Saturday, 13 December 2008

“Không phải là lúc ta ngồi mà đặt vấn đề nữa rồi”

mà phải cùng nhau ta làm cho tươi mới

hàng chục năm qua, ta ngồi ngó nhau

nghi ngờ nhau, khích bác nhau

cho cay cho sâu, cho thật đau.”

(Nguyễn Đức Quang – Không Phải Là Lúc)

(GLHTCG # 948, 953/ Rm 6: 4)

Có bạn thân, thường hay viết điện thư hỏi thăm bần đạo, sao cứ thích trích dẫn nhạc bản của Nguyễn Đức Quang, nhiều như thế. Anh còn nói, đâu có gì thơ/văn nơi người nghệ sĩ du ca, rất sôi sục, nhạc tranh đấu. Theo thông lệ, khi được hỏi những câu xoáy vào tim gan như thế, bần đạo thường hay có thói quen không trả lời ngay vào vấn nạn. Mà chỉ, nhè nhẹ hát tiếp những nhạc thơ.

Nhạc thơ hôm nay, là bản du ca rất nổi tiếng với sinh hoạt nguồn sống, rất hăng say. Nhạc thơ say hăng đời sinh hoạt trên, đã đem đến cho bần đạo khí thế tâm tình của một thời, đầy nhung nhớ. Nhớ tháng ngày, say mê dựng lều tre phên vách ở Cam Lộ, Đồng Bò… vào một-chín-sáu-bẩy, sáu- tám. Những tháng ngày, chỉ lao động và lao động, không “ngồi đó nghi ngờ, khích bác, và ngó nhau.

Nói về chuyện ngồi đó, thì mới đây, bần đạo may mắn nhận được những lời lẽ thân thương từ một bạn vàng khác –nay đã đấng bậc Bề Trên, rất Huế mình. Anh vẫn “cứ thế… mà Cứu Thế”, ở miệt Huế. Lời lẽ hôm ấy, anh còn kèm theo bằng những ảnh hình có-bên-nhau trong tư thế đứng ngồi xen kẽ, giữa thân tăng nhà Phật, lật đật mấy ông thầy Dòng. Ảnh, là ảnh kỷ niệm về một giao tế có tình thân thày chùa ở chốn Cây Số 3 - Đa Thành, Đà lạt.

Ảnh năm ấy, cũng chẳng nói lên được điều gì thật ghê và gớm, ngoài những tình tự chung sống rất ư hoà bình của những người anh em tuy khác đạo, khác niềm tin, nhưng cùng tâm tình. Khác phong cách. Khác cả lý tưởng để sống. Và, bạn bè lúc ấy, người tăng ni đại đức, Khất Sĩ. Kẻ, chân nâng, mới chỉ là thày Dòng rắp ranh, nơi học viện. Cũng áo đen, cũng cổ trắng. Rất thong dong.

Vì thong dong, những học hành và học sống, nên bần đạo rất thích chí khi nghe lại lời nhạc:

“Làm việc đi không lo khen chê

làm việc đi hãy say và mê

cứ bắt tay từ từ chúng ta giải quyết… (Nguyễn Đức Quang – bđd)

Thú thật, khi ấy bầu bạn của bần đạo cũng đã “làm-việc-không lo-khen-chê dữ ghê lắm. Làm cả trí óc, làm luôn chân tay. Cũng vì làm dữ lắm, nên “bạn bè bần đạo” vẫn đón nhận được các giòng chảy, từ nhiều phía. Cả từ những phía lạ lùng mới quen. Cả từ phía chính mạch, như Kinh Sách. Những Kinh và Sách phản ánh căn bản niềm tin, có những lời lẽ rất đáng kính như trong một tuyên ngôn của đức tin, mà nhà Đạo ta vẫn gọi là kinh “Tin Kính”. Trong kinh Tin, có câu/đoạn nói rất rõ: “Tôi tin có Hội thánh thông công”. Nói nôm na, tức là: tin vào “sự hiệp thông của các thánh”.

Hiệp thông các thánh, có thể hiểu theo hai nghĩa: một, là hiệp thông anh em giữa các đấng bậc hiển thánh. Đây, là lối hiểu biết thông thường, rất từng chữ. Thế nhưng, lời Kinh rất thánh ở trên, có thể được hiểu, là: qui chiếu về một hiệp thông giữa những sự việc thánh thiện. Và đây, là điều được ghi rõ trong Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, như sau:

“Cụm từ “Các thánh thông công” có hai nghĩa chữ nối kết nhau thật chặt chẽ: một là hiệp thông ‘nơi các sự vật thánh thiêng’ và thông hiệp ‘giữa các đấng thánh’ (sđd, đoạn #948).

Diễn nghĩa xong, Sách Giáo Lý còn ghi chép các lời lẽ đã gặp trong một số nghi tiết phụng vụ ở Giáo hội Đông Phương. Tức, Giáo hội có liên quan đến phẩm vật thánh thiêng được tặng ban cho mọi người, là Mình Thánh Chúa gửi đến với các thánh đang lên nhận.

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo còn ghi: “Việc tuyên tín vào quà tặng rất thánh Chúa ban cho các vi hiển thánh” được các linh mục chủ tể theo nghi thức Đông Phương khi các vị này giơ cao Bánh thánh cho mọi người thấy, trước khi ban phát bánh thánh, cho họ. Giáo dân, là những người được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Thánh của Đức Kitô, để được lớn lên trong sự hiệp thông với Đức Chúa Thánh Thần và chuyển đến với thế giới.” (sđd #948)

Sự hiệp thông giữa các thánh, là hiệp thông nơi bí tích. Sách Giáo Lý do Công đồng Triđentinô ban hành vào năm 1566, đã có lời giải thích rằng các phép Bí tích, đặc biệt là Bí Tích Thanh Tẩy và Bí Tích Thánh Thể, là sự nối kết thánh thiêng kết hợp các kẻ tin vào với nhau. Và, với Đức Chúa.

Cũng nên thông cảm về các đoạn trích dẫn ở trên, rút từ Sách Giáo Lý, là có ý muốn nói rằng: “hiệp thông các thánh” (mà người xưa có thói quen gọi là “các thánh thông công”) chính là “sự kết hiệp” với các đấng thánh, còn sống hoặc đã qua đời. Xem thế, thì “hiệp thông các thánh” không chỉ giới hạn cho những ai đang còn sống, ở thế trần mà thôi. Nhưng, còn là nối kết mọi người trong ta, để ta kết hiệp cả với các vị đã ra đi trước ta, nữa.

Trước khi chết, thánh Đa Minh có nói với những người anh em lành thánh cùng Dòng, đang quây quần chung quanh ngài, để trấn an rằng: tình thương yêu ràng buộc mọi người, vẫn còn kéo dài cả sau khi ta chết. Và, thánh nhân xác nhận, là: ngài sẽ ra tay giúp đỡ/hộ phù cho mọi người, khi thánh nhân đạt quê Trời.

Cũng trong tầm nhìn như thế, ta nhận ra thêm được chỗ đứng đặc biệt của Đức Mẹ trong “hiệp thông các thánh”. Cụ thể là, năm 1974, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã có tông thư nói rõ về sự hiệp thông giữa Đức Mẹ và con cái Mẹ, trong vui buồn. Mẹ sẽ nguyện cầu phù trợ cho tất cả chúng ta, đặc biệt những người đang có khó khăn. Và, đau khổ. Khi ấy, Mẹ sẽ thông chuyển ân huệ lành thánh là sự bình an thân thương đến với các con của Mẹ, khi đau buồn. (x. thông điệp Marialis Cultus, #57)

Về với tín điều “Hiệp thông các thánh”, (hoặc “các thánh thông công”) được ghi lại trong Kinh Tin Kính, các thánh cũng nói đến ơn tha thứ mọi tội lỗi. Kinh Tin Kính, là kinh do Công Đồng Chung Constantinople sáng tác và ban hành cho mọi con dân nhà Đạo được sử dụng trong thánh lễ ngày Chúa Nhật. Thật sự, lời kinh đã nối kết việc “tha thứ mọi lỗi lầm” ta mắc phạm với bí tích thanh tẩy, nữa (x Rm 6: 4; và GLHTCG #977).

Đọc kinh, trong tinh thần hiệp thông với các thánh, ta lại nhớ đến lời của Chúa, như sau:

“Anh em được hiệp thông

những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu,

anh em hãy vui mừng bấy nhiêu,

để khi vinh quang Người tỏ hiện,

anh em cùng được vui mừng hoan hỷ.”

(1P 4: 13)

Và, ở đoạn Kinh Sách khác, cũng nói rõ:

“Nhờ vinh quang và sức mạnh,

Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta

những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa,

để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa,

sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian.”

(2P 1: 4)

Xem thế thì, hiệp thông với các thánh là thông phần với bản tính Thiên Chúa, để được cứu thoát. Được cứu thoát, là được thứ tha mọi sơ hở, lỗi phạm ta đã mắc phải. Đây chính là điều mà sách giáo Lý Hội Thánh từng khẳng định, như sau:

“Không có lỗi phạm nào, dù nghiêm trọng cách mấy, mà Hội thánh lại không thể thứ tha. Không một ai, dù tội lỗi cách mấy đi nữa, mà lại không nắm chắc phần hy vọng được Chúa tha thứ, miễn là họ thật lòng biết sám hối. Chúa Kitô, Ngài đã chết cho mọi người, thì Ngài cũng mong ước rằng trong Hội thánh của Ngài, mọi cánh cửa của tha thứ vẫn luôn mở ra cho hết mọi người, từng quay lưng lại với tội lỗi, mình mắc phạm.” (x. GLHTCG #982).

Và một khi, bầu bạn lẫn anh em mình đã như người nghệ sĩ từng đề nghị “hãy cùng nhau ta làm cho tươi mới”. Tươi mới cuộc đời. Tươi mới tình hiệp thông, thì cứ vui vẻ mà hát thêm”

“Không phải là lúc ta ngồi mà cãi suông

Không tin nơi nhau thế ta định nhờ ai dẫn đầu

Thế giới ngày nay không còn ma quái

Thần tượng tàn rồi, còn anh với tôi

chúng ta đi tới bằng cái tầm thường thôi.” (Nguyễn Đức Quang – bđd)

Cứ ca, cứ hát cho tươi đời. Một đời có những thứ tha, mà không cãi. Những cãi suông. Một đời, thấy “thần tượng đã tàn, chỉ còn anh với tôi”. Anh với tôi, ta ngồi, mà chung sống. Sống thoải mái. Ngồi, kể cho nhau nghe câu chuyện đời. Chuyện của người và của mình. Kể cho mình, như sau:

“Cách đây ít lâu, ông bố nọ quyết rầy mắng sửa phạt cô con gái mới lên 6, đã biết phung phí tiền bạc, chẳng để tâm. Nhắc nhở nhiều lần, mà cô bé cứ vào phòng làm việc của bố, thấy có cuộn giấy kim tuyến đắt tiền, óng ánh những vàng là vàng,để gói quà.

Ông gọi con lại, bảo cho biết thời buổi gạo châu củi quế, không nên phung phí lấy giấy gói đắt tiền của bố, chỉ để gói những hộp, những thứ thật vớ vẩn, chẳng giá trị. Ông bố còn giận hơn, khi cô con gái đã không biết nghe lời ông thì chớ, lại cứ lấy giấy đẹp ra, mà gói cái hộp bằng bìa các-tông đã vuông vức, đầy hoa hoè hoa sói, rồi đặt dưới cây Noẽl.

Sáng hôm sau, mới vừa thức giấc, ông bố đã thấy cô con gái ngoắc ông lại, thầm thì đôi câu nói:

-Bố! Bố lại đây con nói, này nghe. Con biếu bố món quà này đó.

-Sao chưa đến lễ đến lạy mà con đã tặng quà, làm gì sớm vậy con?

-Quà này, con riêng tặng bố đấy. Quà vượt thời gian, không kể ngày kể tháng.

-Cảm ơn con. Bố vốn rất thích quà….

Mở quà ra xem ngay lúc được tặng, là thói quen ông vẫn làm. Lần này thấy lạ, ông gọi giật con gái lại, vừa nói vừa la mắng:

-Con à! Bình thường người ta tặng quà cho ai, bao giờ cũng phải biết chắc có gì quý báu ở trong đó mới đi tặng, chứ sao con lại tặng bố cái hộp không chẳng có gì cả?

Cô bé nghe vậy, nhìn bố trong phút chốc, bỗng tự nhiên 2 giọt nước mắt lăn ròng xuống đôi má vẫn ửng hồng. Rồi, bé nói:

-Hộp quà con tặng đâu có trông trơn, đâu bố! Con đã thổi vào đó nhiều nụ hôn con trân trọng, nay rất đầy!

Nghe con gái nói có lý, ông bố vội vàng quỳ xuống đỡ lấy con gái, ôm chặt vào lòng, vừa khóc vừa xin lỗi người con yêu. Ông hối hận, vì đã quá bốc, đến tức giận. Ít lâu sau, có bé gái bị tai nạn xe, chết bất đắc kỳ tử. Cô không kịp giã từ người cha, hay nổi cáu. Hơi hà tiện.

Từ ngày con gái ra đi quá đột ngột, người cha đã sực tỉnh, quyết đem hộp quà rỗng đặt ở đầu giường, để nhớ đời. Nhớ rằng, trong giao tiếp với vợ, với con, hay bạn bè/người dưng, cả vào lúc khó khăn, căng thẳng dễ gắt gỏng, hãy nhớ mở hộp quà rỗng ra, mà đón nhận. Đón nhận, những nụ hôn nồng thắm, mà người thân hay các con mình đổ đầy, trong đó. Đổ đầy, là đổ toàn tình thương yêu đắt giá, mà cô con gái bé bỏng, đã trân trọng.

Truyện kể, gọn nhẹ chỉ có thế. Và, người kể hôm nay muốn đính kèm thêm một đề nghị. Đề nghị, khi hiệp thông các thánh, dù vị này còn sống hay đã khuất, hãy luôn ghi nhớ và trân trọng những ý hướng tốt lành, của người khác. Ý hướng ấy, có thể vì một lý do nào đó, như bẽn lẽn không quen làm. Có thể, chỉ là giây phút quý báu, ta chợt có. Những nụ hôn thân thương/nồng thắm, ta không ngờ. Nhưng vẫn có. Có đó, như món quà tặng riêng tây. Ân cần. Trìu mến.

Trần Ngọc Mười Hai

Đôi lúc vẫn muốn nhủ mình

và nhắn bạn

nhè nhẹ những điều như thế.

Dù khó nhắn và nhủ.

No comments: