Monday, 26 November 2007

CÓ PHẢI LÀ ANH NGOÀI LUỒNG

( Mt 28, 19 )

Mỗi lần nói đến hoạt động của những người anh em bên đạo Hồi, chừng như ta vẫn cho rằng họ thuộc thành phần cực đoan, giữ đạo và hành đạo đến độ cuồng tín. Chẳng lý gì đến người khác. Đạo khác. Vừa qua, trên trang báo dành cho giới trẻ đi Đạo ở Úc, có mục hỏi đáp gửi đến người anh em trong Đạo có tên là Gio-an về các hành động vẫn bị mang tiếng là “cực đoan” của một số người anh em ngoài luồng, thuộc giáo phái đạo Hồi. Xin ghi lại ở đây câu trả lời của một Linh Mục Công Giáo ở Úc, như sau (xin giữ kín tên tác giả như đã yêu cầu):

Anh Gio-an thân mến,

Đọc thư anh hỏi về các hành động “đầy bạo lực” của một số người anh em theo đạo Hồi, tôi cũng đoán ra được mức độ giận dữ của anh khi hay tin vụ đánh bom tự sát xảy ra ở khắp nơi. Quả thật, đây là một trong các hành vi đang gây căm phẫn không ít, không những đối với gia đình những người đã chết hoặc thương vong thôi, mà còn mang đến cho bạn bè, người thân đang sống tại những vùng có bom nổ những tình tự bất ưng, nữa.

Như anh có nói, nhiều người đổ trách nhiệm ấy cho các người anh em Hồi Giáo lâu nay vẫn bị mang tiếng là “cực đoan” về những hành động tương tự. Và, trong thư anh cũng nói đến chuyện này. Anh còn nhấn mạnh là anh không biết nhiều về những người theo đạo Hồi và muốn tìm hiểu xem đạo của các anh em này có tin vào điều gì an bình và tốt đẹp hay không. Để trả lời, tôi xin tóm tắt vài điểm chính yếu về đạo Hồi. Hy vọng là câu trả lời ngắn và gọn dưới đây chỉ mong làm sáng tỏ sự khác biệt giữa giáo lý căn bản của đạo Hồi và quan điểm của những người lâu nay muốn dùng Hồi Giáo để biện minh cho các hành động mà họ đang làm, thôi. Tuyệt nhiên, đây không phải là bài tham luận có tính cách nghiên cứu gì cả.

“Hồi Giáo” xuất xứ từ tiếng Ả Rập có nghĩa là “Quy phục”, tức trạng thái đặt mình theo ý định của Thiên Chúa. Người theo đạo Hồi là người chấp nhận việc “quy phục” và tìm cách sống cuộc đời theo thánh ý của Thiên Chúa.

Đành rằng, nhiều tôn giáo, trong đó có Thiên Chúa Giáo, vẫn dạy con người sống phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa. Nhưng, điều làm cho đạo Hồi khác với Đạo Chúa, là: người theo đạo này tin rằng thánh ý của Thiên Chúa được bộc lộ qua vị ngôn sứ của họ là Đức Mohammed, vị thánh từng sống ở Trung Đông cách nay 14 thế kỷ.

Đức Mohammed sinh trưởng tại Ả Rập, ở thành phố nay là thánh địa Mecca. Khi ông 40 tuổi, ông nhận được ơn lạ mà ông gọi là Mặc khải từ Thiên Chúa, Đấng cho ông thấy chân lý tỏ tường để ông truyền dạy cho tín đồ mình. Chi tiết về Mặc khải này được ghi lại thành kinh Koran, tức Sách Thánh của Hồi Giáo.

Theo nguyên ngữ Ả Rập, người theo đạo Hồi gọi Chúa của họ là Đức Allah. Sách Koran dạy rằng Đức Allah là Đấng toàn năng, toàn thiện và có lòng xót thương. Đức Allah coi sóc thân phận và duyên kiếp của tất cả mọi người trên thế giới. Sách còn dạy rằng: vào ngày tận thế, Đức Allah Rất Thánh sẽ đến thế gian phán xét con người. Ngài cho họ lên thiên đàng hoặc xuống hoả ngục còn tùy cách thức họ cư xử trong cuộc sống.

Trong chừng mực nào đó, có thể nói rằng: đạo Hồi dựa trên học thuyết của Do Thái Giáo và Thiên Chúa Giáo, vào lúc đầu. Đức Mohammed đã kể lại những chuyện được viết trong sách Thánh của đạo Do Thái trong đó có dạy: chính Thiên Chúa cứu vớt những người công chính và trừng phạt các kẻ đồi bại, tội lỗi.

Cũng vậy, kinh Koran qui chiếu về các nhân vật chính đã ghi trong Phúc Âm của Thiên Chúa Giáo, trong đó có Đức Giê-su, Mẹ Ma-ri-a, tức Mẹ của Chúa. Kinh Koran còn nhắc tên Đức Giê-su đến 25 lần và tôn kính Đức Giê-su như vị ngôn sứ do Thiên Chúa gửi đến. Kinh Koran cũng để ra nguyên một chương sách kể về vai trò của Đức Ma-ri-a mà Sách này đặt tên Đức Mẹ là “Maryam”. Kinh Koran cũng lấy tên của Mẹ làm đầu đề cho nhiều chương trong trong sách đó.

Khi Đức Mohammed nói về Mặc Khải mà ông lĩnh hội, ông lại quay sang phía đối lập. Có nhiều người tin vào thông điệp ông chuyển tải, nhưng cũng có người chẳng tin gì hết, vào những điều ông nói. Nhằm so vai sát cánh với phía đối lập, ông Mohammed quyết định rời Mecca, dẫn dắt các đồ đệ của mình tới Medina. Ở đây, ông hình thành ra đạo Hồi. Và như thế, hành trình về Medina được người theo đạo Hồi tưởng nhớ, dùng đó làm ngày khởi đầu cho niên lịch của đạo mình.

Tám năm sau, khi định cư ở Medina, giáo chủ Mohammed và các đồ đệ của ông lại trở về Mecca, kiểm soát toàn bộ thành phố này. Khi ấy, ông Mohammed đã trở thành quốc trưởng, ở đây.

Dưới thời ông Mohammed lãnh đạo, nhiều người dân ở Mecca đã theo đạo và nhiều bộ tộc trên toàn cõi đất nuớc Ả Rập cũng đã đi theo. Từ đó, đạo Hồi trở thành một thế lực tôn giáo và chính trị rất quan trọng, ở Ả Rập. Sau đó, còn lan rộng sang nơi khác, sau khi Giáo chủ Mohammed băng hà.

Niềm tin tưởng và cách hành đạo chính của đạo Hồi có thể tóm tắt vào 5 trụ cột dưới đây:

1. Bản tuyên xưng đức tin dùng làm nền tảng cho đạo Hồi trong đó mọi người đạo hữu đều tuyên xưng, là: không có Thượng đế nào khác ngoài Đức Allah và Mohammed là tôi tớ cũng như sứ giả của Thượng đế.

2. Việc cầu nguyện. Mỗi ngày, người theo đạo Hồi vẫn cầu nguyện tất cả 5 lần: vào lúc trời mọc, giữa trưa, xế chiều, lúc mặt trời lặn và buổi chiều tối. Người theo đạo Hồi có thể cầu nguyện ở bất cứ nơi nào trên địa cầu, miễn phải quay mặt về phía thánh địa Mecca. Đến ngày Thứ Sáu, mọi người phải cùng nhau đến cầu nguyện tại đền thờ Hồi Giáo.

3. Việc bố thí. Người theo đạo Hồi buộc phải chia sớt của cải cho người nghèo. Mọi người thường làm việc này theo hình thức đóng thuế mỗi năm.

4. Kiêng ăn, nhịn uống. Trong tháng chay tịnh Ramadan, người theo đạo Hồi phải kiêng ăn cữ uống trong suốt thời gian từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn.

5. Hành hương về với Mecca. Người theo đạo Hồi buộc phải hành hương về với thánh địa Mecca, ít nhất là một lần trong đời mình.

*

Không có điều khoản nào nói về về niềm tin và lối hành đạo khiến người theo đạo Hồi phải có thái độ hung hãn với người khác, tỉ như các đánh nổ bom tự sát hoặc khủng bố ở các nơi trên thế giới.

Thật ra, với kinh điển của đạo, Hồi Giáo lên án các hành động mang tính cách đầy bạo lực như thế và các nhà lãnh đạo Hồi Giáo ở các nơi trên thế giới (kể cả Anh và Úc) đều lên tiếng chống đối khủng bố. Đôi lúc, các nhóm khủng bố coi hành động của họ như một phần của cuộc thánh chiến chống lại những ai không cùng một niềm tin tưởng với họ. Và, họ coi việc đánh bom tự sát như cách thế minh định một phần của cuộc thánh chiến mà họ chủ trương. Tuy nhiên, các nhà kinh điển Hồi Giáo bác bỏ mọi cam kết như thế.

Các nhóm khủng bố biện luận rằng: hễ ai ôm bom tự sát cho chính nghĩa của Đạo Hồi, người ấy sẽ là thánh “tử vì đạo”, có nghĩa là họ chấp nhận chết cho niềm tin của mình trong cuộc thánh chiến này. Thật ra, giáo huấn đạo Hồi lên án việc đánh bom như thế và quy hành động ấy vào 2 tội trạng, sau đây:

1. Đạo Hồi ngăn cấm người ta tự sát

2. Đạo Hồi cấm không cho ai được giết hại kẻ vô tội.

Thành thử, người ôm bom tự sát đều mắc vào một trong hai tội trạng này. Hành động này không phải là hành vi tử vì đạo. Đúng hơn, đây là hành động tội ác nhân gấp đôi: tự giết mình và giết kẻ vô tội.

Tháng 7 năm 2005, quan điểm này được các nhà kinh điển Hồi Giáo bảo vệ tại nhiều nơi kể cả Mỹ và Canada. Các vị ấy đưa ra lời cam kết phản ứng lại vụ đánh bom ở nhiều nơi. Ở các nơi này, đã có luật chính thức chống bạo hành theo kiểu này.

Luật lệ ở đây, được trích dẫn từ kinh Koran và từ nhiều văn bản khác của Hồi Giáo. Các văn bản này đều có nói: Giết hại người khác nhắm vào thường dân vô tội là việc cấm đoán và những ai dùng bạo lực như thế không thể nào trở thành vị thánh “tử vì đạo” được. Trái lại, họ là “tội phạm”, mới đúng.

Có sự khác biệt lớn giữa giáo huấn đạo Hồi và việc bóp méo tinh thần của đạo này để biện minh cho các hành vi tội ác. Đạo Hồi chính mực phải được tôn kính. Bạo hành tội phạm nhất định phải bị lên án.

Về tôn kính đạo Hồi, tôi nghĩ ta nên kết luận bằng lời lẽ văn bản từ Công Đồng Vatican II. Tại Công Đồng, Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục Nghị Phụ đã tỏ lòng kính trọng những người anh em theo đạo Hồi, khi các ngài nói:

“Hội thánh rất kính trọng các anh em Hồi Giáo.” (trích tuyên ngôn về Hiệp thương giữa Giáo Hội và các đạo không phải là Ki-tô Giáo, câu 3.)

Điều đó có nghĩa là: không phải lúc nào người theo Đạo Chúa và đạo Hồi đều tỏ ra tôn kính lẫn nhau. Nhưng quả là có những thời kỳ hai đạo này vẫn cứ gây chiến với nhau. “Trong nhiều thế kỷ, đã có sự cãi vã, thù địch nổi lên giữa những người theo Đạo Chúa và đạo Hồi”. Tuy nhiên, dù lịch sử có rơi vào giai đoạn đáng buồn, Công đồng vẫn thúc giục mọi người hãy phấn đấu để hai bên thông cảm lẫn nhau và hiểu biết nhau hơn.

*

Cách nay 40 năm, tức vào năm 1965, Công đồng Vatican II đã nói đến điều này. Thông điệp của Công đồng vẫn còn tươi mát và cấp bách với thời đại, hơn bao giờ hết:

“Vì sự tốt đẹp cho mọi người, chúng ta hãy làm cho người theo đạo Chúa và anh em đạo Hồi hợp tác với nhau trong mọi việc hầu bảo vệ và cổ võ sự công bằng xã hội, giá trị đạo đức, tự do và bình an đến với hết mọi người.”

Đến đây, vấn đề cấp bách nên đặt thêm, là: chúng ta, những người tự cho là “trong luồng”, có thái độ cũng cực đoan và “ngoài luồng” không kém? Phải công nhận, là chúng ta cũng có thái độ rất cực đoan, ở đâu đó. Cực đoan trong tâm tưởng, hay qua ngôn ngữ, cử chỉ ngay cả với người trong Đạo của mình nữa.

Cho nên, đôi lúc cũng nên tự hỏi, xem mình có nhìn người khác, đạo khác thông thoáng và thích nghi hơn đối với chính đạo của mình, ở đây. Và bây giờ, hay không.

Trần Ngọc Mười Hai

chỉ muốn có giòng chảy suy tư nhân tháng Ramadan của đạo Hồi

No comments: