(Hc 1: 11-14)
Viết chuyện Phiếm Đạo-đời hôm nay, trước nhất là bần đệ viết cho bầu bạn. Những người bạn rất thân và cũng rất dễ thương. Tuy chưa một lần gặp mặt. Chưa gặp và cũng chưa từng nghe tên, biết tuổi. Nhưng, bần đạo vẫn nắm chắc rằng: mình sẽ rất thân. Và, rất thương. Thân thương, như đã được Thầy Chí Thánh khuyên nhủ: hãy đối xử với nhau cho có tình. Như người nhà.
Vì tình thân thương của người cùng nhà, nên hôm nay, bầu bạn hãy cùng bần đạo quyết tỏ bày những điều mình thuận thảo. Những gì mình còn bất ưng. Thuận thảo, như người anh người em cùng nhà. Và, dù có bất ưng, nhưng vẫn hy vọng đấy chỉ là chuyện “thản hoặc”. Rất “năm thì mười hoạ”, mà thôi. Duy, có điều chắc, anh em mình không gọi bất ưng ấy là bất đồng. Hoặc bất kính. Bởi, bất đồng hay bất kính, không có chỗ đứng trong nhà Đạo. Chí ít, là bất kính đối với bậc trưởng thượng, rất ở trên.
Vừa qua, ở
“Tại sao nhà thờ nhà thánh chúng ta cứ hay dùng các cụm từ như: “hãy kính sợ Chúa” rất nhiều lần khi cử hành nghi thức Phục vụ, hoài như thế? Thú thật với linh mục, là: mỗi khi nghe cụm từ này, người tôi nó cứ bủn rủn cả tay chân. Chỉ muốn ra khỏi nhà thờ, để hít thở một chút cho đỡ căng thẳng thần kinh. Tôi nghĩ, có lẽ ta cũng nên nghĩ chuyện sửa đổi lời lẽ trong các bản kinh phụng vụ sao cho thích hợp. Xin bỏ lỗi cho tôi, nếu có gì sỗ sàng, bất kính.
Ký tên: Jenny, một giáo dân nhỏ bé ở miền quê.”
Cô Jenny từ miền quê nước Úc mà còn dám viết thư hỏi han thắc mắc, kể cũng lạ. Có lẽ cô cũng quen với lề lối nói không cần thưa gửi. Cũng chẳng nể vì các đấng bậc vị vọng ở trên. Nên, khi nghe cô hỏi, có lẽ ta cũng thấy chói tai chăng? Chói hay không, cũng hãy nghe tiếp sau đây, câu giải đáp của đấng bậc vị vọng đã từng nghe tên (dù chưa biết mặt) trên tuần báo Công giáo
“Trước khi đi vào phần giải đáp chi tiết thắc mắc, phải nhận là khi nói đến chữ “kính sợ Chúa”, bao giờ ta cũng hàm ngụ hai ý từ: thứ nhất, là nỗi hãi sợ về một trừng phạt hoặc về những điều tai ác/xấu xa nào đó, đến từ thời trước. Thời mà, người dân đi Đạo vẫn có thói quen hay gọi là “nỗi sợ của người nô lệ” (tiếng Anh gọi là “servile fear” xuất xứ từ tiếng La-tinh servus, có nghĩa là nô lệ) được thông dụng để chỉ thái độ sợ sệt thông thường rất đáng sợ. Nhưng tuyệt nhiên, ý nghĩa này không được sử dụng để nói lên thái độ của người giáo dân khi cử hành nghi tiết phụng tự, mỗi khi muốn diễn tả trạng thái tôn kính và thuần phục quyền uy của Chúa”.
Mặt khác, người bình thường đôi khi cũng nói đến “nỗi sợ của người con” (tiếng Anh gọi là “filial fear”, rút từ tiếng La-tinh “filius”, tức con trai. Theo đó, cụm từ trên nghiêng nhiều về ý nghĩa “tôn kính”, chủ ý nhằm diễn tả nỗi lo sợ sẽ mắc phải điều gì gây xúc phạm đến người mình yêu mến. Áp dụng trong trường hợp con cái trong nhà tỏ bày tôn kính các bậc cha sinh mẹ đẻ. Chính với ý nghĩa này, mà mỗi lần bày tỏ sự tôn kính/phụng thờ, ta vẫn sử dụng ngôn từ cho đúng cách, để nói về lòng “kính sợ
Nhìn vào tương quan ta có với Chúa, như Ngài vẫn tỏ bày chính mình Ngài để giúp ta nhận biết Ngài, thì rõ ràng là: ta không sợ Chúa theo nghĩa ở đầu bài, tức nỗi sợ của kẻ bày tôi. Như có thể có nhiều người vẫn lầm tưởng. Mà, ý nghĩa là theo nghĩa của đoạn sau, tức “sợ” theo nghĩa “tôn kính”.
Trong Kinh thánh, cả ở Cựu Ước lẫn Tân Ước, Thiên Chúa đã tỏ bày chính mình Ngài như một người Cha, giàu lòng thương xót. Ngài là Đấng lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ. Là, Đức Chúa của sự hiền lành, tử tế đầy yêu thương. Đức Chúa yêu thương thế gian đến độ đã gửi Người Con Độc Nhất của Người mà đến ở với ta. Chết cho ta. Vì thế, ta không nên sợ hãi Chúa như những người tôi mọi, mà chỉ nên “sợ kính” Ngài như người cha yêu thương, ở trần thế.
Đằng khác, ta cũng không thể tiến đến trước mặt Thiên Chúa với sự suồng sã mà có người gọi là thân mật quá trớn; cũng chẳng nên đối xử với Ngài như người đồng vai, đồng lứa. Cũng không nên đòi hỏi quá sức nơi Ngài như thể Ngài có mặt ở đó chỉ để làm toại nguyện mọi ước ao thấp hèn/trần tục, hoặc có mặt để giải quyết các khó khăn ta gặp phải. Với lại, cũng chẳng nên bắt Ngài phải giải thích những điều Ngài làm mà ta không thích để cho Ngài làm.
Dù gì đi nữa, Ngài vẫn là Đức Chúa. Là, Đấng Tạo dựng nên ta và là Chúa tể của ta. Ngài là Đức Chúa với sự oai nghiêm lành thánh rất vô song. Cung cách Ngài xử sự tuyệt đối cao xa ở bên trên đường lối ta vẫn dùng. Xa thật xa, như bầu trời xa vời mặt đất.
Chính vì thế, mỗi lần đến với Ngài, ta vẫn đến với lòng kính cẩn, và kính sợ. Với cả sự khiêm nhu, tôn kính. Với lòng yêu thương đối với Đấng bậc vô cùng lớn lao hơn ta, rất nhiều.
Đây chính là ý nghĩa thứ hai của cụm từ “kính sợ Thiên Chúa”. Và, ý nghĩa này cũng phù hợp thoả đáng tựa như cụm từ dành cho con cái khi yêu mến, kính trọng và tuân thủ những điều mà người cha ruột ở dưới thế, muốn mình làm.
Chính theo ý nghĩa này, mà sách Huấn Ca có nói đến động từ “kính” và “sợ” ngay trong đoạn đầu của chương 1, như sau: “Kính sợ Đức Chúa đem lại vinh quang và tự hào, hân hoan và phấn khởi. Kính sợ Đức Chúa khiến tâm hồn sung sướng, cho con người được hoan hỷ mừng vui và an khang trường thọ. Ai kính sợ Đức Chúa sẽ thấy cuộc đời kết thúc tốt đẹp, ngày lâm chung họ sẽ được hưởng phúc lành. Bước đầu của khôn ngoan là kính sợ Đức Chúa, ngay từ lúc thành hình trong lòng mẹ, các tín hữu đã được ơn khôn ngoan.”
Tiếp theo đó, là các cụm từ nói về việc kính sợ Đức Chúa theo cung cách hoàn toàn khác hẳn. Chẳng hạn như: “sự khôn ngoan đầy tràn”, “chóp đỉnh của khôn ngoan”, “gốc rễ của sự khôn ngoan”. Quả là, phải có sự khôn ngoan trọn vẹn mới có được lòng kính trọng Thiên Chúa là Cha chúng ta.
Sách “Giáo lý Hội thánh Công giáo”, có trích dẫn một phát biểu của Đức Hồng Y John Newman về chuyện này, khi ngài nói:
“Phải chăng người Công giáo chúng ta cũng có những cảm xúc sợ sệt và tôn kính tương tự”… tôi nói thế, là có ý muốn bảo rằng không ai có thể bàn cãi cho ra lẽ được. Bởi, đây là loại xúc cảm ta cần có -vâng, cần có và phải có theo mức độ đậm nét- nếu như ta giáp mặt Thiên Chúa Toàn Năng, hiểu theo nghĩa đen trên thực tế, thì từ đó ta mới nói được rằng đấy là những xúc cảm ta sẽ có nếu ta hình dung được đúng in như thật một sự Hiện Diện Đích Thực của Ngài. Tương xứng với những gì ta tin là Ngài đích thực hiện diện, ta sẽ có được điều ấy. Và, không có được cảm xúc ấy, tức là không hình dung ra được, là không tin rằng Ngài thực sự có mặt giữa chúng ta.” (J.H.Newman, Các bài giảng dễ hiểu trong giáo xứ V, 2, 21-22; Giáo lý Hội thánh Công giáo, đoạn 2144).
Cuối cùng, thực sự mà nói: chính Thánh Thần Chúa là Đấng ban cho ta quà tặng mang số bẩy, tức “lòng kính sợ Thiên Chúa” rất đích đáng. Rất thật lòng. Và, có lẽ ta cũng nên xin Ngài gia tăng cảm xúc ấy nơi ta. Gia tăng, là bởi đó đích thực là một khởi đầu của sự khôn ngoan. Và, điều đó khiến cho tâm can ta trở nên vui thích.
Quả đúng như mọi lần. Cứ có thắc mắc là đấng bậc tên tuổi nhà mình, sẽ có giải đáp trơn tru, xuyên suốt, thôi.
Nhưng với lớp người trẻ tuổi hôm nay, tức những người thường có thói quen tôn kính cha ruột của mình, thì vẫn tôn và vẫn kính trong lòng mà thôi, chứ đâu có tỏ lộ ra ngoài niềm hãi sợ nào hết. Và, tốt nhất, nên hiểu trong nghĩa yêu thương mà
Chính trong tinh thần đó, cũng nên có một đề nghị nhỏ, là: ta kính sợ Ngài bằng tình, chứ không nên bằng lý. Như thế mới đúng và mới vui. Trở về với thực tế cuộc đời, nếu con cái của bần đạo ngày nào cũng đến thưa: con “kính sợ” bố lắm lắm, thì bần đạo ắt sẽ hiểu là chúng đang “kính” và “sợ” theo kiểu người Việt mình, là: “kính nhi viễn chi”. Tức, kính nhưng không muốn đến gần.
Nhớ truyện kinh thánh, Đức Giê-su khi xưa từng hỏi Phê-rô thánh nhân đến ba lần: “Si-mon Phê-rô, con có mến Thầy không?” Và, cả ba lần thánh nhân đều đáp lại: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ con yêu mến Thầy!”.
Và như thế, Chúa đã hài lòng với câu thưa, câu hỏi. Nói vụng trộm theo kiểu phiếm, nếu thánh nhân mà lại trả lời là: “Thưa Thầy, Thầy dư biết con Kính sợ Thầy rồi!”, thì chắc sẽ bị rầy la như mấy ông bố ở trần gian, khi thấy con mình cứ nói những lời như để “kính nhi viễn chi” rồi chạy dài, chạy xa cả với mình nữa. Thế, thì không xong.
Trần Ngọc Mười Hai
hôm nay phiếm chỉ để phiếm
chẳng dám có đề nghị
với đề xuất gì hết đâu.
No comments:
Post a Comment