Sunday, 18 May 2008

“Nếu, ngày mai lỡ chúng mình xa nhau" ...

“Nếu, ngày mai lỡ chúng mình xa nhau,

Anh xin muôn kiếp yêu em mà thôi.”(Nguyễn Vũ)

(Giáo luật số 1125)

Lời ca trên, nghe nhiều qua người nghệ sĩ lâu nay vẫn cứ hát, như lời hứa. Và đôi khi, còn là lời thề. Thề hay hứa, vẫn là lời của những đường - mật, rất ngọt ngào. Ngọt như mía, không có nghĩa đó là sự thật. Mía lùi như mật, chưa chắc điều đó đã thật tâm.

Trong hành trình sống Đạo ở đời, và với đời, có những tình huống thoạt nhìn cứ tưởng như mật ngọt, rất êm xuôi. Nhưng xét kỹ, mới thấy lời thề hứa nhiều lúc cũng chẳng êm như nhiều người vẫn tưởng. Nhất thứ, lại là chuyện thề hứa trong Đạo. Và với Đạo.

Phải thú thật với bầu bạn ngay đây rằng: bần đạo chưa đạt chức năm/chức sáu, cũng chưa lĩnh chức linh mục/thày cả, nhưng dù thế có bạn vẫn chạy đến hỏi han. Hỏi những câu “hóc búa”, mà đến đức thầy/linh mục cũng phải hẹn sẽ trả lời khi đã nghiên cứu thêm, mà thôi.

Thật ra, người trẻ hôm nay chỉ thắc mắc hỏi han những gì có liên quan đến cuộc sống lứa đôi. Thắc mắc, vì họ vẫn quan tâm đến chuyện Đạo. Hỏi, vì còn muốn làm người công chính, thích hợp với Đạo. Đạo của tình thương. Đạo làm người. Hôm nay, vì thương bạn trẻ có những hỏi han lan man ấy, bần đạo bèn vời đến đức thầy John Flader ở Úc, với câu hỏi như sau:

“Trong đám cưới, nếu một bên là người Công giáo chính gốc, đạo giòng. Bên kia, là người ngoại, chẳng bao giờ biết đến lễ lạc, nhà thờ. Vậy xin hỏi: Giáo hội ta có qui định gì cho phép hoặc cấm hai bên ăn đời ở kiếp hát câu “xin muôn kiếp yêu nhau mà thôi”, không?

Theo thói thường, đức thầy John Flader ở Sydney vẫn có câu đáp tỉ mỉ, đúng luật và rất theo ... án lệ. Nên, xin tóm gọn bằng mấy điểm chính như sau:

“Như các cuộc hôn nhân giữa người Công giáo và người đi Đạo Chúa mà không phải là Công giáo, hôn nhân này muốn thành, phải có phép “chuẩn”. Phép chuẩn này, Giáo luật số 1125 có liệt kê các điểm chính sau đây:

Trước nhất, người theo đạo Công giáo phải cam kết mình đã chuẩn bị để trút bỏ các hiểm nguy khả dĩ ngăn cản gia đình đến với niềm tin. Vì thế, phải quyết hứa làm mọi việc trong quyền hạn của mình cho phép, để khi con cái sinh ra, bảo đảm chúng sẽ chịu phép rửa và được nuôi dưỡng theo truyền thống của Hội thánh Công giáo. Đôi lúc, người chồng lâu nay theo truyền thống văn hoá có xung khắc với truyền thống Đạo Chúa, thì Hội thánh chỉ đòi người phối ngẫu theo Công Giáo, làm hết mình để nuôi dưỡng con sao cho đúng với niềm tin người đi Đạo, là được.

Nếu Hội thánh buộc lòng phải từ chối phép “chuẩn” cho người Công Giáo được lấy người ngoài đạo Công giáo, khi biết là con của hai người sẽ không được nuôi dưỡng giáo dục theo truyền thống của người đi Đạo, thì Hội thánh cương quyết hạn chế quyền của người Công giáo, mà thiết lập hôn nhân. Đây là trường hợp xảy đến tại các nước, trong đó số người Công giáo đếm được rất ít. Mà nếu, những người Công giáo này muốn lập gia đình, thì họ chẳng còn chọn lựa cách nào khác ngoài việc cưới/hỏi người ngoài Đạo.

Thứ đến, người phối ngẫu không đi Đạo Công giáo phải được giải thích về lời hứa mà người Công giáo đã tuyên thệ, ngõ hầu đôi bên biết rõ điều mình đã hứa, cũng như am tường các ràng buộc mà người đi Đạo theo đuổi. Khi xưa, cả những người phối ngẫu nào không đi Công giáo cũng phải hứa sẽ nuôi dưỡng con cái mình về sau, hứa cùng một kiểu như người đi Đạo. Tuy nhiên, khi đó điều này bị nhiều người coi như vi phạm quyền tự do tín ngưỡng của người trong cuộc, nên Hội thánh không còn đòi họ phải làm thế, nữa.

Cuối cùng, hai bên phối ngẫu phải được giảng giải về mục đích và đặc điểm cần thiết của hôn nhân. Điều này, cả hai người đều không được phép loại bỏ các yếu tố ấy.

Thêm nữa, và đây là chuyện thường tình: nếu một trong hai người phối ngẫu loại bỏ các đặc điểm/đặc trưng cần thiết –như: đức tính ăn ở với nhau bền đỗ đến cùng, không muốn có sự đổ vỡ ly tan, biết cởi mở với đời sống chung và có sự thuỷ chung lâu dài - nếu không như thế thì hôn nhân ấy sẽ không thành.

Một khi, ba điều kiện kể trên được nhận biết rõ và chấp thuận, thì lúc ấy Hội thánh sẽ cho phép hai bên tiến đến hôn nhân.

Về hôn lễ, trường hợp người Công giáo lấy người cùng Đạo Chúa nhưng không thuộc Công giáo La Mã, lại đã rửa tội rồi, thì Nghi thức Phụng vụ đề nghị là hôn lễ phải được cử hành bên ngoài nhà thờ. Tuy nhiên, nếu tình hình cho phép và được Đức Giám Mục sở tại ban phép chuẩn, thì đôi bên có thể được tổ chức thánh lễ hôn phối. Luật “chữ đỏ” phụng vụ còn nhắc nhớ, là: người ngoài Đạo Chúa sẽ không được rước phép Mình Thánh, vì luật Giáo hội không chấp thuận làm thế. (x. Nghi thức Hôn nhân số 8)

Nếu người Công giáo kết hôn với một người không chịu rửa tội theo Đạo Chúa, thì đám cưới phải được tổ chức ngoài thánh lễ. (John Flader, the Catholic Weekly 27/4/2008)

Đúng như bần đạo vừa nói, trong sống Đạo ở đời và với đời, có những lời thề và hứa khó đi vào hiện thực. Bởi, ngay lúc thề nguyền, người tuyên thệ nào đâu đã biết hư/thực, đời mình. Nên, đôi bạn đời sẽ chẳng thể hát câu “xin muôn kiếp, yêu nhau mà thôi”. Ai có kinh nghiệm từng trải cũng rồi sẽ hiểu. Hiểu, như nhiều người thường bảo: “sống trước đã, triết lý sau”, là thế.

Thành thử, nếu cả hai người đều thấy khó trong thực hiện lời nguyền, thì càng khó hơn khi họ hát tiếp ý/lời mà ca sĩ Elvis Phương vẫn nghêu ngao thuở trước:

Em, anh xin em, một lần cuối.

đừng trách anh, đừng giận anh nhé em.

Em, anh van em, em nói đi

Em nói sẽ, không bao giờ buồn.” (Nguyễn Vũ – Lời cuối cho em)

Thì ra, đàn ông nào mà chẳng nói “anh đâu muốn người em gái anh yêu, thêm buồn”. Và bi đát hơn, khi chưa có được lời thề và nguyền, ắt hẳn anh sẽ thêm:

”Đừng, đừng nhìn anh bằng đôi mắt buồn vời vợi

thà em nói, thà em trách rằng anh dối gian thật nhiều…” (Nguyễn Vũ - bđd)

Và, nếu là “người phối ngẫu” chưa đi Đạo, chắc anh sẽ còn hát:

“Con quỳ lạy Chúa trên trời,

sao cho con lấy được người con yêu.

Đời con đau khổ đã nhiều,

từ khi thơ dại đủ điều đắng cay.” (Phạm Duy – Con quỳ lạy Chúa trên trời).

Giả như, anh/chị ấy đích thị là người có trắc trở, thì cả hai sẽ không còn ca bài “con cá” như thế, mà đã trở về với Thánh Kinh, để nguyện cầu. Nguyện và cầu, rằng anh/chị sẽ bắt gặp Lời Chúa nói trong Kinh, như:

“Quả thế, trong ngày sống lại,

người ta chẳng lấy vợ lấy chồng,

nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời.”

(Mt 22: 30)

Hoặc:

"Con cái đời này cưới vợ lấy chồng,

chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau

và sống lại từ cõi chết,

thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.”

(Lc 20: 34-36)

Vấn đề ở đây - hôm nay, là: trong các trường hợp tương tự, ta sẽ phải sống làm sao? Có yêu nhau mãi, không? Vẫn áp dụng Lời Chúa, mà sống?

Để trả lời, xin mời bầu bạn nghe truyện kể ngắn, áp dụng cho nhiều người. Ở đời.

Truyện rằng:

“Hôm ấy, một buổi sáng trời quang đãng. Rất đẹp. Mọi người trong làng đều dậy sớm, mà chuẩn bị đi nhà thờ/nhà thánh, đủ lệ bộ. Vào lúc thánh lễ chưa bắt đầu, các cụ ông/cụ bà tụm năm tụm ba, ngồi kể cho nhau nghe những chuyện trong đời vợ chồng. Vui có, buồn cũng có. Nhưng chắc, buồn nhiều hơn vui.

Bỗng, xuất hiện một thứ người - ngợm, rất Xa-tăng. Mọi người tỏ vẻ hãi sợ, chạy vụt khỏi nhà thờ, tìm nơi lánh. Duy, có lão ông còn nán lại, đương đầu với tay dữ lừng lẫy, rất Xa-tăng. Lão ông biết hắn là quỷ dữ thứ thiệt, nhưng không tỏ dấu sợ sệt. Trùm Xa-tăng thấy lạ, đến gần hỏi:

-Này, đằng ấy biết ta là ai không?

-Ai mà chẳng biết. Nhiều lắm chỉ là đồ đệ của thần dữ, chứ có gì mà khoe!

-Đúng. Thế, ngươi không biết sợ là gì sao?

-Cái đó thì không. Nhất định không. Vì, ta đây đã 25 năm lấy chị của ngươi làm vợ, này còn sợ chi ai.

Trong phiếm luận Đạo-đời, ghi lại giòng chảy ở trên, không có ý để thuyết phục bạn và tôi, ta hãy quyết tâm thề nguyền. Cũng chẳng để thuyết phục mọi người đi vào cuộc đời có đôi có lứa; hoặc, hãy cứ ở vậy, như trẻ nhỏ. Phiếm ở đây, là phiếm cho vui. Cho thư giãn, tháng ngày căng thẳng, những chuyện đời. Để rồi, về “dấu giáo đường”, ta có Đạo. Đạo trong đời. Của một người.

Trần Ngọc Mười Hai,

vẫn còn muốn phiếm

phiếm về Đạo

phiếm cả về đời.

No comments: