Saturday, 25 June 2011

“Một ngày như mọi ngày, em trả lại đời tôi,”

“Một ngày như mọi ngày, em trả lại đời tôi,”

“một ngày như mọi ngày, ta nhận lời tình cuối.”

“một ngày như mọi ngày, đời nhẹ như mây khói,”

“một ngày như mọi ngqày, mang nặng hồn tả tơi.”

(Trịnh Công Sơn – Một Ngày Như Mọi Ngày)

(Mt 11: 25-27)

Phải thế chăng? Chẳng lẽ ngày nào cũng như ngày nào sao? Nghĩa là, mỗi ngày đều vẫn phải cày? Vẫn cứ “lao động là vinh quang”, để kiếm gạo? Hay, ngày nào cũng như nhau? Cũng thấy “em trả lại đời tôi”? Trong khi, tôi lại cứ “nhận lời tình cuối”, thấy “đời nhẹ như mây khói”, “mang nặng hồn tả tơi”?

Tả tơi hay tơi tả, trả lại đời. Thật buồn cười! Hỏi là hỏi thế, chứ bần đạo chỉ dám trả (một) lời, là: thật chẳng biết! Hoặc: “không dám đâu”! Duy có một điều, mà bần đạo biết rất rõ, là: đời sống nhà Đạo hôm nay lại cứ dẫn đưa ta về với tháng ngày không chỉ là “một ngày như mọi ngày”, mà là: những tháng ngày của “mùa thường niên”, rất loanh quanh. Mùa thường niên, còn là mùa mà nhà chú giải/suy tư tên tuổi rất nổi cộm ở Úc, Lm Richard Leonard, Dòng Tên đã có những lời trần (rất) tình, như sau:

“Có vô thường, bất thường hoặc phi thường cách mấy đi nữa, thì rồi ra ta cũng sẽ lại về với trạng thái rất bình thường bậc trung, của đời sống thường nhật. Sau nhiều tuần chộn rộn với những suy tư về Mùa Chay, Tuần Thánh, Phục Sinh, Hậu Phục Sinh, nay ta lại về với các chủ nhật quanh năm xảy đến rất thông thường, gọi là mùa thường niên.

Giống nhiều người, tôi rất thích những tuần có thánh lễ bình thường, là như thế. Bởi, đây là những khoảnh khắc trầm lặng trong niên lịch phụng vụ của Hội thánh Công giáo. Ở Bắc bán cầu, vào thời gian này, mọi nơi đang rơi vào một mùa có nắng ấm chói chang, là giảm nhịp sống để người người về với đời sống bình lặng, có ánh nắng. Trong khi đó, dân chúng ở Nam bán cầu, lại phải đụng mặt với cơn lạnh căm của mùa Đông mới chớm, đã lặng lẽ đi vào cuộc sống rất thường tình của “một ngày như mọi ngày”, rất hôm nay.

Lý do khiến tôi thích các chủ nhật thường niên là vì vào mùa này, phụng vụ đặt nặng giá trị lên sinh hoạt trầm bình, có nghi lễ rất quen thuộc, dễ đoán trước. Đây là mảng thời gian làm nên cuộc sống người tín hữu rất chuyên chăm với lễ lạy. Thử hỏi, nếu không có các chủ nhật thường niên kéo dài ngày, hơn nửa năm, thì làm sao ta có được các mùa lễ đặc biệt để mừng kính. Bởi, hết lễ trọng thể này lại đến nghi thức đặc biệt khác, thì người tín hữu hẳn sẽ phải lên cơn sốt vì cứ sinh hoạt dài dài, nhộn nhịp suốt.

Nói cách khác, sống đời thường mà ngày nào cũng tổ chức lễ lạy rất khác thường thì người người sẽ trở nên bất bình thường, hoặc rất lạ thường, tựa như người từ hành tinh lạ vừa chợt ghé. Rồi chợt đi, cũng chóng thôi.

Nói tóm lại, đã đến lúc ta nên về với tháng ngày có mùa lễ rất thường niên để mừng kính sự trầm lặng của cuộc sống tuy là thường nhật, những không tầm thường, hoặc khác thường chút nào.” (trích suy niệm Chúa nhật thứ 14 Thường niên, Lm Richard Leonard sj, ở Úc)

Đến đây, hẳn là những bạn có tâm trạng bình thường như bần đạo, chắc rồi sẽ hỏi: có gì trùng hợp hoặc đồng bộ chăng về tư tưởng của nhà Đạo với người đời? Thiết tưởng, thay vì trả lời thẳng vào câu hỏi này, cũng nên nghe thêm đôi lời ca, câu hát, để thưởng thức:

“Những sông trôi âm thầm,

Đám rong rêu xếp hàng,

Những mặt đường nằm câm,

Những mặt người buồn tênh.”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Rõ ràng là, đấng bậc nhà Đạo vừa trích dẫn ở trên vẫn chủ trương “về với tháng ngày thường nhật” để “mừng kính sự trầm lặng” trong cuộc sống ngày thường nhưng không tầm thường…” , thì nghệ sĩ ngoài đời lại kể về “những sông trôi âm thầm”, “mặt đường nằm câm”, “mặt người buồn tênh.”…

À thì ra, cái bình thường của những ngày thường, qua đó có “một ngày như mọi ngày”, là nhà Đạo mình vẫn nhận ra được sự khác thường trong cái bình thường hoặc tầm thường của cuộc sống thường nhật, cũng rất thường.

Nghệ sĩ ngoài đời, còn đi xa hơn, khi ông hát:

“Sóng đong đưa linh hồn,

Có mưa quanh chỗ nằm

Mãi một đời về không

Trong chập chùng thác nguồn.”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Hát thế rồi, người nghệ sĩ còn nhắn nhủ:

“Một ngày như mọi ngày, đi về một mình tôi,

Một ngày như mọi ngày, quanh đời mình chợt tối.

Một ngày như mọi ngày, giọng buồn lên tiếp nối,

Một ngày như mọi ngày, xe ngựa về ngủ say,”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Thật không xong rồi! Nghệ sĩ ngoài đời, dù nổi tiếng một thời, tài năng âm nhạc được nhiều người biết tới, nhưng mà sao ông vẫn cứ hát những là “đi về một mình tôi”, “Đời chợt tối”, Buồn tiếp nối”? Như thế nghĩa là thế nào? Chắc hẳn, ông không được hạnh phúc cho lắm (?) chỉ vì ông không thuộc những người “tầm thường”, bé mọn mà Kinh Sách nhà Đạo đã trích dẫn ở thánh lễ Chúa Nhật 14 thường niên, hôm nay:

“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha,

vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái

biết những điều này,

nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.

Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.”

(Mt 11: 25-26)

Nói thế phải chăng ta bảo rằng: nghệ sĩ buồn là phải, vì nào được mặc khải những điều cao siêu mầu nhiềm về cuộc sống! Chí ít, là cuộc vui có tôi và có bạn. Có tất cả, vẫn về mừng kính sự sống rất chói sáng. Nơi mọi người.

Chói và sáng hơn cả, vẫn là những điều được Đức Chúa bộc lộ/tỏ bày sự thật chỉ cho những người be bé, rất mọn hèn. Chúa mặc khải những sự rất thật, mà kẻ khôn ngoan ở đời có bật đuốc soi đèn, cũng không thấy. Nhưng, sự rất thật mà Chúa bộc lộ là những sự gì mà thật đến thế? Kẻ hèn mọn hôm nay, là những ai? Thánh sử Mátthêu, chỉ mới liệt kê một số người như thế, rất như sau:

“Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan

những điều mắt thấy tai nghe:

Người mù xem thấy,

kẻ què được đi,

người cùi được sạch,

kẻ điếc được nghe,

người chết sống lại,

kẻ nghèo được nghe Tin Mừng,

và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi."

(Mt 11: 4-5)

Nghe biết Tin Mừng, trước tiên là nghe và biết Tình yêu cứu độ của Chúa, đã đổ xuống cho người trần. Ngài đổ xuống, không chỉ cho người khôn ngoan thông thái, kẻ giàu sang chẳng màng Lời của Chúa. Nghe biết Tin Mừng, là nghe và biết về Đức Chúa đã chấp nhập cuộc giáng hạ làm người hèn mọn, rất be bé. Sống “một ngày như mọi ngày”, giống mọi người.

Nghe và biết Tin Mừng, là nghe và nhận biết những điều Chúa nhủ khuyên, thực hiện cuộc sống rất bình thường, giữa mọi người. Với người người. Nghe và biết Tin Mừng là biết được rằng Chúa thương yêu con người đến mức độ dám chấp nhận mọi khổ nhục trong cuộc sống. Cuộc sống rất tầm thường của người bình thường, để rồi sẽ chết nhục trên khổ giá, như tử tội.

Nghe và biết Tin Mừng, còn là và nhất là biết và tin rằng Chúa đã trỗi dậy từ cõi chết, để rồi Ngài sẽ sống mãi với con người. Sống với kẻ nghèo hèn, bé mọn. Để, đỡ nâng họ. Đưa họ về với giá trị\của cuộc sống, rất hạnh phúc.

Nghe và biết Tin Mừng, còn là nghe và chấp nhận bài sai Chúa đưa ra cho mọi người, vào phút cuối. Phút tạ từ ấy, có lời khuyên như sau:

“Vậy anh em hãy ra đi

mà làm cho muôn dân trở thành môn đệ,

làm phép rửa cho họ

nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,

dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.

Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế."

(Mt 28: 19-20)

Nghe và biết Thần Khí của Ngài vẫn ở lại với ta. Thần Khí Chúa, được thể hiện qua sự Bình An, Chúa phú ban. Bình an ấy, được diễn tả trong một bài suy niệm khác, rất như sau:

“Là tín hữu Đức Kitô, có lẽ ta cũng nên cẩn thận về tình trạng cứ thế thi nhau bận rộn. Đành rằng sống ở đời, là phải biết dấn thân với thế giới. Bởi, có làm thế, cũng là nhận lĩnh quà tặng Trên ban xuống, vẫn cho ta. Thế nhưng, đôi lúc cũng nên xét lại xem tình trạng bận rộn của mình. Có thứ bận mà không rộn cho lắm. Hoặc có bận và rộn chăng nữa, cũng chưa hẳn là điều tốt. Có thể, bận rộn như thế chỉ mang ý nghĩa của một chối từ thứ gì đó. Hoặc, né tránh bổn phận này nọ, mà thôi.

Quà tặng Chúa ban cho mọi người, ở cuộc đời, là sự bình an. Thoạt nhìn, có thể có vị cho đó là chuyện không ổn. Và hơi lạ. Lạ ở chỗ, ai mà chẳng muốn bình an với an bình. Khổ nỗi, cuộc đời không cho phép mình được thư thái bình an, đến như thế.

Bình an Chúa ban, là những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống, rất đời thường. Nó là trạng huống tâm linh. Là, thói quen tạo được sau biết bao chọn lựa nhất quán và liên lỉ. Có người, cùng lúc làm rất nhiều việc, nhưng tâm hồn họ vẫn thản nhiên, an bình. Với họ, bình an là vấn để của tâm linh. Trí tuệ. Là, cung cách sống. Là, quyết thực hiện những gì Chúa bảo ban, khuyên nhủ. Nhắc nhở.

Nếu biết rằng: cuộc sống của con người cũng mỏng dòn như bản chất của chính mình, ta sẽ đỡ vất vả hơn khi phải chiến đấu với nó. Và như thế, ta mới đạt tình huống biết thứ tha. Thứ tha, hết mọi người. Đồng thời, biết đón nhận sự tha thứ, từ nơi họ. Tha thứ, cũng là quà tặng quý giá Chúa trao ban, cho mọi người. Muốn có được sự bình an trong cuộc sống rất bình thường, thì phải chấp nhận đương đầu/giáp mặt với những gì mình không muốn thấy. Tức, những mong tránh né. Khước từ.

Nhưng oái oăm thay, những điều ấy thường hay đi theo và kèm theo sự việc xảy ra hằng ngày. Trong quá khứ. Hiện tại. Với tương lai. Những đính kèm trong cuộc đời có thể là hành xử gây tổn thương cho người khác. Bằng cách này hay cách khác. Cũng có thể là kinh nghiệm về một buồn đau mà người khác vẫn đem đến cho ta.

Nói tóm lại, trừ phi ta biết tự tha thứ và tha thứ người khác, nhất là những người làm mình mất đi sự bình an trong tâm hồn, bằng khôn thì tình trạng những bận và rộn với xôn xao, náo động trong cuộc sống, sẽ để lại những dấu ấn, khó quên. Rất miên trường.” (trích suy niệm 12/6/2011 do lm Richard Leonard sj, viết, x. www.giadinhanphong.blogspot.com )

Xem thế thì, hỡi bạn và hỡi tôi, ta dù trải qua biết bao nhiêu là chộn rộn của “một ngày như mọi ngày”, hãy cùng tôi nghe thêm đề nghị cuối của đấng bậc từng trải nghiệm niềm đau tư riêng đến độ viết lời than trong cuốn “Where the Hell is God?” nhưng cũng nói lên một cảm nhận rất thấm thía rằng:

“Mong sao Tiệc thánh âm thầm mùa thường niên luôn nhắc nhớ, rằng: ta vẫn có thể cử hành Phục Sinh đổi mới cuộc đời mình bằng những sinh hoạt trầm bình hằng ngày, nơi cuộc sống quá ư là ồn ào. Bận rộn. Cầu mong sao, cuộc đời thầm lắng trong những ngày thường giúp ta sẵn sàng để cho Tình Yêu Chúa biến đổi con người mình, hầu ta sống “một ngày như mọi ngày”, có thánh lễ thường niên. Quanh năm lặng lẽ nhưng không buồn tẻ. Chán nản.”

Chính đó là lời khuyên tốt đẹp, cho tôi và cho bạn. Suốt đường đời. Ở mọi nơi.

Trần Ngọc Mười Hai

Nay cảm kích

một sự rất thật

cho đời mình.

Saturday, 18 June 2011

“Ừ thôi em về, chiều mưa giông tới”

“Bây giờ anh vui, hai bàn tay đói”

“Bây giờ anh vui, hai bàn chân mỏi,”

“Thời gian nơi đây…”

(Trịnh Công Sơn – Cuối Cùng Cho Một Tình yêu)

(1P 5: 7-9)

Bàn tay “Em” có đói, hay có mỏi. Chiều mưa, giông có tới hay chỉ là cơn mưa cuộc tình của người mình, thì linh hồn rỗi cũng rất vui. Vui, với “thời gian nơi đây”,“Tình yêu xứ này”. Thế đấy, là tình tự mà dân con nhà Đạo rày vẫn có vào ngày mừng kính Mình Máu Chúa, rất Thánh Thể.

Thật ra thì, bạn cũng như tôi, ta nào dám nghĩ: nhạc bản trên lại có thể “ăn khớp” với ý nghĩa của ngày Lễ rất thánh được. Thế nhưng, bản thân bần đạo, sao vẫn thấy như có điểm nào đó cũng rất gần. Cũng, liên quan đến đời mình, ở huyện nhà. Thành thử, có “Ừ thôi” hay “Ừ nhỉ”, cũng chỉ để nói lên rằng “Cuối Cùng (rồi) Cũng Cho Một Tình Yêu” thôi.

Vâng. Quả có thế. Cuối cùng ra, mọi sự, ta cũng chỉ dành để: “Cho Một Tình Yêu!” thôi. Tình đó là tình yêu dấu, có Đức Chúa. Chứ, đâu chỉ mỗi tình người, tuy là tình lai láng rất số lượng. Và, phẩm chất. Như, tính chất cũng rất “tình” của mẹ hiền cứ gọi con đến gần mình rồi bảo: “Mẹ yêu con lắm!” Phải chăng, đó còn là ý nghĩa của “Cuối cùng, cho một Tình Yêu”, rất nhà Đạo?

Về Tình Yêu, hay “Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu”, là về tình tiết, rất “kể lể”, như truyện kể ở bên dưới, cũng để cười. Cho vui:

“Truyện rằng:

Ba đồng nghiệp nọ cùng làm chung một sở. Hôm ấy, thấy hứng vì vừa trúng một vụ cũng kha khá. Cả ba rủ nhau ra Nhà Bè lai rai một bữa cho thoả thuê tấm lòng những căng cùng thẳng do công việc, mãi kéo dài. Họ gồm một nhân viên tiếp tân, một thư ký đánh máy và vị trưởng sở. Vừa đến nơi, một trong ba người tình cờ vớ được cây đèn dầu rất cổ lỗ, tựa hồ cây đèn của Alibaba, nhiều bùa phép. Thế là, cả ba vị lập tức tập trung xoa xoa vào đèn, xem có phép thần thông biến hoá nào hiện ra chăng? Quả y như rằng, vừa xoa xong, đã thấy thần đèn hiện lên bảo:

-Ta cho các ngươi mỗi người một điều ước, cứ thành thật mà “khai báo”, nói lên ước nguyện của mình. Sau đó, ta sẽ hoá phép. Và ước nguyện ấy sẽ thành hiện thực, ngay lập tức.

Cả ba vị giành nhau bước tới mà ước trước. Nhưng, người thư ký trẻ được ưu tiên, nói nhanh nhẩt:

-Tôi muốn thành đại gia. Sống đến già, ở Bahamas. Ăn chơi hết ga. Quên chuyện nhà.

Tức thì, thần đèn thổi hơi ngắn vào người của thư ký. Và, thư ký trẻ biến mất.

Đến lượt người thanh niên chuyên tiếp tân, cũng vội ước:

-Tôi muốn đi Hawai. Nằm dài nơi bãi biển. Có dinh thự đẹp ở khu sang. Sáng chiều, lúc nào cũng có người đến xoa bóp. Cơm bưng. Nước rót. Cũng khoẻ re.

Lập tức, thần đèn thổi vào người nhân viên tiếp tân. Và, anh cũng biến mất. Đến lượt trưởng sở thấy sự việc coi mòi không êm ắng. Nếu để nhân viên biến mất dạng như thế thì rồi ra lấy ai làm việc cho mình. Ông bèn đề xuất một ước nguyện, theo kiểu Đạo:

-Tôi muốn nhân viên của tôi có mặt ngay ở văn phòng, để còn tiếp tục phát huy tình hiệp thông đoàn kết, trong mọi việc.

Thế là xong. Thần đèn chỉ thổi làn hơi nhẹ vào người, tức thì cả ba đồng nghiệp “ham vui” ấy lại đã quay về chốn cũ, tiếp tục công việc rất “Vũ Như Cẫn”. Tức, “vẫn như cũ”.

Nghe kể xong, người người cứ nghĩ đó chỉ là “chuyện tưởng như đùa”, rất cổ tích. Sự thật, thì nhiều truyện tích được trích từ các báo điện, cũng rất tiện. Báo nào cũng nói toàn chuyện đời. Ít khí bàn chuyện Đạo. Đúng hơn phải nói: báo/đài cùng lắm chỉ nói mỗi chuyện vui thôi. Nào để ý chuyện Đạo ở đời?

Chuyện Đạo ở đời, chuyện nào mà chẳng vui tươi, tinh tế. Ý nhị. Chí ít, là những chuyện có kết hậu. Có lời bàn của người kể. Chính vì thế, nên người kể hôm nay lại cũng đưa ra lời bàn luận rất ngắn gọn, rằng: bà con ta ước gì thì ước, chớ có mơ ước trở thành cán bộ cao cấp, hoặc linh mục nhà Đạo, dù bình dị. Bởi, đó là hai giới cấp rất sáng chói. Người người đều ước muốn.

Về những ước và muốn làm cán bộ cao cấp, bần đạo đây chẳng dám phiếm hoặc luận bàn. Vì không đủ tư cách. Chỉ dám phiếm qua đôi giòng cho bớt lòng thòng. Rồi thôi. Nhưng, đề cập nhiều đến chuyện phối kiểm tin tức về đạo đức/chức năng của linh mục hiện diễn xảy ra ở đâu đó, rất xứ mình. Nói gần nói xa chẳng qua nói thật, thì: mới đây, bần đạo nhận được một điện thư có nội dung khá ly kỳ như sau:

“Gửi anh một bài mới nhận được. Những loại “vạ tuyệt thông” như thế này vẫn cứ xảy ra dài dài, ở Việt Nam. Mình có đề cập đến chuyện này trong một bài viết ngắn trước đây, về tình trạng của một cụ ông thôn trưởng từng bị “vạ tuyệt thông” chỉ vì con gái ở làng cụ quá xinh đẹp đến độ lôi cuốn quá nhiều Việt kiều về cưới hỏi… đâm rắc rối. Cụ bị cha cố trong xứ ra vạ tuyệt thông cho đến khi “cha” này được đổi đi xứ khác mà vạ kia vẫn chưa thông, lại triệt tuyệt. Chuyện lạ đời là: cứ vạ này chồng lên vạ khác, mới chết con dân nhà Đức Chúa Lời, thế cơ chứ…” (trích điện thư từ một linh mục xa quê, đề ngày 6/6/2011)

Đọc thư người anh em linh mục viết rất ngắn, nhưng bần đạo lại cứ liên tưởng đến ca từ nghệ sĩ hát:

“Bây giờ anh vui, một linh hồn rỗi,

Tình yêu xứ này.

Một lần yêu thương, một đời bão nổi.

Giã từ giã từ.

Chiều mưa giông tới.

Em ơi! Em ơi!..”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Thoạt nhìn, hẳn bạn bè/người thân chẳng thấy có gì ăn khớp giữa lời thư với lời thơ, trích ở trên? Nhưng chuyện có “ăn khớp” hay không, cũng chẳng làm bần đạo bận tâm thêm, bằng nội dung bức thư của vị đại diện báo điện tử mang tên “BBT CGVN” mới đáng ngại. Ngại, là vì bức thư mang tính cách rất chung đuợc gửi đến Đức ngài “Chủ tịch HĐGMVN”, như sau:

“Trọng kính Đức Cha Chủ tịch HĐGMVN,

Quí Đức Cha Giáo Phận,

Nhân dịp có bài viết dưới đây của cha PX. Ngô Tôn Huấn đề cập đến việc lạm quyền ở một vài nơi, chúng con khẩn khoản kính mong Đức Cha Chủ tịch HĐGMVN, Quí Đức Cha Giáo Phận vui lòng giải thích soi sáng và điều chỉnh một số qui định đã lỗi thời, nhưng vẫn còn được áp dụng ở một vài nơi, đồng thời đã và đang còn tiếp tục gây phản tác dụng cho việc Rao giảng Tin Mừng trên Quê hương Việt Nam.

Chúng con đã có dịp nhìn tận mắt “Đơn xin giải vạ”: có bút phê, chữ ký, mộc của Cha Xứ và cha Quản Hạt, được giao lại cho hối nhân chỉ vì đã tham gia vào một đám cưới (của người thân) chưa hoàn thành thủ tục hôn phối đầy đủ theo phép đạo.

Có nơi đã “kỷ luật cả xác chết” bằng cách không cho lễ an táng, buộc phải chôn bên ngoài đất thánh chỉ vì được “báo cáo”là đương sự đã tự tử. Tiếc rằng ít lâu sau lại có tin người này bị hãm hại chứ không phải tự tử, thế là trong đêm lại âm thầm “đào mồ” lên đem xác vào chôn trong đất thánh. Có thai nhi còn nằm trong bụng mẹ cũng bị kỷ luật chung với mẹ (không có lễ an táng, không được chôn trong đất thánh), chỉ vì “quyền bính xã hội” kết luận là bà mẹ (quá đau khổ) này đã tự tử. Nhưng ở nơi kia, cha phó treo cổ tự tử thì chẳng thấy bị kỷ luật?

Thật ra để kết luận một trường hợp tự tử lại không phải là chuyện đơn giản của những “người trần mắt thịt”!

Chúng con xin chân thành cám ơn.

BBT CGVN

Như thường lệ, mỗi khi được thông tri về “sự lạ” có liên quan đến cuộc sống tốt đạo/đẹp đời xảy ra ở khắp nơi, bần đạo thường có thói tật không hay cho lắm, là: bụng bảo dạ chớ có dại mà dính vô. Và thật ra, cũng chẳng có tư cách để tham gia ý kiến hay biện luận. Chỉ dám trộm nghĩ và suy tìm lời Chúa, cho bản thân thôi. Với bần đạo, Lời Chúa mới giúp ích mình, chứ không chỉ mỗi giáo luật, mà thôi. Và, cũng tình cờ, bần đạo tìm được một đoạn thư của thánh nhân trong Đạo từng có những lời khuyên như sau:

“Anh em hãy đứng vững trong đức tin

mà chống cự,

vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian

đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế.

Thiên Chúa là nguồn mọi ân sủng,

cũng là Đấng đã kêu gọi anh em

vào vinh quang đời đời của Người

trong Đức Kitô.

Phần anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu,

chính Thiên Chúa sẽ cho anh em

được nên hoàn thiện,

vững vàng,

mạnh mẽ và kiên cường.”

(1P 5: 9-10)

Vững vàng. Hoàn thiện. Mạnh mẽ và kiên cường. Phải chăng, đó là những đức tính cần có để sống giữa đời. Với nhà Đạo? “Đứng vững trong đức tin mà chống cự”. Chống cự, là chống ai? Cự gì? Theo bối cảnh nhà Đạo lúc thánh nhân viết thư, là: chống lại “mưu chước của quỉ ma, tà thần chuyên dùng thân xác để lượn rình mà cắn xé” (1P 5: 8).

Nhưng ở đây, trong bối cảnh của những chuyện viết trong thư gửi “Quí Đức Cha” có đầu đề rất nổi cộm: “Xin đừng kỷ luật xác chết”. Và, một đầu đề khác, nơi bài viết của Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn, cũng có nói: “Dự tiệc cưới của đôi vợ chồng lấy nhau không hợp lẽ đạo thì bị vạ tuyệt thông?”. Và, cả kết luận của người đặt câu hỏi trên, cũng viết như thế này:

“Tóm lại, mọi linh mục đều được mong đợi học hành đến nơi đến chốn để khi thi hành sứ vụ (prietly ministries) không tự ý mình làm những việc sai trái về phụng vụ và bí tích, khiến gây hoang mang và thiệt hại cho giáo dân chẳng may rơi vào trách nhiệm mục vụ của mình.” (x. Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn, www.conggiaovietnam.net, 8/6/2011)

Về với lời thơ (chứ không phải lời thư, hay lời trong thư), người nghệ sĩ lại đã hát:

Sầu thôi xuống đầy, làm sao em nhớ

Mưa ngoài sông bay

Lời ca anh nhỏ, nỗi lòng anh đầy.

Sầu thôi thôi đầy,

Sầu thôi xuống…đầy”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Với nhà Đạo, lại cũng có lời nhủ khuyên từ đấng thánh hiền, từng vướng mắc một vài sai phạm/lầm lỡ cũng tương tự, nhưng sau đó lại đã quyết tâm, trong hành xử. Quyết, là quyết thế này:

“Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ

dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa,

để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định.

Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người,

vì Người chăm sóc anh em.”

(1P 5: 6-7)

Về với lời khuyên “như ở trên”, là về với quyết tâm “khiêm hạ”, đặt mình “dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa”, để rồi ”mọi âu lo, trút cả cho Người”. Về với lời nhủ, dù rất cũ, là về với Cộng đoàn Hội thánh có niềm tin vững chãi quyết rằng bản thân mình là Đền thờ của Thánh Thần. Và cả mình nữa, hãy về với lời nhủ khuyên, là về với Mình Thánh Chúa. Với Hội thánh, để rồi sẽ thẩm nhập vào Tiệc Lòng Mến, ngày của Chúa. Nhất là ngày đặc biệt mừng kính Mình Máu rất thánh, của Đức Chúa.

Về với Hội thánh, còn là về mà tìm hiểu “tại sao Hội thánh lại có buổi mừng kính những hai lần trong một năm, sau khi đã mừng kính vào Lễ Tạ Từ ngày Thứ Năm Thánh?” Về với lời kinh/khuyên răn, còn là về mà nghe lời giải thích của đấng bậc nhà Đạo ở Sydney, như sau:

“Một trong các lý do khiến ta thêm một Lễ nữa để mừng kính Mình Thánh Chúa, là vì lần này ta tập trung vào sự hiện diện của Thánh Thể, tức Mình Thánh Chúa bằng một lễ Trọng gọi là Lễ Mình Máu Chúa.

Lễ này có nguồn gốc xuất từ việc tôn sùng thờ kính Thánh Thể vào thế kỷ thứ 13, lần đầu được thiết lập tại Liege, nước Bỉ vào năm 1246, do Đức Giám Mục Robertô thành Turôtê đề nghị. Vào lúc ấy, chị Julianna thành Cornillon đã khẩn nài Hội thánh hãy mừng Lễ này sau khi chị được thị kiến gặp gỡ Chúa năm 1208. Và, chị được thần hứng cho biết: Chúa muốn Giáo hội tổ chức trong niên lịch phụng vụ, một thánh lễ đặc biệt chú trọng đến sự hiện diện của Bí tích Thánh Thể ở nhà thờ.

Đấng bậc từng cổ võ việc này mong được phổ biến rộng rãi trong Hội thánh, là Tổng Phó tế Jacques Pantaleon lúc ấy còn trụ trì ở giáo Phận Liege, nước Bỉ. Đến năm 1261, ngài trở thành Giáo Hoàng Urban IV và ba năm sau, ngài quyết định thành lập Lễ này, cho toàn Hội thánh. Có kiệu rước rất long trọng, để tỏ lòng sùng kính. Và từ đó, Lễ này trở thành tập tục truyền thống, tổ chức hằng năm, từ thế kỷ thứ 14 cho đến nay.

Thật ra thì, Lễ này này tồn tại là do Phép lạ xảy ra ở Bolsena, nước Ý vào năm 1263. Năm đó, có linh mục người Đức là linh mục Phêrô thành Praha trên đường hành hương, đã dừng chân tại thủ phủ Bolsena, ngài được ơn lành nhận ra rằng Chúa Kitô thực sự vẫn hiện diện nơi bánh thánh khi ngài cử hành thánh lễ tại giáo đường có mộ phần của thánh nữ tử đạo Christina. Và, khi ngài truyền phép vào bánh thánh thì lúc đó bánh thánh rỉ máu, chảy vào tay ngài xuống khăn thánh thấm vào bàn thờ. Ngay khi ấy, toàn thân ngài bủn rủn đến khiếp sợ. Lúc đầu, ngài định bụng giữ kín trong lòng sự việc này, nhưng sau đó, quyết định ngưng thánh lễ và yêu cầu người dự lễ chở ngài đến thành Orvieto, nơi Đức Giáo Hoàng Urban IV trụ trì.

Đức Giáo Hoàng lắng nghe cha Phêrô kể đâu đuôi sự việc. Sau đó, ban phép lành cho cha; rồi chỉ thị cho các vị trong giáo triều có trọng trách điều tra “sự lạ” ấy. Khi mọi sự được cân nhắc, thẩm định kỹ, Đức Giáo Hoàng chỉ thị cho Giám Mục sở tại đem Bánh Thánh và Khăn Thánh có vệt máu ấy đến ngai toà ở Orvieto. Đức Giáo Hoàng đích thân đón tiếp phái đoàn kiệu rước thánh tích và cho phép đặt thánh tích ấy tại nhà thờ chánh toà, rất trang nghiêm. Trọng thể. Kể từ đó, Thánh tích này được lưu giữ tại nhà thờ ở Orvieto, như thánh tích rất quý hiếm.

Được biết Đức Giáo Hoàng Urban IV, rất quan tâm đến sự việc lạ lùng này, nên đã truyền cho thánh Tôma Akinô soạn Phần Riêng cho Thánh lễ và viết một kinh đặc biệt sùng kính Thánh Thể và công nhận đó chính là Mình Chúa Kitô. Tháng 8 năm 1264, tức một năm sau đó, Đức Giáo Hoàng Urban IV đã chỉ thị cho Uỷ Ban Phụng Vụ thành lập Lễ kính Mình Máu Chúa. Đến hôm nay, Phụng vụ Hội thánh vẫn sử dụng bản kinh do thánh Tôma đặt cho Lể Trọng này kể cả Kinh Phần Vụ được nhiều người biết đến và đọc đến hôm nay.

Tháng 8 năm 1964, nhân kỷ niệm 700 năm ngày thành lập Lễ Mình Máu Chúa Kitô, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục cũng đã cử hành thánh lễ ngay tại bàn thờ, nơi xảy ra sự lạ khăn thánh có máu rỉ, đuợc lưu trữ tại Mồ thánh bằng vàng bên trong Thánh đường Orvieto.” (x. Lm John Flader, Question Time Connorcourt Publishing 2008 tr. 312-313)

Về thắc mắc: có xứng hợp chăng giữa hành xử của vị linh mục “nhà” đầy quyền sinh/quyền sát rất “tuyệt thông”, với động thái của vị linh mục rất lành và cũng, thánh nói ở trên? Nói cách khác, người đọc và nghe truyện nghĩ sao về sự kiện đấng bậc khi xưa dù lành thánh đến mấy vẫn không dám tự quyết đoán về “phép lạ” liên quan đến sự hiệp thông trong Hội thánh, và đấng bậc nay cứ tự tung tự tác quyết đoán cả lệnh “tuyệt thông” những ai liên quan đến “sự lạ”, trong hành xử. Ở giáo xứ

Nói cho cùng, thì sứ mệnh của thành viên Hội thánh, ở mọi bậc, sẽ là và phải là gầy dựng một thánh hội hiệp thông, hơn là và đúng là: một hội thánh chủ trương tuyệt thông, vô tội vạ. Hoặc, đầy những “vạ này chồng chất vạ kia”, đến khó giải.

Lời phiếm cuối hôm nay, là: đề nghị tôi/đề nghị bạn, ta cứ trở về với lời kinh rất thánh, vẫn nhủ khuyên, rằng:

Chính vì Đức Kitô đã chịu đau khổ trong thân xác,

nên anh em cũng phải lấy tư tưởng này làm khí giới:

ai chịu đau khổ trong thân xác

thì đoạn tuyệt với tội lỗi,

để bao lâu còn sống trong thân xác,

người ấy không theo những đam mê của con người nữa,

mà theo ý muốn của Thiên Chúa.”

(1P 4: 1-2)

Có lẽ, Thân Xác rất thánh của Đức Kitô, vẫn và sẽ là lý tưởng để tôi và bạn lấy đó làm mục tiêu sống, rất ở đây. Hôm nay và mai ngày.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn muốn nhủ mình

và nhủ bạn

những điều rất như thế.

Friday, 17 June 2011

“Về đây nghe em, về đây nghe em”

Về đây mặc áo the, đi guốc mộc…

(Trần Quang Lộc – Về Đây Nghe Em)

(1P 5: 8-9)

Gọi “em” về, mà lại dẫn dụ “em” mang mặc những là áo the. Đi guốc mộc. Rồi hát kể:

“Kể chuyện tình bằng lời ca dao

Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai

Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới

Và về đây nghe lại tiếng nói thơ ấu khúc hát ban đầu.”

(Trần Quang Lộc – bđd)

Kể, mà lại kể toàn những chuyện như thế, khác nào người anh họ của bần đạo, cũng có kể. Nhưng, anh dùng toàn câu thơ/bài vè từ “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” của ngày trước, để rồi nhái lại bằng thơ văn, thời hôm nay. Cho hợp nhĩ. Thơ văn, thời buổi trước là như sau:

“Hỡi các câụ bé con,

trong lúc tuổi còn non,

các cậu phải chăm học,

Có học mới nên khôn.”

(trích bài “Khuyến học” trong QVGKT)

Và, câu vè của bậc đàn anh, lại như sau:

“Hỡi ông bô bà via,

trong lúc đợi mộ bia.

Các cụ phải ngoan ngoãn,

chớ ọ ẹ nọ kia.

“Hiếu đễ” với con cái,

Mới khỏi bị ra rià.”

(Trích thơ vui của Nguyễn Trường Khoan, Úc)

Thơ vui ở đời, là như thế. Còn thơ “tình” nhà Đạo thì sao? Dạ. Thơ tình nhà Đạo đại loại cũng rất “tình” như sau:

“Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức,

vì ma quỷ, thù địch của anh em,

như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.”

(1P 5: 8)

Thơ “tình” nhà Đạo hay người đời, vẫn rất vui. Chẳng ai cười. Cũng vẫn là thơ, chứ không thẩn. Thế còn, văn xuôi ngoài đời thì khác. Văn xuôi/truyện kể ở ngoài đời, vẫn có những đoạn hoặc những truyện cũng khá vui. Tuy hơi dạy đời. Thời, cũng đúng. Hay và đúng, như truyện kể bên dưới, rất như sau:

“Sau 30 năm xa cách, 4 người bạn học gặp nhau trong 1 nhà hàng. Rượu vào thì lời ra. Người thứ nhất nói trước:
-Tôi rất hãnh diện với thằng con trai tôi, siêng năng thông minh, giỏi ghê hồn. Sau khi lấy bằng Master rồi nó còn học tiếp không chịu nghỉ, giờ thì nó là tổng giám đốc 1 tập đoàn lớn nhất Âu Châu, nó giàu đến nỗi nó vừa tặng thằng bạn thân khác 1 cái Mercedes S600 mới toanh…sương
Ông thứ hai xen vào:
-Ừ giỏi thiệt!! Chúc mừng anh. Còn thằng con tôi cũng đâu thua gì! Mấy anh biết không, sau khi tốt nghiệp đại học, nó lấy ngay bằng láy máy bay và hiện giờ nó có 50% cổ phần của hãng hàng không lớn nhứt nhì Âu Châu! Tiền nhiều quá không biết làm gì, nó bèn tặng luôn cho thằng bạn thân của nó 1 chiếc Boeing 737-700 luôn, mấy anh coi có kinh khiếp không?
Ông thứ ba cũng không chịu thua, cũng góp ý: 
-Vậy là 2 anh ngon quá rồi còn gì, nhưng mà tui cũng phải kể một chút về con trai tui chứ!!! Tui cũng hãnh diện không kém 2 anh, thằng con tui nó cũng là đại gia có tầm cỡ, sau khi lấy bằng kiến trúc sư, nó mở ngay 1 hãng thầu chuyên xây nhà chọc trời, hiện tại nó chuyên xây cho mấy ông vua dầu hỏa bên Dubai đó!

Nó cũng giống như 2 thằng con của 2 anh, tiền hô hậu ủng, nó xây cho thằng bạn thân nó 1 cái Villa 10 phòng ngủ có sân đậu trực thăng trên sân thượng luôn, nghe nó kể mà phát ớn……
Lúc đó ông thứ tư mới từ phòng rửa tay đi ra, chả hiễu ất giáp gì thì được 3 ông bạn chí thân dồn dập hỏi:
-Tụi tui mới vừa kể về mấy thằng con trai yêu quí của tụi tui! Còn quí tử anh thì thế nào?
Ông thứ tư vỡ lẽ câu chuyện mà bạn bè đang khoe, bèn chậm rãi nói: 
-Thằng con tui thuộc loại đồng tính… luyến cái gì đó không biết. Nó làm việc trong 1 quán Bar và vũ sexy kiêm chân Callboy luôn..
-Trời ơi, sao mà anh bất hạnh quá vậy? Ba ông bạn đồng thanh lên tiếng.
-Sao lại bất hạnh? Ông thứ tư tiếp luôn: Nó là cả 1 sự hãnh diện của tui đó! Mấy anh biết hôn, mới đây nè, nó về khoe tui là nó được ba thằng bồ tặng quà xịn cho nó đó. Thằng thứ nhất tặng cho 1 chiếc Mercedes S600, thằng thứ hai thì cho 1 chiếc Boeing 737_700, còn thằng thứ 3 thì xây cho 1 cái Villa bành ki luôn. Mấy anh thấy tui có phước hông? (truyện kể trích từ trang mạng batkhuat.net/index)
               Nghe kể truyện, chắc người nghệ sĩ họ Trần, phải hát tiếp:
 
“Về đây nghe em, về đây nghe em

Về đây thả ước mơ đi hát dạo

Để đời đời làm giọt sương mai

Để chào đời bằng lòng mới lớn

Để hận thù người người lắng xuống

Và tìm nhau như tìm xót xa

Trong lúc lệ đã đầy vơi…”
(Trần Quang Lộc – bđd)
 
               Hát hoặc kể, vẫn là chuyện thường ngày chốn dân gian, ở đời thường. Nơi nhà Đạo, cũng có những chuyện không phải để kể hoặc để hát, mà để người đồng Đạo rủ nhau mà học hỏi, những điều tốt. Điều ấy, không hiển nhiên như lời thánh nhân cột trụ Hội thánh vừa khuyên ở trên. Mà là, những điều dân con ở huyện nhà Đạo cũng cần biết, vì có liên quan đến chuyện đời, rất thường ngày. Điều ấy, được diễn tả bằng lời hỏi han như thế này:
 
“Tôi có người bà con trong họ, cô đang độ tuổi đôi mươi, nhưng vẫn thích ra riêng sống một mình. Mà lại san sẻ phòng ốc với người lạ khác phái, để cùng sống. Thấy thiên hạ thắc mắc, cô vẫn thanh minh rằng: giữa cô và “người ấy” chỉ là “bạn”, chứ chẳng có gì gọi là mật thiết, hoặc liên quan. Dù sao thì với tôi, vẫn có cái gì đó rất không ổn. Chí ít, là theo quan niệm và tầm nhìn của riêng tôi, xưa đến giờ. Xin linh mục cho biết tôi có lý hay người kia có lẽ?”
 
               Lại cũng là lời hỏi rất han. Đã hỏi han, thì đương nhiên đấng bậc nhà mình phải “lan man” mà trả lời, chứ không phải trả vốn. Hoặc, “một vốn bốn lời”, như ở đời. Trả lời, là trả một lời sau đây:
 
“Tình cảnh cô vừa kể, lâu nay trở thành chuyện “thời thượng”, rất nghe quen.  Cách đây chừng bốn mươi hoặc năm mươi năm gì đó, thiên hạ cũng từng nhăn nhó bày tỏ mối bất đồng khi nghe biết có người đi Đạo vẫn theo lối sống kiểu như thế. Sự thật, thì ít người đồng ý chịu nghe theo. Nhưng ngày nay, chừng như xã hội đã có phần dễ dãi hơn. Tức,  chỉ “làm thinh, là tình đã thuận”, thì phải?
 
Nên, vấn đề là: ta nghĩ sao về những chuyện đại loại như thế?
 
Ví dụ như: có ai đó mướn căn nhà 2 phòng ngủ, nhưng một mình ở như thế thấy quá phí phạm bèn đem rao vặt cho thuê bớt căn phòng kia cho một người khác phái đến ở. Hoặc trường hợp: họ là hai người bạn, hoặc đồng nghiệp/đồng môn nhưng khác phái, lại quyết định “chia phòng”, sống chung căn hộ, ăn ở với nhau tự nhiên như cây cỏ. Thông thường, thì một người là nam nhân trẻ còn người kia là nữ lưu cùng trang lứa hoặc khác tuổi từng hứa hôn với nhau, nay quyết định về chung sống cùng một căn hộ cho đỡ tiền thuê hai phòng, hầu tiết kiệm. Hoặc một nam và một nữ có quan hệ ăn ở với nhau không đám cưới, ít là chỉ trong giai đoạn, thôi.   
 
Xét về cuộc sống luân lý của những người có liên quan như trên cũng rất khác. Trường hợp thứ nhất, không thấy có tương quan mật thiết, còn trường hợp cuối, chắc chắn là có tương quan, rất rõ ràng.
 
Dĩ nhiên, với Giáo lý Hội thánh Công giáo, thì bất kỳ vị nào sống đời dục tình, ăn ở với nhau mà không có hôn thú, dứt khoát là đang ở vào tình trạng có lỗi phạm nặng (x. GLHTCG #2353). Thế nhưng, hỏi rằng luân lý ta có chấp nhận cho nam nữ sống chung mà không giao hoan tình dục thì sao?
 
Về chuyện này, cũng cần xét đến 2 yếu tố: 
 
Trước nhất, là mối nguy hiểm. Đã đành là, cho đến giờ, cả hai nam thanh nữ tú ở gần cận nhau nhưng không có tình ý lôi cuốn nhau và nhất là không có ý định dấn thân vào chuyện sinh lý xác thịt, dù đôi lúc lửa gần rơm cũng dễ bén, nhiều cám dỗ.”
 
               Xét đến đây, tưởng cũng nên xem thử người nghệ sĩ có nói gì thêm, hay chỉ những hát:
 
                                              “Này hồn ơi lên cao lên cao 
                                              Đem ánh sáng hân hoan trên trời 
                                              Rọi vào đời cho ta tinh cầu yêu thương 
                                              Này thịt xương ta chưa mang theo 
                                              Khi ngã xuống miên man tủi hờn 
                                              Và về đây nghe nhau thở dài trong đêm...”
                                              (Trần Quang Lộc – bđd)
 
               Xem như thế, thì: sống với nhau, đâu chỉ cần để ý đến chuyện thân xác. Tiền bạc. Và, người đời mà thôi. Nhưng còn phải biết quan tâm cả chuyện “Này hồn ơi, lên cao lên cao”, cho phải phép. Phép và tắc, của “già nhân ngãi, non vợ chồng”, là chuyện luân lý/đạo đức cũng rất Đạo, như sau: 
 
”Cách đây nhiều năm, tôi nhớ có lần được nghe vị cha già chuyên linh hướng có dẵn dò tân chức mới thụ phong về những hiểm nguy khi sống cùng căn hộ với chị quản gia, lo bếp núc mà không định rõ cách ngăn nơi khu vực ăn ở, nên cha già đã khuyên rằng: gần gũi xác thịt còn nguy hiểm hơn cả tài sắc, rất quyến rũ. Đó là chỉ mới đề cập đến yếu tố gần/cận bên người quản gia, dù chị ta có hơn tuổi đương sự khá nhiều, cũng vẫn nguy. Nguy và hiểm, là nguy cho đức khiết tịnh đời linh mục, mà thực tế cuộc sống buộc có đụng chạm giao tiếp người khác phái.
 
Tôi cũng nhớ đến trường hợp của linh mục dòng Đa Minh khác, lúc ấy ngài đang làm tuyên uý cho sinh viên trường cao đẳng nọ. Theo qui định trường, thì bạn bè nữ giới muốn vào phòng ngủ thăm nam sinh viên, cũng không được phép. Lúc ấy, các sinh viên rất vô tội đến gặp vị tuyên uý này và đơn sơ hỏi: “Bộ cha không tin bọn con sao?”, thì vị tuyên úy trả lời: “Tôi mà ở vào hoàn cảnh các bạn, thì chính tôi đây còn chẳng tin được mình nữa là.” 
 
Xem thế, thì nam nữ chưa thành vợ thành chồng mà lại chia phòng ở chung với nhau, thường hay dễ đặt mình, mà không có lý do chính đáng, vào tình trạng mà ta gọi là “dịp tội”. Cả hai sẽ gia tăng khả năng tình huống rơi vào cạm bẫy cám dỗ, cứ tìm đến với nhau, mà chung đụng.
 
Và, thường thì không có lý do nào thoả đáng khiến họ đi vào tình huống nguy hiểm ấy. Tiết kiệm tiền bạc, không là lý do đủ vững để mình tự đặt chính mình vào dịp tội. Là nam hay nữ, muốn tiết kiệm tiền bạc, tốt hơn nên chia phòng với người cùng phái tính; hoặc chọn ở lại với cha mẹ một thời gian; hoặc sắp xếp sao đó, cho hợp lẽ đạo làm người, vẫn tốt hơn.
 
Hơn nữa, sống ở đời cũng nên biết tự kỷ luật để giữ cho lòng mình được thanh khiết, cũng là điều tốt. Có như thế, mới có thể tự kềm chế chính mình, ngõ hầu giữ mình sẵn sàng trong trắng cho hôn nhân, về sau.
 
Điều khác nữa, cũng nên quan tâm, là chuyện thị phi/tai tiếng. Nói nôm na, thì: nếu người khác biết mình là gái nhà lành lại Công giáo đang chung sống với bạn trai không cưới hỏi, thì làm như thế rất dễ đưa đến chuyện người khác hiểu lầm rằng mình muốn sống theo kiểu “thử lửa” thôi. Và, sống như thế rất dễ khiến mình rơi vào tình trạng phạm tội; trong khi cả hai người, lúc đầu, cũng không muốn làm như thế. Đằng khác, sống theo kiểu ấy, dễ gây gương mù gương xấu cho kẻ khác. Để rồi, cuối cùng, mình cũng sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa về những lỗi phạm mà người khác có thể mắc phải chỉ vì bắt chước kiểu mình.
 
Chính vì những lý do này, mà các bạn chưa có gia đình, cũng đừng nên làm thế. Dù, hai bên không mảy may có ý định tiến sâu hơn vào chuyện tiếp xúc mật thiết về tình dục.” (x. John Flader, The Catholic Weekly 29/5/2011 tr. 10)         
 
               Tắt một lời, ngẫm nghĩ chuyện đời, lắm lúc cũng có một số bạn bè vẫn nhớ về lời thơ/ý nhạc của nghệ sĩ vừa trích dẫn ở trên, có câu hát làm đoạn kết, như sau:
 
                                              “Về đây nghe em, về đây nghe em
                                              Về đây đứng khóc trên sông nước này
                                              Chở lòng người trở về quê hương
                                              Chở hồn người vào dòng suối mát
                                              Chở thật thà vào lòng dối trá
                                              Và ngắt hoa, xin tạ chút ơn
                                              Hoang phế, khi đã gặp nhau 
                                              (Trần Quang Lộc – bđd)
 
               “Hoang phế, khi đã gặp nhau”, phải chăng là đã hoang tàn/đáng phế thải, khi gặp lại người hoặc Đấng mình cần gặp? Bởi, khi gặp lại người mình muốn gặp, vẫn nên hát: “Chở hồn người vào dòng suối mát”, Và ngắt hoa xin tạ chút ơn.” Ơn này hay ơn khác, phải chăng là những ơn và huệ, do Thánh Thần Chúa phú ban, đến với mọi người. Cả những người đã một lần từng lầm lỡ. Quá trớn. Hết biết?
               Lầm lỡ chăng, vẫn tự nhắn nhủ: “Chở lòng người trở về quê hương”. Chốn quê nhà, có người người vẫn muốn “Chở thật thà vào lòng dối trá”, để rồi: có về với nơi đây hay chốn đó, hãy cứ nhớ lời người hôm xưa đã cùng nghệ sĩ vẫn hát rằng:  
 
                                              “Về đây nghe em, về đây nghe em
                                              Về đây đừng khóc trên sông nước này…”
                                              (Trần Quang Lộc – bđd)
 
               Có hát thế, mới thấy rằng: lời thánh nhân khi xưa, vẫn từng thưa:
 

“Anh em hãy đứng vững trong đức tin

mà chống cự,

vì biết rằng

toàn thể anh em trên trần gian

                                                đều trải qua 
                                                cùng một loại thống khổ như thế.”
                                                (1P 5: 9)
 
               Quả thế. Sống ở đời, chẳng ai biết trước được: nhiều hiểm nguy đang ở trước mắt, của mỗi người. Vấn đề là, người người có còn nhớ và tin vào lời thánh nhân xưa căn dặn không? Nói cách khác, có tin và nghe theo Lời ngài hay không? Đó chính là vấn đề. Của tôi. Của bạn. Của mọi người.
 
               Trần Ngọc Mười Hai
               vẫn tâm vẫn niệm và vẫn hát câu
               về đây nghe em, nghe anh.
               Về, để đứng vững trong lòng tin,
               một lòng như thế.