Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 28 mùa Thường niên
năm A 12-10-2014
“Mây, sao còn bay mãi không quay về đây?”
“Sao còn lờ lững che ngang, rừng cây.
Sao còn hờ hững với tôi, từng giây.
Hay còn mơ nghĩ đến ai nào đây”?
(Nhạc Ngoại Quốc – Lời Việt: Mây Lang Thang do Nam Lộc viết)
(1Cor 15: 10-11)
Mây bay mãi, không quay về đây, điều
đó thật dễ hiểu. Nhưng nếu hỏi mây: “Sao
còn hờ hững với tôi từng giây, hay còn mơ nghĩ đến ai nào đây?” thì bố ai
mà trả lời cho đúng được. Còn khó hơn cả cái trò “Đố vui để …chọc” nữa, nếu bạn
lại cứ hát và cứ hỏi những câu nghe phát khiếp, như sau:
“Mây, xin dừng chân đến bên tôi, một đêm.
Xin đừng bay chốn môi hôn, thật êm.
Xin đừng nghe gió dâng lên, thật cao.
Xin đừng ân ái với muôn, vì sao”.
(Nam Lộc – bđd)
Hát như thế, kể cũng khá ư là lấn cấn.
Lấn và cấn hơn nữa, vẫn là câu hát đầy những xót xa suốt một đời, chỉ vì yêu! Thôi
thì, hỡi bạn và hỡi tôi, ta cứ nghe xong bài hát đã, rồi sẽ biết.
“Đời tôi đã, xót xa nhiều cũng vì yêu!
Niềm thương nhớ, biết đến bao giờ làm mây quên lãng!
Chào mây nhé, mây bay về, về phía trời cao!
Ôi niềm ao ước, mối tình tha thướt, như làn mây lướt!”
(Nam Lộc – bđd)
Chao ôi, những lời là lời và cũng là lời
lẽ, rất tiếng Việt! Lời Việt, nhiều lúc cũng thấy nói: “xót xa một đời, cũng vì yêu!” Ôi chao! nhạc và lời. Nhạc và lời
đây, muốn nói lên một nhận-định gồm những nhắn nhủ gửi đến mọi người, mỗi khi
yêu.
Vâng. Có thể là như thế. Như thế, tức:
nghệ-sĩ đời, nay vẫn cứ là hay hát những lời tình-tứ rất nhiều tình-tự như “lang
thang” nhiều mây xám, xót xa nhiều, chỉ vì yêu! Ấy vậy mà, mây mưa vần vũ lại vẫn
yêu hoài và yêu mãi, rất lang thang/lảng vảng giống như mây! Vâng. Một khi đã
có tình-tự đầy những mây mưa, trăng gió, với bão lòng, thì nghệ sĩ nhà mình còn
muốn hát, thêm một câu như sau:
“Mây, mây buồn mây khóc mỗi khi vào mưa.
Hay là mây nhớ mối duyên tình xưa.
Khi tình chưa biết đớn đau là chi,
Khi dòng nước mắt chưa hoen vào mi.”
(Nam Lộc – bđd)
Mây mà cũng biết buồn biết khóc sao?
Biết cả đến nói đùa như những điều tai nghe mắt thấy được cả những chuyện tưởng
như thật. Thật ra thì, không chỉ mỗi người nghe và người thấy là biết được điều
ấy mà thôi, nhưng cả người hát những lời như thế đấy, cũng thấy thoải mái với những
lời từ đấng bậc vị vọng ở trên cao, rất Giáo-hội! Những lời lẽ rất hài-hước rất
đáng cười rộ như sau:
“Hôm ấy, ngày Tình-nhân năm 2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô
có bài nói chuyện với các cặp vợ chồng, nam nữ thứ thiệt. Rồi, trong một thoáng
rất nhanh, hầu như để minh-hoạ cho những điều tốt/xấu gặp phải trong đời chồng/vợ,
Đức Phanxicô bèn có lời nhắn với người nghe như một sự thật, rằng: Anh chị em,
đừng tỏ ra hãi sợ khi phải giáp mặt với các khó khăn trong đời vợ/chồng…
Mọi người chúng ta đều đã biết: chẳng bao giờ có cái-gọi-là
gia-đình trọn-hảo hết. Cũng chẳng khi nào lại có cái-gọi-là người-chồng-lý-tưởng,
hết. Người chồng hoặc người vợ lý-tưởng, chẳng bao giờ xuất hiện trên cõi đời
này… Nói đến đây, Đức Giáo Hoàng bèn ứng-khẩu bằng câu nói: ‘Tôi đây, dù cũng
có mẹ/có cha nhưng chả bao giờ có cái-gọi-là “bà già vợ” hết, nhưng trong suốt
đời mình, tôi cũng từng chiến đấu không ngừng nghỉ với những Satan, rất đầy
mình… giống như thế. Nói đến đây, tôi sực nhớ đến câu hỏi: có gì khác biệt giữa
cái mà bên tiếng Anh người ta gọi là “Out-laws” (tức: những người sống ngoài
vòng pháp-luật) và “In-laws” (tức: “xuôi-gia” hoặc “oan-gia” bên tiếng Việt). Nhưng,
thực tế vẫn có câu: “The outlaws are always wanted, but not in-laws”.. (tức:
người sống ngoài vòng pháp-luật luôn được chiếu-cố vẫn rất muốn, còn hai bên xuôi-gia
thì không!). Nói đến đây, Đức Giáo Hoàng bèn nhớ lại câu chuyện khá buồn cười về
các bà mẹ vợ/mẹ chồng rất “in-laws”, bèn kể lại như sau:
Có lần đi sở thú để tham quan/thư giãn, tôi chợt thấy tự
dưng có người đàn ông cứ hớt-hơ hớt-hải chạy đến chỗ tôi yêu cầu một điều gì xem
chừng quan-trọng lắm. Không để cho người này kịp phân-trần, tôi bèn hỏi trước:
-Chuyện gì thế anh?
-Dạ thưa cha. Cũng vẫn chuyện bà má vợ của con mà ra thôi!
-Cha chả, chắc anh đây lại gặp rắc rối với bà má vợ rồi
phải không?
-Dạ không phải thế đâu, thưa Cha. Chả là: bà má vợ của con
sơ ý thế nào đó, té ngay xuống chuồng nuôi nhốt mấy chú cá sấu ở đằng đó, mà thôi!…
-Thế, anh muốn tôi làm gì cho anh đây? Nhảy xuống đó để cứu
cụ bà má vợ anh hả?
-Dạ, không dám đâu. Con chỉ xin Cha cầu nguyện nhiều cho
mấy cá sấu đáng thương ấy, thôi!”
(Truyện kể trên
mạng: Pope Francis meets lovers for St
Valentine’s jokes about mother-in-laws, Philip Putella 14/2/2014)
Quả là, Tây với Ta hay Tầu, đâu cũng có
khác-biệt trong đối-xử với xui-gia hoặc oan-gia, có bà má chồng/má vợ, ở nhà. Với
người Việt, thì chỉ “bà mẹ chồng” mới thành chuyện. Còn bên Tây, người ta chỉ
“ái-ngại” mỗi “Bà dzà dzợ” thứ thiệt, chứ chẳng chơi.
Lại cũng thế, điều khác-biệt giữa người
thường ngoài đời và đấng bậc ở trong Đạo, là như câu hát: “Đời tôi đã xót xa nhiều, cũng vì yêu” thấy cũng “sợ”. Sợ ở đây,
không chỉ mấy chú cá sấu dữ-tợn đang đói bụng, mà là: sợ ai đó chỉ vì mỗi chữ “yêu”
hoặc “ghét”, thôi! Cũng vì, quá yêu vợ/yêu chồng, nên mới sợ?
Sợ hay không, những ai có kinh-nghiệm
từng-trải về chuyện yêu-đương hay đương yêu, mới biết được. Sợ ở đây, thật ra
cũng chẳng là sợ “sự-thật-mất-lòng”, ai nào biết. Thôi thì, hôm nay, đề-nghị bạn/đề-nghị tôi, ta
cứ để đó mọi chuyện, hạ hồi phân-giải. Nay, hãy đi vào phần “phiếm loạn” cho mọi
người nhờ. Nhưng, trước khi đi vào đoạn
“phiếm” khá tương-đối, lại cũng xin đề-nghị bạn/đề-nghị tôi, ta nghe thêm đôi
câu hát để nghĩ tiếp:
“Mây,
mây còn phiêu lãng đến bao giờ đây?
Mây
còn ngơ ngác lang thang về đâu?
Xin
dừng chân nói với nhau một câu.
Xin
đừng câm nín vơi nhau dài lâu”.
(Nam Lộc – bđd)
Vâng đúng thế. “Xin đừng câm nín với nhau dài lâu” nhưng hãy cứ phiếm. Phiếm, bằng
sự thể kể ra đây đôi điều vẫn cần bàn, ở chốn thị thành, như sau:
“Anh
chị em thân mến,
Hôm nay tôi viết
thư này gửi đến anh chị em nhân ngày lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Vào Đền thờ. Thánh-sử
Luca cho ta biết: đã từ lâu, Đức Mẹ và thánh Giuse vẫn tuân-giữ luật Môsê, nên
đã quyết-định đem Hài Nhi Giêsu vào Đền thờ mà dâng Ngài lên Thiên-Chúa. Và khi
ấy, có người đàn ông tên Simêôn, là người công-chính, mộ-đạo và có cả bà Anna
được Thánh Thần Chúa thúc đẩy đã ra đi gặp các ngài, nên nhận ra được Hài Nhi Giêsu
đích-thực là Đấng Thiên-Sai, Chúa gửi đến. Ông Simêôn lúc ấy đã xin bồng/ẵm Hài
Nhi trên tay mà chúc tụng Thiên-Chúa rồi nói: cuối cùng thì ông cũng đã “thấy” được
ơn cứu-chuộc tỏ ánh vinh-quang trên dân Người.
Và thánh Anna, dù đang ở tuổi cao niên, cũng thấy được
nguồn sinh-lực mới giúp bà khởi sự nói cho mọi người biết về Hài Nhi Đức Chúa. Đây
là hình-ảnh tuyệt đẹp: bậc cha mẹ trẻ hiệp cùng với hai vị cao niên được Chúa run
rủi để gặp gỡ nhau. Hài Nhi Đức Chúa là Đấng đem mọi người đến với nhau và nối-kết
mọi thế-hệ được hiệp-thông yêu thương lẫn nhau. Ngài là suối-nguồn tình-yêu đã vượt
qua mọi giai-đoạn tự lôi kéo mọi sự về mình, bứt phá tâm-trạng lẻ loi, buồn bã.
Bằng vào hành-trình rong ruổi theo cách của gia-đình đùm bọc, anh chị em vẫn
cùng nhau san sẻ nhiều thời-khắc quý-báu trong đời, như: cùng ăn uống, ngơi nghỉ,
làm việc lao động, giải-trí cũng như cầu-nguyện hoặc đi hành hương đây đó, vẫn
là những giờ phút hỗ trợ nhau.
Đàng khác, nơi nào không có tình yêu-thương, ở đó chẳng
bao giờ có niềm an vui,êm ấm. Và tình-yêu đích-thực chỉ đến với ta từ Đức GIêsu
mà thôi. Ngài phú-ban cho ta lời lẽ chiếu sáng con đường ta rong ruổi trên đường
đời và Ngài còn ban cả Bánh sự sống phụ giúp ta trong chuỗi ngày rong ruổi đường
dài ấy.
Anh chị em trong các Gia đình thân mến,
Lời lẽ và tâm tình anh chị em nguyện cầu cho Thượng Hội Đồng
Giám mục sắp diễn ra nơi đây, sẽ là thứ vàng bạc/châu báu làm giàu Hội thánh
ta. Tôi xin gửi lời cảm tạ và cũng xin anh chị em thêm lời cầu nguyện cho tôi ,
để tôi có sức phục vụ dân con của Chúa trong sự thật và tình thương-yêu. Cũng
xin Mẹ rất thánh và thánh Giuse luôn tháp-tùng tất cả anh chị em và giúp anh chị
em vững bước trong yêu-thương và chăm sóc, đùm bọc lẫn nhau. Giờ này đây, tôi
thật lòng khẩn nài Thiên Chúa đầy lòng xót thương đổ muôn ơn lành thánh xuống tất
cả mọi gia-đình”. (x.
tập san The Majellan Family số tháng
7-9/2014, trích dẫn thư Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi hết mọi gia-đình, tr. 1-3).
Thế đó, là lời lẽ của đấng bậc ở tít trên
cao toà nhà Hội thánh diễn tả về tình gia-đình, và tình mọi người cần có với gia-đình
và với nhau. Dù, người đó có là “mẹ chồng” hay “mẹ vợ”, cũng vẫn tốt. Miễn sao
tình thương-yêu lành-thánh cứ đổ tràn lan sang với mọi người.
Thế đó, là tình-yêu vẫn được ấp-ủ
trong gia đình. Gia đình sẽ không là gì cả, nếu không có tình-yêu. Bởi
tình-yêu, là cột-trụ chống đỡ và gìn giữ mọi thứ tình của người đời. Cả với bạn
bè/người thân. Cả với chòm xóm, nhóm-hội đoàn thể trong xã hội hoặc Giáo-hội.
Tình gia-đình trước hết và trên hết, vẫn
được bậc mẹ cha trân-trọng và duy-trì bất chấp mọi hoàn-cảnh đau-đớn, khó-khăn
có thể có. Điều này, được người viết không ghi danh viết xuống thành thơ, thành
văn rất tâm-tình, như truyện kể nhè nhẹ, ở bên dưới:
“Truyện rằng:
Cái nghèo cái
đói thường trực trong ngôi nhà nhỏ này, nhưng dường như, nỗi cơ cực bần hàn ấy
không buông tha họ. Cậu con bắt đầu cắp sách đến trường cũng là lúc nỗi mất mát
lớn bỗng nhiên đổ ập xuống đầu họ. Cha qua đời vì cơn bạo bệnh. Hai mẹ con tự
tay mình mai táng cho người chồng, người cha vắn số.
Người mẹ góa bụa ở vậy, chị quyết không đi bước nữa. Chị biết, bây giờ chị là
chỗ dựa duy nhất cho con trai mình. Chị cặm cụi,chăm chỉ gieo trồng trên thửa
ruộng chật hẹp, tài sản quý giá nhất của hai mẹ con chị. Ngày qua ngày, năm nối
năm, những tấm giấy khen của cậu con trai hiếu học dán kín cả bức tường vôi
nham nhở. Nhìn con trai ngày một lớn lên, ngoan ngoãn, học hành giỏi giang, nước
mắt bỗng lăn trên gò má chị.
Học hết cấp
hai, cậu thi đậu vào trường cấp ba trọng điểm của thành phố. Gánh nặng lại oàn
lên vai người mẹ. Thế nhưng không may thay, khi giấy báo trúng tuyển về đến tay
cậu cũng là lúc mẹ cậu ngã bệnh. Căn bệnh quái ác làm chị liệt nửa chi dưới. Vốn
là lao động chính của gia đình, giờ chị chẳng thể đi lại bình thường như xưa
nữa nói chi đến chuyện làm nông. Cậu bé vốn hiểu chuyện, thương mẹ vất vả, cậu
xin nghỉ học:
- Mẹ này, con nghỉ học thôi, ở nhà làm ruộng thay mẹ. Đi học, tiền đâu mà đóng
học phí, tiền sinh hoạt phí, lại còn mỗi tháng nộp 15 cân gạo nữa, nhà mình
biết lấy đâu ra số gạo đó.
- Có thế nào con cũng không được bỏ học. Con là niềm tự hào của mẹ.Chỉ cần con
chăm chỉ học hành, còn những việc khác, con không phải bận tâm.
Hai mẹ con tranh luận rất lâu, cậu kiên quyết không đi học nữa vì không muốn mẹ
mình khổ. Cậu trở nên ngang bướng và lì lợm. Phải đến khi nóng nảy quá không
kiềm chế được, mẹ cậu giơ tay tát cậu một cái vào má, cậu mới sững người
lại.Đây là cái tát đầu tiên trong đời cậu con trai mười sáu tuổi. Mẹ cậu ngồi
thụp xuống đất và khóc nức nỡ…
Nghe mẹ, cậu
khăn gói vào trường nhập học. Lòng cậu nặng trĩu. Người mẹ đứng lặng hồi lâu, nhìn
bóng con trai khuất dần… Ít lâu sau, có một người mẹ lặc lè vác bao tải dứa, chân
thấp chân cao đến phòng giáo vụ. Chị nộp gạo cho con trai. Chị là người đến
muộn nhất. Đặt bao gạo xuống đất, chị đứng thở hổn hển một hồi lâu rồi nem nép
đi vào.
Thầy Hùng phòng
giáo vụ nhìn chị, nói:
-Chị đặt lên
cân đi. Mở túi gạo ra cho tôi kiểm tra.
Chị cẩn thận
tháo túi. Liếc qua túi gạo, hàng lông mày của thầy khẽ cau lại, giọng lạnh
băng:
-Thật chẳng biết nên nói thế nào. Tôi không hiểu sao các vị phụ huynh cứ thích
mua thứ gạo rẻ tiền đến thế cho con mình ăn. Đấy, chị xem. Gạo của chị lẫn lộn
đủ thứ, vừa có gạo trắng vừa có gạo lức lẫn gạo mốc xanh đỏ, cả cám gạo nữa, đây
còn có cả ngô nữa… Thử hỏi, gạo thế này, chúng tôi làm sao mà nấu cho các em ăn
được. Thầy vừa nói vừa lắc đầu.
-Nhận vào! Thầy nói, không ngẩng đầu lên, đánh dấu vào bảng tên của học sinh. Mặt
người mẹ đỏ ửng lên. Chị khẽ đến bên thầy nói:
-Tôi có 5 đồng,
thầy có thể bổ sung vào thêm cho cháu để phụ tiền sinh hoạt phí được không thưa
thầy?
-Thôi, chị cầm
lấy để đi đường uống nước. Thầy nói và vẫn không ngẩng đầu lên nhìn người phụ
nữ tội nghiệp đang loay hoay, khổ sở, mặt đỏ ửng, chân tay thừa thải vì chẳng
biết làm thế nào. Chị chào thầy rồi lại bước thấp bước cao ra về.
Đầu tháng sau, chị lại đến nộp gạo cho con trai. Thầy lại mở túi gạo ra kiểm
tra rồi lại cau mày, lắc đầu. Thầy có vẻ lạnh lùng, ác cảm:
- Chị lại nộp
loại gạo như thế này sao? Tôi đã nói phụ huynh nộp gạo gì, chúng tôi cũng nhận,
nhưng làm ơn phân loại ra, đừng trộn chung như thế này. Chúng tôi làm sao mà
nấu cơm cho ngon để các em ăn được? Chị nghĩ thử xem, với loại gạo hổ lốn thế
này, liệu chúng tôi có thể nấu cơm chín được không? Phụ huynh như các chị không
thấy thương con mình sao?
- Thầy thông cảm. Thầy nhận cho, ruộng nhà tôi trồng được chỉ có thế!
Người phụ nữ bối rối.
- Thật buồn cười cái nhà chị này! Một mảnh ruộng nhà chị có thể trồng đến hàng
trăm thứ lúa thế sao? Nhận vào! Giọng thầy gằn từng tiếng và vẫn không ngẩng
đầu lên nhìn chị.
Người mẹ im bặt, mặt chị trở nên trắng bệt, nhợt nhạt. Chị lí nhí cảm ơn thầy
rồi lại lặng lẽ bước thấp, bước cao ra về. Dáng chị liêu xiêu, đổ vẹo trong cái
nắng trưa hầm hập như đổ lửa.
Lại sang đầu
tháng thứ ba của kỳ nộp gạo. Chị lại đến. Vẫn dáng đi xiêu vẹo, mồ hôi mướt mải
trên trán, ướt đẫm lưng áo của người mẹ trẻ. Bao gạo nặng dường như quá sức với
chị.
Thầy lại đích thân mở túi gạo ra kiểm tra. Lần này, nét giận dữ in hằn trên mặt
thầy. Thầy rành rọt từng tiếng một như nhắc để người phụ nữ ấy nhớ:
- Tôi đã nói
với chị thế nào. Lần này tôi quyết không nhân nhượng chị nữa. Chị làm mẹ mà sao
ngoan cố không thay đổi gì thế này. Chị mang về đi. Tôi không nhận!
Người mẹ thả phịch bao gạo xuống đất. Dường như bao nỗi ấm ức, đau khổ và bất
lực bị dồn nén bao ngày đột nhiên bừng phát. Chị khóc. Hai hàng nước mắt nóng
hổi, chan chứa trên gương mặt sớm hằn lên nét cam chịu và cùng quẫn. Có lẽ, chị
khóc vì tủi thân và xấu hổ. Khóc vì lực bất tòng tâm.
Thầy Hùng kinh
ngạc, không hiểu đã nói gì quá lời khiến cho người phụ nữ trẻ khóc tấm tức đến
thế. Chị kéo ống quần lên để lộ ra đôi chân dị dạng. Một bên chân quắt queo lại
rồi nói:
- Thưa với thầy, gạo này là do tôi... Tôi đi ăn xin, gom góp lại bao ngày mới
có được. Chẳng giấu gì thầy, chân cẳng tôi thế này, tôi làm ruộng thế nào được
nữa. Cháu nó sớm hiểu chuyện, đòi bỏ học ở nhà giúp mẹ làm ruộng. Thế nhưng tôi
kiên quyết không cho, kiên quyết không để con tôi thất học. Có học mới mong
thoát khỏi cảnh cơ cực này. Nhà chỉ có hai mẹ con, cha cháu mất sớm... Thầy
thương tình, thầy nhận giúp cho. Không nộp gạo, con tôi thất học mất!
Người mẹ trẻ này đều đặn ngày nào cũng thế. Trời còn tờ mờ, khi xóm làng còn
chưa thức giấc, chị đã lặng lẽ chống gậy, lê mình rời khỏi thôn. Chị đi khắp
hang cùng ngõ hẻm bên xóm khác xin gạo. Đi mãi đến tối mịt mới âm thầm trở về. Chị
không muốn cho mọi người trong thôn biết.
Lần này người
bị xúc động mạnh lại là thầy Hùng. Thầy đứng lặng hồi lâu rôi nhẹ nhàng đỡ chị
đứng lên. Giọng thầy nhỏ nhẹ:
- Chị đứng lên
đi, người mẹ trẻ! chị làm tôi thực sự bất ngờ. Tôi đã có lời không phải với
chị. Thôi thế này, tôi nhận. Tôi sẽ thông báo với trường về hoàn cảnh của em
học sinh này, để trường có chế độ học bổng hổ trợ cho học sinh vượt khó.
Người mẹ trẻ
đột nhiên trở nên cuống quýt và hoảng hốt. Chị gần như chắp tay lạy thầy. Giọng
chị van lơn:
- Xin thầy. Tôi
có thể lo cho cháu, dù không đầy đủ như các bạn nhưng tôi lo được. Khổ mấy, vất
vả mấy tôi cũng chịu được. Chỉ xin thầy đừng cho cháu hay chuyện này. Đây là bí
mật của tôi, mong thầy giữ kín giùm cho.
Chị kính cẩn
cúi đầu chào thầy như người mà chị mang một hàm ơn lớn, đưa tay quệt mắt rồi
lại nặng nhọc, liêu xiêu ra về. Lòng thầy xót xa. Thầy Hùng đem câu chuyện cảm
động này báo với hiệu trưởng. Ban giám hiệu trường giữ bí mật này tuyệt đối. Nhà
trường miễn phí toàn bộ học phí và sinh hoạt phí cho cậu học sinh có hoàn cảnh
đặc biệt này. Ngoài ra, học lực của cậu rất khá, đủ tiêu chuẩn nhận được học
bổng của trường.
Cuối cấp, cậu
dẫn đầu trong danh sách những học sinh xuất sắc của trường. Cậu thi đậu vào
trường đại học danh tiếng nhất của thủ đô. Trong lễ vinh danh học sinh ưu tú, khi
tên cậu được xướng lên đầu tiên, mẹ cậu lặng lẽ đứng ở một góc khuất, mỉm cười
sung sướng.
Có điều rất lạ,
là: trên sân khấu hôm ấy, có ba bao tải dứa sù sì được đặt trang trọng ở một
góc phía ngoài cùng, nơi mọi người có thể dể dàng nhìn thấy nhất. Ai cũng thắc
mắc, không hiểu bên trong ấy chứa thứ gì.
Trong bầu khí trang nghiêm buổi lễ ấy, thầy hiệu trưởng rất xúc động và kể lại
câu chuyện người mẹ trẻ đi ăn xin nuôi con học thành tài. Cả trường lặng đi vì
xúc động.Thầy hiệu trưởng ra dấu cho thầy Hùng phòng giáo vụ đến mở ba bao tải
ấy ra. Đó là ba bao gạo mà người mẹ với đôi chân tật nguyền lặn lội khắp nơi
xin về. Thầy nói:
- Đây là những
hạt gạo mang nặng mồ hôi và nặng tình của người mẹ yêu con hết mực. Những hạt
gạo đáng quý này, Tiền, vàng cũng không thể mua nổi. Sau đây, chúng tôi kính
mời người mẹ vĩ đại ấy lên sân khấu.
Cả trường lại
một lần nữa lặng người đi vì kinh ngạc. Cả trường dồn mắt về phía người phụ nữ
chân chất, quê mùa đang được thầy Hùng dìu tùng bước khó nhọc bước lên sân
khấu. Cậu con trai cũng quay đầu nhìn lại. Cậu há hốc miệng kinh ngạc. Cậu
không thể ngờ rằng người mẹ vĩ đại ấy không ai khác chính là người mẹ thân yêu
của cậu.
- Chúng tôi
biết, kể ra câu chuyện này sẽ khiến cậu học sinh ưu tú nhất trường bị chấn động
rất mạnh về tâm lý. Thế nhưng, chúng tôi cũng mạn phép được nói ra vì đó là tấm
gương sáng, tấm lòng yêu thương con vô bờ bến của người mẹ. Điều đó hết sức
đáng quý và đáng được trân trọng. Chúng tôi muốn thông qua câu chuyện cảm động
này, giáo dục các em học sinh thân yêu của chúng ta về đạo đức và lối sống, về
tình người và những nghĩa cử cao đẹp. Hôm nay, một lần nữa chúng ta vinh danh
những người cha, người mẹ đã cống hiến, hy sinh cả đời mình vì tương lai con
em…
Giọng thầy hiệu trưởng đều đều, ấm áp và hết sức xúc động. Tai cậu ù đi, cậu
chẳng nghe thấy gì nữa cả, mắt cậu nhòe nước. Mẹ cậu đứng đó, gầy gò, khắc khổ,
mái tóc đã sớm điểm bạc, mắt bà cũng chan chứa niềm hạnh phúc và ánh mắt ấm áp,
yêu thương ấy đang hướng về phía cậu với cái nhìn trìu mến.
Người phụ nữ ấy run run vì chưa bao giờ đứng trước đám đông. Run run, vì những
lời tốt đẹp mà thầy hiệu trưởng đã giành cho mình. Với chị, đơn giản tất cả chỉ
xuất phát từ tình yêu bao la mà chị giành cho con trai. Chị không nghĩ được thế
nào là sự hy sinh hay đạo lý lớn lao ấy.
Cậu con trai cao lớn đứng vụt dậy, chạy lên ôm chầm lấy mẹ mà mếu máo khóc
thành tiếng:
-Mẹ ơi ! Mẹ của con…(Linh Đan dịch từ truyện ngắn khuyết danh của
Trung Quốc)
Dịch từ bản nào cũng là dịch. Diễn từ
bài ở đâu, cũng là diễn. Miễn là, văn bản và bài bản đều diễn-tả tình thương
yêu từ người này đem đến cho người khác. Có thể, tình thương yêu đó do từ người
mẹ. Cũng có thể từ người thầy, người cha tinh-thần ở chốn cao, nơi Hội thánh. Tất
cả đều nói lên thứ tình cần cần diễn-đạt, như đấng thánh hiền-lành khi xưa từng
ghi rõ, cho mọi người:
“Nhưng
tôi có là gì,
cũng
là nhờ ơn Thiên Chúa,
và
ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu;
trái
lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác,
nhưng
không phải tôi,
mà
là ơn Thiên Chúa cùng với tôi.
Tóm
lại, dù tôi hay các vị khác rao giảng,
thì
chúng tôi đều rao giảng như thế,
và
anh em đã tin như vậy.”
(1Cor 15: 10-11)
Quả có thế. Không có
Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu đến với mọi người, thì bạn và tôi, ta có làm gì đi nữa
cũng không xong. Nghĩ thế rồi, hỡi bạn
và tôi, ta cứ hát lên lời ca đầy tình-tứ có làn mây vẫn tràn đầy yêu-thương như
tự bao giờ:
“Mây,
mây còn phiêu lãng đến bao giờ đây?
Mây
còn ngơ ngác lang thang về đâu?
Xin
dừng chân nói với nhau một câu.
Xin
đừng câm nín vơi nhau dài lâu”.
(Nam Lộc – bđd)
Hát
thế rồi, xin bạn và xin tôi từ nay đừng âm-thầm, câm nín như mây bay lơ lửng khắp
tầng trời. Nhưng hát nói lên, hát lên những lời tình-tứ đầy tình-tự yêu thương,
nồng thắm, khắp muôn nơi.
Trần Ngọc Mười Hai
Và những đám mây vô tình
Cứ quanh quẩn bên mình
Suốt nhiều ngày.
Không chịu bay.
No comments:
Post a Comment