Sunday, 28 December 2008

“Tình là tình nhiều khi không mà có”

Chuyện Phiếm Chúa Nhật Lễ Thánh Gia: 28/12/2008

“Tình là tình nhiều khi không mà có”

Tình là tình nhiều lúc có như không Tình xôn-xao như giọt nắng lên cao,

cho lòng mình mang-mang như làn khói Tình trôi qua như là giấc chiêm bao.

Ôi, tình đầu bỡ ngỡ cơn mộng du.

(Trần Thiện Thanh – Tình Có Như Không)

(Mt 22: 18-21)

Có những mốc điểm lịch sử, khi từng sống qua, bần đạo vẫn muốn hát lên những lời tương tự. Như, của người nghệ sĩ. Ngâm nga lời nghệ sĩ, là để muốn nói lên rằng: trong niềm riêng rất nhẹ, lúc tình đời dâng cao, vẫn làm cho người người ở đời, không dễ nhận ra, những ‘tình có như không’.

Nhìn vào cuộc sống rất ứng dụng, bần đạo nhớ rõ năm ấy là cuối thập niên ’60, người anh và cũng thầy của bần đạo đã từ Pháp quốc vội bay về quê Dòng, để cùng sống và cảm nghiệm những tháng ngày thực tế có cộng đoàn Hội thánh. Nguời anh năm ấy, đã dám bỏ cả chức giáo sư thực thụ trường Đại Học Sorbonne, Paris mà vị viện trưởng việc Đại học này, đề cử. Lúc ấy, anh chỉ muốn duy nhất một điều, là về lại quê hương sống đời thực tế trong và với tình Dòng còn son trẻ, có những “luồng gió mới”, có từ thời hậu Công Đồng Chung Vatican I, mới thổi về.

Mốc điểm lịch sử 1966, còn được đánh dấu bằng một vận động cho đám tu sinh Dòng của anh (trong đó có bần đạo, và anh em đồng môn), được tham gia cuộc sống học hành ở đời thường. Có triết lý đời sống và sống đời triết lý, với người thường ở đời. Và, với đời.

Triết lý sống và sống triết lý, là những gì mà nhà hiền triết nọ khi xưa từng nhủ khuyên: “Sống trước đã, triết lý hãy để sau”. Sống đời thường có triết lý, là những gì mà người đời thời nay thường vẫn ưu tư, thắc mắc về cái-gọi-là “chính trị và cuộc sống Đạo”. Tức: sống đạo làm người. Ở đời thường có Đạo. Nói nôm na, đó là những nhận thức sống có hành động xử thế đính kèm rất cụ thể. Trong Đạo. Ở đời.

Sống Đạo ở đời có triết lý, có chính-trị hoặc tà-trị đủ cả, vẫn là sống đời thường, ở huyện. Một huyện, có đủ thứ chuyện. Từ truyện kể về đời người. Đến chuyện về thái độ của người đời như sau:

“Thanh niên nọ, từ sở lái xe về nhà. Trời còn sớm, nên anh tạt vào cây xăng đổ ít xăng dầu giá rẻ ngày thứ ba, kẻo mai nó lên giá. Đổ xong, còn ít tiền anh mua lon bia uống sương sương để tự thưởng, sau một ngày mệt nhọc, đầy những việc. Đang nhâm nhi, anh bỗng thấy có mấy anh em đang làm lao động công ích, “trồng cây gây rừng”. Quan sát kỹ, anh thấy hai người trẻ cứ tàn tàn làm cái công việc “khá nặng” (?) mà chính phủ giao phó, không có gì vội vã. Vất vả. Cực nhọc. Người này đào đất sâu chừng ba tấc, xong xuôi bèn bước ra chổ khác; nghỉ một chút, lại đào tiếp. Đến lượt người kia, lấy chỗ đất vừa đào lên, đổ vào lỗ. Như cũ. Cứ thế, họ tiếp tục công việc, cho hết giờ. Ngay lúc ấy, thấy kỳ kỳ, người thanh niên lạ bèn trờ tới, nói với hai người anh em trẻ đang lao động công ích, rằng:

-Này các bạn. Xin lỗi vì cái tội cứ là hay dính vào chuyện của người khác. Nhưng, nhìn các bạn lao động, tôi không thể nào chịu được, đành phải nói lên ý kiến bản thân! Sao hai bạn cứ một người đào đất lên, người kia lại lấp xuống, làm hoài như cái máy mà chẳng suy nghĩ gì cả vậy? Bộ, hai bạn không có việc gì khác, để làm sao?.

-Việc chính phủ mà! Làm xong lãnh tiền. Bảo gì làm nấy, việc gì mà thắc mắc?

-Ấy! làm thế rách việc lắm, bao giờ mới hết. Với lại, chỉ tốn tiền bọn tôi đóng thuế, thôi!

-Dạ, ông chẳng hiểu gì chuyện “chính trị chính em” hết đó…

Đang nói nửa chừng, người bạn lao động trẻ kia, nghe thế cướp lời:

-Bình thường, thì bọn tôi 3 đứa, vẫn hợp tác lao động rất đều. Một, là anh Hai Lúa đây. Người thứ hai, là anh Tư Mập và tôi, là Ba Bệu. Anh Hai đây, chuyên trị việc đào đất, để trồng cây. Tư Mập, chỉ làm mỗi việc là: bỏ cây xanh mới trồng, cho xuống lỗ. Còn tôi, tôi phụ trách việc lấp đất, sau khi anh Tư Mập bỏ cây vào lỗ. Bữa nay, gặp lúc trời lạnh, nên anh Tư bị bịnh, nghỉ nguyên ngày. Anh Tư bị bệnh thì anh ấy nghỉ, đâu có nghĩa là bọn tôi cũng được nghỉ, khỏi phải làm công chuyện của mình, đâu. Làm việc theo giây chuyền mà, thưa anh bạn rất không thân!”

Sống đời thường có chính trị, đối với bần đạo, là sống những mốc điểm lịch sử được đánh dấu bằng các sự kiện: linh mục Dòng xuống đường, linh mục Dòng tham gia biểu (đồng) tình vụ “Pin Con Ó”, hoặc linh mục Dòng bậc đàn anh hòa mình vào với cuộc sống có hành động phản kháng chính trị ở cấp cao. Những nào: “Bản cáo trạng số 2…” “cải thiện chế độ lao tù”, phản chống cách đối xử với người dân thường/tù nhân bất đồng chính kiến, nhốt họ vào cái-gọi-là “chuồng cọp”, vv…

Một lần nữa, sống Đạo ở đời thường, là: chẳng dại gì mà dấn bước vào chốn có những cãi vã/tranh đua, ai đúng ai sai. Nay, chỉ muốn nhắc đến thái độ sống Đạo trong đời rất quả cảm của những người anh - người em, cùng thế hệ, đã dám đối đầu phản chống giới cầm quyền, chuyên nắm quyền sinh sát, những dân đen. Thấp hèn. Sống Đạo ở đời có chính trị, là thái độ của các vị dám dưa lưng, đưa đầu ra cho người ta (những người nắm quyền bính chính trị) phỉ nhổ. Chửi bới. Đánh đòn “hội chợ”. Rất đáng sợ. Sống Đạo ở đời, còn là dám thể hiện tình người, giùm giúp những người bị ruồng bỏ khinh khi, mà những “Pharisêu thời đại” luôn chỉ trích để chứng tỏ mình là người biết giữ luật. Rất khiếp kinh.

Nhắc lại ở đây, chỉ để nhớ. Nhớ rằng, vào thời của Chúa cũng xảy ra những tình huống, nhiều bẫy cạm. Bẫy và cạm, do bàn-tay-năm-ngón-đã-nhúng-chàm, tạo bức chế. Phạm quyền. Và để nhớ, là thời của Chúa, cũng có những đàn em làm “ăng ten”/“điếu đóm”, dám vặn hỏi:

“Xin Thày cho biết ý kiến:

có được phép nộp thuế

cho Xêda?”

(Mt 22: 18)

Nộp thuế cho Xêda, còn là hỏi thử: có được phép sinh hoạt chính trị, hoặc sống triết lý với giới “tà trị”? Trả lời của Chúa: “hãy trả về cho Xêda, những gì của Xêda”, là câu nói đượm nhiều ý nghĩa. Ý nghĩa, của những tham gia chính trị với tà-trị. Ý nghĩa, dùng hình thức bạo động, khủng bố để hà hiếp đám dân đen, thấp hèn. Thì, câu đáp trả, sẽ là: “hãy trả về cho giới tà-trị chuyên bạo động, những giải pháp bạo tàn”, không cần có nơi Đạo.

Bởi, chính-trị của Đức Chúa, là chính trị của Tình yêu luôn ngự trị. Là, đường hướng cai-trị của Cha. Là, ngự-trị một cách chính đáng bằng tình yêu. Bằng, tha thứ. Thuần phục. Là, thứ chính trị khả dĩ biến đổi sâu sắc tâm can, của con người. Chính trị ấy, tuyệt nhiên không dùng phương pháp hay phương tiện của ác thần/sự dữ nơi cơ cấu/thể chế “thu về một mối”. Cũng, không áp dụng phương cách gây khiếp đảm. Trả đũa. Trả thù.

Chính trị của Chúa, không là trả lại, đáp trả hoặc ăn-miếng-trả-miếng với Xêda hoặc giới tà-trị đang cầm cân nảy mực. Mà là, “đem về” với Đức Chúa, những gì thuộc về Đức Chúa. Thực tế mà nói, chỉ thuộc về Đức Chúa, những gì là yêu thương. Tha thứ. Đỡ đần. Bao lâu, ta thực hiện được việc “đem về” với Chúa, tất cả những gì là Tình yêu từ phía địch thù, tà-trị hay toàn-trị…thì việc ấy mới đích thực là “chính trị” của Chúa.

Chính sách và chính trị đặt nặng lên yêu thương, Chúa đã từng chủ trương, luôn nhắc nhở dân con ở Vương Quốc Nước Trời. Các cụm từ hoặc nhóm chữ, như: thứ tha, yêu thương, “làm điều tốt lành cho trẻ nhỏ…” vẫn là chính trị, việc chính yếu trải dài từ đầu Kinh Sách.

Đọc kỹ Kinh Sách, hẳn bạn và tôi sẽ thấy rằng: chủ đích chính của nền chính trị nơi Đạo Chúa chính là Tình yêu trong ngự trị. Cai trị. Toàn trị. Tình của chính trị, là thứ “Tình là tình nhiều khi không mà có”. Và cũng có lúc, “Tình là tình nhiều lúc có cũng như không”. Như không, là bởi:

“Tình cho đi, cho từ lúc quen sơ.

Cho thật nhiều, bỡ ngỡ chưa hề cho.

Tình cho đi, nhưng chẳng nói năng chi.

Nên ngập ngừng, mãi mãi mối tình câm.” (Trần Thiện Thanh – bđd)

Tình phải là thứ cho đi, từ lúc quen sơ, hay ban sơ. Có thế, mới là tình của chính trị, chứ không phải của tà-trị. Sở dĩ có tà-trị, hay toàn-trị rất căng, là bởi những người làm công việc ngự trị một cõi -dù là cõi miền toàn những đất ở phía Nam- chỉ biết “nhận vào” chứ không “cho đi”, những tình là tình.

Sở dĩ có tà-trị và toàn-trị, thay vì chính (đáng) trị, hay “tình” yêu ngự-trị, là bởi ở đất miền ấy:

“những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau,

để làm cho Ngài lỡ lời, mắc bẫy.

Họ sai đến với Ngài các môn đệ của họ

cùng với phe cánh Hê-rô-đê.”

(Mt 22: 15)

Tức là, ở những nơi lẽ-đáng-ra tình yêu phải ngự-trị, thì lại thấy toàn những bè và cánh. Như thế, tại nơi được gọi là chốn bè bạn, sao toàn thấy những bè chứ chẳng thấy bạn, ở đâu hết. Dù đó có là bè Sá đốc. Dù đó, có là cánh Pharisêu, hoặc Biệt Phái, rất Kinh Sư.

Thành thử, suốt nhiều thế kỷ trải dài trong lịch sử Đạo và đời, cả đến hôm nay, người người vẫn thấy những chuyện trái khuấy xảy đến, cả với những người công chính, chuyên việc lễ lạy với tiến dâng Cha. Những bè phái, vẫn không kết-hợp hài-hoà được thói quen giữ Đạo trong chuỗi ngày của Chúa, có trách nhiệm. Trách nhiệm ở ngoài đời. Vào những ngày trong tuần. Trách nhiệm ngoài đời, là thứ chính-trị rất chính-đáng, có tình và có lý. Có cả “tình yêu ngự trị” như Chúa vẫn khuyên: “hãy đem về với Chúa, những gì thuộc về Chúa”.

Lời khuyên và cũng là hiệu lệnh ở trên, mà các bậc trưởng thượng đang “ngự-trị” Hội thánh, lâu nay có trọng trách rao truyền và công bố cho mọi người ở trần thế biết về đường lối rất chính và trị trên, có bổn phận sử dụng cơ cấu chính trị, hoặc diễn đàn thế giới, để thực hiện công tác mà Chúa giao phó. Công tác ấy, là việc hoà-phối sao cho “Tình yêu lẽ-đáng-phải-ngự-trị” được thể hiện với toàn thể tạo vật. Với người đời. Ở trong Đạo, cũng như nơi ngoài đời. Cả bên trong, lẫn bên ngoài nhóm dân-được-chọn.

Nhiều lúc, có bạn không đồng ý với các bậc “ở trên” đang chuyên trị chốn Tình yêu lẽ-đáng-phải-ngự-trị, mà lại không nắm được thông tin chính xác. Nên, đã dẫm chân nhau. Đã, vượt phạm vi quyền bính cho phép. Có lúc, xa rời truyền thống chân chính của Đạo. Xa rời, chốn cơ ngơi cần có của tình yêu ngự trị, là “chính” trị. Nên, thay vào đó, đã đưa ra những định hướng tưởng-là-chính đáng, rất chính trị. Nhưng thật sự, rất phóng túng, lôi kéo nhiều người bằng các bánh vẽ. Đa dạng. hấp dẫn.

Về tính cách và thái độ chính trị của Kitô hữu, sống ở đời, tác giả của “Chủ Nhật Hồng Giữa Mùa Tím”, từng có nhận định, như sau:

“Sứ điệp “được sai đến trong thế gian” của Đức Giê-su đã không khỏi mang một kích thước chính trị (vì “vẫn ở trong thế gian”) và đã dẫn tới cái chết vì một bản án rất chính trị. Nhưng tự bản chất, sứ điệp của Đức Giê-su hoàn toàn không phải là một sứ điệp chính trị. Tính cách đặc biệt của sứ điệp Đức Giê-su cũng là tính chất “không giống ai” của Hội Thánh (không kể những hiện tượng biến chất, lệch lạc) trong tuơng quan với trần thế và với lịch sử. “(Nguyễn Ngọc Lan – sđd tr. 145)

Để chuyện “Tình-yêu ngự trị” nơi chính trị, được thấm nhẹ một cách thư giãn, cũng nên nghe một truyện kể, rất nhẹ như sau. Truyện rằng:

“Mỗi khi bạn gặp thấy những chuyện bất công trong đối xử; hoặc, chuyện “tréo cẳng ngỗng”/tranh giành quyền lực ở chính trường, mà có người gọi là môi trường chính trị, hãy cứ nhớ truyện kể của Vũ Sinh Viên, viết như sau:

Tên tôi là Vũ Sinh Viên. Tôi vẫn từng dâng lên Chúa lợi ngợi khen tung hô về những việc Ngài dùng tôi làm chứng tá để đánh động hằng trăm, hàng ngàn người trên thế giới! Chuyện của của tôi đơn giản chỉ thế này: Tôi sinh ra không có cả chân lẫn tay. Các bác sĩ tìm hiểu mãi, vẫn chẳng biết phải nói thế nào để giải thích về các thiếu xót bẩm sinh của tôi . Như các bạn biết, tôi từng đối đầu với rất nhiều gian nan thử thách, mà người Công giáo có thói quen gọi là “thánh giá Chúa gửi đến”.

Nhưng với tôi, thưa các bạn, tôi đề nghị ta vẫn coi đó như niềm vui trinh trong mỗi khi bạn hoặc tôi gặp phải khó khăn nhiều thứ, mắc trong đời. Và, như bạn biết đấy, trong mọi việc, mọi môi trường hoàn cảnh, Chúa vẫn hoạt động tốt nhất cho những ai biết Yêu thương Ngài.

Câu nói này đi thẳng vào phần thâm sâu của trái tim và đánh động đến nỗi tôi đã, nên đã thuyết phục tôi, rằng: những chuyện như thế không thể coi đó là cơn may, hoặc cơ duyên hoặc một trùng hợp ngẫu nhiên khiến các việc tệ hại ấy, lại xảy đến với đời mình.

Nay, tôi thấy Vinh Quang Chúa vẫn tỏ lộ rằng Ngài sử dụng tôi theo phương cách tôi đang sống và bằng những phương tiện mà người khác không có, để sử dụng. Tôi, nay đã hai mươi ba tuổi đời, và vừa hoàn tất văn bằng cử nhân Kinh Doanh, chuyên khoa Hạch Toán Kinh Tế. Tôi còn là một người chuyên thuyết giảng cổ động, thích ra ngoài đời để chia sẻ chuyện đời tư của mình và làm chứng tá cho Chúa, mỗi khi còn có thể làm được. Tôi triển khai khoa ăn nói về những gì có liên quan đến vấn đề trên, và khuyến khích các sinh viên còn trẻ tuổi ngang qua các đề tài đang thách thức giới trẻ dưới hai mươi. Và, tôi còn là tiếp thị-viên cho công ty tôi đang làm nữa.

Tôi có cái đam mê không bỏ được là mong đến với lớp người trẻ để cho họ chứng kiến thấy những gì Thiên Chúa muốn tôi làm. Và, có thể nói, bất cứ nơi nào mà Ngài dẫn chân tôi đi, là tôi đến.

Tôi cũng có nhiều ước vọng và mục tiêu mà tôi vẫn hoạch địch cho đời mình, mà tôi vẫn muốn mình phải hoàn thành, cho kỳ được. Thật tình mà nói, với thân thể như thế này, tôi muốn thành nhân chứng hữu hiệu hầu biểu tỏ Tình Yêu và Niềm Hy Vọng, của Chúa. Tôi còn muốn trở nên một diễn giả quốc tế, được sử dụng như một con tàu qua lại các địa điểm để nối kết người Công giáo với người ngoài luồng.

Từ nay cho đến năm tôi 25 tuổi, tôi cũng muốn độc lập về tài chánh, hoạt động ngang qua lĩnh vực đầu tư ngành Địa ốc, điều chỉnh phương tiện đi lại của tôi để có thể tự lái, để được phỏng vấn trên chương trình của cô Oprah Winfrey, nữa. Tôi còn có mộng viết sách bán chạy nhất chưa từng thấy. Và, tôi hy vọng rằng tôi có thể kết thúc cuốn đầu tay, nội nhật từ nay đến cuối năm. Tựa đề của sách sẽ là: “Không chân, không tay, không cả những âu lo.”

Điều lớn lao nhất mà tôi muốn viết về Quyền Năng của Thiên Chúa, đại loại là như thế này: nếu bạn muốn làm một việc gì cho Chúa, thay vì mìnhquá đặt nặng lên những chuyện như khả năng của mỗi người, hãy chú tâm vào chuyện mình sẵn sàng mở ngỏ, cho Chúa. Bởi, mọi người chúng ta, ai cũng biết rằng Chính Chúa hoạt động ngang qua ta và, ta không thể nào làm được điều gì, mà lại không nhờ có Ngài.

Một khi ta sẵn sàng mở cửa lòng để Chúa hoạt động, thì đoán thử xem ta dựa vào khả năng nào để tin tưởng, ngoại trừ Chúa?

Cho nên, dù có rơi vào trường hợp nào đi nữa. Dù có tồi tệ như chuyện chính trị, có cãi vã và tranh giành gì đi nữa, xin cứ cảm tạ Chúa hết lòng. Cho đến cùng. Và, Chúa sẽ chúc lành cho mọi người. Giống như tôi.

Xem như thế, tình đời nơi chính trường, hay tình nhà Đạo ở chốn lao xao, rất ngộp thở, cũng là tình, ta nghe hát:

“Tình là tình, tìm nơi đâu cũng có.

Tình gặp rồi, nhiều lúc có như không.” (Trần Thiện Thanh – bđd)

Bởi lẽ:

“Rồi, tình chợt bừng lên như lửa nóng

rồi tình là một tiếng sét thinh không.” (Trần Thiện Thanh – bđd)

Tiếng sét đánh, không là tiếng sét ái tình. Thứ tình, từ đầu buổi mới biết yêu. Mà là, tiếng sấm sét của Đấng Tình Yêu, vẫn nhắc nhở ta đừng quên tình người. Dù có ở nơi tình trường, toàn chính trị. Chốn hư danh.

Trần Ngọc Mười Hai

cứ ái ngại mãi

về tình người ở đời

và tình đời ở người trong Đạo

có quá nhiều chính trị

hay tranh chấp.

Friday, 19 December 2008

Chuyện Phiếm Lễ Giáng Sinh 24.12.2008

“Cho anh xin số nhà,”

cùng cho anh xin biết tên đường và xin cho anh biết tên em luôn

(Trần Thiện Thanh – Cho anh xin số nhà)

(Yn 15: 13)

Lúc anh xin, có lẽ vào thập niên ’60. Vào lúc, mà cả nước đang rộn lên với tình hình chính trị/thời sự/văn hoá có thay đổi. Có sự hiện diện của người Mỹ, khắp thị thành. Lúc đó, là lúc bản thân bần đạo cũng thấy có cái gì đó nôn nao thúc đẩy, với những sinh hoạt văn hoá rất mới. Chừng như, bạn bè người thân khi ấy, đã có giòng chảy âm nhạc, chuyển từ suy tư thầm lặng sang qua ý lời/nhịp điệu nhanh nhanh, giựt giựt, rất Phương Tây. Và đó cũng là lúc, nhạc bản “Cho anh xin số nhà” đã nhanh chóng xuất hiện, rất dí dỏm. Rất linh tinh. Thân tình. Của người bạn.

Nhạc bản do ca sĩ Nhật Trường viết, đã có thêm vài đoạn vui tươi, ý nhị, như sau:

“ Cho anh biết tên đưòng

ngoại ô, hay con phố gần

để lòng anh cũng như mùa xuân, mới đến.

Em ơi, anh rất nghèo, tiền tiêu anh không có nhiều

Mà tình yêu, anh không bao giờ thiếu… (Trần Thiện Thanh – bđd)

Tiền tiêu không có nhiều, quả là một trần tình kha khá đúng. Đúng, vì lời ấy chẳng mảy may hàm ngụ một xin xỏ. Nhưng, vẫn cứ bảo: “tình yêu, anh không bao giờ thiếu!” Phải chăng, trần tình này cũng cần xét lại. Xét lại, để xem tình yêu anh đem đến, có là tình người nghệ sĩ. Hay vẫn là, “tình mình bây giờ” hoặc “tình chỉ đẹp khi còn dang dở…”, vv... và vv.. Hệt như thế, có thứ tình luôn kêu gọi mọi người vốn xuất phát từ thời đã lâu, luôn là chuyện có thật. Và là sự thật. Sự thật ấy như thế này:

“Không có tình nào

cao cả hơn tình thương

của người đã hy sinh mạng sống

vì bạn hữu của mình.”

(Yn 15: 13)

Vấn đề ở đây, chẳng phải là: ta nên so sánh thứ tình nào với tình nào. Tình nào hay, tình nào dở. Tình này hay hơn, hoặc kém hơn. Nhưng, nói chữ “tình” là nói về gì? Về, tình dục ư? Hay tình yêu, tình đời rất nhiều thứ?

Trước hết, ta cứ thử bàn về những tình có dục, có tình thân thương được đề cập rất lâu, nơi hiến chế mang tên “Humanae Vitae”, hồi Đức Phao-lô VI còn trị vì. Thử bàn ở đây, tức là: bà con ta chỉ nên giới hạn bàn và thảo trong khuôn khổ “nghe”, chứ không “nói”. Bởi, nói thì nhiều người cũng đã từng nói. Nói nhiều. Nói lâu. Và nói dài dài. Nhưng không bàn. Tốt hơn, nay ta vẫn nên nghe. Vâng, nghe có thể là ta nghe cũng khá nhiều. Nhưng, nay hãy nghe từ một đấng bậc không thuộc hệ cấp giáo triều, rất chính quy. Hoặc, cũng không phải là người chủ trương đưa ra một phán quyết, cho mọi người hiểu biết lẫn thực thi. Nay, cứ thử nghe giáo chức thần học có tên là Paulinus I Odozor, chuyên phụ trách môn luân lý; và ông cũng từng dạy bộ môn hội-thánh-học tại khoa thần, thuộc Đại Học Notre Dame, Indiana xứ Hoa kỳ. Nghe, cũng là điều hay. Nên làm lắm chứ nhỉ, hỡi bạn và tôi.

Vị giảng sư trên, đã hơn một lần từng nhận định:

“Đọc đi đọc lại nhiều lần hiến chế Humanae Vitae 40 năm sau, ngày được công bố, dưới nhãn quan của người chuyên chú về thần học xứ Châu Phi, tôi tin rằng Hiến Chế này càng làm gia tăng sự phong phú của công việc mà chúng ta đang làm chứng cho Chúa ở lục địa này ít nhất là về 5 phương diện: hôn nhân, tình phụ mẫu có trách nhiệm, đối xử với các nữ phụ và thiếu nữ, về HIA/SIDA, và nhất là về kiểm soát sinh đẻ.(Paulinus Ikechukwu Odozor, Healthy Vision for Africa, Tablet Special 26/07/08 tr. 25)

Với một thế giới khá chú trọng về tình dục/vật chất và chịu sự đe doạ từ nhiều phía, thì hôn nhân dứt khoát không phải “hậu quả của một rủi may” hoặc kết quả một tiến trình mù quáng từ mãnh lực tự nhiên, nhưng chính thực là thể chế rất tinh khôn, có được quan phòng của Chúa, Đấng kiến tạo mọi sự. Hôn nhân đây, không chỉ là thực thể ở thế trần, nhưng luôn nằm trong kế hoạch và ý định của Thiên Chúa. Ý định của Ngài, đã kết hợp nhiều lối sống và cách thế xử sự trong thế giới phàm trần. Nhưng, lại bác bỏ nhiều phương thức khác.

Với thế giới luôn xào xáo giữa những chuyện Đạo-đời, thì việc sống thực/sống đúng tinh thần mà Chúa dạy khuyên, vẫn không phải là “chuyện nhỏ”, rất dễ làm. Càng không là chuyện be bé, khi lời dạy của Chúa, xưa nay không chỉ phổ biến với thế giới văn minh có nhiều năm kinh nghiệm về chuyện phức hợp, có dục có tình. Nhưng, đã trải rộng ra với thế giới bình thường của các bậc hôn nhân chưa một lần biết đến văn minh tiên tiến của Âu Mỹ, rất hiến chế. Đa phần, đó là các nước châu Phi, châu Á còn rất nghèo. Thiếu nhận thức sâu sắc về phương pháp, cũng như phương tiện để sống có tình có dục. Chí ít, là ở các dân nước/sắc tộc vốn quen với thói tục đa thê.

Đa thê hay lắm bạn, nhiều khi chỉ là tiến trình của thế giới thân thương, trong đó có tình tự như:

“Anh sẽ đến thăm em dù nắng hay dù mưa

anh sẽ dắt em đi dạo phố em chịu chưa?

Rồi anh nói em nghe chuyện má ba ngày xưa

bằng vô số câu ca dao tình yêu thật dễ thương.” (Trần Thiện Thanh – bđd)

Với hiến chế Humanae Vitae, không đơn giản là như thế. Chí ít, là ngày hôm nay, thế giới quanh ta đã nhiễm nhập rất nhiều não trạng ngừa chống bào thai. Não trạng, tệ đến độ đưa con người về với thất trung, qua phối ngẫu. Dẫn đưa về với bầu khí, mà người nữ phụ vẫn bị xử ép như đồ vật của những vui chơi, đầy dục tính.

Quả là, thế giới hôm nay, đang có nguy cơ nghiêm trọng về đạo đức. Trên thế giới, nay xuất hiện ngày càng nhiều, các tệ trạng dâm thư, phim/truyện/hình ảnh đầy dâm dục. Tệ trạng phá thai vẫn luôn tràn bờ. Lại còn, tình trạng buôn bán phụ nữ làm thân nô lệ dưới nhiều hình thức, như: buôn cô dâu, xuất cảng lao động, người làm công/ở đợ, trên khắp hang cùng ngõ hẻm, không chỉ ở xứ Đài hoặc vùng cực lạnh, gọi tên nước Hàn. Chính vì thế, tác giả Paul Odozor, có đề nghị rất thực tế, như:

“Có hai điểm, cần mang trong đầu vào ngày ta mừng kỷ niệm 40 năm ngày ban hành hiến chế nói trên, thứ nhất là: việc lĩnh hội các văn bản quan trọng về thần học như hiến chế Humanae Vitae cần thực thi trong khuôn khổ đầy khiêm tốn. Dù, ở nhiều trường hợp, bản văn hiến chế có nhiều chỗ nhiều đoạn không làm ta hài lòng cho lắm. Phải tin tưởng mà coi đây như lời dạy đích thực mà Thánh Thần Chúa đang dẫn dắt Hội thánh biết cảm kích chấp nhận sự thật, mà có lẽ ngôn ngữ chuyển tải còn nghèo. Điểm cần nhấn mạnh ở đây, là: không nên vùi dập bác bỏ nhu cầu cần bình phẩm, cho dù đó có là bản văn của Giáo quyền. Và, vấn đề cần bàn, là: dù cần thiết phải có những phẩm bình như thế, vẫn không nên tấn kích vào lời lẽ của bản văn hoặc, vào uy quyền, nguồn gốc của văn bản ấy. Đó cũng là trường hợp từng xảy đến với hiến chế nói trên. Bởi như thế, sẽ có nguy cơ là ta dễ để mất sự thật sâu sắc mà bản văn nói trên từng dạy dỗ.

Điểm kế tiếp, là: cũng nên học các bài học lịch sử trong tiếp nhận hiến chế Humanae Vitae. Nghĩa là, ta nay đã thực sự có chân trong Hội thánh toàn cầu rồi, thì các thần học gia hay thành phần nào khác của Hội thánh không nên xử sự hoặc coi bản văn của Giáo quyền được gửi đến với toàn bộ Hội thánh, chỉ như tài sản tư riêng của Hội thánh. Nhưng, luôn để ý thích hợp với các ưu tư quan ngại và thị kiến của thực tại.

Suy tư thần học về các văn bản như thế không nên tìm cách áp đặt một thái độ tiêu cực đồng bộ đối với lời dạy/giáo huấn hoặc bản văn đang thành vấn đề. Thánh Thần Chúa không là đặc sản đặc quyền của các Giáo hội quyền thế/rất giàu hoặc của một vài nhà thần học có uy tín, gây ảnh hưởng.” (Paulinus Odozor, bđd)

Nói cho cùng, đụng đến thần học hoặc vản bản của giới có thẩm quyền, như Giáo quyền, tưởng cũng chưa bao giờ là chuyện nhỏ. Càng không là chuyện nho nhỏ, cho các bé em nhỏ bé, rất thấp cổ. Bé em có thấp cổ, bé họng vẫn có thể ca hát và kể truyện để minh hoạ. Minh và hoạ, để mọi người sẽ cảm thông và cảm kích với khó khăn của bậc cao/to, rất ở trên. Cho nên, hãy cứ vui đi mà đọc những truyện kể, khá vui như sau:

“ Một nữ phụ vốn rất ưu tư bức xúc về chuyện thai nghén, với sinh con, bèn quyết định đi tìm vị y sĩ khoa nhi, để vấn kế. Trong hỏi han vấn kế, chị nêu vấn đề như sau:

-Thưa bác sĩ, em hiện đang có vấn đề khá nặng. Hôm nay, chạy đến bác sĩ là để tìm lời khuyên nào thực tế, hầu thực thi. Thưa bác sĩ chuyện thì dài dòng lắm, nhưng tóm tắt là thế này: em đang có đứa con xinh xắn chưa đầy một tuổi, và bây giờ lại tấp tểnh có thai, được vài tháng. Thật tình, thì em chẳng muốn sanh thêm chút nào, cả con còn nhỏ mà cứ dồn dập thế này, chắc em chết.

-Tôi hiểu hoàn cảnh của chị. Nhưng, cứ cho biết tôi có thể giúp chị được gì chăng.

-Dạ cảm ơn bác sĩ, em chỉ muốn dứt điểm cái thai trong bụng. Em chán nó lắm rồi, bác sĩ ơi. Có cách gì, bác sĩ giúp em không?

Suy nghĩ cũng khá lâu, nhưng vị y sĩ nổi tiếng là hiền lành, chẳng nói chẳng rằng, đợi đến khi thân chủ mình hối thúc, mới đạp lại:

-Tôi đang nghĩ, giải pháp hay nhất và ít nguy hiểm hơn cả, cho cả bà mẹ lẫn thai nhi, vẫn là… là…

-Là gì hả bác sĩ? Em biết ngay là những người học rộng tài cao như bác sĩ, thế nào cũng nghĩ ra điều gì đó tốt đẹp mọi bề…

-Chị cũng thừa hiểu, cách hay nhất để không còn bận tâm đến con nhỏ, thì chỉ còn một cách là… Và như thế, chị sẽ có nhiều thì giờ rảnh rỗi hoặc nghỉ ngơi trước khi cháu thứ hai chào đời.

-Làm thế nào bây giờ, xin bác sĩ cứ cho biết, em sẽ nghe theo?

-Chỉ còn một cách là trừ khử đi một cháu, là xong ngay. Chẳng cần biết đứa nào nên giữ đứa nào, cần trừ khử. Nhưng, muốn cho mọi chuyện êm đẹp lại không làm gì hại đến cơ thể của mình đang có thai, thì chỉ có cách là trừ khử đứa bé chị đang ẵm bế.

-Không được đâu bác sĩ. Làm thế tội chết. Như thế là giết người. Tội này có chết cũng không được giải, cũng không ai tha.

Đúng thế. Tôi hoàn toàn đồng ý với chị. Nhưng xem ra, chị vẫn muốn bỏ đi một cháu. Nên, tôi nghĩ cách hay nhất và không có gì rắc rối cho cơ thể chị, là chọn đứa lớn, mà giết quách…là xong.

-Không! Nhất định là không. Em chẳng thể nào nghe lời xúi dại của bác sĩ đâu.

Vị y sĩ mỉm cười. Cuối cùng thì, người mẹ trẻ nay cũng biết, là: giết con trẻ dù là đứa đã lọt lòng hay còn nằm trong bụng mẹ, vẫn là hành động giết người. Không hơn không kém. Vẫn cùng tội phạm. Rất đáng sợ. Khác chăng chỉ là có sự hỗ trợ của luật pháp ngoài đời hay không, mà thôi.

Truyện kể ở trên, vẫn giống như sự thật thường xảy ra ở nhiều nơi. Cả bên tây , cũng như quê nhà. Tại bảo sanh viện hay nhà thương. Phòng mạch bác sĩ tư. Chừng như, người ta vẫn quên đi mất một bổn phận. Bổn phận ấy là: yêu thương và nhận lãnh. Chứ không phải, chỉ biết lánh nặng tìm nhẹ. Thích vui chơi. Sung sướng lấy một mình. Hơn là, kiện toàn trách nhiệm của tình thương yêu. Thứ tình, có hoa trái kết quả của hạnh phúc, lẫn yêu thương. Của, tình yêu chân chính. Đích thực. Hoà hợp. Thứ tình bắt đầu bằng câu thơ, bài hát của người nghệ sĩ rất thân quen, hồi trước:

“Cho anh xin số nhà, này cô em sinh xắn nét hiền hoà

Này cô em xinh, áo xanh em xinh

Cho anh xin số nhà, này cô em má xinh hồng hồng.

Này cô em xinh màu da rám nắng

Tuy xe anh chẳng đẹp đừng chê anh không bắt kịp

Nhiều chàng trai đang rong chơi trên đường phố” (Trần Thiện Thanh –bđd)

Chàng trai rong chơi ấy, vẫn thấy dẫy đầy ở khắp nơi. Có từ thời Đức Giáo Tông ban hành Hiến Chế Humanae Vitae. Có cả vào lúc lưỡng viện Tây Tầu bỏ phiếu ủng hộ việc ngừa/phá thai, có hợp pháp. Có cả ơn bên Tây lẫn bên ta. Bên Mỹ lẫn bên Tầu. Những bên, vẫn còn có các chàng trai rong chơi, hưởng thụ. Vô trách nhiệm. Cứ phủi tay. Khi đụng chuyện.

Trần Ngọc Mười Hai

Suy tư nhiều

Về hiến chế

Cuộc sống con người

Rất Humanae Vitae.

.

Saturday, 13 December 2008

“Không phải là lúc ta ngồi mà đặt vấn đề nữa rồi”

mà phải cùng nhau ta làm cho tươi mới

hàng chục năm qua, ta ngồi ngó nhau

nghi ngờ nhau, khích bác nhau

cho cay cho sâu, cho thật đau.”

(Nguyễn Đức Quang – Không Phải Là Lúc)

(GLHTCG # 948, 953/ Rm 6: 4)

Có bạn thân, thường hay viết điện thư hỏi thăm bần đạo, sao cứ thích trích dẫn nhạc bản của Nguyễn Đức Quang, nhiều như thế. Anh còn nói, đâu có gì thơ/văn nơi người nghệ sĩ du ca, rất sôi sục, nhạc tranh đấu. Theo thông lệ, khi được hỏi những câu xoáy vào tim gan như thế, bần đạo thường hay có thói quen không trả lời ngay vào vấn nạn. Mà chỉ, nhè nhẹ hát tiếp những nhạc thơ.

Nhạc thơ hôm nay, là bản du ca rất nổi tiếng với sinh hoạt nguồn sống, rất hăng say. Nhạc thơ say hăng đời sinh hoạt trên, đã đem đến cho bần đạo khí thế tâm tình của một thời, đầy nhung nhớ. Nhớ tháng ngày, say mê dựng lều tre phên vách ở Cam Lộ, Đồng Bò… vào một-chín-sáu-bẩy, sáu- tám. Những tháng ngày, chỉ lao động và lao động, không “ngồi đó nghi ngờ, khích bác, và ngó nhau.

Nói về chuyện ngồi đó, thì mới đây, bần đạo may mắn nhận được những lời lẽ thân thương từ một bạn vàng khác –nay đã đấng bậc Bề Trên, rất Huế mình. Anh vẫn “cứ thế… mà Cứu Thế”, ở miệt Huế. Lời lẽ hôm ấy, anh còn kèm theo bằng những ảnh hình có-bên-nhau trong tư thế đứng ngồi xen kẽ, giữa thân tăng nhà Phật, lật đật mấy ông thầy Dòng. Ảnh, là ảnh kỷ niệm về một giao tế có tình thân thày chùa ở chốn Cây Số 3 - Đa Thành, Đà lạt.

Ảnh năm ấy, cũng chẳng nói lên được điều gì thật ghê và gớm, ngoài những tình tự chung sống rất ư hoà bình của những người anh em tuy khác đạo, khác niềm tin, nhưng cùng tâm tình. Khác phong cách. Khác cả lý tưởng để sống. Và, bạn bè lúc ấy, người tăng ni đại đức, Khất Sĩ. Kẻ, chân nâng, mới chỉ là thày Dòng rắp ranh, nơi học viện. Cũng áo đen, cũng cổ trắng. Rất thong dong.

Vì thong dong, những học hành và học sống, nên bần đạo rất thích chí khi nghe lại lời nhạc:

“Làm việc đi không lo khen chê

làm việc đi hãy say và mê

cứ bắt tay từ từ chúng ta giải quyết… (Nguyễn Đức Quang – bđd)

Thú thật, khi ấy bầu bạn của bần đạo cũng đã “làm-việc-không lo-khen-chê dữ ghê lắm. Làm cả trí óc, làm luôn chân tay. Cũng vì làm dữ lắm, nên “bạn bè bần đạo” vẫn đón nhận được các giòng chảy, từ nhiều phía. Cả từ những phía lạ lùng mới quen. Cả từ phía chính mạch, như Kinh Sách. Những Kinh và Sách phản ánh căn bản niềm tin, có những lời lẽ rất đáng kính như trong một tuyên ngôn của đức tin, mà nhà Đạo ta vẫn gọi là kinh “Tin Kính”. Trong kinh Tin, có câu/đoạn nói rất rõ: “Tôi tin có Hội thánh thông công”. Nói nôm na, tức là: tin vào “sự hiệp thông của các thánh”.

Hiệp thông các thánh, có thể hiểu theo hai nghĩa: một, là hiệp thông anh em giữa các đấng bậc hiển thánh. Đây, là lối hiểu biết thông thường, rất từng chữ. Thế nhưng, lời Kinh rất thánh ở trên, có thể được hiểu, là: qui chiếu về một hiệp thông giữa những sự việc thánh thiện. Và đây, là điều được ghi rõ trong Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, như sau:

“Cụm từ “Các thánh thông công” có hai nghĩa chữ nối kết nhau thật chặt chẽ: một là hiệp thông ‘nơi các sự vật thánh thiêng’ và thông hiệp ‘giữa các đấng thánh’ (sđd, đoạn #948).

Diễn nghĩa xong, Sách Giáo Lý còn ghi chép các lời lẽ đã gặp trong một số nghi tiết phụng vụ ở Giáo hội Đông Phương. Tức, Giáo hội có liên quan đến phẩm vật thánh thiêng được tặng ban cho mọi người, là Mình Thánh Chúa gửi đến với các thánh đang lên nhận.

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo còn ghi: “Việc tuyên tín vào quà tặng rất thánh Chúa ban cho các vi hiển thánh” được các linh mục chủ tể theo nghi thức Đông Phương khi các vị này giơ cao Bánh thánh cho mọi người thấy, trước khi ban phát bánh thánh, cho họ. Giáo dân, là những người được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Thánh của Đức Kitô, để được lớn lên trong sự hiệp thông với Đức Chúa Thánh Thần và chuyển đến với thế giới.” (sđd #948)

Sự hiệp thông giữa các thánh, là hiệp thông nơi bí tích. Sách Giáo Lý do Công đồng Triđentinô ban hành vào năm 1566, đã có lời giải thích rằng các phép Bí tích, đặc biệt là Bí Tích Thanh Tẩy và Bí Tích Thánh Thể, là sự nối kết thánh thiêng kết hợp các kẻ tin vào với nhau. Và, với Đức Chúa.

Cũng nên thông cảm về các đoạn trích dẫn ở trên, rút từ Sách Giáo Lý, là có ý muốn nói rằng: “hiệp thông các thánh” (mà người xưa có thói quen gọi là “các thánh thông công”) chính là “sự kết hiệp” với các đấng thánh, còn sống hoặc đã qua đời. Xem thế, thì “hiệp thông các thánh” không chỉ giới hạn cho những ai đang còn sống, ở thế trần mà thôi. Nhưng, còn là nối kết mọi người trong ta, để ta kết hiệp cả với các vị đã ra đi trước ta, nữa.

Trước khi chết, thánh Đa Minh có nói với những người anh em lành thánh cùng Dòng, đang quây quần chung quanh ngài, để trấn an rằng: tình thương yêu ràng buộc mọi người, vẫn còn kéo dài cả sau khi ta chết. Và, thánh nhân xác nhận, là: ngài sẽ ra tay giúp đỡ/hộ phù cho mọi người, khi thánh nhân đạt quê Trời.

Cũng trong tầm nhìn như thế, ta nhận ra thêm được chỗ đứng đặc biệt của Đức Mẹ trong “hiệp thông các thánh”. Cụ thể là, năm 1974, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã có tông thư nói rõ về sự hiệp thông giữa Đức Mẹ và con cái Mẹ, trong vui buồn. Mẹ sẽ nguyện cầu phù trợ cho tất cả chúng ta, đặc biệt những người đang có khó khăn. Và, đau khổ. Khi ấy, Mẹ sẽ thông chuyển ân huệ lành thánh là sự bình an thân thương đến với các con của Mẹ, khi đau buồn. (x. thông điệp Marialis Cultus, #57)

Về với tín điều “Hiệp thông các thánh”, (hoặc “các thánh thông công”) được ghi lại trong Kinh Tin Kính, các thánh cũng nói đến ơn tha thứ mọi tội lỗi. Kinh Tin Kính, là kinh do Công Đồng Chung Constantinople sáng tác và ban hành cho mọi con dân nhà Đạo được sử dụng trong thánh lễ ngày Chúa Nhật. Thật sự, lời kinh đã nối kết việc “tha thứ mọi lỗi lầm” ta mắc phạm với bí tích thanh tẩy, nữa (x Rm 6: 4; và GLHTCG #977).

Đọc kinh, trong tinh thần hiệp thông với các thánh, ta lại nhớ đến lời của Chúa, như sau:

“Anh em được hiệp thông

những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu,

anh em hãy vui mừng bấy nhiêu,

để khi vinh quang Người tỏ hiện,

anh em cùng được vui mừng hoan hỷ.”

(1P 4: 13)

Và, ở đoạn Kinh Sách khác, cũng nói rõ:

“Nhờ vinh quang và sức mạnh,

Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta

những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa,

để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa,

sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian.”

(2P 1: 4)

Xem thế thì, hiệp thông với các thánh là thông phần với bản tính Thiên Chúa, để được cứu thoát. Được cứu thoát, là được thứ tha mọi sơ hở, lỗi phạm ta đã mắc phải. Đây chính là điều mà sách giáo Lý Hội Thánh từng khẳng định, như sau:

“Không có lỗi phạm nào, dù nghiêm trọng cách mấy, mà Hội thánh lại không thể thứ tha. Không một ai, dù tội lỗi cách mấy đi nữa, mà lại không nắm chắc phần hy vọng được Chúa tha thứ, miễn là họ thật lòng biết sám hối. Chúa Kitô, Ngài đã chết cho mọi người, thì Ngài cũng mong ước rằng trong Hội thánh của Ngài, mọi cánh cửa của tha thứ vẫn luôn mở ra cho hết mọi người, từng quay lưng lại với tội lỗi, mình mắc phạm.” (x. GLHTCG #982).

Và một khi, bầu bạn lẫn anh em mình đã như người nghệ sĩ từng đề nghị “hãy cùng nhau ta làm cho tươi mới”. Tươi mới cuộc đời. Tươi mới tình hiệp thông, thì cứ vui vẻ mà hát thêm”

“Không phải là lúc ta ngồi mà cãi suông

Không tin nơi nhau thế ta định nhờ ai dẫn đầu

Thế giới ngày nay không còn ma quái

Thần tượng tàn rồi, còn anh với tôi

chúng ta đi tới bằng cái tầm thường thôi.” (Nguyễn Đức Quang – bđd)

Cứ ca, cứ hát cho tươi đời. Một đời có những thứ tha, mà không cãi. Những cãi suông. Một đời, thấy “thần tượng đã tàn, chỉ còn anh với tôi”. Anh với tôi, ta ngồi, mà chung sống. Sống thoải mái. Ngồi, kể cho nhau nghe câu chuyện đời. Chuyện của người và của mình. Kể cho mình, như sau:

“Cách đây ít lâu, ông bố nọ quyết rầy mắng sửa phạt cô con gái mới lên 6, đã biết phung phí tiền bạc, chẳng để tâm. Nhắc nhở nhiều lần, mà cô bé cứ vào phòng làm việc của bố, thấy có cuộn giấy kim tuyến đắt tiền, óng ánh những vàng là vàng,để gói quà.

Ông gọi con lại, bảo cho biết thời buổi gạo châu củi quế, không nên phung phí lấy giấy gói đắt tiền của bố, chỉ để gói những hộp, những thứ thật vớ vẩn, chẳng giá trị. Ông bố còn giận hơn, khi cô con gái đã không biết nghe lời ông thì chớ, lại cứ lấy giấy đẹp ra, mà gói cái hộp bằng bìa các-tông đã vuông vức, đầy hoa hoè hoa sói, rồi đặt dưới cây Noẽl.

Sáng hôm sau, mới vừa thức giấc, ông bố đã thấy cô con gái ngoắc ông lại, thầm thì đôi câu nói:

-Bố! Bố lại đây con nói, này nghe. Con biếu bố món quà này đó.

-Sao chưa đến lễ đến lạy mà con đã tặng quà, làm gì sớm vậy con?

-Quà này, con riêng tặng bố đấy. Quà vượt thời gian, không kể ngày kể tháng.

-Cảm ơn con. Bố vốn rất thích quà….

Mở quà ra xem ngay lúc được tặng, là thói quen ông vẫn làm. Lần này thấy lạ, ông gọi giật con gái lại, vừa nói vừa la mắng:

-Con à! Bình thường người ta tặng quà cho ai, bao giờ cũng phải biết chắc có gì quý báu ở trong đó mới đi tặng, chứ sao con lại tặng bố cái hộp không chẳng có gì cả?

Cô bé nghe vậy, nhìn bố trong phút chốc, bỗng tự nhiên 2 giọt nước mắt lăn ròng xuống đôi má vẫn ửng hồng. Rồi, bé nói:

-Hộp quà con tặng đâu có trông trơn, đâu bố! Con đã thổi vào đó nhiều nụ hôn con trân trọng, nay rất đầy!

Nghe con gái nói có lý, ông bố vội vàng quỳ xuống đỡ lấy con gái, ôm chặt vào lòng, vừa khóc vừa xin lỗi người con yêu. Ông hối hận, vì đã quá bốc, đến tức giận. Ít lâu sau, có bé gái bị tai nạn xe, chết bất đắc kỳ tử. Cô không kịp giã từ người cha, hay nổi cáu. Hơi hà tiện.

Từ ngày con gái ra đi quá đột ngột, người cha đã sực tỉnh, quyết đem hộp quà rỗng đặt ở đầu giường, để nhớ đời. Nhớ rằng, trong giao tiếp với vợ, với con, hay bạn bè/người dưng, cả vào lúc khó khăn, căng thẳng dễ gắt gỏng, hãy nhớ mở hộp quà rỗng ra, mà đón nhận. Đón nhận, những nụ hôn nồng thắm, mà người thân hay các con mình đổ đầy, trong đó. Đổ đầy, là đổ toàn tình thương yêu đắt giá, mà cô con gái bé bỏng, đã trân trọng.

Truyện kể, gọn nhẹ chỉ có thế. Và, người kể hôm nay muốn đính kèm thêm một đề nghị. Đề nghị, khi hiệp thông các thánh, dù vị này còn sống hay đã khuất, hãy luôn ghi nhớ và trân trọng những ý hướng tốt lành, của người khác. Ý hướng ấy, có thể vì một lý do nào đó, như bẽn lẽn không quen làm. Có thể, chỉ là giây phút quý báu, ta chợt có. Những nụ hôn thân thương/nồng thắm, ta không ngờ. Nhưng vẫn có. Có đó, như món quà tặng riêng tây. Ân cần. Trìu mến.

Trần Ngọc Mười Hai

Đôi lúc vẫn muốn nhủ mình

và nhắn bạn

nhè nhẹ những điều như thế.

Dù khó nhắn và nhủ.