Friday, 25 January 2013

“Vi vu, đồi thông reo xao xác



Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ Sáu Thường niên Năm C 17-02-2013

 “Vi vu, đồi thông reo xao xác
“Lá chiều rơi, thu về.
“Em ơi, cánh buồm xa ngày xưa,
“Vướng bao nhiêu lời thề.
(La Paloma – Lời Việt: Cánh buồm xa xưa)
(Gb 5: 2-4)
Cứ hỏi rằng: cánh buồm xa xưa ấy nay trôi về đâu? Có như "lá chiều rơi, thu về” chứ? Vâng. Lá chiều rơi, thu về vẫn vi vu, xao xác đồi thông reo. Nhưng, cánh buồm hôm nay đã và đang vi vu vút lạnh bên xứ Phù Tang, Minh-Trị Thiên-Hoàng chẳng vấn vương lời thề nào, nhưng chỉ nợ báo cáo/tường trình ngắn như sau:
            Trong chuyến đi chơi về miền Trung Bắc xứ Phù Tang, hướng-dẫn-viên trọng tuổi người Nhật có nói: ‘Theo quý vị cho biết như thế, thì người Nhật chúng tôi cũng có nhiều tập tục giống như người Việt ở vài điểm, như: tục nhuộm răng đen. Tục này chấm dứt thời Minh Trị Thiên Hoàng. Thêm một điều nữa là: trong gia đình, người Nhật cũng còn giữ tinh thần đại gia đình và luôn cả thói tục “chồng chúa vợ tôi” nữa.’
            Bần đạo đây thấy hướng-dẫn-viên luôn mồm nhắc đến ‘đấng phu quân’ một điều ‘my master’ hai điều ‘my master’ mà không biết có thật hay không, nhưng vẫn tin là hai dân tộc Việt-Nhật rất giống nhau ở tinh thần gia đình/giòng tộc. Nhiều gia đình ở cả hai nước vẫn thực hiện cung cách: 3 thế hệ sống chung cùng nhà. Cùng ăn, cùng ở và cùng chăm sóc gia đình.
Thêm kinh nghiệm nữa là: ở Kyoto, bần đạo có dịp trú ngụ tại lữ quán sống theo lối cổ của người Nhật, có tên là Tawaraya Ryokan. Rõ thật lúng túng, khi vừa đến cửa phòng tiếp tân, đã được mời cởi giầy để đi dép; và có hai nhị tỳ người Nhật cứ đứng đó tươi cười, cúi gập mình chào và chờ lấy giầy đem đi cất miệng không ngừng rối rít nói lời “Aligato zaima”. Và rồi cũng có người chờ đưa giầy đến tận chân cho mình đi ra đường. Thêm nữa, cả nhà bần đạo vẫn thấy ái ngại khi được hỏi: gia đình định dùng điểm tâm theo kiểu Nhật hay kiểu Tây, đây? Ăn vào lúc mấy giờ? Cuối cùng mới biết: bữa điểm tâm được dọn ngay trong phòng theo kiểu ‘trà đạo’, tức ngồi bệt trên chiếu/gối; phía trước là chiếc bàn thâm thấp đủ cho 3 người dùng. Ai bị thấp khớp, sẽ thấy ngại!
Chuyện Nhật Bản, khiến bần đạo nhớ đến cảnh sống trong gia đình nọ có cha và con tranh tài/thử thách rất như sau:

“Truyện rằng:
Những phàn nàn hoặc xung đột thường ngày xảy ra như cơm bữa; chí ít, là khi cả ông bố lẫn ông con  cứ thi nhau mà ‘nổ‘ bằng những lời nghe qua ‘tưởng bở’ như sau:
-Trai tráng ngần này tuổi rồi, mà không có được con bồ, thằng này kém quá! Kém hơn tao rồi.
Ông con trai gân cổ phản đối:
-Bố có giỏi thì cứ tán gái thử xem! Nào, con với bố ra ngoài kia làm cuộc thi xem ai tán được trước.
-Đi thi đi! Tao đâu ngán.
Hai bố con bèn ra đầu ngõ, thấy cô gái xinh đi ngang qua, ông con trai lém lỉnh bèn tán tỉnh:
-Em ơi! Anh yêu em nhiều lắm đó. Thế, em có yêu anh không?
Cô gái xinh ngoái cổ, đáp thẳng thừng:
-Yêu? Yêu cái thằng cha mày ấy!
Ông bố bèn nhảy cỡn lên vì sung sướng:
-Đấy! Con thấy chưa? Bố từng nói: vô chiêu thắng hữu chiều là thế đấy!”

Thấy rồi đấy. Thấy, là thấy như người nghệ sĩ vẫn cảm kích cánh buồm xưa lướt gió trong chiều mưa, đầy nhớ tiếc như ly biệt:

“Xa xa đàn chim uyên giăng cánh biếc trời mây tung hoành,
Sương lam lắng chìm trong hoàng hôn khi tâm tư tan tành.
Thuyền ai đang lênh đênh vượt sóng biếc cho ta vơi cơn sầu.
Ai đang đắm đuối trên lưng muôn con sóng xanh bạc đầu.
Biệt ly sao chua cay làm mắt ướt tóc xanh nay phai màu,
Nhớ mãi, nhớ mãi môi em cười khi bến xa con tàu.”
(La Paloma)

Chim uyên hôm nay đã tung hoành “cánh biếc trời mây”, vẫn cứ nhớ và tiếc tháng ngày ăn chung, ở chung với gia đình, nhiều thế hệ. Nhớ và tiếc, là nhớ nhiều yếu tố có cố gắng hoặc quyết tâm cả gia đình xưa thực hiện, như quan niệm của người Úc, cũng tỏ bầy:

“Đề cập chuyện vui/buồn trong gia đình, nhiều lúc tôi thường hỏi người/hỏi mình những câu như: chiều qua bạn dùng bữa tối ở đâu? Vẫn ngồi trước màn ảnh nhỏ chứ? Hoặc chỉ cơm nước qua quít bằng món tay cầm mì thịt để còn kịp đi xem bóng đá? Hoặc ở tiệm McDonald’s, KFC hay tại bàn cơm gia đình, như mọi ngày?
Cách đây ít năm, các nhà nghiên cứu về tâm lý/giáo dục ở Mỹ, Canada và Anh quốc có thực hiện một khảo sát nhỏ, đã khám phá ra rằng: có đến 28% người lớn sống chung với con cái dưới 18 tuổi cho biết: gia đình họ vẫn ăn cơm tối chung tại nhà, mỗi tuần 7 ngày. Số còn lại gồm chừng 24% lại nói: họ chỉ ăn cơm chung một ít tối, mỗi tuần thôi.
Còn nhớ, cách đây không lâu, hầu như tối nào ở nhà người Úc, cha mẹ và con cái vẫn quây quần bên bàn ăn, cứ hau háu chờ xem mẹ nấu món gì ngon thế. Nhưng, chuyện ấy  nay thưa dần.
Nếu có ai hỏi: tại sao ngày nay ít thấy người Úc bớt ăn chung ở nhà, vào buổi tối? Câu trả lời cũng đa dang. Tựu trung, có thể tóm tắt hai lý do chính như sau:
1.Phần đông bậc cha mẹ nay say mê làm việc quên ăn uống
2.Giờ giấc sinh hoạt của con cái khá dầy đặc.
Phần đông gia đình hiện nay có bố mẹ sinh hoạt rất tất bật. Mới từ sở về, đã phải đi đón con rồi còn đưa chúng học thêm, chơi thể thao, hoặc tham dự hoà nhạc, hội họp ở nhà thờ hoặc các sự kiện khác, rất linh tinh. Đâu ai nghĩ: bữa ăn gia đình vào buổi tối đều mang tính cần thiết có lợi cho sự sống còn của đàn con. Nó là chiếc neo gìn giữ gia đình gần cận nhau, rất bền chặt. Dù, anh chị em có cãi cọ, hoặc tranh luận với nhau về nhiều chuyện, cũng vẫn vui.
Tuy nhiên, có trường hợp gia đình không thể tổ chức ăn chung được vì nhiều lý do, nhưng bao giờ cũng thế, bữa tối ở nhà là nơi gia đình có thể quay về với thời buổi dẫy đầy niềm vui, nỗi sầu hoặc cả hai, nhưng rất cần. Đó là lúc, gia đình tạo điểm son khác biệt về gốc gác/lý lịch. Đó là lúc, cha mẹ và con cái có thể trao cho nhau vài mẩu chuyện nghe được từ đâu đó hoặc mở cho nhau tầm nhìn về thế giới lớn rộng, về giá trị căn bản của gia đình. Chính đó là lúc, con nhỏ học nhiều từ ngữ, thói tục hoặc những gì làm nền cho cuộc sống.
Ăn chung buổi tối, còn để con cái nguyện cầu, nghĩ đến những người thiếu ăn, thiếu mặc. Nói tóm lại, đó là thời gian cho gia đình, chứ không chỉ riêng bố mẹ hoặc cho con cái, thôi. Mỗi tối quây quần ăn cùng một chỗ, là phương cách giúp kiến tạo tình gia đình rất quý. Khi gia đình đóng cửa trước, mỗi tối, để cùng ngồi bàn ăn chung, đó là lúc cả nhà biết rằng việc này rất cần cho cuộc sống, để biết mình thực sự hiện hữu. Điều đó, tuy thế, không là lý tưởng.
Nhiều khảo sát cho thấy gia đình nào tổ chức thường xuyên bữa tối chung, thì con cái bớt hút sách, uống rượu, ma tuý, bớt sợ trầm cảm hoặc toan tính tự vẫn, trốn học hoặc bê bối tình dục cũng bớt nhiều. Có ăn chung như thế, con cái mới thành đạt trong học tập, bớt ham muốn chuyện ăn nằm và học cách sống chan hoà với bà con trong cộng đoàn, đó mới cần.
Nhà nhân chủng thuộc Đại Học Rutgers ở New Jersey nọ, có nói: Nếu sống mà chỉ gồm mỗi ăn uống cho qua ngày, thì để làm công việc ấy, ta chỉ cần kiếm người máy đút ống cao su đổ thức ăn vào miệng, thế cũng đủ. Nhưng ăn uống, còn là giáo dục văn minh cho con cái; dạy chúng thành người có văn hoá, văn minh, lịch lãm.”               
Ngoài xã hội, nay có quá nhiều vấn đề ly dị, bạo lực hoặc tự vẫn, nhu cầu buộc cha mẹ và con cái ngồi lại với nhau ăn cơm chung vào mỗi tối, sẽ giúp đôi bên hiểu nhau, thương nhau, ở lại với nhau lâu hơn, nhiều hơn. Dĩ nhiên, không có chuyện mỗi gia đình và mọi gia đình đều áp dụng chung một kiểu ăn tối, nhưng dù sao vẫn có thể tạo truyền thống tốt cho gia đình, đó là chuyện cần làm.
Hãy thử thực hiện kế hoạch mỗi tối ở nhà mà ăn cơm chung với mẹ cha, anh chị, không cần thời khóa biểu gì ghế gớm, hết. Chỉ cần tạo dịp để gia đình ở gần nhau, nói với nhau, nghĩ về nhau cũng đã quý rồi. Hãy thử làm thế, sẽ thấy kết quả rất tốt.” (x. Bernard Toutounji, Food for thought: Family that eats together stays together,  The Catholic Weekly 23/10/2011 tr. 18) 

            Với người thường, trong đời thì như thế. Như thế, tức như thể ta làm xét nghiệm rất thực tế, của người đi trước cũng kinh nghiệm đầy mình, nay lưu truyền. Bởi, nay như có quá nhiều sinh hoạt ở ngoài đời/ngoài Đạo nên bữa ăn tối trong gia đình hoặc Tết/lễ có các cụ, ông/bà bị bỏ bê tại nhà, rất hoang vắng. Với nhà Đạo, chuyện cùng nhau dự Tiệc Thánh hoặc sinh hoạt cộng đồng, sẽ là và vẫn là cách để ta tỏ niềm tin, cũng rất quý. Có vị, lại rủ nhau đi hành hương nơi nào đó, cũng rất hay. Có người, lại thân hành đến tận đón/đưa người già/yếu, tật/bệnh đi lễ/dự Tiệc Thánh, thế mới tuyệt.
            Cùng sinh hoạt ăn uống tại nhà, hoặc cùng sinh hoạt phụng vụ ở nhà thờ, là cùng tưởng nhớ ý kiến của bạn bè/người thân, trong chung sống. Sống cuộc đời người, thường thấy những lời truyền kinh nghiệm cho nhau, để cùng vui hưởng những ngày sống, đó là lời nhắn của một bạn chưa quen nhưng đã mến, như sau:

Dưới đây là bản ghi lại cuộc nói chuyện của Bác sĩ Richard Teo, một triệu phú 40 tuổi, là bác sĩ giải phẩu thẩm mỹ, bị ung thư phổi thời kỳ 4 đến chia sẻ với khóa nha D1 về kinh nghiệm sống của mình vào ngày 19/1/2012. Anh qua đời ngày18/10/2012.
‘Chào các em,
Giọng tôi hơi bị khàn một chút, mong các em chịu khó nghe tôi nói nhé. Tôi xin tự giới thiêu, tôi là Bs Richard Teo. Tôi sẽ chia sẻ vài suy nghĩ về cuộc sống của tôi và rất vui khi được các giáo sư mời đến đây giúp các em suy nghĩ khi bắt đầu theo ngành nha sĩ giải phẫu và suy về những việc quanh đó.
Hồi trẻ, tôi là sản phẩm đặc trưng của xã hội ngày nay, một sản phẩm khá thành công được xã hội đòi hỏi. Tôi lớn lên từ gia đình có mức sống dưới mức trung bình. Tôi được mọi người chung quanh bảo: có thành công mới có hạnh phúc. Thành công, nghĩa là giàu có. Bằng vào suy nghĩ này, tôi đã biết ganh đua ngay từ nhỏ. Không những chỉ cần vào trường giỏi thôi, tôi cần phải thành công trong mọi địa hạt nữa -từ sinh hoạt tập thể cho đến việc chạy đua, nói chung là tất cả mọi thứ. Tôi cần đoạt cúp, cần thành công, cần đoạt giải, giải quốc gia, đại loại như thế. Tôi thích ganh đua, nên đã chọn vào trường y và trở thành bác sĩ. Chắc các em đều biết: ở ngành y, giải phẫu mắt là một trong những khoa khó vào nhất. Tôi vào được và được học bổng đại học NUS phát triển tia laser chữa mắt. Khi nghiên cứu, tôi đạt hai bằng phát minh -một về dụng cụ y khoa và một về tia laser. Các em biết không, các thành tựu này không mang lại cho tôi sự giàu có.
Sau khi hoàn tất cao học MOH, tôi quyết định theo đuổi ngành phẫu thuật mắt nên mất quá nhiều thời gian trong khi ra ngoài làm tư kiếm nhiều tiền hơn. Nếu các em để ý, sẽ thấy các năm qua, ngành thẩm mỹ đang lên, kiếm được khối tiền. Thế nên, tôi quyết định bỏ ngang ngành giải phẫu mắt để mở trung tâm giải phẫu thẩm mỹ trong tỉnh.
Các em biết đấy, có điều mâu thuẫn, là: người ta không vui khi trả $20 cho bác sĩ toàn khoa, nhưng lại không ngần ngại chi $10,000 để hút mỡ bụng, $15,000 để sửa ngực vv… mà không cần suy nghĩ nhiều, phải thế không? Tại sao ta cứ thích trở thành bác sĩ toàn khoa mà lại không là bác sĩ thẩm mỹ? Do vậy, thay vì chữa bịnh, tôi quyết định trở thành người sửa sắc đẹp. Công việc rất khấm khá. Bịnh nhân mới đầu chờ một tuần, rồi 3 tuần, sau lên một tháng, 2 tháng, rồi 3 tháng. Quá nhiều bịnh nhân. Tôi choáng ngợp. Tôi mướn thêm bác sĩ, hai ba rồi bốn bác sĩ. Chỉ năm đầu, tôi đã thành triệu phú nhưng không sao thấy đủ, vì cứ ngụp lặn trong cơn mê.
Tôi bắt đầu phát triển qua Nam Dương, thu hút những ai muốn được giải phẫu trong nháy mắt. Cuộc sống cứ thế lên hương. Tôi làm gì với mớ tiền thừa thãi, dư dật ấy? Cuối tuần tôi tiêu khiển thế nào? Thông thường, tôi tụ tập ở câu lạc bộ đua xe. Tôi sắm riêng một chiếc xe đua. Chúng tôi đến Sepang, Mã Lai để đua xe. Cuộc sống của tôi là thế đó. Với mớ tiền măt sẵn có, tôi sắm chiếc Ferrari.  Lúc đó chiếc 458 chưa ra, chỉ có chiếc 430 thôi. Một bạn cũ của tôi làm ngân hàng vừa mua chiếc màu đỏ mà anh muốn từ lâu. Tôi sắm chiếc màu bạc.
Tôi làm gì sau khi có xe? Đến lúc sắm nhà, tôi bắt đầu kiếm đất xây nhà nghỉ mát. Tôi sống ra sao? Tôi nghĩ mình cần hòa nhập với giới giàu sang, nổi tiếng. Thế là, tôi bắt đầu giao tiếp với người đẹp, giàu sang và nổi tiếng, như hoa hậu thế giới hay người sáng lập mạng, đến ăn ở nhà hàng nổi tiếng có đầu bếp Michelin. Tôi có được mọi thứ trong cuộc sống, đạt chóp đỉnh sự nghiệp và có tất cả. Đó là con người tôi năm trước đây. Lúc có chân trong câu lạc bộ thể thao, tôi nghĩ mình đã không chế mọi chuyện và đạt đỉnh vinh quang rồi.
Nhưng tôi lầm. Tôi không chế ngự được gì. Tháng 3 năm rồi, đột nhiên tôi thấy đau lưng. Tôi nghĩ chắc tại tôi hay vận động mạnh. Tôi đi bệnh viện nổi tiếng nhờ bạn học chụp MRI xem có bị trật đốt sống hay gì khác. Tối hôm đó, anh bạn gọi cho biết có thay đổi tủy trong cột sống của tôi. Tôi hỏi thế nghĩa là gì? Tôi biết nó có nghĩa gì rồi, nhưng không chấp nhận sự thật. Tôi như muốn hỏi: “Bạn nói thiệt đấy chứ?” Tôi đang chuẩn bị tập chạy. Hôm sau tôi phải trải qua nhiều cuộc xét nghiệm hơn như: PET scans; và tôi được bảo là: tôi ở vào thời kỳ thứ tư ung thư phổi. Tôi nghĩ “do đâu mà ra thế?” Ung thư đã lan tới não, cột sống và nội tuyến. Các em biết đấy, có lúc tôi nghĩ mình chế ngự được tất cả, đạt tột đỉnh cuộc sống, nhưng sau đó, tôi đã mất tất cả.
Đây là bản chụp hình phổi của tôi. Nhìn vào, mỗi chấm đều là nang ung thư. Và, tôi có cả chục ngàn nang trong phổi. Tôi được bảo cho biết: dù có hóa trị, tôi cũng chỉ sống thêm 3, 4 tháng là cùng. Cuộc sống tôi nát bấy, nhưng làm sao tránh khỏi? Tôi chán nản, tuyệt vọng, tưởng là mình đã có mọi thứ. Điều mâu thuẫn, là mọi thứ tôi có, kể cả thành công, giải thưởng, xe cộ, nhà cửa, tất cả những thứ mà tôi nghĩ đã mang hạnh phúc đến với mình, nhưng khi mất tinh thần, tuyệt vọng, thì chẳng có gì mang cho tôi niềm vui cả. Tôi chẳng thể nào ôm chiếc Ferrari mà ngủ. Chuyện đó không thể được. Chúng không mang lại an ủi nào trong mười tháng cuối cuộc đời. Thế mà tôi lại tưởng những thứ ấy là hạnh phúc. Không phải vậy. Điều thực sự mang lại cho tôi niềm vui trong mười tháng cuối cuộc đời, là tiếp xúc với người thân, những người tận tâm chăm sóc tôi. Những người cùng cười và cùng khóc với tôi.  Họ thấy được nỗi đau tôi phải chịu. Điều này thực sự mang lại hạnh phúc cho tôi. Những gì tôi sở hữu, đáng lý mang lại hạnh phúc, nhưng không phải thế. Nếu có, tôi đã thấy vui khi nghĩ đến chúng.
Các em biết đấy, Tết sắp đến. Trước kia, tôi thường làm gì? À, tôi thường lái xe đắt tiền rảo một vòng thăm họ hàng, phô trương với bạn bè. Tôi tưởng đó là niềm vui. Nhưng các em có biết rằng: họ hàng, bạn bè tôi đang chật vật để kiếm sống có chia sẻ niềm vui với tôi không một khi thấy tôi chạy xe đắt tiền mình vừa sắm không?  Chắc chắn không. Họ sống khó khăn, đi xe công cộng. Thật ra những gì tôi làm chỉ khiến họ ganh ghét, có khi còn hận thù nữa. Những thứ ấy, ta gọi là đối tượng của sự ganh tị. Tôi khoe khoang để lấp đầy sự kiêu hãnh và cái tôi của mình. Chúng đâu mang niềm vui cho bạn bè, người thân như tôi tưởng.
Để tôi chia sẻ thêm với các em một chuyện khác. Khi tôi bằng tuổi các em, tôi ở khu King Edward VII. Tôi có một bạn khá lạ lùng đối với tôi. Cô tên Jennifer. Chúng tôi thân với nhau. Mỗi khi thả bộ, hễ thấy ốc sên bên đường, là cô nhặt lên và đặt nó trong thảm cỏ. Tôi tự hỏi sao phải làm thế? Tại sao cứ để tay mình vấy bẩn? Nó chỉ là con ốc sên. Thật ra, thì cô cảm nhận rằng: con ốc nằm chỗ đó có thể bị đạp chết. Với tôi, nếu không tránh đường thì đáng bị đạp nát, đó là luật tiến hóa. Tôi ngược ngạo quá phải không, các em? 
Tôi được huấn luyện thành bác sĩ để có lòng từ tâm, đồng cảm. Nhưng, tôi không có. Sau khi tốt nghiệp ngành y, tôi làm việc ở khoa ung thư bệnh viện New York. Hàng ngày, tôi chứng kiến cái chết ở khoa này. Tôi thấy tất cả sự đau đớn bịnh nhân phải chịu. Tôi thấy thuốc giảm đau họ nhồi nhét vào người, từng phút và từng phút. Tôi thấy họ vật lộn với hơi thở cuối, thấy tất cả. Nhưng đây là việc tôi phải làm. Mỗi ngày, tôi đến bịnh xá lấy máu, cho thuốc nhưng bịnh nhân có “thật lòng” với tôi không? Không. Tôi chỉ làm việc của tôi và nóng lòng về nhà, để làm việc riêng của mình.
Nỗi đau đớn, chịu đựng của bịnh nhân có “thật” không? Không. Dĩ nhiên, tôi biết tất cả mọi từ ngữ chuyên môn để tả về sự đớn đau họ trải qua, nhưng thật ra tôi không hề “cảm” được nỗi đớn đau ấy cho đến khi tôi trở thành bịnh nhân. Cho đến giờ, tôi mới hiểu được cảm xúc của họ. Nếu hỏi tôi rằng: ví thử tôi được làm lại cuộc đời, tôi có muốn trở thành bác sĩ khác không? Tôi sẽ trả lời là: Có. Vì bây giờ tôi thật sự hiểu đươc họ. Tôi phải trả giá đắt cho bài học này.
Khi các em vào học năm thứ nhất, bắt đầu hành trình để trở thành nha sĩ giải phẫu, cho phép tôi thách các em hai điều. Dĩ nhiên, các em đây bắt đầu đi làm tư, sẽ thành người giàu có. Tôi bảo đảm rằng: nội việc trồng răng thôi, các em cũng kiếm được bạc ngàn, mớ tiền lớn không tưởng tượng được. Thật ra thì, thành công và giàu có đâu có gì sai trái. Tuyệt đối không. Điều phiền toái duy nhất, là nhiều người trong chúng ta, như tôi đây, không kiềm chế được. Tại sao tôi nói vậy? Bởi, càng tích lũy để có nhiều, tôi càng muốn có nhiều hơn. Càng ham muốn, tôi càng mê muội.
Như tôi đề cập trước đây, tôi muốn sở hữu nhiều hơn, đạt đỉnh vinh quang như xã hội muốn ta ra như thế. Tôi mê muội đến độ chẳng gì trở thành vấn đề với tôi. Bịnh nhân chỉ là nguồn lợi tức; và tôi vắt cạn từng xu nhỏ nơi họ. Nhiều khi ta quên là mình cần phục vụ người khác. Ta lầm lạc đến độ chẳng phục vụ ai ngoài chính mình. Điều đó thực sự xảy đến với tôi.
Dù, là ngành y hay nha, tôi nói với các em ngay đây rằng: khi khám bịnh, đôi khi ta khuyên bịnh nhân điều trị những bịnh mà họ không hẳn đã có, vùng xám không rõ rệt. Cả khi không cần, ta vẫn nói thêm. Vào thời điểm này, tôi biết ai là bạn tôi, tận tình lo lắng cho tôi, ai chỉ muốn làm tiền tôi bằng cách bán “hy vọng” cho tôi. Chúng ta đánh mất lương tâm vì chỉ muốn kiếm tiền. Tệ hơn, tôi có thể kể cho các em nghe, vài năm qua, chúng tôi đã nói xấu đồng nghiệp là “đối thủ” của tôi mà không thấy khó chịu. Hạ được họ để nâng mình lên, chúng tôi vẫn làm.  Điều đó đang xảy ra trong ngành y, nha và mọi chốn. Tôi dám thách thức các em xem mình có đánh mất lương tâm không. Tôi trả giá đắt cho bài học cuộc đời mình. Hy vọng các em sẽ không bao giờ giống tôi.
Điều thứ hai, là: nhiều người trong ta muốn có số lượng bịnh nhân, dù ở bịnh viên công hay tư. Để tôi kể cho các em nghe, khi làm ở bịnh viện, với chồng hồ sơ bịnh lý, tôi chỉ muốn làm cho xong việc càng nhanh, càng tốt. Tôi muốn họ ra khỏi phòng khám bịnh của tôi càng nhanh, càng tốt vì quá nhiều bịnh nhân. Thực tế là như thế. Đây chỉ là công việc làm, một việc thường nhật. Lúc đó, tôi có hay biết cảm xúc của bịnh nhân như thế nào không? Không. Sự sợ hãi, nỗi lo âu của họ, tôi có thật sự hiểu là họ đang trải qua điều gì không? Không, mãi đến khi sự cố xảy ra với tôi, tôi mới nghĩ rằng: đây là lỗi lầm lớn nhất trong xã hội. Chúng ta được huấn luyện để trở thành lương y, nhưng không cảm thông cho bịnh nhân. Tôi không đòi các em phải xúc động, vì như vậy là không chuyên nghiệp, mà chỉ hỏi chúng ta có thật sự cố gắng tìm hiểu nỗi đau của họ không? Phần lớn là không, tôi dám chắc như vây. Vì thế, tôi thách các em hãy luôn đặt mình vào cương vị của bịnh nhân.
Vì sự đau đớn, nỗi lo sợ đều rất thực với họ, mặc dù không thực với các em. Như hiện giờ, tôi đang hóa trị lần thứ 5, nên có thể cho các em biết nó rất khủng khiếp. Hóa trị là thứ mà các em không muốn, ngay kẻ thù của mình phải trải qua vì bị hành hạ đau đớn, ói mửa. Cảm giác thật khiếp sợ! Bây giờ, với chút năng lực còn lại, tôi tìm đến bịnh nhân ung thư khác, vì hiểu được là họ đang chịu đựng cơn đau như thế nào, tuy hơi muộn màng và ít oi!
Các em có tương lai sáng lạn ở phía trước với tất cả tài năng và lòng nhiệt huyết. Tôi thách các em, để hiểu thêm rằng: nhiều người ngoài kia đang thật sự đau đớn, khó khăn, đừng nghĩ rằng chỉ người nghèo mới đau khổ. Điều này không đúng. Người nghèo vốn sẵn không có gì, họ dễ dàng chấp nhận. Do đó, họ hạnh phúc hơn các em và tôi. Nhưng người đau khổ về tâm thần, thể xác, tình cảm, vật chất… họ có thật. Chúng ta chọn làm ngơ hoặc không muốn biết là họ đang hiện hữu. Do đó, khi thành danh các em đừng quên với tay đến những người cần giúp đỡ. Bất cứ việc gì các em làm đều có thể mang sự khác biệt lớn đến cho họ. Bây giờ tôi ở vị trí của người tiếp nhận, tôi thấy khác khi có người thật sự chăm lo, khuyến khích mình. Nhờ vậy, tôi vẫn có thể nói chuyện với các em hôm nay đây.
Tôi sẽ chấm dứt với lời sau cùng này, trong cuốn sách có tựa đề là “Những ngày thứ ba với Morris”, có lẽ một số các em đã đọc, mọi người đều biết sẽ có ngày ta phải chết, chúng ta ai cũng biết thế. Nhưng thật sự chẳng ai tin, vì nếu không, chúng ta đã sống khác. Khi phải đối diện với cái chết, tôi lột bỏ mọi thứ, chỉ tập trung vào thứ cần thiết. Thật trái ngược, chỉ khi nào sắp chết mình mới biết nên sống thế nào. Tôi biết điều này nghe rất bịnh hoạn nhưng đó là sự thật và tôi đang trải qua sự thật đó.
Đừng để xã hội bảo ban các em cách sống. Đừng để môi trường bắt các em phải làm gì. Điều này đã xảy ra cho tôi. Tôi cứ tưởng như vậy là hạnh phúc. Tôi hy vọng các em suy nghĩ lại và sẽ tự quyết định cuộc sống của các em, không do người khác bảo ban mà do các em quyết định sống cho mình hay mang đến sự khác biệt cho đời sống của người khác. Hạnh phúc thật không thế có, khi chỉ biết sống cho riêng mình. Sự thật không như tôi tưởng vào lúc trước.
Quan trọng nhất, theo tôi nghĩ, niềm vui sướng đích thật là khi biết Thượng Đế. Không phải là chỉ biết Thượng Đế như khi ta đọc Kinh Thánh -mà bản thân biết đến Thượng Đế, tiếp cận Ngài. Đây là điều quan trọng nhất mà tôi học được.
Xin tóm tắt, trong cuộc sống, ta biết sắp xếp thứ tự trước sau càng sớm, càng tốt. Đừng giống như tôi. Tôi không còn cách nào và đã phải trả giá đắt cho bài học này. Tôi phải quay lại tạ ơn Thượng Đế vì Ngài đã cho tôi cơ hội sống -tôi gặp 3 tai nạn lớn trong quá khứ- tai nạn đua xe. Tôi đua nhanh và xe muốn lật ngửa nhưng không hiểu sao tôi vẫn sống sót. Dù tôi được rửa tội, đây chỉ là hình thức, nhưng sự kiện xảy ra đã cho tôi cơ hội trở về với Chúa. Vài điều tôi học được:
1)Tin vào Chúa với cả tấm lòng. Điều này thật quan trọng.
2)Thương yêu và sống cho người khác, không chỉ cho mình.
Không có gì sai khi mình giàu. Tôi nghĩ điều ấy tốt vì được Chúa ban ơn. Nhiều người được ơn nên giàu có nhưng vấn đề là ta không biết kiềm chế. Đã có nhiều lại càng muốn thêm. Tôi đã qua giai đoạn đó. Lỗ đào càng sâu, ta càng bị lún, đến nỗi chỉ biết thờ của cải và quên cả việc chính. Thay vì phụng thờ Thiên Chúa, ta thờ sự giàu có. Đây là bản năng con người và rất khó thoát. Ta thành danh, đi làm và gây dựng sự giàu có, điều này dĩ nhiên,. Tôi nghĩ, khi giàu sang và đạt cơ hội, các em nên nhớ: tất cả những thứ ấy không thuộc về ta. Ta không sở hữu và có quyền. Những thứ ấy là quà tặng của Chúa.
Tôi đã trải qua và biết rằng: giàu mà thiếu đức tin sẽ thành trống rỗng. Điều quan trọng, là lấp đầy sự giàu có và khi ta trở thành chuyên gia là ta đã có tất cả, thì khi đó ta càng cần lấp đầy sự giàu có của Thiên Chúa.” (trích truyện kể tìm trên mạng)

            Thế đó là cảm nghiệm về sống chung và cùng tin vào Thiên Chúa-Đấng Trên Cao mà anh bạn nọ gọi là Thượng Đế. Có sống chung vui vẻ và truyền cho nhau cùng một niềm tin vào sự cùng nhau vui sống, như thế mới đáng quý. Mới là: đồng đạo, đồng thuyền và đồng lữ hành trên con đường tin tưởng, rất cao siêu.
            Là người tin vào Đức Chúa-Thượng Đế, có lẽ bạn trẻ ở đâu đó sẽ qui chiếu vào điều được ghi rõ ở Kinh Sách, rất như sau:

                        Giờ đây, hỡi những kẻ giàu có,
các người hãy than van rên rỉ
về những tai hoạ sắp đổ xuống trên đầu các người.2
Tài sản của các người đã hư nát,
quần áo của các người đã bị mối ăn.3
Vàng bạc của các người đã bị rỉ sét;
và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người;
nó sẽ như lửa thiêu huỷ xác thịt các người.”
(Thư thánh Giacôbê 5: 2-4)
           
Nhớ lại lời dạy trong Kinh Sách hay nhớ về lời khuyên của người đi trước, là nhớ về những người anh, người chị ở Nước Trời Hội thánh đang vui sống, không tự lo cho riêng mình mà là mọi người và nhiều người.

Trần Ngọc Mười Hai
            Và những ngày vui sống
            cứ ê a lời hát êm đềm
            rất La Paloma.


Wednesday, 23 January 2013

“Thà làm hạt mưa bay”



Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ Ba Thường niên Năm C 27-01-2013

“Thà làm hạt mưa bay”
         “Ướt tóc em một ngày,
Còn hơn anh phải đợi,
Cuối đường chiều nắng phai.”
(Nhạc: Trần Thanh Tùng – Thơ: Lý Thiện Ngộ)
(1P 3: 13-14)
Có những chuyện đời chẳng ai nghĩ tới với những câu “Thà làm hạt mưa bay” chỉ để ướt tóc người em yêu. Hoặc: “làm giọt sương đêm” rơi rớt buổi chiều mềm muốn lắm cũng chẳng được. Có những việc động trời/khó tin, nhưng có thật sau đây:
            Hôm ấy một ngày khá đẹp trời, bần đạo thấy cuộc đời người có khá nhiều chuyện lăng nhăng/rắc rối chẳng ra sao, bèn làm một cuộc xục xạo trên mạng với điện thư coi xem có câu chuyện kể nào để phiếm không; bất chợt gặp một truyện kể khá ‘cứng’ như thế này:
            Truyện, là về tâm sự của cô học trò nọ ghi thư gửi thày mình với những giòng chữ như sau:

                        “Thày ơi, thày biết không:
Năm con lên 12 tuổi, mẹ con đánh con đến xảy thai trong nhà bếp, chỉ vì cái thai ấy là của người thân trong nhà! Năm lên trung học, mỗi khi vào lớp là con luôn dành ghế ngồi gần cửa, để kịp đến khi chuông reo là vọt chạy ra ngoài. Thế rồi, càng thêm tuổi con cứ thế lên lớp, không còn vấn đề ở lại gì hết!
Con nhớ mãi cái ông thầy cắc cớ dạy đại số cứ thấy bài con làm là cho điểm “F” ngay. Bực quá, mỗi lần nhận bài ông trả, con lại buột miệng đổi chữa “F” thành câu chửi thề, tục tĩu.
Một hôm ông bảo con mở bài trang 108 ra làm. Con cứ ngồi yên, chẳng mở trang nào hết  khiến ông nhìn thấy bèn quát tháo:
-Đồ khốn kiếp! Nếu em không mở sách học, thì hãy cút khỏi nơi đây ngay lập tức.
Nghe thế, con bèn ung dung trả lời:
-Thầy chẳng có quyền gì đuổi tôi cả. Hiệu trưởng bảo tôi ngồi lớp này thì tôi ngồi, chứ tôi có chọn lớp thày đâu mà đuổi với xả làm gì chứ!
Ông thầy thấy vậy bèn nổi cơn tam bành, cầm cuốn sách ném lên bàn rồi quát:
-Đồ hỗn! Cút khỏi đây ngay lập tức. Nếu không, tôi sẽ gọi giám thị lên cho mà xem.
Bắt chước thái độ của ông, con cũng cầm sách ném xuống sàn nhà và văng tục.
Thật ra, khi đó con có mở trang 108 hay 208 gì cũng thế. Vì con đâu đọc được chữ tiếng Anh nào chứ. May cho con, là sau ngày con được Thầy tận tâm giúp con rất nhiều, như khi chấm bài, thay vì cho con điểm ‘F’ như ông ấy, Thầy vẫn trao bài cho con rồi nhỏ nhẹ hỏi:
-Em có muốn thầy giúp gì em không?
Thoạt đầu, dù rõ ràng đã nghe thầy hỏi, con vẫn giả tảng làm ngơ không nói gì, bởi khi đó con rất hận đàn ông. Nhưng, qua cung cách bình dị về lời nói lẫn nụ cười khoan dung cộng với tính kiên nhẫn và cách phục sức của thầy, tất cả đã tác động lên con rất nhiều. Bởi thế nên, con chấp nhận để thầy giúp đỡ. Cũng từ đó, thầy đã bỏ biết bao thời giờ để kèm bài cho con, chăm chút từng ly từng tí. Khi thì ngồi cạnh, lúc thì thầy lại đứng sát gần bên con để cùng con tập đọc, tập làm tính nhân/tính chia đơn giản, chứ không phải toàn những bài đại số rắc rối. Rất ít khi chỉ bài cho con mà thầy lại đứng chắp tay sau lưng, xỉa xói hoặc nói lời nặng nề khiến con khó chịu. Thầy đã quá cực nhọc vì con.
Hôm nay, con trở thành nhà văn khá nổi cũng là nhờ có thầy dẫn dắt. Sách con viết, tờ New York Times liệt vào một trong các sách bán chạy nhất trong năm. Nên hôm nay, con xin tặng những giòng chữ này là để ghi nhớ công ơn của Thầy” (phỏng theo truyện kể số 90 “Ngực Xé, Tim Lủng trong “Chút Mắm Muối Cho Bữa Cơm Hàng Ngày” Lasan.org tr.162-163)

Thế đấy, là lời lẽ của nhà văn nọ đã tâm sự với người thầy mình. Thế đấy, là cung cách của nhà mô phạm đã xử thế rất phải lẽ. Còn, đây là tâm sự của nhà thơ từng viết đôi giòng nhạc lại cũng khác:

“Thà làm giọt sương đêm,
Ướp mắt em hương buồn
Còn hơn ôm giấc mộng
Chập chờn của ánh trăng”
(Trần Thanh Tùng, bđd)

Thà làm giọt sương đêm” hơn “ôm giấc mộng chập chờn”, phải chăng đó là tình tự của người anh/người chị trong thánh hội đang có quá nhiều chuyện rắc rối về sống đạo cho phải phép?
Thà làm giọt sương đêm” hơn “chập chờn ánh trăng”, phải chăng đây cũng là tình tự của ai đó hôm nay lại thấy rõ ưu tư đọng lắng nơi bạn đạo? Ưu tư, xin được gửi đến đấng bậc mô phạm ở Sydney, để rộng đường dư luận. ưu tư vỏn vẹn mỗi thế này:

“ Vừa qua ở Úc, đã xảy ra chuyện: nhà cầm quyền Sydney quyết đòi các linh mục Công giáo Úc có trách nhiệm mục vụ phải cung cấp thông tin chính xác về những gì mình làm hoặc chấp nhận ra toà làm chứng cho các vụ lạm dụng tình dục nghiêm trọng mình từng nghe ở toà giải tội. Giả như, cơ quan lập pháp Úc đồng ý thông qua đạo luật nào như thế, thì sự thể sẽ ra sao, với nhà Đạo? Linh mục Công giáo có buộc phải tuân thủ luật đời đến thế không? Xin chỉ giáo để giải toả nỗi thắc mắc cứ lảng vảng trong đầu rất nhiểu người.”

Vấn đề này khá nghiêm trọng. Nghiêm trọng, bởi cứ hỏi: có chăng ứng xử nào xuất từ nhà đạo khả dĩ đưa ra ít/nhiều nhượng bộ về luật Hội thánh? Câu hỏi được gửi đến nhiều đấng bậc, cách riêng là Lm John Flader, đức thày phụ trách mục hỏi/đáp trên tờ The Catholic Weekley hầu có câu trả lời thỏa đáng, rất chính mạch. Và, đức thày có ý kiến, như sau:

“Chuyện này, nay đã được chính quyền cố ý phổ biến cho dân thấy những khúc mắc tình dục mà một số linh mục đã vướng phải. Thế nên, tôi nghĩ đây là một trong các vấn đề khá phức tạp, muốn giải quyết cho thoả đáng trước nhất cũng nên cứu xét một vài sự kiện thật nhuần nhuyễn.
Trước tiên, là qui định nền tảng của Hội thánh: linh mục không thể và không bao giờ được tỏ bày cho ai biết bất cứ điều gì các ngài nghe được ở toà cáo giải. Đó là ‘dấu ấn tuyệt mật’ ta không thể loại bỏ khỏi bí tích xá giải, được. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo từng khẳng định: “Do yếu tố tế nhị và sự cao đẹp mục vụ cũng như để tôn trọng người phạm lỗi, Hội thánh quyết: linh mục nào nghe tội của người xưng, buộc phải tuyệt đối giữ bí mật về các lỗi phạm người xưng thú; bằng không, sẽ chịu hình phạt nghiêm trọng. Linh mục, một khi đã nghe tội của người xưng rồi, đều không được phép sử dụng điều mình nghe/biết về đời sống của người ấy cho bất cứ dụng đích nào, cũng thế. Bí mật này không có luật trừ. Và, Hội thánh gọi đó là ‘dấu ấn tuyệt mật của bí tích giải tội’. Sở dĩ giáo hội gọi như thế, vì những điều người xưng nói cho linh mục biết, đều được bí tích giải tội ‘khằng’ thành bí mật tuyệt đối.” (xem. GLHTCG đoạn 1467).
Ngoài ra, Giáo luật có đoạn cũng nói rõ về ‘bí mật toà cáo giải’ thì bất kỳ là ai cũng không được phép tiết lộ cho đệ tam nhân biết. Thế nên, trong bất cứ trường hợp nào đi nữa, linh mục ngồi toà tuyệt đối không được phản bội người xưng vì bất kỳ lý do nào, bất cứ lời lẽ hoặc phương cách nào cũng thế”. (xem Giáo luật khoản 983, câu 1).          
Và điều khoản sau đó còn ghi rõ: ‘Luật Hội thánh cấm tuyệt các vị linh mục giải tội không được phép sử dụng những điều nào mình nghe ở toà giải tội, khả dĩ gây tổn hại cho người xưng dù linh mục ấy không thấy có mối nguy hiểm nào, khi tiết lộ bí mật ấy ra.’ (xem Giáo luật khoản 984 đoạn 1).
Hỏi rằng: Nếu tiết lộ, thì hình phạt sẽ nghiêm trọng đến thế nào giả như có linh mục nào đó vi phạm dấu ‘khằng’ tuyệt mật này? Câu trả lời, là: linh mục nào trực tiếp vi phạm dấu ‘khằng’ tuyệt mật của bí tích giải tội, sẽ bị ‘dứt phép thông công‘, mà chỉ có Đức Giáo Hoàng mới chuẩn chước án đó mà thôi. Những ai vi phạm luật ấy một cách gián tiếp, sẽ bị luận phạt tuỳ mức độ nghiêm trọng của tội.’ (xem Giáo luật khoản 1388 câu 1).
‘Dứt phép thông công’ là hình phạt đưa ra, nếu linh mục nào chỉ cần vướng mắc một lần thôi cũng đủ để bị án ấy, không cần phải chờ phán quyết của giám mục chủ quản của mình. Vậy nên, nếu linh mục nào lại cả gan vi phạm ‘dấu ấn tuyệt mật’ này, thì vị ấy tự động bị ‘dứt phép thông công’ ngay tức thì. Điều này có nghĩa: sự việc này do giáo luật qui định, nên không cần cứu xét gì thêm. Hậu quả của việc ‘dứt phép thông công’ sẽ là: linh mục phạm pháp, không được cử hành Tiệc thánh, không được cử hành nghi thức hoặc nhận lãnh bất cứ bí tích nào, kể cả bí tích giải tội, hoặc thi hành công việc thừa tác của mình cho đến khi hối cải và đền bù tội lỗi cho thật xứng.’(xem Giáo luật khoản 1331, câu 1).
Thêm vào đó, muốn gỡ bỏ án phạt ‘dứt phép thông công’, thì chỉ mỗi Đức Thánh Cha mới làm được việc ấy thôi. Thật ra, chỉ một số tội cực trọng mới kéo theo hình phạt ‘dứt phép thông công’ do Đức Thánh Cha giải quyết. Và, đây là một trong các trường hợp như thế’.
Lâu nay, Hội thánh coi việc vi phạm dấu ấn tuyệt mật toà cáo giải’ là sự việc cực kỳ nghiêm trọng. Các linh mục khi chịu chức, đều biết rõ chuyện này. Bởi thế nên, các ngài sẽ chẳng bao giờ chịu tiết lộ cho sở cảnh sát hoặc nói cho toà án biết những gì mình nghe được từ người xưng. Nếu các linh mục bị toà án ngoài đời bắt phạt tù đi nữa vì mình quyết giữ im lặng tuyệt mật, thì chắc chắn một điều, là các ngài sẽ vui lòng chịu ngồi tù, thôi.
Hỏi rằng, làm sao sự việc này lại nghiêm trọng đến thế? Lý do, là vì nếu Hội thánh không bảo mật những gì linh mục nghe/biết ở toà giải tội, thì còn ai tin vào linh mục nữa. Và, giáo dân sẽ không còn cất công đi xưng những gì khả dĩ biến họ trở thành kẻ phạm pháp. Cũng giống như người bệnh tin vào bác sĩ, tâm lý gia, luật sư hoặc các vị cố vấn, ai ai cũng giữ bí mật trong lòng những gì thân chủ mình cho biết. Linh mục thì cũng thế. Nếu như, linh mục nào không giữ bí mật những điều mà người xưng kể cho đấng giải tội nghe, tức: bí mật bị “bật mí” rồi, thì còn ai chịu tìm đến với linh mục mà xưng thú; và, còn ai tin vào linh mục nữa. Giả như Hội thánh không giữ bí mật toà giải tội, thì giáo dân cũng sẽ thôi không còn đến xưng những tội mình phạm với linh mục ngồi toà nữa.
Nói tóm lại, ‘bí mật toà giải tội’ là điều cực kỳ quan trọng đối với người đi Đạo. Và, Hội thánh cũng sẽ không thay đổi luật này; hoặc, cũng sẽ không đưa ra luật trừ nào hết, về chuyện đó. Nhờ thế, ta mới thở phào nhẹ nhõm.’ ( x. Lm John Flader, The Catholic Weekly 25/11/2012 tr.10)

Xem thế thì, câu trả lời của bậc ‘mô phạm’ nhà Đạo ở giáo phận Sydney, hẳn đã luôn mang tính chính mạch. Chính mạch hơn, lại có nhận định thêm của Đức Giám Mục Julian Porteous, Giám mục Phó giáo phận Sydney như sau:

“Trong cuộc họp báo diễn ra ở Sydney ngày 13.11.2012 vừa qua, Đức Hồng Y George Pell đã tái khẳng định: Giáo huấn Hội thánh Công giáo luôn dạy rằng: về “bí mật toà cáo giải’, không một ai được phép vi phạm. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã trích giáo luật ở điều khoả 983 câu 1 có ghi rõ: “Sẽ là tội cực kỳ nghiêm trọng, nếu như linh mục xá giải lại phản bội người xưng bằng bất cứ hình thức hoặc phương cách nào đi nữa, dù ngài có dùng lời lẽ nào đi nữa hoặc viện dẫn bất kỳ lý do hoặc cung cách nào đi nữa, cũng thế thôi.” (x.GLHTCG đoạn 2490)
Theo đó thì, bất cứ linh mục nào cũng không thể phá vỡ bí mật này, dù chỉ để cứu vãn sự sống hoặc bảo vệ thanh danh của mình, cũng không thể loại bỏ tính bí mật ấy cả vào trường hợp để phản bác một án phạt nào cũng thế. Hội thánh dạy rằng: linh mục không thể bị luật pháp ngoài đời buộc mình tiết lộ cho người khác biết các bí mật mà người xưng đã cho ngài biết; cũng như sẽ không bị ràng buộc bởi bất cứ lời thề nào tương tự tại toà án, hết. Thành ra, không thể phá luật Đạo để giúp lệ đời, bằng cách tiết lộ chi tiết về lạm dụng tình dục của bất cứ một ai. Thế nên, linh mục Công giáo không được phép tiết lộ nội dung xưng thú một cách trực tiếp như lập lại lời xưng của hối nhân; hoặc bày tỏ cách gián tiếp bằng dấu hiệu, lời nói hoặc hành động nào cũng không được. Thêm nữa, bất cứ linh mục nào cũng không được sử dụng điều mình nghe/biết ở toà cáo giải cho bất kỳ dụng đích nào.
Luật pháp Úc vẫn bảo vệ quyền của linh mục không buộc phải tiết lộ những gì mình nghe ở toà giải tội. Năm 1989, có một dự luật được thông qua thành luật tiểu bang NSW từng minh định: “Bất cứ ai đang là hoặc từng là giáo sĩ ở bang NSW thuộc bất cứ giáo hội hoặc giáo phái nào cũng đều có quyền khước từ việc tiết lộ những gì người xưng đã nói cho các ngài nghe các lỗi/tội về Đạo hoặc nội dung các lỗi cùng tội mình đã xưng với linh mục”.
Linh mục giải tội bao giờ cũng biết cách khuyên nhủ người có vấn đề này khác hãy tìm sự giúp đỡ ở ngoài toà giải tội. Linh mục nào nghe lời xưng thú của một linh mục nào khác sẽ khuyên hối-nhân linh-mục ấy hãy đối đầu với khó khăn và trình lên thượng cấp.
Linh mục giải tội, có bổn phận không chỉ với hối nhân thôi, mà cả với nạn nhân cũng như cộng đoàn nói chung. Bởi thế nên, linh mục giải tội phải đưa ra lời khuyên theo cùng một đường lối và, nếu cần, có thể ngưng việc xá giải.
Xưng thú tội lỗi, không là và cũng không thể là phương tiện để ai đó dùng nó mà che đậy sự thật và giấu diếm những sai trái do mình vướng mắc. Trái lại, đó là cách thức để hối nhân đối đầu một cách thật thà và lương thiện với những lỗi/tội nào mình từng vướng mắc. Thành thật hối lỗi, sẽ giúp người xưng cố gắng ‘chỉnh sửa những sai trái’ mình phạm phải.
Đằng khác, tín lý Công giáo luôn nói rõ: tội của hối nhân sẽ không được xá giải trừ phi người xưng đã thực sự buồn sầu và quyết hối cải tự đáy lòng mình; và cương quyết là mình sẽ không tái phạm tội nữa. Thông thường, người ngoài Đạo không hiểu được chuyện này, vì thế nên, người ngoài Đạo hay có nhận xét này khác, nhiều khi cũng không đúng.
Nói tóm lại, linh mục bắt buộc phải giữ bí mật toà cáo giải và không một ai được phép phá bỏ luật ấy. Nếu luật dân sự ngoài đời đòi hỏi linh mục nào đó phải phá bỏ ‘dấu ấn tuyệt mật toà cáo giải’, thì linh mục ấy phải khước từ vì lý do lương tâm. Xem như thế, thì các linh mục ngoan cường sẽ nhạy bén về vấn đề này; đồng thời, biết cách khuyên nhủ hối nhân tuân theo những điều ghi trên. Vấn đề nghiêm trọng và tế nhị như thế, Hội thánh bao giờ cũng công nhận trách nhiệm dân sự của mình”. (x.Gm Julian Porteous, Why a priest cannot  break the sacred seal, The Catholic Weekly, 25/11/12 tr.16)

Tinh tế và bén nhạy, vẫn là chuyện của nhà làm luật và thi hành luật. Chí ít, là luật Đạo từng có bề dày lịch sử về các vấn đề tương tự. Mọi chuyện đều rõ như ban ngày; và cũng rất “cổ điển” ngay từ thời Hội thánh được dựng xây, thành lập. Xã hội ngoài đời có luật dân sự, thì giáo hội trong Đạo cũng có luật lệ đặt ra cho người đi Đạo.
Vần đề đặt ra ở bang New South Wales, Úc đã kéo theo một số nhận định của các đấng bậc ngoài Công giáo, cũng rất nhiều. Như: Gm Davit McCall là đấng bậc chủ-quản giáo-phận Anh giáo ở Adelaide, Nam Úc từng có 25 năm kinh-nghiệm quản-cai giáo phận, có cho biết: “Việc bảo vệ con trẻ là chuyện sống còn”. Nhưng, vấn đề là: ‘bí mật toà cáo giải’ có ngăn trở việc này không? Theo tôi, thì không”.
Trong khi đó, thày tư tế Jeremy Lawrence thuộc nhóm Great Synagogue của Do-thái-giáo ở Úc cũng bày tỏ:

“Có lẽ công chúng sẽ không tìm đến với linh mục để được giúp đỡ và chỉ dẫn nữa, nếu họ bị đưa ra làm đề tài bôi nhọ. Cố vấn và khuyên bảo người khác cũng thế, nhất định phải bảo mật và được quân-bình-hoá với các quyền khác. Đạo chúng tôi dạy rằng: việc thú tội bằng lời, luôn cần phải hối cải. Tôn giáo của chúng tôi, không có ‘dấu ấn tuyệt mật toà cáo giải’ gắt gao như bên Công giáo; nhưng, các thày tư tế của chúng tôi vẫn bị ràng buộc bởi cùng một biện pháp bảo mật, khi các thày khuyên bảo bất cứ ai. Làm gì, cũng nên phù hợp với luật pháp nước mình. Nhưng, không vì thế mà điều này lại bị lung lạc để rồi coi đó như giấy phép thuận cho vị mục tử tha hồ tiết lộ cho quảng đại quần chúng biết rõ hành xử có tính ‘ăn tươi nuốt sống’ mọi người trong khi các thày có trách nhiệm phải chăm lo cho quần chúng, nữa.” (xem Multi-faith Solidarity on Confessional Seal, The Catholic Weekly, 25/11/12 tr.1)

Khẳng định theo qui cách của đấng bậc trong Đạo, về Đạo, thì như thế. Diễn đạt theo thơ văn/nghệ thuật kiểu người đời về bức bách trong đời có thể sẽ khác. Khác, như lời hát ở đây:

                        Thà như bướm bay phiêu du trong đời
                        Còn hơn anh phải nói yêu em.
                        Thà làm ngọn thôn xanh cứ đứng im trong đời,
                        Còn hơn em hứa hẹn lời viễn vông.”
                        (Trần Thanh Tùng - bđd)

Thà như thông xanh đứng im trong đời’ còn hơn ‘hứa hẹn lời viễn vông”, phải chăng đó là cố vấn/khuyên bảo thực tế ở đời? Thực tế với thực tại ở đời, luôn có những lời khuyên như truyện kể ở bên dưới để kết luận bài luận phiếm khô khan, hôm nay. Truyện, là chuyện về lá thư riêng của ai đó, nay được phát tán tràn lan trên mạng bằng đầu đề ‘Lời Cha dặn con’ như sau:

            Các Con thân mến,
            Khi viết điều này, cha dựa trên 3 nguyên tắc:
-Đời sống là vô thường, không ai biết trước mình sống được bao lâu, có những việc cần nếu được nói sớm để hiểu, thì hay hơn.
-Cha là cha của các con, mà lại không nói ra thì chắc không ai cho các con biết rõ việc này!
-Đây là kết quả của bao năm xương máu, cộng với kinh nghiệm thất bại đắng cay trong đời cha ghi nhận được. Nó sẽ giúp các con tránh được lầm lẫn trên đường trưởng thành.
Dưới đây là những điều nên ghi nhớ trong cuộc đời:
1. Nếu có ai đối xử với các con không tốt, đừng để tâm đến chuyện ấy làm gì cho mất thời giờ. Vì trong cuộc đời này, không ai có bổn phận phải xử tốt với các con hết, ngoại trừ cha mẹ các con. Nếu có người xử tốt với các con, ngoài việc các con phải biết ơn/trân quý, các con cũng nên thận trọng, vì người đời làm gì cũng có mục đích, chớ vội vàng cho họ là bạn tốt của mình ngay.
2. Không ai là người không thể thay thế được; không có vật gì để ta nhất thiết sở hữu, bám vào nó. Nếu hiểu rõ nguyên lý nầy, thì về sau trong đời, lỡ bạn đời mình không còn muốn đi trọn cuộc đời, hay vì lý do gì nào đó, các con mất đi những gì mình trân quý, cũng nên hiểu rằng: đó cũng không là tận thế.
3. Đời người thật ngắn, nếu ta lãng phí thời gian, thì mai rày hiểu được sẽ thấy quãng đời đó sẽ bị mất đi một cách vĩnh viễn! Thế nên, nếu ta biết trân quý sinh mạng mình càng sớm, thì ta càng tận hưởng đời mình nhiều hơn. Mong ước được sống trường thọ, chi bằng hãy cứ tận hưởng đời mình ngay lúc này.
4. Trên đời, chẳng có tình thương bất diệt. Ái tình là cảm xúc nhất thời, cảm xúc ấy sẽ theo thời gian và hoàn cảnh mà đổi thay. Nếu người yêu mà các con tưởng là bất diệt bỏ đi, hãy nhẫn nại để thời gian trôi qua, tâm tư mình rồi cũng từ từ lắng đọng, khổ đau cũng từ từ phai nhạt. Không nên ôm ấp ảo ảnh về yêu thương, cũng không nên quá bi luỵ vì thất tình.
5. Trên thế giới, nhiều người tuy thành công, nổi tiếng mà chẳng học hành gì nhiều hoặc có bằng cấp cao, nhưng điều đó không có nghĩa là: chẳng cần học, cũng sẽ thành công. Kiến thức mình đạt được là do giáo dục/học hành, là vũ khí trong tay. Ta lập nên sự nghiệp với bàn tay trắng, nhưng trong tay không thể không có tấc sắt. Nên nhớ kỹ điều ấy!
6. Cha không yêu cầu các con phải phụng dưỡng cha trong quãng đời còn lại. Ngược lại, cha cũng không thể bảo bọc các con được nữa. Khi các con trưởng thành, sống độc lập, thì đó là lúc cha đã làm tròn thiên chức của cha. Sau nầy các con giàu/nghèo, có cơm ngon, áo đẹp hay không là trách nhiệm của các con, mà thôi.
7. Các con có thể yêu cầu mình giữ chữ TÍN, nhưng không thể bắt người khác phải giữ chữ TÍN với mình. Các con có thể yêu cầu mình phải đối xử TỐT với người khác, nhưng không thể kỳ vọng người khác phải đối xử TỐT với mình. Mình đối xử với người khác thế nào, không có nghiã là người ấy sẽ đối xử lại với mình hệt như thế. Nếu không hiểu rõ điều nầy, sẽ tự chuốc lấy phiền toái cho riêng mình.
8. Trong mười mấy, hai mươi năm nay, tuần nào cha cũng mua vé số, nhưng nghèo vẫn  nghèo, điều nầy chứng tỏ: muốn phát đạt, phải siêng năng cần mẫn mới khá lên được. Trên thế gian không có cái gì miễn phí cả.
9. Sum họp Gia đình, người thân là duyên phận, nên kiếp nầy ta sống chung với nhau bất luận là bao lâu, như thế nào, hãy trân quý thời gian ta chung sống;vì kiếp sau, dù thương hay không, ta cũng không có dịp gặp lại nhau nữa đâu.” (trích điện thư tràn đồng trên mạng)

Lời khuyên của ông bố ở trên, nghe cũng hay và cảm động. Nhưng, vấn đề là: người con và người đời như bạn và tôi, ta nhận định thế nào về lời khuyên khả dĩ thực hiện được và nó sẽ bền lâu bao nhiêu, đó mới là vấn đề.
Vấn đề người thời nay hay đặt, là hỏi rằng: được bao người tìm đến với các đấng bậc để được nghe lời khuyên nhủ không, đó mới thành chuyện. Nay, cũng nên về với lời vàng kinh sách để nhớ. Nhớ rằng, đấng thánh hiền nhà đạo đã có lời khuyên nhủ các đấng bậc từng hy sinh cuộc đời mình để vừa tự thánh-hiến, vừa chẳng sợ quyền lực nào có thể làm hại mình, như sau:

Ai làm hại được anh em,
nếu anh em nhiệt thành làm điều thiện?
Mà nếu anh em chịu khổ vì sống công chính,
thì anh em thật có phúc!
Đừng sợ những kẻ làm hại anh em
và đừng xao xuyến.”
(1P 3: 13-14)

Khổ sở hơn, là trường hợp vì tuân giữ dấu ấn tuyệt mật toà cáo giải, đó mới khó. Mới, can trường chịu áp lực cả từ trong lẫn ngoài vì lý tưởng cao đẹp của Đạo. Chịu bức bách, áp lực như thể lời ca người nghệ sĩ khi xưa từng đề nghị :
           
Thà một mình yêu anh
Với nỗi đau âm thầm
Và em ôm giấc mộng
Ngàn đời mong có nhau.
 

(Trần Thanh Tùng, bđd)

Cuối cùng thì, triết lý của người đời vẫn cứ là:  

Thà như lá rơi
Lênh đênh trên mặt hồ
Anh ơi! Anh có biết không anh?
Thà như bướm bay
Phiêu du trong dòng đời
Còn hơn em phải nói yêu anh!
Thà làm ngọn thông xanh
Cứ đứng im trong đời
Còn hơn anh hứa hẹn lời viển vông.
(Trần Thanh Tùng, bđd)

Mưa bay nhà Đạo, có thể và có lẽ sẽ là ân huệ gửi đến với em, với anh và với mọi người để chứng tỏ rằng mọi sự còn đó, chẳng có gì phải bi quan. Chí ít, là chuyện ‘ướt tóc’ em, chỉ một ngày. Hay một đời. Suốt kiếp người.

Trần Ngọc Mười Hai
Lại tự nhủ lòng mình như thế,
Trong những ngày lãng đãng xa quê,
cũng vẫn gần.