày, ngân hàng lại mở một tài khoản mới cho bạn.
Mỗi tối nó lại hủy hết những gì còn lại trong ngày.
Nếu bạn không dùng được hết thời gian mà bạn có trong ngày, người bị mất chính là bạn.
Không có chuyện quay lại ngày hôm qua.

Không có chuyện tiêu trước cho “ngày mai”.
Bạn phải sống bằng những gì bạn có trong tài khoản ngày hôm nay.
Hãy đầu tư vào đấy bằng cách nào đó, để bạn có thể nhận được nhiều sức khỏe, hạnh phúc, và thành công nhất!
Đồng hồ vẫn đang chạy.

Hãy cố thực hiện thật nhiều trong ngày hôm nay.
Để biết được giá trị của MỘT NĂM, hãy hỏi một học sinh bị ở lại một lớp.
Để biết được giá trị của MỘT THÁNG, hãy hỏi một người mẹ sinh con thiếu tháng.
Để biết được giá trị của MỘT TUẦN, hãy hỏi biên tập viên của một tuần báo.
Để biết được giá trị của MỘT GIỜ, hãy hỏi những người yêu nhau đang mong chờ được gặp nhau.
Để biết được giá trị của MỘT PHÚT, hãy hỏi một người bị lỡ chuyến tàu.
Để biết được giá trị của MỘT GIÂY, hãy hỏi một người vừa thoát khỏi một tai nạn.
Để biết được giá trị của MỘT PHẦN NGÀN GIÂY, hãy hỏi người vừa nhận được huy chương bạc trong kỳ thi Olympic.Hãy quý trọng từng giây phút mà bạn có!

Và hãy nên quý thời gian hơn nữa. Bởi vì bạn đang chia sẻ thời gian đó với ai đấy thật đặc biệt đối với bạn, đủ đặc biệt để có thể chia sẻ thời gian của bạn.

Và hãy nhớ rằng thời gian chẳng chờ đợi ai cả.
Ngày hôm qua dã là lịch sử. Ngày mai là một bí ẩn.
Hôm nay là quà tặng. Cũng vì vậy mà nó được gọi là PRESENT!
(có nghĩa là HIỆN TẠI, mà cũng có nghĩa là QUÀ TẶNG ).
 Bạn bè thật sự là một loại nữ trang quý hiếm.
Họ khiến bạn mĩm cười và khuyến khích bạn thành công.
Họ lắng nghe bạn, họ chia sẻ với bạn những lời khen tặng,
và họ luôn muốn mở trái tim ra với chúng ta.
Hãy gởi những lời này đến với ai mà bạn xem như BẠN MÌNH,
Và nếu những dòng này lại trở về với bạn, bạn ắt biết rằng bạn đang có một vòng tròn bạn hữu. (Sưu tầm)

Những giòng chảy ở trên, dù chỉ là lời lẽ do nghiên-cứu-gia Sưu Tầm kể lại đề thấy rằng: mình cũng nghĩ-suy lung lắm, nhưng thực-tế cuộc đời người vẫn còn nhiều chuyện để ta “Phiếm”, cả trong Đạo lẫn ngoài đời.

Chuyện Phiếm trong Đạo hôm nay, lại cũng có giòng chảy đầy những chữ mang trọn nguồn tư-tưởng không dễ tiêu hoá hoặc nuốt chửng, nhưng đòi nhiều thời gian để ta suy và nghĩ. Suy đi và nghĩ lại, rồi sẽ thấy mọi sự cũng “có cái lý của nó”, rất đương-nhiên.

Vậy, mời bạn và tôi, ta thử để mắt xem “cái lý” ấy nó ly-kỳ ra sao? Đến độ nào? Và, ta hãy cứ suy và nghĩ về cái-gọi-là 7 điều đúc-kết về đời người” như sau:

1. Đời người
Chọn đúng thầy dạy, trí tuệ một đời; chọn đúng nửa kia, hạnh phúc một đời; chọn đúng môi trường; vui vẻ một đời; chọn đúng bạn bè, ngọt ngào một đời; chọn đúng sự nghiệp, thành công một đời.

2. Những cái nhất của con người
Sức khỏe là món quà quý nhất; biết đủ là giàu có nhất; lương thiện là phẩm chất tốt nhất; quan tâm là lời hỏi thăm chân thành nhất; lo lắng là nỗi nhớ nhung vô tư nhất; chúc phúc là ngôn từ đẹp đẽ nhất!

3. Đường và cây
Vợ/ chồng là đường, bạn bè là cây. Đời người chỉ có một con đường, trên con đường đó có nhiều cây; lúc có tiền chớ quên đường, khi hết tiền, hãy dựa vào cây; lúc vui vẻ chớ lạc đường, khi nghỉ ngơi hãy chăm sóc, tưới tắm cho cây.

4. Làm thế nào để hưởng thụ cuộc sống
Đời người rất ngắn, tại sao không dùng thái độ tích cực để đối diện với mọi vui buồn của cuộc sống? Bạn bè, nên thường xuyên giữ liên lạc, đừng quá quan tâm đến chi phí cho một cuộc gọi là bao nhiêu, rảnh rỗi gửi một tin nhắn hỏi thăm nhau, bạn sẽ tìm thấy những niềm vui nhỏ len lỏi vào cuộc sống mỗi ngày.

5. Hạnh phúc
Đời người có nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc, nghĩ thông sẽ biết đủ. Những lúc cơ hàn đói khổ, có một bữa no đã là hạnh phúc. Lúc làm việc vất vả, được nghỉ ngơi đã là hạnh phúc. Lúc cô đơn một mình, có bạn cũng đã là hạnh phúc. Phúc, lộc xuất phát từ cái tâm, lòng luôn chính trực thẳng ngay, sẽ có phúc lớn!

6. Bình an là được
Tiền nhiều hay ít, thường xuyên có là được; người xấu hay đẹp, nhìn thuận mắt là được. Người già hay trẻ, khỏe mạnh là được; nhà giàu hay nghèo, vui vẻ là được. Ai đúng ai sai, hiểu nhau là được. Sống một đời người, bình an là được.

7. Biết sống
Đừng để quá mệt mới nghỉ, quá đói mới ăn. Đã thích thứ gì, hãy cứ mua, không cần cân nhắc đắt rẻ; Có thời gian hãy hẹn những người bạn thân thiết trò chuyện, ăn uống, vừa để gắn kết tình bạn, vừa để làm mới bản thân. Biết kiếm tiền cũng cần phải biết tiêu tiền, có như thế cuộc sống mới thú vị, nhiều màu sắc.”  (Nguồn: http://sohanews.sohacdn.com/zoom/640_400/2017)

Đọc những giòng ở trên xong, hẳn bạn và tôi, ta cũng “tâm đắc đầy mình” để rồi đưa chuyện “đời người” vào đời mình, cũng nhanh chóng thôi. Và rồi cứ thế, ta hát tiếp những câu sau để kết thúc câu chuyện phiếm lai rai, đường dài, mà rằng:  

“Mình vui được sao nếu chưa thanh bình
Từng đoàn trai đi viết sử xanh
Thì gian nhà xinh vắng vắng đi mình anh
cũng thôi chớ buồn em nhé
tiễn đưa nhớ ngày đăng trình.

Tám hướng bốn phương trời mây
thôi nhé anh đi từ đây
Kỷ niệm nào không có vui hay buồn
chiều nào không có hoàng hôn
tình nào hơn nước non.

Rồi đây một mai lối xưa tôi về
Kể chuyện buồn vui hai đứa mình nghe
Một gian nhà tranh giấc mơ đềm êm
lắng nghe tiếng nhịp con tim
hai người gọi chung một tên”...


Trần Ngọc Mười Hai
Cũng hạ quyết tâm
Sẽ làm thế.