Saturday, 30 October 2010

“Anh hát cho em bài tình ca thiết tha”

Anh hát cho em dù lòng nghe xót xa Một lần gặp gỡ đã là bao thương nhớ Thương dáng em cười nhớ nụ mắt bờ môi”

(Ngô Thụy Miên – Bài Tình Ca Cho Em)

(Rm 1: 10)

Hát cho em. Hát bài nào, mà chẳng được. Bài nào, thì lời lẽ/ý từ vẫn cứ là bài tình ca, rất thiết tha. Cho Em. Và, cho Anh. Bởi, có ca hay có hát, vẫn là hát/là ca, một bài tình. Tình tự. Ý tứ. Vẫn là tình ý, của đôi ta. Những người vẫn sống Đạo. Trong đời.

Hát cho em, là hát những lời lẽ, rất đậm đà từ muôn trước. Thuở có em và có anh, cứ nhớ thương/thương nhớ, suốt bốn mùa, như nghệ sĩ họ Ngô từng gợi ý, rất như sau:

“Anh nhớ năm xưa mùa xuân em đến thăm

Em nói yêu anh rồi tình qua rất nhanh

Một ngày chợt đến bỗng tình như đã lỡ

Một ngày chợt đến bỗng đời như tan vỡ.”

(Ngô Thụy Miên – bđd)

Đời vỡ tan, chẳng vì mùa xuân chợt đến. Rất nhanh. Vẫn rành rành, một thứ tình. Tình lỡ. Vỡ tan, chẳng vì đời mình có tình có tiết, rất đêm đông. Giá lạnh. Và, nghệ sĩ nhà mình lại hát tiếp:

“Ai đã yêu em những đêm buồn giá lạnh

Và ai âu yếm hát những lời thiết tha trìu mến

Ai đã nâng niu đón đưa ngày tháng dài

Giờ đâu còn nữa ngày vui đã hết tình ta đã chết.”

(Ngô Thụy Miên – bđd)

Thật ra, nghệ sĩ nhà mình dù có “nâng niu, đón ngày tháng dài”. Hoặc, “âu yếm, lời thiết tha”, đi nữa. Cuối cùng thì, người cũng như tôi, ta vẫn hát. Hát cho Em. Cho Anh. Lời cung chúc, như sau:

“Anh chúc cho em đời yên vui đắm say

Anh chúc cho em dù lòng nghe đắng cay

Một ngày nào đó dẫu tình ta đã lỡ

Một ngày nào đó ta vẫn yêu mãi người thôi...”

(Ngô Thụy Miên – bđd)

Nói cho cùng, người đời thời nay hay nhà Đạo thời này dù tình tự có lỡ dở/vỡ tan, ta cứ hát lời tụng chúc, râm ran nhiều ý. Những hoan ca, bình ca. Rất thánh, như dạo nào. Bởi, những gì bạn và tôi, ta hát bản nhạc “tình” rất nghe quen, ở nhà thờ. Là, thánh nhạc/nhạc thánh. Tức, nhạc của chư thánh nhà Đạo, vẫn là giòng nhạc an lành, nên cổ võ. Nói, là nói thế, chứ hẳn bạn cũng như tôi, ta đang có trong đầu rất nhiều ý/từ, hầu đâu kết thành nhạc bản, có lời ca/ý nhạc, rất cho Em. Cho Hội thánh. Cho, các thánh nhân trong Đạo. Cũng vui tươi, như dạo trước.

Thánh nhạc phải vui tươi chứ không thẫn thờ/thờ ơ/lơ mơ như các “cụ” nhà mình vẫn phẩm bình. Linh tinh. Nói nôm na chẳng qua nói thật, thì: từ lâu, ta vẫn quan niệm “hát là nguyện cầu những hai lần”. Nguyện cầu rất chuyên chăm. Thầm thĩ, nhưng tuyệt nhiên không rầu rĩ, dù là ý nhạc hoặc lời ca. Như nhân sĩ nhà Đạo hôm đó dám lân la đến gần mà hỏi trước những câu sâu sắc. Đậm đặc.

Và hôm nay, nhân sĩ nhà Đạo lại cũng hỏi đôi câu không lan man nhiều chiều kích. Nên, bần đạo lại mời bầu bạn/anh em mình thử xét xem có nên để hồn linh thiêng không bối rối. Ưu tư. Nguyện cầu. Như câu hỏi mà đấng bậc rất giỏi ở Sydney, từng đối đáp rất chuẩn, như sau:

“Tôi có thói quen nguyện cầu, chuyên chăm. Xuyên suốt. Nhưng vừa rồi, tôi lại cứ bận tâm mãi một thắc mắc, là: sao mỗi lần cầu nguyện hăng say như thế, tôi cứ để đầu óc, trí tuệ đi đâu đó chốn ưu tư. Mộng tưởng. Dễ đi lạc. Đến độ, tôi tự hỏi: ta có được phép nguyện cầu trong tư thế, dễ lo ra như thế không? Hôm nay, câu hỏi của tôi, là: cầu nguyện theo cách ấy, có đúng phép? Nếu không, ta nên làm gì để điều chỉnh cung cách nguyện cầu cho phải lẽ? Tôi xin ghi ơn, nếu ngài ban phát cho lời giải thích. Thật là cảm kích. (Một bổn đạo dễ thương chỉ biết hỏi, mà không dám ký tên)

Thật ra thì, câu hỏi nào cũng cần lời đáp hết. Và, câu hỏi ở trên nay được chuyển đến đấng bậc vị vọng rất chuyên gia, thuộc huyện nhà Sydney, đức ngài linh mục John Flader, như sau:

“Tước nhất, tôi muốn nói với chị/với anh là: anh/chị không phải là người đầu tiên/duy nhất đặt câu trên, tôi vẫn gặp. Cầu nguyện, có sốt sắng nhưng vẫn lo ra/chia trí là cung cách mọi người đều đã gặp.

Hẳn, anh chị cũng như tôi, ta đều nghe kể về truyện thánh Bê-Na-Đô, có lần cưỡi ngựa về quê thăm dân cho biết sự tình, lại gặp ngay anh nông gia nọ chuyện trò hỏi han về cách thức nguyện cầu. Nông gia dám quả quyết là: ông cầu nguyện rất nhiều, mà chẳng bao giờ bị lo ra, chia trí hết. Thánh Bê-Na-Đô nghe vậy, bèn nói: “Vẫn biết là bạn nghĩ sao nói vậy, nhưng tôi đây vẫn đoan chắc một điều này: có là thánh nhân đi nữa, ai cũng lo ra chia trí, khi nguyện cầu. Làm sao tránh khỏi chuyện ấy!” Nghe vậy, nông gia cương quyết bảo: chẳng khi nào tôi lại đổ đốn đến thế.

Liền ngay đó, thánh Bê-Na-Đô bèn đưa ra một đề nghị: “Này bạn, nếu anh đọc kinh Lạy Cha mà không lo ra chút nào, thì tôi đây sẽ tặng anh con ngựa này.” Nghe ông thánh nói, nông gia bèn chấp nhận ngay. Tức thì đọc kinh thầm thĩ. Đọc được có vài câu thôi, anh lại hỏi: “Ấy nhưng mà, ngài có tặng tôi cả cái yên ngựa, nữa đấy chứ?”

Chẳng cần tra cứu coi xem truyện kể trên hư thực/thực hư ra sao, mọi sự đã rõ: thánh Bê-Na-Đô quả quyết: ta chẳng thể nào thoát khỏi chuyện phân tâm/chia trí, hết.

Điều quan trọng, là: ta cần phân biệt trạng thái phân tâm có chủ đích hoặc bất đắc dĩ hay không, thế thôi. Phân tâm bất đắc dĩ, là có ý bảo rằng: việc xảy đến ngoài ý muốn, của mọi người. Phân tâm/chia trí là trạng thái thấy có tư tưởng nào đó chợt đến trong trí óc mình. Nó đến, cả khi ta nguyện cầu, dâng lễ hoặc tham dự nghi thức, rất đạo đức. Không thể tránh được những sự việc như thế. Dù nó xảy đến với ta đi nữa, việc ấy cũng đâu là tội theo nghĩa đạo đức. Luân lý.

Cố ý phân tâm/chia trí, là chuyện khác. Việc này, do ta chấp thuận để nó ngự trị trong ta hoặc do ta tìm đến. Tức: chọn lựa để suy tư nhận thức, khi nó đến. Cố ý phân tâm, là quyết tâm làm việc gì đó sai trái, chống lại luân lý/đạo đức. Nhất thứ, chuyện ấy cốt là để xa rời tương quan ta có, với Chúa.

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đề nghị giúp ta giải quyết chuyện phân tâm/chia trí như sau: “Khởi sự làm sao để ta đánh gục việc chia trí, hầu không rơi vào bẫy cạm của nó. Tức, cần thiết là quay lưng lại tâm can của mình. Bởi, phân tâm/chia trí cho thấy những gì ta có xu hướng dễ dính phần. Và, khiêm tốn mà cảnh giác trước mặt Chúa để đánh thức lòng mình biết yêu Ngài và có như thế mới giúp mình cương quyết dâng lên Ngài trọn vẹn tâm can đã thanh lọc của ta. Ở đó, luôn phấn đấu/chọn lựa người làm chủ ngõ hầu giúp ta biết mà phục vụ.” GLHTCG 2729)

Cụm từ “Đánh gục mọi chia trí”, có nghĩa là tập trung tư tưởng lên đó, rồi phân tách xem tại sao những thứ đó lại có? Khi nó xuất hiện như thế, có phải vì ta đã làm việc gì sai trái, không? Hoặc, ta còn yếu kém, sao đó? Đây là tình trạng không lành mạnh, dễ đưa ta vào “bẫy cạm của thử thách” bởi khi đó, đầu óc ta đang tập trung vào những chuyện khiến ta phân tâm/chia trí thay vì hướng đầu óc về với Chúa, thôi. Câu trả lời đơn giản là cố tạo cho ta khoảnh khắc ngắn trong hành xử, để rồi nó sẽ đưa ta trở về với trọng tâm chủ đề, mình nguyện cầu.

Như sách Giáo Lý Hội thánh từng khuyên dạy, phân tâm/chia trí có đó là để xem tâm can ta đang có hướng chiều về chuyện gì. Đề cao cảnh giác, ngõ hầu tỏ cho ta thấy rằng mình thường hay dính bén đến những sự/việc trần thế, thay vì tập trung vào Chúa. Chuyện ra như thế, đơn giản để đem ta về với hành xử có chút buồn sầu, để rồi ta sẽ quyết tâm tập trung thương yêu Chúa. Quyết dâng lên Ngài trọn tâm can, để con tim chân chính đã thanh lọc của ta sẽ không còn dính bén vào những sự việc như thế.

Một cách nữa để giúp ta tránh được chuyện phân tâm/chia trí là hãy ngừng một chút trước khi bắt đầu nguyện cầu. Làm như thế, để mình khiêm nhượng cầu Chúa giúp mình tập trung chuyện trò với Ngài, bằng cả con tim, trí óc giúp mình trọn vẹn chỉ hướng về Ngài, mà thôi.

Nếu nguyện cầu bằng tâm tưởng, hoặc nói chuyện với Chúa bằng ngôn từ riêng tư, có lẽ cũng nên dùng kinh/sách nào đó hầu tập trung trí óc vào một chủ đề nguyện cầu. Thánh nữ Têrêxa thành Avila từng nói: Bà làm việc nàysuốt 18 năm trường khi thấy linh đạo của mình khô khan, khó tập trung.

Thánh nữ có lần viết: “Vào những năm như thế, ngoại trừ khi rước lễ, chẳng khi nào tôi dám nguyện cầu mà lại không cần đến kinh/sách. Tôi vẫn sợ, là mình sẽ dấn sâu vào chuyện nguyện cầu mà không có cách gì giúp mình chống chọi cả một lô kẻ thù. Kinh/sách, là bạn đồng hành như khiên/mộc giúp tôi tránh những cú đập/đánh của các tư tưởng đang nổ bùng. Làm như thế, tôi thấy mình được ủi an. Thư giãn.” (x. Sự Sống, 4)

Điều hệ trọng, là: hãy bền đỗ trong động thái nguyện cầu. Nguyện và cầu, cả khi mình bị chia trí. Thánh AnPhongsô Đệ Ligôri có viết trong cuốn “Khảo Luận Nguyện Cầu”, rằng: “Nếu bạn thấy mình bị phân tâm/chia trí khi nguyện cầu, thì hãy biết cho rằng lời nguyện cầu của bạn cũng đã làm cho ác thần/sự dữ phải phiền lòng, không ít”.

Thành thử, để trả lời cho những ai quả quyết rằng mình chẳng bao giờ biết lần chuỗi Mân Côi vì không thể cầm lòng cầm trí được lâu giờ, vẫn luôn luôn chia trí, Chân Phước Giáo Hoàng Gioan 23 có nói: “Chuỗi Mân Côi tệ nhất là chuỗi tràng mà chẳng ai buồn cầu nguyện bằng chuỗi kinh như thế.” (x. Lm John Flader, The Catholic Weekly ngày 19/9/2010, tr. 16)

Nói theo kiểu bài bản, rất đạo mạo như “nhà Đạo”, thì như thế. Nói trong tư thế, của “người thường ở huyện”, có lẽ cũng nên chọn cung cách nào đó dễ thích hợp. Thích và hợp, với lòng người vẫn là chuyện quan trọng. Lòng người, là lòng của người dân đen lèn quèn, không kiểu cách. Như bần đạo, rất bần và không mấy đạo đức. Tức, bầy tôi rất lôi thôi, đang ngồi viết. Ở đây. Lúc này.

Hỏi rằng: nên chọn kiểu cách nào dễ thích nghi/thích hợp với lòng mình hơn cả, có lẽ bần đạo sẽ chọn kiểu và cách của “phó thường dân Đông bộ”, rất Đông phương. Chọn thế, có nghĩa: khi nguyện và cầu, ta cũng nên nguyện chứ đừng cầu. Tức, đừng quá chú trọng đến các chữ “cầu” như: trong “cầu xin”, “cầu cạnh”, “cầu khẩn”, hoặc “cầu cứu”. Cũng đừng “cầu kinh” ê a suốt ngày/nhiều buổi, để đạt cho bằng được điều gì khiến mình toại ý sở nguyện, giống như lời chúc của các cụ nhà ta vào dịp Tết Nguyên Đán. Sinh nhật. Bổn mạng.

Đừng “cầu”, mà chỉ “nguyện”, tức: chỉ mong đạt “ý sở cầu”. Mong thuận ý Chúa. Để rồi ý của Ngài thành hiện thực. Mong, là mong sao dân con Đạo Chúa luôn hiệp thông/hiệp ý và hiệp lòng mà yêu nhau, như người một nhà. Như thế, đã mãn nguyện. Như thế, đã mãn một ý nguyện từ Chúa và từ các người con rất lành và rất thánh, của Chúa.

Về nguyện cầu, mỗi người theo mỗi cách. Có cách của người già/người trẻ, lớn/bé, gái/trai. Có kiểu Đông/Tây, rất khác biệt. Có người tìm đến Thánh Thể ở Nhà Tạm, để nguyện cầu. Có người tìm chốn tịch liêu/im ắng, lặng thinh. Có vị, tìm vào lời ca hài hoà cùng thần thánh trên trời/dưới đất. Kiểu này hay cách nọ, đều diễn tả một điều, là: thể hiện tình thương yêu Chúa dặn dò, hôm Tạ Từ. Kiểu nào cũng hay. Cách nào cũng tốt. Miễn thực hiện điều Chúa muốn. Chúa dặn, đều rất đặng.

Nói cho cùng, nguyện cầu là sống và làm như thánh nhân hàng đầu Hội thánh, đà chứng xác:

“Tôi hằng nhớ đến anh em mỗi khi cầu nguyện,

xin được thuận buồm xuôi gió

-nếu là thánh ý Chúa- mà đến với anh em

những mong cùng ước được giáp mặt anh em

ngõ hầu cùng anh em chia sẻ ơn thần

làm anh em thêm phấn chấn vững vàng,

nghĩa là để ta chia sẻ niềm ủi an

do cùng một lòng tin,

nơi anh em cũng như nơi tôi.”

(Rô 1: 10-12)

Xem như thế, thì cùng nhau ta sẻ san “ơn thần thánh”, cho phấn chấn. Sẻ và san niềm ủi an, do cùng lòng tin ta vẫn có, với nhau. Đó, mới đích thực là động thái hiệp thông trong tương quan ta có với nhau. Với Chúa.

Nguyện cầu như thế, là để Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu, mãi mãi hiển hiện với ta. Và với người. Ở đời này vào những ngày rất thánh thiêng. Linh đạo.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn cứ cầu và cứ nguyện.

Để, người anh người chị trong Hội thánh

mãi luôn được như thế.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

Monday, 25 October 2010

“Anh mơ, khi ánh trăng êm đềm trong sáng”

Bên em khẽ rung cung đàn yêu mơ màng Say sưa tiếng em ngân hòa tiếng tơ vàng Tình duyên đôi ta sẽ hòa,

sẽ hòa như muôn tiếng hát với cung đàn.”

(Văn Phụng – Tiếng Hát Với Cung Đàn)

(Mt 22: 32)

Hát với cung với đàn gì, thì cứ hát. Tiếng hát ấy, cũng nhào quyện vào chốn không gian, nghe vẫn thích. Nói theo giọng/theo tiếng gì, thì cứ nói. Tiếng/giọng tiếng ấy, vẫn êm đềm trộn lẫn với thời gian, thấy nhớ hoài.

Nói và hát, ở trời Tây, bên này, là hát và nói những lời, nghe cũng khó. Khó đây, chẳng vì hỏi: tiếng giọng của mình có hoà nhập cùng giòng chảy văn hoá khác biệt, hay không? Khó đó, cũng nào do mình luôn thấy đối chọi/hụt hẫng với tiếng giọng, rày biến đổi! Khó, còn ở chỗ: ta cứ phải hoà mình/hội nhập cùng một lúc với hai luồng văn hoá/văn minh, rất lình xình. Thực tế. Khúc mắc.

Nói thực tế, thì vừa qua bần đạo có dịp lên xe đến trung tâm thương mại sầm uất nhất nhì miền Tây Nam Sydney, để thăm thú. Đây là huyện có số người sắc tộc tập trung nhiều hơn cả dân bản xứ rất Úc mình. Tiếng là thế, mà sao bần đạo vẫn bắt gặp rải rác ở đây đó, dăm người Úc/người Tây cứ là lăng xăng/hăng say đến với bần đạo, để trao tận tay mỗi tờ rơi, viết rất ít.

Tờ rơi, bần đạo nhận tận tay, hôm ấy, vỏn vẹn chỉ mỗi truyện kể, đọc rất dễ như sau:

“Hôm ấy, nhà buôn giàu có người I-rắc sai gia nhân đi đến phố chợ mua cho ông một số đồ dùng để xài. Ít hôm sau, người chủ biết là đầy tớ mình đã đi rất nhanh. Về rất sớm. Mà, chẳng làm được gì nên chuyện. Gặp lại chủ, người đầy tớ biết đã có chuyện, bèn thân thưa:

-Con tới phố chợ như thày dặn. Nhưng ngặt một nỗi, là vừa vào cửa đã thấy có người theo dõi dữ quá chân bước không rời. Nhìn kỹ, hoá ra người đó là Thần Chết cứ đeo đuổi, ruổi theo con. Hôm nay, con về đây là để xin ngài cho con mượn đỡ con ngựa mạnh hầu nhanh chân mà thoát thân, khỏi lưỡi hái của Thần Chết, vẫn chực chờ. Con chỉ đi Samarra ít ngày cho qua mắt Tử Thần, rồi về ngay.

Nhà buôn đồng ý. Và người đầy tớ đã ra đi. Phút chốc, người chủ chợt nhớ ra là mình vẫn cần đến món đồ định mua về để sử dụng trong nhà, bèn đích thân ra đi đến phố chợ ở Bát-đa, mà sắm lấy. Vừa tới nơi, lại cũng thấy Thần Chết đứng chực ở đó, giữa đám đông. Như rình mò, người nào đó. Lấy lại bình tĩnh, người chủ bèn đến gần Thần Chết hỏi cho ra chuyện liên can đến người đầy tớ của ông. Thần Chết phân bua:

-Chả là, hôm ấy ta thấy hắn chợt đến đó, thay vì hắn phải đi Samarra để gặp ta, như đã hẹn.”

Thời buổi này mà bạn đạo mình còn nghe kể về Thần Chết với tớ thày/thày tớ, cũng khá lạ. Thế nhưng, người viết truyện kể chỉ muốn nhắc người đọc nhớ một điều, là: tất cả, bạn và tôi, rồi ra ta cũng không thoát khỏi cuộc hẹn với Thần Chết, lúc nào đó, khó biết trước.

Nhưng ở đây, vấn đề là: ta có gặp hay không gặp vị Thần Chết tiệt ấy hay không, mà là trong suốt cuộc sống ở đời, mình vẫn nên hỏi và nên nhớ. Nhớ và hỏi xem có bao giờ mình gặp gỡ Đức Chúa của sự sống và sự sống lại, như lời Ngài:

“Người phán:

Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham,

Thiên Chúa của I-xa-ác

và Thiên Chúa của Gia-cóp.

Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết,

nhưng là của kẻ sống."

(Mt 22: 32)

Về những nhung nhớ về sự sống, rất sống lại, nghệ sĩ cũng có nỗi niềm nhớ nhung, như sau:

“Đêm nay khi ánh trăng êm đềm trong sáng

Ngân nga tiếng tơ gieo sầu nhớ chan hòa

Xa xa bóng đôi chim nhẹ xóa trăng ngà

Buồn nhìn đôi chim nhớ người,

nhớ người tình mơ bóng dáng vẫn xa mờ.”

(Văn Phụng – bđd)

Với nghệ sĩ, dù có là ánh trăng êm đềm. Trong sáng. Hay chỉ là, tiếng ngâm nga. Gieo sầu. Hoặc, “bóng đôi chim nhẹ xoá trăng ngà”, vẫn cứ nhớ. Nhớ người tình. Rất “tình mơ”. “Bóng xa mờ”. Nhớ, còn là nhớ về đề tài khá nóng bỏng, còn dang dở. Ở trời Tây. Tức, những chuyện lan man rất liên can đến mỗi người, và mọi người.

Nhớ “ánh trăng êm đềm”, còn là nhớ ý tưởng và lời bàn của vị giáo sư thỉnh giảng Stephen J Henney phát biểu ở Đại học Thánh Tôma, St Paul bang Minnesota Hoa kỳ, về “Tình yêu và Hôn Nhân, Bây Giờ và Mãi Mãi Vẫn Là Một, Chẳng Tách Rời”, như sau:

“Abraham Lincoln có lần từng hỏi: chó có mấy chân? Nếu nhìn đuôi của nó, rồi gọi đó là chân, như thế ta sẽ thấy chó có 5 chân? Hỏi xong, ông tự trả lời: dù ta có coi đuôi của chó là cái chân kèm thêm đi chăng nữa, cũng chẳng thể nào tạo cho nó có thêm chân. Thật sự mà nói, phần dính liền vào với thân của chó, bao giờ cũng có xương có thịt, hẳn hòi. Đuôi chó, vẫn là cái gì đó dính vào thân, theo hình thù/góc độ, rất khác nhau. Dù đuôi của chó có cụp xuống, thì người người cũng khó nhận ra đâu là khác biệt.

Dùng ví dụ của chó, để định nghĩa sự vật, cũng tuỳ đặc tính cốt lõi của vật thể ấy. Nói như thế, cũng giống như kiểu mọi người vẫn thường định nghĩa về binh sĩ, là người mặc đồng phục, vai mang súng ống, rất tự tin. Hoặc, nói: sân banh, là mặt bằng rất rộng, có thể chứa đựng hàng hàng lớp lớp những ghế để ngồi. Để xem. Cả hai định nghĩa trên, đều rất đúng. Nhưng, vẫn không lột tả được hết chuyện mình muốn nói.

Thật ra thì, xương thịt ở chân chó, vẫn khác với thịt xương ở đuôi nó. Chân, là phần hỗ trợ giúp cho chó có thể chạy/nhảy. Không cần biết, là khi chạy nhảy như thế, nó có ngoắc đuôi không. Hoặc nó ngoắc mạnh thế nào đi nữa, đuôi chó vẫn không thể giúp nó chuyển động, chạy đây chạy đó, được. Nên, vấn đề không phải là hỏi rằng: chân chó có thịt hay không, mà là chân nó được sắp xếp cách nào? Sao lại thế? Và, chắc chắn một điều: đuôi không phải và không thể là chân, vì dù nó có cố gắng cách mấy đi nữa, vẫn không thể làm công việc của chân, được.

Có người lại chống chế: chân chó tuy có nhiều, nhưng không giúp nó chuyển động đó đây, vì bị gãy. Hoặc, thịt da rã rời, què cụt vì tai nạn xe cộ, chẳng hạn. Trường hợp đó, chân chó dù không còn giúp chức năng chảy nhảy nữa. Dù thương tật, vẫn cứ là chân. Tật nguyền, vẫn đổi thay sự vật, dù chỉ là chân chó. Nói cách khác, chân vẫn là chân, dù nó có què có quặt, hoặc lê lết. Đuôi vẫn thực hoàn đuôi, dù mềm cứng, ngoắc ngư mạnh/nhẹ. Bản chất hai sự vật, vẫn khác biệt.

Cũng thế, dù nhiều người có yêu cầu thông qua đạo luật thiết lập hôn nhân cho người đồng phái tính, cũng sẽ kéo theo định nghĩa méo mó, như ở trên. Ngày nay, người ta chú trọng nhiều đến đặc điểm của hôn nhân, như: 1) Phải có hai người dính phần. 2) Hai người đều thương yêu nhau. 3) Cả hai đều thèm muốn thực hiện chuyện ăn nằm xác thịt với nhau. 4) Cả hai đồng ý phối hợp đời mình với dục tình. Vật chất. Lẫn kinh tế. 5) Cả hai có sự hỗ trợ và thôi thúc của cộng đồng mình sống. Xem như thế, các cặp nào có chung một giới tính, lại hội đủ 4 yếu tố ở trên, mà tại sao xã hội vẫn bác bỏ mọi hỗ trợ, ghi ở điểm 5?

Thật ra cũng dễ hiểu lý do tại sao vấn đề này lại nên trầm trọng, không chỉ với các cặp đồng tính luyến ái thôi, mà với cả triệu người khác vẫn mong muốn được cộng đồng hỗ trợ cho quan hệ đồng tính mình vẫn có, với nhau. Nếu tiêu chuẩn ở trên, nói chung –và riêng với xã hội trời Tây hiện vẫn coi hôn nhân như một cái gì còn hơn thế nữa- nên mới từ chối không chấp nhận ủng hộ cho quan hệ đồng tính được thiết lập hôn phối như một bất công thật khó chịu.

Điển hình là, trên thực tế hôn nhân vẫn mang nặng những đặc trưng như thế. Và câu hỏi đặt ra, là: tại sao hôn nhân lại có các đặc trưng ấy? Vẫn biết rằng, ta còn nhớ cung cách quan trọng trong quan hệ cốt yếu để gọi được là hôn nhân. Và, ta vẫn nhớ: quan hệ vợ chồng luôn khác với các quan hệ khác, cũng rất nhiều.

Trước nhất, con người bao giờ cũng thao thức rất mạnh về việc dấn thân vào quan hệ tình dục, rất ăn nằm.

Thứ hai, chuyện nam nữ có quan hệ tình dục vẫn là quan hệ bình thường và thông thường. Quan hệ ấy, phải dẫn đến kết quả là: có con. Quan hệ có nam có nữ mới là phần “ắt và đủ” hầu kích tác hệ thống sinh sản, rất vẹn toàn. Thiếu một bên, không thể có sản sinh. Bởi nếu không, thì mọi người sẽ tự hỏi: bộ phận sinh dục được Tạo Hoá dựng nên để làm chi? Tại sao, người nam và nữ cứ bị thôi thúc trao thân, vẫn thèm khát dục tình?

Thứ ba, là: việc nuôi dạy con cái là trách nhiệm cả một đời. Là thành phần xã hội, con người vẫn nối kết với nhau từ thế hệ này đến thế hệ khác. Cả người lớn rất đùm đề, cho chí con cái vẫn cần bậc ông bà, thế hệ trước dẫn dắt. Với những người tham gia tiến trình này, đều thấy có được lòng yêu thương trìu mến, đến với nhau. Từ đó, mới có thể thiết lập những tình tự hiến cho nhau, trọn người mình. Diễn tả bằng hành động theo cách thương yêu, có chất người.

Thứ tư, là do quyết định sẽ có con đàn cháu đống, thì sự trao ban cho nhau thân xác đầy dục tình mới tạo kết quả tốt đẹp cho người đời. Điều này có nghĩa, như ta nghĩ, đây không chỉ là hành vi có tính tư riêng, thầm kín. Bởi, nó dính dự nhiều đến cả cộng đồng. Nó cũng làm một việc mang tính cộng đồng. Cho cộng đồng. Thế nên, cộng đồng hỗ trợ và sắp đặt tình tiết có ý nghĩa dục tình. Thành thử, ai không thực hiện đủ ý nghĩa trọn vẹn nơi hành vi giao hoan dục tình của con người, thì cộng đồng sẽ không hỗ trợ cho động tác ấy. Coi đó là hành vi không thích hợp với con người.

Để diễn tả sự hỗ trợ cho hành vi trao thân mang ý nghĩa đúng đắn và trọn vẹn, cộng đồng đề ra một định chế về hôn nhân. Bằng vào hôn nhân, mọi cặp phối ngẫu đều tuyên hứa trước mặt cộng đồng rằng mình quyết sống đời thuỷ chung trường kỳ khiến kết hợp thân xác với cuộc đời của hai người để thực thi ý nghĩa trọn vẹn quyết tâm ấy. Liền khi đó, cộng đồng hứa sẽ hợp tác với cặp phối ngẫu dành sự riêng tư/mật thiết để cho cặp ấy thực hiện động tác giao thoa tình dục chăm sóc cho nhau. Sau đó, cộng đồng còn hứa hỗ trợ cho gia đình của đôi tình nhân bằng những phương tiện bảo trì/gìn giữ phúc lợi cách thoả đáng. Cũng có thể, là các cặp phối ngẫu không thực hiện cùng một cung cách, nhưng vẫn nhận được phúc lợi từ nhiều mặt, vì nhiều lý do. Nhưng, đây là lý do khiến đem lại những lợi ích phong phú và cốt thiết cho hôn nhân: là để giúp cho hôn nhân được nở rộ. Có nhiều lợi ích rất chính đáng.

Động tác giao hoan tình dục nào không dẫn đến kết quả sinh con đẻ cái một cách tự nhiên, thì thông thường, khó mà giải thích được tại sao nó lại cứ thế mà tồn tại. Bằng không, người người sẽ cứ tin vào thuyết tiến hoá mang tính vật chất. Hoặc giả, ta có tin vào Đấng Tạo thành trời đất rất yêu thương, cũng chẳng để làm gì. Động tác giao hoan tình dục nào không dẫn đến kết quả sinh con đẻ cái, thì cũng khó mà giải thích cách thức hôn nhân xuất hiện ở đời người. Bởi có làm thế, cũng chẳng để làm gì. Nào ích lợi chi.

Có thể ngay từ đầu, tôn giáo đã chúc lành cho hôn nhân, nhưng đâu phải tôn giáo tạo ra nó. Bởi lẽ, việc như thế có liên quan đến thực tại của con người, rất sâu sắc. Rất hệ trọng. Thế nên, chẳng ai lấy làm lạ khi thấy động tác giao hoan dục tình và hôn nhân đều mang ý nghĩa tôn giáo. Thế nên, dục tình và hôn nhân sẽ còn hiện hữu bao lâu mà cộng đồng nhân loại còn tồn tại.

Nếu chấp nhận định nghĩa sai lạc về hôn nhân, mà lại dùng đặc trưng không cần thiết để tạo cho trọn kịch bản, thì khó có thể bài bác bất cứ hôn nhân giữa người đồng tính, được.

Và nói cho cùng, cũng không thể nào chấp nhận những chuyện như thế được. Dù mặt ngoài trông nó giống hệt như mọi cuộc hôn nhân rất đúng nghĩa, hôn nhân giữa người đồng tính luyến ái, không thể năng-hoạt như hôn nhân tự nhiên được.

Ngày nay, hôn nhân đổ vỡ, gia đình nát tan, xã hội khập khiễng, nguyên do từ đâu? Ta không sống cho sự thật. Ta chấp nhận định nghĩa méo mó về hôn nhân. Ta vẫn cứ ngầm chấp thuận bất cứ hoạt động nào sắp đặt cho một giao hoan tình dục này khác. Ta lại còn vinh danh mọi khát vọng ăn nằm, đối xử với con trẻ như đồ vật hoặc như phương tiện để thoả mãn dục vọng. Noi chung, các nghiên cứu khảo sát cho thấy: việc nuôi dạy con cái theo hình thức trong môi trường nào khác hẳn lối nuôi dạy có cha có mẹ đàng hoàng theo mặt tự nhiên, là việc nuôi dạy gây nguy hại. Đôi khi nguy hại ấy khó tránh, nhất thứ là khi người cha hoặc mẹ chết đi, để rồi người còn sống không tìm gì có thể thay thế cho tình thương yêu vẫn có ấy. Quả là, không thể nói được rằng chuyện không thể có thể lại là chuyện đã xảy ra trên trần thế.

Chúng ta cần sự thật. Cần được chữa lành chân tay bị tật. Còn lại, việc có gọi đuôi con chó là chân đi chăng nữa, cũng chỉ làm cho vấn đề trở nên rối tinh. Lỉnh kỉnh. Khó hiện thực.

Hôn nhân tự nhiên. Giao hoan dục tình theo cung cách “an nhiên tự tại” của con người bình thường vẫn là sự thật ở đời. Sự thật của cuộc đời. Có sống thực như con người đích thực, mới là sống đúng chức năng của con người. Dù, có sống mười năm. Trăm năm hay ngàn năm văn vật đi nữa, vẫn là sống/là chết như người bình thường. Rất tự nhiên như cỏ cây. Nhưng thực tế, lại có những sự sống rất không thực, dù ngàn năm. Ở đâu đó. Chốn thân quen. Lạ lùng. Hay, đất khách.

Như chuyện sống chuyện chết ngàn năm của con người. Muông thú. Ở thị thành, rành rành một truyện kể. Và, cũng là chuyện thực, cả ngàn năm. Như chuyện mới đây người ta, tức người và ta, ở quê nhà, cũng đã vui/đã mừng ngàn năm văn vật, chốn Thăng Long. Linh đình. Rộn rã. Mừng vui. Tuy thế, để gọi là mừng sự sống ngàn năm cũng đã có nỗi buồn của sự chết. Dù chỉ là sự chết của dăm ba người ngoại quốc. Vì, bất cẩn, chạy tội hay thiêu hủy dấu tích.

Thế mới biết, trong niềm vui, cũng có nỗi buồn. Trong chuyện buồn, đều loé lên ánh sáng của niềm vui nào đó. Nếu như người ta, tức người và ta, đều nghĩ tới niềm vui. Rất miên trường. Vĩnh cửu. Chứ không chỉ một ngàn năm. Rất Thăng Long. Hay chuyện của mình đi nữa, vẫn là việc nên suy tư. Nghĩ lại.

Cuối cùng thì, có niềm vui nào như niềm vui của sự sống rất đồng thuận với lời thơ/ý nhạc mà người nghệ sĩ ở trên vẫn mời hát:

“Chim ơi cho ta nhờ

Đưa tin sang bến bờ sông vắng nên thơ

Em ơi anh mong chờ

Xuân sang không hững hờ tình duyên anh mơ.”

(Văn Phụng – bđd)

Nhờ đưa tin, có là chim muông, mãnh thú hay tiên thần, ta vẫn cứ nên nhớ lại Lời của Đức Chúa, khi Ngài nói:

“Ta là sự sống và sự sống lại,

Ai tin Ta sẽ chẳng bao giờ chết.”

(Yn 11:25)

Cuối cùng thì, tin hay không sức sống miên trường điều Chúa nói , hay cái chết ngàn năm của “thần rùa”, rất Thăng Long, cũng còn tùy. Tùy anh. Tùy chị. Ở Nước Trời. Cõi vĩnh hằng ở trần gian. Rất an và rất bình. Vẫn vui sống.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn suy nghĩ nhiều

về sự sống

rất ngàn năm

đâu cứ phải Thăng Long.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

Saturday, 16 October 2010

“Ôi biết đem tin này,”

vắng như lòng giấy,

tình yêu lấp đầy. Rồi biết quên câu cười, biết cho đôi dòng, lệ rơi.”

(Ngọc Chánh/Phạm Duy – Bao Giờ Biết Tương Tư)

(Stt 2: 16)

Nếu cứ hỏi: “Bao giờ biết tương tư”? Rồi lại nói: “Rộn rã buồn vui đợi em dưới mưa”, thì ôi thôi, những chữ là chữ! Nghe cứ như: “Ngày nào cho tôi biết, biết đem tin này”, đưa ngay vào giấy, rất dầy. Lành lạnh. Vắng tanh. Thì, “tình yêu lấp đầy” cho lắm thì người người cũng sẽ “quên câu cười.” Để, “dòng lệ rơi.” Mà thôi.

Bình và giải, những giòng chữ như trên, bần đạo chẳng muốn làm theo kiểu “giải mã” của Dan Brown trong “The Da Vinci Code”, rồi áp dụng vào kỹ nghệ “đem tin này”, thì chắc mọi người như bạn và tôi, ta sẽ thấy “đệ tứ quyền” nay rất linh tinh. Lình xình. Lúng túng.

Còn lúng túng hơn, là khi nhà thơ/văn và cụ già viết nhạc họ Phạm lại quả quyết:

“Ngày nào lòng tôi đã

biết vui biết buồn, ôm mối tương tư.

Ngày nào cánh Thiên Đường

đã mở hé tình yêu là trái táo thơm.”

(Ngọc Chánh/Phạm Duy – Bđd)

Ôi! Lại, những chữ và chữ, của người đời! Bởi, khi “Tình Yêu đã trở lại” rồi, sao ta cứ phải “ôm mối tương tư”? Khi “Cánh Thiên Đường đã mở hé” rồi, sao vẫn còn “Tình Yêu là trái táo”, rất thơm? Táo thơm Thiên Đường, người người nghe/biết, vẫn thơm phức tình yêu, như Kinh Sách Cựu Ước, từng dặn trước:

“Hết mọi trái cây trong vườn,

ngươi cứ ăn;

nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác,

thì không được.”

(Stt 2: 16)

“Táo Thiên đường”, có là táo thơm “con người” từng ăn không? Sao anh vẫn kể. Để, lại hát:

“Tôi ghé răng cắn vào,

miệng môi ngọt đắng,

tình yêu cuối đường.

Là, trối trăn cuối cùng,

giấc mơ não nùng,

vợi tan...”

(Ngọc Chánh/Phạm Duy – Bđd)

Giấc mơ não nùng”, có là giấc mơ về truyền thông, vi tính? Đã, “đem tin này”/tin nọ, cho mọi người? Những tin và tức, mà truyền thông đem đến, có là Tình Yêu, không? Hoặc, chỉ là “táo Thiên Đường”, rất thơm. Rất vấn vương. “Tương Tư”, như sinh hoạt của người đời trong cuộc sống, rất truyền thông?

“Giấc mơ não nùng”, có là giấc mơ của Adong/Evà, tức đấng bậc đầu đời chỉ muốn biết đến “điều thiện/điều ác”, để cứ ăn? Ăn táo. Ăn “táo Thiên Đường”. Rồi, “tương tư”. Lừ đừ. Đầy sự thể, như câu hát:

“Ngày nào biết mong chờ,

biết rộn rã

đợi em dưới mưa…”

(Ngọc Chánh/Phạm Duy – Bđd)

À thì ra. “Giấc mơ não nùng” thời trước, đâu phải để “tương tư”. Mà để, lời “Trối trăn cuối cùng”, “tình yêu cuối đường”, có, “miệng môi ngọt đắng”. Có, lệ rơi. Phơi bầy, những “yêu không lời”, vv và vv…

“Giấc mơ não nùng”, nay có là: giấc mộng ”đem tin này”. Chờ mong/mong chờ, tình yêu đến lấp đầy? Đó, mới là vấn đề. Vấn đề của đệ tứ quyền, mà Hội thánh đã và đang rà xét lại, hầu chỉnh đốn những xốn xang. Cho đàng hoàng.

Truyền thông đại chúng, là truyền và thông nhiều mối lo như truyện kể, ở bên dưới:

“Mai Công Trình đang ngồi chơi, nơi quầy rượu, lòng buồn rười rượi. Chẳng nhếch mép. Nói năng. Thấy thế, bạn bè liền lân la đến gần, rồi gạn hỏi những câu gay go. Rất đáng lo, rằng:

-Này, đằng ấy bị bò đá hay sao mà mặt mày bí xị, thế?

-Chẳng đá với đấm gì cả. Tớ đang có vấn đề với mấy cái “truyền mà không thông”!

-Này, cậu nói giỡn hay nói chơi vậy? Tớ hỏi thiệt.

-Chẵng giỡn cũng chẳng chơi, tớ đây chỉ lo mỗi vụ “truyền thông” mà không thông, thôi.

-Cái gì? Truyền thông mà không thông, là cái quái gì vậy?

-Là, vợ chồng tớ cứ hẹn là sẽ chỉ truyền và thông với nhau, sau một tháng. Nghĩa là, bà xã chỉ nói chuyện, nếu tớ biết cải tà qui chánh, dứt bỏ cái mục rượu chè be bét, thôi.

-Đúng rồi, chứ còn gì! Hũ chìm hũ nổi như cậu, ai mà chịu. Thế, đả thông được tí nào chưa, thưa cụ?

-Đó mới là vấn đề. Và, hôm nay đã đúng một tháng, vẫn không có lệnh truyền và cũng chẳng cảm thông, gì hết. Kể từ mai, em sẽ lại bắt đầu mở đài, thế có chết cái lỗ tai của tớ để nhận những truyền mà không thông, đấy cậu!

À thì ra. Cái-gọi-là “truyền mà không thông”, đích thị như thế. À ra vậy. Cứ bảo rằng: truyền thông đại chúng, mà không thông không truyền cho chúng đại, là thế vậy. Truyền thông, dù chưa thông mà vẫn truyền, vẫn là chuyện của thời đại. Vẫn muôn thuở. Cần xét lại. Cho thông suốt. Cả ở nhà Đạo. Mới đúng.

Nhà Đạo, nay đã khôn. Nên, cũng lại bàn về truyền thông đại chúng, cho dân chúng. Những tháng ngày vừa qua, nhiều cơ quan chức năng trong/ngoài Đạo, đã có nhiều bản văn bàn về truyền thông đại chúng, theo phép Đạo. Tức, đã thông báo rõ để dân con nhà Đạo không còn lúng túng, như bao giờ.

Ở Úc, thế quyền và thần quyền đã và đang hợp tác chặt chẽ với nhau, hầu thiết lập hệ thống giúp con em đi Đạo, sống đời ăn khớp với thời đại, hơn. Giáo dục về Đạo lý, nay đang là chủ đề cốt yếu, để giúp học sinh các trường Công giáo như ở Sydney biết đề cao cảnh giác, về nhiều thứ. Các hiệu trưởng và thầy cô, thuộc Tổng giáo phận, đang phối hợp hoạt động nhằm đưa ra một giáo trình có sự tiếp giúp của ngành truyền thông đại chúng, ngõ hầu đem niềm tin Kitô-giáo về với kinh nghiệm sống, của các em.

Mục tiêu quý vị nhắm đến, là làm sao phối hợp các lớp giảng dạy về niềm tin Đạo Chúa song hành với các lớp Kỹ Thuật Thông Tin Phần Mềm, để biến nó thành cái mà các vị gọi là Kỹ Thuật Công Giáo, độc đáo. Một trong các chủ trương của dự án, là: giúp các em tạo được điều mà họ gọi là “Ảnh hình về Đức Giêsu”, tức thành lập đội ngũ chuyên chú vào việc tạo nên chân dung Đức Kitô trong lịch sử. Tạo, bằng cách sử dụng phần mềm Photoshop, để từ đó khuyến khích các em đem sáng kiến của mình đến cho chuyên gia xem xét. Và nếu được, tham dự giải Blake Prize chuyên về nghệ thuật Đạo Chúa. Đây là công trình được các sư huynh Dòng Marist Brothers thực hiện vào cuối năm 2010.

Ngoài ra, cũng có nhiều dự án khác nhằm tạo cho học sinh biết sinh hoạt/học hỏi theo tinh thần đồng đội. Có kỹ năng tổ chức, thật qui củ. Biết và hiểu thế nào là truyền thông đại chúng ngang qua chữ viết cũng như lời nói. Tóm lại, tất cả nhằm giúp thế hệ trẻ sử dụng phương tiện truyền thông hiện đại, để nói về Chúa, theo kiểu mới. Có thế, mới khuyến khích các em học hỏi và sống niềm tin, cho sống động. Hợp thời.

Chắc hẳn là nghệ sĩ nhà ta lâu nay cũng quan tâm đến chuyện ấy, nên mới hát:

“Tình yêu đã trở lại,

đôi mắt đêm ngày,

vơi hết đọa đầy.

Tà áo em phơi bầy,

ngón tay em dài,

tiếng yêu không lời.”

(Ngọc Chánh/Phạm Duy – Bđd)

Với người trẻ, ta nói: “Tình yêu đã trở lại” là nói: “Ngón tay em dài”,tiếng yêu không lời”, có dùng “phần mềm” hay chữ viết, cũng nên dùng để nói về Chúa. Về, niềm tin đi Đạo và nhà Đạo.

Có thể, một số cụ cao niên như bần đạo, sẽ bắt chước các nhà “đạo mạo” nọ không đồng ý với đổi thay. Có thể, nhiều vị vẫn nuối tiếc thời vàng son, khi trước. Thời, mà các cụ chỉ muốn đốn củi bằng giáo mác, dao rựa, với cưa kéo. Giặt, thì các cụ cũng chỉ muốn giũ muốn giặt bằng tay, chẳng dùng máy. Cũng có thể, các đấng bậc nhà mình vẫn còn nghi và cứ kỵ hiệu quả của cái-gọi-là “Kỹ thuật cao”, nhiều thông số. Hoặc, vẫn lo cho hậu quả của các thứ mà các cụ cứ gọi là “lợi bất cập hại”. Bởi, như có cụ thường nói: kỹ thuật hiện đại dù cao, vẫn là con dao hai lưỡi, dễ cắt. Dễ xẻo. Nhưng, cũng dễ xẻo/cắt da thịt người sử dụng, như chơi.

Hội thánh Chúa, cũng rất cởi mở với nhiều loại truyền thông. Ngay từ đầu, Hội thánh tiên khởi cũng đã biết dùng mọi phương tiện sẵn có để truyền đạt Lời Chúa. Cũng biết tìm lời lẽ và cử chỉ thích hợp hầu nối kết mọi người với Thiên Chúa. Giáo Hội của Chúa, là chốn thánh thiêng, trong đó ta được phép tiếp cận Chúa. Tiếp cận và thông đạt với những người anh/người chị, là con cái Chúa. Hội thánh, cũng đã tìm ra cung cách thích hợp để truyền đạt cho nhau, với nhau. Cùng nhau tay nắm tay, ta ra đi mà đến với Chúa. Thế nên, chuyển đạt Lời Chúa đến với mọi người trong/ngoài Hội thánh, là phương tiện truyền thông, rất cần thiết. Ở mọi thời.

Nhờ có truyền và thông như thế, Tin Mừng mới đến được dân con của Chúa, tận hang cùng ngõ hẻm. Vùng sâu/vùng xa, hiểm trở. Nhờ có truyền thông tân kỳ, mà dân con Đức Chúa, mới hiệp thông. Đả thông. Và thông đạt cho nhau ơn lành Chúa ban. Chẳng thế mà, nhờ cách mạng ngành in, kỹ thuật truyền thông cũng đã đổi thay, ngay tận gốc. Đổi thay, với phương tiện tân kỳ. Như: truyền hình. Vi tính. Di động.

Và, còn đó rất nhiều thử thách. Còn đó, những yêu cầu dùng tài năng trí tuệ để phát triển, hầu góp phần tạo niềm vui sống, rất hạnh phúc. Tuy nhiên, kỹ thuật được lập ra, không phải để hành hạ con người. Cũng chẳng để giết hại hàng loạt người dân vô tội, ở đâu đó. Kỹ thuật, dù có tân kỳ/độc đáo, cũng nên được phát triển và đưa vào sử dụng cho khôn khéo, kẻo gây hại. Nghĩa là, kỹ thuật cũng giúp ích con người, nhưng có thể, cũng tạo nguy hại tùy người sử dụng. Chính vì thế, ta cũng nên tìm hiểu xem kỹ thuật mình sử dụng, có giúp đào sâu tương quan với người khác? Hay, chỉ khiến mình ngày càng xa cách mọi người. Xa cả Chúa?

Ngày nay, kỹ thuật tân kỳ là thách thức lớn đối với Hội thánh. Thách thức, ở chỗ: nó có thể giúp ta tôn trọng Tin Mừng, mà Hội thánh muốn truyền đạt cho dân con Đạo mình, hay không? Có, tôn trọng mục đích chuyển tải sứ điệp Chúa dạy, không? Cũng nên nhớ, truyền thông hôm nay, là truyền thông hai chiều. Tức, có tác dụng cả đôi bên. Cả cho người gửi lẫn người nhận. Để, đôi bên sở hữu được thông tin mình muốn truyền và thông. Chẳng thể truyền và thông những tin tức một chiều. Hoặc, khiếm khuyết.

Hội thánh cũng thế. Hội thánh vẫn muốn chuyển đạt thông điệp của Chúa và về Chúa, ngõ hầu dựng xây lòng tôn kính, giữa mọi người. Truyền và thông, là trao đổi cho nhau và với nhau. Trao và đổi, trong tự do. Hiểu biết. Trao và đổi, trong tôn kính hỗ tương. Có thế, Hội thánh mới trở nên hấp dẫn hơn. Mới giúp mọi người về với Lời Chúa, rất Tin Mừng. Nhờ truyền thông đại chúng, Hội thánh cũng phải xét xem điều mình nói và nghe, có là nghe và nói, theo cung cách nào đó, rất thích hợp.

Tóm lại, cũng nên tự hỏi: điều là mình nói và nghe, là nói cho ai? Nghe ai? Nghe gì? Nói gì? Có đạt hiệu quả không? Tựu trung, Hội thánh và xã hội đời, vẫn cần tỉnh táo mà sử dụng các phương tiện mới cho hiệu quả, mỗi khi truyền và thông với mọi người. Đó, mới là thực chất của kỹ thuật. Đó, là sự thật, của truyền thông.

Để minh hoạ cho câu chuyện rất truyền và thông hôm nay, cũng nên kể cho nhau nghe đôi ba truyện kể để thư giãn. Cho thông suốt và truyền đạt với nhau, như sau:

“Hai bố con nhà nọ, quyết thực hiện một chuyến leo núi, tìm chuyện lạ. Để học hỏi. Cả hai đang đến gần triền núi, bỗng người con nhỏ trượt chân ngã, buột miệng la:

-Ôi cha!

Ngạc nhiên thấy ở xa có tiếng ai nhái lại “Ôi chao!”. Người con tò mò, bèn la tiếp:

-Ngươi là ai?

Lại có tiếng hỏi: ngươi là ai?”

Quá tức giận, em quát:

-Đồ đốn mạt!

Lại có tiếng nói theo: “Đồ đốn mạt”.

Quay về phía cha, người con hỏi:

-Như thế là thế nào, hả cha?

Người cha nhìn con mỉm cười, rồi nói:

-Con xem ba làm đây. Nói rồi ông la lớn:

-Anh hay quá xá!

Sau đó, hai cha con nghe có tiếng trả lời: “Anh hay quá xá!”. Ông bố lại la tiếp:

-Anh tuyệt vời quá!

Hai cha con lại cũng nghe tiếp câu trả lời hệt như thế: “Anh tuyệt vời quá!” Người con lấy làm lạ, chưa hiểu hết lý do câu đối đáp giống hệt như những gì bé nghe biết trong cuộc sống, có truyền thông đại chúng.

Thấy thế, người cha bèn giải thích:

-Không có gì ghê gớm lắm đâu con. Đó chỉ là âm vang của những gì con nói, từ cửa miệng. Âm vang ấy, được truyền qua không gian, chạm vách núi hay đâu đó, rồi dội lại. Cũng đơn giản như mọi thứ trong đời, đều có hiện tượng thông truyền và chuyển đạt. Truyền âm vang, tâm tưởng đến người khác. Đạt ý nguyện của mọi người. Nếu con nói lời không hay, hoặc tức tối, đời cũng sẽ truyền đạt cho người khác nghe điều xấu xa, hệt như thế. Đây là bài học để con nhớ: sống ở đời, mọi người đều nên thông truyền đạt đến cho nhau những lời nói hoặc hành vi tốt đẹp cả hai chiều, vì chúng luôn ảnh hưởng hỗ tương, lên nhau. Nếu lời con nói là những điều tục tĩu xấu xa, nó sẽ lan rộng khắp mọi nơi, mọi người đều nghe biết. Đó cũng là lý lẽ của những gì mà người ta gọi là truyền thông đại chúng, là như thế!

Đọc truyện kể, hẳn có bạn sẽ cho rằng người kể rút cốt truyện từ đâu đó, pha chế rồi dùng nó làm đề tài mục đích cho điều mình muốn kể, muốn nói. Cũng thế, truyền thông vi tính, ở thời này cũng cùng sự kiện và mục đích. Quyết, để người nghe/người đọc có những hiểu biết khác nhau. Sử dụng phương tiện truyền thông khác nhau, nhưng vẫn theo mục đích riêng tư, của mình. Bởi thế, vấn đề là: ta có nên dùng truyền thông/vi tính, vào mục đích tốt đẹp, như: truyền bá Lời Chúa. Để, mọi người nhận biết điều Chúa dạy? Câu trả lời xin dành cho bạn, cho tôi. Cho mọi người. Trong đời.

Để kết luận cho câu chuyện về truyền thông hôm nay, cũng nên tìm về Lời Chúa, mà suy tư. Nghiền ngẫm. Lời, tóm gọn trong thư thánh Phaolô tông đồ gửi đến giáo đoàn Côrinthô, như sau:

“Tôi được phép làm mọi sự,

nhưng không phải mọi sự đều có ích.

Tôi được phép làm mọi sự,

nhưng tôi sẽ không để sự gì

lạm phép trên tôi.”

(1C 6: 12-13)

Đồng ý là, Phaolô thánh nhân khi viết những điều kể trên, là đề cập chuyện sắc dục. Lòng người. Nhưng ở đây, hôm nay, ta cũng nên áp dụng lời của thánh nhân vào địa hạt truyền thông đại chúng, giống như thế. Truyền thông hôm nay, nguy hiểm hơn sắc dục/lòng người, rất nhiều. Nếu không ý tứ, có thể bạn cũng như tôi, ta sẽ bị giới truyền thông “lạm phép”, đối với mình. Bởi, như nghệ sĩ già nhà ta đã từng hát trong bài ca nêu trên, có đoạn kết:

“Tôi ghé răng cắn vào

Miệng môi ngọt đắng, tình yêu cuối đường

Là trối trăn cuối cùng,

Giấc mơ não nùng, vội tan…”

(Ngọc Chánh/Phạm Duy – Bđd)

Quả là thế, sử dụng truyền thông đại chúng mà không cẩn thận, cũng giống như “ghé răng cắn vào”, “tình yêu cuối đường”. Rồi cũng sẽ “trối trăn cuối cùng” “Giấc mơ não nùng”, cũng “vội tan”. Tan, như mộng ước rất đẹp. Khó hiện thực.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn khuyên mình

hãy lắng nghe Lời Chúa

hơn nghe lời của truyền thông,

không đại chúng.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )