khi ánh chiều buông, khi nắng còn vương
một mình tôi ngắm cánh chim lạc loài
mà lòng mình thấy u hoài.
(Văn Phụng – Tôi đi giữa hoàng hôn)
(Mc 9: 34)
Hoàng hôn cuộc đời, hay hôn hoàng buổi chiều tím, vẫn là những ngày tháng bần đạo luôn thương nhớ. Nhớ rất nhiều, nhớ cả những tháng ngày lặng lẽ sống trong bốn bức tường tu viện, mà hồn vẫn tản mạn, ở đâu đâu.
Có lẽ đây là cái cố tật của bần đạo, mà người nhà Phật gọi là “nghiệp” chăng? Cái nghiệp của tôi, chứ không phải của bạn, là cứ lẩn quẩn, với âm nhạc, rồi lại đến thơ văn. Lẩn quẩn, đến độ rất lẩn thẩn. Khiến bạn bè cứ bảo: anh bạn lại “phiếm” nữa rồi!
Số là, trong lúc vui câu chuyện với bạn bè ngày họp mặt rất lưa thưa, bần đạo còn cái cố tật, là cứ hay thả những con vịt cồ, làm tin tức. Chẳng hạn, có lần: người bạn trẻ của bọn chúng tôi đang ung dung sống đời nhàn hạ ở thôn làng nhỏ bé xứ Sydney, có tên là Bonnyrigg; thế mà, tự nhiên bần đạo dám loan tin là anh có ý định bán căn nhà cổ lỗ ấy đi, để cùng vợ xây dựng “lâu đài tình ái”. Ai cũng bảo, đó là tin vịt… cồ. Nhưng 3 năm sau, tin con vịt cồ đã trở thành tin rất thực. Và nay, đã hơn một năm, gia đình anh chị đã đề huề về ở khu hạng sang có tên thánh Cecilia, dùng làm tên gọi: Cecil Parks. Nguy nga. Hoành tráng. Thoáng thấy, đã thấm mệt.
Dài dòng văn tự như thế, là để nói lên một điều: nghiệp làm báo, chí ít là báo Đạo chứ không phải báo…đời, có là nghiệp của ngôn sứ, chăng? Hỏi “có là”, tức: đã trả lời. Và trả lời, nay sẽ thế này:
“Tôi thương nhớ ngày qua, trên bến hoàng hoa
hay những đường xa…” (Văn Phụng – bđd)
Nhớ ngày qua, còn là nhớ:
“Từng, bước từng bước thầm
hoa, vòng rừng tuyết trắng
rặng, thông già lặng câm
em yêu, vì xa vắng?
cho trời mây, ướp buồn… (Y Vân – Những bước chân âm thầm)
Hỏi đi hỏi lại, vẫn là hỏi thêm: những ngày qua có là ngày “xa vắng”, “trời mây ướp buồn”. Hỏi ở đây, phải trả lời ngay, kẻo có ngộ nhận. Những ngày qua, nhiều người/nhiều vị giống như bần đạo, đã từng bước những bước, rất âm thầm. Nơi phố vắng. Hoặc, trong tu viện lặng câm, nhưng không câm không lặng. Và, nhất là không buồn.
Buồn sao được, khi ngày ngày vẫn nghe văng vẳng lời động viên thúc đẩy, như sau:
“Một đêm, Chúa bảo ông Phao-lô trong một thị kiến:
"Đừng sợ!
Cứ nói đi, đừng làm thinh,
(Cv 18: 9)
Thành ra, nghiệp viết và lách, ở báo đời hay báo Đạo, là “cứ nói đi! Đừng làm thinh”. Nhưng vấn đề: nói là nói những gì? Nói bằng lời, hay nói bằng hành động? Nói, có hơn là làm thinh? Và ở đây, hỏi có phải là đã trả lời, rồi không? Để trả lời, có lẽ cũng nên nghe thêm một lời trong Kinh Sách:
“Các ông làm thinh,
vì khi đi đường,
các ông đã cãi nhau
xem ai là người lớn hơn cả.
(Mc 9: 34)
Và ở đây nữa, trên đường đời hoàng hôn, chốn hôn hoàng rất lẹ, có những lời nói vẫn chỉ bao gồm ý nghĩa, rất lặng thinh. Vì “khi đi (trên) đường đời, họ (vẫn) cãi nhau xem ai lớn,” tức ai sang trọng, ai giàu có. Làm lớn. Đấng bậc. Vị vọng…? Chẳng thế mà, trong thăng trầm cuộc đời, vẫn còn những:
“Từng bước từng bước thầm
mưa, giữa mùa tháng năm
tay, đan sầu kỷ niệm
gió rét về lạnh căm
từng bước chân âm thầm…” ( Y Vân – bđd)
Đó là “bước chân âm thầm”, của ngày xưa. Của hồi thập niên ’50, ’60, khi nghệ sĩ Y Vân và một số văn nghệ sĩ nghe quen khác, vẫn quan niệm:
“Tình đời nhiều lúc mỉa mai,
cuộc đời nhiều đắng cay,
vui đó sầu đây. “ (Y Vân – 20-40)
Vui đó sầu đây, là chuyện bình thường. Ở huyện. Các huyện, có những chuyện vui đấy rồi cũng lại sầu đấy. Vui rồi sầu, là bởi người người không còn nhớ rằng: cách đây hơn hai ngàn năm có lẻ, Đức Chúa Nhân Hiền từng gọi đó là “hạnh phúc”. Hạnh Phúc, cho người ưu phiền. Hạnh Phúc, cho kẻ đói khát công chính (Mt 5: 5-6). Hạnh phúc, rõ như ban ngày. Ban mặt.
Hôm nay, trong những tháng ngày bày tỏ rằng cộng đoàn mình là “những kẻ đói khát công chính”, một người anh em trong gia đình dân con của Đức Chúa, cũng có những điều tự hỏi, như sau:
“Cho nên, cứ mỗi một năm đến Lễ Thánh Mátthêu, đôi khi tôi lại tự hỏi mình: "Ông Mátthêu từ ngày ngồi ở bàn thu thuế cho tới ngày trở thành Mátthêu Thánh Sử đã đi qua nhiều chặng đường, đi qua nhiều giai đoạn, còn tôi mỗi một năm mừng lễ Thánh Mátthêu thì đã đi qua những giai đoạn gì?" (Lm Vũ Khởi Phụng CssR, trích bài giảng lễ thánh Mátthêu
Người anh em trong cộng đoàn, đã thay cho bầu bạn khắp năm châu, tự hỏi lòng mình trước khi hỏi bạn. Hỏi người. Nên đã biến lời hỏi đó, thành chất xúc tác, cho nhiều đòi hỏi. Đòi và hỏi, vẫn có từ xưa. Nhưng, nay lại thấy thiếu. Đòi và hỏi, là đòi hỏi như thế này:
“Hạnh Phúc cho anh em
khi vì Con Người
mà bị người ta oán ghét,
khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa.
Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa,
vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời
thật lớn lao.
Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ
đối xử như thế.
(Lc 6: 22-23)
Ngày “N” ấy, nay đã đến. Có chứng cứ rặt ròi. Hẳn hòi:
“Món quà thứ hai nữa, là mình cứ nghĩ như: với bấy nhiêu đau khổ, rồi là những sự đánh đấm, rồi là những cái chiến dịch lăng mạ trên báo trên đài suốt cả tháng như thế, thì chắc là mình hỏng bét mất rồi, tan tác mất rồi. Thế mà Chúa lại cho chứng kiến một cảnh tượng rất là bất ngờ.
Chính vào lúc mà mình được mọi người ca tụng, cái lúc mà mình được người ta nói những lời hoa hòe hoa sói, cho mình là thế này thế kia, thì người đến lại không đông. Nhưng, bắt đầu từ lúc mình bị đả kích, bắt đầu từ lúc mình bị bêu xấu, thì không biết người ở đâu, từ những rừng những núi nào, từ miền Nam, miền Trung, miền Bắc vào, từ trên Tuyên Quang xuống, từ trong Nghệ An ra, từ tận Kontum ra, không biết người ở đâu mà về đây, đông thế ?
Hóa ra, tôi nhận thấy một điều: anh em chị em Giáo Dân, mà không phải chỉ Giáo Dân đâu, kể cả người bên lương nữa, đã tìm đến với mình. Có nhiều người bên lương gặp tôi, từ ngày đọc báo, nghe đài, đâm ra đồng cảm với bạn bè ở Thái Hà trong công cuộc đi tìm Công Lý và họ cầu chúc các bạn Thái Hà thành công. Rất nhiều anh em chị em bên lương, nhất là những người tương đối có trình độ, tương đối nghe tin trên đài mà biết phân tích, biết nhận định, biết phê bình. Rất nhiều người, vì những mảnh giấy nói về Thái Hà mà đâm ra có cảm tình với Thái Hà. Và, tôi nhận được những chứng từ của những người đó, những người bên lương đó. (Lm Vũ Khởi Phụng CssR, bài giảng đã dẫn)
Và, một nhận định cụ thể hơn về niềm vui có thực, là nhận định về “sức mạnh của sự liên kết trong nguyện cầu”, như sau:
“Tự nhiên, chiến dịch vừa rồi, nó làm cho mọi người nhích lại gần nhau, mọi người xúm lại đây với nhau, mà cầu nguyện.
Chưa bao giờ mình nhận thấy: chúng ta chung một niềm tin. Chung một phép rửa. Chung một Thiên Chúa là Cha. Như những ngày vừa qua. Người Nam kẻ Bắc, người Đông kẻ Tây, tự nhiên gặp nhau trong cùng một niềm tin. Cùng nhau cầu nguyện. Cùng nhận nhau là anh em. Cái ơn đó, là ơn họa hiếm lắm đấy. Không dễ gì tìm được. Vậy mà, Chúa lại ban cho chúng ta, trong năm nay.
Và không những ta chỉ gặp nhau. Không những ta chỉ vui với nhau. Không những chỉ thắt chặt tình đoàn kết, mà nhất là còn có sự cầu nguyện. Cầu nguyện dâng lên, như một dòng nước thủy triều to lớn, tràn ngập hết. Và cái biển cầu nguyện ấy, làm cho tôi nghĩ rằng: mảnh đất này, từ ngàn xưa đã được cung hiến để mang ơn kêu gọi nguyện cầu. Và, sau một thời gian, nó phần nào như ngủ đông, bây giờ đến lúc ơn gọi cung hiến cho sự cầu nguyện chìm sâu trong lòng mảnh đất này, nó thức dậy. Và, lời cầu nguyện ấy tràn bờ! (Lm Vũ Khởi Phụng, bđd)
Cái hay của người anh em mình, là: dù bị đánh đập, xỉ vả trên báo/đài, bị nhổ nước miếng vào mặt, vẫn coi đó là niềm vui ân huệ. Có vui, mới nói được những lời như thế này, đây:
“Thông tin, là để nói cho nhau nghe sự thật. Thông tin, không phải là cắt đầu cắt đuôi, để bôi nhọ người khác. Thông tin, không phải là cắt đầu cắt đuôi câu nói của người ta, để dìm người ta xuống bùn đen. Để phục vụ, cho không biết những cái quyền lợi bất chính nào.
Chúng ta đi tìm sự thật. Và như lời Thánh Kinh nói: “Sự Thật sẽ giải phóng chúng ta”, còn những lời nói dối, với thời gian, nó sẽ cháy. Chúa cho tôi nhìn thấy một cộng đoàn đang yêu mến Sự Thật, đang đi tìm Sự Thật. Lại một món quà lớn nữa, trong dịp mừng Lễ Thánh Mátthêu này.
Chúa cho tôi nhìn thấy cái gì nữa? Chúa cho tôi nhìn thấy một cộng đoàn yêu mến Công Lý. Một cộng đoàn vô tư. Một cộng đoàn vô vị lợi. Anh chị em Thái Hà đi giữ một mảnh đất, hỏi có ai sau này sẽ bán được tấc đất nào để ăn không? Chả ai, chả anh nào bán được! (Lm Vũ Khởi Phụng, CssR - bđd)
Thì ra, là như thế. Sở dĩ ta vui, là vì sức mạnh của lời nguyện cầu đã nối kết những người anh em trước đây xa lạ, nay về với nhau. Ở bên nhau. Để nguyện cầu. Và rất vui, vì sự thật nay đã được “loan báo trên mái nhà”. Vui, vì cuối cùng thì Sự Thật ấy, nay thấy được ở khung trời biển Bắc, của mình:
“Chúa cho tôi nhìn thấy: chúng ta là một cộng đoàn vô vị lợi. Chúng ta là một cộng đoàn đi tìm sự tự do của tâm hồn. Chúng ta là một cộng đoàn đi tìm những giá trị tâm linh. Chúng ta là một cộng đoàn cầu nguyện. Tóm lại, tôi sợ rằng tôi nói chưa hết ý. Nhưng, nghĩ lại thì bên dưới cái vỏ bọc có lẽ là màu tím của Lễ Thánh Mátthêu năm nay, có quá nhiều ơn lành của Chúa. Có quá nhiều món quà, của Chúa.
Từ món quà của Tám Mối Phúc Thật: "Phúc cho những ai vì Thầy mà bị lăng mạ, bị sỉ nhục, bị thiên hạ ghét bỏ, hãy vui mừng vì phần thưởng của anh em trên trời, lớn lao".
Cho đến món quà Cầu Nguyện. Cho đến món quà yêu mến Sự Thật. Cho đến món quà yêu mến Công Lý. Cho đến cái món quà từ tất cả những điều đó, ta đi về; và ta triển khai. Ta chia sẻ. Ta thông tin cho tất cả mọi người chung quanh ta. (Lm Vũ Khởi Phụng – bđd)
Và cũng thế, một người anh em kỳ cựu, trong cộng đoàn “Nước Trời ở trần gian”, cũng đã từng nói lên lời như thế, bằng giòng chảy “Chủ Nhật Hồng Giữa Mùa Tím”, như sau:
“Thờ phượng, là thờ phượng trong Thần Khí và sự thật” (Ga 4: 5-26). Đức Yêsu đi đến cùng kỳ lý khi ‘Ngài huỷ bỏ lề luật gồm những lệnh truyền và sắc chỉ.’(Êp 2: 15), mọi thứ giới luật, có tham vọng định sẵn tất cả hành động con người, bằng mực đen giấy trắng; và, cho phép con người giữ cái nhìn cảnh sát trên tha nhân hay trên chính mình.
Thứ giới luật mực đen giấy trắng như thế, chỉ có thể làm con người tê liệt đi hay là tự mãn nhất thời trong cái dáng phốp pháp phù thủng. Thánh Phao-lô nói thẳng là nó “chỉ giết hại” (2Cr 3: 4).
Đức Yêsu đến thay thế giới luật kia bằng “luật viết trong lòng”(Gr 31: 33) “trên những tấm lòng tấm thịt, chứ không phải trên những tấm đá”(2Cr 3: 3) Ngài không phủ nhận mọi thứ kỷ luật. Không ai bay bổng một mình, trên mây. Chỉ một người con trai một người con gái hẹn hò và cần đúng hẹn, đã là một hình thức kỷ luật. Nhưng mọi hình thức kỷ luật đều là phụ, là thứ yếu đối với khuynh hướng tự trong lòng và đều không thể là tất cả đòi hỏi của tình yêu thương. Người con trai, người con gái đúng hẹn, chỉ là giả dối nếu lòng dạ đã vĩnh viễn cách biệt nhau. Hay đúng hẹn để làm gì, khi đã gặp nhau ngay trên con đường đi đến chỗ hẹn, hay ở một ngả đường nào khác.” (Nguyễn Ngọc Lan – Chủ Nhật Hồng Giữa Mùa Tím, tr. 67-68)
Xem thế, điều mà mọi người chúng ta vẫn bận tâm/ưu tư, là: tôn trọng sự thật. Là, thực hiện Công Lý và Hoà Bình, ở khắp chốn. Có tôn trọng và thực hiện như thế, mình mới hát được như nghệ sĩ khi xưa:
“Dù cho mưa gió,
bên mái tranh nghèo
dù cho nắng, dù cho sương khói mịt mù
niềm thương yêu hằng xin mãi mãi
không hề phai…” (Văn Phụng – bđd)
Niềm thương yêu hằng xin mãi mãi, ở đây cần được hỗ trợ. Hôm nay. Và mai ngày. Hỗ trợ ấy, sẽ là niềm yêu thương của con người. Những người con, của Đức Chúa. Những người, đang phấn đấu rất nhiều, để sống cho ra người. Như một người con. Những người chú trọng nhiều, đến thương yêu. Chứ không phải, chỉ “luôn cãi nhau, dọc đường đời”, để xem ai lớn hơn ai. Ai nhiều đất/nhiều của cải, hơn ai.
Bởi có tranh giành ảnh hưởng, cãi vã nhau cho lắm, cuối cùng cũng không hơn gì nhau. Chi bằng, ta bắt chước ai đó, vừa gửi đi một điện thư ngắn ngủi, đến với mọi người. Những bạn đời, chưa từng quen biết. Hoặc đã quen, nhưng chưa gặp mặt, đến một lần. Bằng lời lẽ của điện thư, như sau:
“Sáng nay, bỗng dưng tôi muốn nói “Cảm ơn đời!”.
-Cảm ơn, vì tất cả những gì đời đã ban cho tôi thật nhiều thứ, rất dồi dào. Dồi dào sức khoẻ. Dồi dào hạnh phúc, rất phồn vinh.
-Cảm ơn, vì những bài học cam go; và nhờ đó, tôi hiểu rõ mình hơn. Hiểu được tha nhân, nhiều hơn.
-Cảm ơn đời, vì những thất bại tôi từng kinh nghiệm. Từng trải qua, mà nhờ đó tôi học được tính khiêm hạ. Ý thức được, rằng: mình không được ngủ say trên chiến thắng. Và cũng hiểu được, rằng: những người khác, khi thất bại, họ cũng cần được tiếp tay nâng đỡ.
-Cảm ơn, vì có những cơ hội để vun trồng tính nhẫn nại. Lòng bao dung. Và, niềm hy vọng.
-Cảm ơn đời, vì bao nhiêu khám phá về thực tại. Về Công lý. Hoà bình, đều rất quý. -Cảm ơn, vì những vận may tôi gặp. Những rủi ro, tôi cố tránh. Những giải pháp, tôi tìm ra. Những tài năng, tôi phát triển. Những thành công, tôi từng đạt. Những ngày đẹp, tôi đã từng trải. Đã sống qua.
-Cảm ơn đời, vì nhờ cha mẹ mà tôi có. Nhờ bạn bè, tôi gặp. Nhờ bậc thầy cô, tôi được học. Nhờ những cuốn sách, tôi từng đọc. Những chuyến đi, tôi thực hiện. Những bữa
ăn, tôi đã dùng… Và, nhờ nhiều thứ nữa… Cảm ơn. Trân trọng. Cảm tạ.
Cảm tạ như thế, không chỉ nên nói vào “ngày biết ơn”, như thói quen vẫn làm, vào độ tháng Mười Một, ở Hoa Kỳ. Nhưng, những cảm ơn trân trọng ấy, nhất định phải là lời biết ơn thân thương. Sẽ nói hoài. Nói mãi. Vẫn không chán. Nói ở công đường. Ở Nhà thờ lớn, phố Nhà Chung. Ở giữa chốn hôn hoàng, tôi vẫn đi. Nói vào lúc, có những bước chân âm thầm. Vững chắc. Không hãi sợ. Không sờn lòng. Vẫn quyết tâm đến cùng. Quyết, để Sự Thật được xuất đầu lộ diện. Công lý, được thực hiện. Hoà bình, được đến nơi.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn muốn thấy
Sự thật,Công lý và Hoà bình
nay đã đến.
Rất an lòng.
No comments:
Post a Comment