Chuyện
phiếm đọc trong tuần thứ Ba Thường niên Năm C 27-01-2013
“Thà làm hạt mưa bay”
“Ướt tóc em một ngày,
Còn hơn anh phải đợi,
Cuối đường chiều nắng phai.”
(Nhạc: Trần Thanh Tùng – Thơ: Lý Thiện Ngộ)
(1P 3: 13-14)
Có những chuyện đời chẳng ai nghĩ tới với những câu
“Thà làm hạt mưa bay” chỉ để ướt tóc người em yêu. Hoặc: “làm giọt sương đêm” rơi rớt buổi chiều mềm muốn lắm cũng chẳng được.
Có những việc động trời/khó tin, nhưng có thật sau đây:
Hôm ấy một ngày khá đẹp
trời, bần đạo thấy cuộc đời người có khá nhiều chuyện lăng nhăng/rắc rối chẳng
ra sao, bèn làm một cuộc xục xạo trên mạng với điện thư coi xem có câu chuyện kể
nào để phiếm không; bất chợt gặp một truyện kể khá ‘cứng’ như thế này:
Truyện, là về tâm sự của
cô học trò nọ ghi thư gửi thày mình với những giòng chữ như sau:
“Thày ơi, thày biết không:
Năm con lên 12 tuổi, mẹ con đánh
con đến xảy thai trong nhà bếp, chỉ vì cái thai ấy là của người thân trong nhà!
Năm lên trung học, mỗi khi vào lớp là con luôn dành ghế ngồi gần cửa, để kịp đến
khi chuông reo là vọt chạy ra ngoài. Thế rồi, càng thêm tuổi con cứ thế lên lớp,
không còn vấn đề ở lại gì hết!
Con nhớ mãi cái ông thầy cắc cớ
dạy đại số cứ thấy bài con làm là cho điểm “F” ngay. Bực quá, mỗi lần nhận bài
ông trả, con lại buột miệng đổi chữa “F” thành câu chửi thề, tục tĩu.
Một hôm ông bảo con mở bài trang
108 ra làm. Con cứ ngồi yên, chẳng mở trang nào hết khiến ông nhìn thấy bèn quát tháo:
-Đồ khốn kiếp! Nếu em không mở
sách học, thì hãy cút khỏi nơi đây ngay lập tức.
Nghe thế, con bèn ung dung trả
lời:
-Thầy chẳng có quyền gì đuổi
tôi cả. Hiệu trưởng bảo tôi ngồi lớp này thì tôi ngồi, chứ tôi có chọn lớp thày
đâu mà đuổi với xả làm gì chứ!
Ông thầy thấy vậy bèn nổi cơn
tam bành, cầm cuốn sách ném lên bàn rồi quát:
-Đồ hỗn! Cút khỏi đây ngay lập tức. Nếu không, tôi sẽ gọi giám thị lên
cho mà xem.
Bắt chước thái độ của ông,
con cũng cầm sách ném xuống sàn nhà và văng tục.
Thật ra, khi đó con có mở
trang 108 hay 208 gì cũng thế. Vì con đâu đọc được chữ tiếng Anh nào chứ. May
cho con, là sau ngày con được Thầy tận tâm giúp con rất nhiều, như khi chấm
bài, thay vì cho con điểm ‘F’ như ông ấy, Thầy vẫn trao bài cho con rồi nhỏ nhẹ
hỏi:
-Em có muốn thầy giúp gì em không?
Thoạt đầu, dù rõ ràng đã nghe
thầy hỏi, con vẫn giả tảng làm ngơ không nói gì, bởi khi đó con rất hận đàn
ông. Nhưng, qua cung cách bình dị về lời nói lẫn nụ cười khoan dung cộng với
tính kiên nhẫn và cách phục sức của thầy, tất cả đã tác động lên con rất nhiều.
Bởi thế nên, con chấp nhận để thầy giúp đỡ. Cũng từ đó, thầy đã bỏ biết bao thời
giờ để kèm bài cho con, chăm chút từng ly từng tí. Khi thì ngồi cạnh, lúc thì
thầy lại đứng sát gần bên con để cùng con tập đọc, tập làm tính nhân/tính chia
đơn giản, chứ không phải toàn những bài đại số rắc rối. Rất ít khi chỉ bài cho
con mà thầy lại đứng chắp tay sau lưng, xỉa xói hoặc nói lời nặng nề khiến con
khó chịu. Thầy đã quá cực nhọc vì con.
Hôm nay, con trở thành nhà
văn khá nổi cũng là nhờ có thầy dẫn dắt. Sách con viết, tờ New York Times liệt
vào một trong các sách bán chạy nhất trong năm. Nên hôm nay, con xin tặng những
giòng chữ này là để ghi nhớ công ơn của Thầy” (phỏng theo truyện kể số 90
“Ngực Xé, Tim Lủng trong “Chút Mắm Muối
Cho Bữa Cơm Hàng Ngày” Lasan.org tr.162-163)
Thế đấy, là lời lẽ của nhà văn nọ đã tâm sự với người
thầy mình. Thế đấy, là cung cách của nhà mô phạm đã xử thế rất phải lẽ. Còn,
đây là tâm sự của nhà thơ từng viết đôi giòng nhạc lại cũng khác:
“Thà làm giọt sương đêm,
Ướp mắt em hương buồn
Còn hơn ôm giấc mộng
Chập chờn của ánh trăng”
(Trần
Thanh Tùng, bđd)
“Thà làm giọt
sương đêm” hơn “ôm giấc mộng chập chờn”,
phải chăng đó là tình tự của người anh/người chị trong thánh hội đang có quá
nhiều chuyện rắc rối về sống đạo cho phải phép?
“Thà làm giọt
sương đêm” hơn “chập chờn ánh trăng”,
phải chăng đây cũng là tình tự của ai đó hôm nay lại thấy rõ ưu tư đọng lắng
nơi bạn đạo? Ưu tư, xin được gửi đến đấng bậc mô phạm ở Sydney, để rộng đường dư luận. ưu
tư vỏn vẹn mỗi thế này:
“ Vừa qua ở Úc, đã xảy ra
chuyện: nhà cầm quyền Sydney quyết đòi các linh mục Công giáo Úc có trách nhiệm
mục vụ phải cung cấp thông tin chính xác về những gì mình làm hoặc chấp nhận ra
toà làm chứng cho các vụ lạm dụng tình dục nghiêm trọng mình từng nghe ở toà giải
tội. Giả như, cơ quan lập pháp Úc đồng ý thông qua đạo luật nào như thế, thì sự
thể sẽ ra sao, với nhà Đạo? Linh mục Công giáo có buộc phải tuân thủ luật đời đến
thế không? Xin chỉ giáo để giải toả nỗi thắc mắc cứ lảng vảng trong đầu rất nhiểu
người.”
Vấn đề này khá nghiêm trọng. Nghiêm trọng, bởi cứ hỏi:
có chăng ứng xử nào xuất từ nhà đạo khả dĩ đưa ra ít/nhiều nhượng bộ về luật Hội
thánh? Câu hỏi được gửi đến nhiều đấng bậc, cách riêng là Lm John Flader, đức
thày phụ trách mục hỏi/đáp trên tờ The
Catholic Weekley hầu có câu trả lời thỏa đáng, rất chính mạch. Và, đức thày
có ý kiến, như sau:
“Chuyện này, nay đã được
chính quyền cố ý phổ biến cho dân thấy những khúc mắc tình dục mà một số linh mục
đã vướng phải. Thế nên, tôi nghĩ đây là một trong các vấn đề khá phức tạp, muốn
giải quyết cho thoả đáng trước nhất cũng nên cứu xét một vài sự kiện thật nhuần
nhuyễn.
Trước tiên, là qui định nền tảng
của Hội thánh: linh mục không thể và không bao giờ được tỏ bày cho ai biết bất
cứ điều gì các ngài nghe được ở toà cáo giải. Đó là ‘dấu ấn tuyệt mật’ ta không
thể loại bỏ khỏi bí tích xá giải, được. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo từng
khẳng định: “Do
yếu tố tế nhị và sự cao đẹp mục vụ cũng như để tôn trọng người phạm lỗi, Hội
thánh quyết: linh mục nào nghe tội của người xưng, buộc phải tuyệt đối giữ bí mật
về các lỗi phạm người xưng thú; bằng không, sẽ chịu hình phạt nghiêm trọng. Linh
mục, một khi đã nghe tội của người xưng rồi, đều không được phép sử dụng điều
mình nghe/biết về đời sống của người ấy cho bất cứ dụng đích nào, cũng thế. Bí
mật này không có luật trừ. Và, Hội thánh gọi đó là ‘dấu ấn tuyệt mật của bí
tích giải tội’. Sở dĩ giáo hội gọi như thế, vì những điều người xưng nói cho
linh mục biết, đều được bí tích giải tội ‘khằng’ thành bí mật tuyệt đối.” (xem. GLHTCG đoạn 1467).
Ngoài ra, Giáo luật có đoạn cũng
nói rõ về ‘bí mật toà cáo giải’ thì bất kỳ là ai cũng không được phép tiết lộ
cho đệ tam nhân biết. Thế nên, trong bất cứ trường hợp nào đi nữa, linh mục ngồi
toà tuyệt đối không được phản bội người xưng vì bất kỳ lý do nào, bất cứ lời lẽ
hoặc phương cách nào cũng thế”. (xem Giáo luật khoản 983, câu 1).
Và điều khoản sau đó còn ghi rõ:
‘Luật Hội thánh cấm tuyệt các vị linh mục giải tội không được phép sử dụng những
điều nào mình nghe ở toà giải tội, khả dĩ gây tổn hại cho người xưng dù linh mục
ấy không thấy có mối nguy hiểm nào, khi tiết lộ bí mật ấy ra.’ (xem Giáo luật khoản 984 đoạn
1).
Hỏi rằng: Nếu tiết lộ, thì hình
phạt sẽ nghiêm trọng đến thế nào giả như có linh mục nào đó vi phạm dấu ‘khằng’
tuyệt mật này? Câu trả lời, là: linh mục nào trực tiếp vi phạm dấu ‘khằng’ tuyệt
mật của bí tích giải tội, sẽ bị ‘dứt phép thông công‘, mà chỉ có Đức Giáo Hoàng
mới chuẩn chước án đó mà thôi. Những ai vi phạm luật ấy một cách gián tiếp, sẽ
bị luận phạt tuỳ mức độ nghiêm trọng của tội.’ (xem Giáo luật khoản 1388 câu
1).
‘Dứt phép thông công’ là hình
phạt đưa ra, nếu linh mục nào chỉ cần vướng mắc một lần thôi cũng đủ để bị án ấy,
không cần phải chờ phán quyết của giám mục chủ quản của mình. Vậy nên, nếu linh
mục nào lại cả gan vi phạm ‘dấu ấn tuyệt mật’ này, thì vị ấy tự động bị ‘dứt
phép thông công’ ngay tức thì. Điều này có nghĩa: sự việc này do giáo luật qui
định, nên không cần cứu xét gì thêm. Hậu quả của việc ‘dứt phép thông công’ sẽ là:
linh mục phạm pháp, không được cử hành Tiệc thánh, không được cử hành nghi thức
hoặc nhận lãnh bất cứ bí tích nào, kể cả bí tích giải tội, hoặc thi hành công việc
thừa tác của mình cho đến khi hối cải và đền bù tội lỗi cho thật xứng.’(xem Giáo luật khoản 1331, câu
1).
Thêm vào đó, muốn gỡ bỏ án phạt
‘dứt phép thông công’, thì chỉ mỗi Đức Thánh Cha mới làm được việc ấy thôi. Thật
ra, chỉ một số tội cực trọng mới kéo theo hình phạt ‘dứt phép thông công’ do Đức
Thánh Cha giải quyết. Và, đây là một trong các trường hợp như thế’.
Lâu nay, Hội thánh coi việc
vi phạm dấu ấn tuyệt mật toà cáo giải’ là sự việc cực kỳ nghiêm trọng. Các linh
mục khi chịu chức, đều biết rõ chuyện này. Bởi thế nên, các ngài sẽ chẳng bao
giờ chịu tiết lộ cho sở cảnh sát hoặc nói cho toà án biết những gì mình nghe được
từ người xưng. Nếu các linh mục bị toà án ngoài đời bắt phạt tù đi nữa vì mình
quyết giữ im lặng tuyệt mật, thì chắc chắn một điều, là các ngài sẽ vui lòng chịu
ngồi tù, thôi.
Hỏi rằng, làm sao sự việc này
lại nghiêm trọng đến thế? Lý do, là vì nếu Hội thánh không bảo mật những gì linh
mục nghe/biết ở toà giải tội, thì còn ai tin vào linh mục nữa. Và, giáo dân sẽ
không còn cất công đi xưng những gì khả dĩ biến họ trở thành kẻ phạm pháp. Cũng
giống như người bệnh tin vào bác sĩ, tâm lý gia, luật sư hoặc các vị cố vấn, ai
ai cũng giữ bí mật trong lòng những gì thân chủ mình cho biết. Linh mục thì cũng
thế. Nếu như, linh mục nào không giữ bí mật những điều mà người xưng kể cho đấng
giải tội nghe, tức: bí mật bị “bật mí” rồi, thì còn ai chịu tìm đến với linh mục
mà xưng thú; và, còn ai tin vào linh mục nữa. Giả như Hội thánh không giữ bí mật
toà giải tội, thì giáo dân cũng sẽ thôi không còn đến xưng những tội mình phạm
với linh mục ngồi toà nữa.
Nói tóm lại, ‘bí mật toà giải
tội’ là điều cực kỳ quan trọng đối với người đi Đạo. Và, Hội thánh cũng sẽ không
thay đổi luật này; hoặc, cũng sẽ không đưa ra luật trừ nào hết, về chuyện đó. Nhờ
thế, ta mới thở phào nhẹ nhõm.’ ( x. Lm John Flader, The Catholic Weekly 25/11/2012 tr.10)
Xem thế thì, câu trả lời của bậc ‘mô phạm’ nhà Đạo ở
giáo phận Sydney, hẳn đã luôn mang tính chính
mạch. Chính mạch hơn, lại có nhận định thêm của Đức Giám Mục Julian Porteous,
Giám mục Phó giáo phận Sydney như sau:
“Trong cuộc họp báo diễn ra ở
Sydney ngày 13.11.2012 vừa qua, Đức Hồng Y George Pell đã tái khẳng định: Giáo
huấn Hội thánh Công giáo luôn dạy rằng: về “bí mật toà cáo giải’, không một ai
được phép vi phạm. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã trích giáo luật ở điều
khoả 983 câu 1 có ghi rõ: “Sẽ là tội cực kỳ nghiêm trọng, nếu như linh mục xá
giải lại phản bội người xưng bằng bất cứ hình thức hoặc phương cách nào đi nữa,
dù ngài có dùng lời lẽ nào đi nữa hoặc viện dẫn bất kỳ lý do hoặc cung cách nào
đi nữa, cũng thế thôi.” (x.GLHTCG đoạn 2490)
Theo đó thì, bất cứ linh mục nào
cũng không thể phá vỡ bí mật này, dù chỉ để cứu vãn sự sống hoặc bảo vệ thanh
danh của mình, cũng không thể loại bỏ tính bí mật ấy cả vào trường hợp để phản
bác một án phạt nào cũng thế. Hội thánh dạy rằng: linh mục không thể bị luật
pháp ngoài đời buộc mình tiết lộ cho người khác biết các bí mật mà người xưng
đã cho ngài biết; cũng như sẽ không bị ràng buộc bởi bất cứ lời thề nào tương tự
tại toà án, hết. Thành ra, không thể phá luật Đạo để giúp lệ đời, bằng cách tiết
lộ chi tiết về lạm dụng tình dục của bất cứ một ai. Thế nên, linh mục Công giáo
không được phép tiết lộ nội dung xưng thú một cách trực tiếp như lập lại lời
xưng của hối nhân; hoặc bày tỏ cách gián tiếp bằng dấu hiệu, lời nói hoặc hành
động nào cũng không được. Thêm nữa, bất cứ linh mục nào cũng không được sử dụng
điều mình nghe/biết ở toà cáo giải cho bất kỳ dụng đích nào.
Luật pháp Úc vẫn bảo vệ quyền
của linh mục không buộc phải tiết lộ những gì mình nghe ở toà giải tội. Năm
1989, có một dự luật được thông qua thành luật tiểu bang NSW từng minh định: “Bất
cứ ai đang là hoặc từng là giáo sĩ ở bang NSW thuộc bất cứ giáo hội hoặc giáo
phái nào cũng đều có quyền khước từ việc tiết lộ những gì người xưng đã nói cho
các ngài nghe các lỗi/tội về Đạo hoặc nội dung các lỗi cùng tội mình đã xưng với
linh mục”.
Linh mục giải tội bao giờ cũng
biết cách khuyên nhủ người có vấn đề này khác hãy tìm sự giúp đỡ ở ngoài toà giải
tội. Linh mục nào nghe lời xưng thú của một linh mục nào khác sẽ khuyên hối-nhân
linh-mục ấy hãy đối đầu với khó khăn và trình lên thượng cấp.
Linh mục giải tội, có bổn phận
không chỉ với hối nhân thôi, mà cả với nạn nhân cũng như cộng đoàn nói chung. Bởi
thế nên, linh mục giải tội phải đưa ra lời khuyên theo cùng một đường lối và, nếu
cần, có thể ngưng việc xá giải.
Xưng thú tội lỗi, không là và
cũng không thể là phương tiện để ai đó dùng nó mà che đậy sự thật và giấu diếm những
sai trái do mình vướng mắc. Trái lại, đó là cách thức để hối nhân đối đầu một
cách thật thà và lương thiện với những lỗi/tội nào mình từng vướng mắc. Thành
thật hối lỗi, sẽ giúp người xưng cố gắng ‘chỉnh sửa những sai trái’ mình phạm
phải.
Đằng khác, tín lý Công giáo
luôn nói rõ: tội của hối nhân sẽ không được xá giải trừ phi người xưng đã thực
sự buồn sầu và quyết hối cải tự đáy lòng mình; và cương quyết là mình sẽ không
tái phạm tội nữa. Thông thường, người ngoài Đạo không hiểu được chuyện này, vì
thế nên, người ngoài Đạo hay có nhận xét này khác, nhiều khi cũng không đúng.
Nói tóm lại, linh mục bắt buộc
phải giữ bí mật toà cáo giải và không một ai được phép phá bỏ luật ấy. Nếu luật
dân sự ngoài đời đòi hỏi linh mục nào đó phải phá bỏ ‘dấu ấn tuyệt mật toà cáo
giải’, thì linh mục ấy phải khước từ vì lý do lương tâm. Xem như thế, thì các linh
mục ngoan cường sẽ nhạy bén về vấn đề này; đồng thời, biết cách khuyên nhủ hối
nhân tuân theo những điều ghi trên. Vấn đề nghiêm trọng và tế nhị như thế, Hội
thánh bao giờ cũng công nhận trách nhiệm dân sự của mình”. (x.Gm Julian
Porteous, Why
a priest cannot break the sacred seal, The Catholic Weekly, 25/11/12 tr.16)
Tinh tế và bén nhạy, vẫn là chuyện của nhà làm luật và
thi hành luật. Chí ít, là luật Đạo từng có bề dày lịch sử về các vấn đề tương tự.
Mọi chuyện đều rõ như ban ngày; và cũng rất “cổ điển” ngay từ thời Hội thánh được
dựng xây, thành lập. Xã hội ngoài đời có luật dân sự, thì giáo hội trong Đạo cũng
có luật lệ đặt ra cho người đi Đạo.
Vần đề đặt ra ở bang New South Wales, Úc đã kéo theo một số nhận
định của các đấng bậc ngoài Công giáo, cũng rất nhiều. Như: Gm Davit McCall là
đấng bậc chủ-quản giáo-phận Anh giáo ở Adelaide, Nam Úc từng có 25 năm kinh-nghiệm
quản-cai giáo phận, có cho biết: “Việc bảo
vệ con trẻ là chuyện sống còn”. Nhưng, vấn đề là: ‘bí mật toà cáo giải’ có ngăn
trở việc này không? Theo tôi, thì không”.
Trong khi đó, thày tư tế Jeremy Lawrence thuộc nhóm Great
Synagogue của Do-thái-giáo ở Úc cũng bày tỏ:
“Có lẽ công chúng sẽ không
tìm đến với linh mục để được giúp đỡ và chỉ dẫn nữa, nếu họ bị đưa ra làm đề
tài bôi nhọ. Cố vấn và khuyên bảo người khác cũng thế, nhất định phải bảo mật
và được quân-bình-hoá với các quyền khác. Đạo chúng tôi dạy rằng: việc thú tội
bằng lời, luôn cần phải hối cải. Tôn giáo của chúng tôi, không có ‘dấu ấn tuyệt
mật toà cáo giải’ gắt gao như bên Công giáo; nhưng, các thày tư tế của chúng
tôi vẫn bị ràng buộc bởi cùng một biện pháp bảo mật, khi các thày khuyên bảo bất
cứ ai. Làm gì, cũng nên phù hợp với luật pháp nước mình. Nhưng, không vì thế mà
điều này lại bị lung lạc để rồi coi đó như giấy phép thuận cho vị mục tử tha hồ
tiết lộ cho quảng đại quần chúng biết rõ hành xử có tính ‘ăn tươi nuốt sống’ mọi
người trong khi các thày có trách nhiệm phải chăm lo cho quần chúng, nữa.” (xem Multi-faith Solidarity on Confessional Seal, The Catholic Weekly, 25/11/12 tr.1)
Khẳng định theo qui cách của đấng bậc trong Đạo, về Đạo,
thì như thế. Diễn đạt theo thơ văn/nghệ thuật kiểu người đời về bức bách trong
đời có thể sẽ khác. Khác, như lời hát ở đây:
“Thà như bướm bay phiêu du trong đời
Còn
hơn anh phải nói yêu em.
Thà
làm ngọn thôn xanh cứ đứng im trong đời,
Còn
hơn em hứa hẹn lời viễn vông.”
(Trần Thanh Tùng - bđd)
‘Thà như thông
xanh đứng im trong đời’ còn hơn ‘hứa
hẹn lời viễn vông”, phải chăng đó là cố vấn/khuyên bảo thực tế ở đời? Thực
tế với thực tại ở đời, luôn có những lời khuyên như truyện kể ở bên dưới để kết
luận bài luận phiếm khô khan, hôm nay. Truyện, là chuyện về lá thư riêng của ai
đó, nay được phát tán tràn lan trên mạng bằng đầu đề ‘Lời Cha dặn con’ như sau:
“Các Con thân mến,
Khi viết điều này, cha dựa
trên 3 nguyên tắc:
-Đời sống là vô thường, không ai biết trước mình sống
được bao lâu, có những việc cần nếu được nói sớm để hiểu, thì hay hơn.
-Cha là cha của các con, mà
lại không nói ra thì chắc không ai cho các con biết rõ việc này!
-Đây là kết quả của bao năm xương máu, cộng với kinh
nghiệm thất bại đắng cay trong đời cha ghi nhận được. Nó sẽ giúp các con tránh
được lầm lẫn trên đường trưởng thành.
Dưới đây là những điều nên ghi nhớ trong cuộc đời:
1. Nếu có ai đối xử với các con không tốt, đừng để
tâm đến chuyện ấy làm gì cho mất thời giờ. Vì trong cuộc đời này, không ai có bổn
phận phải xử tốt với các con hết, ngoại trừ cha mẹ các con. Nếu có người xử tốt
với các con, ngoài việc các con phải biết ơn/trân quý, các con cũng nên thận trọng,
vì người đời làm gì cũng có mục đích, chớ vội vàng cho họ là bạn tốt của mình
ngay.
2. Không ai là người không thể thay thế được; không
có vật gì để ta nhất thiết sở hữu, bám vào nó. Nếu hiểu rõ nguyên lý nầy, thì về
sau trong đời, lỡ bạn đời mình không còn muốn đi trọn cuộc đời, hay vì lý do gì
nào đó, các con mất đi những gì mình trân quý, cũng nên hiểu rằng: đó cũng
không là tận thế.
3. Đời người thật ngắn, nếu ta lãng phí thời gian, thì
mai rày hiểu được sẽ thấy quãng đời đó sẽ bị mất đi một cách vĩnh viễn! Thế nên,
nếu ta biết trân quý sinh mạng mình càng sớm, thì ta càng tận hưởng đời mình
nhiều hơn. Mong ước được sống trường thọ, chi bằng hãy cứ tận hưởng đời mình
ngay lúc này.
4. Trên đời, chẳng có tình thương bất diệt. Ái tình
là cảm xúc nhất thời, cảm xúc ấy sẽ theo thời gian và hoàn cảnh mà đổi thay. Nếu
người yêu mà các con tưởng là bất diệt bỏ đi, hãy nhẫn nại để thời gian trôi
qua, tâm tư mình rồi cũng từ từ lắng đọng, khổ đau cũng từ từ phai nhạt. Không
nên ôm ấp ảo ảnh về yêu thương, cũng không nên quá bi luỵ vì thất tình.
5. Trên thế giới, nhiều người tuy thành công, nổi
tiếng mà chẳng học hành gì nhiều hoặc có bằng cấp cao, nhưng điều đó không có
nghĩa là: chẳng cần học, cũng sẽ thành công. Kiến thức mình đạt được là do giáo
dục/học hành, là vũ khí trong tay. Ta lập nên sự nghiệp với bàn tay trắng,
nhưng trong tay không thể không có tấc sắt. Nên nhớ kỹ điều ấy!
6. Cha không yêu cầu các con phải phụng dưỡng cha trong
quãng đời còn lại. Ngược lại, cha cũng không thể bảo bọc các con được nữa. Khi
các con trưởng thành, sống độc lập, thì đó là lúc cha đã làm tròn thiên chức của
cha. Sau nầy các con giàu/nghèo, có cơm ngon, áo đẹp hay không là trách nhiệm của
các con, mà thôi.
7. Các con có thể yêu cầu mình giữ chữ TÍN, nhưng
không thể bắt người khác phải giữ chữ TÍN với mình. Các con có thể yêu cầu mình
phải đối xử TỐT với người khác, nhưng không thể kỳ vọng người khác phải đối xử TỐT
với mình. Mình đối xử với người khác thế nào, không có nghiã là người ấy sẽ đối
xử lại với mình hệt như thế. Nếu không hiểu rõ điều nầy, sẽ tự chuốc lấy phiền toái
cho riêng mình.
8. Trong mười mấy, hai
mươi năm nay, tuần nào cha cũng mua vé số, nhưng nghèo vẫn nghèo, điều nầy chứng tỏ: muốn phát đạt, phải
siêng năng cần mẫn mới khá lên được. Trên thế gian không có cái gì miễn phí cả.
9. Sum họp Gia đình, người
thân là duyên phận, nên kiếp nầy ta sống chung với nhau bất luận là bao lâu, như
thế nào, hãy trân quý thời gian ta chung sống;vì kiếp sau, dù thương hay không,
ta cũng không có dịp gặp lại nhau nữa đâu.” (trích
điện thư tràn đồng trên mạng)
Lời
khuyên của ông bố ở trên, nghe cũng hay và cảm động. Nhưng, vấn đề là: người
con và người đời như bạn và tôi, ta nhận định thế nào về lời khuyên khả dĩ thực
hiện được và nó sẽ bền lâu bao nhiêu, đó mới là vấn đề.
Vấn
đề người thời nay hay đặt, là hỏi rằng: được bao người tìm đến với các đấng bậc
để được nghe lời khuyên nhủ không, đó mới thành chuyện. Nay, cũng nên về với lời
vàng kinh sách để nhớ. Nhớ rằng, đấng thánh hiền nhà đạo đã có lời khuyên nhủ
các đấng bậc từng hy sinh cuộc đời mình để vừa tự thánh-hiến, vừa chẳng sợ quyền
lực nào có thể làm hại mình, như sau:
“Ai làm hại được anh em,
nếu anh em nhiệt thành làm điều thiện?
Mà nếu anh em chịu khổ vì sống công chính,
thì anh em thật có phúc!
Đừng sợ những kẻ làm hại anh em
và đừng xao xuyến.”
(1P 3: 13-14)
Khổ
sở hơn, là trường hợp vì tuân giữ dấu ấn tuyệt mật toà cáo giải, đó mới khó. Mới,
can trường chịu áp lực cả từ trong lẫn ngoài vì lý tưởng cao đẹp của Đạo. Chịu
bức bách, áp lực như thể lời ca người nghệ sĩ khi xưa từng đề nghị :
“Thà một mình yêu anh
Với nỗi đau âm thầm
Và em ôm giấc mộng
Ngàn đời mong có nhau.
(Trần Thanh
Tùng, bđd)
Cuối cùng thì, triết lý của người đời vẫn cứ là:
“Thà như lá rơi
Lênh đênh trên mặt hồ
Anh ơi! Anh có biết không anh?
Thà như bướm bay
Phiêu du trong dòng đời
Còn hơn em phải nói yêu anh!
Thà làm ngọn thông xanh
Cứ đứng im trong đời
Còn hơn anh hứa hẹn lời viển vông.
(Trần Thanh
Tùng, bđd)
Mưa bay nhà Đạo, có thể và có lẽ sẽ là ân huệ gửi đến
với em, với anh và với mọi người để chứng tỏ rằng mọi sự còn đó, chẳng có gì phải
bi quan. Chí ít, là chuyện ‘ướt tóc’ em, chỉ một ngày. Hay một đời. Suốt kiếp
người.
Trần Ngọc Mười Hai
Lại tự nhủ lòng mình như thế,
Trong những ngày lãng đãng xa
quê,
cũng vẫn gần.
No comments:
Post a Comment