Tuesday, 18 March 2008

“Và niềm tin đã dâng về Người, tôi hy vọng được ơn cứu rỗi”

(Ga 11: 25)

Thường ngày, bần đạo rất vui và rất thích mở báo điện Viet Tide ra để đọc các bài của tác giả Bùi Bảo Trúc có đề tựa “Thư Gửi Bạn Ta”, hoặc “Chữ Nghĩa chúng ta”,vv… Nói vui và thích, là vì tác giả họ Bùi là một nhà văn và nhà báo rất thông thạo chữ nghĩa, lại thích trích dẫn thơ văn, của người xưa.

Thông thường, thì các tác giả, khi viết bài, đều kết luận bài viết của mình bằng đường lối mà người xưa gọi là “happy ending” (tức: kết hậu). Riêng tác giả họ Bùi, thì bần đệ có nhận thấy: thi thoảng, ông lại kết bằng những cụm từ nghe rất chán, như: “Rõ thật chán!”, “Chán đến thế là cùng”, “Chán không thể chịu được”… mặc dù bài ông viết và kể vẫn rất vui và khá thích thú.

Ngẫm lại cuộc đời, ta phải công nhận rằng: 60 năm cuộc đời này có là bao, mà sao người đời thường dễ thấy chán. Chán nhiều hơn thích. Chán sống. Chán đời, hay chán ngán. Nói đi thì bảo rằng thích, nói lại thì kêu là chán, có phải tất cả đều là những tình tự xuất phát từ con người chăng?

Nhập-mục đề tài chuyện phiếm hôm nay, bần đệ kính mời bạn bè người thân, cùng nhau ta loanh quanh bàn chuyện lòng Đạo và lòng người. Mạn phiếm và mạn bàn, để xem lòng Đạo người nhà mình có “như lá úa trong cơn mưa chiều”, rất đáng chán không. Có nên “kết hậu” chuyện anh em mình bàn không? Hay, ta chỉ nên kết bằng cụm từ “đáng chán” như tác giả họ Bùi thường làm? Nhất là, mấy ngày qua, người nhà Đạo mình vừa trải qua giai đoạn “chán chết” rất sầu buồn, vì Đức Chúa cứ chịu cảnh “lòng người như lá úa”, lúc sinh thì.

Còn chuyện gì rất-đáng-nhưng-không-chán, như chuyện Thầy Chí Thánh hỏi ta qua chị Mác-ta:

“Chính Thầy là sự sống lại

và là sự sống.

Ai tin vào Thầy,

thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.

Ai sống và tin vào Thầy,

sẽ không bao giờ phải chết.

Chị có tin thế không?”

(Ga 11: 25)

Nói đến chuyện buồn và chán, thì chán nhất là chuyện chết. Ấy thế mà, Thầy Chí Thánh vẫn mặc lấy cho Ngài cả sự sống, lẫn sự chết. Thầy còn chết một cách tưởng-như-là thảm hại. Chết nhục nhã. Chết, theo cách nói của tác giả họ Bùi, “thật rõ chán”! Chán chết! Hoặc, chán đến chết. Thế nhưng, Thầy vẫn cứ chịu nỗi “chán chết”, và những sự “chán đến chết”, chỉ vì con người. Cam chịu nỗi chết và cảnh buồn chán như thế, vì “Thầy là sự sống lại và là sự sống”. Tin vào Thầy, ta sẽ không còn thấy sự chết, hoặc những sự “chán chết đi được”, nữa. Vì, Thầy vẫn bảo: “Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.” Sống như Thầy nói là sống vui. Sống không còn biết chán.

Nói các khác, người người thường hay nói “chán”, là chưa hoàn toàn tin cho đủ. Bởi, chưa tin nên mới thấy chán. Mới chán sống. Chán đời. Chán cả chuyện tin lẫn tưởng. Và, nhất là, chưa gặp niềm vui đi Đạo. Trong Đạo. Chính vì thế, Chúa thường giảng giải:

“Nếu tôi nói với các ông

về những chuyện dưới đất

mà các ông còn không tin,

thì giả như tôi nói với các ông

về những chuyện trên trời,

làm sao các ông tin được? "

(Ga 3: 12)

Ở đoạn khác, trong Tin Mừng theo thánh Gio-an, Chúa còn nhất mực quả quyết:

Vì nếu các ông tin ông Mô-sê,

thì hẳn các ông cũng tin tôi,

bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi.

Nhưng nếu điều ông ấy viết mà các ông không tin,

thì làm sao tin được lời tôi nói?"

(Ga 5: 46)

Xem như thế, có tin mới hết chán. Và, tin là tin ai. Tin vào lời của ai đó. Và, tin vì đã thấy và nghe được những quả quyết của Đức Chúa. Thế nhưng, có những điều người người đã thấy và biết, vẫn không tin. Vẫn cứ bảo: “rõ thật chán chuyện!” “Chán đến độ hết muốn tin!”. Hết muốn tin, hoặc đã hết tin, như ở đoạn khác, trong Tin Mừng:

“Chính tôi là bánh trường sinh.

Ai đến với tôi, không hề phải đói;

ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!

Nhưng tôi đã bảo các ông:

các ông đã thấy tôi mà không tin.”

(Ga 6: 35b-36)

Quả như Chúa nói, sở dĩ người Do Thái xưa -và những người rất thông thái hôm nay- vẫn thấy đói và khát, là vì họ không tin vào Đấng-Là-Bánh-Hằng-Sống. Vẫn cứ đói và khát sự vui mừng. Để, không còn biết nói chán, nữa. Những người như thế, bạn và tôi xưa nay vẫn từng nghe biết. Vẫn từng gặp, rất nhiều. Truyện dưới đây, là trường hợp cụ thể minh hoạ cho điều ta vừa đề cập ở trên. Rất đặc trưng như sau:

“Có một giáo sư đại học nọ thuộc giới vô thần, không tin có Trời - Phật gì hết. Nhưng, ông lại thích nói chuyện thần thông, sáng láng. Buổi dạy hôm ấy, vị Giáo sư vừa vào lớp dạy đã kể cho sinh viên nghe một câu chuyện khoa học, rất thường thức. Kể chuyện khoa học là để học tập, chứ không phải để thực nghiệm hay xét nghiệm gì hết. Các truyện mà vị Giáo sư này kể, thường là chuyện khoa học cũng thường thức như ta vẫn có với Đức Chúa, Đấng Thần Thông Sáng Láng. Giáo sư mào đầu câu chuyện xong, bèn chỉ vào người Sinh viên đi Đạo mới vừa nhập trường, và hỏi:

Giáo sư: Có phải là em theo Đạo Chúa, không?

Sinh viên: Dạ, đúng.

Giáo sư: Như thế, là em tin có Chúa, phải không?

Sinh viên: Dạ, đúng.

Giáo sư: Thế, Chúa có tốt lành không em?

Sinh viên: Dạ, thưa thầy dĩ nhiên là Chúa tốt rồi.

Giáo sư: Chúa quyền năng ghê gớm lắm phải không, em?

Sinh viên: Dạ, đúng thế.

Giáo sư: Vậy, thế tại sao thầy đây có người anh vừa chết vì bệnh ung thư. Ông cầu nguyện với Chúa của ỗng dữ lắm, mà cũng chẳng ăn thua gì. Em biết! Phần đông chúng ta đều giúp đỡ nhau khi thấy ai đau yếu, bệnh tật. Còn Chúa thì không. Như thế, Chúa có tốt lành gì đâu!

(Cả lớp học bỗng im lặng. Không ai nói điều gì.)

Giáo sư: Em không trả lời được, phải không? Để thầy hỏi lại nhé. Chúa có thật sự là tốt không?

Sinh viên: Có đấy, thầy.

Giáo sư: Thế, Xa-tan cũng tốt chứ?

Sinh viên: Không.

Giáo sư: Xa-tan từ đâu mà ra?

Sinh viên:Dạ, từ …Chúa…

Giáo sư: Đúng. Vậy, hãy nói cho thầy biết, ở thế giới này ác độc sự dữ có hiện hữu không?

Sinh viên: Dạ, thưa có.

Giáo sư: Như vậy là, độc ác/dữ tợn ở khắp nơi phải không? Và, Chúa làm nên mọi sự. Có đúng không?

Sinh viên: Dạ, đúng thế.

Giáo sư: Vậy, ai dựng nên độc ác/dữ tợn?

(Đám sinh viên không thấy nói gì thêm)

Giáo sư: Trên đời, thực sự có ốm đau, bệnh tật, phải không? Thế, có những chuyện gọi là vô luân, không? Có ghét ghen, chuyện xấu đủ mọi cỡ phải không? Tất cả những điều ghê khiếp ấy đều thấy có trên thế giới này, phải thế không?

Sinh viên: Dạ thưa, đúng thế.

Giáo sư: Nếu thế, ai là người dựng nên những thứ ấy?

(Không thấy có sinh viên nào trả lời câu hỏi này)

Giáo sư: Đây này, khoa học cho biết ta có tất cả là 5 giác quan có thể mang ra sử dụng để định hình và quan sát thế giới quanh ta. Vậy, em hãy nói cho thầy biết … em có thấy Chúa bao giờ chưa?

Sinh viên: Dạ, thưa chưa.

Giáo sư: Thế, em có nghe Chúa nói chuyện bao giờ không?

Sinh viên: Dạ, không.

Giáo sư: Có khi nào em sờ thấy Chúa, nếm được Chúa và ngửi mùi thơm của Chúa không? Có bao giờ em có cảm giác đại loại như thế về Chúa, không?

Sinh viên: Dạ, không. Chưa bao giờ em được như thế.

Giáo sư: Nhưng, em vẫn tin có Chúa chứ?

Sinh viên: Dạ, đúng thế.

Giáo sư: Theo qui ước, thì những gì đã thực nghiệm được, nếm được và chứng minh được, khoa học lâu nay vẫn bảo: CHÚA không có thật. Em thấy thế nào về nhận định này của khoa học?

Sinh viên: Dạ, không thấy gì hết. Chỉ tin, thôi.

Giáo sư: Đúng. Tin. Niềm tin. Chính đó mới là vấn đề mà khoa học đang gặp.

Sinh viên: Thưa Giáo sư, nóng có thật không?

Giáo sư: Có, chứ em.

Sinh viên: Thưa Giáo sư, có thứ gì gọi được là lạnh không?

Giáo sư: Có chứ.

Sinh viên: Không, thưa Giáo sư. Những thứ ấy, không có thật.

(Tới đây, giảng đường bỗng im phăng phắc, cả thầy lẫn trò không ai nói điều gì.)

Sinh viên: Thưa Giáo sư, ngôn ngữ chúng ta nói đến rất nhiều thứ nóng: có cả những cái rất nóng, siêu nóng, thiên nóng vạn nóng, nóng trung trinh, nóng chút đỉnh hoặc chẳng nóng gì hết. Nhưng lại chẳng có thứ gì gọi là lạnh, hết. Ta có thể đạt thấp xuống tới 485 độ âm. Như thế có nghĩa là: ở đó không có nóng, nhưng ta lại không thể đi sâu xuống độ lạnh hơn thế. Thật sự mà nói, chẳng có gì gọi là “lạnh” hết. Lạnh, chỉ là từ ngữ ta dùng để mô tả sự vắng mặt của cái gọi là “nóng”, thôi. Ta không thể đo lường được “lạnh”. Nóng, là năng lượng. Còn, thưa Giáo sư, “lạnh” lại đối nghịch với nóng. Nó chỉ là sự vắng bóng của nóng, mà thôi.

(Giảng đường bỗng lặng im như tờ.)

Sinh viên: Thưa Giáo sư, Giáo sư nói thế nào về tăm tối? Có tăm tối không?

Giáo sư: Có chứ. Thế, đêm là gì, nếu không phải là tối tăm.

Sinh viên: Thưa Giáo sư, Giáo sư lại sai nữa rồi. Tăm tối là sự vắng mặt của một thứ gì đó. Giáo sư có thể có sáng riu riu, sáng bình thường, sáng quắc, sáng nhấp nháy, vv.. Nhưng, nếu không thấy ánh sáng liên tục, Giáo sư sẽ không thấy gì hết và điều đó gọi là tăm tối. Thưa, có phải thế không ạ? Nhưng, trên thực tế, tăm tối không có thật. Bởi, nếu có, thì bản thân Giáo sư, Giáo sư có thể làm cho tăm tối trở nên tối tăm hơn, có phải không ạ?

Giáo sư: Vậy thì, quan điểm của em là ở chỗ nào, hỡi bạn sinh viên trẻ?

Sinh viên: Dạ thưa Giáo sư, quan điểm của em là thế này: Giáo sư đã triết lý và lập luận một cách sai bét.

Giáo sư: Sai bét ư? Em cứ giải thích, rồi ta xem.

Sinh viên: Dạ thưa Giáo sư. Cho đến giờ, Giáo sư lập luận theo kiểu lưỡng nguyên. Giáo sư cho rằng: đã có sự sống. Rồi, cũng có sự chết. Có Chúa tốt lành và có thần linh xấu. Giáo sư có trong đầu cái quan niệm cho rằng Đức Chúa là cái gì hữu hạn. Là, những gì ta có thể đo lường. Em xin thưa với Giáo sư, là: khoa học không thể nào giải thích được, dù chỉ là tư tưởng. Nó sử dụng điện năng và từ trường, nhưng chẳng bao giờ nhìn thấy được những thứ ấy. Và, cũng chẳng tài nào hiểu được một trong hai thứ. Nếu nghĩ cái chết là thứ gì đối nghịch lại sự sống, tức là mình đã u mê không rõ được sự thể là: cái chết không hiện hữu như sự vật hiện hình. Chết, không phải là cái gì đối nghịch lại sự sống: mà chỉ là vắng bóng sự sống, thôi. Đến đây, em xin phép được hỏi Giáo sư một câu: có phải Giáo sư từng dạy cho các sinh viên học trò của Giáo sư biết, là: họ tiến hóa từ con khỉ, có phải thế không?

Giáo sư: Nếu em muốn nói đến cuộc tiến hóa tự nhiên, thì đương nhiên là như thế. Đúng là, thầy đã từng nói với các Sinh viên của thầy như thế.

Sinh viên: Dạ thưa Giáo sư, có bao giờ Giáo sư quan sát sự tiến hóa của con người bằng chính con mắt của Giáo sư không?

(Giáo sư lắc đầu kèm theo một nụ cười mỉm, khá ái ngại. Không biết tranh luận sẽ đi về đâu.)

Sinh viên: Bởi lẽ, chưa có ai chứng kiến tận mắt công cuộc tiến hóa ngay tại chỗ. Và cũng chẳng có ai dám quyết đoán tiến hoá này là sự tăng trưởng vẫn còn đang diễn tiến. Nên, không biết là Giáo sư có dạy cho các sinh viên biết lập trường của mình không, thưa Giáo sư? Có đúng, Giáo sư không phải là nhà khoa học, mà chỉ là Giáo sư giảng dạy thôi, phải không?

(Đến đây, cả giảng đường bỗng có tiếng xầm xì.)

Sinh viên: Xin hỏi, có ai trong giảng đường này từng được thấy tận mắt bộ óc nhũn nhẽo của Giáo sư thầy mình không?

(Giảng đường bỗng phá lên cười ầm.)

Sinh viên: Ai trong chúng ta từng được nghe bộ óc của ông thầy mình, từng sờ thấy, từng có cảm giác hoặc ngửi thấy óc nhũn nhẽo của Giáo sư thầy mình, không? Xem ra, chưa từng có ai làm được như thế, phải không nào. Vậy thì, theo qui luật về những gì đã thực nghiệm được, những gì khá vững chắc, và có thể chứng minh được, khoa học vẫn bảo rằng: thưa Giáo sư yêu dấu, Giáo sư thật ra không có óc, gì hết. Với tất cả lòng tôn kính sẵn mà các sinh viên học trò đây dành cho thầy mình, thì thưa Giáo sư, làm sao tụi em có thể tin vào những điều Giáo sư đang dạy, được?

(Giảng đường lại im lặng. Giáo sư giáo nhìn trừng trừng vào người sinh viên vừa phát biểu. Mặt ông gồng cứng, thất thần.)

Giáo sư: Thì, thầy thiết nghĩ, em cứ việc đem tất cả những thứ ấy mà đưa vào lòng tin của mình mà thôi, hỡi người bạn trẻ.

Sinh viên: Đúng là như thế, thưa Giáo sư… Và, sợi giây liên kết giữa người với Chúa, với Trời là NIỀM TIN, mà thôi. Chỉ có NIỀM TIN mới tồn tại làm cho mọi sự/mọi việc cứ thế mà chuyển động. Cứ thế mà có thật, thôi.

Truyện kể ở trên vẫn nhẹ nhàng. Chỉ có thế. Nhè nhẹ và làng nhàng, như bất cứ chuyện phiếm những kể lể. Tức, chỉ làng nhàng, kể lại để nghe cho vui. Chứ tuyệt nhiên không có ý muốn thuyết phục ai. Và, cũng chẳng có ý giảng và thuyết như một bài chia sẻ, ở nhà thờ. Giảng về niềm tin. Thuyết về niềm riêng. Có thương và có yêu. Nói cho cùng, mỗi lần phiếm, bạn và tôi không kỳ vọng coi đó như bài giảng, để thuyết phục người đọc. Chí ít, là như bài dạy của vị giáo sư trong truyện.

Phiếm loanh quanh nhè nhẹ, chỉ để mua vui với bầu bạn một đôi phút. Những mong bầu bạn sẽ cùng bần đệ, ta cứ tiếp tục phiếm nhẹ như thế, trong mai ngày. Rất cầu và cũng rất mong.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn cứ cầu mong

được phiếm nhẹ với bầu bạn

ở khắp nơi.

No comments: