Friday, 31 October 2014

Một hôm bước chân về giữa chợ,



Chuyện Phiếm đọc trong tuần 32 Mùa thường niên năm A 09-11-2014

Một hôm bước chân về giữa chợ,
Chợt thấy vui như trẻ thơ. Đời ta có khi là đóm lửa,
Một hôm nhóm trong vườn khuya.
Vườn khuya đóa hoa nào mới nở, đời ta có ai vừa qua.”
(Trịnh Công Sơn – Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ)

(2Cor 1: 12 )

            Kìa, này bạn gần/xa. Bạn hát, sao nhiều thế? Nhiều thế, tức: cứ về đêm, là thấy thác đổ sao? Cứ về phố chợ, là thấy vui đời trẻ thơ sao? Lời bạn hát, có lẽ chưa thuyết phục mọi người, nhiều cho lắm. Nay đề nghị, bạn hãy hát thêm câu tiếp để xem sự việc ra sao, dẫu có thế nào! Câu ấy như sau: 

            “Một đêm bước chân về gác nhỏ,
chợt nhớ đóa hoa Tường Vi.
Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ,
giờ đây đã quên vườn xưa.
Một hôm bước qua thành phố lạ,
thành phố đã đi ngủ trưa.
Đời ta có khi tựa lá cỏ,
Ngồi hát ca rất tự do.
Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà,
Từ những phố xưa tôi về.
Ngày xuân bước chân người rất nhẹ,
Mùa xuân đã qua bao giờ”.
(Trịnh Công Sơn – bđd)

Thơ/nhạc bạn hát, cũng thơ mộng thật không ít. Tuy nhiên, dù bạn hát nhiều như thế nhưng nói năng lại rất ít. Thôi thì, chi bằng ta cứ ngồi đó nghe bầy tôi đây kể chuyện nhà Đạo, sẽ vui hơn. Vui, vì biết chuyện vừa xảy ra ở Thượng Hội Đồng Giám Mục Rôma, cũng từa tựa như chuyện trong làng/ngoài xã, ta đoán kết-cuộc ngay trước đó, rồi. Bởi, nhà Đạo của có tên tục gọi là “Vũ như Cẩn” (tức Vẫn Như Cũ) hoặc Nguyễn Y Vân (tức Vẫn Y Nguyên) mà.
Nhưng, trước khi xem sự thể ra sao ở nhà Đạo, bầy tôi chợt có ý-định đề-nghị bạn là: ta cứ nghe thử bọn trẻ kể chuyện tiếu lâm nhạt/chay, cũng hay hay:

“Truyện rằng:
Có hai bé em, xem chương-trình hỏi/đáp trên truyền-hình, lại cứ bảo:
-Khó quá mày nhỉ! Năm ngoái, chị tao biết trước đề thi cả 30 phút, thế mà vẫn rớt đấy!
-Vậy sao? Như thế, vẫn chưa bằng bà cô tao từng biết trước đề thi cả hai tháng, mà vẫn ra rìa, ngoài hạng!
-Ủa! Cô mày thi gì mà khó đậu thế?
-Thi Hoa Hậu ấy mà.
-Thi Hoa hậu mà khó thế sao?
-Đúng. Thường thì không, nhưng đằng này lại thi Hoa Hậu Phu Nhân, mới chết chứ!”
(Trích tiếu-lâm trên mạng, đọc cho qua).

Vâng. Truyện tiếu-lâm mà đọc trên mạng, thì đương nhiên chỉ cho qua dăm ba phút phù-du, chứ nào có là sự thật đâu mà để ý! Đằng này, chuyện nhà Đạo tuy nghiêm-trang/nghiêm-túc thấy vui. Vui, là bởi: nhà Đạo thường hay kể lể về các buổi họp-hành/bàn-luận rất cao-siêu nhiệm mầu nhà thờ, nhà thánh cũng nghiêm-trang như sau:

Tại Thượng Hội Đồng  vừa qua, cặp vợ chồng người Úc là ông Ron và bà Marvis Pirola nói rằng: “gia đình phải đối mặt với sự căng-thẳng trong việc bảo-tồn chân-lý đức tin trong khi vẫn phải thể-hiện lòng từ-bi và thương xót”. Họ kể lại việc bạn bè họ phải làm thế nào khi người con đồng tính của mình muốn đem bạn tình về nhà, dịp Giáng sinh: “Nó là con của con mà!”…

Vợ chồng này giải thích: “Dần dần chúng con nghiệm thấy có mối liên-hệ đặc-biệt giữa bí-tích hôn-nhân của chúng con là do Đức Kitô thiết-lập có liên-hệ trong đời sống tính-dục. Hôn-nhân là bí-tích diễn-tả trọn vẹn trong quan hệ tính dục.” “Chúng con tin rằng chỉ khi nào vợ chồng kính-trọng việc hợp-nhất trong tính-dục như phần quan-yếu của đời sống tâm-linh, thì họ mới hiểu rõ được giá-trị cao đẹp của giáo-lý hôn-nhân vốn được trình-bày trong Tông Huấn Humanae Vitae. Chúng con cần các phương-pháp mới và ngôn-ngữ dễ hiểu để chạm tới trái tim của mọi người…” 

…Về điều này, ông Ron và bà Marvis đã giải thích thêm: “Mô-hình truyền-giáo cho các giáo xứ phải có khả-năng trả-lời các tình-huống tương-tự!” “Nhiệm-vụ và mục-đích chính của Giáo-huấn có từ Giáo-Hội là cho thế giới biết về tình-yêu của Thiên-Chúa.” 

Cặp vợ chồng người Úc này còn kể lại kinh-nghiệm thực-tế khác: “Một người bạn của chúng con đã ly-dị, có nói rằng: đôi khi cô ấy cảm thấy mình không hoàn-toàn được đón-nhận trong giáo xứ mình ở. Tuy vậy, cô vẫn tham-dự thánh-lễ thường-xuyên và vẫn giáo-dục con cái rất tốt. Đối lại, giáo-xứ lại không có thiện cảm gì với cô và việc cô ly dị là một chướng tai/gai mắt đối với họ. Từ những người như cô, chúng con ngộ ra rằng: tất cả chúng con vẫn còn nhiều khiếm-khuyết trong cuộc sống. Nhận ra được khiếm khuyết, chúng con sẽ bớt đi việc phán-xét người khác. Bởi, phán xét làm cản-trở việc loan-báo Tin Mừng.” (Hoàng Minh tường trình về Thượng Hội Đồng Giám Mục Rôma tháng 10/2014 trên www.chuacuuthe.com 07/10/2014)

Kể ra, thì cũng tội. Đường đường là vợ chồng, thì ông bà Ron và Marvis Piola vẫn là cặp phối-ngẫu lý-tưởng sống đạo-hạnh, đại-diện cho Giáo-hội ở Úc “đem chuông đi đánh xứ người”. Kết cuộc, cũng  không có quyền “bỏ” phiếu, tức: chỉ gióng tiếng chuông lạ, nghe đã khó.
Kể ra, lại cũng vui. Đường đường, là nhà Đạo Công giáo, lâu lâu tổ-chức một “Thượng Hội Đồng” tốn kém khá nhiều để bàn “chuyện” của các gia-đình Công-giáo khắp nơi, có cả chuyện nghe được và được nghe, giống như chuyện của ông Vũ Như Cẫn, cũng công phu nhưng khó thành.
Kể ra, thì những chuyện xảy đến trước/sau ngày “Thượng Hội Đồng” kết thúc, có nhà báo/nhà văn và cũng là nhà đạo kia/nọ lại nhấn-mạnh đôi điều qua giòng trích-dẫn rất như sau:

Kết thúc Thượng Hội Đồng ngoại-thường về những thách đố mục-vụ gia-đình, mà không che giấu gì những khó khăn được trải qua trong suốt hai tuần tranh-luận vừa qua, Đức Phanxicô đã rút ra một bản tổng-kết tích-cực về kinh-nghiệm Thượng Hội Đồng này, được sống trong tự do phát-biểu thực-sự.

“Bằng tinh-thần đoàn-thể-tính và hội-đồng-tính, ta đã thực sự sống kinh nghiệm Thượng Hội Đồng, thực-sự hành-trình liên-đới cùng một con đường với nhau. Cũng như: trên mỗi con đường, đã có những thời-điểm chạy nhanh, hầu như muốn chinh-phục thời-gian và đạt tới đích một cách nhanh hết sức có thể, và những thời-điểm mỏi-mệt (…), những thời điểm nhiệt thành và hăng say khác…” (xem Tý Linh, Đức Phanxicô Kết Thúc Thượng Hội Đồng Bằng Một Bài Phát Biểu Đanh Thép, www.xuanbichvietnam.net 19/10/2014)   

Bằng tinh-thần đoàn-thể-tính và Hội-đồng-tính”, có lẽ là “ý chính” trải rộng trong ngày các đấng bậc lu-bù họp hành để xem xét mọi sự, cho “rõ chuyện”. Bằng “hành-trình liên-đới và cùng một con đường với nhau”, có thể là “bài bản” hoặc “đường-đi-nước-bước” mà Giáo hội thời hiện-tại đang bước dần vào đời thường, của người thường.       
Bằng bài bản của “tinh-thần tập-thể” hiểu theo đường-lối chính-mạch trong Đạo, thì: có thể là như thế. Thế nhưng, hiểu theo tầm-kích của báo đạo và/hoặc báo đời, ở ngoài đời thì có lẽ sẽ như sau:

“Thật ra, cũng không là chuyện thường tình xảy đến, khi người Công-giáo khắp nơi tụ-tập tại Rôma để xem Giáo hội mình đưa quyết định này khác, có theo cách-thế trong sáng/minh-bạch hay không? Các báo-cáo/tường-trình từ Thượng Hội Đồng về “chuyện” gia-đình, khiến ai có thói quen coi việc bàn-luận và cãi vã trong phòng kín, đều là “Sự đã rồi”, hết. Các đề-tài được Giáo hội gần như đồng-loạt biểu-quyết, ít ra cũng cho thấy: nay nhen-nhúm trong lòng Giáo-hội mức độ nào đó về tính đa-dạng, khác kiểu ít thấy kể từ ngày Công Đồng Vaticăng II kết thúc…” (X. Neil Ormerod, Catholic Church returns to Pluriformity of Vatican II, www.eurekastreet.com.au/article.aspx?aeid=42160 19/10/2014)
   
Thế đó, lại có thêm đôi nhận-định của đấng bậc khác ở đâu đó Úc-Châu, Âu-Châu hay Mỹ-Châu, mà người người nên để mắt hoặc tai xem thế nào. Trước nhất, là ý-kiến của một vị thày dạy ở Melbourne, Úc như sau:

“Phần đông dân chúng trông mong nhiều vào Thượng Hội Đồng Giám Mục hồi tháng 10/2014 khi phác-thảo được chuẩn-bị, rất kỹ…

Cuối cùng thì, với nhiều người, Thượng Hội Đồng Giám Mục kỳ này, là một thất-bại không nhỏ với vị Giáo-hoàng năng-nổ là Đức Phanxicô đương-đại. Thất-bại, để rồi mọi chuyện lại rơi vào bàn tay sắt đá của nhóm Giám-mục bảo-thủ. Là người đau khổ nhiều vì thất-bại, Đức Giáo Hoàng Phanxicô xem ra thấy cũng hiện rõ trên nét mặt.

Độc-giả ở đây, hẳn biết rõ Đức Phanxicô lâu nay thường tỏ-bày rằng: ngài chẳng bao giờ muốn hoặc có ý-định thay-đổi giáo-huấn của Hội-thánh, thế nên động-thái thư-thả, trầm-tĩnh của ngài cũng không có gì lạ. Đức đương kim Giáo-hoàng đây đơn-giản chỉ muốn tìm khả-năng mới để Giáo-hội Công-giáo có thể đến với người sống ngoài lề, hoặc xa cách. Điều, mà ngài quả-quyết cũng không có trọng-lượng là bao, đối với người vẫn cứ trông mong Giáo-hội có được đổi thay, cả những người chống đối mọi thay-đổi, cũng đều thế. Cả hai phía đều tin rằng: cung-cách thừa-tác mục-vụ, tự căn-bản, không thể thay-đổi nếu ta không đổi-thay về học-thuyết, lẫn tín-điều.

Thế nhưng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn cho điều ngài nói mang ý-nghĩa rất nhiều. Ý-nghĩa, có thể là ngài vẫn từng coi Thượng Hội Đồng kỳ này là một chiến-thắng đối với tầm-nhìn của ngài về sự quản-cai Giáo-hội, tức: cho phép người tham-gia cầm quyền được dự phần vào cuộc bàn cãi có mở rộng, mà trong đó không có rào cản nào, ở xung quanh.

Tính cởi mở trong trao-đổi được nhấn mạnh bằng thái-độ thẳng-thắn, bộc trực và sự khác-biệt trong say mê phát-biểu giữa các giám-mục khác nhau về trường-phái hoặc ngoài Thượng Hội Đồng. Tính trong-sáng cũng được tỏ-lộ qua thương-lượng để phác-thảo một văn-kiện “nháp” hầu đề-bạt và lấy phiếu bầu cho văn-kiện chung-cuộc.

Có thể nói, thách-thức lớn mà Thượng Hội Đồng đặt ra cho các Giám-mục tham-dự họp khi các ngài quay trở về địa-phận mình, là: làm sao tháp-nhập được tính cởi mở, trong-sáng trong quản-trị, lại là những điều lộ rõ nơi động-thái của quan-chức có mặt ở Thượng Hội Đồng. Đức Phanxicô đã chứng-tỏ rằng: cung-cách quản-cai giáo-hội xưa nay được xây dựng trên việc kềm-chế/kiểm-soát và bảo mật, có lẽ cũng nên thay thế cách nào đó cho tốt đẹp hơn; thay thế, nhưng trong đó vẫn có sự tham-gia của người dân bên dưới bằng các khuyến-khích đối-thoại cùng cởi mở và bằng sự trong-sáng/minh-bạch. Có giám mục coi đó là chuyện nên cổ võ; có vị, lại cứ coi như mình đang bị áp-lực từ gương lành của Đức Giáo hoàng hầu khai-phá thêm khả-năng khác có lợi cho giáo-hội địa phương mình…” (xem Lm Andrew Hamilton, Synod Affirms Francis’ vision of Church Governance, www.eurekastreet.net 21/10/14) 

Với người ngoài, như nghệ-sĩ ở trên vẫn hát có câu ca khá lạc-điệu như:

Nhiều đêm thấy ta là thác đổ,
Tỉnh ra có khi còn nghe.
Nhiều khi thấy trăm nghìn nấm mộ,
Tôi nghĩ quanh đây hồ như.
Đời ta hết mang điều mới lạ,
Tôi đã sống rất ơ hờ.
Lòng tôi có đôi lần khép cửa,
Rồi bên vết thương tôi quì.
Vì em đã mang lời khấn nhỏ,
Bỏ tôi đứng bên đời kia”.
(Trịnh Công Sơn – bđd)

Với đấng bậc nhân-hiền lành thánh, lại có ý/lời vẫn từng dẫn dụ như sau:

Điều khiến chúng tôi tự hào là
lương tâm chúng tôi làm chứng rằng:
chúng tôi lấy sự thánh thiện
và chân thành Thiên Chúa ban
mà cư xử với người ta ở đời,
đặc biệt là với anh em.
Chúng tôi không cư xử theo lẽ khôn ngoan người đời,
nhưng theo ân sủng của Thiên Chúa.
(2Cor 1: 12)

Không cư xử theo lẽ khôn-ngoan người đời”, là lối cư-xử theo tính tập-thể rất hiệp-nhất, đúng như nhận-định của đấng bậc thày dạy từng đứng bục ở trường lớp rất Công-giáo, như sau:

“Nơi Giáo hội, ta nói nhiều về Tập-đoàn Giám mục, Hồng Y và đôi khi cả đến đoàn-ngũ linh-mục nữa, theo cung-cách mà các ngài vẫn thực-thi công-việc theo đội-ngũ. “Tôi rất lấy làm cảm-kích khi thấy ngài thực-thi hoạt-động theo tập-thể-tính biết dường nào” (Hồng Y Sean O’Malley nói về Giáo hoàng Phanxicô).

Loại hình tập-thể-tính như thế, vẫn còn thấy bên ngoài Giáo-hội đôi lúc nhiều hơn ở bên trong, hoặc giữa các đấng với nhau. 

Lý do để ta có thể gọi được như thế, là vì: Giáo hội mình đích-thực là sự hiệp-thông hoặc như ai đó vẫn cứ gọi là: Tính tập-thể. Tính tập-thể vừa là ‘tiến-trình’ vốn dĩ cho phép Giáo-hội trổi bật lên trên và còn là sự diễn-tả về những gì khiến Giáo-hội phải trở-thành. Đáng tiếc thay, điều này thường không mấy hiện rõ, cho đủ. Giáo-hội mà lại không ‘hiệp-thông’ thì không phải là Giáo-hội. Và Hiệp-thông không thể xảy đến nếu không có tập-thể-tính.

Nay, ta sẽ cùng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô đi vào hiểu-biết ngọn-ngành về Giáo-hội như một hiệp-thông (mà tiếng Hy-Lạp gọi đó là: koinonia). Với Giáo-hội hôm nay, thì vấn-đề “tập-thể-tính” đơn-giản lại chỉ được coi như một từ-vựng khác nữa về ‘hiệp-thông’ mà thôi, chứ chưa mang đúng ý-nghĩa, của từ-vựng.

Tập-thể-tính, hoặc hiệp-thông hoặc tính-cách được thấy ở Thượng Hội Đồng, vv.. còn mang ý-nghĩa của cung-cách mới được nhấn mạnh lần nữa về đường-lối suy-tư và sống-thực của Giáo hội. Điều này, làm nổi bật sự việc ta đến với nhau đi vào động-thái kết-hợp thành-viên Giáo-hội qua tư-cách là nhóm/hội vốn dĩ tự mình và do mình chọn theo cách tự-nhiên và theo đúng luật-lệ vẫn tản mác, khác nhau. Tập-thể-tính hoặc gọi đó là tính gì đi nữa, vẫn yêu-cầu để cho quyền cá-nhân riêng-lẻ cứ thế ra đi. Yêu-cầu ấy, do bởi các cá-thể và bè/cánh trong nhóm/hội ra như thế để dễ được sự đồng-tâm nhất-trí trong nhóm/hội đoàn-thể đang trào dậy. Điều này không làm cho nhóm/hội này khác trở thành bất-lực. Thật ra, thì sự đồng-tâm nhất-trí vượt khỏi lựa-chọn thông-phần sẻ-san để rồi sẽ không sử-dụng bất cứ quyền-bính nào mà cá-nhân hoặc phân-bộ nào đó có thể có, hầu để cho nhóm/hội được tốt-lành. Có thể nói, đây là khí-cụ tạo lợi-ích chung.

Ngoài ra, nói về tính tập-thể tức: không có ý nói phải làm sao tạo được đa số phiếu tuyệt-đối với thành-viên tham-dự; hoặc ít ra cũng phải 2/3 phiếu hoặc đa số tuyệt đối các phiếu bầu. Đây là vấn-đề thuộc về não-trạng. Nhưng, không là não-trạng của việc thắng/thua.

Điều này, không có nghĩa là mình cảm thấy vui lòng/thoải mái trước khi, trong lúc hoặc sau khi xảy đến sự việc. Điều này, cũng không là câu trả lời cho vấn-nạn nào ta không đồng-thuận với nó.

Tính tập-thể không là đòi hỏi phải hoàn-toàn đồng-thuận, nhưng đòi tất cả mọi người ở đó, phải tôn-trọng lẫn nhau. Và điều đó, còn quan-trọng hơn cả trách-nhiệm trở thành dân-con vào mọi lúc. Điều đó, đòi hỏi phải hủy bỏ/tách rời bất cứ và toàn-bộ quan-điểm nào mang tính cứng-ngắc hoặc cố-định.

Tính tập-thể, không có nghĩa là: lắng tai nghe những vị cứ cho rằng điều mình kể là những điều mà Đức Giáo Hoàng vẫn thích nghe.

Hiệp-thông lại cũng không mang ý-nghĩa của sự việc hoàn-toàn thống-nhất ý-kiến. Mà là cung-cách để ta khai-thác sự khác-biệt trong khi ta sống với những thứ ấy. Đó còn là cung-cách cứ để họ sống với ta. Đó là bối-cảnh để làm sáng tỏ bất cứ bất-đồng nào có thể.

Đây cũng không là đấu-trường trong đó ta có thể chống-đối sự bất khoan-nhượng với bất nhượng-bộ. Đó cũng không là cung-cách để ta củng cố những gì được đưa ra như quan-điểm triệt-để, hoặc đường-lối để người người đào sâu rẽ chia.

Tập-thể-tính bao gồm việc xem người khác bất-đồng với mình về chuyện gì, là địch-thủ chứ không là địch-thù của mình. Tính-chất này đòi phải có sự đồng-hàng với mọi người, không vì điều họ nói hoặc do họ bỏ phiếu bầu thuận hoặc nghịch, mà vì họ đang có mặt ở đó.

Đang có mặt ở đó”, đấy mới là vấn-đề, chứ vấn-đề tuyệt-nhiên không do mức-độ thông-minh hoặc trọng-lực của luận-cứ khi tranh-cãi. Tiến bước thêm về phía trước, là cốt để dời chỗ đi từ sự bất-đồng chính-kiến về giải-pháp đưa ra cho đến bất-đồng về những điều được coi như vấn-nạn muôn thuở. Và cứ thế, ta tiến dần về với vấn-nạn nào thực-sự là vấn-đề hoặc cả việc tự xem mình có thế không hoặc có còn như thế không. Đó, mới thành chuyện!

Nói tóm lại, đây là cách-thức ta thể-hiện sự khác-biệt trong hiệp-nhất; và cứ tạo hiệp-nhất mới-mẻ hơn…” (Xem Lm Kevin O’Shea CSsR, Spelling Out The Issues of Collegiality, Strathfield ACU Workshop 23/8/2014, tr. 1 & 2 …)             
     
Đi vào đời, đã thấy ngay đám trẻ bé đối-xử với nhau theo tính tập-thể, không uẩn-khúc. Nhưng, đã quan-niệm thoải mái qua các đoạn tả cảnh/tả tình về tình đời, như sau:

Để tả cảnh hoặc tả tình ông nội mình, có em nhỏ từng mô-tả như sau:
“Nhà em có nuôi một ông nội. Ông nội suốt ngày chẳng làm gì cả, chỉ trùm chăn ngủ. Đến bữa ăn, ông tỏ dấu vẫn cứ hỏi: Cơm chín chưa bay?
Để tả dụng cụ lao-động, em lại thích viết những điều như:
“Chiếc xẻng nhà em có rất nhiều công-dụng, và dùng nó để xúc phân của con chó nữa!”
Mô-tả về ông bố, có đoạn văn bất hủ của một học-trò khác như sau:
“Bố em có một hàm răng vàng, hàm răng vàng luôn chỉ bảo em những điều hay lẽ phải.”
Và, để miêu-tả mùa Xuân, có em lại viết rằng:
“Mùa xuân ở quê em mở rất nhiều hội. Vào những ngày ấy, trên đường có rất nhiều các ông các bà tay cầm ô đen ô đỏ, có vị còn mặc áo dài áo ngắn đứng ngồi lố nhố. Các cụ nói chuyện râm ran, như bầy chim líu lo gọi mẹ, mà em chẳng hiểu gì hết…”
Tả cây chuối, có em nọ lại viết những câu như:
“Nhà em có cây chuối rất to, chiều nào em cũng leo lên cây chuối, để thấy rõ hết mọi người ở bên dưới. Ngồi trên cành chuối rung rinh, em rất thích.”
Trả lời câu “Hãy tả con vật mà em yêu thích nhất”, có em nọ lại đã viết:
“Nhà em có nuôi một con gà trống rất đẹp. Em rất yêu nó. Vì hằng ngày nó tỏ ra hiên-ngang với các con gà mái yếu ớt. Hàng ngày, em cho nó ăn nên chiều chiều nó gáy những tiếng như con gà trống lớn coi thường mọi gà con dưới nó.”
Tả cái cặp đi học, có em khác lại cũng viết:
“Bố em mua cho em cái cặp rất to và đẹp, hàng ngày em đeo nó đến trường, cái cặp đựng được nhiều sách vở, nó to như cái bình thuốc sâu của mẹ.”
Tả cô giáo mà em yêu quí, em kia tả rất lẹ:
“Cô giáo em rất đẹp. Cô có vầng trán cao thể-hiện sự thông minh. Mái tóc cô dài thướt tha như giòng nước. Nhưng cái mà em thích nhất, vẫn là cái răng nanh của cô. Nó làm cho nụ cười của cô thêm phần quyến rũ. Cô hay đọc tập làm văn cho tụi em chép, nên em viết văn cũng giống cô…”
Tả người thày em yêu quí nhất, có em tả thế này:
“Thấm thoát đã 3 mùa hoa ban nở, thầy giáo phải tạm biệt chúng em để về xuôi. Cả làng cả bản đứng tiễn thầy vô cùng ngậm ngùi. Riêng em đứng nhìn theo thầy đến khi thầy xa dần, xa dần, đến khi nhỏ bằng con chó em mới quay lại bản.”
Tả anh lính chiến, có em tả như sau:
“Lính chiến làng em cao một thước hai, cây súng anh mang dài thước rưỡi. Thế mới oai…”   
(Trích: “Các bài văn bất hủ của học trò” ở lên mạng, đọc cho biết).

Ở quê nhà, các em cũng đã học cách viết văn để miêu-tả những điều mình nhận-xét, như mọi người. Nhưng, người nhà Đạo lại suy-nghĩ hoặc viết-lách vẫn “cao siêu” hơn thế, rất nhiều. Cao và siêu, đến độ nhiều vị có chức-tước hoặc ngạch-trật cứ cãi nhau suốt, tưởng chừng không bao giờ chấm dứt.
Chấm và dứt sao được, khi người trong cuộc lại cứ nói và cứ cãi, những điều mình chẳng khi nào trải-nghiệm. Chấm và dứt làm sao, khi nhiều người những muốn nói điều mình trải-nghiệm, nhưng vì không ở cùng mạch chính, nên không có quyền quyết-định bằng lá phiếu.
Tóm lại, vấn-đề gì cũng thế, dù diễn ra ở trong hay ngoài cuộc, càng thấy khó bàn-cãi, nói chi đến “cuộc chơi”, ở đời. Thế đó, một vài ý mọn ở đâu đó, có bạn đạo nọ gom góp, nhặt nhạnh để lưu-giữ hầu biến nó thành kinh-nghiệm đời, cho mai sau. Kinh và nghiệm, là những gì bạn và tôi, ta cần cảm và nghiệm nhưng lại không hề “kinh nhi viễn chi”.

Trần Ngọc Mười Hai
Tuy chưa có kinh nghiệm
Quản cai ai cả
Nhưng vẫn muốn nghiệm và kinh
Hết mọi người mọi vị
ở trong đời. 

   
 




Saturday, 25 October 2014

“Này đây, bước chân xin tìm đến người,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 31 mùa Thường niên năm A 03-11-2014

“Này đây, bước chân xin tìm đến người,”
“Này đây, cánh tay xin chào đón người,
Này đây, cỏ cây xanh gợn ý tình,
Này đây, gió mây nghe hồn tái sinh”.
(Nhạc ngoại quốc – Lời Việt: Nguyễn Trung Cang)
(2Cor 1: 3-5)
            “Tìm đến người”, bằng bước chân hôm trước vẫn như thế. Thế còn, bước chân hôm nay thì sao? Có ai còn hát câu: Này đây, cỏ cây xanh gợn ý-tình”, “Gió mây nghe hồn tái sinh” nữa hay không”?
            Ngày nay mà lại hát những lời như thế, kể ra thì cũng khó. Khó, không chỉ ở mỗi câu trả lời mà thôi. Nhưng, còn ở cả ca-từ những nào “này đây” rồi lại “này hỡi” rất sau đây:

            Này đây, cánh hoa xin dâng đến người,
Đời như, nở hoa trong vạn tiếng cười.
Ầm vang suối reo như dậy núi rừng,
Bầy chim hót ca theo từng bước chân.
Này hỡi, trái chín thơm ngọt quá,
Này hỡi, những đóa hoa rực lá.
Này hỡi, suối mát chim rừng ca.
Hãy lắng nghe tình ta yêu nhau không rời xa!”
(Lời Việt: Nguyễn Trung Cang – bđd)

Có hát hay có chào, thì bao giờ mà chả như thế! Như thế, là bảo: hát hò gì, mà sao toàn hát những tình-tự rất hay ho, có thi-ca và âm-nhạc rất thực tế. Thế nhưng, thực tế ở đời, ít khi nào lại thấy xảy ra cuộc đời những “sống thực” nơi bạn và tôi, có khi chỉ thấy những truyện kể khá hi-hữu, vốn tức cười, mà thôi. Và đôi khi, vừa tức lại vừa cười như truyện tiếu lâm ngắn ở bên dưới:

“Truyện rằng:
Ngày xưa, có hai vợ chồng rất yêu-đương, hẹn hò nên họ bảo nhau lên chiếc tàu có tên là “Titanic” mà thưởng ngoạn cuộc du-lịch có một không hai trên đời. Tàu đi chưa đuợc bao xa, đã bị đắm. Cũng may là phần số của người vợ hôm ấy vẫn còn hên, nên bà được người ta đem xuồng cứu-hộ đưa vào một hoang đảo nhỏ ở cực Bắc. Liền khi ấy, ông chồng bà cũng vớ được tấm ván nhỏ, đã vật lộn với sóng biển suốt ngày trời, cuối cùng rồi cũng đến được bờ đại dương, ngay ngày hôm sau. Thoạt trông thấy mặt mũi ông chồng mình, bà vợ nọ bèn rít lên những âm thanh nghe qua ai cũng sợ, huống chi là ông chồng đang còn chết khiếp vì nhiều thứ:
-Suốt từ hôm qua đến nay, anh ở nơi nào mà chẳng thấy mặt mũi tăm hơi gì hết thế? Tàu đắm hôm qua, chứ có đắm hôm nay đâu mà lúc nào cũng trễ tràng? Anh mà không thật lòng khai báo, thì cứ biết đấy!...”

Vâng đúng thế. Anh mà không kể ra, thì có ma nào biết đâu, giời ạ. Thôi thì, giời hay đất ở hoàn cảnh này, cũng đều sợ vía “bà” hết mà thôi! Hình như câu của mấy ông chồng thuộc hội “sơ vơ nặng vợ” cũng đành nghe quen, thì phải?   
Vâng, đúng là như vậy. Nhưng ai từng sống đời vợ/chồng ở trời Tây hay bên Tàu, đều ít nhiều trải-nghiệm từng lai rai từa tựa như thế. Như thế, tức: cũng hệt như ở quê nhà khá là “nhà quê”, thì… bần đạo đây xin giơ 2 tay lên trời mà chào thua, thôi. Bởi, đã hơn hai thập-niên rồi, bần đạo đây vẫn là “người xa quê chưa một lần trở về”, nên chẳng biết gì về tình-hình vợ/chồng, chồng/vợ sống bên nhau ở quê nhà, ra sao hết.
Ở bên này, bần đạo chỉ biết có mỗi điều, là: nhà Đạo mình vẫn còn đó những chuyện và những lời khuyên để đời, hầu giúp mọi người sống “tốt Đạo/đẹp đời” cho phải lẽ. Nghĩ thế rồi, bần đạo xin vào ngay đề-tài chính-yếu, theo kiểu “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Mà, “miếng trầu đây hôm nay, là truyện kể để dẫn nhập cho bài phiếm lòng thòng khá cũng khô, ngõ hầu có dịp thanh minh với bạn mình, như sau:

“Vào thế kỷ đầu của Đạo Chúa, nhiều người có quan-niệm là: một khi đã đi tu rồi, thì ai cũng phải sống lánh xa các sinh-hoạt ở thế-gian, hoặc vào chốn sa-mạc mà hãm mình và chịu mọi khắc khổ, để nên thánh.

Nhân dịp Tuần Thánh năm ấy, cha Bề Trên Dòng khổ-tu dẫn các thày dòng của mình vào chốn sa-mạc, hoang-dã để ăn chay, hãm mình mà chuộc tội (?). Nhằm giúp các thày cầu nguyện cho dễ, nên mỗi thày ở một chòi riêng biệt, không ai tiếp xúc với ai hết. Vào khoảng giữa tuần, một vài thày ở tu-viện khác ghé vào chòi riêng của Cha Bề Trên để thăm ngài. Thấy các thày này đói bụng, cha Bề Trên nấu cho họ chút đồ ăn và cũng vì lịch sự, ngài cũng dùng đôi chút với họ. Các thày khác thấy khói bốc lên từ chòi của cha Bề Trên, nên đoán được là Bề trên của mình đã “phá chay”, bèn đến chất vấn. Thấy các thày đến, cha Bề Trên bước ra hỏi:
-Tôi đã sơ xuất phạm phải lỗi lầm gì mà các thày nhìn tôi bằng cái nhìn có vẻ xét-đoán thế?” Các vị bèn trả lời:
-Thưa cha, hôm nay cha đã vi-phạm luật chay kiêng mà tất cả chúng ta đã tình-nguyện tuân-giữ vì yêu mến Đức Kitô, Đấng đã chịu muôn vàn đau khổ vì lỗi phạm của chúng ta…
Cha Bề Trên từ tốn nhìn các thày bằng ánh nhìn thông-cảm rồi ôn-tồn bảo:
-Đúng thế. Cha đã phạm luật giữ chay, hôm nay. Duy có điều, là: hôm nay, Cha chỉ mỗi không giữ luật do con người đặt ra khi san sẻ thức ăn với mấy thày ở nhà khác đến thăm mình. Nhưng, cha vẫn nhận ra là mình đã sống luật của Chúa dạy. Thế, các thày không nghĩ là Đức Giêsu cũng từng làm như vậy sao? Thật ra thì, các thày lại đã xé Tin Mừng Chúa dạy thành hai mảnh riêng biệt. Các thày có nhớ Lời Chúa dạy là: trong 10 giới lệnh, chỉ có hai điều quan-trọng, chứ không chỉ một mà thôi, sao? Đúng là ta phải yêu mến Chúa hết lòng hết trí khôn, và yêu tha-nhân như chính mình. Chúng ta không vào sa-mạc để trốn-tránh lời thị-phi hoặc để sống một mình với Chúa; nhưng, để tìm kiếm tha-nhân và yêu-thương họ trong Chúa…” (truyện tích do Lm Mai Văn Thịnh CSsR kể trong bài: Nối Kết Lề-Luật, www.giadinhanphong.blogspot.com 21/8/2010)

Xem thế thì, sống đạo trong đời dù sống cùng/sống chung với người đồng Đạo hay đồng môn/đồng thuyền, người người vẫn luôn gặp nhiều cảnh-tình có những phê-bình hoặc phản-đối. Hệt như câu truyện để minh-hoạ, rất ở trên.
Sống đúng vai-trò người đi Đạo và giữ Đạo của Chúa, lắm lúc thấy đôi điều cũng khó khăn, căng thẳng, nhiều chỉ-trích. Hệt như nhận-định của vị thức-giả nọ ở Úc có tên là Ts Kevin Donnelly, từng viết trên tuần báo Đạo, hôm đó, như sau:

“Thời buổi hôm nay, không là thời-khắc tốt để ta chứng-tỏ mình là người đi Đạo, chí ít là Công-giáo. Bạn cứ mở nhật-báo ở Úc ra mà xem sẽ thấy các tờ: The Age, The Sydney Morning Herald hoặc mở đài ABC của Úc ra mà nghe, sẽ thấy nhiều tác-giả trong đó có Irfan Yusuf cứ viết dài dài những đoản-khúc phê-bình người đi Đạo, thấy rất rõ.

Thêm vào đó, có cô nọ tên là Wendy Squires lại cứ tung lên nhật-báo The Age ở Melbourne, các bài chua cay/châm-chích cốt vận-động quần-chúng làm phai mờ tinh-thần của Đạo-giáo và xói mòn dần niềm tin của 61% người Úc vẫn tự coi mình là Kitô-hữu.

Những người như tác-giả Wendy Squires lại quên bẵng đi rằng: một trong các hòn đá tảng làm cơ-sở cho nền văn-hoá và xã-hội Úc…

Ngay cả khi tác-giả đây phê-bình về phẩm-chất đạo-đức của hàng ngũ linh-mục trong các vụ xâm-phạm tình-dục trẻ thơ không có nghĩa bảo rằng: Đạo Chúa không có giá-trị tốt-đẹp, hoặc cứ lên án chúng ta là đã quay lưng mà kình-chống Chúa.

Bản thân tôi, từng lớn lên từ giai-cấp lao-động, sống tại khu gia-cư chính-phủ cấp ở vùng Broadmeadows, Sydney; có cha là đảng-viên Cộng-sản Úc và mẹ là người Công giáo, tôi vẫn cùng mẹ đều đều tham-dự thánh-lễ ngày Chúa nhật và vẫn thường tham-gia phong-trào Giới trẻ gọi là Eureka vào các  ngày Thứ Ba trong tuần. Cha mẹ tôi vẫn dạy dỗ con cái ngay từ buổi đầu về ký-giả chống Cộng B.A Santamaria cũng như lực-lượng rất có uy-tín và từng tạo nhiều ảnh-hưởng trong xã-hội suốt thể-kỷ 20 vừa qua, ở đây.

Cha tôi dạy cho con mình biết đôi chút về lập-trường xã-hội chuyên phân-phát lợi-nhuận tùy nhu-cầu của mỗi người. Còn mẹ tôi, lại dạy cho con mình biết lần hạt Mân Côi và đi đàng Thánh giá. Là người Công-giáo, tôi còn được dạy cho biết mình có lương-tâm chân-chính và ý-chí tự-do được Chúa ban cho để biết rằng: đời người gồm thiện/ác hai mặt rất phân-minh và cuộc sống ở thế-trần chưa hẳn đã là trọn-hảo rằng: phần tâm-linh cùng việc thăng-tiến bản-chất con người đều có tầm quan-trọng ngang bằng nhau vượt lên trên phần thể-lý/xác-phàm; bởi thế nên, cũng vẫn cần đến thế-giới và công cuộc vận-động thăng-tiến con người.

Hồi còn nhỏ, tôi vẫn được nghe kể về các dụ-ngôn đọc ở Tin Mừng và Lời Chúa nói ở KInh-thánh. Và, cho đến nay, những điều như thế vẫn còn vang vọng nói lên việc thiết-yếu đáng kể về bản-chất con người. Và, các câu truyện khác tôi còn được giảng giải rất kỹ từ thời ấu-thơ, đến nay vẫn tác-động lên tuổi đời của tôi nên khác với nhiều người, trái lại, chỉ đeo đuổi chuyện vật-chất, bạc tiền.

Lên bậc đại-học, tôi lại đeo đuổi chuyên-ngành văn-chương/chữ-nghĩa ở phương Tây, cùng với âm-nhạc nghệ-thuật. Các tác-phẩm về âm-nhạc cổ-điển nghe từ nhạc-sĩ phong-hồ-cầm tài danh là John Sebastian Bach như bản Thánh Lễ Cung Mi Thứ được trình-tấu nhiều lần tại trung-tâm thính-nhạc Melbourne vừa qua đã nhấn mạnh nhiều lên sự thể là Đạo Chúa của ta cũng đã gây ảnh-huởng đậm-sâu lên nền âm-nhạc đến độ nó đã là thành-phần nền-tảng của nền văn-hoá Tây Phương.

Nói một cách thực-tế hơn, nền luân-lý đạo-đức và niềm tin Kitô-giáo còn là động-lực chính-yếu từng gây ảnh-hưởng lên các sinh-hoạt bác-ái/từ-thiện qua các tổ-chức nổi danh như Salvation Army, The Brotherhood of St Lawrence và cơ-quan Caritas Úc Châu, vv…

Ngoài ra, ngày nay, chẳng còn ai nghi ngờ gì nữa, khi nghĩ là: hệ-thống bệnh-viện và giáo-dục có lẽ sẽ sụp đổ, ít ra là đối với người Công-giáo ở Úc, nơi có đến 20% học sinh, sinh viên nguời Úc cũng như những người từng đóng thuế cho chính-phủ đã tiết-kiệm cả tỷ đô cho đất nước này, vì đám học-trò tư-thục ấy đã giúp chính-phủ bớt đi được mối lo phải tài trợ khoản tiền này, nếu nền giáo dục Kitô-giáo không tồn-tại như trước.

Vốn là một người cha từng bị mất đi đứa con trai yêu quí trong vụ việc tài xế nào đó chạy xe đụng chết rồi bỏ chạy, nhiều lần tôi cũng trải-nghiệm nỗi đớn đau, sầu khổ về sự mất mát này khác và cũng ưu-tư lo ngại cho Đạo mình. Nhưng tôi vẫn tin rằng Đạo của chúng ta luôn được ban tặng sự an-bình cùng mọi hiểu-biết, vẫn tạo cho ta có dịp giúp-đỡ người buồn phiền và khổ đau mang hy vọng nhiều vào mai ngày.                  

Như tác-giả Julian Norwich từng đoan-quyết: “Vào những lúc cảm thấy tối-mù đầy tuyệt-vọng, ta vẫn còn cơ-hội tìm lại được sự ủi-an, yên lòng để thắng vượt.” Đúng thế tuy cuộc chiến phấn đấu chưa toàn-thắng và hành-trình cuộc đời chưa hoàn-tất, nhưng ta vẫn biết rằng ánh sáng ở cuối đường hầm cuộc vẫn còn loé sáng. Ánh sáng của hy-vọng vẫn là nguồn gốc cho cuộc đời mình, chí ít là cuộc đời của người đi Đạo. Thế nên, hãy vững lòng mà sống đúng vị-thế của Kitô-hữu, bởi dù có thế nào ta cũng không tránh được mọi khổ đau/buồn sầu dồn đến với mình. Đời người vẫn có những mặt đen tối và theo chủ-thuyết hiện-thực, thì ta vẫn bị thúc-bách giáp mặt với thực-tại. Và cũng một chủ-thuyết như thế lại vẫn luôn vực đỡ để ta tin tưởng vào ánh sáng, vào cả cuộc sống và tình thương-yêu trong đó ta luôn đuợc ôm ấp,  đùm bọc và bảo quản trước mọi phê-bình, chỉ trích bất kể nó từ đâu tuôn đến.” (xem Kevin Donnelly, Ignore the critics. Be a Christian, The Catholic Weekly 14/9/2014 tr. 19)

Thế đó, là: quyết tâm trong nhận-định có từ người nhà Đạo. Còn đây, lại là ca-từ của bạn bè từ muôn nơi gửi đến thêm câu hát, nhưng rằng:         

“Từ đây có nhau trên vạn nẻo đời
Cầm tay dắt nhau đi trọn kiếp người
Và ta sẽ chia yêu thương khắp trời
Tình yêu chúng ta lan rộng khắp nơi!”
(Nguyễn Trung Cang – bđd)

“Có nhau trên vạn nẻo đời”, và “Ta sẽ chia yêu thương khắp trời”, để rồi: “Tình yêu chúng ta lan rộng khắp nơi!” Quả thật cũng giống như ý-tưởng của phần lớn các bài giảng ta nghe mãi ở nhà thờ. Nhưng, hỏi rằng: ta có áp-dụng tinh-thần và đuờng-lối giáo-dục có từ Đạo Chúa hay không? Đó mới là vấn đề.
Vấn-đề ở đây, hôm nay còn là hỏi rằng: để thực hiện những điều mình từng nghe giảng giải và học-hỏi từ trường/lớp rất Đạo Chúa, tự nơi ta phải có được đặc-tính nào hầu làm được như thế?
Trong tinh-thần “học thày không tày học bạn” về sự đời, bần đạo đây cũng từng được nghe người anh em linh mục cùng Dòng, đã san sẻ các ý-tưởng có được từ các bậc thày, nay trích thêm để bà con mình suy nghĩ:

“Những năm tháng trở về trước, hệ thống truyền-hình-giây-cáp-có-tính-tiền ở Úc đã cho trình-chiếu một đoạn phim tài-liệu rất có nghĩa. Đoạn phim này, quay lại cảnh một chiếc xe tải chở đầy tiền bị đâm vào cột điện, ở bên đường. Do chạm mạnh, cánh cửa xe bên trái bị bật tung và người ta thấy rất nhiều đồng đô-la tiền giấy rớt xuống, vãi tung toé ngay cạnh đường. Lập tức lúc đó, có người đàn ông nọ đang tàn tàn đi dạo mát, hay chạy bộ thấy thế bèn đứng lại. Nhưng, thay vì chạy về phía ca-bin xem bác tài bị nạn nguy-cơ đến độ nào, thì ông ta chỉ lo vơ vét số tiền vãi tung, nhét đầy bụng và túi rồi thản-nhiên đi tiếp quãng đường còn lại, làm như không nhận biết chuyện gì xảy ra, lúc ấy. Dĩ nhiên, vì là phim tuởng tượng, nên trên đoạn đường hôm ấy chẳng thấy ai khác, ngoài người quay phim mà thôi…

Chương-trình truyền-hình nói trên là đoạn phim mang tính-chất giáo-dục người xem. Số đô-la tiền mặt mà khách bộ-hành kia vơ-vét/nhặt nhạnh chỉ là tiền giả do nhà sản-xuất cốt đề ra để người xem truyền-hình tự đặt cho mình câu hỏi về đạo-đức, như vẫn bảo: “Trong tình-huống đánh động như thế, người trong cuộc sẽ hành-xử ra sao cho phải lẽ? Có thể người xem, mỗi người một ý. Có người đồng ý với khách bộ-hành bàng quan cứ lý-sự: “Tiền rơi rớt bên đường là tiền vô chủ, ta không nhặt nhạnh thì người khác cũng nhặt thôi.” Có thể có khán-giả khôn-ngoan hơn, lại sẽ cho rằng: ở vào tình-huống như thế, thái-độ phải lẽ và thích-hợp nhất của người nhìn thấy tai-nạn, là: chạy đến xem người tài-xế có bị sứt mẻ gì không; nếu có, lại sẽ gọi điện cho cảnh-sát và/hoặc xe cứu-thương để kịp cứu-chữa.” (x. Lm Mai Văn Thịnh, Sống Khôn là Sống thật, www.giadinhanphong.blogspot.com ngày 24/8/2010)

Như Ts Kevin Donnelly ở trên bình-luận về ảnh-hưởng của văn-hoá/giáo-dục từ Đạo Chúa, người đi Đạo như bạn và tôi, không chừng chính chúng ta cũng từng trải-nghiệm nhiều tình-huống giống như thế. Vấn-đề lại đặt ra, là: ta có hành-xử đúng tinh-thần Tin Mừng không? Hoặc, vẫn “giữ đạo như máy” giống nhiều thập-niên trước: chỉ biết đọc kinh, đi nhà thờ, hoặc cũng chay kiêng, xưng tội, đền tội mà chẳng lý gì đến người khác đang sống ra sao, hết?
Chủ-đề phiếm hôm nay, không để hỏi: ta có sợ bị người khác phê-bình/chỉ trích về lối sống Đạo của mình, không? Mà là, ta quan-tâm cỡ nào, về lời dạy từ Tin Mừng của Chúa. Hỏi đây, tức: cũng tự trả lời phần nào rồi.
Vấn-đề còn lại, là: cứ rút tỉa lời vàng từ đấng bậc hiền từ ở nhà Đạo, để suy-tư như sau:

“Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô,
Chúa chúng ta.
Ngài là Cha giàu lòng từ-bi lân-ái,
và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an.
Ngài luôn nâng-đỡ ủi-an chúng ta
trong mọi cơn gian nan thử thách,
để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ,
chính chúng ta cũng biết an ủi
những ai lâm cảnh gian nan khốn khó.
Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Kitô,
thì nhờ Ngài,
chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi”.
(2Cor 1: 3-5)

Suy-tư thế rồi, có lẽ cũng nên làm nhẹ câu chuyện phiếm ở đây, hôm nay, bằng một truyện kể ghi-chú đầy trên trang mạng. Hôm nay đây, cũng nên trích dẫn thêm một truyện dân-gian thường nghe ở đâu đó, có ký tên như sau:

Cuối tháng này là sinh nhật cháu tôi. Đứa cháu trai duy nhất trong gia đình. Đứa cháu nội mà tôi thương nhất. Chẳng phải tôi thiên vị vì nó là con trai hay là vì nó là cháu nội. Mà vì nó ở quá xa. Nó lớn lên từng ngày không có tôi bên cạnh. Nhiều khi nhớ quá muốn ôm nó vào lòng mà hai tay trống rỗng. Muốn đi thăm nó thì ông chồng già chẳng biết bỏ cho ai. Thằng con trai cứ năn nỉ, “Má ơi! Qua đây một chuyến. Con sẽ đem má đi khắp Âu Châu cho biết với người ta.” Tôi cười cầu tài nói cho con yên lòng. Nhìn ông chồng đau yếu mà thương. Thôi đành thúc thủ.
Tôi đã có viết một bài về “Hai Ông Cháu” khi cháu tôi mới vài tháng tuổi. Bây giờ còn một tuần nữa cháu tôi sinh nhật lần thứ hai.
Tôi nhìn chồng mình càng ngày càng yếu để thấy sự đào thải của thời gian và thân phận của kiếp con người.
Ngày xưa, lúc cháu được vài tháng tuổi, mỗi lần đi đâu con dâu đem một giỏ tã, sữa cho con, còn bà nội cũng lè kè một túi cho chồng. Mỗi khi cần vào phòng vệ sinh thay tã, bà nội lại nhờ con dâu xem chừng phòng nữ có vắng hay không rồi đem chồng vào làm vệ sinh. Xong xuôi cháu cũng sạch mà ông cũng sạch.
Bây giờ cháu đã bỏ tã, nó mặc quần lót đàng hoàng. Lần đầu tiên bỏ tã, trên
webcam con trai bảo nó kéo quần xuống cho nội xem. Nó mừng rỡ chỉ cái quần lót hình Superman bí bô khoe. Bà nội chẳng hiểu cháu nói gì, chỉ cười cười. Thương quá đổi!
Còn ông nội, ngày xưa chỉ mang tã lúc đi đâu hay những lúc cần. Bây giờ ông phải mang tã cả ngày vì ông cũng không biết lúc nào mình cần giải quyết. Những ngày quan trọng cần thiết, bà nội mang khẩu trang, đeo găng tay làm y tá giải quyết những cục nợ đời hôi tanh mà ông không có sức rặn ra. Những ngày đó tã thay không biết bao nhiêu cái.
Bây giờ cháu đã biết đâu là phòng vệ sinh để vào, còn ông thì phòng vệ sinh ngay trước mặt cũng không biết mà vô, bà nội nắm tay ông lôi vào và làm từ A tới Z.
Cháu bây giờ đã biết bắt ghế đứng lên tự đánh răng. Còn ông nội thì bà nội phải đưa ly vào miệng cho ông từng ngụm nước. Bỏ kem vào bàn chải và giúp ông đánh răng. Xong lau mặt, lau tay đưa ông ra khỏi phòng.
Kết luận bây giờ, hai năm sau cháu đã vượt qua mặt ông cái vù về phương diện vệ sinh cá nhân.
Vấn đề ăn thì sao? Cháu bây giờ đã biết ngồi ăn chững chạc dù mẹ phải đút, bởi không đút là cháu ham chơi ăn không no. Cháu tự múc ăn khi nào đó là ăn chơi hay cháu thật đói. Còn ông thì bây giờ hoàn toàn không chủ động. Đút gì ông ăn đó, ăn xong thỉnh thoảng càm ràm bà nội, “Sao từ qua tới nay không cho tui ăn.”
Cháu bây giờ rất gọn gàng không cần khăn, còn ông nội thì phải một cái khăn lót ở dưới để hứng thức ăn rơi. Một cái khăn nhỏ ở trên để lau miệng.
Do đó về phương diện ăn uống cháu tiến bộ hơn ông. Ngày xưa cháu đi tắm phải có cái thau riêng, cháu nằm trong đó cho mẹ kỳ cọ. Bây giờ cháu có thể đứng trong bathtub cho cha, mẹ thoa xà bông và xịt nước ấm. Còn ông nội giờ này cũng tệ như xưa. Càng tệ hơn sau khi xong xuôi, bà nội bảo giơ chân lên để mặc tã, ông cũng đứng im. Những giọt nước miếng cứ nhểu lòng thòng rơi trên đầu bà nội. Khi bà vỗ vỗ vào chân ông, nói, “Chân này nè ông, giơ chân lên!” thì ông mới giơ chân lên. Có hôm ông giật mình kéo mạnh chân tống vào càm bà nội bầm một cục.
Ờ mà còn cái vụ nhểu nữa chứ. Cháu bi giờ ngon lành hơn ông nhiều. Cháu hết nhểu, đẹp trai ra, biết nhận diện đâu là mắt, mũi, miệng. Còn ông nội thì càng ngày tốc độ nhểu càng trầm trọng. Không có thuốc men hay phương pháp gì chận lại. Bà nội dùng kim gút gài một cái khăn bên áo để bà nội chùi cho ông để khỏi chạy đi tìm. Ông không thích cái khăn lòng thòng nên giựt tét cả áo, đứt kim băng. Bà nội phải mặc ngoài một cái áo che lại. Khi cần bà lôi khăn ra lau, xong nhét lại. Thế nhưng nước miếng ông vẫn nhểu dài theo nền nhà theo mỗi bước chân đi. Bà nội lúc nào cũng chuẩn bị khăn lau nhà. Thỉnh thoảng bà lại đạp khăn dưới chân xóa đi dấu vết cho đỡ trơn trợt và cũng để mấy đứa cháu ngoại khỏi gớm.
Cháu nội hôm nay đã có bạn, biết các trò chơi và tung tăng như chim sáo. Còn ông thì càng ngày càng quên, càng lẩm cẩm. Mỗi khi đi đâu bà nội nắm tay ông tình tứ như một cặp tình nhân. Nhưng thực ra là giữ ông cho khỏi đi lạc. Ông rất thích tự do. Ờ mà tự do ai không thích. Nhưng tự do trong trật tự. Thế nhưng ông nội nào biết trật tự là gì. Buông tay ông ra là ông đi, không cần biết điểm đến và đi đâu. Bà nội lạc ông mấy lần nên sợ lắm. Bà giữ tay ông trong bàn tay già yếu nhăn nheo. Thế nhưng đôi khi ông gặp một người không quen, ông vẫn nhào tới nói không ra lời hay lôi bà nội chạy theo họ. Ông la, “Bạn tui, bạn tui.” Bà nội biết tẩy của ông nên ngọt ngào dụ dỗ, ''Biết rồi! Họ ra xe đợi mình đó. Đi chợ xong mình sẽ gặp,” có vậy ông mới chịu nghe lời và đi theo bà.
Cháu nội bây giờ đã biết nghe lời cha mẹ. Mỗi khi làm điều gì sai, mẹ cháu bắt xin lỗi, nhận được gì cháu biết cám ơn. Cháu đã bắt đầu học để nhận biết đúng, sai. Còn ông nội tháng ngày trôi qua ông nội càng mù mịt đúng sai. Cái gì ông muốn là ông làm, ông không muốn thì đừng hòng ép. Khi cần ông đứng lại thì ông đi. Khi muốn ông đi thì ông đứng yên một chỗ. Kéo ghì không nhúc nhích. Năn nỉ một hồi ông mới chịu cho kéo đi. Khi cần ông nói thì ông làm thinh hoặc tiếng không thoát ra ngoài , chỉ lầu bầu, lịch phịch theo nước miếng. Nhưng khi ông nói chuyện với những gì ông thích hay bạn bè ảo tưởng của ông thì ông nói ra tiếng, mạnh mẽ và đầy sức sống.
Cho nên hai ông cháu đã đi ngược chiều với nhau không còn giống nhau như xưa.
Mỗi khi vào Webcam nói chuyện, cháu chỉ trên màn ảnh “Bà nọi, bà nọi. My bà nọi.” Còn ông chỉ nhìn cháu như nhìn một cái gì lờ mờ không quen biết. Cặp mắt lơ đảng, ánh nhìn tỉnh khô, môi xệ xuống, nước miếng lòng thòng chảy ra.
Tuy nhiên hai ông cháu cũng có điểm na ná giống nhau là dỗi hờn.
Khi cháu dỗi cháu lăn xuống đất nằm đạp lòng còng. Cha, mẹ cháu kêu đứng dậy và bảo xin lỗi, nếu không sẽ phạt “time out”.
Còn ông nội, ông hay hờn mát. Mỗi khi như vậy ông bỏ đi nằm và bỏ ăn.
Cả nhà năn nỉ, dụ ngọt cả buổi trời ông mới ngồi dậy ăn uống.
Chỉ hai năm thôi, hai năm trôi qua cho tôi thấy một lực hút cuốn mọi người xoay chóng mặt. Đứa cháu ngày nào mới biết lật giờ đã là một cậu bé dễ thương tinh nghịch, ngây thơ. Cháu đang học mọi thứ để tập sự những ngày bước vào trường mầm non.
Còn ông thì mòn hết mọi thứ để đi vào con số không của cuộc đời. Ông như một cây đã cạn hết nhựa. Sống trong một trạng thái mơ hồ và làm theo quán tính của mình.
Người lính của tôi giờ đây già thật rồi. Giả sử chàng không bệnh như hiện nay thì theo thời đại Internet, chàng của tui cũng quậy chẳng thua ai. Chàng sẽ có biết bao nhiêu bạn bè, đồng đội thật để mà hẹn nhau tán gẫu, bàn chuyện cà phê cà pháo, chuyện trên trời dưới đất, chuyện nước nhà, chuyện thế giới, chuyện chân dài, chân ngắn, chuyện cơm, chuyện phở. Lúc đó tôi chỉ là bóng mờ bên cuộc đời đầy màu sắc của chàng.
Ông trời đã cho chàng sống sót sau bao nhiêu năm tù tội gian lao. Đã cho chàng cùng tôi sang đây để xây lại một mái gia đình hạnh phúc. Và bây giờ đã cho chàng ở bên tôi hàng ngày, hàng giờ như tôi đã từng ước mơ, cầu nguyện.
Ông trời đã đùa với tôi. Ổng háy một bên mắt và cười, “Con ạ! Con xin gì ta đã cho con điều đó. Con ước nguyện có chồng một bên không rời xa dù cực khổ bao nhiêu con cũng chịu. Cảm thương con ta cho con toại nguyện. Ta cho nó bên con không rời xa nửa bước. Chúc con hạnh phúc.” Và thế, tôi ôm lấy niềm hạnh phúc ơn trên ban cho tôi và giữ lấy nó bằng cả trái tim. Trái tim của một người phụ nữ Việt Nam yêu chồng. (Bài này được trích đăng từ trang mạng của hội cựu học sinh Ngô Quyền (http://www.ngo-quyen.org/), mang tựa đề “Ông và Cháu” của tác giả Nguyễn Thị Thêm).

            Trích ở đâu thì trích, vẫn cứ là truyện kể, để phiếm. Phiếm nhẹ nhàng, cả chuyện Đạo lẫn truyện kể ở đời, cho vui. Dù, có ai ở đâu đó đang thấy cay cay nơi con mắt
            Thế đó, một vài tư-tuởng nhỏ, vẫn do bầy tôi bần đạo đây, chỉ muốn phiếm nhè nhẹ để hôm nay vui, mà thôi.

            Trần Ngọc Mười Hai
            Có những ngày ngồi phiếm
            chẳng biết có đạt hay không, vẫn cứ làm.