Saturday, 30 August 2014

“Thuở ấy có Em, anh yêu cuộc đời,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 23 mùa Thường niên năm A 07-9-2014

“Thuở ấy có Em, anh yêu cuộc đời,”
Yêu đôi môi hồng điểm nét son tươi.
Yêu đôi tay ngà làn má thắm, tóc xanh buông lả lơi,
nhớ em nhớ bao thuở ấy.”
(Huỳnh Anh – Thuở Ấy Có Em)
(1Cor 8: 9)
Nhớ “Em” bao thuở ấy, anh vẫn yêu cuộc đời. Môi hồng, nét son tươi. Chao ôi, là lời lẽ!
Thật ra thì, Em đấy/anh đây, bao giờ mà chả thế. “Em” là người mà không chỉ mỗi mình anh nhưng hết mọi người đều vẫn nhớ. Nhớ, cả lúc “Em” và anh ở bên nhau hoặc bên mọi người, như lời Đức Giáo Hoàng từng đề-cập khi ngài còn ở Seoul, nước Đại Hàn, như sau:

“Đời người, là hành trình rất dài! Hành-trình này, ta không thể đi một mình, nhưng cần đồng hành với anh chị em, trước nhan Chúa. Vì thế, tôi cảm ơn anh chị em vì cử chỉ đồng-hành ta có trước mặt Chúa. Đó, là điều mà Chúa đã yêu cầu tổ phụ Abraham khi xưa; và, chúng ta là anh chị em với nhau, chúng ta cũng hãy nhìn nhận nhau như anh chị em và đồng hành với nhau. Xin Chúa chúc lành cho chúng ta và xin anh em cũng hãy cầu nguyện cho tôi nữa.” (trích lời Đức Phanxicô giã-từ người dân Seoul hôm 18/8/2014 gặp trên báo điện).

Là anh/là em, theo quan-niệm của Giáo-chủ Đạo Công Giáo là như thế. Là “Em”/là anh, đối với nghệ-sĩ ngoài đời sẽ là và vẫn là giòng chảy đầy tình-tiết, như sau:

            “Thuở ấy có em, anh chưa từng sầu.
Chưa đi âm thầm ngoài phố đêm thâu.
Chưa mang hoang lạnh ngoài bến vắng,
Hỡi Em! Em về đâu, cho đời mình luôn nhớ nhau?”
(Huỳnh Anh – bđd)

“Em về đâu, cho đời mình luôn nhớ nhau?” đây có thể cũng là câu hỏi của ai đó từng gửi đến hết mọi người, không chỉ người nhà Đạo hoặc nghệ sĩ ngoài đời thời nay, mà thôi.   
“Thưở ấy có Em, anh chưa từng sầu!” đây có thể là câu nói để đời, từ ngàn đời. Như ghi-nhận của đấng bậc nọ ở Úc, từng tưởng-tượng lời nhắn của thánh Phaolô xưa gửi người giáo-dân trẻ ở Úc qua giòng chảy thời thượng, như sau:

“Các bạn trẻ thân mến của tôi,    

Ý-nghĩ đầu-tiên khiến tôi nhớ đến các bạn, là tôi hy-vọng rằng niềm-tin của các bạn sẽ tiếp-tục lớn mạnh mãi. Thứ đến, một điều khác tôi vẫn tin, đó là: các bạn cũng sẽ tìm ra đường-lối thích-hợp để trở-thành dân con của Chúa như Tin Mừng từng đề-cập. Hầu như các bạn đều lớn mạnh trong yêu thương, nên vì thế các bạn sẽ làm cho thế-giới này trở-thành chốn sống tươi đẹp hơn, như Đức Giêsu từng làm từ trước đến bây giờ.

Bản thân tôi, vẫn phấn-khởi nhưng đôi lúc cũng hãi sợ, bởi thế giới mà các bạn sống hôm nay có quá nhiều thứ, rồi ra cũng sẽ thành hiện-thực. Và mọi thứ, cứ thế tiến về phía trước theo tốc-độ nhanh khủng-khiếp đến độ chúng sẽ trở-thành thách-thức với mọi người. Có thể, các bạn vốn quen như thế, nên vẫn thường cảm-kích. Thế-giới của chúng tôi thay đổi quá chậm chạp, lại còn khép kín nữa, nên mới khó.

Bản thân tôi, chỉ thấy mỗi can-thiệp độc-nhất xảy đến với tuổi đời của tôi, mà thôi. Là người sản-xuất và bán lều/bạt nhỏ mọn này, tôi thường sử-dụng cũng một đồ nghề và phương-án như thế suốt đời mình. Rồi từ đó, cứ tự hỏi: sao các bạn lại có thể sống nổi những đổi thay nhanh đến ngộp thở như thế? Và, sao các bạn lại định ra được những gì mình cần phải duy-trì và những gì đáng bỏ đi.

Chắc các bạn xem ra cũng không còn sử-dụng những thứ mà mọi người đã bỏ đi, cũng từ lâu. Tôi vẫn bảo: bọn tôi, đơn-giản cứ nghĩ mình cũng nên sử-dụng hết mọi thứ cho đến khi chúng trở nên tơi tả, không dùng được nữa, mới thôi.      

Một trong những thứ khiến tôi ngạc nhiên không ít, đó là: Đức Giêsu khi xưa đã không trở về lại như tôi kỳ-vọng và Hội-thánh bao giờ cũng lớn lao, ôm không hết. Vào thời của tôi, khi đó không có nhà lầu/cao ốc lớn để mọi người có thể tụ-tập nhau làm điều gì đó; nhưng chúng tôi cứ gặp đâu hay đó, phần lớn ở trong nhà hoặc tại các nơi công cộng như căn-hộ nhỏ ở cao ốc, tức: bất cứ đâu thấy tiện, là được.

Chúng tôi cũng chỉ là phong-trào giáo-dân sinh-hoạt rất thầm-lặng, thế nên tôi hơi ngỡ ngàng và cũng hân hạnh khi thấy các Vương-cung Thánh-đường cùng trường lớp, đại-học và bệnh-viện, cả đến hội Vincent de Paul bề-thế, vẫn có những bữa cơm ngon cùng cháo nóng do xe chạy quanh đem tới tận miệng người đang đói. Và rồi, cũng phải kể đến các hệ-thống phúc-lợi thiết-dựng sẵn cho mọi người, nữa chứ.  

Đó là những điều mà chúng tôi có nằm mơ cũng không thấy. Thế nên, chúng tôi luôn lo-ngại chuyện Đế-quốc La-Mã hùng hổ là thế, mà sao nhiều người vẫn không nhận ra chính họ mới là những người tạo nên rối rắm. Nay, thì đế-quốc với chính-quyền cũng đã cấp tiền cho nhiều người. Tháng ngày mình sống lúc trước, bọn tôi cứ bị coi là những người dị-đoan/mê-tín chứ nào trở-thành đạo-giáo chính-thức đâu. Làm sao thế-giới lại thay-đổi đến là thế.

Thế-giới đã bỏ tôi lại với bao thắc-mắc cứ tự hỏi: làm sao các bạn lại có thể sử-dụng ảnh-hưởng mình đang có để cải-thiện mọi sự và làm cho tầm-nhìn/thị-kiến của Đức Giêsu về thế-giới với thế-gian, ra như thế? Tôi từng tranh-luận với các giới có thẩm-quyền người La Mã cũng nhiều lần, nhưng rất thường thì tôi vẫn bị nghi-hoặc nên phải bảo-vệ quyền được trở-thành người tín-hữu Đức Kitô cho đúng nghĩa, còn các bạn đây lại có tiếng nói đầy quyền-uy mà tôi chưa từng nghĩ ra, ngay cả trong giấc mộng cũng không tưởng-tượng ra nổi. Tôi hy-vọng là các bạn sẽ sử-dụng nó một cách thật tốt đẹp.

Thời tiên-khởi, chúng tôi có khác nhau thật đấy, nhưng vẫn cùng đứng chung trong cùng một phong-trào. Còn hôm nay, các bạn lại có quá nhiều đường-hướng khác nhau để trở-thành tín-hữu của Chúa, như: Công-giáo, Anh-giáo, Giáo-hội hiệp-nhất, Đạo binh Cứu-độ, Chính-thống, vv.. chắc điều đó cũng làm cho các bạn phân vân nhiều, như tôi. Tôi cam-đoan với các bạn rằng: tôi cũng gặp nhiều cảnh-tượng giống hệt như thế. Có điều là: tôi biết chắc rằng các bạn thấy được điều tốt của nhau và điều đó cho thấy là: dù có khác biệt, chúng ta đều cùng chung một gia đình. Đó, là gia-đình của những người cùng tin-yêu một Đức Chúa.

Trong những lúc nói chuyện với nhiều người, tôi thấy một số các rào-cản bị phá đổ nhờ có đối-thoại và hợp tác giữa các giáo-hội. Và, khi tín-hữu của Chúa thuộc các truyền-thống khác nhau trở-thành bạn-hữu hoặc lập gia-đình với nhau. Đó là điều rất tốt.

Phương-cách để các bạn gặp gỡ nhau bất cứ ở đâu hoặc lúc nào đã làm tôi ganh tị, thèm thuồng. Thời tôi sống, cũng phải mất rất nhiều tuần hoặc nhiều tháng ngày, mới có đuợc tin-tức từ cộng-đoàn sống rải rác, ở các nơi. Tìm cách hỗ-trợ hoặc gửi cho nhau ý-kiến, đôi lúc cũng chậm-chạp đến đau-lòng. Với tôi, nội mỗi chuyện gửi đến bà con đôi lời chào hỏi, nhắn nhủ hoặc liên-hệ với các giáo-hội ở Côrinthô, Galata hoặc Êphêsô cũng phải mất rất nhiều thời-gian hoặc năm tháng, có khi chẳng bao giờ đạt tới nữa. Nhiều lúc, tôi cứ phải rong-ruổi-đường-trường từ nơi này đi nơi khác, thật không dễ.

Đôi lúc, tôi cũng thoát được cảnh chìm tàu, cướp cạn và tù tội, có khi chỉ vì muốn gửi một thư tay hoặc sử-dụng kỹ-thuật nào khác, để liên-lạc với các cộng-đoàn, hầu khích-lệ họ hoặc đề-xuất đưa cho họ đôi ý-kiến phản-hồi mà họ từng hỏi mỗi khi cần, nếu không thì cứ phải dài cổ ra mà chờ thư hồi-đáp. Nay thì, các bạn có thể thăm hỏi nhau bằng điện-thoại hoặc chỉ lướt trên mạng-lưới-toàn-cầu, là xong.

Quả là, thế-giới các bạn sống rất là tuyệt vời. Tôi đây, chẳng thấy mình có thể giúp được gì cho ai, khi nhận ra là: những người cùng đi một chuyến xe buýt hoặc tàu lửa, chừng như không ai nói chuyện với ai, vì mọi người cứ mải đeo ống nghe hoặc đang bận rộn với mấy cái “iPads”, “iPods” và “tablets” nối-kết họ với toàn thế-giới. Các bạn có nghĩ rằng: đó là điều dị-kỳ khi mọi người có thể nối-kết với nhau bằng nhiều cách, nhưng lại không thể liên-kết phối-hợp với người đang ở trước mặt mình, không chứ? Các bạn đừng quá âu-lo, vì khi xưa chúng tôi cũng có biệt tài trong chuyện “phớt lờ” nhau, đặc biệt là những người không cùng giai-cấp, không nói cùng một thứ tiếng hoặc không cùng một nghề với nhau.

Một trong những sự-kiện đánh động tôi nhất về thế-giới của các bạn, là: mỗi người đều có quyền bầu/bán và có tiếng nói để mọi chuyện được trở-thành đạo-luật cho mọi người. Có người còn nói với tôi, là: ngay cả khi các bạn không đi bầu, lại cũng bị phạt vạ, mất tiền toi. Thế giới hồi tôi sống với đế-quốc La Mã, rất nhiều người từng là nô-lệ; và phần đông những người được trả tự-do lại ít có được quyền ăn quyền nói nếu họ sống ở thị-thành.

Cộng-đoàn Hội thánh của chúng tôi, khi xưa vẫn quí-trọng thành-viên mình bởi: tất cả đều là thành-phần cộng-đoàn, trong đó họ có thể chung sống với nhau, dù là nô-lệ hoặc tự-do, dù nam hay nữ, Do-thái hay Hy-Lạp, cũng vẫn được. Chúng tôi vẫn hiệp-thông đoàn-kết với nhau trong lòng tin; mỗi người đều có phẩm-cách rất đáng quí vì tất cả đều là con cái Chúa và chúng tôi đối xứ với nhau như người anh em, chị em hoặc út ít của Đức Chúa.

Có lần, tôi để mắt quan-sát xem ngôn-ngữ các bạn sử-dụng trong Hội-thánh và tôi rất đỗi ngạc-nhiên khi thấy phần lớn ngôn-từ mà tôi sử-dụng hồi thời tôi sống để diễn-tả sự khác-biệt mà Đức Giêsu muốn lập, tức các từ-ngữ như: ơn cứu-chuộc, cứu-rỗi, hoá-giải đều là ngôn-từ mà hiện giờ các bạn vẫn đang sử-dụng, không gì khác. Trong khi tôi được tâng-bốc lên chín tầng mây, điều đó lại làm tôi thấy mình hơi dị kỳ. Tất cả các ngôn-từ này là thành-phần thế-giới của chúng ta, nhưng tôi không chắc lắm là: chúng có ý-nghĩa gì đối với mọi người hôm nay.

Một số từ-ngữ vẫn còn tạo nghĩa, như: thương yêu, tình bạn và gia đình, và còn nhiều nữa chắc tôi phải xem lại cho kỹ mới nhận ra được. Tôi nhận chân rằng: tình bạn có giá-trị đích-thực đối với các bạn; và đó là chốn miền lớn-lao để ta khởi sự mọi đối-thoại. Cuối cùng thì, tất cả cũng chỉ là tương-quan ta cần có. Và, tôi cũng rất vui khi thấy rằng; các tương-quan mật-thiết như thế cũng rất cần đối với các bạn. Có thể, chúng ta cũng nên ngồi lại mà chuyện trò đôi chút để coi xem đâu là ngôn-từ đẹp nhất ta có thể sử-dụng vào ngày hôm nay. Có lẽ, các bạn cũng phải hướng-dẫn tôi một đôi chút, vì các bạn hiểu biết rất nhiều về thế-giới của các bạn.

Thôi thì, tôi nghĩ Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã và đang làm công việc tuyệt vời, bởi ngài thực sự có được những gì mà chúng ta cần có để sống triệt-để hơn, hầu tìm ra được đường-lối mới đầy sáng-tạo quyết đem thông-điệp của Phúc Âm đến với thế-giới hôm nay. Vào thời tôi, tôi cũng phải làm như thế. Và, nay thì các bạn cũng nên làm thế cho thế-giới của các bạn nữa.

Tôi cầu chúc cho các bạn mọi sự tốt đẹp. Và tôi chắc-chắn một điều, là: Chúa Thánh Thần cũng đã và đang dẫn-dắt các bạn. Và với một chút tính-cách chân-phương, sáng-tạo và gan dạ, các bạn cũng sẽ làm được việc, rất tốt. Hội thánh đang cần đến các bạn, đấy.

Người bạn thân của các bạn,
Phaolô (tự Saolô) từ Tarsus, Thổ Nhĩ Kỳ                                               
(xem thêm Chris Monaghan, CP: Paul’s letter to the Young Australians, Majellan Familly April-June 2014, tr. 18-21)

            Nghe đấng bậc bảo thế, hẳn bạn trẻ cũng như tôi và mọi người, sẽ thấy phấn-chấn/rung động nhiều. Nghe bảo thế, giới trẻ nào có tâm-hồn nghệ-sĩ lại sẽ hát tiếp những ca-từ còn đó, hát dở dang như sau:

            “Từ lúc vắng em nên anh thường buồn,
Hay lang thang ngoài đường nhỏ không tên.
Hay ghi câu nhạc tình héo hắt,
Với tâm-tư sầu đau, kể từ ngày xa cách nhau.”
(Huỳnh Anh – bđd)

“Từ lúc vắng Em, nên thường buồn!”. Đúng. Ở đời thường, nhiều trường-hợp bạn bè, người thân chỉ cần vắng nhau đôi phút, cũng đã buồn. Buồn hơn cả, là tình-huống rất vắng không chỉ xác thân, nhưng cả tinh-thần và tình thương nữa. Thứ tình để thương, chẳng cần biết người-mình-thương có là bạn bè/thân thuộc của mình hay không. Chỉ cần biết, nếu vắng nhau chỉ vài phút giây thôi, cũng đã thấy vắng nhiều.
Tâm-tư sầu đau”, “từ ngày xa cách nhau”, có là tình-tự của giới trẻ hiện đang sống với thế-giới đổi thay đến chóng mặt, không? Hoặc, tâm-tư đó có là phản-ứng của giới-trẻ ở trường lớp/cuộc đời theo cách khác chăng? Những cách-thức rất thực, mà kinh-nghiệm của người trẻ ở đời thường, có là lập-trường sống rất tự-do hay không?
Trong đời thường, cũng có những người trẻ quyết sống theo kiểu riêng của mình, bằng lập-trường khác biệt. Họ, là những người còn trẻ gặp rất nhiều ở những “đường nhỏ không tên” bên Úc, cũng có nhận-định về thế-giới/cuộc đời của riêng mình.
Vừa qua, có nhà báo nọ ở Úc từng mon men tiếp-cận với giới-trẻ ở Úc quyết thực hiện cuộc phỏng-vấn bỏ túi với câu hỏi nhỏ: vấn-đề nào của thế-giới khiến bạn bận tâm hơn cả? Câu hỏi này gửi đến các học-sinh ở Melbourne, Úc liền được phúc-đáp như sau:

-Maeve, 17 tuổi thuộc Trung học Kew, Melbourne: “Với giới trẻ hôm nay, điều gì khiến họ say-mê nhất? -Ở Úc này, đó là vấn-đề kỳ-thị chủng-tộc. Bởi, mọi người ở đây không được đối xử ngang bằng đồng-đều, như phải lẽ; dù nước Úc tự-hào là nước chủ-trương đa văn-hoá.”

-Fraser, 14 tuổi thuộc Trung-học Xavier ở Melbourne: “Ở Úc này, đâu là vấn-đề xã-hội làm nhiều người ưu-tư nhất? -Cũng vẫn là kỳ-thị màu da, phụ-nữ mất giá và hà-hiếp kẻ yếu”.

-Adrien, 17 tuổi thuộc Trung học Genazzano FCJ: “Nếu em có 3 điều ước với Bà Tiên nào đó, thì điều ấy gồm những gì? –Làm sạch tình-trạng trì-trệ kinh-tế, thứ hai là: bãi bỏ tình-trạng nghèo đói và cuối cùng là: đi mọi nơi và mọi lúc, như các anh-hùng-ca khi xưa còn diễn-tả”.   

-Eleanor, 13 tuổi Nữ Trung-học Melbourne: “Nếu em cũng có 3 điều ước, thì em mớ ước chuyện gì? –Theo em là: Xoá sạch nạn nghèo đói trên thế-giới, chấm-dứt chiến-tranh ở các nơi, và cuối cùng…làm cho mọi người được hạnh-phúc”. (Xem thêm Australian Catholics Spring 2011, tr. 6)      

Phúc-đáp của học-sinh ghi ở trên, dĩ nhiên không nói hết vấn-đề gai góc ta đặt ra. Nhưng, cũng phần nào nói lên thực-chất sự việc ở đời, với người trẻ, thật không đến nỗi tệ, như ta tưởng. 
Để minh-hoạ cho vấn-đề bà con mình vừa đặt ra, tưởng cũng nên kể thêm đôi ba giòng về trường-hợp thực-tế cuộc đời, ở đâu đó, cũng có nhiều vị còn trẻ hay tuổi đã cứng/mềm về nhân-sinh cuộc đời có những cung-cách xử-thế với nhau, dù gần gũi nhau qua không-gian hoặc máu-mủ/ruột thịt, như sau:  

Một thanh niên học-hành rất xuất-sắc đến xin được tuyển vào một chức vụ quản lý ở một công ty lớn. Anh qua được vòng phỏng vấn thứ nhất và đến vòng 2, vị giám-đốc công-ty sẽ phỏng-vấn riêng anh và chính ông sẽ là người quyết định.

Qua lý lịch của người thanh niên, vị giám đốc biết được thành tích học tập ưu tú  của anh ta, từ bậc trung học đến sau đại học, chưa từng có một năm nào kết quả không đạt xuất sắc.
Người giám đốc hỏi:
-Khi đi học ở trường, cậu  có được học bổng nào không?
Cậu thanh niên trả lời  không  
Ông ta hỏi tiếp:
-Vậy là cha của cậu trả  học phí cho cậu phải không?”
Cậu ta đáp: 
-Cha tôi mất năm tôi mới  lên một; chính mẹ tôi là người trang trải tiền học cho tôi.
-Mẹ cậu làm việc ở đâu?
-Mẹ tôi làm nghề giặt quần áo.

Ông ta bảo cậu cho ông xem tay của cậu. Chàng thanh niên đưa ra 2 bàn tay trắng trẻo mịn màng.
 Người giám đốc lại hỏi:
-Cậu có bao giờ giúp mẹ giặt quần áo không?
Cậu ta trả lời:
-Không thưa ông, Mẹ tôi chỉ muốn tôi đọc nhiều sách và lo học. Với lại mẹ tôi có thể giặt đồ nhanh hơn tôi
-Tôi có một yêu cầu. Hôm nay cậu  đi về gặp mẹ và rửa tay cho bà, sáng mai quay lại đây gặp tôi.
Người thanh niên thấy có nhiều khả năng được tuyển dụng nên về đến nhà cậu vui vẻ bảo mẹ để cậu rửa tay cho bà. Bà mẹ tuy thấy đề nghị của con rất lạ kỳ nhưng  bà  cảm động và hạnh phúc để cho con trai rửa tay cho mình. 

Trong khi cậu chậm rãi rửa hai bàn tay của mẹ, nước mắt cậu tuôn ra. Đó là lần đầu tiên trong đời cậu nhận thấy đôi bàn tay của mẹ đầy những vết nhăn, vết sẹo thâm đen. Một số chỗ bầm tím mới khiến bà đau và rùng mình khi  cậu rửa tay của bà trong nước.

Đó cũng chính là lần đầu trong đời cậu nhận ra chính đôi tay của người mẹ đã giặt biết bao nhiêu là đống quần áo để có tiền đóng học phí cho mình. Những vết sẹo, chỗ bầm trên  hai bàn tay mẹ, những nỗi nhọc nhằn, vất vả là cái giá mẹ phải trả cho cậu được học hành xuất sắc, tốt nghiệp  ra trường và cả tương lai của cậu.

Sau khi rửa tay cho mẹ, cậu lặng lẽ giặt hết đống quần áo còn lại.
Đêm đó hai mẹ con nói chuyện rất lâu.
Sáng hôm sau, cậu thanh niên trở lại văn phòng của vị giám đốc.

Người giám đốc thấy đôi mắt rướm lệ của cậu đã hỏi:
-Cậu  nói xem ngày hôm qua ở nhà cậu đã làm gì và học được điều gì?
Cậu trả lời:
-Tôi đã rửa tay cho mẹ và đã giặt nốt số quần áo còn lại
-Hãy cho tôi biết  cảm tưởng của cậu
-Một là, bây giờ tôi đã hiểu thế nào là biết ơn. Nếu không có mẹ, tôi dã không được học hành như hôm nay. Hai là, nhờ cùng làm việc giúp mẹ, đến bây giờ tôi mới biết làm được một việc gì đều gian khó, vất vả. Ba là tôi đã nhận biết giá trị và tầm quan trọng của quan hệ  trong gia đình, với người thân.

Người giám đốc nói:
-Đó là những điều mà tôi muốn người quản lý của tôi phải có. Tôi muốn tuyển dụng một người biết ơn người khác giúp đỡ, một người  thấu hiểu những chịu đựng hy sinh của người khác để hoàn thành công việc, và một người sẽ không xem tiền là mục tiêu duy nhất trong đời. Cậu đã trúng tuyển vào chức vụ này.”

Và ý-kiến của người kể, sẽ như sau:

“Sau này, chàng thanh niên làm việc rất miệt mài và được cấp dưới kính trọng. Nhân viên của cậu cũng làm việc cần mẫn và là một nhóm đoàn kết tốt. Công việc kinh doanh của công ty tiến triển rất tốt.

Một đứa trẻ quen được che chở và nhận được mọi thứ nó muốn, sẽ phát triển tính cách “muốn là được”, sẽ thành đứa trẻ ích kỷ xem mình là số 1, và không đếm xỉa gì đến nỗ lực của cha mẹ.

Khi lớn lên đi làm việc, người này sẽ cho rằng ai cũng phải nghe theo lời mình. Khi thành quản lý, anh ta sẽ chẳng bao giờ biết được những cố gắng, vất vả của nhân viên và sẽ luôn đổ lỗi cho người khác. Với loại người này, họ có thể học giỏi, có thể một thời thành đạt, nhưng cuối cùng vẫn không thấy hài lòng, thỏa mãn. Họ sẽ càu nhàu, trong lòng luôn bực bội, tức tối và lao vào chiến đấu tranh giành để có nhiều hơn. Nếu chúng ta là những bố mẹ luôn bao bọc con mình, liệu chúng ta có đang thực sự thể hiện yêu thương con đúng cách, hay là ta đang làm hại con cái?

Bạn có thể cho con cái sống trong một ngôi nhà to, ăn ngon, học đàn piano, xem TV màn hình rộng. Nhưng khi bạn cắt cỏ, hãy để cho chúng cùng làm và trải nghiệm. Sau bữa ăn, cứ để chúng rửa bát với nhau. Làm như vậy không phải vì bạn không có tiền thuê người giúp việc, mà là vì bạn yêu thương con cái một cách đúng đắn. Bạn muốn chúng hiểu rằng dù cha mẹ có giàu đến đâu, một ngày kia cha mẹ cũng yếu già như mẹ của cậu thanh niên trong câu chuyện kể trên.

Điều quan trọng nhất là con cái của bạn học biết ơn, biết trân trọng những nỗ lực và có thể trải nghiệm những khó khăn và học được kỹ năng hợp tác với người khác để hoàn thành công việc. Con cái cũng phải biết trân quý, biết ơn những gì cha mẹ đã làm và yêu cha mẹ.” (Huỳnh Huệ dịch từ truyện nước người)

Phản-ứng trước lối sống của thế-giới hôm nay, cũng còn tùy. Tùy người, tùy trường-hợp tư-riêng của gia-đình hoặc bản thân mình. Tùy nhiều nhất, là tùy tự-do chọn-lựa của mỗi người. Tự-do theo nghĩa rộng/hẹp hay chính-xác của triết-lý, cũng đều thế. Tuy nhiên, tùy gì thì tùy, vẫn nên nhớ đến bài học ở trên và nhất là lời dặn-dò của đấng thánh đích-thực Phaolô tông-đồ khi xưa từng ghi thư, như sau:

Nhưng hãy coi chừng kẻo sự tự do của anh chị em
nên dịp cho những người yếu đuối  a ngã.”
(1 Cor 8: 9) 

Nghe dặn thế rồi, giờ thì bạn và tôi, ta cũng sẽ ra đi mà thực hiện những điều được dặn dò gửi gắm hôm nay hoặc khi trước. Và, trong tư-thế tự-do như thế, ta cũng cố gắng liên-hệ, trò chuyện, kết thân bạn bè, nâng-đỡ những người gần cận với ta trong gia-đình, chòm xóm, sở làm và những người ta thường gặp, để rồi sẽ hiên ngang đầu cao mắt sáng hát lại ca-từ tuy hơi buồn, nhưng lại mang ý-nghĩa của một quyết-tâm, như sau:

“Thuở ấy có em, anh chưa từng sầu.
Chưa đi âm thầm ngoài phố đêm thâu.
Chưa mang hoang lạnh ngoài bến vắng,
Hỡi Em! Em về đâu, cho đời mình luôn nhớ nhau?”
(Huỳnh Anh – bđd)

Luôn nhớ nhau, và nhớ mãi những tình-tự yêu-thương của nhau, nhiều mãi mãi.

Trần Ngọc Mười Hai
Lại cũng nhớ lời dặn dò
Của em, của anh
Của mọi người đồng-hành với mình
Trong cuộc đời.

   

No comments: