Saturday 30 April 2016

Cầm tay ta hát, hát khúc ca yêu đời cho người vui.



Chuyện phiếm đọc trong tuần sau lễ Chúa Về Trời 08-5-2016

Cầm tay ta hát,
hát khúc ca yêu đời cho người vui.
Với tình ta chan chứa,
bao la trong bước đi trên đường đời.”
(Văn Phụng – Vui đời Nghệ Sĩ)
(Thư 1 Tim 2: 7-12)

Nay hướng về, buổi diễn-trình kỷ-niệm 10 năm “Hát Cho Nhau” ở Sydney vào giữa năm 2016, hát sĩ họ Vũ vui vẻ hát các câu ca/điệu nhạc rất “Vui đời nghệ sĩ”, ai cũng thấy có cái gì đó đã và đang reo vui trong lòng người rất nghệ-sĩ, lại khiến người nghe nhung-nhớ rất nhiều điều. Có một điều, khiến bần đạo nhớ nhiều nhất, lại cũng là câu nói hoặc ca-từ này/khác, có thể làm người hát và người nghe “Vui Đời Nghệ Sĩ”, hoặc “đau đớn can tràng”, đến suốt đời.

Nhớ nhiều hơn cả, lại là ca-từ thân-thương được bạn đạo hát thêm, như sau:

“Ơ kìa! chàng thi sĩ
đang miên man đi tìm bao vần thơ.
Ơ kìa! nàng ca sĩ
đang say sưa cung đàn cho đời mơ.
Tính tính tang tang tình
lời thơ và ý nhạc
Thắm thiết gieo cho người
một ý niệm yêu đời
Còn chi vui hơn đời nghệ sĩ chúng ta?
Nguồn vui phơi phới
trên đôi môi xinh hồng bên ngàn hoa.
Chứ dù mưa hay nắng
ta vui ca bên nhau bao lời thơ.”
(Văn Phụng – bđd)

Vâng. Đúng thế. “Dù mưa hay nắng, ta vui ca bên nhau bao lời thơ” để nhớ mà sống cho vui đời.
Vâng. Cứ “vui ca lên nào anh em ơi”! Ca cho nhiều, dù mưa hay nắng, rồi ra chắc chắn lời ca của ta cũng sẽ thành thơ/thành nhạc, rất vui đời.

Vâng. Đúng thế và sẽ còn đúng hơn thế nữa, nếu lời giảng/sẻ chia ở nhà thờ không còn những câu hỏi “chĩa xuống” bạn đạo là người nghe ở ghế dưới có những câu hỏi rất khó trả lời. Bởi, giảng-giải lời Chúa hay còn gọi là “chia sẻ (chứ không phải là “băm xẻ”) Lời Ngài” đâu là lời hỏi han hoặc hỏi/đáp tự bao giờ mà sao bạn trẻ đấng “lờ-mờ” (lm) lại cứ hỏi thay vì giảng!

Cứ hỏi han hoặc hỏi/đáp mãi, khiến bần đạo lại nhớ câu chuyện tiếu-lâm chay, từng giúp bần đạo từ nay chỉ dám mở miệng có chừng mực, như sau:

“Có ông khách nọ tới hàng bán chim chóc, tức những chim không chọc và thú nuôi trong nhà. Bà bán chim ra tiếp bèn quảng cáo hết lời rằng: chim bà nói được nhiều thứ tiếng, rất trôi chảy.
Ông khách thấy hay hay, bèn hỏi một con chim rất đẹp bằng tiếng Pháp:
-Comment allez-vous?"
Chim trả lời ngay lập tức:
-C,a va bien, merci."
Ông khách lại hỏi tiếp bằng tiếng nước khác:
-How are you?
Chim đẹp lại đáp gọn:
-I'm fine, thank you.
Ông khách quay sang hỏi tiếng Tây Ban Nha của người Mễ:
-Como estas?
Không chút do dự, Chim ta trả lời liền:
-Muy bien.
Ông khách thấy vậy bèn hỏi thử bằng tiếng Việt:
-Mày khoẻ không?
Chim ta trả lời nhiều quá, thấy mệt bèn lên tiếng:
-Ấy ấy! Ông hỏi gì mà lắm thế, chim đây biết đâu mà trả lời trả vốn chứ!”

Ấy đấy! Thực tế cuộc đời người, có nhiều thứ/nhiều sự do từ cái miệng của con người cứ hay hỏi-han và/hoặc thích hỏi/đáp ngoài nhà thờ, khiến cho người và mình không mấy vui như ca-từ nhạc-bản “Vui đời nghệ-sĩ” đến như thế!

Đấy kìa! Thực-tại đời đi Đạo và sống Đạo trong đời, cũng có nhiều sự/việc không mấy dễ hiểu và dễ chịu như nhiều người tưởng hoặc nghĩ. Nghĩ hoặc tưởng, nhiều lúc không đúng sự thật. Trong Đạo-vào-đời, có nhiều sự/việc xảy ra ở đây đó, mới đây thôi như :

“Nhật-báo The Guardian ở Anh, mới đây có tường-trình về sự-việc xảy ra ở Bàn Quỳ Nhà Thờ, bằng một khảo-sát/nghiên-cứu về “lòng sốt-sắng giữ đạo” ở nhiều nơi trên thế-giới (khoảng 84 nước) và gửi các tôn-giáo khác nhau, cả về giới-tính.

Theo tường-trình này, vấn-đề “Cách-biệt Giới-tính trong Tôn-giáo”, thì: hầu hết nữ-giới lại có lòng sốt-sắng/đạo-đức nhiều hơn phái nam. Có đến 83.4% nữ-giới trên khắp thế-giới được định-danh là thuộc nhóm/phái có lòng tin, trong khi đó thì phái nam chỉ có mỗi 79/9% như thế mà thôi…

Về chuyện những người được liệt chung vào cùng nhóm/phái có tín-ngưỡng và đến nơi thờ-phượng sinh-hoạt đạo-giáo, thì nữ-giới Đạo Chúa đến nhà thờ đông hơn nam-nhân. Tuy nhiên, với người Hồi-giáo và Do-thái-giáo chính-tông, thì phái nam đến hội-đường hoặc đền-thờ nhiều hơn nữ-giới do luật đạo phán/bảo như thế. Về cầu nguyện, thì nữ-giới cũng làm thế mỗi ngày ít là một lần nhiều hơn nam-nhân.

Trong số 84 quốc-gia nhận được khảo-sát, chỉ có nước Israel có tỷ-lệ nam-nhân mỗi ngày cầu nguyện nhiều hơn nữ-giới. Khảo-sát trên cho biết: ở Mỹ, có 64% nữ-giới và 47% nam-nhân bảo rằng họ đọc kinh cầu nguyện mỗi ngày. Trong khi tại Pháp, con số tương đương chỉ tính được là 15% nữ-giới và 9% nam-nhân làm được thế…” (Xem Marcus Roberts, Women are more religiously devout than men, MercatorNet 05/4/2016)

Xét việc xảy ra trong đời đi Đạo mà lại tỏ-lộ như thế không biết có đúng thật hay không? Thật ra thì, có thật hay không, điều đó cũng khó biết. Phần đông mọi người chỉ biết một điều, là: khi xưa làm người đi Đạo, thật không dễ. Chí ít là làm thân nữ-phụ mà lại muốn giữ Đạo cho tốt/lành, chắc cũng phải nhớ lời dặn-dò của đấng thánh mọi thời là Phaolô, từng chỉ thị như sau:

“Vậy tôi muốn rằng
người đàn ông hãy cầu nguyện ở bất cứ nơi nào,
tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện,
không giận hờn, không xung khắc.
Cũng thế,
tôi muốn người đàn bà phải ăn mặc đoan trang,
đồ trang điểm phải kín đáo, giản dị:
không phải là những kiểu tóc cầu kỳ,
vàng bạc, ngọc trai hay quần áo đắt tiền,
nhưng là những việc lành;
như thế mới thích hợp
với những người đàn bà xưng mình có lòng đạo đức.
Khi nghe lời dạy dỗ,
đàn bà phải thinh lặng và hết lòng phục tùng.
Tôi không cho phép đàn bà giảng dạy,
hay thống trị đàn ông,
trái lại họ phải thinh lặng…”
(1 Tim 2: 7-12)

Đành rằng, muốn giữ Đạo Chúa rất Công-giáo, thì phải như thế. Thế nhưng, đó là chuyện thời xa xưa. Chứ, thời nay mà bàn-bạc hoặc bàn-luận như thế, bọn trẻ nghe thấy chắc khó tin, hoặc khó hiểu. Bởi, giới trẻ bây giờ (ít ra là ở ngpoại-quốc) đâu có “huởn” để đặt những vấn-đề lỉnh-kỉnh như thế mà làm gì!

Đám “trẻ-người-non-dạ” ngày nay, vẫn thường đặt nặng những chuyện gì đó “ra tiền” hoặc “có lợi” về vật-chất, sức khoẻ thôi. Trẻ-người-non-dạ rất nhiều đám, hôm nay chỉ đề ra các vấn-đề đại-loại muốn vấn-nạn bà con đi Đạo bằng những hỏi-han hoặc hỏi/đáp như thể bảo, rằng:

“Lại có vấn-đề lịch-sử Giáo-hội chuyên kình-chống người Do-thái-giáo để cứ thế mà khai-thác nhiều thứ mình muốn làm. Đướng-lối sống rất báng-bổ này, vẫn cứ tồn tại ở Trung Đông và nhiều nơi trên thế-giới, suốt nhiều thời. Và, nay thì những người như thế trong Giáo-hội nhiều nơi vẫn sử-dụng Kinh Sách cách đều đều theo xu-hướng củng-cố chuyện báng-bổ…

Thêm vào vấn-đề Đồng-tính luyến-ái và kình-chống người Do-thái-giáo, lại có cả chuyện nữ-giới bị đối-xử chèn-ép, rất không đẹp trong lịch-sử Giáo-Hội được gọi là thánh. Hiện có hai Giáo-hội Đạo Chúa lớn nhất thế-giới, là: Đạo Công-giáo La Mã và truyền-thống Chính-thống-giáo liên-tục chối-bỏ việc truyền-chức linh-mục cho nữ-giới.

Và nhiều giáo-hội Thệ-phản thủ-cựu, cũng tiếp-tục tranh-cãi nhau về điều mà họ gọi là “Tư-cách Thủ-trưởng”, có ý nói: với tư-cách là phái yếu, nữ-giới sẽ không bao giờ có quyền-hành gì trên nam-nhân, hết…

Tính-chất tiêu-cực đáng sợ ấy lại đã tấn-kích mọi chương-trình kế-hoạch-hoá gia-đình để rồi kéo theo sau tác-động tai-hại lên môi-sinh đặc biệt là vấn-đề nạn nhân-mãn, tất cả đều có gốc-nguồn từ quyền-uy của Kinh Sách ngõ hầu tạo tính-chất tiêu-cực lên niềm tin của người đi Đạo.

Tiếng nói của Kitô-hữu trong thế-giới ta sống vẫn tiếp-tục sử-dụng ngôn-ngữ khác nhau để bộc-lộ không gì khác ngoài tính kiêu-căng/tự-mãn đối với đạo khác để rồi coi tín-đồ của bất cứ đạo nào khác với mình là đối-tượng rất xứng-hợp không phải để đối-thoại mà để chiêu-dụ họ quay trở về với Đạo mình.

Động-thái này thường được củng-cố bằng việc trích-dẫn các lý lẽ rút từ Kinh Sách để bảo rằng truyền-thống đặc-trưng trong đạo mình sở-đắc tính chắc-chắn rút từ Thiên-Chúa-là-Sự-thật mà chỉ nhìn thoáng lúc ban đầu đã thấy đó là niềm tin mù-quáng, về sau chắc chắn trở thành động cơ thúc-đẩy một bách-hại tôn-giáo.

Đó là những gì mà tôi mạo-muội gọi tên là “Các Bản-văn rất Đáng sợ ở Kinh Sách”, nhưng sau đổi lại thành “Các Lỗi Phạm của Thánh Kinh”…  (X. TGm John Shelby Spong, The Sins of Scripture, HarperCollinsPublishers 2005, tr. ix-xvi)

 
Trong đời người, nhiều lúc thấy cái miệng làm hại cái thân của ta và của người, khiến ta và người điêu đứng/tức bực, chỉ vì câu nào đó, giống hệt truyện kể ở bên dưới để minh-hoạ, như sau:

 “Ngày nọ, tôi đi qua một cửa hàng mua sắm, người không đông lắm, có một nhóm người tập trung ở quầy tính tiền. Tôi tiến về phía trước, nhìn thấy một cô gái trẻ ăn mặc chỉnh tề đứng đầu tiên, cô gái quét thẻ nhiều lần, thế nhưng chiếc máy dường như lần nào cũng “cự tuyệt” cô gái.

Có vẻ như đó là một thẻ phúc lợi”, người đàn ông phía sau tôi lẩm bẩm: “Trẻ, khỏe mạnh như thế, mà lại dựa vào phúc lợi để sống, tại sao không như người trẻ khác tìm việc làm đi?”

Cô gái trẻ quay đầu lại theo tiếng nói, ánh mắt cô như muốn tìm xem đó là ai. “Đúng, chính là tôi nói đó”, người đàn ông phía sau tôi chỉ tay vào chính mình.

Cô gái trẻ đỏ bừng mặt, nước mắt cứ thể chảy xuống, cô ném cái thẻ đi, rồi chạy nhanh ra khỏi cửa hàng, và rất nhanh chóng biến mất trong cái nhìn soi mói của mọi người. Vài phút sau, một thanh niên bước vào cửa hàng, cậu đi vào cửa hàng hỏi cô thu ngân rằng có biết cô gái kia đâu không, thu ngân cửa hàng nói rằng cô ấy đã quăng thẻ rồi chạy đi rồi.

-Tôi là bạn của cô ấy, đã xảy ra chuyện gì vậy ạ?”, cậu thanh niên lo lắng hỏi. Người đàn ông phía sau tôi nói: “Tôi không may nói ra những lời ngủ xuẩn, mỉa mai cô ấy dùng thẻ phúc lợi, đáng lẽ tôi không nên nói ra, thật xin lỗi!”

-Ôi, hỏng bét rồi. Hoàn cảnh cô ấy rất đáng thương, anh trai cô đã bị giết chết ở Afghanistan hai năm trước, để lại đằng sau ba đứa em. Cô ấy chỉ 21 tuổi mà phải lo cuộc sống cho 3 đứa em. Thật không ngờ, hôm nay lại xảy ra việc thế này”, người thanh niên lo lắng không yên.

-Đây là những món hàng cô bé kia mua sao?”, người đàn ông phía sau tôi hỏi thu ngân.
-Đúng ạ, nhưng tiếc là thẻ của cô ấy không sử dụng được”, thu ngân nói.

Trong cửa hàng bỗng nhiên trở nên im lặng.
-Cậu chắc chắn biết cô gái đó ở đâu chứ?”, người đàn ông hỏi cậu thanh niên trẻ, rồi ông chen lên phía trước, lấy ra thẻ tín dụng của mình đưa cho thu ngân: “Lấy thẻ của tôi tính tiền đi”.

Thu-ngân-viên nhận thẻ và bắt đầu tính tiền những mặt hàng cô gái đã mua.
-Đợi một chút”, người đàn ông quay người lấy một hộp sữa bò bỏ vào trong túi đồ của cô gái.
-Chúng ta nên giúp đỡ ba đứa bé kia nhiều hơn một chút chứ”, một người phụ nữ đi tới, đem một con gà bỏ vào túi của cô gái, sau đó mọi người lặng lẽ lấy đồ của mình bỏ vào túi đồ của cô gái.
-Chú, cảm ơn chú! Chú là một người tốt, chàng thanh niên nói.

Dù cho chính mắt bạn nhìn thấy, nhưng có lẽ chân tướng sự việc có thể không phải là như vậy. Như lời một triết gia người Hy Lạp từng nói: “Mỹ đức lớn nhất mà nhân loại cần phải học chính là khống chế được cái miệng của chính mình”.

Lan man một luận-phiếm lai-rai/dài dài, thì như thế. Như thế, tức: chỉ tản-mạn hoặc mạn-đàm “lấy lệ” chứ không nhằm mục-đích thuyết-phục ai cả, đó là ý chính hôm nay bần đạo đây muốn bày-tỏ để bà con mình thông cảm.

Thông-cảm rồi, ta sẽ “cứ thế” mà mạn đàm thêm dăm ba phút nữa với những chuyện phiếm/tiếu-lâm chay/mặn cho qua ngày đoạn tháng, rất thường tình. Rào trước đón sau thế rồi, nay mời bạn/mời tôi, ta đi vào vùng trời truyện kể “vui đời nghệ-sĩ” với những đoản-khúc lăng-nhăng, ngăn-ngắn rất làm vì như sau:

Một ông béo phì, không có thì giờ thể dục, bèn đi bác sĩ khám xin thuốc giảm cân. Bác sĩ cho lọ thuốc màu hồng, dặn uống mỗi tối trước khi đi ngủ.

Uống thuốc đều đặn mỗi đêm, cứ đi ngủ là ông lại mơ thấy lạc vô hoang đảo, trên đảo có bầy tiên nữ không mặc đồ, ông bèn rượt bắt, nhưng chẳng bao giờ bắt được. Cứ rượt bắt lòng vòng trên đảo như vậy suốt đêm đến sáng. Thức dậy hai chân mỏi nhừ, mồ hôi vã ra, thở hổn hển. Đêm nào cũng rượt bắt, cũng mỏi nhừ. Ba tháng sau sút cả chục ký.

Ông bạn thân nghe mách vậy cũng tới ông bác sĩ đó khám, xin thuốc để làm ốm bớt. Bác sĩ cho lọ thuốc màu xám, dặn uống mỗi tối. Uống thuốc đều đặn, đêm nào ông này lại cũng mơ thấy lạc vô hoang đảo, trên đảo có đám thổ dân ăn thịt người. Bị thổ dân rượt, ông chạy trối chết, suýt bị tóm trúng mấy lần, nhưng rồi lại thoát. Cứ chạy trốn quýnh quáng lòng vòng trên đảo suốt đêm đến sáng.

Thức dậy hai chân mỏi nhừ, mồ hôi vã ra, thở hổn hển. Đêm nào cũng chạy trốn, cũng mỏi nhừ. Ba tháng sau sút cả chục ký. Nhưng ông này bực lắm, đi bác sĩ khiếu nại:

-Tại sao bạn tui cũng khám chỗ bác sĩ thì lại có giấc mơ đẹp, còn giấc mơ của tui hãi quá. Chưa kể thỉnh thoảng còn suýt bị thổ dân tóm được nữa chứ, có bực không nào! Bác sĩ thủng thỉnh đưa giấy tờ ra giải thích:
-Bạn anh khám trả tiền mặt, còn anh thì xài thẻ “Medicare” hoặc “MediAid”, sao bì được!” (Trích truyện kể chuyển trên mạng rất mỗi ngày)

Kể thế rồi, nay lại muốn mời tôi và mời bạn, ta “cứ thế” cất cao bài hát “Vui Đời Nghệ Sĩ” của nghệ-nhân âm-nhạc rất Văn Phụng có những ca-từ đầy thúc-giục làm kết-đoạn mà về nhà, như sau:

Cầm tay ta hát,
hát khúc ca yêu đời cho người vui.
Với tình ta chan chứa,
bao la trong bước đi trên đường đời.
Ơ kìa! chàng thi sĩ
đang miên man đi tìm bao vần thơ.
Ơ kìa! nàng ca sĩ
đang say sưa cung đàn cho đời mơ.
Tính tính tang tang tình lời thơ và ý nhạc,
Thắm thiết gieo cho người một ý niệm yêu đời
Còn chi vui hơn đời nghệ sĩ chúng ta?
Nguồn vui phơi phới
trên đôi môi xinh hồng bên ngàn hoa.
Chứ dù mưa hay nắng
ta vui ca bên nhau bao lời thơ.”
(Văn Phụng – bđd)


Trần Ngọc Mười Hai
Cũng có nhiều phút giây
Rất Vui đời Nghệ sĩ
Nhưng không nhiều.

Saturday 23 April 2016

“Một làn khói trắng, du đời vào quên lãng



Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ Sáu Phục Sinh năm C 01/5/2016

“Một làn khói trắng,”
“Du đời vào quên lãng
Nâng sầu thành hơi ấm
Hơ dịu tình đau.”
(Vũ Thành An – Bài Không Tên số 7)

(Công Vụ 10: 34-35)

Không tên hay có tên, vẫn một bài hát ấy, cứ lờ-mờ như làn “khói trắng”, rồi “du đời vào quên lãng” “hơ dịu một tình đau.” Thế đó, là giòng nhạc có tình-tự thi-ca cũng rất cổ. Thi-ca cổ đây, là giòng thơ/âm-nhạc vẫn dìu người hát và người nghe đi vào chốn hồn người có nhịp-điệu nhịp “Slow” êm-ả, tình-tứ, khá lãng-mạn.

Còn gì lãng-mạn và trữ-tình bằng những ca-từ liên-tiếp hát như sau:

“Ngày tàn im ắng,
Yêu người làm tóc trắng.
Tâm sự rồi đến đắng,
Như lệ giờ biết nhau.

Đêm vỗ về nuôi nấng
Đêm trao ngọt ngào hương phấn
Buông lơi dòng tóc mỡ
Trên vùng ngày tháng vật vờ.”
(Vũ Thành An – bđd)

Vâng. Dù cho “tâm-sự ngày rất đắng” đến như thế, lại có “đêm vỗ về nuôi-nấng”, đôi lúc còn “buông lơi giòng tóc mỡ”, “trên vùng ngày tháng vật-vờ”, cả đời người.

Vâng. Đời người đi Đạo nay cũng thế. Vẫn thấy “tháng ngày vật-vờ”, vẩn vơ, “ú ớ” cũng rất nhiều. Nhiều, như lập-trường tư-tưởng những là thần-học mù-mờ, vu vơ thật rất nản.

Ấy chết! Có nản hay không do lời-lẽ hoặc ý-nghĩa vẩn vơ, “ú-ớ” ở lời kinh/câu hát nào! Nản một nỗi, là khi các cụ cứ “lửng-lơ-con-cá-vàng-trong-chậu-nước”, âm-thầm như một nhận-định ở giòng chảy trên mạng với chi-tiết sau đây:


“Cách nay 50 năm, tuần-báo Time có đăng ở trang bìa một giòng chữ rất lớn với câu hỏi: “Thượng Đế đã chết thật rồi sao?” Đây là câu-hỏi nóng, do nhà thần-học và triết-gia nọ khi trước từng để ra với thế-giới trần-tục ở phương Tây. Và, các chế-độ vô-thần lâu nay vẫn khuynh-loát phần còn sót của nhân-loại!

Hôm nay, một trong các chế-độ xưa/cổ ấy đã biến dạng. Và tôn-giáo, nay đang đoạt lại chỗ đứng của mình trong cuộc sống ở Nga và một số nước. Có chế-độ còn sửa-đổi cả lề lối chống-báng đạo-giáo mạnh đến độ: hôm nay, có đến chục triệu người Trung Hoa đã và đang trở-thành tín-hữu Đạo Chúa rất hiên-ngang. Nhà cầm quyền nước này, cũng đã quay lại hầu chuyện Đức Giáo-Chủ Công-giáo La Mã.

Riêng Châu Phi và nhiều nước Trung Đông, các nhóm/phái giáo-hội được hoạt động đến 100% khả-năng của mình. Tại Ấn Độ và các nước đang phát triển, dù theo đạo Chúa hoặc Hồi giáo, dù thuộc Ấn giáo hay đạo Phật, hiện vẫn thấy tồn tại một sức mạnh văn hóa, thật dũng-mãnh...

Nhưng, hỏi rằng: ở thế kỷ 21 này, Thiên Chúa có chết thật chăng? Câu trả lời ở đây, đang vang rền một tiếng “không” rất mạnh! Không. Ngài “không chết đâu anh!” Thật ra, đó chỉ là nỗ-lực của một số người muốn giết chết niềm tin của người đi Đạo, đến tận tuyệt, mà thôi.

Ở trời Tây bên ấy, điều này chừng như là mục-tiêu giết chết niềm tin của người đi Đạo vốn dĩ xảy ra qua ba đường-lối: một là, phong-trào trần-tục-hoá Đạo Chúa và nỗ-lực biến Đạo-giáo thành chốn/miền trần-tục, và/hoặc lèo lái đạo-giáo cho xa rời đời sống của chúng dân, thôi.

Thứ hai, là: các nỗ-lực như thế, nay bắt đầu cho thấy tự-do tôn-giáo không còn là vấn-đề sống còn chỉ ở Trung-Hoa, Pakistan, hoặc Ả Rập Sauđi thôi, nhưng cả đến các quốc-gia lâu nay từng chủ-trương cách-mạng giới-tính; đồng thời, họ lại đưa ra nhiều biện-pháp quyết hợp-thức-hoá phá thai, coi “đồng tính luyến-ái” như chuyện thường-tình; và mới đây nhất, họ còn tạo cởi mở về tính-chất phức-hợp/đa-dạng về giới-tính của con người nữa.

Nỗ-lực đây, lại đã kèm theo đòi hỏi về nhân-quyền có sự hợp-lực của luật pháp lâu nay vẫn mâu-thuẫn với niềm tin Do-thái-giáo và Hồi-giáo chuyên đặt nặng nhân-phẩm và sự phát-triển nhân-vị. Những thứ này, cùng với quyền-lợi mới được tạo đã khiến một số nhà cầm-quyền chấp-nhận cho chủ-nghĩa trần-tục và cảm-xúc dần dà chiếm-ngự tôn-giáo.

Tựu-trung thì: vấn-đề tự-do tôn-giáo không nghiêm-trọng như trước; và vì thế, các tín-hữu không còn bị hố sâu ngăn-cách gây xung-đột trong cộng-đoàn kẻ tin nữa. Và, các nhà thần-học vẫn bận-tâm chuyện “Thiên-Chúa đã chết rồi”, như tác-giả John T. Elson từng viết bài trên báo vào năm 1966 đã khẳng-định rằng: “Thiên-Chúa chết thật rồi!”

Dù có thế, ông vẫn đề-nghị mọi người hãy sống trung-thành với niềm tin mình có. Tác-giả, tuy đã viết về thứ “thần-học không có thần-linh” nhưng theo ông, Thiên-Chúa vẫn đồng-hành với ta cách này/cách khác. (X. Carolyn Moynihan, Is God dead? No, but our faith may be ailing, MercatoNet 08/4/2016)


Ấy đấy, là tâm-tư/tự-sự của người viết ở ngoài đời bàn chuyện cho vui, thôi. Chứ, bà đâu đòi một chuyển-đổi nào nơi nhà Đạo, ở trời Tây. Nhưng, đây lại là lập-trường “ngoài Đạo” của nghệ-sĩ đời với câu hát không mang tính thần-học nào hết, dù ông nay đã là “phó-tế vinh-viễn” ở Đạo Chúa rất Kitô. Lập-trường ông đề ra, là ý-tưởng vang bóng một thời về nữ-phụ, rồi gọi đó là “Bài Không Tên số 7”, như sau:

Thân em rồi hoang phế,
Lê theo thời gian giông gió.
Thôi cũng đành cúi xuống,
Cho mộng đời thoát đi.

Một đời đổ cho tình yêu,
Từng đêm dòng nước mắt.
Sẽ nâng niu đời nhau (ừ) Đớn đau anh.
Sẽ cho nhau đời nhau (ừ) Xót xa em.
Dắt đưa nhau mối hận đời người.

Trả lại nước mắt,
Cho mệnh đời son sắt.
Thôi rồi em cũng mất,
Cho tình cúi đầu.

Một mình đi mãi.
Trên đường dài không thấy.
Ai người quen tôi đấy.
Bao giờ đời sẽ vơi.”
Vũ Thành An – bđd)

Ấy! Thôi chết thật rồi bạn ơi, thế có khiếp không! Chết, là bởi: nếu bạn cứ tin rằng điều đó có thật, rất trữ-tình, thì đây: một tình-tự khác tuy không láng-mướt như một giảng-dạy rất hay ho, ở bên dưới.

Đó, là lập-trường thần-học của đấng bậc nọ ở trời Tây từng thổ-lộ:

“Có thể nói, một nhận-định lạ-lùng về bất cứ văn-bản chữ viết bắt gặp ở lịch-sử, là: lời-lẽ trong đó có chứa-đựng một thứ gì gọi là “Lời Chúa”. Khẳng-định như thế, tức bảo rằng: Thiên-Chúa là hữu-thể rất giống “con người”, ở một điểm là: Ngài cũng có khả-năng nói như con người và cho con người bằng ngôn-ngữ khiến họ hiểu được. Và, cả đến lập-trường/chủ-trương quyết rằng Thiên-Chúa đã “đầu-tư” một cách mật-thiết vào cuộc sống của con người theo dạng “thu nhỏ”.

Thật ra, chẳng cần gì phải ưu-tư/bối-rối chút nào vì những khẳng-định như thế đã được đưa ra suốt chiều dài lịch-sử ở phương Phương theo kiểu-cách nào đó, mà ta gọi là Kinh/Sách. Nhưng, tín-hữu Đạo Chúa chẳng khi nào coi trọng các đòi-hỏi của người “ngoài Đạo”, hết. Nói như thế, tức bảo rằng: các đòi-hỏi ở đây đã đến từ nguồn văn không thuộc về Đạo Chúa, vẫn bị coi là phi-lý.

Tuy nhiên, ta cũng chẳng cần đi đâu xa mới nhận ra rằng: Đạo Chúa diễn-tả điều này đều được bộc lộ bằng nghi-thức phụng-vụ thật đích-xác. Chẳng hạn như câu nói “Đó là Lời Chúa” ta vẫn quen nghe vào lúc kết-thúc các bài Sách thánh đọc ở thánh-lễ Chúa Nhật mà các Giáo-hội đều đưa vào phụng-vụ. Và, khi nghe câu nói ấy, cộng-đoàn dự lễ đều đồng-thanh đáp-ứng bằng câu thưa: “Tạ ơn Chúa”.  

Ở một số Giáo-hội chuyên rao-giảng Lời Chúa, những câu đáp/trả như thế còn nở rộ hơn nữa. Có Giáo-hội còn thay-đổi lời công-bố sau Phúc Âm bằng những lời như: “Xin Thiên Chúa chúc phúc thêm cho người đọc Lời Ngài ở đây hôm nay.”              

Tóm lại, gọi Kinh Sách là “Lời của Chúa” là điều thường tình trong truyền-thống từng khiến cho lưỡi ta uốn cong/tròn theo quán-tính, rất thuộc lòng nhưng ít khi ta để tâm ra tìm-hiểu xem điều ta nói như thế có nghĩa gì đích-thực.

Và rồi, vào các buổi chia-sẻ/học-hỏi Lời Kinh thánh trong Giáo-hội về một số vấn-đề xã-hội lớn lao, giới-chức có thẩm-quyền đều trích-dẫn hầu như thường-xuyên các văn-bản của Sách thánh. Và đấng bậc trích-dẫn những Lời rút từ Kinh thánh lại cứ cho rằng Kinh Sách rất thánh thật sự được đầu-tư với quyền-uy thế-lực của Đức Chúa…” (X. Tgm John Shelby Spong, A Claim that cannot endure, trong The Sins of Scripture, HarperCollinsPublishers 2005, tr. 15-16)

Thật tình mà nói, kể chuyện đời bằng lời lẽ của đấng bậc nhà Đạo bàn chuyện Đạo với lời lẽ rất đạo-mạo, thì như thế vẫn rất tuyệt. Kể chuyện đạo-làm-người ở đời, cũng có người từng kể theo cách-thức hoàn-toàn khác-biệt. Khác, như vị thiền-sư Phật-giáo nọ cũng kể như sau:


Một người không rõ về vận mệnh, đem thắc mắc của mình đi bái kiến một
vị thiền sư :
- Thầy nói xem trên đời này có vận mệnh không ?
- Có .
- Nhưng , vận mệnh của con ở đâu ?
Vị thiền sư kêu anh ta xoè tay trái ra , chỉ anh ta xem và nói :
- Con thấy rõ chưa ? Đường này là đường tình cảm , đường này gọi là đường sự nghiệp , còn đường kia là đường sinh mệnh.
Sau đó, vị thiền sư kêu anh ta từ từ nắm tay lại , nắm thật chặt.
Thiền sư hỏi :
- Con nói xem , những đường đó nằm ở đâu rồi
Anh ta mơ hồ bảo :
- Trong tay con này .
- Con hiểu vận mệnh của con ở đâu rồi chứ?

Vâng. Người kể hôm nay lại đính kèm thêm lời bàn, bảo rằng: vận-mệnh con người nằm gọn trong tay mình. Nhưng, nhiều thứ khác, tuy không gọi là vận-mệnh của trời của Phật, của đất trời, cũng khó biết.

Lời người kể lại cũng nói: người thanh-niên kia mỉm cười nhận ra vận-mệnh nằm ở trong tay mình. Nếu không tu, thì cứ sống theo nhân/quả đã có do nghiệp tạo. Có tu, thì dừng nghiệp và chuyển nghiệp. Nghiệp đổi, số phận đổi, tốt/xấu là do cách ta chuyển nghiệp, mà thôi.
                                                            
Và người kể, còn thêm đôi ba nhận-định về chữ-nghĩa con người, rất để đời như sau:

SỰ THẬT có 6 chữ
GIẢ DỐI cũng 6 luôn
Mặt trái và mặt phải
Trắng đen ôi khó lường!

TÌNH YÊU có 7 chữ
PHẢN BỘI cũng thế thôi
Chúng là hình với bóng
Rất dễ dàng đổi ngôi.

Chữ YÊU là 3 chữ
HẬN là ba, giống nhau.
Người say men Hạnh phúc
Kẻ thành Lý Mạc Sầu.

BẠN BÈ có 5 chữ
KẺ THÙ đếm cũng năm
Hôm nao lời ngọt mật
Hôm nay chìa.. dao găm.

Từ VUI có 3 chữ
Tiếng SẦU cũng đồng như.
Quá vui thường mất trí,
Mất trí đời đổ hư.

Chữ KHÓC có 4 chữ
CƯỜI cũng vậy giống in
Ai "giòn cười tươi khóc"
Ai cảm thọ nhận chìm
Cuộc sống là hai mặt
Giới tuyến một đường tơ
Chấp nhận mà không vướng
Nhẹ bước qua hai bờ.”
(Nhận-định vận-mệnh, do Thích Tâm Tánh gửi trên mạng cho mọi người được đọc).

Suy về lời-lẽ/chữ-nghĩa của con người, tưởng cũng nên suy thêm về Lời của Đấng Thánh Nhân-Hiền từng nói cho con người và với con người như sau:

"Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng nói:
"Quả thật,
tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào.
Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa
và ăn ngay ở lành,
thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào,
cũng đều được Người tiếp nhận.
Ngài đã gửi đến cho con cái nhà Israel
Lời loan báo Tin Mừng bình an,
nhờ Đức Giêsu Kitô,
là Chúa của mọi người.”
(Công Vụ 10: 34-35)

Thành thử, chiếu theo những điều thánh-nhân hiền-lành trong Đạo từng nhận-định về “Lời” và lẽ rất chân-chính, thì cũng nên phân-biệt hai chữ “vận-mệnh” theo định-luật “dừng” nghiệp và “chuyển” nghiệp nơi lời lẽ, là như thế.

Nhưng, như thế vẫn chưa hẳn là có thể chuyển/đổi cuộc sống mà tin-tưởng vào “tình-thương-không-nghiệp-chướng”, rất vô bờ của Thiên-Chúa Đấng đã gửi “Lời” đến với ta, tình thương-yêu của Ngài, bao giờ cũng mạnh hơn nghiệp/chướng và vận-mệnh của bất cứ ai, trên đời này.

Là người, ai cũng có thể dùng tình thương-yêu rộng-mở đến với mọi người để mà “dừng”/mà “chuyển” cả vận-mệnh lẫn cái nghiệp-(rất)-chướng của con người. Không tình-thương, chắc chẳng ai thể làm được gì, kể cả những thứ rất chướng của nghiệp-dĩ hoặc “vận-mệnh” con người. Đó, là sự thật mà con người vẫn tìm kiếm mãi suốt đời mình.

Nói thế rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta hãy cất cao tiếng/giọng mà ca lên lời trần-tình rất thi-tứ của người nghệ-sĩ từng đề ra, cả khi chưa trở-thành “Phó-tế Vĩnh-viễn” trong Đạo Chúa. Những lời và lời như thế, vẫn được cất lên như sau:

Thân em rồi hoang phế,
Lê theo thời gian giông gió.
Thôi cũng đành cúi xuống,
Cho mộng đời thoát đi.

Một đời đổ cho tình yêu,
Từng đêm dòng nước mắt.
Sẽ nâng niu đời nhau (ừ) Đớn đau anh.
Sẽ cho nhau đời nhau (ừ) Xót sa em.
Dắt đưa nhau mối hận đời người.

Trả lại nước mắt,
Cho mệnh đời son sắt.
Thôi rồi em cũng mất,
Cho tình cúi đầu.

Một mình đi mãi.
Trên đường dài không thấy.
Ai người quen tôi đấy.
Bao giờ đời sẽ vơi.”
(Vũ Thành An – bđd)

Chính thế. Trên con đường dài cuộc đời, ta dù có thấy hay không thấy được ý-nghĩa của lời người nói ở đâu đó, vốn dĩ là “người quen mình đấy”, rồi cuộc đời sẽ vơi đi “nỗi buồn không tên” rất số 7, mà thôi.

Đúng vậy. Trên đường đời đi Đạo cũng thế, dù bạn và tôi, ta đã nghe rất nhiều lần “Lời” Kinh ở đâu đó trong Đạo hay ngoài đời, rồi cũng sẽ như “một đời đổ cho tình yêu”, “sẽ nâng niu đời nhau (ừ) đớn đau!”

Đúng là như thế. Lời thương-yêu, vẫn có thể chuyển-đổi cả một đời người. Vẫn rất vui.

 
 
Trần Ngọc Mười Hai
Nhiều lúc cũng có
Mối tâm-tư buồn cho chính mình,
Nhưng không phải
Bài Không Tên số 7.