Saturday, 24 July 2010

“Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo”

Em nhớ cho: Mùa Thu đã chết rồi!

(Phạm Duy – Mùa Thu Chết)

(Mt 5: 27-28)

Thu có chết, thì cũng chỉ chết trong lòng, một ít thôi. Thu chết, rồi Thu sẽ sống lại. Em cũng thế. Em chết đi, rồi em cũng sống lại. Dù, chẳng bao lăm. Một đời người. Bởi, có sống hay chết, vẫn là chuyện để ta nói. Và, bàn. Chí ít, là bàn chuyện cần nói khi người người nay chưa chết, nhưng vẫn cứ sợ. Sợ chết. Sợ tội. Quyết đi xưng. Đi hỏi. Cho ra nhẽ. Xưng/hỏi, đấng bậc chuyên hù doạ, chuyện không là tội. Vẫn, cứ đinh ninh là tội đáng chết. Thế mới chết!

Thành thử, hôm nay, bần đạo xin –lại xin nữa- mạn bàn chuyện chết chóc với lỗ tội, một lần nữa. Lần này, lại sẽ chua thêm đôi truyện kể, cho dễ. Dễ đọc. Và, dễ thấm. Truyện, là thế này:

“Có ông thầy bói nhiều lần bị thân chủ doạ đánh, vì đoán sai bét tè le. Ai được ông đoán bảo: sắp “ăn nên làm ra”, thì chỉ ít lâu sau đã “bể mánh”. Vỡ nợ. Sợ ông lắm. Hễ, ông đoán ai sắp chết đến nơi rồi, thì người ấy cứ khoẻ như vâm. Ông làm thân với ai là dấu hiệu kẻ ấy sẽ bị cô lập. Ông tránh ai, thì người ấy rồi sẽ làm nên. Ông đặt lời hy vọng vào ai, thì người ấy cầm chắc cái khốn khổ suốt đời.

Duy có một lần ông được hậu tạ, mà người đem quà biếu lại chưa hề trực tiếp nhờ ông đoán lần nào. Người này, nghe nói làm ăn khấm khá lắm, vừa có chức quyền. Vừa có tiền vài chục tỷ. Có uy tín. Ai cũng khen ông là một tấm gương của trí tuệ mới.

Ông Thầy bói ngờ ngợ, không dám nhận, nhưng người kia vẫn kính cẩn dâng quà và nói:

-Thiên hạ chê thày vì họ dốt cả. Thày là bậc tiên tri, chẳng có gì là không biết. Có điều là thày khinh đời nên điều gì cũng nói ngược đó thôi. Tôi được như thế này, là nhờ cái gì cũng làm ngược với lời khuyên/lời đoán của thày. Nếu có đem nửa cơ nghiệp để tạ ơn ấy, cũng chưa phải là quá đáng, sá chi chút lễ mọn!

Sau lần gặp người tri kỷ có một không hai ấy, ông Thày bói đập tráp, nhất định không chịu đoán cho ai nữa.” (x. Hà Sỹ Phu, Sáng trăng, CE 2004, tr. 105)

Kể truyện. Ngâm thơ. Hay, ca hát. Cũng đâu khác gì: những kể và kể. Kể cho nhau, chuyện trên trời/dưới đất, để mình tin. Tin rồi nhớ, mà thực hành. Thực thi. Truyện kể, nay chẳng có gì để thực thi. Thực nghiệm. Mà, chỉ là chuyện thực tình, đưa đẩy một thực tập, trong sống đời thực tế. Rất dễ khiến ta nói đại, chuyện thực tại. Hoặc, thực trạng nhà Đạo lâu nay, rất thực tiễn. Đáng để tôi và bạn quan tâm. Lâm râm. Chứng thực.

Thôi, thực gì thì thực, bạn và tôi, ta cứ ca/cứ hát thực tình chuyện người. Thực hư. Như sau:

“Mùa Thu đã chết,

Em nhớ cho… Em nhớ cho,

Đôi chúng ta,

sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa!

Trên cõi đời này, trên cõi đời này,

Từ nay mãi mãi, không thấy nhau.

Từ nay mãi mãi, không thấy nhau…”

(Phạm Duy – bđd)

Không thấy nhau. Đâu nào phải, vì mùa Thu nay đã chết? Hoặc, vì em chẳng sống thực, với mọi người. Nếu thu có chết, thì nay cũng đã chết rồi. Và, em. Và anh, ta đâu nào tin vào cõi sống. Có cuộc đời, đầy những tội. Hết muốn tin? Rồi, sẽ giống như nghệ sĩ già khi xưa, vẫn hát:

“Ôi ngát hương thời gian, mùi thạch thảo,

Em nhớ cho, rằng: ta vẫn chờ em.”

(Phạm Duy – bđd)

Chờ em. Chờ anh. Người người vẫn cứ chờ. Cả, thế kỷ. Có khi, cả một thiên niên kỷ. Để em. Và để anh, ta sẽ về mà nhớ. Nhớ, không chỉ mỗi thạch thảo, hương thời gian. Hoặc, mùa Thu chết. Nhưng nhớ rằng, ta chẳng còn nhìn nhau nữa. Trên cõi này. Vì nhiều tội? Và nhiều lỗi? Những tội và lỗi, khiến người người vẫn cứ sợ. Nên, mới hỏi những câu rất “tội” và khá “nghiệp”. Như, lời hỏi của người nhà Đạo ở Sydney, sau đây:

“Hôm nay, con có hai câu liên quan đến tội ở trong đầu, để hỏi. Câu thứ nhất, là: có gì gọi là tội, trong tâm tưởng. Tỉ như: các ý nghĩ vẩn đục, tục tằn. Và, những ý nghĩ vẩn đục như chuyện tình dục, có là tội hay không? Trọng hay nhẹ, xin cha cho biết.”

Chắc rằng, khi nhận được câu hỏi này, đức thày giòng họ Flader tên John hôm nay sẽ sướng mê tơi. Mê rất tơi, vì người hỏi lại xưng hô bằng cha với con. Rối cả lên. Đến, sốt cả cái ruột. Thôi thì, hôm nay, bạn và tôi, ta cứ cho đức ngài sung sướng tình cha/con. Tha hồ mà đáp với trả, rất như sau:

“ Đây là câu hỏi mà theo tôi, rất quan trọng. Bởi, như tôi nghĩ, hỏi là hỏi thế chứ người đặt câu hỏi khá lúng túng, cũng không ít. Rất nhiều vị lại cứ tin rằng mình đã phạm tội này tội nọ, mà thật ra chẳng tội tình gì, mà lỗi phạm, hết. Có vị khác, lại đã phạm những tội rất trọng, nhưng vẫn cứ không ngờ rằng mình đã sai phạm, đến như thế.

Thôi thì, để tôi bắt đầu bằng việc ngược giòng lịch sử xem tội với lỗi là thế nào? Tội trong tư tưởng, nghĩa là làm sao? Bởi, có như thế, ta sẽ thấy có trường hợp lúc đầu cũng chẳng là tội, là lệ gì hết. Nhưng về sau, nếu cứ tiếp diễn, dù từ ý nghĩ cỏn con, sau sẽ trở thành tội trọng. Và cuối cùng, sẽ là tội chết người, chứ chẳng chơi.

Hẳn, ai trong chúng ta cũng đều có qua kinh nghiệm về tâm tư/ý tưởng rất đủ loại tự dưng nhảy vào đầu mình, chẳng ai níu kéo mời chào, mà sao vẫn cứ đến. Có ý nghĩ, xét kỹ, cũng rất tốt chẳng mảy may là tội tình gì hết, như: mình chợt nhớ phải gọi điện cho ai đó. Hoặc nhớ về người tình, dù còn hay không một chân dung. Hoặc, trường hợp có ý nghĩ, là: ta đang ở trước mặt Chúa. Biết rất rõ, là: Ngài đang hiện diện, ở với ta. Những ý nghĩ như thế, đâu là tội.

Có những ý nghĩ ta cho là “không được tốt”, như: nhớ về những cơn nóng nảy/tức giận khi có người nào đó làm ta buồn rầu. Đau đớn. Như, các ý xấu những nào đam mê dục vọng, hoặc ghét ghen, hờn giận vv…

Khi các ý nghĩ không mời mà đến, cứ hiện diện nơi ta lúc nguyện cầu. Hoặc, khi mình đang làm việc lành, phúc đức khiến lo ra, chia trí. Chẳng biết nó thuộc loại tốt hay xấu.

Về những ý nghĩ mình không muốn có nhưng vẫn đến, cũng có thể là tội, cũng có thể không. Vẫn là ý ý tốt. Rất xứng đáng. Nhưng, vì ta là con người. Nên, trí tưởng tượng của ta dễ vùng vẫy, mang theo nhiều giòng chảy suy tư, khiến mình bận tâm. Suy nghĩ.

Cả vào lúc dù ta có ý nghĩ xấu xa, cũng không là tội. Dù nó chợt đến rồi chợt đi trong giòng chảy tràn đầy óc tưởng tượng. Phi trừ là ta đồng loã với chúng. Chấp nhận chúng. Tức, cũng hợp tác suy tư về thứ tư tưởng nào đó, không để gió cuốn đi. Cho đến lúc, nhận ra là nó đã xuất hiện, và ở đó. Trong đầu mình. Trong khi đó, lẽ đáng ra ta phải đuổi nó đi, mới là chuyện hợp lẽ.

Giả như vào giây phút ấy, ta cố đánh đuổi tư tưởng xấu ấy đi. Rồi, quay qua mà cầu nguyện cho được Ơn Trên thêm sức giúp đỡ, để mình tập trung vào chuyện khác, tốt hơn. Trong trường hợp ấy, ta chẳng có tội gì hết. Đây là trường hợp khi tư tưởng ấy cứ nhất quyết ở lại trong đầu, dù mình cố đuổi. Mà, lẩn tránh.

Điểm quan trọng, là: có nhiều người cứ đến toà giải tội thưa với linh mục những điều tương tự như: “con có tư tưởng không trong sạch”, mà thực ra, mình chẳng cố ý rập lòng với tư tưởng ấy, thì đâu có gì là tội.

Tuy nhiên, giả như ta biết đó là tư tưởng xấu vốn dĩ xâm nhập đầu mình, nhưng ta không cố gắng xua đuổi, cứ giữ nó lại. Rồi cùng nó, tìm thú vui hưởng lạc, thì một khi ta có ý thức chấp nhận nó, mà vui hưởng; thì khi đó, đã thành tội.

Tội và lỗi, lúc đầu không nghiêm trọng. Có thể dứt bỏ. Chẳng cần biết nó xấu xa đến độ nào, như: ý định làm hại ai, ý nghĩ muốn tự tử. Hoặc, thù ghét Chúa, hoặc dự tính có hành động nhơ bẩn, nếu chỉ thuận theo nó trong phút chốc, rồi đuổi nó đi, thì không thành tội.

Những chuyện như thế, chỉ do con người yếu kém. Yếu và kém, trong chậm trễ để xua đuổi. Xua, những tư tưởng mà ta cho là xấu. Không nghiêm túc. Chẳng cần xem xét mức độ nó xấu đến mực nào. Nhưng nếu ta cứ bình thân như vại, lại giữ nó trong đầu một thời gian lâu; hoặc, cứ tiếp tục mà tưởng tượng hoặc lên kế hoạch thực hiện dù chỉ để mơ mơ màng màng chuyện viển vông/đặc biệt, thì khi ấy có thể là ta đã phạm tội nặng rồi.

Lời Chúa trong Bài Giảng Trên Núi nói rất rõ, như sau: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.” (Mt 5: 27-28)

Thánh Tôma Akinô có viết về sự gian dâm trong tư tưởng, mà rằng: “Người nào nghĩ về chuyện gian dâm lấy làm thích thú để nó hoạt động trong đầu, thì điều này xảy đến là do người ấy thích thú ngả về hành động gian dâm. Khi người ấy vui thích chuyện như thế, có nghĩa là đã đồng thuận. Đã thích gian dâm. Giả như người ấy dứt khoát chọn ao ước/thích thú những thứ có thể là tội nặng, thì khi ấy đã là tội trọng rồi.” (x. Tôma I-II, q 74, #8)

Nói cho cùng, ta cứ phải phấn đấu mà kềm chế các tư tưởng của mình. Kềm chế, để quyết tâm có lòng trong sạch. Sách Sira cũng viết: “Mọi người đều phải biết mà kềm chế các tư tưởng của mình.” (Sira 21: 11) Và, Tin Mừng Chúa cũng đã dạy:”Phúc cho người có lòng trong sạch, vì họ sẽ được thấy Chúa.” (Mt 5: 8) (x. John Flader, The Catholic Weekly 30/5/2010 tr. 13)

Bàn chuyện về những tội và những lỗi, dù trong tư tưởng, mà lại mở báo trang số “13” (tức con số không hên) ra đọc, thì đương nhiên sẽ gặp tư tưởng không chính đáng. Rạch ròi. Coi mòi không ổn. Hệt như chuyện, cứ gieo quẻ rồi đòi bói, chắc chắn thế nào cũng ra ma. Cứ cầm chổi, rồi quét. Thế nào cũng ra rác.

Nói, theo kiểu nhà Đạo rất đạo mạo. Lễ mễ. Thì, như thế. Nói, theo kiểu con dân ở dưới thế, hẳn sẽ khác. Khác, như con dân ở đời, sẽ chẳng nói. Mà chỉ những ca và hát, rất như sau:

Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em.

Vẫn chờ em, vẫn chờ em

Vẫn chờ.... “

(Phạm Duy – bđd)

Ấy đó, là kiểu “trong Đạo ngoài đời”. Cũng có khi, cả người ngoài Đạo sống ngoài đời, cũng nói và nghĩ cách khác. Cũng có lúc, người trong Đạo, sống cùng và sống với nhà Đạo, vẫn sống và nói, hơi hơi khác. Như đấng bậc nhà Đạo, rất cao sang ở Mỹ, từng nói về và nói với các vị đã hoặc chưa từng một lần phạm tội. Như sau:

“Bình thường, khi đụng chuyện, ta vẫn hỏi: ‘Vào lúc tăm tối như thế này, Chúa làm gì?’ ‘Ngài có cách nào điều chỉnh không?”…

Lúc Fulton Sheen lên làm Giám mục, tôi chỉ là chủng sinh, chuyên lo cho ca đoàn của giáo xứ, cũng rất nhỏ. Hôm ấy, tôi đến sớm để sắp xếp mọi việc cho ra hồn, thì thấy ngài quỳ đó một mình. Hằng giờ. Lặng lẽ nguyện cầu ở nguyện đường nhỏ, cạnh nhà thờ. Trước giờ lễ. Cảnh tượng này, dạy cho tôi biết đắm mình trong kiên nhẫn. Hy vọng. Bền chí. Có như thế, Thánh Thần Chúa mới đem an bình nội tâm, đến cho tôi. Có nguyện cầu như thế, mới nhận thêm được sức mạnh và hy vọng, để mà sống. Có thầm lặng như thế, mới hy vọng đem đến cho người khác những ủi an, mình nhận được. Về chuyện ấy, thánh Phaolô, nói thế này: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an.4 Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó.” (2Cr 1: 3-4)

Và nhất là, vào những khi mình gặp khốn khó, cũng đừng quên sót việc Chúa làm, rất lớn lao. Mà, Chúa làm cả những việc lớn bé, trong lầm lũi. Tối tăm. Dân Do thái thoát khỏi Ai Cập trong tăm tối. Họ băng qua Biển Đỏ, trong tối tăm. Cũng thế, Đức Giêsu sinh ra trong đêm tăm tối, ở Bê Lem. Ngài dặn dò/trối trăn Tiệc Thánh vào Buổi Tạ Từ, trong âm thầm. Tăm tối. Thậm chí, Ngài còn chết trên thập tự vào lúc mà Tin Mừng bảo: “tối tăm phủ trùm mặt đất”, nữa. Ngài nằm đó trong cảnh lặng lẽ tối tăm của mộ phần. Rồi, ba ngày sau, Ngài trỗi dậy trong tăm tối, từ mộ phần cũng tối tăm. Nói tóm, Chúa vẫn làm việc trong bóng tối tăm, của mọi việc.

Thánh Gioan Thánh Giá mô tả đêm tăm tối của linh hồn đã trở thành đêm rất tối của mỗi người trong Hội thánh. Theo thánh nhân, đêm tối tăm, là kinh nghiệm lo âu/bối rối, trượt khỏi mọi đỡ nâng, từ mọi phía. Nó khiến ta cảm thấy như mình vô dụng, chẳng ai giúp. Tuy nhiên, nếu biết chấp nhận là nó do Chúa gửi, và vui lòng đeo mang vì tin thế. Thì, có thể ta sẽ mất tất cả những gì là thứ yếu, để tập trung vào mỗi một việc cần thiết/chính yếu là khám phá rằng Chúa không như mình nghĩ, Ngài vượt quá và vượt trên mọi sự ta có thể nhận ra. Kinh nghiệm, là nghiệm rằng ta không thể nào kiểm soát/kềm chế được Chúa. Đêm tối (của tội lỗi) chỉ tối là vì Chúa là ánh sáng vô biên vượt trội khả năng hạn hẹp của mọi ngưòi. Chính qua kinh nghiệm của đêm tăm tối, mà các kẻ tin trong Hội thánh biết rằng Chúa là tất cả. Đêm tăm tối của Hội thánh, (hoặc bất cứ ai gặp phải) là nhà sư phạm thần thánh dạy cho ta biết, bằng và qua đau khổ, rằng ta rất nghèo hèn. Hoàn toàn tuỳ thuộc Chúa.” (John R Quinn, Do not despair, Christ is present even in the darkness, America Magazine 3/5/2010)

Thành thử, điều mà tôi và bạn cần nắm giữ, là: trong bối cảnh sầu buồn của đau khổ hoặc tội lỗi, vẫn luôn có ánh sáng của hy vọng. Đó chính là điều mà Hiến Chế “Vui Mừng & Hy Vọng” của Công Đồng Vatican II, từng trấn an:

“Hội thánh tin vững chắc, rằng: chìa khoá, trọng tâm và mục tiêu rất cao của mọi lịch sử của con người chỉ có nơi Chúa, là Thầy Mình. Hội thánh ta, tin rằng: bên kia mọi đổi thay, vẫn có những điều không hề thay đổi. Những điều ấy, cuối cùng cũng sẽ đặt nền tảng nơi Đức Kitô. Mà Đức Kitô vẫn là Ngài cả ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi, không cùng.” (x. Gaudium et Spes, #10)

Thành thử, bàn chuyện tội và lỗi trong tâm tưởng là bàn và nói rằng; chẳng có gì ghê gớm đến nỗi không còn hy vọng mà chỉnh trang. Chí ít, là những chuyện tày trời như lỗi và tội thực sự, nơi hành động.

Cứ sự thường, mỗi khi bạn và tôi, ta phiếm với nhau về chuyện Đạo. Chuyện, sống ở đời. Với mọi người, trong Đạo/ngoài luồng, mình thường tặng nhau những truyện kể, để minh hoạ. Có khi là một đoạn tiếu lâm chay. Có lúc, là đoạn trích về quan niệm lập trường của ai đó, rất để đời. Hôm nay đây, bần đạo vừa nhận được đoản văn của người kể mang tên Ts Trần An Bài, do bạn gửi. Xin cống hiến ở đây, như đoạn kết. Hết chuyện. Như sau:

“Một nhà sư nổi tiếng đạo đức tên là Viên Thủ trung, trụ trì chùa Tô Châu, trưng bày chiếc quan tài nhỏ, trên bàn sách. Quan tài này, dài chừng 3 tấc, có nắp có thể mở ra/đóng lại được. Các đạo hữu thấy vậy, thắc mắc hỏi ông:

-Bạch thày, chiếc quan tài này có ý nghĩa gì?

Nhà sư giải thích:

-Người ta sống, tất có chết. Chết rồi thì, nằm trong quan tài giống như cái này. Tôi ngạc nhiên, là tại sao thiên hạ suốt cả đời cứ lo lắng. Vất vả. Chạy theo công danh. Phú quý. Tài sắc, thị hiếu mà chẳng ai biết cái chết là gì. Mỗi khi gặp điều bất ưng, tôi liền nhìn ngắm chiếc quan tài này. Tức khắc, tâm hồn tôi đuơợc yên ổn. Mọi lo âu/mjuộn phiền liền biến mất. Chiếc quan tài, là bài học luân lý đáng giá vậy.”

Và, người kể lại thêm một lời bàn, rất Đạo giáo. Như sau: “Bạn thân mến, mỗi khi bạn thấy phiền sầu. Khổ não. Vì bất cứ chuyện gì, như: thiếu tiền thiếu bạc, hoặc làm ăn lỗ lã. Ngay cả, những chuyện như phạm tội, cả trong tâm tư cũng như bằng hành động, hãy bắt chước nhà sư Viên Thủ trung, nhìn vào chiếc quan tài. Rồi nhới Lời Chúa dạy cách nay 2000 năm, về trước. như còn vang dậy đâu đây: "Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó." (Lc 12: 20-21)

Lời cuối, nay gửi bạn và gửi tôi, là lời rất cuối, của nhạc bản “Mùa thu Chết”, rất như sau:

“Em nhớ cho, rằng Ta vẫn chờ em.

Vẫn chờ… vẫn chờ… đợi em!”

(Phạm Duy – bđd)

Thế nghĩa là, dù em/dù anh, là người của Hội (rất) thánh có “ngát hương mùi thạch thảo”, hay đã toát ra, mùi của lỗi/tội, những quan tài, thì Đức Chúa là Chúa của niềm Vui Tươi và Hy Vọng, vẫn cứ chờ. Chờ em. Chờ ta. Chờ thánh hội rất thánh, là Hội thánh. Tự bao giờ.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn cứ hy vọng và hy vọng.

Hy vọng để sống. rất đẹp.

Với đời.

(xem thêm các bài khác xin vào www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc, www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc, www.giadinhanphong.blogspot.com )

Saturday, 17 July 2010

“Người ở đâu, ôi người ở đâu?”

Cỏ xanh, còn áp má những đêm sầu Dế giun, còn tiếc mùa ân ái Từng phiến trời mang, bao vết thương ...

(Phạm Duy & Du Tử Lê – Tình Sầu)

(Mt 19: 17)

Có người trẻ. Ở quê người. Khi nghe người mình hát nhạc vàng/nhạc trẻ, bèn phán ngay một câu, rất xanh rờn. Câu ấy, như thế này: “Nhạc Việt mình, sao cứ ới gọi những đau thương!” Bần đạo đến nay chỉ học/biết láp nháp vài ba câu vui thú với lời bàn rất “Mao Tôn Cương” như ở trên, bèn thấy lòng mình xốn xang, đôi ba tình tiết. Rất phản bác.

Đã đành, nhạc Việt mình đôi lúc nghe hơi buồn. Hơi bị buồn một chút, thôi. Nhưng, nào ới gọi thương đau, với lại thương tích đâu nào nhỉ? Này, bạn trẻ! Thương đau/thương tích, có chăng chỉ vì lòng mình ngổn ngang trăm bề/trăm mối, tối nằm nghe. Chứ nào thấy thơ nhạc/nhạc thơ ngổn ngang trăm mối, khiến mình nổi cơn lên một mối, rất như ri:

“Người ở đây, ta cũng ở đây,

lòng không như mặt, mà lòng lệ tràn đầy.

Chân đi theo gió, sầu ba hướng,

Tay với một trời, trời mưa bay.”

(Phạm Duy & Du Tử Lê – bđd)

Trời mưa bay. Sầu mấy hướng. Mưa sầu - mây bay, thấy có đấng bậc vẫn cứ hỏi và hỏi. Hỏi rằng: phải chăng khổ đau lau nhau những sầu buồn, nay đã hiện diện, nơi nhà Đạo. Nhà rất đạo, nào đâu thấy cảnh sầu đau/đau đầu, nhiều nhân ái. Ưu ái cùng thân thương, Đạo mình vẫn cứ chung tình mừng vui an bình có Chúa cạnh bên. Rất nên tin.

Bằng chứng, ư? Dạ, không dám. Bần đạo chỉ dám ghi/dám chép nơi đây mẩu truyện ngăn ngắn, mới vừa nhận. Qua điện thư, như sau:

“Truyện kể đôi điều xảy ra ở phòng mạch. Có vị bác sĩ rất chuyên khoa hỏi/đáp, láp nháp chuyện trẻ con. Vẫn cứ thế:

-Cháu đây tên gì vậy?

-Dạ cháu nó tên Mai, thưa bác sĩ.

-Tên Mai à? Tôi đoán không lầm, thì: trước khi sinh cháu, chắc là chị thích hoa mai vàng ghê lắm nhỉ?

-Còn cháu này tên gì?

-Dạ thưa, con tôi tên Hồng!

-Lại một sắc mầu tuyệt đẹp nữa. Có phải trước khi có bầu sinh cháu, chị cũng thích hoa hồng lắm phải không?

-Thế, cháu này tên gì?

-Thưa, tên cháu chẳng có gì hay ho cả. Thôi, xin hẹn bác sĩ lần sau mẹ con tôi sẽ đến.

Cu ơi, thôi mình về đi con. Ở đây riết rồi bác sĩ với y tá cứ hỏi tên tuổi rồi đặt bày chuyện tiểu lầm cho mà coi…!

Hiểu, có lầm hay không, vẫn là thói quen của người mình, những hỏi han. Hỏi han, lan man nhiều thứ/nhiều chuyện, khiến ta nhớ. Nhớ chuyện lan man thuở trước, có tình tiết/thơ văn. Rất ngoài đời. Và nhà Đạo, nên bàn thảo cho rõ nghĩa.

Chính vì, sợ có hiểu lầm nên nhiều người đôi lúc cũng đã hỏi. Hỏi, như có người từng hỏi Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII về con số các vị đang làm việc tại Toà Thánh, Đức Gioan XXIII trả lời: “Chừng phân nửa!” Hẳn là, câu trả lời của Đức Gioan XXIII, chỉ nói lên phân nửa sự thật, về sự đời. Nhưng, về toàn bộ sự thật Toà thánh, chắc còn phải hỏi nhiều hơn.

Về những hỏi han, còn nhớ có vị từng hỏi Thầy Chí Thánh, với những câu:

Đức Giê-su nói:

Sao anh hỏi tôi về sự tốt lành?

Chỉ có một Đấng tốt lành.

Nếu anh muốn vào cõi sống,

thì hãy giữ các giới răn."

(Mt 19: 17)

Thật ra có hỏi han, mới am hiểu. Am hiểu tình hình sự việc. Am hiểu. Am hiểu cả những chi tiết, rất khó biết. Khó tường. Như câu hỏi về Toà Thánh, rất Vatican. Sau đây:

“Xin ngài giải thích cho biết, đôi chi tiết về cụm từ “Toà Thánh La Mã”, tức Vatican. Chẳng hạn như, có người bảo: Đức Giáo Hoàng sống ở “điện” Vatican. nhưng có người lại nói: các văn kiện này là do bên Vatican đề xuất, quyết định… Vậy thì, Vatican đích xác là gì?

Đã xin hỏi, thì hôm nay “đức ngài’ cũng sẽ thưa và sẽ đáp. Đáp rất mực. Thực chính xác, đó là điều nên làm. Và, nên thưa. Từ đấng bậc chuyên thưa thốt. Rất bài bản. Ở Sydney như sau:

“Như ông/bạn đề cập trong câu hỏi, cụm từ “Toà Thánh La Mã” (còn gọi là Vatican), đem đến cho ta một số những thực tại tuy có khác, nhưng rất liên đới.

Khi nói: Đức Giáo Hoàng đóng đô ở Va-ti-căng, là ta qui về phòng ốc, đất đai do Ban Quản Trị Hội Thánh, vẫn đứng trụ. Nói theo cung cách ngoại giao, thì phải nói: đó là Quốc Gia Va-ti-căng. Một quần thể/đất nước có đủ quyền lực như quốc gia, nhỏ nhất thế giới, với một diện tích rộng không đầy 40 héc-ta. Cung điện này, chứa đựng khoảng ngàn người, sống ở đó.

Điện Va-ti-căng gồm Đền Thánh Phêrô nổi tiếng thế giới. Ngoài ra, còn một số dinh thự/cao ốc, nơi Đức Thánh Cha ở, chiếm một phòng nhỏ, còn lại là các văn phòng thuộc Giáo triều Rôma, Bảo tàng viện Va-ti-căng, Nhà Khánh Tiết Phaolô Đệ Lục, và Vườn Thượng Uyển Va-ti-căng, vv.

Đất nước Va-ti-căng còn có chủ quyền trên một số cao ốc khác toạ lạc ở La Mã, trong đó phải kể đến Vương Cung Thánh Đường Gioan La-tê-ra-nô, nhà thờ Đức Bà Cả và đền thánh Phaolô, ở bên ngoài, các văn phòng dành cho các thánh bộ thuộc Giáo triều La Mã và biệt thự Castel Gandolfo, dành riêng cho Đức Giáo Hoàng, nằm ở phía Đông-Nam thành đô La Mã.

Quốc gia Va-ti-căng có vị chủ tịch nước, tức Đức đương kim Giáo Hoàng trị vì, nhưng được Uỷ Ban Giáo Hoàng coi về hành chánh cho toàn nước Va-ti-căng. Xem như thế, Đức Giáo Hoàng có hai vai trò chính: vừa đứng đầu Hội thánh Công giáo một cách hữu hình, vừa là Chủ tịch nước, cai quản quốc gia Va-ti-căng, trên thực tế.

Khi nói Va-ti-căng theo tư cách quốc gia, là nói như thế. Tức bảo rằng, Va-ti-căng có hệ thống tem bưu điện, có đội bảo vệ riêng, vv. Tuy nhiên, về ranh giới, nước Va-ti-căng được bao bọc bởi toàn bộ nước Ý, hoặc đúng hơn, phải nói là thành phố La mã. Và, nước này tuỳ thuộc khá nhiều vào phần lớn các dịch vụ, ở Ý.

Quốc gia Va-ti-căng được thiết lập, mới đây thôi. Tức là, từ năm 1929. Theo hiệp ước La-tê-ra-nô thì, kể từ niên biểu này, giữa Đức Thánh Cha và nhà cầm quyền nước Ý, có quan hệ rất mật thiết. Cũng theo hiệp ước này, thỉ Đức Giáo Hoàng dù là vị quốc trưởng tạm thời thôi, Ngài cũng có quyền cai quản các tiểu quốc thuộc Giáo triều của ngài trên phần đất rộng lớn ở Ý, mãi đến năm 1870, khi các tiểu vương quốc sụp độ.

Hiệp ước La-tê-ra-nô công nhận Quốc gia Va-ti-căng như một thể chế chính trị biệt lập, có đất riêng tuy nhỏ, nhưng bảo đảm quyền tự trị của Giáo hội độc lập với bất cứ quốc gia nào khác.

Ai muốn đệ trình điều gì lên Đức Giáo Hoàng, hoặc ai sinh sống và làm việc cho Va-ti-căng, thì địa chỉ phải ghi ở bên dưới, là: Thủ đô Va-ti-căng. Và, địa chỉ điện thư hay trang mạng sẽ kết thúc bằng hai chữ “.va”, tức Va-ti-căng.

Khi nói Va-ti-căng đưa ra bất cứ văn kiện hoặc tuyên ngôn nào, là ta qui chiếu về Đức Giáo Hoàng và các thánh bộ hỗ trợ để ngài cai quản Hội thánh Công giáo. Còn, danh xưng chính xác nhất để gửi đến ngài, đều phải ghi: Trọng kính gửi Đức Thánh Cha.

Điều khoản 361 trong Giáo luật có nói: “Danh xưng Đức Giáo Tông hoặc Đức Thánh Cha không chỉ mang ý nghĩa qui về Đức Giám Mục thành La Mã, thôi; nhưng, ngoại trừ những gì có tính cách phản nghịch bản chất của vụ việc, hoặc bối cảnh về ngôn ngữ, thì danh xưng ấy là để chỉ Bộ Ngoại Giao Toà Thánh, Hội Đồng Công Vụ Toà Thánh và các thánh bộ thuộc Giáo triều La Mã.”Văn phòng các thánh bộ này đều chỉ về Giáo triều Va-ti-căng.

Nói rõ hơn, Hội đồng Công Vụ Toà Thánh nay sát nhập vào Bộ ngoại Giao Toà Thánh, như một phân bộ có nhiệm vụ giao dịch với các quốc gia khác trên thế giới.

Mỗi văn kiện, dù xuất từ văn phòng thánh bộ nào đó thuộc Giáo triều, tỉ như Thánh Bộ Truyền Giáo hoặc Tín Lý, Phụng Vụ, cũng được coi như do chính Đức Giáo Hoàng ban ra.

Điều này ghi rõ ở Giáo luật số 360, như: “Đức Thánh Cha thường cai quản mọi công việc của Hội thánh Công giáo trong Giáo triều, đều có tác dụng như do chính Ngài quyền làm thế, vì mục đích phục vụ toàn thể Hội thánh.”

Giáo triều La Mã gồm nhiều văn phòng thuộc các thánh bộ khác nhau, như các thánh bộ chính, trích ở trên. Ngoài ra, ta thấy có 9 thánh bộ, 3 toà hoà giải và 11 Hội đồng Toà Thánh. Tất cả đều phục vụ cho Giáo triều La Mã.” (X. John Flader, The Catholic Weekly, ngày 11/10/2009 tr. 10)

Thực tại trần thế, dù bề thế như thực tại Toà Thánh La Mã rất Vatican. Cho nên, khi nói đến những điều thực tế rất “có thực mới vực được Đạo”. Và, Đạo Chúa còn thực tế hơn, khi Đức đương kim Giáo Hoàng, lại đề cập đến những thực tại trần thế, với tư cách là thế giới của thời đại thông số với truyền thông, như:

“Kỹ thuật truyền thông hôm nay là món quà quý báu cho nhân loại.

Chúng thăng tiến sự cảm thông và tình liên đới giữa con người.

Đặc biệt, với các cộng đoàn và những người cần giúp đỡ.”

(X. Tông Thư “Ngày Truyền Thông Thế Giới 2010”)

Thực tại trần thế ta vẫn gặp, sẽ còn như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI từng nhấn mạnh:

“ Vai trò của Hội Thánh (trong vụ việc này), không phải để lấp đầy khoảng trống trên trang mạng. Mục tiêu Toà Thánh nhắm đến là để tỏ cho thế giới thông số biết rằng: “Thiên Chúa yêu thương dân Người qua Đức Kitô không chỉ như một dụng cụ thời quá khứ hoặc thuyết lý, nhưng như thứ gì cụ thể và duyên dáng, rất hấp dẫn.” (X. John Thavis, Pope Tells Priests to Use Video, Web, The Catholic Weekly 31/01/2010, tr.7)

Xem như thế, thì nói về và nói đến Toà Thánh là nói theo tư thế của người tín thác, rất yêu thương. Tin yêu ký thác mọi việc. Vào mọi nơi. Mọi lúc. Cả những lúc, có người nhận định rằng: mọi việc ở đời đều tùy thuộc vào cái tâm, của con người. Như câu truyện kể, nghe cũng dễ, ở bên dưới:

“Truyện rằng:

Thời xưa cũ, có cô lái đò đưa khách sang sông. Đò cập bến nhỏ, cô lái đò thu tiền từng người. Đến lượt nhà sư nọ người cuối, cô đòi tiền gấp đôi. Nhà sư ngạc nhiên, hỏi: tại sao lại thế? Cô lái đò mỉm cười đáp:

-Vì thày nhìn em…

Nhà sư bèn im lặng trả tiền, chẳng nói gì thêm. Hôm khác, nhà sư cũng lại có dịp lên đò qua sông. Lần này, cô lái đòi tiền gấp ba. Nhà sư lại hỏi: vì sao. Cô cũng lại đáp gọn lỏn:

-Vì, lần này thày nhìn em ở dưới nước.

Nhà sư cũng lẳng lặng trả tiền gấp ba, xong lên bờ. Một lần khác, nhà sư cũng lại có dịp qua sông, bèn dùng đò. Nhưng lần này, nhà sư biết phận chẳng dám nhìn. Cứ nhắm nghiền cặp mắt đăm chiêu kia, vào thiền định. Đò cập bến, cô lái lại thu tiền, đến gấp năm. Nhà sư cũng lại hỏi cớ sự vì sao, thì được biết:

-Lần này, thày không nhìn, nhưng lại cứ nghĩ đến em.

Nhà sư cứ ớ người, chẳng biết nói sao, cũng lại lẳng lặng đưa tiền rồi bước lên bến. Một lần khác, nhà sư có việc lại theo đò qua sông… Lần này, nhà sư nhìn thẳng vào mặt cô gái để xem sao. Đò cập bến, nhà sư cười và hỏi xem cô định thu bao nhiêu. Cô ta đáp:

-Em đưa thày qua sông, không lấy tiền.

Nhà sư hỏi:

-Vì sao thế?

-Dạ lần này, thày tu nhìn nhưng không nghĩ tới em nữa. Vì thế, em chỉ xin đưa thày qua sông mà không tính tiền…”

Tác giả truyện kể hôm nay thêm lời chia sẻ rất phải lẽ: Mọi sự do Tâm mà ra. Sống ở đời, chữ Tâm kia mới đáng quý. Gọi là chia sẻ, nên người nghe cũng bàn góp. Góp, bằng giọng hát rất nhẹ. Có lời ca vang cũng rất nhẹ. Nhẹ, như tơ lòng. Tình sầu. Rất thương đau, nhà thơ viết. Tình sầu, là tình chẳng có tâm nên mới sầu. Mới hát như sau:

“Ta như sương cao mà người như hoa sâu

Ta giối gian nhau nên nát nụ hôn đầu

Tình đi từng bước, đi từng bước trên đầu gió

Gieo nhau lòng nhau ôi từng hạt thương đau.”

(Phạm Duy/Du Tử Lê – Tình Sầu)

Tình rất sầu, phải chăng người mình, chẳng có “Tâm”? Đời có thương đau, há chẳng phải vì người đời quên khuấy mất lời dặn dò, ngày xưa đó? Lời dặn của Thầy Chí Ái chừng như vẫn cứ văng vẳng ở đâu đây, rất ý nghĩa:

“Đức Giê-su bèn nói tiếp:

Nếu anh muốn nên hoàn thiện,

hãy đi bán tài sản của anh

và đem cho người nghèo,

anh sẽ được một kho tàng trên trời.

Rồi hãy đến theo tôi."

(Mt 19: 21)

Thực hiện điều Thầy dặn dò, chắc hẳn người thanh niên được kể trong Tin Mừng, hay cô lái được trích dẫn ở truyện kể, cũng sẽ thấy, rằng: có “Tâm” thôi, cũng chưa đủ. Còn phải biết bán tất cả, dù cái “Tâm”, mà theo Thầy, rồi sẽ thấy. Thấy những gì, mình tìm kiếm. Suốt một đời. Không ngưng nghỉ.

Trần Ngọc Mười Hai

mời bãn và mời tôi

ta cứ nghe và cứ tìm,

Suốt cõi đời.

Nơi trần thế.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

Saturday, 10 July 2010

“Nhắm mắt, cho tôi tìm một thoáng hương xưa”

Cho tôi về đường cũ nên thơ…

(Phạm Đình Chương/Thanh Tâm Tuyền – Nửa Hồn Thương Đau)

(Kn 1: 28)

Về đường cũ. Nên thơ. Để tìm một thoáng, hương xưa. Chao ôi! Đâu phải dễ. Cũng chẳng là chuyện bình thường, như nhắm mắt. Hoặc, nhắm cả mũi luôn. Bởi, hương xưa tìm về, đâu chỉ mỗi nhắm là xong đâu. Chí ít, là nhắm và tìm như nhà thơ cùng người viết nhạc, đã từng hát:

“Cho tôi gặp người xưa ước mơ Hay chỉ là giấc mơ thôi Nghe tình đang chết trong tôi Cho lòng tiếc nuối xót thương suốt đời.”

(Phạm Đình Chương/Thanh tâm Tuyền – bđd)

Gặp rồi, chắc là cả nhà thơ lẫn người viết nhạc sẽ không còn nhắm thêm gì nữa. Bởi, có nhắm hay mở mắt, vẫn thấy những điều trái khuấy, rất như sau:

“Nhắm mắt, ôi sao nửa hồn bỗng thương đau Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào…” (Phạm Đình Chương/Thanh Tâm Tuyền – bđd)

Quả thật, hôm nay bạn và tôi, ta có nhắm mắt hay nhắm gì đi nữa, dùđể nguyện cầu. Hay xuất thần. Hoặc, có nhắm cả mắt lẫn mũi như cố nhìn ngắm Đức Chúa, như các thánh tổ khi xưa, cũng thấy rằng: đời này, người người vấn cứ trừng trừng mà nhìn. Vẫn cứ mở hết con ngươi, chứ nào có nhắm hay bịt, cũng chỉ để suy nghĩ hay nhung nhớ điều gì đó, rất mông lung. Xa vắng. Khó tìm. Chỉ thế thôi.

Điều ít thấy và cũng khó tìm, đôi khi vẫn cứ hiện hình, ngay trước mắt. Trước mặt mọi người. Và mỗi người. Thế nhưng, mọi con dân đi Đạo hôm nay lại ít khi nào lại tưởng và nhớ. Chí ít, là nhớ tưởng những gì chẳng liên quan đến với đời mình. Chuyện riêng tư. Tựa hồ chuyện hỏi/đáp khá “vô tư”. Xa lạ. Với đấng bậc vị vọng, để mà hỏi. Hỏi, là hỏi những điều ít người chịu nhắm mắt, hoặc nhắm cả lòng mình, mà lắng nghe. Tìm hiểu. Như sau:

“Mới đây, tôi nghe nói có người nọ vừa quay về với đời sống, rất bình thường. Sau thời gian dài sống như cây cỏ. Rất nhiều ngày. Riêng tôi, vẫn cứ cảm tạ Chúa về những chuyện như thế ấy. Chuyện, là vấn đề tôi đặt ra hôm nay, vỏn vẹn như thế này: Tại sao Hội thánh Chúa vẫn cố giữ cho người bệnh sống mãi trong tình cảnh tuỳ thuộc chuyện tiếp chất dung dịch vào người bệnh, kéo dài cuộc sống xem ra không cần thiết. Bởi tại sao ta lại không dứt điểm cuộc sống của những người sống chỉ như cây cỏ, chẳng biết gì? Tại sao lại cứ buộc người bệnh ngặt nghèo ấy phải kéo dài cuộc sống thê lương như thế? Xin được giấu tên, để còn sống với chòm xóm.” (Ký tên: một người có Đạo ở Sydney)

Cũng ở Sydney, lâu nay vẫn có đấng bậc vị vọng chẳng lấy làm điều khi nhiều người có các câu hỏi khá “móc họng”, xóc óc, đến như thế. Đức ngài nhận được được câu hỏi, bèn nghĩ đến bổn phận phải đáp giải/trả lời, mới ngủ yên. Ngài tên John Flader, đấng bậc linh mục thuộc nhóm “Công trình của Chúa” rất Opus Dei, có lời đáp như sau:

“Trước hết, xin thưa là: các chuyên gia luân lý trong Đạo có tiếng tăm thường vẫn bàn thảo vấn đề này, từ lâu. Có vị biện giải rằng: việc đem chất lỏng dinh dưỡng tiếp sức theo phương pháp nhân tạo là việc săn sóc rất thường nhật. Cũng nên làm.

Cũng có vị lại biện giải rằng: việc chăm nom/săn sóc như thế, suốt nhiều ngày, sẽ trở thành gánh nặng, cho hệ thống an sinh/y tế, hoặc gia đình. Có lẽ, đã đến lúc ta cũng nên chấm dứt động thái ấy.

Đã từ lâu, Toà Thánh La Mã cũng dần dà bày tỏ lập trường một cách rõ rệt, và hữu lý. Tông thư mới nhất xuất từ Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, ban hành năm 2007, theo hình thức giải đáp vấn nạn, do Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đưa ra.

Cho dẫu là như thế, cũng nên xem xét sự việc, cho cẩn thận. Trước hết là chuyện ngôn từ. Nên hiểu rằng, khi ta nói: ai đó đang sống đời thực vật, là có ý nói về những người hít thở rất tự nhiên, tiêu hoá thức ăn cũng hệt như cây cỏ. Họ vẫn có thể nhắm mắt, mở mắt, theo dõi mọi chuyển động của sự vật, rất bình thường. Nhưng, không thể mấp máy môi miện hoặc tự mình nuôi sống bằng thức ăn, của uống được.”

Như thế thì, nói theo kiểu cách của nghệ sĩ ngoài đời, là nói và hát như thế này:

“Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt

Chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất

Và tiếng hát và nước mắt .”

(Phạm Đình Chương/Thanh Tâm Tuyền – bđd)

Của đáng tội, “chỉ thấy lòng nhớ nhung”, là lối nói của nhà thơ/người đặt nhạc mà thôi. Chứ, với người bệnh, mà độc giả nọ cứ hỏi và bàn là có mà nhắm/mở những hai con ngươi, thì cũng chỉ thấy “vật đổi sao dời”, đời một nỗi. Rất chán chê. Ê chề. Nhiều tình tiết. Chứ, nào mấy ai biết “nhớ nhung”, với lại “chất ngất”, thứ gì đâu!. Nhớ chăng, chỉ là nhớ rất lờ mờ những ảnh hình của người, của vật nào đó. Xa xăm. Mù tối. U hoài, mà thôi. Thôi thì, ta cứ để những chất ngất/nhớ nhung của các vị đang “sống đời thực vật” được sống, như đức thày nhà Đạo, lý giải tiếp:

“Ngày 1/8/2007, Đức Thánh Cha Bênêđíchtô XVI đã chuẩn thuận cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin giải đáp thắc mắc về tình trạng của những vị có cuộc sống như trên.

Thành thử, câu mà bạn đưa ra hỏi rằng: có nên cho người bệnh sống đời thực vật tiếp thu thức ăn/nước uống bằng phương cách tự nhiên, hoặc nhân tạo không? vẫn là chuyện phải làm theo luân lý và đạo đức, một khi cơ thể người ấy không thể tự hấp thụ hoặc tiếp thu thực phẩm mà phải nhờ vào người khác, phương pháp khác, có tạo ra những bất tiện về thể lý, hay không?

Thì, câu trả lời của Hội thánh, là: RẤT NÊN. Tiếp thức ăn và nước uống bằng phương pháp nhân tạo, trên nguyên tắc, là phương cách thường tình và có mức độ, là để duy trì sự sống. Vì thế, bắt buộc ta phải làm như thế, bao lâu việc ấy còn thực hiện được vì mục đích cuối cùng, rất đúng đắn. Tức là, làm sao tạo dinh dưỡng tiếp nước để nuôi cơ thể của người bệnh. Có như thế, mới tránh không làm cho người bệnh khổ đau thêm, hoặc đi đến tình trạng chết đói, chết khát.

Với nhà Đạo, cứu vớt và bảo vệ sự sống là như thế. Dù, sự sống ấy có là sống như cỏ cây, rất thực vật. Tội nghiệp. Ấy thế mà, người người ở đời có thất cái “nghiệp” chịu trận hay không, làm sao biết. Chỉ biết rằng, nghệ sĩ nhà mình vẫn cứ ca và cứ hát, Những câu lờ mơ, lờ tờ mờ, như sau:

“Đôi khi em muốn tin

Đôi khi em muốn tin

Ôi những người ôi những người

Khóc lẻ loi một mình.”

(Phạm Đình Chương/Thanh Tâm Tuyền – bđd)

Người bệnh, dù có khóc hay có tin. Vẫn là cứ là điều mà người ở ngoài, hằng nhớ đến. Nhớ về, một giải đáp cho câu hỏi được Đức-Thày-nhà-Đạo trả lời như sau:

“ Câu kế tiếp, là: “Có nên chấm dứt không tiếp tục nuôi dưỡng và tiếp nước uống cho người bệnh đang ở tình trạng triền miên sống đời thực vật/cỏ cây hay không? Và, cả vị y sĩ là người có thẩm quyền để phán quyết điều gi cho thích hợp với luân lý vững chắc, cũng lại bảo: người bệnh sẽ chẳng quay trở về với trạng thái tỉnh táo, ý thức như trước?

Câu trả lời cho lời hỏi thứ, là: KHÔNG! Người bệnh có kéo dài cuộc sống cây cỏ/thực vật, vẫn là bản vị có phẩm giá như một người. Vì thế, họ vẫn cần được người khác chăm sóc thương tình mà tiếp tục cho ăn cho uống bằng các phương pháp nhân tạo hoặc gì khác, vẫn phải làm.

Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị, hôm 20/3/2004 có nói với các vị đến tham dự Hội thảo Quốc tế về đề tài “Chữa trị để Duy trì Đời sống và Trạng Huống của những người sống đời Thực vật”, là những người đang ở vào trạng thái sống như cây cỏ, họ cần phải được duy trì phẩm giá căn bản như mọi người.”

Ngài còn tiếp: Giá trị nội tại và phẩm giá tư riêng của mỗi bản vị không bao giờ đổi thay. Là người, dù ta có nhuốm bệnh nan y khó chữa hoặc có mắc chứng tật khó có thể thực hiện chức năng ở tình trạng tốt đẹp nhất, vẫn cứ phải và sẽ luôn là bản vị nòng cốt. Bản vị ấy, không bao giờ trở thành cỏ cây, hay loài thú được hết.” (#3)

Đành rằng đôi khi cũng có luật trừ. Như, trường hợp nhân vị ấy, bản vị ấy đang ở mãi tận vùng sâu vùng xa, hoặc lại rơi vào cảnh tình cực kỳ khó khăn, không thể thực hiện được việc cung cấp thức ăn hay nước uống được, thì ở vào trường hợp ấy, cũng có thể bãi miễn các ràng buộc luân lý, đạo đức.

Xem như thế, qua lời hỏi đáp thư nhất như đã xét, thì: giả như tình trạng sức khoẻ của người bệnh trở nên ngặt nghèo, như ung thư dạ dày chẳng hạn, thì vì có khó khăn như thế, vì cơ thể người bệnh chẳng thể nào hấp thụ được thức ăn hoặc chất lỏng; hoặc như: việc tiêm chích thức ăn/nước uống lại làm cho người bệnh đâm “khó ở”, thì vào những trường hợp như thế, họ không bị ràng buộc về luân lý, như người khác.

Lại nữa, ví dụ mà bạn đưa ra qua câu hỏi ở trên –nhất thứ là, vào những năm gần đây—thì, có rất nhiều trường hợp hi hữu xảy ra trên thế giới; những sự việc cho thấyrõ ràng là ta không thể nào biết chắc được là người bệnh có thể lành khỏi, và sẽ không còn ở vào tình trạng sống đời thực vật như trước; nhất là vào những năm sau đó. Điều này, càng khiến ta chú ý hơn, rằng: vào trường hợp có những bệnh nhân thực sự bị như thế, thì: ta lại càng phải kính trọng phẩm giá của người đó hơn. Càng nên tiếp tục điều trị cho họ bằng phương pháp dinh dưỡng, tiếp nước vào cơ thể, theo phương thức nhân tạo, hơn nữa.” (X. Lm John Flader, The Catholic Weekly, 09/5/2010 tr.11)

Nói nào ngay, đức thày nhà có khuyên gì thì khuyên. Có, bảo gì thì bảo, người đời nay vẫn cứ nhìn vào cuộc đời, rồi thấy chán. Vì có chán và khá ngán, nên nhiều người lại cứ cất lên đôi câu hát rất “nhắm mắt”, để rồi lại xin với xỏ, rồi còn hỏi:

Anh ở đâu ?

Em ở đâu ?

Có chăng mưa sầu, buồn đen mắt sâu? “

(Phạm Đình Chương/Thanh Tâm Tuyền – bđd)

Và rồi, cứ nhắm mắt (chứ đừng nhắm mũi), sẽ lại thấy những “nửa hồn (rất) thương đau!”. Nhắm rồi, hãy cứ tìm. Tìm anh. Tìm em,. Xem em và anh, hiện ở đâu? Có mưa sầu? Buồn đen? Hay, mắt sâu, rất như thế?

Nói cho cùng, dù cho anh, cho em có nhắm cả mắt lẫn mũi, thì đời anh, đời em vẫn cứ xa nhau. Vì đời anh, hoặc đời em đang sống rất giống đời cỏ cây. Thực vật. Xa và tìm, có thể vì ta vẫn cứ nghe rồi chóng quên, lời dạy của Đức Chúa, rất sau đây:

“Hãy xem chim trời:

Chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho;

thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng.

Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?”

(Mt 6: 26)

Nói cho cùng, dù người anh/người em của ta, nay có thương đau đến “nửa hồn”, vì sức khoẻ đang dần dà, lịm chết. Theo nhiều cách. Thì, cũng cứ hy vọng rằng mọi sự sẽ tốt đẹp, như Lời Chúa nhủ khuyên. Bởi, dù gì đi nữa, Thầy Chí Thánh, vẫn ở bên ta. Vỗ về. Tiếp sức. Có Ngài ở gần, lo gì chuyện chết đói. Chết khát. Có Ngài ở gần, chắc chắn dân con mọi người cứ yên tâm mà sống. Sống yêu thương, giùm giúp, hết mọi ngưòi. Khỏi lo lắng. Đắn đo. Như truyện kể ở dưới, rày minh chứng:

“Truyện kể rằng:

Có cụ ông vào tuổi lục tuần nọ, sau nhiều tháng năm bận tâm cống hiến đời mình cho lao động, nay về già đã biết ưu tư, lo cho chính mình. Ông gom góp một số tiền lặn lưng làm một chuyến du ngoạn thưởng lãm những gì mình chưa biết. Vui chơi vài ba bữa, cho bõ cảnh về già, không còn sức. Ông lấy bản đồ, rồi nhắm mắt chấm đại vào đó, chon nơi đi. Cây viết ông dùng để chấm, để khoanh, lại rơi ngay vào nước láng giềng kề cận, tên gọi nước Thái. Vừa đặt chân đến nước bạn, để thưởng ngoạn, ông bèn cởi áo sống cho thoải mái, bèn làm một vòng tản bộ “thăm dân cho biết sự tình.”

Kịp đến ngã ba đường mới lạ, cần chọn hướng, ông đi về hướng có mũi tên dành để cho người ít tiền. Đương nhiên là một chọn lựa rất phải lẽ. Lại đến kúc rẻ trực chỉ nơi chốn dành cho người có tuổi. Ông hí hửng mỉm cười nghĩ mình đã chọn đúng hướng..

Tiếp tục tiến bước, ông lại theo tấm bảng chỉ đường ở một ngã ba khác, phân rẽ đôi đàng chỉ về hướng dành cho người không còn bảnh trai, nhưng có chút đồng dư đồng để, tha hồ mà hưởng lạc. Nhiều hạnh phúc.

Chợt đến cuối đường, ông lại thấy có tấm biển ghi lời khuyên: hãy chọn một trong hai phía, một dành cho ngưòi dẻo dai. Trai tráng. Đầy nghị lực. Phía kia, dành cho người không còn sức. Chỉ lai rai. Sương sương, vài ba sợi, dành cho người “hết mực”. Trong một thoáng chốc rất nhanh, ông chọn lối thứ hai. Tuởng rằng chọn thế là rất đúng. Nhưng, tới cuối đường, bèn thấy có tấm bản ghi rõ giòng chữ: “Ít tiền. Già lão. Xấu trai. Lại không có sức. Thôi, về đi mà tính chuyện dưỡng già, cho phải Đạo làm người, hỡi cha nội. Hơi sức đâu nữa mà bon chen.Chỉ còn nước chết.”

Kinh nghiệm sống đời thường, nhiều người rày đã biết: đường đi không khó, mà sao lối về lại lắm chông gai. Miệt mài. Gió sương! Với sức lực còn lại ở cuối đời, hẳn người người chợt nhớ chợt thương cho những ai không còn trẻ, cũng chẳng còn bao nhiêu sức, nhưng vẫn không biết nhắm tài lực của chính mình, để rồi sẽ phải hát câu thơ/ý nhạc rất hiện thực như sau:

“Ôi những người! Ôi những người

khóc lẻ loi một mình.”

Khóc, lẻ loi … một mình!”

(Phạm Đình Chương/Thanh Tâm Tuyền – bđd)

Tóm một lời, sống đời cỏ cây, hay sống lành lặn một đời người, vẫn là sống những chuỗi ngày dài có năm tháng thấy mình sao cứ khóc “lẻ loi”, “một mình”? Khóc nhiều nhất, lại là lúc thấy rằng, chẳng còn ai đoái hoài. Yêu thương. Giúp mình. Vẫn cứ biện luận. Tranh cãi. Đố kỵ. Vẫn cứ dựa nhiều vào qui định. Luật lệ. Rất cứng ngắc.

Thành thử, dù có sống đời cỏ cây. Thực vật. Rất tất bật. Hoặc, chỉ sống một cuộc đời bình thường. Hạnh phúc. Rất tâm đắc. Ta vẫn cứ bảo nhau hãy duy trì tình thân thương. Hỗ trợ. Dù, mình đang sống rất khó. Hoặc, rất khó sống. Với người thân, ở nhà Đạo.

Trần Ngọc Mười Hai

Nhiều lúc chợt nhớ về

cuộc đời của bạn nghèo.

Tuy không hèn.

Nhưng khốn khó.

(xem thêm các bài khác xin vào www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc, www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc,www.giadinhanphong.blogspot.com )