Saturday, 21 March 2009

“Đạo diễn đưa tay lên"

đạo diễn đưa tay xuống

bi hài kịch mở màn

bi hài kịch khai trương

(Phạm Duy – Bi Hài Kịch)

(Hc 50: 22)

Bần đạo còn nhớ, trong lần ghé bến Sydney thăm Gia đình An Phong năm 2006, có nhận “bằng rừng bốn cục” của Hướng Đạo, bạn hiền linh mục gọi tên Tiến Lộc, đã hát cho bà con nghe nhạc bản thật hay ho. Đầy tính suy tư. Và, rất ngộ.

Ngộ là vì, toàn bộ bài hát do nghệ-sĩ họ Phạm viết ra, ta thấy toàn những ca từ: hết “đưa tay lên, đưa tay xuống”, rồi đến: “bi-hài-kịch mở màn/đổi màn/đủ màn/bỏ màn”, và kết thúc bằng câu thơ bi ai, da diết: “Bi hài kịch còn dài, bi hài kịch chưa thôi!”.

Với nghệ sĩ ngoài đời, sống là bi-hài-kịch thêm “sen” (scène/scene), thêm cảnh trí. Cảnh đầy trí, là vì: người nghe vẫn thấy nghệ sĩ già nhà ta, vẫn hát:

“Diễn viên quay súng bắn

diễn viên gục đầu đường…” (Phạm Duy – bđd)

và:

“diễn viên đang tra tấn

diễn viên chịu cực hình.” (Phạm Duy – bđd)

Trong khi đó, thực tế cuộc đời ta lại thấy: nhiều đạo diễn Đạo-đời cứ loay hoay/hí hoáy, nhiều “tra tấn”. Tra và tấn, để diễn viên ở đời thường cứ chịu cực hình. Dù sao, thì đời người vẫn có nhiều thứ để ta trân trọng. Vẫn: “còn một chút gì để thương, để nhớ”. Nhớ rằng, nhiều lần thần sứ lẫn tiên tri, từng lên tiếng bảo ban, bằng dẫn dụ:

“Giờ đây hãy chúc tụng Thiên Chúa muôn loài,

Đấng đã làm những điều vĩ đại ở khắp nơi,

Đấng đã làm cho đời sống ta nên cao quý

ngay từ thuở ta còn trong lòng mẹ,

và đối xử với chúng ta theo lòng lân tuất của Người.

(HC 50: 22)

Thế đó là sự thật. Thế đó, là khác biệt. Khác biệt, vì đạo diễn đời thường mới chỉ có “đưa tay lên, đưa tay xuống” thôi. Còn có, biết bao nhiêu “bi-hài-kịch” vẫn mở màn. Vẫn, toàn những màn có “diễn viên quay súng bắn”; hoặc: “diễn viên đang tra tấn”, để rồi:

“Diễn viên khen nhau mãi

diễn viên chửi nhau hoài

gió thổi từ muôn nơi

tai nghe lời ngọt bùi.” (Phạm Duy – bđd)

Và, lúc đó là lúc người-nghệ-sĩ-kiêm-đạo-diễn lại đã nói lên một kết đoạn, như:

“Bi hài kịch còn dài

Bi hài kịch chưa thôi”. (Phạm Duy – bđd)

Chưa thôi, là bởi: ở đời, còn khá nhiều người vẫn cứ “đưa tay lên”, rồi lại “đưa tay xuống”. Lên và xuống, không phải để diễn viên nay “tra tấn” hay “chịu cực hình”, để mà đối xử với ta, “theo lòng lân tuất” hay không, mà thôi.

“Đối xử theo lòng lân tuất”, có thể là: làm sao để xã hội ta đang sống, sẽ không còn cái cảnh:

“Bi hài kịch bỏ màn,

Bi hài kịch chưa xong

Diễn viên rơi nước mắt

Đạo diễn khóc hay cười

Khán giả thì bưng môi

Khán giả thì im hơi. (Phạm Duy – bđd)

“Khóc hay cười”, vẫn là tình huống “còn đó nỗi buồn”, ở nhiều nơi. Buồn, vì có sai và có sót về “công lý và hoà bình”. Buồn, là vì: đến nay, vẫn khó kiến tạo hoà bình. Tạo công lý. Khi sự thật rành rành ra đó, mà vẫn khó. Sự thật, là những “sự” rất thật về chênh lệch “còn đó nỗi buồn”, giữa giàu/nghèo. Giữa cuộc sống. Lệch thấy rõ, khi: người thì thừa mứa, cứ đổ vùi những ‘cơm rất lành, canh rất ngọt’. Kẻ thì nghèo khó, cứ kiếm tìm những là “cơm thừa canh cặn”, vãi rớt từ bàn ăn, lăng xăng ngoài cửa hiệu. Những thãi thừa, nhà giàu tống vào bụng, mà không ăn. Hoặc, ăn không hết.

Chênh lệch, là thách thức gửi đến mỗi người. Mọi người. Những người, ở xứ sở dẫy đầy tài nguyên, thừa mứa. Trong lúc, kẻ khác lại thòm thèm nhõ rãi. Thèm, giọt nước trong lành nhểu từ các “phông tên”, lác đác. Hiếm hoi. Thun vòi.

Chênh lệch và thách thức giữa kẻ có của dư thừa và người nghèo đói, dưới mức bình thường/thời đương đại, là điều mà Hội Đồng Giám Mục Úc đã họp bàn vào năm 2008. Họp xong, các ngài đưa ra thông cáo chung, tuyên bố về một Công lý và Sự thật, ở xã hội. Trong tuyên bố, có những lời rất đích thực, được trích dịch như sau:

“Thách thức hoặc thử thách mà Chúa trao cho người thanh niên giàu có, nói ở Tin Mừng Mác-cô, còn là thách thức ta gặp, ở đời thường. Hôm nay đây, vấn đề là: chúng ta có sử dụng tài nguyên phì nhiêu/phong phú của mình, để làm lợi cho mọi người, đặc biệt những người bị từ khước mọi phúc lợi có được từ người giàu có, không? Tin Mừng có nói, Đức Giê-su ngước nhìn người thanh niên giàu có, mà chạnh lòng thương anh. Trong khi đó, anh chẳng mảy may xúc động, từ lời gọi mời của Ngài.

Là dân con đất nước sang giàu và trẻ trung, có lẽ ta đang thiếu mất một điều; điều ấy là thế này: chúng ta có chấp nhận hành xử tuỳ thách thức Chúa trao ban, hoặc có bị đánh động về những thử thách Ngài đem cho ta, không?

Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, nhiều lần nêu vấn đề về chủ nghĩa tiêu thụ. Và ngài còn cảnh giác: chẳng gì xấu, nếu ai đó trong số những người anh người chị của chúng ta, vẫn muốn cho cuộc sống mình, được khá hơn. Xấu, là khi ta có lối sống đem đến cho mình một hy vọng sẽ khá hơn, nếu ta hướng về những cái “có”, hơn là chuyện “sống”. “Có” hơn là “sống”, tức vận dụng để tạo nhiều tháng ngày vui chơi, hưởng cuộc đời. Rồi, coi đó như cứu cánh, của cuộc sống.”

Sự giàu có trong xã hội, tự thân, chẳng có gì là xấu hết. Giàu sang/phú quý vẫn đem lại nhiều lợi ích, tuỳ cách ta sử dụng, mà thôi. Như câu truyện trong Tin Mừng, về người thanh niên giàu, cho thấy: anh tuy giàu đấy, nhưng vẫn không thấy hạnh phúc. Bởi thế nên, trên thực tế, nhiều lúc cũng trái ngược. Chẳng hạn, nếu ta cứ mải mưu cầu của cải/vật chất, thì điều này sẽ thôi thúc ta kiếm tìm công việc to hơn lớn hơn để bon chen. Và, càng thêm việc, người người càng phải bỏ nhiều giờ để làm. Càng làm nhiều, càng thấy sức ép, từ nhiều phiá. Nhiều sức ép, nên càng phải làm thêm giờ phụ trội. Có khi, còn phải làm thêm cả ngày cuối tuần, nữa.

Nước Úc, nay trở thành một trong các quốc gia đã phát triển. Có người say mê làm lụng, đến cật lực. Từ đó, gia tăng sức ép công việc làm lên quan hệ gia đình. Với nhiều bậc cha mẹ, đã có trường hợp: con cái đòi nhiều thứ. Vì cha mẹ chúng không gần gũi. Không sống quan tâm đến chúng như trước kia.

Gia tăng tài sản của cải, sẽ gia tăng nợ nần. Điều này, càng gây khó khăn trong hạn chế nhu cầu ta cần có, ở thời này. Cá nhân dân lao động, cũng như gia đình họ, từ đó dễ rơi vào bẫy cạm của vòng lao lý đến quá mức. Rồi, mải tiêu thụ không biết chán, bất kể nợ nần ngày chồng chất, nên ai cũng nỗ lực mong đạt thành quả to lớn hơn, về vật chất. Xem thế, thì giàu sang phú quý sẽ làm gia tăng não trạng khiến người người thấy mình càng có quyền. Càng muốn có nhiều thứ. Nhưng lại quên mất ý nghĩa của sự cảm tạ/biết ơn về những gì mình đang có. Đã quên cảm tạ, lại còn muốn có nhiều thêm. Muốn có mãi. Muốn đến độ, không bao giờ biết thế nào là đủ.

Lòng ham muốn có nhiều/có thêm không giảm sút, rồi cứ thế bắt buộc phải sản xuất thêm. Cứ thế tiêu thụ đồ cho thật nhiều. Muốn có nhiều/có thêm, bắt buộc phải khai thác thêm nguồn tài nguyên, lấy từ lòng đất. Khai thác nhiều, càng gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường/không khí. Lãng phí này, kéo từ thế hệ trước đến thế hệ sau. Thời nay, có lẽ cũng nên giảm mức tác hại gây cho môi trường bằng cách biết quan tâm đến những gì mình đang có. Biết tự vấn lương tâm mỗi khi muốn có thêm. Tự vấn, bằng nhưng câu như: có thật là mình cần đến những thứ này, không?” (x. www.socialjustice.catholic.org.au)

Nhận định của các Giám mục Úc, có lẽ là dịp để bà con ta đáp lại những điều vẫn thấy dẫy đầy, ở đời thường. Thường thì hôm nay, ta vẫn thấy nhiều người đã biết tự vấn lương tâm. Đã biết lòng hỏi lòng bằng những câu, như nghệ sĩ già, vẫn hay hát:

“Ôi bi kịch còn dài

trong hay ngoài sân khấu

bên trên hay là bên dưới…

ai cũng buồn như nhau.” (Phạm duy – bđd)

Về với Tin Mừng “người thanh niên giàu” đã bỏ đi mang theo khuôn mặt buồn rười rượi. Anh buồn, như nhiều người giàu có vẫn thấy có ở đời. Vào mọi thời. Buồn, như các đấng bậc từng đề cập:

“Đức Giê-su gọi mời ta thiết lập nên xã hội công bằng, trong đó mọi người cùng làm việc. Để nắm chắc, rằng: tình trạng nghèo đói ở nhiều nơi phải bị bứng tận gốc. Bứng đi, để mọi người có khả năng sống cuộc đời đầy đặn. Và, cũng nên đoan chắc rằng: người giàu sang/phú quý phải có trách nhiệm lo cho người thiếu thốn, dễ bị tổn thương. Lo cho họ đủ cơm ăn áo mặc. Lo cho họ có nơi tá túc, bớt dãi nắng dầm mưa. Và lo cho họ, luôn được người khác quan tâm, chăm sóc.

Cộng đoàn Hội thánh tiên khởi, cũng đã quan ngại về tài sản chung, của mọi người. Sách Công vụ cho thấy cộng đoàn dân Chúa đã mong “bán đi đất đai của cải các ngài có, để phân phát cho mọi người, ai nấy tuỳ nhu cầu của mình.” (Cv 2: 45)

Các tổ phụ thời tiên khởi, cũng buộc phải thực hiện sự công minh, chính trực. Ở thế kỷ thứ IV, thánh Bazil Cả đã nhắc nhở cộng đoàn Hội thánh nên có trách nhiệm, với người nghèo. Thánh nhân nói: ‘Vụn bánh mà anh chị em bỏ đi không dùng, là cơm bánh của người nghèo. Quần áo dư dả, anh chị em treo trong tủ, là áo quần của những người đang cảm lạnh, thiếu mặc. Giày dép anh chị em đang đeo, là chân đi của những người đang dùng đôi chân trần, mà sục xạo. Tiền bạc, mà anh chị em cất trong két sắt, là tiền/là bạc của những người túng thiếu, đang đói/đang nghèo. Cử chỉ bác ái, mà anh chị em bày tỏ, là công trình anh chị em phải để hết tâm huyết, vào trong đó.”

Sở dĩ có đói nghèo trong xã hội, chỉ vì nhiều người chúng ta không có khả năng gầy tạo những gì họ cần đến. Tự thân, nghèo đói là sự tấn kích vào tương quan giữa người với người. Tức, những nối kết hỗ tương vẫn nằm sâu nơi lời dạy của Chúa. Chính vì lý do đó, mà hội thánh đã và đang ra tay hành động suốt nhiều năm. Hành động, là để cải thiện nền y tế, giáo dục và phúc lợi, cho các gia đình. Cộng đồng.

Xã hội Úc nay đã giàu. Nên, ta được mời gọi để nhận ra rằng: nhu cầu của người nghèo, vẫn quan trọng hơn sự tham lam của người giàu sang/phú quý, nhiều tiền của. Rất nhiều người, vẫn còn sống trong tình trạng đói nghèo, triền miên. Vô hạn định. Họ vẫn bị người giàu đối xử không công bằng.

Quan sát kỹ, ta thấy: nghèo đói vẫn hiển hiện nơi nhiều cộng đoàn ta sống. Tức, cộng đoàn sống sung túc. Sống, ở một xã hội có nền kinh tế khá tiến bộ. Chỉ số đói nghèo hiện thời của thổ dân Aborigines đang gia tăng gấp 2, gấp 3 so với người Úc, nói chung. Đó là chênh lệch giàu/nghèo rất khó coi. Tại đất nước có nhiều tài nguyên dự trữ. Khá dồi dào.

Thật xấu hổ, khi ta không thể thoả mãn nhu cầu của người nghèo, tức những người anh người chị của chúng ta. Lý do gây nghèo đói túng cực trong cộng đồng các anh chị này, là vì ta chưa quan tâm đủ. Chưa đáp ứng đủ, để cho nhu cầu thiết yếu của cộng đồng người Thổ dân Aborigines, được đạt mức. Còn lý do khác nữa, là: ta chưa biết tôn trọng đủ, các giá trị của nền văn hoá cổ xưa, cho đúng phép.

Ngày lại ngày, các viên chức Giáo hội làm việc tại một số trung tâm phúc lợi như Centacare và/hoặc Vincent de Paul, đang yểm trợ cho các gia đình còn tung thiếu, bằng những chương trình khẩn cấp, quyết giúp các người anh người chị của chúng ta phấn đấu, ngõ hầu đạt hiệu quả khả quan.

Ngay từ buổi đầu, những người anh người chị này, đã nhận ra khác biệt giữa mức sống có chuẩn mực mà công nhân/viên chức có đồng lương khiêm tốn vẫn cố gắng. Nhưng chưa toại nguyện. Anh chị em ấy, vẫn cố gắng giúp các gia đình nhiều hơn nữa, để họ đạt nhu cầu thiết yếu, lúc lên lúc xuống.

Cứ tưởng tượng, trường hợp các người anh người chị của ta, đặt chân đến đất nước tạm dung, sau nhiều tháng ngày khổ đau/khôn khó, ngõ hầu thoát cảnh lao lý, thoát khỏi chế độ hà khắc, bách hại. Sau một thời, trải qua nhiều hành trình rất hiểm nguy, điều mà theo qui ước của Liên Hiệp Quốc, tất cả mọi người có quyền xin tị nạn. Thế mà, nhiều đồng bào tị nạn là người anh em của ta, vẫn cứ bị giam giữ nhiều tháng nhiều ngày, tại các trại giam di trú, rất sầu buồn. Đó là kinh nghiệm đắng cay của đồng bào tị nạn, mong được giúp đỡ, và quan tâm; để họ có thể lập thủ tục định cư, theo khuôn khổ luật lệ nước Úc.”

Diễn tả về “bi hài kịch” cuộc đời rất chênh và cũng lệch, là như thế. Cuộc đời, theo cái nhìn chính mạch của nhà Đạo. Còn, người đời/thời nghệ sĩ, thì hơi khác. Khác, như vần thơ được diễn tả:

“Diễn viên gục đầu đường

máu chảy, vệt loang loang.

Máu chảy vào quê hương.” (Phạm Duy – bđd)

Chảy vào quê hương Nước Trời, một đời sống. Chảy, như các giám mục ở trên lại đã thêm một nhận định:

“Mỗi người, mỗi nhóm trong xã hội, đều có khả năng đạt nhu cầu vật chất, và nhận ra tiềm năng của mình, theo tính xã hội, kinh tế và tâm linh, của mình. Mọi người được gọi mời, để ta có thể nhận ra điều ấy. Trong cuộc sống. Giữa bè bạn. Như vẫn thấy, trong cuộc sống cộng đồng của chúng ta. Nếu có ai đó bị thiệt thòi hoặc bị bỏ rơi, thì tình trạng của ta cũng sút giảm. Ta không thể tồn tại, mà lại không cần người khác. Và, ta chỉ có thể tăng trưởng thành đạt tiềm năng lớn của mình, là nhờ vào quan hệ ta có với mọi người.”

Nơi Tiệc Thánh, ta góp mặt hiện diện với Đức Giê-su, không như kẻ giàu/người nghèo, kẻ đầy uy quyền/người yếu kém. Nhưng, như những người anh người chị, trong cùng cộng đoàn. Với xã hội chỉ chú tâm đến tiêu thụ và tiêu thụ, thì thông điệp của Tiệc Thánh mang tính đáp trả, đối đầu với nền văn minh/văn hoá của con ngưòi. Trong khi chủ thuyết tiêu thụ đưa ta đến cảnh tích luỹ nhiều hơn. Có cuộc sống kéo dài đến miên trường, hoặc chỉ nghĩ đến chuyện tiêu thụ và tiêu thụ đồ hàng vật chất, thì nơi Đức Kitô, ta được đề nghị thực thi quan hệ mật thiết với Chúa. Với nhau. Đức Kitô mời gọi chúng ta, ngang qua người thanh niên giàu ở Tin Mừng, là: không nên tạo cho mình nhiều tiền/nhiều của, thêm lên nữa. Nhưng, sống nhiều hơn. Sống đích thực tình bác ái.

Xem như thế, Đức Giê-su là Tin Vui, cho người nghèo. Xem như vậy, Đức Chúa là Tin Mừng cho người dõi theo bước chân mềm giảng rao. Những người, đích thực sống niềm tin-yêu, Ngài vẫn dạy. Ở đây nữa, cuộc đời con người vẫn cứ là:

“Ôi bi kịch còn dài

trong hay ngoài sân khấu

bên trên hay là bên dưới

ai cũng buồn như nhau.” (Phạm Duy – bđd).

Đời người, buồn hay không, còn tuỳ. Tuỳ người. Tuỳ quyết tâm của mỗi người, để hãnh tiến. Đạo diễn trong đời, có giơ lên hay giơ xuống, cũng tuỳ vào thái độ của mình, với đời. Tuỳ, tầm nhìn của mình vào cuộc đời. Thái độ và tầm nhìn ấy, có thể ví với câu truyện để minh hoạ, ở bên dưới:

“Có ngân hàng, mỗi buổi sáng, cung cấp vào tài khoản của bạn USD$86,400. Số dư trong tài khoản không được phép chuyển từ ngày này qua ngày khác. Mỗi buổi chiều, ngân hàng sẽ hủy bỏ hết số dư còn lại mà bạn đã không dùng hết trong ngày.

Bạn sẽ phải làm gì? Sử dụng hết số tiền đó, dĩ nhiên! Mỗi người trong chúng ta đều có một ngân hàng như vậy. Tên ngân hàng là THỜI GIAN.

Mỗi buổi sáng, ngân hàng này cung cấp cho bạn 86,400 giây. Vào mỗi tối, ngân hàng sẽ xóa bỏ, coi như bạn mất thời gian mà bạn không đầu tư được, vào mục đích tốt. Ngân hàng không cho phép bạn để lại số dư, trong tài khoản. Cũng không cho phép bạn bội chi. Mỗi ngày, ngân hàng sẽ mở tài khoản mới cho bạn. Mỗi tối, nó lại hủy hết những gì còn lại trong ngày. Nếu bạn không dùng hết thời gian bạn có trong ngày, người bị mất chính là bạn.

Không có chuyện quay lại ngày hôm qua. Không có chuyện tiêu trước cho "ngày mai". Bạn phải sống bằng những gì bạn có trong tài khoản hôm nay. Hãy đầu tư vào đấy bằng cách thức nào đó, để bạn có thể nhận được nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công nhất! Đồng hồ vẫn đang chạy… Hãy cố thực hiện thật nhiều điều trong ngày hôm nay.

Để biết giá trị của MỘT NĂM, hãy hỏi em học sinh bị ở lại lớp.

Để biết giá trị của MỘT THÁNG, hãy hỏi người mẹ sinh con thiếu tháng.

Để biết giá trị của MỘT TUẦN, hãy hỏi biên tập viên của tuần báo.

Để biết giá trị của MỘT GIỜ, hãy hỏi những người đang yêu mong chờ phút gặp mặt.

Để biết giá trị của MỘT PHÚT, hãy hỏi người bị lỡ tàu.

Để biết giá trị của MỘT GIÂY, hãy hỏi những người vừa thoát khỏi tai nạn.

Để biết giá trị của MỘT PHẦN NGÀN GIÂY, hãy hỏi người vừa nhận được huy chương bạc kỳ thế vận hội Olympic.

Hãy quý trọng từng giây phút bạn đang có. Và, hãy quý thời gian hơn nữa. Bởi, bạn đang chia sẻ thời gian đó với người thật đặc biệt đối với bạn. Đặc biệt đủ, để có thể chia sẻ thời gian của bạn. Và hãy nhớ, rằng: thời gian chẳng chờ đợi ai hết. Ngày hôm qua là lịch sử. Ngày mai là một bí ẩn. Hôm nay chính là quà tặng. Vì thế mà người Âu Mỹ gọi nó là PRESENT! (tức, HIỆN TẠI và QUÀ TẶNG).

Bạn bè quả là nữ trang quý hiếm. Họ khiến bạn mỉm cười và khuyến khích bạn thành công. Họ lắng nghe bạn, họ chia sẻ với bạn những lời khen tặng, và họ luôn muốn mở rộng tâm can, ra với ta. Hãy nhắn gởi những điều này đến những ai được bạn xem như bèi bạn. Gửi thật nhiều,và nếu những dòng chữ phản hồ, về với bạn thì nên biết rằng mình đang có vòng tay thân thương. Trìu mến. Rất hiền.

Bạn bè, hay bất cứ thứ gì trong đời, đều quý. Dù cuộc đời ai đó, có đạo diễn cứ giơ lên, giơ xuống. Có diễn viên, người đời vẫn “dở khóc dở cười”. Khóc cười một đời, là bởi người đời vẫn cứ hay quên. Quên lời dặn trong Kinh Sách. Về đời người. Và người đời. Người ấy có thể là bạn bè. Là, quà tặng. Rất trân quý. Đáng ghi nhớ. Để suy tư. Nghĩ và suy, về Lời. Về người.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn cầu mong

mãi mãi nghĩ và suy

về cuộc đời.

Về người đời.

Cứ luôn là quà tặng

Cho mình và cho người.

1 comment:

Anonymous said...

Bạn có thể post nguyên bài hát lên được không? Cám ơn rất nhiều.