Saturday, 5 January 2013

“Kiếp sống, hẩm hiu, đời giang hồ,”



Chuyện phiếm đọc trong tuần lễ thứ Hai thường niên năm C 20-01-2013

“Kiếp sống, hẩm hiu, đời giang hồ,
         “Cất tiếng hát, hát quên chuyện đời.
Tiếng hát xé tan làn mây đem gieo rắc
đến chân trời nào đâu.”
(The Animals - The House of the Rising Sun
Khánh Băng - Chiều Vàng Với Mái Nhà Tranh)
(Lc 21: 28)
Quá đáng chăng, nếu bảo rằng: đời sống con người, thời buổi này, khác nào lời ca của ban “The Animals” nổi tiếng hồi thập niên ’50. Ban nhạc này, nổi tiếng đến độ người nghệ sĩ nhạc trẻ tên Khánh Băng lại đã cảm hứng đặt lời cho bài hát trên bằng những câu ca rất ấm ức, như sau:

            “Chiều vàng, nhẹ rơi, khắp chân trời.
            Thấp thoáng, cánh chim, về nguồn.
            Dưới ánh nắng, nhà tranh, quá tiêu điều
            Bao nhiêu năm, hiên ngang đứng trơ nhìn chiều rơi.”
            (The Animals – bđd)

Đứng chờ chiều rơi” hay “nhà tranh quá tiêu điều”, “về nguồn”… đều là tiếng nhạc bịn rịn, hẩm hiu, giang hồ.
Có điều là, sau hơn nửa thế kỷ, nay cuộc đời con người ở thị thành hay chốn thôn quê dù không còn căn nhà tranh có mặt trời rất đang lên vẫn thấy hiện tượng lạ, rất ấm ức. Mặt trời ở đây, lên/xuống đâu không thấy, chỉ thấy những hiện tượng buồn bã, cũng rất lạ, như tin tức ở thị thành xứ Hoa Kỳ lại đã bắn lên mạng thông tin như sau:

20 trẻ em, 6 người lớn và tay súng giết người đã chết trong một vụ tấn công bằng súng máy tại một trường tiểu học ở tiểu bang Connecticut, truyền thông Hoa Kỳ vừa cho biết.

Các trẻ còn nhỏ tuổi nằm trong số nạn nhân tại Trường Tiểu học Sandy Hook ở Newtown, như Associated Press đã đưa tin. Trước đó, tin tức có cho biết một tay súng đã bị giết và ba người khác được đưa đi bệnh viện, cấp cứu.

Cảnh sát sở tại đã không bạch-hoá danh tánh của tay súng nói trên, nhưng các quan chức ở đây có nói với giới truyền thông Hoa Kỳ rằng: đó là một thanh niên 20 tuổi con của nữ giáo viên trong trường, cũng thiệt mạng.

Trước đó có tin cũng có tin đưa ra là: tay súng ấy chính là thanh niên 24 tuổi tên Ryan Lanza nhưng quan chức giấu tên sau đó nói em trai của anh này, Adam, mới là nghi phạm.

Thống đốc tiểu bang Connecticut là Dan Malloy coi đây là "một thảm kịch không thể diễn tả được bằng lời" và chính ông đã gặp người nhà của nạn nhân, để an ủi.(xem tin BBC Tiếng Việt 14/12/2012)

            Gọi, “đây là thảm kịch không sao diễn tả được bằng lời...” là sao thế? Thảm kịch đời người hay cuộc đời đầy những kịch bản rất thể thảm, khi mặt trời vẫn cứ mọc mỗi buổi sáng, tại sao vậy? Thảm kịch hay thảm cảnh là do đâu mà ra? Phải chăng, do người đời không nghe biết những điều mà thánh sử Luca hôm trước từng cảnh báo? Phải chăng, người đời vẫn cứ quên sót những lời cảnh giác đanh thép, rất như sau:   

            “Khi những biến cố ấy
bắt đầu xảy ra,
            anh chị em hãy đứng thẳng
và ngẩng đầu lên,
vì anh chị em sắp được cứu rỗi.”
(Lc 21: 28)

Thật ra thì, những điều được thánh Luca ghi chép về sự kiện và lời lẽ Chúa nói đến, không hẳn chỉ là và cứ mãi là những:

“Tiếng hát xé tan làn mây đem gieo rắc
đến chân trời nào đâu.
Nếu biết thế, kiếp sau,
thề xin làm vách lá dưới mái tranh nghèo nàn,
Sớm tối, gió sương đượm mầu phong trần,
nhưng không hay trước cuộc tình đổi thay.”
(The Animals – bđd)

Đúng hơn, phải nói như đấng bậc nọ ở Úc từng nhận định về ý nghĩa của sầu buồn như sau:

“Thế giới, nay gồm đầy những chuyên gia binh bị, kinh tế và triết học. Về binh bị, có người biết cả cách-thức áp-đặt dân chủ/hoà bình lên người khác, dù người khác vẫn không cần. Về kinh tế, có vị cứ nói chính mình sẽ chỉnh sửa mọi khủng hoảng tiền bạc do họ tạo ra. Với triết học, có vị lại nghĩ mình cũng thông thái nên đã biết hết mọi sự và làm được mọi việc. Còn nơi ta, đã có nhà thơ chỉ muốn cho nguồn thơ của mình thai nghén giáng hạ và sinh ra hầu biến đổi con người từ bên trong, để thấy rằng trẻ thơ đã sinh hạ, đến với ta. Và mỗi lần ta nhận ra Nguồn Thơ Trẻ nay đã đến, ta sẽ tin vào tương lai/mai ngày mà thế giới không thể nào trao tặng được. Làm như thế, ta sẽ sống Nguồn Thơ rất hy vọng và mong chờ.” (x Lm Kevin O’Shea, Suy Niệm Lời Ngài Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng 02/12/2012)

Hiểu Trời Thơ nay Giáng Hạ, là hiểu rõ nỗi thống khổ của Đức Chúa ngang qua việc Ngài mặc lấy thân phận khổ ải, tủi nhục như con người ngang qua bạo lực, uất ức, đúng như đấng bậc ở Úc thêm một lần nữa, đã nhận xét như sau:

“Vương quốc Nước Trời là Trời Thơ của Chúa nay mặc xác thể phàm trần, đến để sống với ta. Trời Thơ đến với ta, Ngài đã biến cải thế giới của ta thành thế giới của Nguồn Thơ có sự sống, giống như ta. Trời Thơ của Chúa, lại cũng chấp nhận cuộc sống như ta. Chấp nhận cho cả lịch sử lẫn giao ước, cùng có nhu-cầu chậm bước vẫn nhẫn nhục, giống hệt ta. Trời Thơ, cũng giàn giụa nước mắt than khóc nhiều như ta từng khóc than nhiều lúc quyết kiếm tìm cho ra đúng ngôn từ, nên đôi lúc cũng lạc loài, biến dạng, bị từ khước.
Mặc lấy xác phàm loài người, Đức Chúa cảm nghiệm nhiều điều giống hệt Nguồn Thơ, những là: lạnh nhạt, yếu kém cho chí khước từ, báng bổ. Ngài đã trải nghiệm mọi vật vã, lưu lạc đến nỗi chết. Và, Ngài cũng gặp cảnh huống ghen tuông, chối bỏ và trầm luân, lưu lạc, và Ngài sống những khoảnh khắc ở đó thân xác tuy lớn lao nhưng tăng trưởng rất chậm.                        
Mặc lấy xác phàm để sống như con người bằng xương thịt, là đi vào với thế giới ngôn ngữ, diễn tả bằng ngôn từ của con người. Vào với thế giới của ngôn ngữ, Chúa cũng trải qua các giai đoạn tiến triển trong tạo dựng. Có trao đổi, hỏi han. Có, tham gia trở-thành tâm-điểm để người khác cứ theo đó mà tin. Có tụ điểm đối chọi, để ta nhận ra động-lực thúc giục ta hãy sống vững chãi, ngõ hầu đi vào quan hệ đặc biệt với người khác, để biết mình và biết người.
Chúa mặc lấy xác phàm làm người, Ngài tạo dựng chính mình Ngài để trở thành Con Người như ta, ở trong ta. Và, giữa ta. Ngài viết lên Bài Thơ nơi da thịt, xác phàm làm người của chính ta. Không có Tin Mừng nào lại trình bày sự việc Chúa Nhập Thể cách đột ngột, như hồi nào. Chúa Nhập Thể để đến với con người, là Ngài có chuẩn bị, từng chi tiết, rất như Thơ.
Có chuyển tiếp dẫn đưa con người đến giai-đoạn tháp-nhập vào với người để hiện diện với đời, chứ không chỉ mang tính thiêng liêng, linh đạo, tri thức. Chẳng linh-đạo nào lại có thể hiện diện ở với thế giới của con người bằng xương thịt, trừ Chúa ra. Nguồn Thơ Chúa Nhập thể, là Ngài mặc lấy xác phàm nhưng Ngài vẫn 100% là Thiên Chúa và 100% là con người, cùng một lúc.” (x. Lm Kevin O’Shea CSsR, bđd)

            Đó chính là vấn đề của con người. Ở vào thời buổi nhiễu nhương, đầy chết chóc. Nếu không tin, thì bạn và tôi ơi, ta cứ ghé mắt xem báo/đài nói những gì về cuộc sống. Chắc chắn, báo đài toàn nói và toàn kể về những chuyện giết chóc, sầu buồn, ai oán, mãi không thôi.
            Truyền thông báo đài ngoài đời thì như thế. Thế, còn giới nhà Đạo thì sao?
            Để trả lời, cũng nên thử nghe tường trình của đấng bậc rất nổi cộm ở Sydney, là lm Chris Riley, một linh mục chuyên lo cho trẻ bụi đời, lây lất ở ngoài đường phố, có những lời như sau:

“Hơn 20 năm, làm việc suốt để phục vụ và giúp đỡ cho lớp trẻ sống ngoài đường, tôi vẫn cứ khuyên các em hãy lo mà thông hiểu và hiên ngang giáp mặt các thách thức mà họ thường gặp mỗi ngày, trong đời.
Tôi không chủ trương bênh vực các em về những động thái xấu xa các em vẫn phạm phải. Tuy nhiên, nếu ta tin rằng trong thông cảm biết được gốc gác của các trẻ em từng xuất phát ra bên ngoài như thế nào, ta mới có được chính sách đúng đắn khả dĩ giúp các em hơn là ngồi đó gây trở ngại cho chúng.
Nước Úc luôn cần thiết đặt ưu tiên cao nhất cho việc giúp đỡ giới trẻ ở xứ mình bằng cách có được các dịch vụ tài trợ khả dĩ kịp thời can thiệp và ngăn chặn đám trẻ người non dạ ở đây đó tránh được thách đố có liên quan đến chuyện lệ thuộc vào rượu chè, ma tuý.
Những mất mát sự sống, lẫn chết chóc nơi người trẻ qua rượu chè hoặc ma túy phải ngưng lại và coi đây như ưu tư vào bậc nhất nếu ta còn muốn cùng nhau làm việc chung đụng, hợp tác qua tư cách cộng đồng nhân loại, hầu kiến tạo một tương lai tươi sáng hơn cho các em.
Ngày hôm nay, những điều tệ hại có liên quan đến rượu chè và ma tuý là nguyên-nhân dẫn đến tử suất quá cao và cả đến nỗi chán chường ở con trẻ. Cứ nhìn vào thống kê cũng thấy sợ khi được biết 25% bệnh viện đã dung nạp và chữa trị cho lớp trẻ có độ tuổi từ 15 đến 24 đều do uống ruợu; và mỗi tuần tại Úc đã có đến 4 người trẻ dưới 25 chết vì thương tật do rượu đem đến.
Nhiều cuộc nghiên cứu khảo sát cho thấy 14% giới trẻ ở độ tuổi từ 12 đến 18 lâu nay vẫn hút cần sa vào lúc nào đó trong đời; 19% số các em từng hít hặc sử dụng ma túy và 12.7% cố người trẻ có độ tuổi từ 16 đến 24 lại đã bị xáo trộn thần kinh do sử dụng cần sa/ma túy.
Rất nhiều người trẻ, ở vào lúc nào đó trong đời, đã thấy óc não mình bị tổn hại, cần trí nhớ, cần cả sự quân bình về học vấn, hoạch định cuộc sống thực tế cũng như cảm xúc của chính mình. Có sự thể là: lớp người trẻ con em của chúng ta đang dính líu vào những tệ nạn rượu chè hoặc ma túy vào độ tuổi rất trẻ đã tạo cho các em ở vào vị thế rất dễ nguy cho các vấn đề tâm thần, tâm bệnh; chính vì thế, ta phải mau mau mà kịp thời can thiệp và đỡ nâng đám trẻ là con em của chúng ta để chúng nhận thức được tệ nạn ấy truớc khi tự mình chuốc lấy những tai hại gây ra cho óc não mình.
Kinh nghiệm phục vụ dạy cho tôi rất nhiều bài học để có thể hiểu rằng việc con trẻ lạm dụng ma túy cùng rược bia là dấu hiệu khiến ta phải quan tâm nhiều hơn nữa. Phương án thần thánh tái tạo chức năng cho các em là vấn đề sống chết trong hành trình cuộc sống của giới trẻ. Qua Chương Trình Giúp đỡ Trẻ Bụi Đời, chúng tôi đã triển khai một loạt các dịch vụ để hỗ trợ nhu cầu của người trẻ vẫn cứ phải đối đầu với thách đố về rượu bia và ma túy. Bởi thế nên, cũng nên đề nghị các bậc cha mẹ hoặc giới chức có hảo tâm hảo ý, ta có thể làm được điều gì đó, trước khi quá trễ.
Chúng tôi vẫn đợi chờ các vị có lòng với giời trẻ, với con người của thời đại.”(x. Lm Chris Riley,Helping the Young Beat Drug, Alcohol Abuse,The Catholic Weekly 04/07/2012 t.8)

            Thế đó, là tiếng nói chính thức, từ đấng bậc có trọng trách. Thế còn, các tiếng nói khác, bây giờ ở đang ở đâu? Phải chăng, cũng là những giòng chảy thơ/nhạc như ai đó vẫn hát:

                        “Chuyện yêu đương như áng mây trời…
                        Sớm đến, tối đi, mặc tình.
                        Nếu có yêu, thì xin người một lời thôi.
                        Dù một lời dối gian ngoài đầu môi.”
                        (The Animals – bđd)

            Thế đấy, nghệ sĩ chỉ biết những lời “gian dối”, “đầu môi” thôi. Còn ai khác, ở đâu rồi, sao không nói? Vâng. Đúng thế. Nói và hát ở đây cũng rất khó. Chí ít, là nói và hát những lời tích cực, đỡ nâng, vui vẻ.
            Thế nhưng, hát và nói về sự thể ở đời nay có quá nhiều điều nghịch lý và nghịch nhĩ, rất khó nghe. Nói và hát thôi không đủ, vẫn cứ nên kể lể những truyện dài/ngắn của dân gian mọi thời, mọi tôn giáo; ngõ hầu tìm ra được ánh sáng ở cuối đường hầm đời tăm tối, khủng hoảng. Nên lắm chứ!
            Thể theo yêu cầu của một số bạn bè thân thương, dưới đây cũng là một trong những truyện để kể tuy không dễ nể, nhưng cũng là một đề nghị để ta suy. Suy và gẫm, những việc trên đời, đâu đáng buồn, như sau:

“Những ngày giáp Tết trời dịu lạnh, mưa lâm râm, cây mai trước chùa nở lác đác mấy bông vàng, cánh hoa mỏng manh, khẽ run run trước gió, như những đốm lửa bé xíu nhen ấm góc trời Đông. Thầy Hân đứng dưới mái hiên chùa nhìn những búp hoa xanh tơ lòng bâng khuâng nhớ ân sư. Chú tiểu đang chùi bộ lư đồng:
- Năm này mai trỗ đúng Tết phải không thưa thầy?
- Ừ. Chú tiểu vẫn bậm môi, kẹp cứng chiếc lư giữa hai bàn chân, hai tay kéo giẻ dạ chạy qua chạy lại chà xác chiếc lư đồng ngời lên. Nghỉ tay, chú lại hỏi:
- Con nghe người ta nói sáng mồng một mai vàng nở là năm đó tốt lành phải không thưa thầy?
- Dị đoan! Tốt xấu do hạnh nguyện, tu tập, sự lao động của mình mắc chi mai nở mai tàn, nhưng người ta hay tin giờ phút mới mẻ, thiêng liêng ngày đầu năm, trong nhà có sắc khí tươi tắn của mai vàng thì may mắn. Hơn nữa cốt cách mai vàng đoan chính, dẻo dai chịu đựng mưa gió nóng lạnh suốt năm, chờ Tết khai hoa đón xuân về. 
Sau thời kinh đầu ngày, thầy thong thả ra y áo, thay nhật bình qua nhà trai thưởng trà. Chú điệu hớt hải chạy vào:
- Bạch thầy, cây mai…mai…Thầy chiêu một ngụm, rồi bỏ tách trà xuống. Biết có chuyện quan trọng. Vẻ mặt thầy vẫn ánh nét dịu hiền, đằm thắm để giảm sự căng thẳng từ chú tiểu:
- Chuyện chi mà vội vội vàng vàng rứa?
- Dạ, cậy mai bị trộm rồi! Dù cố bình tĩnh nhưng mặt thầy lộ nét nghiêm trọng. Cây mai trước do chính ân sư trồng, ân sư nâng niu cây mai như tăng chúng trong chùa. Bây giờ ân sư đã viên tịch, thầy thương quý nó như ân sư;  kỷ niệm còn lại của ân sư trong tâm khảm của thầy là lời dạy bảo, đức hạnh của ân sư, ngôi chùa và cây mai nầy. Thầy có trách nhiệm chăm sóc vun vén nó. Tuy vậy, thầy vẫn điềm tĩnh, từ tốn đi theo chú tiểu đang chạy lóc cóc đôi guốc mộc trở lại trước chùa. Thầy Hân đứng sững trước bồn hoa trống không. Cây mai không cách mà bay!? Rải rác trên nền đất mấy bông hoa nhàu úa, chỉ còn gốc mai bám rêu xanh, trơ trất thớ gỗ còn lùi xùi mùn cưa ướt... Chú tiểu mắt rướm nước:
- Hu... hu.. ui... ai cưa trộm cây mai rồi... hu...  Thầy Hân không nói gì lặng lẽ lấy đi cái cưa, hì hục cưa ở gốc mai còn lại lấy ra khúc gỗ chừng một tấc. Chú tiểu ngạc nhiên hỏi:- Cưa khúc gộc làm chi vậy thưa thầy?
- Rồi chú sẽ biết...  chú đi chợ tết với thầy nhé? 
Chợ hoa tết ven sông tràn lấn hè phố. Người mua người bán đông đúc. Trên vỉa hè một rừng mai quá đầu người mọc lên từ hồi nào. Thầy dẫn chú tiểu len lỏi suốt buổi mà chưa chọn được một nhánh mai nào. Thầy biết ý, an ủi chú tiểu:
- Chịu khó một lát nữa rồi về, ai đời đi chơi chợ Tết mà mặt mày bí xị như bị mất sổ gạo vậy? Thầy đứng trước một cây mai rất giống cây mai trước chùa, chăm chú nhìn tỉ mỉ từ gốc cho tới ngọn, kể cả những u nần xù xì… Rồi thầy hỏi thằng bé đứng bán gốc mai ấy:
- Bố mẹ cháu đâu cháu phải bán mai một mình thế?
- Bố cháu đang ở bệnh viện chăm sóc bà nội cháu bệnh nặng, trưa bố cháu mới ra thay cháu. Sư thầy mua đi, hoa có sáu cánh thầy ạ, chiều thế nào người ta cũng mua mất uổng lắm. Cháu bán rẻ mà.
- Rẻ là bao nhiêu?
- Ba triệu hai không bớt, sư thầy coi đẹp thế này.
Thầy Hân đứng trầm ngâm một hồi rồi nói:
- Thôi đựơc ông mua cho cháu ba triệu, mau đi gọi cha cháu ra đây nhận tiền. Thằng bé "dạ" một tiếng rồi cắm cổ chạy đi sau khi cẩn thận nhờ người bán mai kế bên trông chừng. Thằng bé trở lại dẫn theo một người đàn ông có dáng đi thập thững. Ông nhìn thầy với cái nhìn lấm lét, dò xét và cất giọng cò kè:
- Thầy cho đúng ba triệu hai.
- Cũng được, nhưng nhờ chú cùng tôi chở cây mai lên nhà tôi.
- Không. Tui bận lắm, thầy có mua thì đưa tiền đây, tui bưng lên xe cho thầy
- Người đàn ông dặn thằng bé
- Tau không bán nữa, tau có việc, mi không được kêu tau nghe chưa. Thấy người đàn ông định lủi mất vào đám đông, thầy Hân gọi:
- Chú nớ, tiền đây tới lấy! Mắt người đàn ông sáng lên, quày quả đi lui. Thầy Hân gọi mọi người đến vây quanh người đàn ông và cây mai, nói:
- Nhờ bà con cô bác chứng kiến hộ
Thầy Hân lục xách lấy khúc gỗ mai cưa đem theo:
- Đây là cây mai nhà tôi bị cưa trộm đêm qua, cô bác coi này!
Thầy Hân nhờ một anh thanh niên nâng cây mai trong thùng sắt lên, ráp khúc gỗ mai đem theo khít vào gốc cây mai người đàn ông bán. Mặt người đàn ông bỗng tái đi, nói lắp:
- Cây mai của tui mà, cây giống cây, thầy ráp vào gộc nào cũng vừa, thầy đừng nói bậy... người tu hành đừng vu...
Thầy Hân với tay cào lớp rêu vào cục u nần, sù sì trên thân cây mai, lộ ra pháp danh của thầy màu vàng cháy, nói:
- Chú không còn chối bừa nữa nhé, đây là pháp danh của tôi, tôi khắc Tết mấy năm trước. Trước hai chứng cớ rõ ràng, người đàn ông run rẩy định lẻn nhanh ra khỏi vòng người. Anh thanh niên nhanh tay bẻ quặt tay người đàn ông lại và nói:
- Thầy đem hắn vào đồn công an. Mọi người ra vẻ đồng tình, ai ai cũng nhìn người đàn ông với ánh mắt không thiện cảm, xen lẫn thương hại. Thằng bé đứng lớ ngớ bên cha nó khóc… - Xin thầy tha cho ba cháu, nhà cháu nghèo lắm!
- Ai nghèo cũng đi ăn trộm cả à?
- Có tiếng người nói to.
- Mẹ tui bệnh, tui trộm mai bán lấy tiền lo thuốc thang cho mẹ, xin thầy xá tội cho tui lần đầu! Thầy Hân đứng trầm ngâm một hồi rồi thủng thẳng nói:
- Thôi xin bà con tha cho chú làm phước. Chú đưa cây mai về giúp tôi, tôi không đưa chú đến công an đâu mà sợ, tôi ngần nầy tuổi nầy rồi không lừa chú đâu. Người đàn ông lập cập cùng thằng bé vác cây mai ra xe xích lô. Thầy và chú tiểu lên xe chạy theo cùng. Trên đường ngang bệnh viện, thầy bảo thằng bé trông chừng cây mai và chờ thầy vào bệnh viện thăm mẹ chú bán mai. Trong bệnh viện thầy Hân thấy mẹ chú bán mai com rom trong lớp chăn cũ. Bà cụ mệt nhọc thở. Nghe tiếng chú bán mai gọi, cụ bà hé đôi mắt mờ và cái miệng xám xịt thều thào:
- Con mua thuốc cho mẹ chưa? Mẹ đau trong người lắm! Chú bán mai mân mê cánh tay da bọc xương của mẹ rơm rơm nước mắt! Thầy Hân lấy ra xấp tiền khoảng bốn triệu đem theo để chi dùng, bọc trong giấy báo đưa cả cho chú bán mai: - Anh cầm tiền lo thuốc thang cho bà cụ. Chú bán mai cầm xấp tiền tay run run. Chợt chú quỳ xuống trước mặt thầy Hân, vừa khóc vừa nói:
- Cháu và mẹ cháu đội ân thầy suốt đời. Thầy Hân đỡ chú bán mai đứng lên và khuyên nhủ mấy lời tâm huyết rồi từ biệt chú bán mai cùng bà cụ.    Cây mai vàng của chùa đã trở về chùa. Nó không đứng trong bồn hoa mà đứng trong nhà trai. Vừa treo những thiệp Tết lên cây mai chú tiểu vừa ngẫm nghĩ câu nói của người xưa "Người ta thường ngả mủ trước tài năng, nhưng sẵn sàng quỳ gối trước lòng tốt"
Quay sang nói với thầy Hân:
- Chú bán mai quỳ gối trước lòng nhân ái của thầy?
- Lòng nhân ái không cầu người khác quỳ gối, mà cầu cảm hóa được họ. Tất cả mọi sự đều vô thường, sống chết của con người cũng vô thường huống chi là cây mai, hôm kia thầy học được bài học hiếu thảo từ chú bán mai, bài học dạy cho thầy kính yêu cha mẹ và ân sư hơn, chỉ cho thầy biết buông bỏ và ban cho. Chú tiểu à, chỉ có nghiệp theo ta mãi mãi.  Thầy Hân ngước lên nhìn bầu trời, lẩm bẩm:
- Mùa xuân đã về mang bao niềm hoan hỷ đến với mọi người… Nếu ai từ bi, niềm hoan hỷ trong tâm tư nhân lên gấp bội… Chú tiểu nay hiểu lời dạy của thầy..” (Nguyễn Nguyên An -Huế, 02/10/12)

            Cứ như trích dẫn ở trên, những trích và dẫn cả về chuyện của cha, sư hay thầy, cũng là chứng cứ nói lên ưu tư/quan ngại về cuộc sống nhiều rối rắm, đổi thay, gay go và ưu tư, quan ngại nào cũng là một bài học về đổi thay. Đổi thay nào cũng là những loại hình sự kiện rất khó chịu. Thôi thì, bạn và tôi, ta hãy cứ hát lên đôi lời ca nhè nhẹ của “Chiều vàng” tương lai, sẽ rất đẹp, như sau:

                        “Chiều vàng, nhẹ rơi, khắp chân trời.
                        Thấp thoáng, cánh chim, về nguồn…
                        Dưới ánh nắng, nhà tranh, quá tiêu điều.
                        Bao nhiêu năm, hiên ngang, đứng trơ nhìn chiều rời.
                        (The Animals – bđd)

            Chiều có rơi, cuối chân trời vẫn là những buổi chiều hứa hẹn tương lai, rất ngời sáng, cho đời. Và với đời.
            Trần Ngọc Mười Hai
            Vẫn cứ tự nhủ lòng mình
            bằng những giòng chảy
            rất như thế.    

No comments: