Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ tư Mùa Phục Sinh năm B 29.4.2012
“Theo gió heo may đến đêm gọi tình ,”
“Một trời áo tím trong mắt trên môi.”
(Phạm Thế Mỹ - Tóc Mây)
(Ga 20: 31)
“Gió heo may”, là gió gì mà nghệ sĩ nhà mình lại cứ theo mãi đến tận “đêm gọi tình” thế? “Gió heo may”, hay có phải là gió hắt hiu, xào xạc, lưu luyến không khiến bần đạo cứ phải lấy giấy bút ra mà viết rồi lại lách. Viết cho tách bạch. Lách cho khéo. Để, người đọc với người nghe có được giòng chảy những viết và lách của mình thấy cũng “lách chách”, đến là vui tai.
Chủ đề “gió heo may” hôm nay, bần đạo chỉ muốn viết và lách mỗi chuyện phiếm đường dài, lai rai, không tranh cãi hoặc kết bè/kết bạn vào phe mình. Nhưng, đôi lúc thấy nhiều gai góc, cũng rất nhọn và khó lòng. “Gió heo may” một chủ đề đưa đẩy về sử tính bần đạo viết, nay có đôi giòng thơ/nhạc lời ca vang sau đây:
“Như chiếc nôi êm ru cơn mộng lành,
Gọi vầng trăng cũ sáng cho hồn vui.
Như cánh hoa đêm đong đưa nụ tình,
Gọi mời cơn gió hôn lá trên cao.
Như cánh chim đêm bơ vơ một mình,
Trời bao nhiêu gió tóc bao nhiêu buồn.”
(Phạm Thế Mỹ - bđd)
“Gọi vầng trăng cũ”, quả là bần đạo cũng có “cơn gió thoảng”, rất gọi mời. Gọi, là gọi gió heo may rất hiu hắt. Mời, là mời bạn đạo ở khắp nơi, về đây thưởng thức câu ca có kèm đôi ba ý/từ rất tình tứ. Mời và gọi, để bạn và tôi, ta nghe thêm đôi điều nghệ sĩ hát:
“Mùa hè vui đôi chân chấp cánh,
Tóc mây hồng cho mắt long lanh.
Trời mùa đông môi em thắp nắng,
Tóc mây dài, chân vui đường vắng.
Rồi mùa xuân cây thay áo mới,
Tóc mây vàng cho nắng thêm tươi.
Rồi mùa thu xôn xao lá úa,
Tóc mây buồn phủ kín tim tôi.”
(Phạm Thế Mỹ - bđd)
Nhiều lúc ngồi trầm ngâm suy nghĩ, bần đạo thấy mình lâu nay nói không nhiều, nhưng viết và lách lại không thiếu. Có thiếu chăng, chỉ thiếu có điều là: chưa đánh gục được ba thằng Tây đen/Tây trắng vốn chẳng chịu gục ngã dưới giòng chảy tản mạn, để được “lắp cánh bay cao” cho kịp bạn đạo cấp tiến.
Suy cho cùng, bần đạo thấy nhiều chuyện đời cũng nên lập đi lập lại mà suy xét, rồi mới hiểu. Và, có thế mới thấy là: dù cố gắng dãi bày tư tưởng thông thoáng của ai đó khá nhiều lần; cuối cùng thật cũng khó mà lay chuyển nếp sống đã hằn dấu vết trên vai/trong lòng nhà đạo mình đã bén rễ từ thời ông tằng/ông tổ ở đâu đó, rất cũ xưa.
Thôi thì, nói gần nói xa chẳng qua nói thật, và cũng thật như đếm, để bà con mình cho ý kiến phản hồi, mà thêm thắt. Bày tỏ lập trường đến thế rồi, nay bần đạo xin về với chủ đề rất cũ, nay được các bậc thức giả lan man gạn hỏi, cho rõ. Số là, mới đây, bần đạo bầy tôi bắt chộp được vấn nạn của độc giả Sydney lâu nay thấy nhen nhúm tâm tình khá thách thức bèn chạy đến đức thầy ở tuần báo, để tỏ bày như sau:
“Tôi nghe một số tín hữu trong cộng đoàn kháo láo với nhau rằng: điều ta học được từ Phúc Âm không hẳn đúng sự thực trăm phần trăm. Nói cách khác, là: những chuyện xảy ra thời Chúa sống giống như phép lạ Chúa làm, chưa hẳn là sự kiện lịch sử, thực sự xảy ra. Điều mà các vị ấy nói, là thế này: truyện kể ở Phúc Âm, có cái không nhất thiết là chuyện thật xảy ra ở thời Chúa sống như Kinh Thánh nói. Thú thật với cha là: điều tôi nghe được đã làm tôi bối rối không ít. Vậy thì, những gì mà các bạn đạo ấy nói, có đúng không? Nếu vậy, ta hiểu thế nào về tính lịch sử của Phúc Âm?”
Đương nhiên, là: mỗi khi có người nào vấn nạn chuyện triết lý hoặc thần học thì người ấy hẳn vẫn mong được trả lời thoả đáng. Nhưng thoả đáng sao được khi các chuyện vào thời của Chúa, vẫn chưa có di tích lịch sử rõ rệt để minh chứng. Chưa có sử gia chuyên nghiệp ghi sự kiện lịch sử ngay tại chỗ! Nên, vấn đề đặt ra quả là gai góc, có lẽ ta cũng cứ tìm đến đấng bậc ở các nơi để tìm hiểu ngõ hầu tránh không bị mang tiếng là “phiến diện” hoặc “một chiều”. Minh định như thế rồi, nay ta vào việc.
Trước nhất, là câu trả lời của đấng bậc rất John Flader, linh mục giải đáp trên báo:
“Trả lời vấn nạn này, tôi nghĩ ta nên nói về căn bản sự thật của Kinh Thánh. Trước tiên cần minh định: Kinh thánh là Lời của Chúa được Chúa Thánh Thần linh hứng cho các thánh sử viết. Đây không là công trình của loài người do danh hào/nhân sĩ khôn ngoan trong Đạo chuyển ý về các nhân vật lỗi lạc ở Do thái như Đức Giêsu, tổ phụ Môsê hoặc cả đến Adong về vấn đề nào đó ta cần hiểu rõ.
Công Đồng Vatican II, qua Hiến Chế Mặc Khải ở Kinh Thánh có nói: “Thực tại thánh thiêng Chúa mặc khải trong Phúc Âm là nhờ thần hứng Chúa Thánh Thần soi sáng cho các thánh sử viết. Mẹ Thánh Giáo Hội căn cứ vào niềm tin ta có từ thời các thánh tông đồ, công nhận rằng: Cựu Ước cũng như Tân Ước, là sách thánh thích đáng với đời sống của Giáo hội, không sai sót về tổng thể cũng như chi tiết trên cơ sở cho thấy là: tất cả những gì được ghi trong đó nhất nhất đều do Chúa Thánh Thần linh ứng cho thánh tác giả viết ra (x. Ga 20: 31; 2Tim 3: 16; 2P 1: 19-21; 3: 15-16). Nói thế có nghĩa là, tất cả đều do tự Chúa Thánh Thần là Tác giả, đã chuyển cho Hội thánh biết mà theo đúng sự thật khách quan.” (x. Hiến Chế vừa kể, đoạn 11).
Thứ hai nữa, do bởi Chúa Thánh Thần là Tác giả, nên Kinh Thánh không thể chứa điều gì sai sót. Chúa là Sự Thật, Ngài không hề bị ai dối gạt và Ngài chẳng bao giờ lừa dối ai, về bất cứ điều gì. Chắc chắn một điều, là: Ngài không cho Hội thánh được phép chấp nhận sách nào trong Kinh thánh như tiêu chuẩn của niềm tin nếu như sách ấy chứa đựng gì sai quấy.
Trong chiều hướng như thế, Công Đồng Vatican II lại thêm: “Vì lẽ ấy, nên tất cả các tác giả được thần hứng và các thánh viết Sách này đều đã khẳng định rằng những điều các ngài ghi trong đó đều được Chúa chuẩn nhận, vì thế ta hiểu rằng các sách trong Kinh thánh thảy đều chính xác, không sai chạy, luôn luôn dạy bảo về sự thật, vì mục đích cứu độ chúng ta, Và, muốn mọi người tín thác vào Sách của Ngài”. (ibid)
Năm 2010, Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 cũng trích đoạn trên đây để khích lệ mọi người hãy tôn trọng Sách thánh bằng cách đưa vào tông thư mang tựa đề “Lời của Chúa” (x. Tông thư vừa kể đoạn #11).
Các thế kỷ trước, các thánh tổ phụ Giáo hội còn nêu rõ những điều đó, hệt như thánh Giêrônimô có lần từng quả quyết: “Sách thánh không hề nói láo bao giờ.” (x.Giêronimô chương 31, đoạn 55) Và thánh Chrysostômô cũng lại khẳng định: “Khi các con thấy ai bốc lên những lời biện luận gay gắt, dám nói nghịch lại sự thật của Sách, thì các con cứ coi họ như những người khùng điên của thế kỷ.” (Xem Giêrônimô Bài Giảng số 1, đoạn 10, chương 16)
Thông thường, khi giải thích điều gì trong Sách thánh, điều quan trọng nhất là phải khẳng định về tâm trạng sáng suốt của tác giả Sách thánh và học hỏi kỹ hình thức văn phong, lối viết khác nhau mà các ngài sử dụng. Bởi thế nên, Công Đồng Vatican II lại căn dặn: “Nói về ý của tác giả viết nên Sách thánh ta phải rất thận trọng, nghĩa là: mỗi lần đề cập đến hình thức văn chương này khác ở trong đó, để tìm ra sự thật diễn bày ở Sách thánh rất khác với văn bản lịch sử cũng như văn chương, thi tứ và sách tiên tri cũng như bất cứ hình thức văn chương nào khác.” (x. Lời Của Chúa, đoạn 12)
Tắt một lời, truyền thống Giáo hội còn dạy ta rằng: những gì kể trong Tin Mừng mà Hội thánh lâu nay sử dụng, khẳng định rằng những gì Đức Giêsu, Con Thiên Chúa Hằng Sống làm hoặc dạy dỗ vì ơn cứu độ vĩnh cửu đều mang tính chất lịch sử rất chính xác” (x. bđd đ. 19)
Như mọi khi, hễ đức thày trả lời cho vấn nạn của ai, đức ngài cũng đều trả lời rất mạch lạc, không sai chạy. Nói thế, tức: đức thày nói theo sách vở, có bài bản đàng hoàng. Tuy nhiên, sách vở và bài bản mà đức thày ghi ở đây đều mang tính xưa cũ có từ thời ông tằng ông tổ rất Giêrônimô và Chrysostômô, là đấng thánh thời cổ lỗ.
Thế nên, hôm nay, trước khi đi vào giòng chảy có lập trường/tư tưởng của đấng bậc khác, cũng nên làm nhẹ đầu óc vẫn rất căng do lập trường khác biệt của các vị nói hơi khang khác bằng giòng nhạc tiếp tục chảy qua câu hát:
“Ôi tóc mây bay ru lên điệu buồn
Sợi tình theo gió vỗ cánh bay xa
Ôi tóc mây thơm men say lạ thường
Tình ta xanh lá tóc mây không vàng.”
(Ngô Thuỵ Miên – bđd)
Lại cũng thêm ở đây, rằng: lập trường của đấng bậc ở trên, với thời gian, có thể như “sợi tình theo gió vỗ cánh bay xa”. Bay cao xa, là vì nay đã thấy xuất hiện một số ý kiến cũng không kém phần thực tế lại cũng khách quan từ đấng bậc giảng dạy ở Đại Chủng Viện hoặc Đại Học Công giáo, trên thế giới. Trước nhất, là lời của bậc thày từng “đứng bục” giảng dạy ở Đại Học Công giáo Rôma và New York, Lm Kevin O’Shea, CSsR như sau:
“Nghiên cứu tính sử học của Đức Giêsu, có lẽ việc ta nên làm là: đọc và xét về lời phát biểu của Bruce N. Fink khi ông nói: “Đấng khi xưa từng ngang qua vùng Đất Lành và hiện diện ở Kinh thánh có khá nhiều diện mạo. Ngài là Đấng Bậc Rao Giảng. Là, Ngôn sứ, Nhà thơ, Nông dân thợ thuyền, Đấng thấu suốt mọi chuyện lại rất ngoan hiền. Ngài nương náu chốn ngoài rìa xã hội và lân la ngoài phố chợ, nơi có nhiều người qua lại. Chuyện Ngài sinh hạ và kinh qua thời niên thiếu vẫn là chuyện không mấy sáng tỏ, rất còn ngờ. Ngài đã xuất hiện trước công chúng, nhưng lại ẩn khuất dưới bóng của thánh nhânhiền lành chỉ sống ở sa mạc, đi trước Ngài, làm đấng tiền hô, đó là thánh Gioan Tẩy Giả.
Các truyện Ngài kể về Nước Trời đã lôi kéo mọi người từ nơi chốn thấp hèn thảy đều tìm đến. Những truyện như thế được Ngài giải thích thật dễ hiểu, lại vẫn mang đặc tính nhiệm mầu sâu sắc. Sự lạ Ngài làm, đã gây ấn tượng mạnh lên số đông, nên đôi lúc, đó cũng là cớ cho một số người khác nghi ngờ. Ngài ý thức rất rõ sứ vụ tông đồ Cha giao phó nên Ngài quyết đối đầu giáp mặt, không chỉ với đám người thuộc hạ sống đời khổ ải thôi, mà cả với những người giữ cửa ở đền thờ nữa. Những điều nói về Ngài ít khi mang tính rạch ròi/soi tỏ, nên tự nó khó có thể giải thích được ý nghĩa ở phần thâm căn, sâu thẳm. Nếu Đức Giêsu là Đấng ta khó tìm được dấu vết Ngài để lại, thì ta càng khó mà chế ngự được Ngài.” (x. Bruce N. Fink, The Hitchhiker’s Guide to the Historical Jesus, Baker 2011)
Thông thường ta vẫn nên tìm đến các bài truy tầm thẳm sâu bằng nhiều đợt khác nhau về tính chất sử học của Đức Giêsu, có thế mới hiểu được rõ những gì đuợc viết ở trong đó.
Đợt đầu để truy tầm tính chất sử học nơi Ngài được nối kết với thời kỳ về sau, vào lúc tác giả Schweizer đề cập vào hồi đầu thế kỷ thứ 20. Đợt hai, ta lại có được công trình của Kasemann cùng với học trò của Bultmann vào giữa thế kỷ ấy. Đợt 3, ngang qua vụ bùng nổ nghiên cứu tính chất sử học nơi Đức Giêsu đã có từ năm 1986 với NT Wright ngang qua cụm từ mọi người gọi là “Đợt truy tầm thứ 3”, trong đó các nhà chú giải như Mark Goodacre, April Deconick và Craig Evans không còn dùng nguyên tắc phân loại như thế nữa. Một trong các khó khăn khi xếp loại như thế xem ra cả Schweizer lẫn Kasemann đều không đưa ra thêm đợt truy tầm về tính cách lịch sử của Kinh thánh lần nào nữa. Nhận định của Manson, Dodd, Jeremias vv., cũng đều rất đúng.
Đợt truy tầm thứ 3 là thời điểm rất đáng kể để các nhà nghiên cứu có thể nhấn mạnh một lần nữa đặc trưng Do-thái-tính của Đức Giêsu. Và, điều này đem đến thành công lớn. Craig Evans lại thêm: đợt truy tầm lần này xem ra cũng đã hoàn tất.
Điều này khiến ta nhớ đến danh hoạ Rembrandt, người rất muốn vẽ chân dung Đức Giêsu mang nhiều chất Do thái hơn. Ông chống lại ý tưởng phải vẽ chân dung Chúa có trán cao, thân hình mảnh dẻ hao hao kiểu nữ tính với chiếc mũi cao và dài, miệng rất nhỏ phù hợp với hình tượng mà tín hữu thời tiên khởi và thời Byzantin vẫn nói đến. Ông cũng sử dụng mẫu người có dáng dấp Do thái. Và, ông quyết định vẽ chân dung Chúa giống hệt người Do thái nghĩa là khiêm nhu, hiền từ, tử tế. Ông bảo: có như thế mới chính xác, và phù hợp với mẫu người Cận Đông.
Rõ ràng, các công trình nghiên cứu mang tính văn hoá và bối cảnh của đất nước Palestin hồi đầu thế kỷ vẫn còn tiếp diễn về lâu về dài. Năm 2011, có đến gần 10% các thí điểm cổ sinh vật học nói đến sinh hoạt của Đức Giêsu đã được khai quật. Và tính ra, có đến chục ngàn thủ bản trên giấy bồi, bút tích cũng như văn bản cổ sử khác được ấn hành và phân tách, vào năm 2011. Công việc này vẫn chưa đến hồi kết thúc. xem thêm Craig Evans, The Future of historical Jesus studies, three blogs, July/August 2011, trang blog Njear Emmaus)
Đó là tóm tắt cho bài dẫn nhập có chủ đích tham khảo một số thành quả trong quá trình nghiên cứu tính lịch sử của trình thuật về Đức Giêsu. Và, Lm Kevin O’Shea lại trích thêm đôi lời của Craig Evans qua đoạn văn như sau:
“Rõ ràng, những gì Craig Evans muốn nói, là: Đức Giêsu không ra ngoài hoặc chống lại thế giới của người Do thái mà Ngài chung sống. Ngài chấp nhận Thiên Chúa của người Do Thái cũng như đền thánh, quyền uy, lối bình bầu thăng tiến và niềm hy vọng vào ơn cứu độ. Ngài cũng thực hiện mọi sinh hoạt thực tế như bất cứ người Do thái nào khác trong đó có việc bố thí, nguyện cầu, chay kiêng, hy sinh, nghỉ ngơi ngày hưu lễ, đọc và trích dẫn Kinh thánh của Do thái giáo. Ngài đến với hội đường cách đều đặn, thông thường. Ngài đổi mới sáng kiến tận bên trong. Ngài đem đến cho mọi người một giải thích mới mẻ, chứ không phải là những điều mà các ngôn sứ từng thực thi. Nói khác đi, Ngài còn hơn cả tư cách của một ngôn sứ mới mẻ đã xuất hiện. Ngài lo cho người bé bỏng, thôi thúc việc cho đi chính mình, trong đó có lòng xót thương, tha thứ, nhu cầu của con người và chấp nhận người lỗi phạm như người phạm lỗi. Ngài là người Do thái sốt sắng, mộ Đạo, tự tin rằng mình được xức dầu và Thần Khí Chúa đỡ nâng để loan báo Nước Thiên Chúa đã đến với gian trần cũng như trên thiên quốc. Ngài không thuộc bất cứ giáo phái nào. Ngài có nhiều người dõi bước theo chân Ngài. Một cách nào đó, Ngài vẫn nghĩ rằng cái chết của Ngài sẽ đem lại Giao ước mới, đồng thời chấm dứt mọi sai lệch về Đấng Thánh phán xét Israel.” (x. bđd tr. 2)
Đó là lập trường về tính chất sử học của Đức Giêsu. Sử học đây, theo đấng bậc trích ở trên là theo nghĩa được phần lớn các sử gia có lương tâm trách nhiệm, vẫn sử dụng phương pháp đã được chuẩn thuận để nghiên cứu. Đương nhiên, là: khi nghiên cứu những chuyện có tính nghiêm túc như thế, sử gia nào thuộc nhà Đạo cũng đều muốn đi sâu đi sát với Đức Giêsu “rất thực”, càng nhiều càng tốt.
Với nhà Đạo, là như thế. Như thế, tức công việc của mình là nên đi sâu đi sát với sự thật. Chính đó là sử tính. Như thế, với người đời là diễn tả bằng thơ văn/âm nhạc để hát như sau:
“Mùa hè vui đôi chân chấp cánh,
Tóc mây hồng cho mắt long lanh.
Trời mùa đông môi em thắp nắng,
Tóc mây dài cho vui đường vắng…”
(Phạm Thế Mỹ - bđd)
“Cho vui đường vắng”, là con đường ít người theo. Bởi mỗi khi theo nó, là đã sợ. Sợ người đồng Đạo đồng cảnh, bảo mình có “chảnh” mới “làng tàng”. Thế nên, lũ phó thường dân hôm nay, chỉ dám gợi nhớ những câu khẳng định của giới chú giải Kinh Sách nhà Đạo, hệt như sau:
“Về phương pháp đọc Tin Mừng của Chúa, có hai cách: một là học hỏi một cách khoa học, và tìm kiếm trong lòng tin (nói gọn là: bình luận và đức tin). Hai bình diện nhất thiết cách biệt nhau, vì giá trị và phương pháp có khác nhau. Đời Chúa Yêsu như một biến cố trong thời gian, tất nhiên khoa sử học được quyền khảo sát để xác định vị trí, điều kiện sinh hoạt, và các điều thuộc sự kiện quá khứ. Nhưng đức tin mới mở ra cho ta ý nghĩa hằng có, ý nghĩa cho ta bây giờ của sự kiện đó.
Bình luận và đức tin phải liên kết chặt chẽ với nhau ở ta (nếu ta có thể bình luận khoa học được); bằng không, thì phải thận trọng trong quả quyết lịch sử và tin cậy vào những thành quả chắc thực của các học giả đã ra công nghiên cứu.
Dùng lịch sử, đức tin nhận tất cả yêu sách của sử học, và chính khảo sát lại rất mực quí báu đối với mình. Lịch sử đòi hỏi: khi đứng trước văn kiện phải tuyệt đối thành thật đối với văn bản và sự kiện. Khi đứng về phiá đức tin, thì Tin Mừng đòi quyết định và nhận lấy lời phán xét trên những cái mà mình uốn nắn Lời của Chúa cho thoải mái với cách sống của mình. Và đối với ta, còn nguồn mạch làm ta chắc chắn trong kiếm tìm Chúa, là Hội thánh. Trong Hội thánh, ta đón nhận Chúa với tất cả yêu sách của mầu nhiệm Ngài.
Tóm lại, khi đọc và tìm hiểu Kinh thánh, luôn phải nhắm điều cốt yếu là: tín thư và sứ mạng của Chúa Yêsu trong khuôn khổ Cựu Ước –tức lời Ngài so chiếu với việc của Ngài- nhưng chi tiết phải đặt trong tín thư tổng quá.” (X. Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR, Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi, tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ, www.giadinhanphong.blogspot.com)
Nói gì thì nói, nói theo kiểu bình dân là bảo: với nghiên cứu sử tính của Đức Giêsu, người trời Tây nay thấy có khác biệt về qui cách sống Đạo. Sống Đạo, không là sống theo chiều hướng hiểu Kinh thánh theo nghĩa đen, rồi từ đó có cung cách đặc sệt đầy cảm tính nên vẫn cứ ỉ ôi, sâu thẳm, hình thức cứ lôi thôi lại rất cổ. Sống như thế, e khó lòng hoà hợp với thời đại khoa học tiến bộ. Sống Đạo cho đúng cách, là sống nghe theo lời dặn của Thầy mình từng nhắc nhở ở Tin Mừng:
“Chính nhờ bởi tin vào Danh Ngài,
mà anh này, kẻ mà các ông thấy và biết đấy,
đã được Danh Ngài làm cho vững mạnh;
chính lòng tin nhờ vào Danh ấy
đã cho anh được vẹn toàn khang kiện như vậy trước mặt các ông.”
(Cv 3: 16)
Quả có thế. Nhờ vào Danh Ngài mà mọi người ở trong cũng như ngoài nhà Đạo vẫn nhờ đó mà có được lòng tin tưởng vào Đức Chúa. Đấng đã sống như ta, nhưng lại là Con Thiên Chúa, rất tính chất sử học và cũng rất người, ở đời.
Trong tin tưởng như thế, nay ta cứ thư giãn với truyện kể ở bên dưới để mãi mãi còn vững tin dù ai có thắc mắc về niềm tin của mình cũng mặc. Truyện là truyện như sau:
“Có ba vị bác sĩ khoe nhau về tính khoa học hiện đại cũng rất lịch sử của riêng mình. Người thứ nhất là một bác sĩ người Do thái nói;
-Ở nước chúng tôi, nền y khoa rất hiện đại nhưng không hại điện đến độ, chúng tôi cắt chân tay hoặc cơ phận sinh dục của người nào đó đưa cho người kia thì chỉ 6 tuần sau là người được ghép cơ phận sẽ tỉnh bơ làm việc khơi khơi thôi
-Chưa bằng khoa học của chúng tôi ở Đức còn ghê hơn nữa. Chúng tôi có thể xẻ một ít não từ một người đàn ông rồi ghép vào đầu người đàn bà, chỉ 4 tuần sau là người này hoạt động bình thường, như đàn ông…
-Cũng chưa bằng ở Nga La xô chúng tôi thường cắt phân nửa quả tim của từ ngực một người đàn bà, rồi mang sang cho người đàn ông khô khan khó chịu đủ mọi thứ. Chỉ 2 tuần sau người đàn ông kia sẽ yêu đương da diết như phụ nữ, chẳng vấn đề gì…
-Cũng không bằng ở Hoa Kỳ, có người từ Kênya sang đây, chẳng có óc, chẳng có tim cũng chẳng có cơ phận dục tình gì, thế mà bọn tôi vẫn biến họ thành tổng thống đấy. Có ghê không…”
Đúng là truyện kể. Rất dễ nể. Nể nhất là người kể chẳng sợ gì cảnh sát với công an khi bị hỏi tích chất trung thực lịch sử của cốt truyện. Thế mới biết. Chuyện ở đời đâu dễ gì hiểu. Phải không bạn, phải không tôi?
Để trả lời có lẽ không gì bằng, ta dùng lại lời của đấng bậc trên mà kết thúc, bảo rằng: “Lời của Chúa và việc Ngài làm có giá trị vĩnh viễn. Nhưng cũng là lời và việc lịch sử: phải biết hoàn cảnh lịch sử.” (x. Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR, bđd)
Xem như thế, ta cứ bình tĩnh mà đọc Sách thánh và cứ tin. Tin, theo tinh thần của tác giả thánh muốn lồng khung cảnh lịch sử vào trong lời nói và việc làm của Chúa, theo nghĩa nào đó, không hẳn phải là nghĩa đen ngòm, rất bất tiện.
Trần Ngọc Mười Hai
và những quyết tâm
học hỏi từ đấng bậc
nhiều kinh nghiệm lịch sử
và rất thánh.