Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 6
thường niên năm B 11-02-2018
“Con gái nói không là có”
Con gái nói một là hai
Con gái nói hai là một
Con gái nói ghét là thương
Con gái nói thương là ghét đó
Con gái nói giận là giận yêu
Con gái còn yêu là còn giận.”
(Ngọc
Lễ - Con Gái)
(1Timôtê 2: 9-13)
Thời
buổi này mà còn phân-biệt trai/gái hoặc bàn chuyện đổi giới, phải chăng là chuyện
thừa, thật hết ý? Vâng. Rất đúng. Chính vì hết cả ý-tưởng lẫn đề-tài luận-phiếm
lăng-nhăng cho “qua ngày đoạn tháng”, nên bần đạo bầy tôi đây mới phải thế.
Thế
nhưng. Trước khi đi vào chuyện lăng-nhăng không hết ý, xin cứ là mời bạn và tôi,
ta nghe câu hát tiếp hơi buồn một chút, rồi bàn tiếp. Nghe và bàn, là lắng tai và
để ý đến câu ca/điệu nhạc lỉnh-kỉnh như sau:
“Đừng
nghe những gì con gái nói.
Đừng nghe những gì con gái nói.
Con gái nói nhớ là quên.
Con gái nói quên là nhớ.
Con gái nói buồn là vui.
Con gái nói vui là buồn.
Con gái nói không biết ghen.
Là ghen như điên đấy nhé.
Con gái nói không biết yêu.
Là yêu đến quên đường về.
Đừng nghe những gì con gái nói.
Đừng nghe những gì con gái nói.
Hãy nhìn vào đôi mắt em đây.
Hãy nhìn vào tận trái tim này.
Hãy nhìn vào đôi mắt thơ ngây.
Anh sẽ hiểu được trái tim em.
Trời có lúc nắng lúc mưa.
Trời có lúc mưa lúc nắng.
Con gái có lúc hiền như nai.
Con gái có khi như bà chằng.
Trời vẫn cứ nắng cứ mưa.
Con gái lúc mưa lúc nắng.
Con gái thế đấy bạn ơi.
Mà sao con trai các anh theo dài dài.
(Ngọc Lễ - bđd)
Quả là
thế. Sống đời đi đạo, mà lại mang trong mình những chuyện không đáng ta quan-tâm/bàn-bạc
chút nào, nhưng vẫn phải nói và viết trên giấy, là bởi vì không còn gì để nói cho
hết ý. Thế nên, hôm nay bần đạo lại xin mời bạn và tôi, ta đảo mắt nhìn vào bài
“phiếm” trên mạng vi-tính có đầu đề “hơi bị” dài, như sau:
“10 dấu hiệu cho thấy bạn được Đức Phật che chở
nhờ tu thân tích đức, luyện từ kiếp trước:
Người có phúc nhờ tu thân tích đức từ nhiều kiếp sẽ
luôn được như ý trong mọi chuyện ở cuộc sống, nếu gặp 10 dấu hiệu dưới đây, bạn
quả thật rất may hơn nhiều người.
Những dấu hiệu ấy như sau:
1. Gặp lúc khó khăn luôn thấy có lối thoát
Mọi người sẽ gặp không ít khó khan/trở ngại trong
cuộc sống, và nếu tìm được lối thoát một cách nhanh chóng như xuất hiện tình
huống thuật lợi bất ngờ hoặc có người kịp đến hỗ trợ, thì người đó chắc chắn có
phúc nhờ tu thân tích đức từ kiếp trước.
2. Đem lại điều may mắn cho người khác
Nếu có người được hưởng ít/nhiều cơ may từ bạn, thì
điều đó chứng tỏ bạn là người rất có phúc. Ví dụ như khi đi chợ thấy hàng quán nọ
ế ẩm, mà bạn vừa sà vào có ý định mua thứ gì đó thì nhiều khách hang khác cũng ùa
tới, như vậy là bạn đã mang đôi chút phúc/lộc của mình cho người chủ hưởng. Ai
đang kém may lại được giao du với bạn và thay đổi vận-mệnh của mình, thì chắc
hẳn người đó được hưởng phúc/lộc do từ bạn truyền sang.
3. Luôn được tai qua nạn khỏi
Nhiều lúc nhẽ ra bạn phải gánh chịu một vận hạn nặng
nề nào đó nhưng không hiểu vì sao những người khác đều bị vận, còn bạn thì
không. Ví dụ như trong vụ tai nạn tập thể nọ, nhiều người bị thương hoặc mất
mạng, nhưng bạn lại không hề hấn gì, dù đi cùng một chuyến xe. Hay có dịch tễ/bệnh
tật lây lan gần như ai cũng mắc phải, mà bạn lại không sao cả, tức là: bạn đang
hưởng nhiều phúc đức nên được bảo hộ.
4. Bạn có nhiều bạn bè quý mến
Người có phúc cũng là người có nhiều bạn bè đối xử tốt với họ. Không phải ai cũng có được diễm
phúc đó. Khi bạn gặp khó khăn sẽ gặp không ít người sẵn sàng ra tay vực đỡ bạn
dậy, đó là do bởi phúc đức của mình đem đến chứ không là ngẫu nhiên đâu.
5. Làm việc gì cũng thành-đạt
Bạn kinh doanh, làm việc tại công sở hay làm bất cứ
điều gì, đều tốt đẹp hơn nhiều người khác. Ví dụ mình sinh sống trong cùng một dãy
phố kinh doanh cùng một mặt hàng, mà bạn lại luôn đắt khách hơn người khác trong
khi cả dãy ế ẩm, thì hàng hoá do bạn kinh-doanh cứ bán chạy đều đều. Đơn giản
là vì họ không có phúc/đức tích-tụ từ kiếp trước như mình.
6. Bạn có được người vợ hay người chồng thật lý
tưởng
Người có phúc là nhờ tu thân/tích đức sẽ gặp được ý
trung nhân hết lòng với mình. Nếu không vì có phúc đức tích-tụ từ kiếp trước, thì
chắc chắn cô ấy hay anh ấy sẽ không hết lòng yêu thương/chung thủy với bạn như
vậy đâu. Hãy lết long cảm ơn Bề Trên vì mình đã tu thân/tích đức từ kiếp trước để
ngày nay được may mắn hơn nhiều người.
7. Con cái bạn ngoan ngoãn, giỏi giang
Người có phúc chắc chắn sẽ sanh hạ được những đứa
con ngoan ngoãn/giỏi giang, có hiếu với cha mẹ. Không phải ai cũng có được cái
phúc này đâu, thế nên bạn hãy trân trọng.
8. Bạn có ngoại hình đẹp đẽ
Người có phúc thường được Ơn Trên ban cho ngoại hình
đẹp đẽ và cân đối. Không phải ai cũng có cái may được sinh ra với khuôn mặt khả
ái và thân hình quyến rũ. Hãy cám ơn Bề Trên đã dành cho mình ưu-đãi ấy.
9. Bạn ít khi đau ốm
Người có phúc chắc chắn sẽ sống thọ và có sức khỏe
tốt hơn người bình thường. Những bệnh vặt như ho hen, cảm cúm hay ốm đau không
bao giờ chạm tới bạn được, đơn giản vì phúc dày đức cao đã giúp bạn có được
điều này.
10. Bạn là người tin vào nhân quả
Đây là điểm quan trọng đối với người có phúc đức quả
báo nhãn tiền. Người tin vào nhân quả sẽ sống lương thiện và hành xử đúng với
đạo Trời. Họ làm thế sẽ càng tích thêm phúc đức cho bản thân nhiều hơn.
Nếu có những dấu hiệu này, bạn chắc chắn là người có
phúc, con cái, cha mẹ hay bạn bè của bạn nhờ đó được hưởng may mắn. Nhưng để
phúc đó được bền, bạn càng phải sống tốt, sống lương thiện, chân thật và khoan
dung hơn. Cứ tin vào phúc đức tự tại, bạn sẽ không chịu thiệt bao giờ hết.” (trích dẫn đôi điều từ quan niệm của ai đó ở trên mạng).
Gọi là 10 dấu hiệu
về ơn Trời/Phật, chứ thật ra có cả trăm, cả ngàn thứ đáng để ta lưu-tâm lưu/chú
ý, hơn. Lưu tâm/chú ý, là cốt cho mọi người nhìn lại đời mình, mới thấy sự thật
trên đời khá phức-tạp, tức những điều mà nhiều người vẫn bị cuộc sống thực-tế
lôi-cuốn, nên không nhìn nhận.
Bởi thế nên, nghệ
sĩ mình vẫn gợi ý những điều trên bằng lời ca/câu hát, tiếp ngay sau:
“Đừng
nghe những gì con gái nói.
Đừng nghe những gì con gái nói.
Hãy nhìn vào đôi mắt em đây.
Hãy nhìn vào tận trái tim này.
Hãy nhìn vào đôi mắt thơ ngây.
Anh sẽ hiểu được trái tim em.”
(Ngọc Lễ - bđd)
Hôm nay, nhà Đạo mình
cũng thế. Cũng “hiểu được trái tim em”
qua sự việc tưởng chừng như trôi biến cách êm đềm từ lâu, nếu không ai thắc mắc/hỏi
han chỉ một tư tưởng nhỏ, sau đây:
“Thưa Cha,
Con cứ thắc mắc hỏi rằng: tại sao những chuyện như
nguyên-tắc đổi phái-tính con người ở đời, lại làm nhiều người bận-tâm nên đã trở-thành
vấn-đề không nhỏ cho giới sinh-viên đại-học hoặc cao-đẳng, thời gian gần đây. Vậy
xin cha cho biết ý-kiến để con yên tâm, không còn thắc-mắc nữa. Thành thật cảm
ơn cha.”
Thật ra, con cháu các
đấng bậc vị vọng ngày nay chẳng mấy bận tâm cho lắm chuyện trời ơi đất hỡi như
thế. Có khi, đây chỉ là đề-tài để đấng bậc ngồi buồn đặt ra rồi giải-mã cho đầy
trang giấy, cũng nên. Thôi thì, nay xin
mời bạn và tôi ta thử lắng tai nghe xem đấng bậc nhà mình giải mã thế nào về
chuyện này. Nào, xin mời các bạn lắng nghe nhé:
“Có nhiều tài-liệu đáng tin cậy được lập ra để
nghiên-cứu về vấn-đề giới-tính hầu giúp mọi người biết sự thật như câu chuyện xảy
ra ở Yogyakarta, nước Inđônêxia năm 2007 gọi là Nguyên tắc Gogyakarta. Đó là một
chuỗi gồm 29 nguyên-tắc có ghi chi-tiết như một thứ kim chỉ-nam cốt áp-đặt các hệ-luỵ
phái-tính, tức: bàn về tự-do chọn giống, định-hướng hoặc khoanh tròn phái-tính
con người.
Vấn-đề đặt ra là hỏi rằng: Ai là người đưa ra các nguyên-tắc
này?
Theo Bà Gabriele Kuby tác-giả cuốn “The Global
Sexual Revolution” (tạm dịch là: Cách mạng Phái-tính Toàn-cầu) thì việc này do
nhóm người gọi là “Chuyên-gia tên tuổi về nhân-quyền”, tức nhóm chức-sắc tuy không
có thẩm-quyền hoặc chức-năng công-khai nào hết, nhưng những vị này thuộc nhóm
chủ-trương ủng-hộ phong-trào hợp-pháp-hoá tình-trạng của người Đồng Tính Luyến
Ái. Nhằm trao ban cho những người như thế một thứ thẩm-quyền ngoài mặt, các “chuyên
gia” nói trên đã ra trước toà Liên Hiệp Quốc ở Geneva trình làng cho mọi người
biết mà cảm-thông.
Các nguyên-tắc nói ở đây, là “dụng-cụ tân-tạo tặng trao
cho các nhà hoạt-động ủng-hộ chủ trương này, là tập cẩm-nang dầy 200 trang gồm
các chỉ-dẫn để phiên-dịch nguyên-tắc nói trên ra thành hành-động chính-trị.
Ý-tưởng chủ-chốt trong tài-liệu này, là bày ra việc
“định-hướng phái-tính” và “nhận-dạng giống”. Nơi
lời tựa sách dẫn ở trên, “Định-hướng phái-tính” được hiểu là việc qui về “khả-năng
của mỗi người trong việc lôi cuốn về cảm-xúc, ưa chuộng phái-tính với người nào
đó hoặc có tương-quan dục-tình với ai khác, tức các cá-thể có phái-tính khác nhau
hoặc cùng giống hoặc mang nhiều giới-tính khác-biệt.
Tác-giả Gabriele Kuby cho biết, định-nghĩa này không
loại-trừ bất cứ hành-động dục-tình nào tuy khác nhau, kể cả chuyện ấu-dâm, loạn-luân,
đa-thê, đa-phu, đa-dục (tức ăn nằm với nhiều người) và cả lề thói dâm-dục với
thú vật, nữa.
“Nhận-dạng giống” cũng qui về cảm-nghiệm phái-tính
riêng tự bên trong con người mình và khác nhau tuỳ từng người vẫn có thể hoặc
không thể xứng-hợp với tính/phái định-vị từ bẩm sinh, trong đó có cảm-xúc riêng
về thể-xác (tức: tính chuyện đổi giống nếu được tự-do, hoặc nếu y-khoa,
phẫu-thuật hoặc phương-tiện nào khác giải quyết giùm) và các biểu-lộ nào khác về
phái-tính, cả chuyện ăn mặc, nói năng và phong-cách bên ngoài nữa.”
Chuyện thứ hai, là tuyên bố: không ai được quyền coi
thường/phản bác việc định-hướng phái-tính hoặc nhận-dạng giống/phái dù có thấy vui
thích chuyện ấy không, do bởi quyền-hạn của mình bị ảnh-hưởng.” Đây là điều
đáng mọi người để tâm, lưu ý. Mọi quyền-hạn của con người đều có thể bị
ảnh-hưởng như chuyện đụng chạm quyền tự-do ăn nói và tự-do tư-tưởng, bởi lẽ các
quyền này lệ thuộc vào quyền định-hướng phái-tính và nhận dạng giống.
Nhiều ví dụ giúp ta coi đây là chuyện kỳ-thị, chẳng
hạn như: khi dạy dỗ hoặc nuôi-dưỡng con trẻ ta quyết cho chúng tin rằng: mục-tiêu
của tình-dục là tạo tình yêu giữa người nam và nữ; và người nữ được định-hình trách-nhiệm
ngay từ đầu là: sinh con đẻ cái, để nhân loại được phát-triển.
Các ngành khoa-học từ sinh-lý-học, y-khoa, tâm-lý
cho đến xã-hội-học đều dạy rằng giữa nam-nhân và nữ-giới vẫn có nhiều khác
biệt, rất đặc-thù, đến độ mỗi và tất cả các tế-bào trong cơ-thể con người đều
mang giống đực hoặc giống cái. Nguyên tắc Yogyakarta lập ra khiến việc định-dạng
phái-tính tuỳ-thuộc cảm xúc, tức luôn bất ổn tận bên trong và có thể thay đổi
bất cứ lúc nào.
Lời tựa mở đầu các nguyên-tắc nói trên, còn cho
biết: khác biệt không chuyển-đổi giữa nam-nhân và nữ-phụ đặt nền-tảng trên “thiên-kiến
và vai-trò rập-khuôn nam/nữ vốn là thứ nguyên-tắc dễ có khuynh-hướng bị xoá bỏ
sau này.
Mỗi thứ trong 29 nguyên-tắc nói trên được trưng-dẫn bằng
một tuyên-bố cũng rất chung chung lại kéo theo đòi hỏi mọi quốc-gia phải
thực-thi, trong đó có việc buộc mọi quốc-gia phải ra luật hẳn hòi ấn-định
phái-tính của người thực-thi công-việc vốn phản-ảnh một định-dạng phái-tính do
mình tự nhận. Mọi quốc gia cũng buộc phải tôn trọng và đồng-thuận bằng luật pháp
việc nhận-dạng phái-tính tự chọn của mỗi người.
Các nguyên-tắc trên, đòi mọi nước phải có biện-pháp
độc-đoán khả dĩ thay-đổi cả hiến-pháp, lề-luật, thể-chế xã-hội, hệ-thống
giáo-dục và động-thái căn-bản của công dân mình hầu áp-đặt và thúc-ép một cách
hợp-pháp việc chấp-nhận đặc-quyền được phép tỏ-bày việc đồng tính luyến ái và/hoặc
dạng-thức cũng như hành-động nào khác không hẳn phải là khác phái.
Các quốc gia từng can-dự trào-lưu Yogyakarta trước
nhất gồm có: Đức quốc, Đan Mạch, Hoà Lan, Na-Uy, Thuỵ-Điển, Thuỵ Sỹ, Cộng hoà Czech,
Argentina, Brazil và Uruguay. Quả là, ta đang đi vào một thế-giới mới rất
quả-cảm.” (Lm John Flader, Concerns aplenty for all in gender theory, The Catholic Weekly
Question Time, 28/01/2018, tr. 19)
Thế đấy, là nỗi khổ
của những người vẫn cứ lo-toan những chuyện to lớn ở trên trời hoặc không đâu
vào đâu. Còn đây, là lập-trường của bậc thánh hiền ở trong Đạo, từng lên tiếng
cả những chuyện có liên quan đến phái-tính, rất nữ/nam ở kinh thánh:
“Tôi muốn đàn bà phải ăn mặc đoan trang,
đồ trang điểm phải kín
đáo, giản dị:
không cần kiểu tóc cầu kỳ,
vàng bạc, ngọc trai
hay quần áo đắt tiền,
mà là việc lành, phúc đức;
như thế mới thích hợp với
các phụ nữ xưng mình có lòng đạo.
Khi nghe lời dạy dỗ,
đàn bà phải thinh lặng
và hết lòng phục tùng.
Tôi không cho phép đàn
bà giảng dạy,
hay thống trị đàn ông,
trái lại họ phải thinh lặng,
vì Ađam được tạo dựng
trước,
rồi mới đến Evà.”
(1Timôtê
2: 9-13)
Xem thế thì, với
bậc thánh hiền, đàn bà hay đàn ông đều có chỗ đứng nhất-định trong hệ-cấp
quyền-hành hay quyền-lợi trong Đạo. Là người đi Đạo, ta không chỉ chấp thuận
tuân theo chỉ-thị hoặc lề-luật được ban-bố từ trên; mà còn phải vui vẻ làm thế,
nói chi chuyện đổi giống.
Tựu-trung thì, từ
lâu, mọi người vẫn để tâm/lo toan nhiều thứ chuyện, cả việc nguyện-cầu, như
truyện kể bên dưới từng minh-chứng:
“Cầu nguyện không giải quyết được
những vấn đề khó khăn, những nổi khổ của chúng ta như lời Đức Đạt Lai Lạt Ma từng
bảo rằng:
-Tôi là Phật Tử và hàng ngày tôi vẫn đọc kinh cầu nguyện. Nhưng tôi không tin
vào sự cầu nguyện sẽ đem lại một xã hội, một thế giới an bình.
Vì chúng ta đã cầu
nguyện và cầu nguyện hàng ngàn năm qua nhưng những lời cầu nguyện của chúng ta
[cho một thế giới an bình] chưa bao giờ được đáp ứng cho nên bây giờ chúng ta
phải thực tế.
Tôi thường hay nói
với mọi người là - Nếu quý vị có cơ may gặp được Chúa Jesus hay Đức Phật thì
hãy cầu xin các Ngài đem bình an đến cho thế gian này.
Chắc chắn các Ngài sẽ hỏi rằng - Ai là người đã gây ra bao cảnh bạo loan và bạo
lực?
Nếu các Ngài gây ra
sự bạo lực thì chúng ta khẩn khoản cầu xin các Ngài là xác đáng. Nhưng đằng này
chính chúng ta đã gây ra tình trạng bạo lực.
Do đó, dĩ nhiên
Chúa Jesus hay Đức Phật sẽ phán rằng - chính các con đã gây ra bao cảnh bạo lực
thì các con phải có trách nhiệm tự giải quyết lấy.” (trích lập-trường của Đức Đạt Lai Lạt
Ma, trong một phỏng-vấn, vào hôm trước).
Thế nghĩa là, ngay
đến lời nguyện-cầu ở đâu đây như xưa giờ ta từng quyết, mà Đức Ngài Lạt Ma cũng
cho là không cần thiết, nếu như… Vậy thì, trên đời này còn gì để tin tưởng đây?
Thật cũng khó để có câu trả lời cho gẫy gọn. Chi bằng, như mọi lần, ta dùng
truyện kể nhè nhẹ dù đó là chuyện “Người Sàigòn, tui thế đó” để minh-hoạ cuộc
sống trong đó có rất nhiều câu trả lời khá là “khả thì”, như sau:
“Lần đầu tiên lên Sài
Gòn là để đi thi đại học, tôi và một thằng bạn thi chung trường nên đi chung
với nhau. Ở thì không lo vì đã có nhà người quen ở bên kia cầu chữ Y.
Chỉ lo cái chuyện ăn uống giữa hai buổi thi. Ngay sau khi thi xong môn
đầu tiên, hai đứa kéo nhau ra quán cạnh trường kêu hai dĩa cơm sườn. Cầm cái
muỗng, cái nĩa để ăn cơm dĩa mà cứ lọng cọng. Ăn hết dĩa cơm, uống cạn mấy ly
trà đá tự múc ở trong cái xô để ở góc quán, mà bụng vẫn trống không.
Từ nhỏ đến lớn sống ở
dưới quê khi nào đi đâu xa thì cơm đùm, cơm bới mang đi theo chứ có khi nào ăn
cơm tiệm để mà biết kêu cơm thêm. Kêu thêm dĩa nữa thì không dám, vì sợ không
đủ tiền ăn cho ngày mai, ngày kia… Ngó quanh ngó quất, thấy bàn nào cũng để một
nải chuối, mọi người ăn xong cứ thuận tay bẻ, người một trái, người hai trái.
Thế là hai đứa sáng mắt, chuối này chắc người ta cũng cho không như trà đá. Vậy
là, chỉ một loáng nguyên cả nải chuối để trên bàn chỉ còn đống vỏ. Khi tính
tiền, thấy phụ quán cứ đếm đi đếm lại mấy cái vỏ chuối để trên bàn rồi nhìn
chằm chằm, thỉnh thoảng lại liếc qua bà chủ quán đang đứng gần đó cười mím chi
thì đâm lo. Không biết tiền mang theo có đủ để trả không.
Nhìn hai đứa gom từng
đồng bạc để bỏ lên bàn, bỗng nhiên chủ quán bước lại. Thôi, tính hai dĩa cơm
thôi. Phần chuối chắc là không biết có tính tiền nên lỡ ăn, chị không tính.
Ngày mai ăn có thiếu thì cứ kêu cơm thêm mà ăn, để bụng đói không làm bài được
đâu. Chỉ có nải chuối, cho thấy tính cách người Sài Gòn.
Cuộc sống không thẳng
tắp. Bon chen lên Sài Gòn không phải lúc nào cũng dễ kiếm tiền. Cũng trong
những năm thập niên 1980, có lần, tôi thử sức mình với nghề đạp xích lô. Mượn
chiếc xe của ông chú vào buổi sáng, lúc ấy chú cho xe ở nhà để ngủ sau một đêm
chạy mối chở hàng. Lần đầu tiên chạy xích lô chỉ có chạy xe không từ bên này
sang bên kia cầu chữ Y đã muốn hụt hơi. Thế nhưng vẫn rán vì trong túi không
còn tiền. Chạy lòng vòng Sài Gòn cả tiếng đồng hồ, ngang qua rạp Quốc Thanh
(đường Nguyễn Trãi), thấy một đôi nam nữ đi ra, tay ngoắt, miệng kêu: “Xích lô!” Luồn tay kéo thắng
ngừng xe lại hỏi:
-Anh chị đi đâu?
–Cho ra bến xe Miền Tây. Nhiêu?
Dân miền Đông mới lên
Sài Gòn tập tành chạy xe kiếm sống, biết bến xe Miền Tây đâu mà cho giá.
Thôi đành chơi trò may rủi:
-Dạ, em mới chạy xe chưa rành đường, anh chị
chỉ đường em chở. Tới đó cho nhiêu thì cho.
Tưởng không biết
đường thì người ta không đi, ai dè cả hai thản nhiên leo lên. Người con trai
nói:
-Mười lăm đồng mọi khi vẫn đi. Cứ chạy
đi tui chỉ đường.
Sức trẻ, thế mà vẫn
không chịu nổi đường xa, đạp xe chở hai người từ rạp Quốc Thanh đến chân cầu
Phú Lâm thì đuối, liệu sức không thể nào qua khỏi dốc cầu đành tính chước bỏ
của chạy lấy người. Xuống giọng:
-Em mới chạy xe, đi xa không nổi. Anh chị
thông cảm đi xe khác giùm.
Ai ngờ người con trai
ngoái đầu lại:
-Tui biết ông đuối từ hồi nãy rồi. Thôi leo
lên đằng trước ngồi với bà xã tui. Đưa xe đây tui đạp cho. Tui cũng từng đạp
xích lô mà!
Thế là, vừa được
khách chở, lại vừa được lấy tiền. Không phải 15 đồng mà tới 20 đồng. Chắc cũng
chỉ có người Sài Gòn mới khoáng đạt như vậy!
Người Sài Gòn tốt
bụng, chia sẻ không từ những chuyện cá biệt, người nơi khác vào Sài Gòn hỏi
đường thật dễ chịu. Già trẻ, lớn bé, gặp ai hỏi người ta cũng chỉ dẫn tận tình.
Có nhiều người còn bỏ cả công việc để dẫn kẻ lạc đường đi đến đúng địa chỉ cần
tìm. Có những địa chỉ nhiều người hỏi quá, thế là người Sài Gòn nghĩ cách viết
hoặc bỏ tiền ra đặt làm một cái bảng đặt bên lề đường, gắn vào gốc cây. Đôi
khi, kèm theo một câu đùa, câu trách rất Sài Gòn ở cái bảng này khiến ai đọc
cũng phì cười. Như cái bảng viết trên nắp thùng mốp trên đường Sư Vạn Hạnh mới
đây: Bà con nào đi photo thì qua
bưu điện bên đường. Hỏi hoài mệt quá”.
Đi xe ôm, taxi, gặp
đúng dân Sài Gòn thì mười người hết chín không lo bị chặt chém, vẽ vời. Đôi
khi, kêu giá là vậy, nhưng khách không có tiền lẻ hoặc hết tiền người ta còn
bớt, thậm chí cho thiếu mà không cần biết khách ở đâu, có trả hay không. Với
người Sài Gòn, đó là chuyện nhỏ.
Ở Sài Gòn, cho tới
bây giờ vẫn còn nhiều nhà để một bình nước suối trước nhà, kèm thêm một cái ly,
một cái bảng nước uống miễn phí.
Và bình nước này
không bao giờ cạn, như lòng tốt của người Sài Gòn. Sẽ có nhiều người bảo cái ly
nhiều người uống, bẩn chết đi được, nhưng không biết họ có cách nào hay hơn ?
(mua ly giấy, uống xong vứt…. mời các người ấy về Sài Gòn mua ly giấy cho khách
thập phương dùng).
Có người đã phát
hiện, khi bạn chạy xe trên đường phố Sài Gòn, nếu có ai đó chạy theo nhắc bạn
gạt cái chân chống, hay nhét lại cái ví sâu vào túi quần thì đích thị đó là
người Sài Gòn !.
Bi giờ còn vậy nữa
không ? Cũng còn, nhưng mà nếu bạn không gặp người như vậy ở
Sài Gòn là vì những người mà bạn gặp đó không phải là người
SàiGòn !
Tui hỏi anh cyclo:
-Đạp từ rạp Rex về cầu Chông
(nhà tui) giá bao nhiêu?
Anh nói:
-20 ngàn.
Tui nói “30 ngàn thì tui mới đi”. Anh
cyclo lập lại “20 ngàn”. Tui
cũng nói như cũ. Anh cyclo tưởng tui là thằng khùng
và nói:
-Thôi lên xe đi.
Đến
nhà, tui đưa anh 30 ngàn và cám ơn. Năm 1978 khi ra
tù tại ga xe lửa đường Lê Lai, một anh cyclo đến hỏi
tui “Về đâu ?” nhưng khi nhìn
thấy bộ đồ tù tui mặc nên anh nói câu mà tui nhớ đời:
-Lên đi thằng ông nội, tui
chở về…Không có tính tiền đâu. Làm sao
tui quên được câu nói đó. Người Sài Gòn
là như vậy bạn ơi!” (trích truyện kể nhận được từ điện thư
vi-tính, rất không lâu).
Rất nhiều bạn bè
đọc bài phiếm do bầy tôi viết, lại cứ hỏi: “Sao
bạn trích-dẫn truyện kể chẳng ăn-nhập gì đề tài đặt ra vậy?” Bần đạo bầy
tôi nghe hỏi chỉ biết trả lời quanh-quất rằng: “Đó là chuyện phiếm đấy bạn ạ”.
Hôm nay ngồi viết
những going chữ này, lại đã thấy những lời đối đáp ở trên rất giống như chuyện
thần-học hoặc học về thần-tính của các đấng, cũng tương-tự. Tương-tự là ở chỗ
xem qua tưởng chừng như rất phiếm, nhưng xem lại mới thấy cuộc đời này mọi
chuyện chung qui cũng chỉ là phiếm và luận hoặc luận cho lắm cũng chỉ là
luận-phiếm/phiếm-luận mà thôi.
Bà con ta cứ nghe lại
câu quả quyết ấy rồi suy cho kỹ, sẽ thấy không phải là chuyện mơ hồ lầm tưởng
đâu. Để chấm dứt câu chuyện khá phiếm này, nay mời bạn và tôi ta nghe lại câu
hát trên, để thấy rằng đời người vẫn có những chuyện như lời ca/câu hát những
bảo rằng:
“Đừng
nghe những gì con gái nói.
Đừng nghe những gì con gái nói.
Hãy nhìn vào đôi mắt em đây.
Hãy nhìn vào tận trái tim này.
Hãy nhìn vào đôi mắt thơ ngây.
Anh sẽ hiểu được trái tim em.”
(Ngọc Lễ - bđd)
Hỏi
rằng: có nên sử-dụng câu hát trên làm lời kết cho bài phiếm đường dài ở đời người,
được không cơ chứ? Hoặc, có nên về với vườn hồng tìm đến lời vàng của bậc thánh
hiền từng có để lại những nguyên-tắc cho cuộc sống đúng nghĩa khi các ngài bảo:
“Thật vậy,
vì chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ
được chết như Ngài đã chết,
thì chúng ta cũng sẽ nên một với Ngài,
nhờ được sống lại như Ngài đã sống lại.
Chúng ta biết rằng:
con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng
đinh vào thập giá với Đức Kitô,
như vậy, con người do tội lỗi thống trị
đã bị huỷ diệt,
để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội
lỗi nữa.
Quả thế, ai đã chết, thì thoát khỏi
quyền của tội lỗi.
Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức
Kitô,
chúng ta cũng sẽ cùng sống với Ngài:
đó là niềm tin của chúng ta.”
(Rm
6: 5-8)
Tin
hay không vào “Người Con Gái Nói” trong
bài hát được trích dẫn, hoặc hiểu được nguyên-tắc của niềm tin vào Đức Chúa Phục
Sinh do bậc thánh-hiền từng đặt, vẫn là chọn lựa của mỗi người và mọi người trong
đời, rất hôm nay.
Trần
Ngọc Mười Hai
Nhiều
lúc chỉ muốn hát
Những
lời như trên
Khi
bàn nhiều chuyện
“tréo
cẳng ngỗng”
ở
trong đời.
No comments:
Post a Comment