Saturday, 28 August 2010

“May Mà Có Em”

May mà có em”.

(Nguyễn Thiện Bản – MayMà Có Em)

(Mt 6: 33)

Chính đó, là tựa đề và ý từ của nhạc bản do người viết nhạc “Đạo vào đời”, rất tài tử. Nhạc của anh tuy không chuyên, nhưng rất đạt. Tên anh là Bosco Nguyễn Thiện (rất) Bản, người anh em trong đại Gia Đình An Phong ở Mỹ mà bần đạo quen từ lâu, nhưng chưa một lần gặp mặt.

Dù chưa gặp mặt hoặc diện kiến dung nhan còn rất trẻ của anh, bần đạo cũng biết ý/từ anh sáng tác, là tư tưởng gợi hứng từ Đạo Chúa, mà anh gọi bằng “Em”. Em đây, đích thị là người em của anh, trong Đạo. Cũng có thể, là chính Chúa hện diện nơi tâm can bạn bè ở Nước Trời. Là tôi. Là bạn. Là chính chúng ta. Là ai nữa, vẫn xin gửi đến anh rất Thiện Bản tràng pháo nổ dòn. Rất cảm kích.

Cứ sự thường, bần đạo có thói tật không được hay cho lắm là: ít chịu “bốc thơm” người nhà mình. Chí ít, là người anh/người chị ở đâu đó, có Nước Trời. Bởi, ai lại cứ nghe “Em hát chị khen hay” bao giờ. Nhưng, ở đây người em hay hát -và hát rất hay- thuộc dân con nhà Đạo, ở Nước Trời. Bởi, anh đã nhận được thần hứng hứng từ nhiều thứ. Nhiều nơi. Trong đời. Từ chính trị/thời sự, cho đến thần học/tu đức. Rồi, biến nó thành ca khúc, dẫn người nghe vào cõi “mê” có chúc tụng, ngợi khen Chúa. Không tin ư? Xin bạn và tôi, ta nghe tiếp lời nhạc như sau:

“Từ khi quen biết em

Đời anh thấy vui hơn.

Em như cánh hoa thắm

Giữa vườn tình muôn sắc.

Tô thắm đời xinh đẹp,

Toả hương yêu dạt dào.”

(Nguyễn Thiện Bản – bđd)

Sự thật là thế đó. Nếu bạn và tôi, ta đồng ý với người viết nhạc họ Từ tên rất ư là Công Phụng, khi ông bảo: hễ người nghệ sĩ ới gọi tên “Em”, thì người ”em” đó không chỉ là “em tôi”. Mà là, người nghe hay người đọc, rất vân vân. Với nhạc bản hôm nay, “Em” còn có nghĩa là ”cành hoa thắm”. “Gió trong đêm”. Là, “con sông dài”, “áng mây trôi”, và gì gì nữa, nếu hát thêm:

“Em như nắng ấm quê ta,

Cho anh mơ ước bao la.

May mà có EM

Em như tiếng hát trong ta

Hương yêu thơm ngát muôn hoa.

May mà có EM

May mà có EM

May mà có EM.”

(Nguyễn Thiện Bản – bđd)

“May mà có Em”, là có những người, làm bạn/làm tôi thêm phấn chấn. Có những người tuổi rất nhỏ đang lưu lạc, ở đâu đó. Khiến mọi người, cả em lẫn tôi, ta vẫn kiếm tìm. Kiếm, một tình tự. Tìm, sự thân thương. Đã luột mất.

“May mà có Em”, cũng may là: vẫn còn đó, người anh/người chị đi trước, cứ khắc khoải/ưu tư về người “em” hôm trước, có còn ở thế gian. Chốn phàm trần. Đầy sự sống? Với giòng chảy ưu tư những tìm và kiếm, rất khắc khoải của một Marie Choquet, trong “Le Monde Magazine”, thì bạn và tôi ta đã bắt gặp giòng chảy tư tưởng qua chuyến Pháp du 24/7/2010, vừa qua:

“Từ lâu lắm, chừng như ta chẳng còn tìm hiểu gì đến giới trẻ, ở quê nhà. Chẳng còn biết họ đang ở nơi đâu. Chốn nào. Nay, mới lại tìm hiểu con người họ, qua lăng kính. Rất hiển vi. Sự thể là, ta lại đặt ra rất nhiều vấn đề, mà trước đây chẳng hề thấy. Tưởng chừng như đó là câu chuyện còn mới mẻ. Rất trầm kha. Sa đà. Cần ra tay tiếp cứu. Sa đà, vì người trẻ hôm nay chỉ biết những là bột trắng. Với tự vẫn. Cứ gia tăng rất đều. Mà thật ra trong đời họ chỉ thấy mỗi gia tăng, những là bạo lực.

Lâu nay, bạo lực đã trở thành vấn đề hệ trọng, mãi đến năm 2000, ta mới biết. Thế nhưng sau đó lại thôi, không đề cập đến. Thật hết sức. Nay, hãy thử suy tư về những gì ta có như một dữ kiện hiện rõ từ năm 1993, thời khắc có đến 1% số ngưòi trẻ trong nước vẫn gánh chịu nhiều bạo lực. Cả về giới tính. Cũng từ đó, ta lại thấy nó như một hiện tượng rất mới mẻ. Phải chăng đang có cái gì đó, vẫn đổi thay? Phải chăng, đây là dấu hiệu cho thấy người trẻ nay đang sa đà, tuột dốc? Không hẳn thế đâu. Bởi, điều này còn tùy vào góc độ, ta nhận xét. Thử xét về cái-gọi-là “bột trắng” lấy từ cây gai dầu mà xem.

Từ thập niên ’90, người ta đã nêu vấn đề này lên rất nhiều. Rồi cứ thế mà thiết lập/cài đặt một hiện tượng. Nay, thì chuyện ấy đã giảm sút. Chỉ mỗi điều, là nhiều người nay đâm ra lo âu. Sầu lắng. Hỏi han. Trong số những người ấy, có tôi. Lo rằng, ngày nay người ta thích tạo ra ảnh hình về người trẻ đang “sa đà”, làm cho thế hệ già đi trước, phải hoảng sợ. Ảnh hình tồi tệ, là làm thế sẽ tụt giảm phẩm giá của người trẻ. Và, đấng bậc mẹ cha, sẽ không còn biết quan tâm đủ về lớp người này, như trước.” (x. Marie Choquet “L’Image du jeune fait peur aux adultes”, Le Monde Magazine 24/7/10 tr. 24)

“May mà có Em”, còn là cái may ta vẫn được nghe. Được ngắm. Được gửi gắm đến bạn bè rất thân và rất thương, những lời nhạc dễ thương sau đây:

“Từ khi quen biết em,

Cuộc đời đáng yêu hơn.

Em như vị sao sáng

Giữa biển đời bao la,

Soi sáng trời tươi đẹp,

Tình yêu thương đậm đà.

Từ khi quen biết em,

Mọi người thấy như quen,

Em như ánh trăng thanh,

Lung linh ngàn sắc đẹp, bình yên.

Em như đêm trăng rằm

Thắp sáng tâm hồn anh,

Em như chút men say

Dạt dào sóng vỗ tim anh.

(Nguyễn Thiện Bản – bđd)

Tim anh. Và cả đến tim em. Vẫn là trái tim êm đềm. Trong sáng. Rất men say. Con tim chân chính ấy, vẫn lan toả nhiều mối tình. Tình Chúa thương, toả chiếu hồn em. Tình em yêu đương đậm đà tình Chúa, như được nhắc rất nhiều ở lời vàng Kinh Sách, rất như sau:

“Hãy tìm kiếm Nước

trước đã,

và sự công chính của Người.

Và, các điều ấy

sẽ được ban thêm

cho các ngươi.”

(Mt 6: 33)

“May mà có Em”, là cũng rất may, vì nay vẫn còn những người Em và Anh vẫn rất thánh. Cứ tìm kiếm “Nước” ở nhiều nơi. Kiếm và tìm, như thánh nhân ngoài luồng/trong Đạo, hằng ra sức. Ở đâu đó.

“May mà có Em”, lại cũng rất may, vì nay đang có người em/người anh vẫn kiếm tìm sự lặng thinh. Để trầm tĩnh. Tựa như tác giả Bernard Toutounji, ở Sydney, cũng đã một lần tìm kiếm an bình/hiền. Cũng nói câu “May mà có Em”, như sau:

“Tuần rồi, tôi lái xe cả trăm cây số về mạn Nam Sydney để tìm về miền đất rất trầm và rất tĩnh, có đan viện. Đan viện tôi kiếm tìm, là một viện tu cho nữ giới Dòng Biển Đức ở Jamberoo, để lưu trú ít ngày. Viện Dòng chuyên tu tôi tìm đến, là chốn miền trước kia tôi từng đặt chân, rất lặng thinh. Im ắng. Tịch mịch. Thật sự, thì ít lâu nay tôi để mất cái thói quen tìm về nơi thanh vắng mà nguyện cầu, như Chúa dạy. Nay tìm được nơi này, tôi như người mở bung đôi cánh rút về chốn vắng, rất ấm êm. Xa và vắng, khỏi mọi hệ lụy của cái thế giới ồn ào. Náo nhiệt. Chỉ tranh giành.

Đến với lặng thinh mà chiêm và ngắm, tôi mang trong đầu một đoạn Kinh Sách trong đó có ghi rõ Phêrô thánh nhân cũng tìm đến với Thầy mình, nhũng bồng bềnh trên mặt nước. Trong một phút rất căng, thiếu bình tĩnh lặng thinh nơi tâm hồn, thánh nhân đã lặn ngụp trong nghi nan. Đa đoan. Thất bại. Tôi cũng thế. Nhiều tháng ngày trước đó, tôi cũng bị ngập ngụa trong thách đố, có từ cuộc sống. Thách và đố đến mức độ, tôi phải viết vào nhật ký nguyện cầu, những giòng chảy đượm những tình tự ra như ngập chìm trong tăm tối. Đắm đuối. Rất kiệt sức.

Trong tình huống buồn như thế, tôi tự nhủ: thay vì tìm vào lời kinh oang oang đầy tiếng động, tìm cộng hưởng, như nhiều người vẫn làm, tôi chỉ tìm chốn ắng im. Chìm ngập trong ca hát. Những thánh vịnh. Lời ca. Của Hội thánh. Và cứ thế, trong bốn ngày tham dự đầy đủ các giờ kinh hôm, ban sớm. Rất nhẹ nhàng. Thanh thoát. Tôi ngồi đó, để hồn mình bay bổng. Lắng đọng. Để lòng mình bay theo cung nhạc thần thánh. Rất thanh tao. Của viện tu. Dòng nữ. Có tiếng hát rất thiên thần từ cộng đoàn Nước Trời, ở nơi đây, nay cảm hoá linh hồn tôi. Theo cung cách của giọt nước nhỉu trên đá tảng, đang rớm lệ.

Đúng như vị linh mục Dòng Biển Đức nọ từng ghi chú: “Nguyện cầu với thánh vịnh, ta cứ tưởng mình chỉ có thể cảm hoá cuộc sống của người nào đó, thôi. Nhưng, có thể là, ta đã thay đổi cả tầm nhìn của thế giới. Đổi và thay, cả những quyết định có tính kinh tế, chính trị, cũng không lâu.”

Cảm nghiệm ấy, tôi đã đạt chỉ trong vòng có 4 ngày trời ngắn ngủi. Thế cũng đủ. Đủ, để tôi thấy được chính con người của bản thân tôi. Đủ, để cùng với lời ca/câu hát, qua thánh vịnh, tôi kết hợp chính mình với thế giới thiên thần mà con người đương đại không thể mang lại cho một ai. Kim đồng hồ thế giới vẫn cứ quay cuồng, nhiều tình tiết. Nhưng, chừng như nó đã dừng lại, nơi tôi.

Từ những kinh nghiệm riêng tây, tôi trộm nghĩ: Phải chi mọi người, từ già đến trẻ. Đã có gia đình, hoặc còn độc thân. Ta cứ cùng nhau hợp quần, vứt bỏ thì giờ uổng phí. Bỏ tất cả. Bỏ mọi người, chốn ồn ào đầy tranh chấp. Mà đến với Chúa. Trong lặng thinh. Chỉ cần bỏ ra một ít tháng ngày. Phút giây. Mà, tìm về với thinh lặng. Im ắng. Để nguyện cầu. Với Chúa. Với nhau. Rồi ra, ta sẽ bắt gặp lời mời của Chúa khi xưa nói với Phêrô thánh nhân, rằng: Con hãy bưóc ra khỏi con thuyền chòng chành đầy nghi vấn. Cứ vững tin mà bước tới, ta sẽ thực hiện được nhiều điều ta mong ước.” (x. Bernard Toutounji, An opportunity to walk on water, The Catholic Weekly 22/08/2010 tr. 13)

“May mà có Em” hôm nay, là đã có bạn/có tôi, ta được nghe tâm tình nhiều bạn hữu, tuy chưa biết, nhưng đã quen. Quen như tiếng hát, ta từng nghe rất nhiều, thời buổi trước. Quen như giòng chảy thi ca/âm nhạc, nhiều thể loại. Dù, nó có là thể loại nào đi nữa. Dù, nó có là lời bạn của bạn bè người thân như lời nhận định của ai đó trong truyện kể, để thư giãn và minh hoạ, ở bên dưới:

“Truyện kể, để hỏi bạn hỏi tôi, ta đang dùng thể loại âm nhạc nào, để ca hát. Cho mọi người.

Truyện rằng:

Vào giờ học Anh ngữ, cô giáo cho học sinh tập tành việc giao tiếp với giới âm nhạc rồi ghi vào báo cáo. Để mọi người còn biết mà đặt tên. Nghe hỏi, hai bạn bảo nhau : - Mày thích loại nhạc gì? - Nhạc Hip Hop đó . - Còn mày thích nhạc nào? - Disco. - Được rồi. Bọn mình cứ ghi vô. - Nhưng chữ ấy, viết làm sao? - Tao đâu biết. - Đúng rồi, đó là tên mà tụi Tây nó dùng để chỉ loại nhạc kích động, mình chỉ ghi phiên âm thôi - Ừ đúng thế! Với lại bà thày có lấy điểm đâu mà mình lo.... Thằng bạn gật gù, ghi vào báo cáo: "Thể loại nhạc tôi ưa nhất là: Híp hóp và Đi đi Cô" !!!!

Thể loại nhạc ta ưa hát, có là thánh vịnh hoặc bình ca cũng đều được. Miễn là, cất lên lời kinh nguyện cầu dù có nhịp điệu, hay nhạc giựt Disco, hoặc xô bồ gì gì đi nữa cũng đặng. Đặng, là vì chắc chắn trong nguyện cầu luôn có giòng chảy của âm nhạc. Của lặng thinh. Thì, cũng vẫn đưa mình đến với Chúa, trong kiếm tìm. Tìm đến Ngài để ca hát. Chúc tụng. Chúc rằng: May mà có Em. Có Anh. Có Chúa, trong đời mình. Mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp. Hạp ý Chúa. Vừa ý mình. Là được.

Trần Ngọc Mười Hai.

Xưa nay vẫn muốn hát

những giòng nhạc lặng thinh.

Rất kiếm tìm một tình yêu.

Chí ít là khi được tin người anh ruột

vừa chấm dứt một tìm kiếm

rất lặng thinh.Trong đời.

Để, về với Cha. Với Chúa.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

Saturday, 21 August 2010

“Đôi khi anh muốn tin,”

đôi khi anh muốn tin,

ngoài đời chỉ còn trời sao đáng kể,

mà bên vì sao lấp lánh đôi mắt em…” (Cung Tiến/Thanh Tâm Tuyền - Lệ Đá Xanh)

(Lc 8: 11-13)

Có câu hỏi, đá xanh mà cũng lanh chanh đổ lệ, huống chi con người và, người con của Trời?

Ấy đó, là câu hỏi mà bần đạo vẫn để bụng, quyết mang theo. Mang theo rồi sẽ hỏi, rất nhiều người. Hỏi, cả hướng dẫn viên du lịch Do Thái mang tên John, từng có 42 năm kinh nghiệm về những đá và sỏi ở Giêrusalem. Vào hôm ấy, ngày đầu niên lịch 2009, ông lại cứ bảo: Do thái và nhất là Giêrusalem này, toàn những đá và đá. Nghe thấy lạ, bần đạo bèn phát biểu: biết đâu, sau này, đá ở đây lại quý hơn vàng ròng, ngọc quý, cũng rất nên.

Hôm nay hỏi và nói về đá, là hỏi và nói những câu rất ngấn lệ. Hỏi và nói, như từng nói và hỏi bà con vào buổi “Hát cho nhau nghe” với chủ đề “Tìm Chút Hương Yêu”. Độ tháng 6 năm 2010 hôm ấy, có bạn trẻ từng hỏi và đã nói về hai bài hát trình bày trong đêm nhạc là bài “Lệ Đá Xanh” của Cung Tiến và “Nửa Hồn Thương Đau” của Phạm Đình Chương, rất như sau:

“Về đá xanh, nhiều nhạc sĩ từng gợi hứng từ bài thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền trước nhất có nhạc sĩ Cung Tiến phổ nhạc có đầu đề là “Lệ Đá Xanh”, gửi tặng Phạm Đình Chương. Rồi Phạm Đình Chương đáp lễ bằng bài “Nửa Hồn Thương Đau”. Sau đó, người viết nhạc là Trần Trịnh cho ra bài ca mang tên “Lệ Đá”, và Trịnh Công Sơn với bài “Tuổi Đá Buồn”. Riêng Phạm Duy lại cảm kích lời thơ đầy “sữa mật” đã cho ra bản tình ca đầy những sữa có tên là “Dạ Lai Hương”. Ở nhà Đạo, ta có Đoàn Vi Hạ, với bài “Bờ Đá Xanh Tạ Tội”… Tóm lại, “lệ đá” hay “đá ngấn lệ’ lâu nay trở thành đề tài cho thi nhân, nhạc sĩ cất lên những thanh âm của tình yêu, rất da diết…”

Thanh âm da diết và diết da, còn là âm thanh đượm đầy những lệ của đá, như sau:

“Đôi khi anh vẫn tin, đôi khi anh vẫn tin,

Ngoài đời thơm thơm, cỏ hoa ươm hương dịu hiền,

mà bên trái cây ngọt ngào đôi môi em,…

nguồn sữa mật khởi đầu.”

(Cung Tiến/Thanh Tâm Tuyền – bđd)

Cũng từ bài thơ của Thanh Tâm Tuyền, nghệ sĩ Phạm Quang Tuấn, lại viết khác. Vẫn rất hay:

“Anh muốn tin,

ngoài đời thơm phức

những trái cây của Thượng Đế

mà bên những trái cây ngọt ngào

những trái cây ngọt ngào…”

(Phạm Quang Tuấn/Thanh Tâm Tuyền – Lệ Đá Xanh)

Phải chăng, trái cây ngọt ngào thơm phức “của Thượng Đế ở đây, không là “đôi môi em”, hay “miệng lưỡi” của anh nữa. Mà là “nguồn sữa mật khởi đầu”, âu sầu giòng lệ đá, vẫn rất xanh? Thật ra thì, “sữa mật” đầy nguồn còn là Lời Vàng của Thượng Đế nhân gian vẫn nói ở Kinh Sách:

“Đây là ý nghĩa dụ ngôn:

Hạt giống là lời Thiên Chúa.

Những kẻ ở bên vệ đường

là những kẻ đã nghe

nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ,

kẻo họ tin mà được cứu độ.

Còn những kẻ ở trên đá

là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời,

nhưng họ không có rễ.

Họ tin nhất thời,

và khi gặp thử thách,

họ bỏ cuộc.”

(Lc 8: 11-13)

Về tin để được cứu độ, nói nôm na như câu ca ở giòng nhạc “Đôi khi anh muốn tin”, rất nhất thời, lại có tác giả người Hoa, con rể cố Chủ tịch Trung Quốc Lý Tiên Niệm, giáo sư thỉnh giảng đại học Stanford ở Mỹ, cũng có bàn về niềm tin văn hoá lâu nay được người người coi là “sắt đá”, đã trần tình về niềm tin văn hoá sử Đông/Tây như sau:

“Lịch sử phương Tây là một bộ sử sửa cái xấu, cái sai thành cái tốt, cái đúng. Lịch sử Trung Quốc thì là một bộ sử sửa cái tốt/cái đúng thành cái xấu/cái sai. Thời cổ, phương Tây cái gì cũng cấm, chỉ có điều không cấm bản năng con người. Trung Quốc cái gì cũng không cấm, riêng bản năng thì cấm.

Người phương Tây dám thể hiện bản thân, tức thể hiện tư tưởng mình và còn dám phô bầy thân xác loã lồ của mình. Trung Quốc chỉ biết mặc quần áo, mặc quần áo cho tư tưởng. Mặc, bao giờ cũng dễ hơn cởi. Phương Tây đả kích mặt đen tối của mình, cho nên tìm được ánh sáng tư tưởng của họ đang bay bổng. Chúng ta ca ngợi sự sáng của mình, kết quả đem lại bóng tối nghìn năm…”(X. Liu Ya-zhou, Trung Quốc Bàn về niềm tin và đạo đức, Nguyễn Hải Hoành giới thiệu và lược dịch, trích từ bài nói chuyện của ông hôm 11/9/2002 ở Vân Nam)

Tin hay không tin, về văn hoá sử rất sắt đá, hay chỉ là “Đôi khi anh muốn tin”, “những trái cây của Thượng Đế”, vẫn còn đó lời kể của thánh sử, như sau:

“Còn Thầy,

Thầy bảo cho anh biết:

anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá,

trên tảng đá này,

Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy,

và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.”

(Mt 16: 18)

Có một sự kiện, là: buổi hôm ấy nhiều người tìm về Castagniers, Pháp Quốc, cũng đã tìm về sự lặng thinh của đất đá trên núi đá, đã phát giác ra được sự thật do thánh nhân ngoài đời/trong Đạo, cũng rất bạo và dạn, như sau:

“Như tôi đã nói trước đây, tôi tuyệt đối tin rằng sự đa dạng của các truyền thống tôn giáo hiện nay là quý giá và thích đáng. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, tất cả các truyền thống tôn giáo lớn của thế giới nói một thứ ngôn ngữ và gửi đến một thông điệp chung mà chúng ta có thể dựa vào để xây dựng một sự hoà thuận nhau thật sự.” (X. Le Dalai Lama parle de Jésus, Editions Brepols Paris 1996, Vĩnh An dịch Thiện Tri Thức in năm 2003, tr. 26)

Thông điệp về sự hoà thuận mà thánh-nhân-ngoài Đạo nói đến, vẫn ghi lại lời lẽ đẹp như sau:

“Chúng ta hãy lấy một ví dụ như sự tham thiền về tình yêu và lòng thương xót trong bối cảnh Kitô-giáo. Khi tham thiền theo phân tích, chúng ta đi theo những hướng tư duy đặc biệt như: để thật sự yêu Thiên Chúa, cần phải thể hiện tình yêu ấy bằng hành động yêu thương chân thật anh em nhân loại của mình. Người ta cũng có thể suy nghĩ về cuộc đời và gương sáng của Đức Giêsu Kitô trong bản thân Ngài, Ngài đã sống và hoạt động như thế nào để đem lại lợi ích cho chúng sinh, và các hành động của Ngài đã minh hoạ một phong cách sống tràn đầy lòng thương xót.”(Đức ĐạtLai LạtMa, sđd t.27)

Xem như thế, những lời và lẽ như “Đôi khi anh muốn tin”, hoặc “Bờ Đá Xanh Tạ Từ” ở các bài hát, vẫn là những tình tự về lòng thương xót. Tình yêu. Sự thật. Nhưũng sự rất thật, mà thánh-nhân-ngoài-Đạo, là Đức Đạt Lai Lạt Ma, thêm một lần xác tín, rất như sau:

“Nhờ có những suy tư đó, các bạn ngày càng xác tín vào sự quan trọng và giá trị của lòng thương xót và khoan dung. Một khi đã đạt tới niềm xác tín tuyệt đối về giá trị và sự thiết yếu của lòng thương xót và khoan dung, các bạn sẽ có cảm giác được xúc cảm và biến đổi từ bên trong.” (x. Đức ĐạtLai ĐạtMa, sđd t. 28)

Và bậc thánh-nhân, lại quả quyết:

“Khi đọc đoạn Matthêô 5, 38-42, tôi thấy Phúc Âm đặt nặng sự thực hành lòng khoan dung và đề cao tình cảm vô tư, không thiên vị đối với mọi tạo vật. Theo ý kiến của tôi, để triển khai năng lực khoan dung đối với mọi người, và đặc biệt với một kẻ thù, điều kiện quan trọng tiên quyết là tiếp nhận mọi người với tính bình đẳng. Nếu người ta nói với bạn rằng không nên thù nghịch kẻ thù mà phải yêu mến hắn, chỉ khẳng định như thế sẽ không khuyến khích các bạn thay đổi. Đối với mỗi người chúng ta, cảm thấy sự thù nghịch đối với những người làm khổ bạn và có cảm tình với những người yêu thương bạn là hoàn toàn tự nhiên. Đây là tình cảm tự nhiên của con người. Vậy, chúng ta phải sử dụng các kỹ thuật hiệu quả để giúp chúng ta vượt qua từ sự thiên vị nội tại trong bản tính, đến một tình trạng bình đẳng cao nhất.” (x. Đức ĐạtLai LạtMa, sđd t. 32)

Cuối cùng thì, đá tảng có nhỏ lệ, mầu rất xanh hoặc như lời của người viết nhạc họ Trịnh có đặt tên gọi cho nhạc bản của mình là “Tuổi Đá Buồn” đi chăng nữa, thì tuổi buồn như đá, vẫn là tuổi già hay trẻ, chẳng biết dựng xây căn nhà “yêu thương” của mình hay của người, ở trên đá. Xây như thế, rồi anh rồi em sẽ cùng với người viết nhạc Phạm Quang Tuấn hát tiếp lời ca cuối, có những câu:

“Anh muốn tin

Ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết

Quyến rũ cánh tay em

Vòng ân ái

Quyến rũ cánh tay em

Vòng ân ái

Trong tay em…

Trong tay em…”

(Phạm Quang Tuấn/Thanh Tâm Tuyền – bđd)

Vòng ân ái, có là nỗi niềm ái ân, của người thân hay khác lạ, ở ngoài đời vẫn ngấn lệ đi chăng nữa, hãy cứ hát lên một lời cuối cho em. Và cho anh. Như sau:

“Đôi khi anh muốn tin

Ôi những người khóc lẻ loi

Lệ là những viên đá xanh

Lệ là những viên đá xanh…”

(Phạm Quang Tuấn/Thanh Tâm Tuyền – bđd)

Vâng. Đá rất xanh. Có nhỏ lệ, nhiều hay ít, cũng còn tùy. Tùy anh. Tùy em. Tùy mọi người có tin rằng đá tảng mà Chúa đặt tên cho Simôn Phêrô, để xây dựng Hội thánh lên trên đó, chính là Tình Yêu. Của Ngài. Của muôn người.

Trần Ngọc Mười Hai

Đã biết thôi không nhỏ nữa.

Những giòng lệ cho đá.

Vẫn rất xanh.

Sunday, 15 August 2010

“Đường vào tình yêu có trăm lần vui,”

có vạn lần buồn”.

(Trúc Phương – Đường vào tình yêu)

(Lc 12: 51)

Bấy lâu nay, bần đạo vẫn cứ viết và cứ lách. Viết rất nhiều. Lách không thiếu. Viết rồi lách những chuyện giông dài, có ở đời. Nơi nhà Đạo. Đa số chuyện bần đạo những viết và lách, chỉ loanh quanh chuyện tình dài vẫn cứ yêu đương và đương yêu. Có, những giòng chảy len vào đời. Cả nơi Đạo. Vẫn yên vui. Nồng thắm. Phấn khởi. Có đâu như chuyện buồn “len lén tâm tư”, của ai đó. Hoạ chăng, nếu luồn lách giòng nhạc trích ở trên, cũng chỉ thấy giọng ca ai oán tình đời, một Thanh Thuý:

“Đường vào tình yêu, có trăm lần vui có vạn lần buồn

Đôi khi nhầm lỡ, đánh mất ân tình cũ.

Có đau chỉ thế, tiếc thương chỉ thế

Khi hai mơ ước, không chung cùng vui lối về.”

(Trúc Phương – bđd)

Mấy lúc ngồi viết, bần đạo thường không quên đính kèm một truyện kể. Đọc cho dễ. Truyện vui không thiếu. Truyện buồn, cũng khá nhiều. Nhưng nào dám kể về giòng chảy xuyên suốt, buồn da diết, như truyện “con ruồi” mà bần đạo nhận từ điện thư, hôm trước, rất như sau:

Có con ruồi rất nhỏ xíu. Vậy mà cái nhỏ xíu đó đôi khi lại là nguyên nhân của những chuyện tày đình. Với hôn nhân.

Tôi ốm. Và, vợ tôi pha cho một ly sữa. Tôi nốc một hơi cạn đến nửa ly và phát hiện ra là: trong ly có con ruồi. Con ruồi đen bập bềnh trong ly sữa trắng, "đẹp" khủng khiếp!

Thế nhưng, mọi chuyện bắt đầu từ đó.

Tôi vốn rất kỵ ruồi, cũng như gián, chuột, nói chung là kỵ tất cả các thứ dơ bẩn. Tối đang nằm mà nghe tiếng chuột bò sột soạt trong bếp là tôi không tài nào nhắm mắt được. Thế nào tôi cũng phải vùng dậy lùng sục, đuổi đánh cho kỳ được. Bằng không thì cứ gọi là thức trắng đêm. Vậy mà bây giờ, một trong những thứ tôi sợ nhất lại nhảy tót vào ly sữa tôi đang uống, và đã uống. Nói trắng ra, là nhảy tót vào mồm tôi. Biết đâu ngoài con ruồi chết tiệt trong ly kia, tôi lại đã chẳng nuốt một con khác vào bụng. Mới nghĩ đến đó, tôi đã phát buồn nôn.

Thấy tôi khạc nhổ luôn mồm, vợ tôi bước lại, lo lắng hỏi:

-Sao vậy anh?

Tôi hất đầu về phía ly sữa đặt trên bàn:

-Có người chết trôi kia kìa!

Vợ tôi cầm ly sữa lên:

-Chết rồi! Ở đâu vậy cà?

-Còn ở đâu ra nữa! Tôi nhấm nhẳng:

- Chứ không phải em nhặt con ruồi bỏ vào ly cho anh à!

Vợ tôi nhăn mặt:

-Anh đừng có nói oan cho em! Chắc là nó mới sa vào!

-Hừ, mới sa hay sa từ hồi nào, có trời mà biết!

Vì tôi đang ốm nên vợ tôi không muốn cãi cọ, cô ta nhận lỗi:

-Chắc là do em bất cẩn. Thôi để em pha cho anh ly khác.

Tôi vẫn chưa nguôi giận:

-Em có pha ly khác thì anh cũng đã nuốt con ruồi vào bụng rồi!

Vợ tôi trố mắt:

-Nó còn trong ly kia mà!

-Nhưng mà có tới hai con lận. Anh uống một con rồi.

-Anh thấy, sao anh còn uống?

-Ai mà thấy!

-Không thấy, sao anh biết có hai con?

Tôi tặc lưỡi:

-Sao không biết? Uống vô khỏi cổ họng, nghe nó cộm cộm là biết liền.

Vợ tôi bán tính bán nghi. Nhưng vì tôi đang ốm, một lần nữa cô ta sẵn sàng nhận khuyết điểm:

-Thôi, lỗi là do em bất cẩn! Để em...

Tôi là tôi chúa ghét cái kiểu nhận lỗi dễ dàng như vậy. Do đó, tôi nóng nảy cắt ngang:

-Hừ, bất cẩn, bất cẩn! Sao mà em cứ bất cẩn cả đời vậy?

Vợ tôi giật mình:

-Anh bảo sao? Em làm gì mà anh gọi là bất cẩn cả đời?

-Chứ không phải sao?

-Không phải!

-À, lại còn bướng bỉnh! Tôi nheo mắt:

-Chứ hôm trước ai ủi cháy cái quần của anh?

-Thì có làm phải có sai sót chứ? Anh giỏi sao anh chẳng ủi lấy mà cứ đùn cho em!

-Ái chà chà, cô nói với chồng cô bằng cái giọng như thế hả? Cô nói với người ốm như thế hả? Cô bảo tôi lười chảy thây chứ gì? Cô so sánh tôi với khúc gỗ phải không? Ái chà chà...Thấy tôi kết tội ghê quá, vợ tôi hoang mang:

-Em đâu có nói vậy!

-Không nói thì cũng như nói! Cô tưởng cô giỏi lắm phỏng? Thế tháng vừa rồi ai làm cháy một lúc hai cái bóng đèn, tháng trước nữa ai phơi quần áo bị đánh cắp mà không hay? Cô trả lời xem! Vợ tôi nhún vai:

-Anh lôi những chuyện cổ tích ấy ra làm gì? Hừ, anh làm như anh không bất cẩn bao giờ vậy! Anh có muốn tôi kể ra không? Tháng trước ai mở vòi nước quên tắt để cho nước chảy ngập nhà? Anh hay tôi? Rồi trước đó nữa, ai làm mất chìa khóa tủ, phải cạy cửa ra mới lấy được đồ đạc?

Tôi khoát tay:

-Nhưng đó là những chuyện nhỏ nhặt! Còn cô, năm ngoái cô lấy mấy triệu cho bạn bè

mượn bị nó gạt mất, sao cô không kể luôn ra?

-Chứ còn anh, sao anh không kể chuyện anh đi coi đá gà bị mất xe? Rồi năm ngoái, ai nhậu xỉn bị giật mất điện thoại?

Cứ như thế, như có ma xui quỉ khiến, hai vợ chồng thi nhau lôi tuột những chuyện đời xửa đời xưa của nhau ra và thay nhau lên án đối phương, không làm sao dừng lại được. Tôi quên phắt là tôi đang ốm. Vợ tôi cũng vậy. Chúng tôi mải mê vận dụng trí nhớ vào việc lùng sục những khuyết điểm tầng tầng lớp lớp của nhau. Và thật lạ lùng, có những chuyện tưởng đã chìm lấp từ lâu dưới bụi thời gian, tưởng không tài nào nhớ nổi, thế mà bây giờ chúng lại hiện về rõ mồn một và chen nhau tuôn ra cửa miệng. Từ việc tôi ngủ quên tắt tv đến việc vợ tôi mua phải cá ươn, từ việc tôi bỏ đi chơi ba ngày liền không về nhà đến việc vợ tôi đi dự sinh nhật bạn đến mười hai giờ khuya v.v..., chúng tôi thẳng tay quậy đục ngầu quá khứ của nhau và vẽ lên trước mặt mình một bức tranh khủng khiếp về đối tượng.

Trời ơi! Thế mà trước nay tôi vẫn sống chung với con người tệ hại đó! Thật không thể tưởng tượng nổi! Tôi cay đắng nhủ thầm và bùng dậy quyết tâm phá vỡ cuộc sống đen tối đó. Tôi đập tay xuống bàn, kết thúc cuộc tranh cãi:

-Thôi, tra khảo hành hạ nhau thế đủ rồi! Tóm lại là tôi hiểu rằng tôi không thể sống chung với cô được nữa! Tôi ngán đến tận cổ rồi!

Vợ tôi lạnh lùng:

-Tùy anh!

Câu đáp cộc lốc của vợ không khác gì dầu đổ vào lửa. Tôi nghiến răng:

-Được rồi! Cô chờ đấy! Tôi làm đơn xin ly hôn ngay bây giờ!

Tôi lập tức ngồi vào bàn và bắt đầu viết đơn. Ngòi bút chạy nhoáng nhoàng trên giấy với tốc độ 100km/giờ.

Viết và ký tên mình xong, tôi đẩy tờ đơn đến trước mặt vợ. Cô ta cầm bút ký rẹt một cái, thậm chí không thèm liếc qua xem tờ đơn viết những gì.

Thế là xong! Tôi tặc lưỡi và thở ra, không hiểu là thở phào hay thở dài. Cuộc đời cứ như xinê, nhưng biết làm thế nào được!

Ký tên xong, vợ tôi đứng lên và cầm lấy ly sữa.

-Cô định làm gì đấy?

-Đem đổ đi chứ làm gì!

-Không được! Để ly sữa đấy cho tôi! Tôi phải vớt con ruồi ra, gói lại, đem đến tòa án làm bằng cớ!

Đặt ly sữa xuống bàn, vợ tôi lẳng lặng đi vào phòng ngủ, đóng sập cửa lại. Trong khi đó, tôi hì hục lấy muỗng vớt con ruồi ra.

Tôi ngắm con ruồi nằm bẹp dí trên đầu muỗng và có cảm giác là lạ. Tôi đưa con ruồi lên sát mắt, lấy tay khảy nhẹ và điếng hồn nhận ra đó là một mẩu lá trà.

Con ruồi. Mẩu trà. Tất cả, chỉ là thế. Vẫn có thể, chẳng có chuyện gì ly dị/ly thân ghê lắm đâu. Chỉ là nguyên do/đầu đề, một cãi vã. Đấu tranh. Đổ vấy cho nhau, một vài tội. Để rồi, sẽ hiểu lầm. Chia rẽ. Cách ly. Và, hệ quả là: bung đầu. Nhức óc. Với, điếc tai. Điếc, cả tai mình, lẫn hàng xóm. Có khi còn kết cục bằng một rời bỏ. Xa cách. Chia ly. Có khi, cũng quay về. Với nhau. Cùng nhau ở lại. Và, lại ở. Với nhau.

Về với nhau. Trong đời. Sẽ, lại nghe câu ca tiếp của người nghệ sĩ nổi danh, vẫn đành hát:

Mình vào đời nhau, lúc môi còn non tuổi mộng vừa tròn Hương thơm làn tóc, nước mắt chưa lần khóc Đến nay thì đã đắng cay nhiều quá Thơ ngây đi mất trong bước buồn giờ mới hay.”

(Trúc Phương – bđd)

Về với Đạo, có vị lại cứ bảo: sao Chúa mà cũng có những lời rất bạo. Dễ “xa nhau”, như sau:

“Các ngươi nghĩ:

Ta xuất hiện để ban bình an trên mặt đất ư?

Không đâu! Ta bảo các ngươi,

Không gì khác ngoài sự chia rẽ!”

(Lc 12: 51)

Những chia rẽ mà Chúa nói, đâu có là rẽ chia/buồn phiền, dù lên đến trăm/vạn lần. Cũng chẳng là mục đích Chúa hiện tỏ. Dù vẫn thấy. Rẽ chia/buồn phiền, thực sự, chỉ vì hai chữ “tự do”, của con người. Vì tự do, nên người người mới buồn phiền. Rẽ chia. Tranh chấp. Vì tự do, nên người người mới lơ là. Từ bỏ. Bỏ cả Chúa. Bỏ mọi người. Chỉ lo cho đến mình. Lo cho tự do, của mình.

Rẽ chia/buồn phiền, là vì con người có chọn lựa. Chọn điều này. Lựa cái khác. Lựa và chọn, cả những gì không vui. Chẳng mừng. Huống hồ, là bình an. Lựa và chọn, theo kiểu của người tình buồn, là chọn và lựa con đường khác khi trước. Khác, cả những điều được lương tâm/chức năng khuyên can. Nhắn nhủ. Khác, như “con người” đầu, từng làm khác. Chẳng giống ai. Khác, vì cứ dông dài muốn nổi cộm. Khác, vì cuối cùng vẫn cứ bám víu vào những chuyện buồn bã. Lã chã. Tức bực.

Rẽ chia/buồn phiền, có thể là do con người vẫn cứ hỏi và cứ xin, như sau:

“Bao năm qua rồi, còn gối chiếc

Nghe lòng, nhiều hối tiếc

Thương nhau rồi! Xa nhau rồi!

Một lần dang dở ấy

Đêm lạnh vui với ai ?

(Trúc Phương – bđd)

À, là thế. Rẽ chia/buồn phiền, là vì đêm lạnh, vui với ai? Rẽ chia/buồn phiền, cũng vì đã từng “một lần dang dở”, “nhiều hối tiếc”, nhưng vẫn cứ như là:

“Nụ cười ngày xưa, chết trên bờ môi, héo mòn tuổi đời

Đi thêm một bước, trót nhớ thêm một bước

Nếu ta còn nhớ, mắt môi người cũ

Xin mang theo tiếng yêu khi gọi anh với em!”

(Trúc Phương – bđd)

Thật đúng thế! Nếu ta còn nhớ, mắt môi người cũ, tức là nhớ đến niềm vui khi trước, thì chắc không phải lùng sục những bất cẩn của nhau để đem ra mà khoét sâu vết thương của nhau, mà là “mang theo tiếng yêu”, khi gọi anh/em vẫn cứ ngọt ngào như trước. Như khi trước, là lúc có sự ngọt ngào căn dặn của Đức Chúa, như Lời Vàng, cao sang Chúa vẫn bảo:

“Martha! Martha!

Ngươi lo lắng xôn xao về nhiều chuyện!

Cần thì ít thôi, hay một điều thôi!

Maria đã chọn phần tốt rồi.

Và sẽ không bị ai giựt mất!”

(Lc 10: 41-42)

Một điều thôi! Ai cũng đều biết. Nhưng chẳng chịu theo. Cứ lẽo đẽo, mà thả mồi bắt bóng. Bởi thế nên, vẫn cứ thấy/cứ gặp vạn lần buồn, trên đường vào tình yêu. Niềm vui Maria có, sẽ chẳng ai giựt đi mất, vẫn là điều Chúa khuyên nhủ người đàn ông thông (đủ thứ) luật, ở Tin Mừng:

“Hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa của anh em

hết lòng trí, linh hồn, sức lực

và yêu người thân cận, như chính mình…

Cứ làm như vậy, là sẽ được sự sống, đời đời.”

(Lc 10: 25-37)

Chính đó là bí kíp, của cuộc đời. Thế ấy, là đường lối đúng nhất để lựa chọn mà đi vào con đường, của tình yêu. Muốn sống vui/sống đẹp, trong tình yêu, cũng nên nghe người khác truyền cho mình nhiều bí kíp. Bí kíp, hay tuyệt chiêu, nhiều lúc chỉ “ vừa đủ”, như thế này:

“Hãy cố tạo,

vừa đủ HẠNH PHÚC, để tâm hồn mình luôn thanh cao,

vừa đủ THỬ THÁCH, để mình được dũng mãnh,

vừa đủ MUỘN PHIỀN, để mình có lòng nhân ái,

vừa đủ HY VỌNG, để hạnh phúc ngự trị mãi nơi tâm can,

vừa đủ THẤT BẠI, để giữ mình khiêm tốn,

vừa đủ THÀNH CÔNG, để mình kiên cường,

vừa đủ BẠN BÈ để giúp mình an vui,

vừa đủ VẬT CHẤT, để mình thảnh thơi,

vừa đủ NHIỆT TÌNH, để mình đi đến cùng mọi dự tính,

vừa đủ NIỀM TIN, để xua tan tăm tối khiến mình ngã chúi,

vừa đủ NGHỊ LỰC, để cuộc sống mình thêm đẹp,

vừa đủ TÌNH YÊU, để mình sẽ thực hiện mọi điều kể trên…

Ấy nhưng, thế nào là “vừa đủ”, đó mới là vấn đề. Và, đâu là vấn đề, thế đó là vừa đủ. Vấn đề để vừa đủ, vừa đủ rủ rê tạo vấn đề, tất cả vẫn cứ “xa luân chiến”, như tình yêu. Như cuộc đời. Của mọi người. Nắm bắt được bí kíp ấy, bạn và tôi, ta sẽ không hát như Thanh Thuý/Thuý Thanh, “xưa rồi Diễm”. Nhưng, vẫn cứ ca ta bà, bài hôm trước:

“Chúa yêu trần thế. Hallê! Hallêluyah!

“Đã chết cho đời! Và, đà sống lại.

Hát lên người ơi: Halelluyah!...

(Thành Tâm/Sĩ Tín – Hallêluyah Hát Lên người Ơi!)

Bởi thế nên, hãy cứ hát. Hát cho tình yêu. Hát cho cuộc đời. Rồi sẽ vui. Đến triệu lần.

Trần Ngọc Mười Hai

Từng kiếm tìm đường tình yêu

Vẫn thấy vui. Rất nhiều điều vui.

Chứ đâu nào buồn đến vạn lần.

Để rồi than.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )