(Mc 1: 36)
Thoạt đầu niên biểu 1964, người ca sĩ nổi tiếng của nền dân ca Hoa Kỳ là Paul Simon, rất xúc động về cái chết của tổng thống John F. Kennedy, đã viết thành nhạc phẩm mang tựa đề “Tiếng thì thầm của lặng câm”. Trong nhạc bản, có một đoạn người nghệ sĩ từng viết:
“Nơi luồng sáng bóc trần những ồn ào đó,
tôi vẫn thấy muôn người, đã có nhiều hơn
họ nói đấy, nhưng họ nào biết phát âm
cũng nghe đấy, nhưng cung lòng đầy trĩu nặng
và tôi thấy, nhiều người nay cũng viết nhạc
mà giọng hát, đâu nào biết sẻ san
không một ai, biết thân thương và trân trọng
cứ nhiễu loạn, tiếng thì thầm của lặng câm.”
(Paul Simon – The sound of silence)
Tiếng thì thầm của lặng câm. Hay còn gọi, là âm thanh đọng lắng của thinh lặng. Âm thanh ấy, chỉ những người biết lắng đọng, chìm vào nơi cuộc sống chiêm niệm/nguyện cầu, mới cảm nghiệm. Cảm nghiệm - nguyện cầu, trong ồn ào, bận rộn. Nhiều tranh sống.
Hôm nay, người người chừng như vẫn tranh giành nhau, để sống. Chẳng lắng tai, nghe tiếng động của lặng thinh. Quá bận rộn nơi kinh thành nhiều giành giật, nay trở thành căn bệnh trầm kha/khó chữa, của thời đại. Và hôm nay, người người đang kiếm tìm loại thuốc khả dĩ đem lại nhiều hạnh phúc.
Chính trong xã hội gồm nhiều bệnh khó chữa hôm nay, đã thấy nảy sinh một biện pháp, rất thử nghiệm. Một trong các cố gắng thử nghiệm đáng đề cao, ấy là chương trình truyền hình thực tế mang tên “Đan viện” đã tìm được vị thế xứng đáng. Từ năm 2004, một số chuyên gia truyền thông nay tìm đến với đan viện Biển Đức Worth Abbey ở Anh, để thu hình giới thiệu cuộc sống lặng thinh, có nguyện cầu.
Cũng từ đó, thấy nảy sinh câu chuyện hành trình tĩnh và nguyện của sáu nhân vật còn rất trẻ, đang đi vào thử nghiệm sống đời cộng đoàn, với các đan sĩ Biển Đức, chốn thinh lặng. Lm Christopher Jamison, một người sinh tại Úc, đang là đan-viện-phụ chốn tu trì im ắng này, có nói: chính cộng đoàn ở đây mới là ‘siêu sao’ của chương trình truyền hình, chứ chẳng phải riêng ai. Chương trình phim dài nhiều tập, mang tên “Đan viện” nay trở thành một khẳng định đáng gờm về ơn gọi phục vụ Hội thánh. Phục vụ xã hội.
Với nhiều người, đời sống khắc khổ lặng im của đan sĩ đã gợi lại ảnh hình về các thượng phụ cũng như mẹ dòng thoát tục, sống chuyên chăm nguyện cầu. Xa cách chốn thị thành, đầy huyên náo. Với một số người khác, đây là ý niệm xa vời, khó đi vào tâm tư nhận thức, của bà con. Ở đây, các tu sĩ đan-viện đang sống tách rời đời mình với hội dòng chuyên tu, nhưng vẫn cảm và thương mọi vấn đề của xã hội. Và, các bậc chân tu ở đây, vẫn liên tục nguyện cầu trong thì thầm, cho nhu cầu của thế giới. Rất cần sự lặng thinh.
Và hôm nay, tâm tư trầm lặng của Dòng đã gửi đến xã hội huyên náo ấy, đề nghị về lối sống khác lạ. Lối sống của Dòng, nay là phương cách thực tế, rất nguyện cầu. Không chủ trương áp đặt bất cứ phương cách chữa trị nào. Chẳng muốn kê toa đòi hỏi một lặng thinh, để cầu nguyện. Đây là lối sống khác biệt đem lại nhiều lợi ích. Lợi và ích, không nhằm giảm sút các sinh hoạt bên ngoài biến thành một thứ sản phẩm dành cho người tiêu thụ. Nhưng là lối sống, qua đó việc chiêm niệm/nguyện cầu đã là thành phần khẩn thiết, quyết không bỏ.
Nhu cầu thì thầm của lặng câm còn là điều được Chúa nhắc nhở nhiều, trong Kinh sách:
“Còn anh, khi nguyện cầu,
hãy vào phòng, đóng cửa lại,
và cầu nguyện cùng Cha của anh,
Đấng hiện diện nơi kín đáo.
(Mt 6: 6)
Vào nơi kín đáo - đóng cửa, và lặng thinh nguyện cầu, luôn là việc làm bức thiết. Bức thiết hơn, đây vẫn là việc Đức Chúa từng khuyên dạy. Ngài dạy dân con/môn đồ qua các sinh hoạt do Ngài thủ đắc, như đoạn Kinh sách dưới đây chứng tỏ:
" Người đã dậy,
đi ra một nơi hoang vắng
và cầu nguyện”
(Mc 1: 36)
Có lúc, Ngài nói rõ hơn:
“Cầu nguyện,
thì các ngươi chớ lải nhải
như người ngoài!”
(Mt 6: 7)
Xem như thế, lặng thinh – tìm nơi vắng vẻ - chớ lải nhải… là bí kíp của một nguyện cầu. Bởi, nguyện và cầu cốt thiết ở việc tiếp xúc thân mật với Cha. Với Chúa. Và Đức Chúa là Cha, không hiện diện ở những nơi, những chỗ người đời cứ “lải nhải, như người ngoại”, đọc nhiều kinh. Rất kinh động. Rất thiếu tiếng thì thầm của lặng câm. Nơi tâm hồn.
Đã từ lâu, người ngoài đời, đều đã biết chuyện ấy. Biết rõ, nên nhà thơ và người viết nhạc, mới tỏ bày tâm tình rất lặng câm. Lặng đến rướm máu, rất thành thơ:
“Hãy lắng tiếng nói vang trong tâm hồn mình người ơi,
…rưng rưng tôi chấp tay nghe hồn khóc đến rướm máu…”
(Lê Minh Bằng–Đêm nguyện cầu)
Và thêm nữa, là nhịp kinh của những lặng câm, nơi người nghệ sĩ họ Trần:
“Người xa người, lạ lùng ngôn ngữ của lặng thinh.
Tình xa tình, đôi bờ hiu hắt tiếng cầu xin...
Nhịp kinh buồn, gõ đều trên mái… cơn chiều mưa.”
(Trần Thiện Thanh – Người xa người)
Chẳng cần biết “nguyện cầu hiu hắt tiếng cầu xin” kia có “lặng thinh”, hay không? Có là, động lực rất sống và cũng rất động cho mọi người hôm nay, hay không? Nhưng, chừng như sự lặng thinh và nguyện cầu hay đi đôi với nhau như cặp bài trùng. Nguyện cầu, có khi là cảm giác nao nao, tập trung. Đọng lắng. Của nhà thơ:
“Giữa đường cơn gió lặng thinh
Nghe nghiêng nghiêng nặng lòng mình nao nao.”
(Quốc Dũng – Chuyện Ba người)
Có khi, đây chỉ là những im ắng của cỏ cây. Loài thụ tạo, vẫn chiêm niệm suốt một đời. Vẫn cầu và vẫn cứ nguyện, không ngừng. Cầu cho vũ trụ. Nguyện cho không gian. Được đọng lắng, những lặng thinh. Nguyện và cầu, như vẫn được diễn tả ở bài thơ. Hay nhạc bản:
“Hãy lặng thinh như là cỏ cây
Hay bình an như áng mây bay. (Lê Tín Hương – Cuộc tình như mây bay)
Xem như thế, đâu phải chỉ những khi nguyện cầu, mới cần đến lặng thinh. Ngay trong cuộc tình như mây bay, như gió cuốn, người ngoài đời vẫn cần đến lặng và thinh. Lặng và thinh, như tình đã thuận. Tình đã thuận trong im lặng như tờ, của chiên con khi một mình đi lạc, được Chúa bỏ 99 chiên bạn, để tìm kiếm. Tình đã thuận cả vào lúc, chiên con bị thụ tạo dữ dằn như “con” người, đem đi xén lông. Và, “im lặng tình đồng thuận của chiên”, nay được khai thác nhiều nơi nghệ thuật. Có thi ca:
“Có nghĩa gì đâu một bóng hình
có nụ tình câm chết lặng thinh.” (Nguyễn Hùng – Có một thiên đường)
Và cả trong văn xuôi đầy chữ:
“Những người uống trà trong quán trà Thinh Lặng này, họ giản dị lắm; trà do chị chủ quán pha một bình lớn, rót ra sẵn trước mặt, ngửa cổ lên uống một hơn đầy, uống theo cả mệt nhọc của một ngày lao động vất vả vào lòng ngực. Họ chỉ vào ngực mình, ngực bạn, nói lòng quý mến nhau. Những tiếng động bên ngoài đường của xe cộ, của âm thanh ầm ĩ, họ bỏ cả ngoài tai. Trong những lồng ngực đơn sơ đó, cái âm thanh tĩnh lặng kéo dài theo nhịp đập êm ả của trái tim.
Tôi chào họ ra về, mang theo quán trà Thinh Lặng trong trái tim nhiều tiếng động đời thường của mình, nước mắt bỗng ứa ra.
Chao ôi, là quê hương yêu dấu! Mỗi chỗ giấu một điều bí mật, ta có may mắn tìm thấy, khác nào như những người tìm được châu báu trong kho tàng cổ tích thần tiên. (Trần Mộng Tú, Quán Trà Thinh Lặng, 2008, tr. 3)
Với người viết tên Trần Mộng Tú, cái “thinh lặng” của quê hương yêu dấu, có “giấu một điều bí mật, trông thật như những người tìm được châu báu trong kho tàng…cổ tích thần tiên”. Nhưng, trân châu và của quý, không chỉ nằm trong kho tàng cổ tích, nhưng “kéo dài theo nhịp đập của trái tim.” Đó chính là vấn đề, của thời đại. Của mỗi người. Trong không gian và thời gian, của bây giờ và mãi mãi.
Đây là khám phá mới của người thời đại. Một thời, có những người đã và đang làm phim, trong thinh lặng. Như phim dài nhiều tập mang tựa đề “Đan viện”, được trích dẫn ở trên. Tưởng, cũng nên trích dẫn thêm ở đây lời của đan-viện-phụ Christopher Jamison, khi ông nói về những đổi thay trong cộng đoàn nhỏ bé chừng 20 vị chân tu, sau khi kịch bản “Đan viện” ra chào đời. Được mời trình chiếu:
“Đan viện Worth Abbey nay thay đổi, đã khá nhiều. Rất nhiều vị đến đây, tìm nơi ẩn dật, để tĩnh huấn. Sự kiện này, đã đem lại sự tự tin đến cho những người đang suy tư về cuộc sống, có đời tu.” (Beth Doherty, A monk out of the box, www.australiancatholics.com.au, 14.09.2008)
Cuối cùng, để minh hoạ cho sức mạnh của “tiếng thì thầm của lặng thinh”, xin mời bạn, mời tôi, ta cứ theo dõi giòng chảy nhiều tư tưởng, gói trọn trong câu truyện của “cà-rốt, cà-phê và trứng hột”:
“Người nữ trẻ, một hôm đến với mẹ hiền, hỏi về kinh nghiệm sống, có cần đến lặng im, không. Sao cô thấy khó ở, khó lòng giữ im lặng, đến như thế. Cô thấy thấm mệt với những ngày đợi chờ, lặng yên mà suy gẫm. Suy về đời. Gẫm nhiều thứ.
Mẹ hiền đưa cô vào với bếp núc, chốn thân quen cô vẫn sống những ngày những tháng, có lặng và có im. Bà mẹ, liền đổ đầy nước vào 3 nồi nấu bếp. Rồi đặt lên bếp lò. Khi nồi nước bắt đầu sùi tăm, bà bỏ vào nồi đầu là cà rốt. Nồi thứ hai, trứng gà. Nồi thứ ba, cà phê hột đã rang/xấy. Vẫn thinh lặng, không nói lời nào. Chừng hai mươi phút sau, bà tắt bếp lấy cà rốt ra khỏi nồi, để vào dĩa/chén nhỏ, rất vừa khít. Sau đó, bà lại vớt trứng ra, cũng lại bỏ vào một cái chén. Xong xuôi đâu đấy, bà cũng vớt các hột cà-phê nâu đen ra và bỏ vào chén nhỏ. Xong rồi bảo:
-Bây giờ, con hãy nói cho mẹ biết con thấy những gì?
-Chỉ là cà rốt, rồi trứng, rồi cà-phê, thôi.
Bà bưng chén đựng cà rốt đến cho cô con gái xem thử, rồi lại hỏi:
-Bây giờ con nhận thấy mấy củ cà rốt này thế nào?
-Cà rốt mềm đi rất nhiều, mẹ à.
-Bây giờ con hãy sờ vào trứng, đập vỏ của nó rồi nói cho mẹ biết con thấy gì?
Bóc lớp vỏ bọc, cô con gái nhận ra nguyên hình quả trứng có lòng trắng, đanh lại. Và cuối cùng, bà mẹ yêu cầu con gái nếm thử ngụm cà phê, xem có nhận xét thế nào, sau khi nấu. Con gái bắt đầu làm thế, thấy có gì đó khác lạ, bèn hỏi:
-Ý của mẹ là sao đây, sao mẹ bảo con làm thế?
Bà mẹ giảng giải cho con gái nghe lý lẽ của mọi sự. Cả ba vật, vẫn im lặng chịu đựng cùng một động tác: im lặng, ngập nước đun sôi, trong nhiều phút. Nhưng mỗi vật đã phản ứng theo phương cách khác nhau. Cà rốt lúc đầu thuộc loại mạnh, cứng và dòn. Nhưng sau nhiều phút đọng lắng trong nước đun sôi, đã trở nên yếu ớt, rất mềm mại. Trứng gà trước khi nấu, thuộc thể lỏng, dễ vỡ. Chỉ một màng vôi bọc rất mỏng cũng đủ để bảo vệ lớp nước lỏng bên trong. Nhưng khi ngập đắm trong lớp nước đun sôi nhiều phút, lớp nước bên trong, đã trở nên cứng cát. Không cần đến lớp vỏ bọc ngoài. Riêng có cà-phê hạt độc nhất một loại, đã thay đổi cả nồi sục sôi, thành nước uống mầu nâu thơm phức. Bà bèn hỏi:
-Con sẽ là người thế nào, khi có nguồn lực ồn ào năng động, dồn ép, con đáp ứng ra sao? Con sẽ như cà rốt, hoặc trứng, hoặc cà-phê, đây? Cứ suy nghĩ như thế này. Tôi là loại người nào? Có phải như cà rốt, bề ngoài xem ra có vẻ năng động, cứng rắn, ầm ĩ, nhưng mới đau có một chút hay bị thế lực sôi động, thù nghịch lấn át, đã ra yếu mềm, mất hẳn sức lực vẫn có? Hay, tôi như trứng gà với tâm can mềm mại đầy những nước, nhưng một khi đã trải qua chịu đựng các áp lực từ sức nóng sục sôi, dù quá nhiều phút im ắng giống như cõi chết, đã cứng dần và rắn chắc. Lớp vỏ bọc bên ngoài vẫn một hình thù như cũ, nhưng tinh thần bên trong đã cứng cỏi, nhiều tâm huyết? Hoặc, tôi như hột cà-phê? Dám đổi thay cả nồi nước sục sôi, đem nhiều nóng sốt; nhưng khi mọi sự nóng bỏng, mùi vị thoát nơi tôi. Làm thân đậu hạt, hoàn cảnh bên ngoài có xấu đi, thử thách dồn dập đến, tôi vẫn cứ vươn lên thành lãnh vực khác. Im ắng, nhưng không chết lặng.
Bài học chịu đựng trong im ắng, là như thế. Từ những khoảnh khắc ưu tư trầm lặng, rất khó chịu, vẫn cứ chịu khó. Bởi, có như thế, ta mới có thể thay đổi được chính mình. Thay đổi cả môi trường sống xung quanh, rất sục sôi. Năng động. Ồn ào.
Cũng như khi con trẻ hạ sinh chào đời, sự vật chung quanh đều im ắng, đón chào. Và khi con trẻ cất lên thành tiếng khóc đầu đời, trong lặng thinh, thì mọi người lại cười vui. Rất lao xao. Náo động cả một vùng không gian.
Bởi thế, hãy sống cuộc đời mình, dù rằng trong im ắng hay ồn ào sục sôi, để rồi vào cuối đời, khi đi vào giấc ngủ miên trường với nụ cười, thì người chung quanh vẫn cứ khóc. Khóc/cười hay im lặng/ ồn ào khác nhau là thế đó.
Có phải, thế đó là bài học của “tiếng thì thầm của lặng câm”. Và từ đó, còn có câu kết của nhạc bản. Nhạc tình chan chứa. Đầy ắp những lời bàn, rất thinh lặng và nín câm, hơn bao giờ hết:
“ Và người người những cúi đầu, mà nguyện cầu
từ vệt sáng Chúa dựng nên.
Vệt sáng cứ chớp nhiều lời cảnh cáo:
Trong một lời, gói ghém nên sự thật.
Và vệt sáng có thêm lời ngôn sứ
Được viết trên ngõ hầm ở sân ga
Viết lên cả, những bức tường thành
Của chúng cư, nơi gác trọ.
Vẫn lâm râm tiếng thì thầm, của lặng câm.
(Paul Simon, The sounds of silence)
Và tiếng ấy, nay râm ran vang vọng. Với muôn người. Ở mọi thời.
Trần Ngọc Mười Hai
còn nghe vang vọng đâu đây
tiếng thì thầm
của một lặng câm.
rất Im ắng.
No comments:
Post a Comment