Sunday 16 January 2011

“Lìa nhau, cho tim bốc cháy”

thù sâu lan khắp, lan khắp địa cầu

Lìa nhau, cho nhau giá buốt,

tình thương chôn dưới, chôn dưới hận sầu.”

(Nguyễn Đức Quang – Lìa nhau)

(Lc 21: 25-36)

Chắc một điều, là: khi nghe những lời ca tương tự, hẳn bạn và tôi, ta cũng sẽ phát biểu ít là đôi ba tiếng, rất ngán ngẫm. Bởi, một khi “thù sâu, (đã) lan khắp địa cầu” rồi, thì ta cũng lại đoan chắc một điều khác nữa, đó là: “tình thương (sẽ) chôn dưới hận sầu.”

Người đời sống rất thực. Dù, chưa hẳn là ai cũng nắm bắt sự thực, ở đời. Về đời người. Và người đời. Sự thực ở đời, vẫn là những điều luôn nhắn mọi người:

“Lìa nhau, mây đen lớp lớp,

về đây che khuất, che khuất mẹ hiền

Mẹ buồn, nhìn đời khốn khó,

đàn con, gieo thêm lắm, thêm lắm ưu phiền.

(Nguyễn Đức Quang – bđd)

Quả có thế! Sở dĩ, người đời vẫn cứ “lìa nhau”, chắc vì họ thấy rất rõ nhiều sự thực. Và, cũng biết rạch ròi về cuộc sống của người đời. Và, tình đời. Biết rằng, có thứ tình rất dễ “lìa nhau” và xa nhau rất “hai năm rõ mười”. Là tình “bồng bềnh”. Mộng tưởng. Đời chẳng ra đời. Đạo chẳng là Đạo. Cứ hờn căm. Thù hận. Rất “lìa nhau”. Người ở vị thế khác lạ, chẳng thể nào tiên đoán rồi ra đời mình sẽ ra sao. Đành ngao ngán. Thúc thủ.

Vào những lúc buồn chán/thúc thủ, có người lại nhớ đến lời ca của nghệ sĩ ở trên, nên đã hát:

“Lìa nhau, đem theo đói khát nhục nhằn,

Lìa nhau, cho giấc dài trở trăn.

Lìa nhau, cho gian nan,

Lìa nhau, cho bẽ bàng.

Lìa nhau, cho gian dối lan tràn,

(Nguyễn Đức Quang – bđd)

Hôm nay đây, vào lúc thấy mình ưu tư/buồn chán đến như thế, có người trẻ cũng đã hơn một lần như anh thanh niên nào đó, từng hỏi Chúa: “Lạy Thầy, làm thế nào để con được sống đời đời?” (Mt 19: 16)

Nghe hỏi, hẳn có bạn lại nghĩ đến câu hát rất “lìa nhau” được chọn làm mào đầu câu chuyện, tựa miếng trầu của người xưa: “miếng trầu là đầu câu chuyện”, để rồi ta đi ngay vào vấn nạn khác, khá ưu tư. Trăn trở. Vấn nạn, là những vấn cật về nạn khủng bố ở khắp nơi, nhân danh tôn giáo. Tức, dựa vào danh nghĩa tôn giáo, như tay trùm Osama Bin Laden truyên bố ngay sau ngày 11 tháng 9, ở New York: “Khủng bố là điều phải lẽ, đối với đạo của Allah.” “Phải lẽ” đây, cốt ý bảo rằng: hãy làm thế, nếu bạn tin nơi đạo của Allah, Đấng thánh hiền (?”).

Với người Hồi giáo nói chung, đây là điều bỉ ổi. Đáng xấu hổ. Nhưng có người lại cứ lật ngược câu nói mà hỏi: nếu vậy, ta lấy gì làm nền cho cuộc sống đạo đức của loài người? Chí ít, là những người theo chân Đức Môhamét, mà thờ Allah? Vậy, đâu là nhãn quan của các ngài?

Với nghệ sĩ du ca từng có lời ca tiếng hát ở trên, thì đây là lời đáp trả:

“Lìa nhau cho nhau luống đất,

ngày nay không lúa, không lúa không mầu

Triều sông dâng theo uất ức,

tràn lan trôi khắp, trôi khắp quê sầu.

Lìa nhau đem theo tiếng nói ngọt ngào

Lìa nhau cho chút lòng làm cao.”

(Nguyễn Đức Quang – bđd)

Thật ra, có là ngôn sứ ở đời thủ đắc vai trò của người làm thơ hay viết nhạc, thì bạn và tôi, ta cũng chẳng dám quyết đoán là như thế. Bởi, quê mình vẫn sầu vẫn đau, dù ta có sống ở dưới đất hay cứ lâng lâng phía trên đầu. Dù, người anh em của ta có thuộc nhà đạo Môhamét đấy, cũng đâu dám cứ bảo là “đem theo tiếng nói ngọt ngào”, để “lìa nhau”. Và, cũng chẳng dám hát: “Lìa nhau, cho chút lòng làm cao”, đâu. Có chăng, cũng chỉ là nhận định của ai đó khi ta và người nhớ lại Lời Chúa khi xưa từng nói:

“Cũng vậy,

khi các ngươi thấy các điều ấy xảy đến,

các ngươi hãy biết là

Nước Thiên Chúa đã gần bên.”

(Lc 21: 31)

Thông thường, hễ thấy “các điều ấy”, tức hiện tượng rất “lìa nhau” xảy đến, như:

“Các điềm lạ nơi mặt trời, mặt trăng và tinh tú.

Dưới đất các dân hồi hộp vì biển gầm sóng vỗ.

Người ta mất vía vì sợ,

vì không biết những gì sẽ giáng xuống trên thiên hạ

bởi chưng các quyền năng từng trời bị lay chuyển…”

(Lc 21: 25-26)

thì người người vẫn cứ liên tưởng đến lời tiên tri năm nào, về những hiện tượng còn dễ sợ hơn, đang trờ tới. Với con người. Có những lời ca chẳng bao giờ là lời “sấm” với tiên tri, cũng đã làm cho nhiều người nặng mối ưu tư, khắp đầy mình. Như lời ca, ta hát tiếp:

Lìa nhau, mây đen lớp lớp,

về đây che khuất, che khuất mẹ hiền.

Mẹ buồn, nhìn đời khốn khó,

đàn con gieo thêm lắm, thêm lắm ưu phiền.”

(Nguyễn Đức Quang – bđd)

“Đàn con gieo thêm lắm ưu phiền”, cho nhau. Khiến “mây đen che khuất” Bà Mẹ Đất. Thật rất đúng. Thôi thì, hãy để qua một bên những biện luận về lờilẽ ở trên, cũng đừng hỏi đó có là lời tiên tri hay sấm “trạng” rất huê dạng, mà chỉ coi đó như ý/từ thức tỉnh về tình trạng sống Đạo ở đời, thôi.

Sống Đạo ở đời, hôm nay, hẳn bạn và tôi, ta vẫn thấy những điều gây thức tỉnh cả người bàng quan chẳng ưu tư gì về những dấu hiệu tỉnh thức xuất xứ từ ai đó, để rồi gọi nó là tiên tri hay sấm/sét. Duy có điều, là: bạn và tôi, ta chỉ muốn biết về thực trạng cuộc đời ta đang sống, nhân đọc cuốn “Hết rồi, đầu óc dân con đạo Hồi!”, của tác giả Robert R. Reilly, vừa nêu trên.

Thông điệp, mà tác giả Robert R. Reilly chuyển tới người đọc hôm nay, không phải để ta đánh bật gốc cơn hăng say/cuồng nhiệt về đạo đức. Nhưng, vì hiện có ý kiến sục sôi về thần học của đạo Hồi, đang tạo chấn động về tri thức, làm rung chuyển rất nhiều “sự”.

Có sự thể gây chộn rộn những người sống ở trời Tây rất nhiều, khi họ nhận ra rằng có những hiểu biết và giải thích về Kinh Koran rất thánh của đạo Hồi, đã tạo ra điều mà người đời gọi đó là cuộc thánh chiến “jihad” đối với kẻ không tin vào Kinh. Bởi, một số người đang tin vào đạo Hồi thì ý niệm thánh chiến “jihad” là một ý niệm rất mù mờ. Có người giải thích đó là một chiến đấu về mặt đạo đức, chức năng tinh thần. Kẻ, lại coi đây như một lệnh truyền cần sử dụng bạo lực để giải quyết mọi sự. Lập trường khác biệt của mỗi người tuỳ vào vị thế cũng như chỗ đứng của họ khi cầm Kinh Koran để đọc, hay để phê phán.

Điều mà tác giả Robert R. Reilly muốn nói, là: nếu dựa vào sự thông thái của con người ngày nay đang lĩnh hội, thì trường phái thần học nguyên thủy từng phát triển một cách thật sung mãn, thì phải nhắc đến nhóm Mu’talizites. Theo tác giả Robert R. Reilly, nhóm Mu’talizites rất coi thường cơn hăng say bạo động của đám Bin Laden. Đây cũng là thảm trạng đã xảy đến với đạo Hồi một thời bị nhóm này khuấy động, nên chỉ có thể phát triển vào thế kỷ thứ 9, thứ 10 qua ảnh hưởng của đám Abbasadis ở Irak, lúc ấy. Sau đó, họ bị coi là bè rối, nên đã chấm dứt.

Giáo huấn của kinh Koran đôi chỗ không được rõ nghĩa. Một phần, có những câu như: “khi anh bắn giết ai, thì đó không phải là anh đã bắn đã giết, mà chính là Thượng Đế đã làm thế!” Câu này được người đạo Hồi sử dụng để hỗ trợ cho chủ thuyết “tự mình quyết định mọi chuyện”. Nhưng, ở chỗ khác, có câu kinh không chủ trương như thế. Chẳng hạn như câu: “Mỗi linh hồn tự tạo nên con người mình.” Xem thế, thì làm sao người Hồi giáo nguyên thủy có thể đương đầu với tình huống như thế? Phải chăng lời Kinh kia chẳng thể nào đổi thay, hay vẫn có thể cho con dân của Ngài tùy nghi ghi chép, và chú thích?

Nhóm Mu’talizites là nhóm chịu ảnh hưởng triết lý Hy Lạp vẫn quan niệm rằng Thượng Đế là do Kinh Koran lập ra, ở vào lúc nào đó, vẫn là đề mục để dân con loài người có thể uốn nắn, giải thích. Bởi theo họ, Thượng Đế đã ban cho con người lý trí để hiểu biết các trật tự đạo đức. Với người Hồi giáo, dùng lý trí để biện giải là điều rất cần để trở thành tín đồ đích thực. Cũng tựa như bên Đạo Chúa có thánh Tôma Akinô từng làm cột trụ cho theo Đạo Chúa dựa vào, thì Triết gia Averroes và Avicenna cũng thế, nhưng hai vị này lại thuộc trường phái nói ở đây.

Thế kỷ thứ 12, nhóm Mu’talizites bị huỷ diệt, nhường chỗ cho đám người vừa toàn thắng nắm trọn quyền là nhóm Ash’arites. Nhóm này đoan quyết cách chắc nịch rằng: những điều được Kinh Koran mạc khải đều tuyệt đối. Lý trí con người chẳng là gì. Lý trí không có khả năng phán đoán những điều tốt/xấu. Ý Thượng Đế là quyền uy tối thượng. Không có gì để bàn cãi.

Nhóm Ash’arites quan niệm: thánh ý của Thượng Đế tạo tư duy cho người Hồi giáo. Thượng Đế quyền uy đến độ mỗi khoảnh khắc đến với con người là phép lạ Ngài ban. Xem thế thì, khoa học trở nên vô dụng. Bởi, chẳng có luật tự nhiên nào quản cai vũ trụ, mà tất cả đều do Thượng Đế quyết định, rồi cứ từ từ mà đổi mới. Tiến tới. Để người đọc hiểu rõ hơn, có học giả đã tóm tắt mọi điều bằng giải thích như sau: “Nếu ta mải mê kiếm tìm mọi lý lẽ để giải thích cùng đích của Thượng Đế, thì chỉ là mưu toan vô bổ, có khi còn phản lại ý của Ngài. Hành động như thế là một tội rất nặng.”

Thôi thì, cũng chẳng nên có ý định ấy, nhưng hãy dùng lời ca mà suy nghĩ, hát rằng:

Đàn trâu đi bơ vơ,

Bên nhà xiêu nước mắt mờ.

Lìa nhau, cho kiếp sống xác xơ.”

(Nguyễn Đức Quang – bđd)

Nói như thế, không có ý bảo rằng: quan niệm của nhóm Ash’arites rất mông lung, bạo động, để ta cứ rập khuôn mà theo nhóm ấy. Nếu hỏi họ: thế nào là đạo đức, với người phàm? Câu trả lời của nhóm cũng rất dễ. Họ khẳng định: “Thượng Đế ở bên trên ý niệm tốt/xấu.” Nói cách khác, các lệnh truyền do Thượng Đế đưa ra, đối với người Hồi giáo, là điều tốt. Những gì Ngài ngăn cấm, chính là sự dữ. Ác độc.

Để cho rõ nghĩa hơn, có học giả còn cắt nghĩa rằng: đối với người đạo Hồi, chẳng có gì gọi là luân lý đối với con người, hết. Điều nào được Đấng Allah cho phép, thì đó là luân lý. Điều Ngài cấm đoán, đó là bất luân. Từ đó, ta lại có thêm vấn nạn nữa: thế thì, tự do tư tưởng sẽ ra sao? Quyền sử dụng lý trí để biện luận, thì thế nào? Câu trả lời, theo họ, lại cũng rất dễ: không ai được phép nổi loạn chống lại phán quyết của Thượng Đế. Chẳng ai có quyền kháng cáo quyết định hoặc lệnh truyền mà Thượng Đế đã đưa. Làm thế, là vô luân. Vô thức.

Thật sự, thì tư duy/xã hội người Hồi giáo chừng như ở vào triền dốc đang đi xuống, rất bi thảm. Chí ít, là sau khi người trong Đạo chịu ảnh hưởng của nhóm Ash’arites. Nói cách khác, thời vàng son của Đạo Hồi khi khoa học, triết lý, y khoa và kỹ thuật Hồi giáo, nay đã hết. Nếu ta so sánh số lượng sách vở và ấn phẩm được thực hiện ở Tây Ban Nha ngày nay, thì số lượng các sách dịch mà nước này có trong một năm, vẫn nhiều hơn số sách mà toàn thể thế giới Hồi giáo sở hữu suốt ngàn năm cộng lại. Người Hồi giáo lâu nay chẳng thắc mắc gì về khoa học. Thế giới Ả Rập hiện đang ở dưới đáy tầng của mọi phát triển nhân bản, của loài người.

Chính trị của khối Ả Rập cũng thế. Chính trị Hồi giáo, đang mang dấu ấn của một triết lý rút tỉa từ tư duy do nhóm Ash’arites định vị. Với họ, chính trị không thoát khỏi con đường của độc tài, toàn trị. Bởi, nó đặt quyền lực lên trên cả lý trí, lẫn tư duy. Nhóm dân quân Kashmire có lần từng quả quyết: “Khái niệm về quyền dân chủ chẳng có ý nghĩa gì, với Hồi giáo. Chỉ Allah mới là Đấng có quyền tối thượng, trên hết mọi sự. Mọi người. Nhân quyền, với Hồi giáo, là chuyện phi lý. Vô bổ.”

Theo Ali Allawi, một cựu bộ trưởng thuộc chính quyền Irak có lần nói: “Mọi cố gắng dựng xây quyền căn bản của con người đều xuất phát từ cá nhân, ngang qua lý thuyết phàm tục về chính trị. Tất cả chỉ như vật lạ từ hành tinh khác bay đến, chui tọt vào cơ cấu lý luận của người Hồi giáo, có thế thôi.” Nói thế, có nghĩa là: nhóm khủng bố Hồi giáo đã tìm ra đất màu mỡ cho triết thuyết của họ mau chóng bén rễ, mà đi vào hiện thực, bằng hành vi bạo động. Hủy hoại.

Cuối cùng tác giả Robert R. Reilly cũng viết: “Không phải tự thân đạo Hồi, đã có lối hiểu biết về Đạo mình khiến cho sự thể về bạo lực trở thành hiện thực. Trớ trêu thay, chiều hướng giải thích sự việc theo cách trên, nay thống lĩnh khắp nơi. Những gì ta tư duy hôm nay, lại là hậu quả rất “đối đế” của hành động xoá bỏ lý trí của con người. Làm thế, con người đánh mất đi tính “nhân-quả” khi các phe nhóm Hồi giáo đang chơi trò quảng bá một thứ văn hoá lụn bại do họ đặt ra, để rồi phổ biến cho toàn thể thế giới Hồi giáo cứ theo đó mà thực thi. Áp dụng.”

Với người chủ trương cực đoan, thì sự việc biến bạo lực thành qui luật đạo đức, vẫn là bước dễ bước. Dễ thực hiện. Thực thi ý định của Allah để biến ý định của Đấng thánh hiền thành qui luật mà hiện thực, thì dù có tàn bạo hay phi lý cách mấy đi nữa, thì đối với các phe nhóm Hồi giáo, vẫn là việc tạo chính nghĩa. Qui luật về đạo đức. Lẫn tri thức.

Ngày nay, nhiều học giả Hồi giáo đang kêu gọi người đạo Hồi quay về với tư duy/lập trường của cựu nhóm Mu’tazilites. Tuy nhiên, những người như thế đang lưu lạc ở trời Tây. Đau lòng một chuyện, là: hậu duệ của nhóm Ash’arites đang thống lĩnh khắp đó đây, chứ không phải nhóm Mu’talizilites.

Câu hỏi chót: Có chăng một hy vọng dù nhỏ nhoi cho một đổi thay không? Câu trả lời từ sách của Robert R. Reilly đem lại rất ít hy vọng, nếu không muốn nói là chẳng có hy vọng nào như thế. (x. Michael Cook, The closing of the Muslim Mind, Mercatornet 29/10/2010)

Với dân con Đạo Chúa hiền lành, chắc chẳng ai lại đặt những câu tươ7o5ng tự, để mà hỏi! Nhưng, có điều chắc, là: sẽ có đề nghị để bạn và tôi, ta cứ ngâm nga lời người nghệ sĩ du ca họ Nguyễn ở trên vẫn cứ hát, làm kết đoạn:

“Mẹ khuyên, khuyên con tiếng nấc nghẹn ngào:

à ơi con hỡi đừng lìa nhau.

Đạn bay trên non cao,

Hay đạn tuôn về xóm nghèo,

Lìa nhau, cho non nước tiêu điều.”

(Nguyễn Đức QUang – bđd)

Nước non người đi Đạo, có buồn cũng chẳng vì “đạn bay trên non cao”, rất tiêu điều. Nhưng, nỗi buồn của nước non người nhà Đạo hôm nay, vẫn cứ là “tiếng nấc nghẹn ngào” của Mẹ Hiền ở trên cao, là Đức Chúa vẫn cứ khuyên: “À ơi, con hỡi đừng lìa nhau.”

Con của Mẹ, hôm nay, dù khác biệt chính kiến. Triết thuyết. Hoặc, cung cách thực hiện Lời truyền dạy của Vua Cha, là Thượng Đế, cũng đừng có mà “lìa nhau”. Nhưng, hãy về với lệnh truyền căn bản của Đức Chúa rất Mẹ Hiền, là: hãy cứ thương yêu nhau, như anh em một nhà. Con của Mẹ. Rất ngoan hiền.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn cứ lai rai

nhớ hoài,

lời khuyên ấy.

No comments: