Saturday, 14 February 2009

“Hãy ngồi xuống đây! Hãy ngồi xuống đây”

xa cơn buồn phiền dẫu biết chia phôi,

nhưng trong cuộc đời, vẫn có đôi ta

(Lê Uyên và Phương – Hãy ngồi xuống đây)

(Mt 7: 12)

Ngồi xuống với nhau, có khi không phải để “xa cơn buồn phiền”, nhưng là để cùng nhau làm một việc gì đó. Hoặc, vui hưởng tình thân thương qua bữa ăn. Hoặc, luận bàn tìm giải pháp cho vấn đề nào đó, vẫn chưa xong. Luận bàn, là bàn về những chuyện đã xảy ra trong quá khứ, nay rút kinh nghiệm. Bàn luận, là để tìm ra phương hướng hoặc cách thức đáp ứng, giao dịch, hành xử… rất tương lai. Ngồi hay đứng không là chuyện quan trọng. Quan trọng hơn cả, là “trong cuộc đời, vẫn có đôi ta”. Rất nhiều cái ta.

Truyện kể rằng, trong chung sống ở đời, có lẽ vì có quá nhiều cái “ta”, nên mới xảy ra kha khá cớ sự. Tương tự như cớ sự lớn bé, ở bên dưới:

“Ông chủ công ty lớn nọ cần việc bèn gọi nhân viên dưới trướng lên gặp để giải quyết một số vấn đề nghiêm trọng, khẩn cấp. Vì, truyền thông vi tính của ông bị trục trặc, mà ông lại không biết điều chỉnh, sửa chữa. Ông bèn quay điện thoại gọi về nhà người chuyên gia vi tính, đang nghỉ phép. Thay vì gặp nhân viên mình, ông lại nghe một giọng nói nhỏ nhẹ, rất trẻ ở cuối đường giây. Dường như, đây là giọng của một em bé? Giọng ấy nhỏ nhẹ, chào:

-A-lô?

-Ai thế? Có ba ở nhà không em bé?

-Dạ, có.

-Em bé có thể cho nói chuyện với ba em được không?

-Dạ, không!

-Sao thế! Ba đang bận à? Thế, mẹ có nhà không?

-Dạ, có.

-Vậy cho Bác nói chuyện với mẹ được không?

-Dạ không.

-Thế, có ai ở gần đó không?

-Dạ, có.

-Ai thế?

-Dạ, cảnh sát.

-Vậy thì, cho Bác nói chuyện với nhân viên cảnh sát cũng được.

-Dạ không được. Ông ta đang bận.

-Cảnh sát bận gì thế?

-Bận nói chuyện với Ba mẹ.

-Hình như có tiếng gì ồn như tiếng trực thăng, phải không bé?

-Dạ, đúng là tiếng máy bay trực thăng.

-Có chuyện gì mà trực thăng phải bay đến, thế?

-Trực thăng của cảnh sát đến tìm…

-Họ tìm ai vậy?

-Dạ tìm CON.

Truyện kể chỉ có thế. Cũng chỉ hỏi han, những kiếm và tìm. Tìm đủ thứ. Kiếm đủ mọi cách. Chứ không chỉ tìm mỗi “bé em”, đang đi lạc. Đang chơi trốn/tìm. Cũng chẳng là cách thế, để khống chế lẫn nhau. Nhưng, cốt tìm ra giải pháp cho sự việc xảy đến, rất hôm nay. Tìm đến đám trẻ. Đến với mọi người. Đến, để giải quyết sự việc, về khoa học kỹ thuật, đang ảnh hưởng lên đời sống mỗi người. Từ già đến trẻ. Nhất là trẻ bé. Dễ tổn thương.

Trẻ bé dễ bị thương tổn, vẫn ngồi xuống với nhau, như lời người nghệ sĩ cất tiếng hát hôm nào:

“Hãy ngồi xuống đây!

như loài cỏ tranh chen nhau từng hàng

xoắt xít bên nhau vui chơi cuộc đời,

có dáng hôm nay.” (Lê Uyên và Phương – bđd)

Ngồi xuống đây, để giải quyết cho nhau, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, như ta được dạy:

“Vậy mọi điều các ngươi muốn người ta làm cho mình,

thì các ngươi cũng hãy làm

cho người ta như thế.”

(Mt 7: 12)

“Làm cho người ta, y như thế”, thông thường là: làm điều tốt đẹp, mang đến cho người khác. Là, thương yêu đùm bọc, giúp hết mọi người. Là, giùm giúp thế hệ trẻ, còn rất bé. Là làm, qua tư cách của người có trách nhiệm. Làm, một cách nghiêm chỉnh. Như vấn đề được đặt ra, hôm nay.

Một trong các chuyện nghiêm chỉnh đặt ra hôm nay mà ta có thể làm, là việc được Hội đồng Giám Mục Úc vừa qua, đã đề cập vào giữa năm 2008. Trong thư mục vụ có tựa đề “An toàn trên mạng” lần này, ngoài ”thư luân lưu” viết bằng chữ, các Giám mục Úc còn kèm thêm âm thanh và hình ảnh, đưa lên “youTube”, để bà con nguời đọc có thể truy cập, bàn luận. Chẳng khó khăn.

Bàn về lớp người trẻ từng bỏ trường, là thế hệ đầu đời đã trưởng thành và lớn lên trong Thời Đại Đồ … Lưới. Thời đại mà ở nơi đó, ta sinh hoạt nối kết như lưới nhện, rất chặt chẽ. Rất mạnh bạo. Nhưng chưa chắc đã “an toàn, trên xa lộ”. Thư luân lưu, có đoạn viết:

“Thực tại lớp người trẻ lâu nay được hình thành từ các mô thức “nối kết trên mạng” hoặc qua điện thoại di động, mà các thế hệ có trước chúng vẫn còn học hỏi, để am tường. Chung cùng đường hướng với điện thoại di động, Mạng Nối Kết đã cải biến phương cách truyền đạt, hoặc chuyện vãn. Thay đổi cả phương thức duy trì tình bằng hữu, ngõ hầu tìm đến thú vui tiêu khiển và tiếp cận với thông tin.” (x. www.acbc.catholic.org.au, hoặc http://www.youtube.com/ACBCcomms )

Tuy nhiên, dù ta sử dụng mạng lưới thông tin một cách tốt lành đi nữa, thì các trận mưa thông tin vẫn như ghềnh hào thác đổ, cứ tràn bờ trên Mạng khiến người sử dụng như chúng ta, cần thận trọng. Bởi thế nên, thư luân lưu của hàng Giám Mục Úc, cũng đề cập đến chuyện đề cao cảnh giác, như sau:

“Cho đến nay, rất nhiều bậc phụ huynh, nhà giáo, các vị thủ lĩnh cộng đồng tôn giáo, các nhà tâm lý và nhiều người khác nữa, vẫn cho biết là họ đang lấy làm quan ngại về mối hiểm nguy ngày một dâng cao của Mạng Thông Tin, đối với người trẻ, cũng như người cao niên. Từ các ảnh hưởng của mạng, đã thấy có sự phân cách giữa các thế hệ. Phân cách, về khoa học kỹ thuật, khiến các bậc cha mẹ nay thấy mình ngày càng dần xa chiều sâu hiểu biết, mỗi khi giám sát con em mình sử dụng Mạng.

Hôm nay, bằng vào Thư Mục Vụ, chúng tôi tìm cách gợi vấn đề, để chúng ta quan tâm đến bối cảnh niềm tin, khi sử dụng. Trong quá trình nhận dạng, tìm ra đâu là những nguy hiểm của Mạng. Và hàng ngũ Giám mục Úc muốn đem đến cho mọi người một số biện pháp khôn ngoan, ngõ hầu ta có thể gìn giữ đức tin, khi theo đuổi các kỹ thuật cao này. Hy vọng rằng, mọi người sẽ đề cao cảnh giác trước khía cạnh độc hại của Mạng Lưới Nối Kết, ngõ hầu tạo an toàn cho mọi người. Cho phẩm cách con người. Và, cho tương quan giữa mọi người chúng ta, với Chúa.”

Thư luân lưu mục vụ của hàng Giám mục Úc năm nay, có nhiều đoạn nói rằng: việc sử dụng Mạng Nối Kết đang trở thành vấn đề thời thượng. Với một số người, Mạng Lưới Nối Kết có nghĩa như việc lướt sóng kiếm tìm trang chủ. Với nhiều người khác, sử dụng Mạng chỉ là vào đó để nhận thư, hoặc vài hàng thư điện cho đồng nghiệp, cho bạn bè người thân. Thế thôi.

Hiện tượng mới nhất, nay xảy đến với một số người, được gọi là: hệ truyền thông xã hội. Giới trẻ hôm nay, quá quen với các điạ điểm mạng như Facebook hoặc MySpace. Nó hệt như chuyện buổi tối ra ngoài vui chơi, chuyện trò với chúng bạn. Với họ, việc này đơn giản chỉ là tạo nên hiện trạng nào đó trên một địa điểm. Rồi mời mọi người đến đó, tha hồ mà chia sẻ thông tin, cho nhau. Chia sẻ qua tư cách “bạn bè trên mạng”. Lâu nay, Giáo Hội Úc đang giúp đỡ lớp người trẻ dấn thân với niềm tin, qua phương thức đặt cơ sở trên hệ truyền thông xã hội, qua một số địa điểm tựa như thế, trên mạng.

Việc sử dụng điện thoại di động, nay còn phổ biến hơn nhiều. Tất cả những gì mọi người muốn tải thông tin mình nhận được, thay vì vào vi tính cá nhân, có thể đưa vào di động. Thông tin tải xuống có thể là bài viết, tin tức hoặc hình ảnh, khúc phim. Di động, khi đó chỉ là bộ phận dung nạp chứa đựng tất cả các dữ liệu mình muốn cất giữ hoặc thưởng lãm. Ngày nay, hầu hết các chính trị gia và cả đến các Giám mục cũng đang sử dụng hệ truyền thông này để chuyển thông điệp Mùa Chay, hay các thư mục vụ, đến giáo dân.

Trong Thông điệp gửi đến mọi người nhân ngày Truyền Thông Thế Giới vào năm 2002, Đức Cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã chào đón Mạng Nối Kết như điều mà ngài gọi là “Diễn Đàn rất mới để Rao giảng Tin Mừng của Chúa”.

Mới đây, Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô XVI cũng nói đến nhu cầu giữ gìn lớp người trẻ và gia đình khỏi mọi hiểm hoạ đến từ Mạng Nối Kết. Tông thư của Đức Giáo Hoàng có đoạn viết:

“Không còn ngờ vực gì nữa, một đằng nền văn minh nhân loại hôm nay đang đón nhận nhiều đóng góp lớn lao từ các thành phần khác nhau của nền truyền thông đại chúng. Đằng khác, rõ ràng là: có rất nhiều mặt tiêu cực độc hại đang xâm nhập bằng nhiều hình thức vào cơ ngơi của hàng triệu gia đình trên thế giới.”

Làm bậc cha mẹ, ắt hẳn phụ huynh nào cũng từng biết: một khi con mình đã ngồi trước màn hình vi tính, hay di động để tiếp cận với Mạng thông tin, bao giờ các em cũng đối diện với đủ mọi thứ hiểm nguy, đến từ mọi phía. Có thể là, những ảnh hình dâm ô, khuấy động mắt nai thiên thần, còn trinh trong. Có thể là, những mô hình bạo lực, xúc phạm, đủ mọi kiểu.

Các bé em, thường vẫn vô tư trong trắng và tình thật. Vẫn cứ tưởng là mình đang ở chốn tư riêng một mình với không gian ảnh ảo của vũ trụ, những cyber. Có đâu ngờ, hiểm nguy đang tung lưới, nên cứ vô tư thả hồn mình chốn hồn hoang, thanh tao. Thoát tục? Ở nơi đó, có những gọi và mời, như:

“Hãy ngồi xuống đây

như trong lần đầu bối rối bên nhau…” (Lê Uyên và Phương - bđd)

Chính vì “bối rối bên nhau”, trong phòng “chít chát”, nên cha mẹ mới thấy sợ cho con cái mình, sẽ cứ “bối rối bên nhau” với người cùng hành tinh, ở bên phòng “chuyện trò” vùng cyber, nhiều chuyển biến. Và vì thế, các Đấng bậc còn sợ rằng các bé em còn cấp thông tin riêng tư cho người lạ mặt, che đậy lòng thèm muốn ấu dâm, chăng? Còn sợ hơn nữa, khi bé em tưởng rằng người “ngồi xuống đây” ở bên kia đầu giây tinh hà, cũng là bạn đồng trang lứa, chứ có gì đâu!

Là bậc cha mẹ, có lẽ đã đến lúc phải có thái độ đa nghi của một Tào Tháo thời vi tính, để có biện pháp thích đáng, với con em. Biện pháp trước hết và trên hết, là: nên ngăn cản các em, kẻo các em cứ phổ biến mọi thông tin về nơi ăn, chốn ở. Nơi học hành, chốn vui chơi. Giờ giấc cũng như thời khắc biểu rảnh rỗi, để hẹn hò.

Chí ít, là khi đã thấy nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, tựa như: bắt nạt, hẹn hò, dụ dỗ hoặc quấy nhiễu tình dục, cả trên mạng. Những hình thức xúc phạm rất mới được tung ra xâm nhập phòng tán gẫu, chỉ nhằm lôi cuốn người nhẹ dạ. Trong đó, phải kể đến những màn chọc ghẹo, diễn trò vui tếu, tung lời đồn đại, phổ biến tin vịt cồ, bôi nhọ gây vấy bẩn lên tâm hồn trinh trong, như tờ giấy trắng bị lấm mực.

Trong không gian chỉ có hai người, thậm chí có cả những âm thanh đầy khích lệ, một hư cấu:

“Hãy ngồi xuống đây hôn nhau lần này

Hãy ngồi xuống đây cho nhau lần này

Hãy ngồi xuống đây chia ta lần này…” (Lê Uyên và Phương – bđd)

Nói tóm, với nền cách mạng thời vi tính/di động, mọi hình thức mọi cơ hội khiêu gợi lôi cuốn, được tung ra với các kỷ xảo tối tân ở mức thượng thừa. Chưa từng thấy. Vẫn mở ra với các trẻ bé. Rất ngây thơ. Lại còn có cả một chính sách tiếp thị luôn dụ dỗ các trẻ bé lén sử dụng thẻ tín dụng của cha mẹ, hoặc anh chị là người lớn. Bên dưới những trang mạng hấp dẫn, còn có muôn hình vạn trạng “vi khuẩn vi tính lẫn vi trùng, chực chờ xâm nhập đầu óc ngây thơ, của các em.

Nói thì nói thế, vẫn có thể “lướt mạng” an toàn, nếu cha mẹ phụ huynh chịu chấp hành một số nguyên tắc căn bản, nhưng giản dị. Những nguyên tắc, tựa như phim ảnh, sách hình, trò chơi vào thời trước. Điều quan trọng, là: nên để mắt giám sát mọi sinh hoạt của bé em. Đừng bao giờ cho phép để vi tính ở nơi chốn kín đáo, tư riêng, trong phòng ngủ. Giờ giấc tiếp cận, sử dụng cũng nên điều nghiên cho phép, rất hạn chế. Và, cũng nên cài đặt các bộ phận theo dõi, lọc sàng như vẫn thấy trên mạng điểm NetAlert, tỉ như www.netalert.gov.au.

Dầu sao trên căn bản, cha mẹ cần giáo dục con em về các mối hiểm nguy dẫy đầy trên Mạng Nối Kết. Quyết làm sao trao quyền cho các em biết quyết định cho đúng. Và tin tưởng vào chúng. Có như thế, lớp người trẻ mới trưởng thành như người sử dụng Mạng Nối Kế có ý thức trách nhiệm. Ở nhà cũng như ở đâu đó, chốn công cộng.

Nhằm minh hoạ, cho những điều mà hàng giáo phẩm Úc đang quan ngại, cũng thử đi vào với truyện kể bên dưới. Cứ coi đây như một thực trạng xã hội, xảy đến vào Thời Đại …Hậu Lưới:

“Bé trai 6 tuổi, từ đâu đó bỗng chạy vội về nhà, gọi cha mình ơi ới, báo cho cha một quyết định có dáng vẻ rất quan trọng, như người lớn. Bé muốn lấy cô bé đồng trang lứa nhà gần bên, làm vợ hiền. Gặp ngay ông bố thuộc loại lão làng, dày kinh nghiệm giáo dục đám trẻ bé, ở trường lớp. Ông bèn giấu nụ cười nhè nhẹ nơi bàn tay xương xẩu, khép không kín. Và hỏi người con lên 6:

-Chà! Quyết định lớn đây! Con suy nghĩ kỹ chưa mà lại có quyết định như thế?

-Vâng, con đã quyết định là: tuần lễ đầu, hai đứa tá túc ở phòng con. Sau đó, đến lượt con qua nhà “nàng” ở, nguyên một tuần. Cũng không xa, đâu ba. Vào buổi tối, có chuyện gì thì con chỉ chạy có mấy phút, là tới nhà “nàng” ngay thôi.

-Thế còn vấn đề đi lại, và chuyên chở, con tính thế nào?

-Con tính rồi ba. Chuyện đơn giản như đang giỡn, ấy mà. “Nàng” có xe thồ bằng mủ, cả hai tụi con đứa nào cũng có xe đạp ba bốn bánh, lo gì.

-Thế còn… Thế còn chuyện sinh con, đẻ cháu, con tính thế nào?

-Vụ này càng dễ hơn. Tụi con chưa tính có con nít vội. Hễ mỗi lần “nàng” đẻ ra quả trứng nào, to nhỏ, là con sẽ lấy chân đạp cho dẹp, là xong ngay.

Truyện kể ở trên có vẻ hơi bị …xẹp. Xẹp lép và hư cấu, là điều chắc chắn. Không tránh khỏi. nhưng nó cũng phần nào nói lên nhưng điều lạ, mà bậc cha mẹ, tuy tuổi đã cứng, mà vẫn chưa kịp nghĩ ra. Cũng có thể, thế đó chỉ là những hiểm nguy, của “Mạng”. Của “di động”. Hôm nay, là hư cấu. Giả tưởng. Kể cho vui. Nhưng biết đâu, mai ngày cũng có những giả tưởng, cứ tưởng mãi là giả. Nhưng, phút chốc đã thành mối nguy thực sự. Bởi, như ở bài hát chép trên, còn một câu người viết nhạc, vẫn từng nhắc:

“Rồi mùa Đông đến,

Rồi mùa Xuân đến

Cuộc đời vẫn quay đều” (Lê Uyên và Phương – bđd)

Đời người, cứ quay đều. Quay mãi, chóng cả mặt. Nhưng bọn trẻ bé, đâu thấy chóng mặt vì bị quay. Chúng đâu nghĩ, có người lớn vẫn bảo:

“Hãy ngồi xuống đây

bên con vực này, ngó xuống thương đau.” (Lê Uyên và Phương – bđd)

Bởi, bên ta luôn có con vực. Cứ ngó xuống, đã thấy thương. Và thấy đau. Cho con trẻ.

Trần Ngọc Mười Hai

Nhiều lúc nghĩ lại, đã thấy sợ.

cũng thấy thương

và biết đau.

Cho bọn trẻ.

No comments: