Friday, 15 February 2019

“Em ơi! Phương xa nào em có biết”


Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 6 thường niên năm C 17/02/2019

“Em ơi! Phương xa nào em có biết”
Có hay tình ta nhớ thương vơi đầy.
Em ơi! Em ơi! Ở nơi xa đó
Có khi nào em tiếc thương ngày cũ.
Đắm đuối xa xưa khi sống gần nhau hay em quên mau.
Như cơn mơ trở về bến cũ khiến ai chờ mong héo hon đêm ngày…”
(Nhạc ngoại: Christophe “Oh Mon Amour” 
Lời Việt Phạm Duy: Tình Yêu! Ôi Tình Yêu!)  


(2Côrintô 1: 3)

Hôm nay, trong giây phút im-ắng của những ngày đầu niên-lịch 2019, bần đạo lẳng-lặng xục-sạo, lục tìm trong đống hồ-sơ khá cũ ghi vội ít câu truyện kể để mào đầu bài phiếm mà viết lách, bỗng bắt gặp một loại-hình “kể lể” ở mục “phiếm đạo” cho đỡ bận.

Trong một thoát chốc rất ngắn, bần đạo thấy xuất-hiện một câu truyện từng hơn một lần được kể, nhưng không buồn. Buồn sao được, khi trong đầu bần đạo không có ý tưởng nào vụt sáng để kể thêm. Và thế là, bần đạo bèn chép lại câu truyện nên nghe thêm một lần nữa, ở bên dưới:

“Roddick là một tù nhân chiến tranh người Anh. Anh bị bắt trong một lần kém may mắn và giống như nhiều tù nhân khác, Roddick bị áp giải đến một trại tập trung ở Đức.

Trong trại tập trung có gần 1000 tù binh, toàn bộ đều là người Anh. Họ bị đối đãi thậm tệ đến mức khó có gì lột tả hết, không khác gì loài vật và phải làm những công việc vô cùng nặng nhọc..

May mắn là, Roddick là một binh sĩ huấn luyện kỹ năng lái xe tải trong quân đội Anh. Trong trại tập trung của Đức, vị trí này lại thiếu rất nhiều nên tại đây, anh được chiêu mộ làm lái xe.

Tất nhiên, trong số những tù binh Anh ở trại tập trung đó, không ít người có kỹ năng lái xe nhưng chẳng ai tình nguyện làm công việc đó, bởi nhiệm vụ của việc lái xe là chuyên vận chuyển những chiến hữu chết đói và bị sát hại mỗi ngày đến nơi chôn cất.

Tuy nhiên, Roddick lại tỏ ra rất nhiệt tình với công việc này. Anh nói mình sẽ vui vẻ làm tốt công việc được giao. Và như vậy, Roddick cuối cùng đã là một lái xe của Đức quốc xã và cũng kể từ đó, anh trở nên thô bạo và tàn nhẫn với chính đồng bào mình. Không chỉ quát tháo, lớn tiếng với các tù nhân, anh còn dùng bạo lực, nắm đấm hướng về phía họ. Thậm chí, có tù nhân rõ ràng chưa chết, anh vẫn cố tình vứt lên xe.

Lẽ dĩ nhiên, tất cả những tù binh đều tỏ ra căm hận con người này, đồng thời dùng nhiều cách khác nhau để cảnh cáo Roddick. Nghe xong, anh vẫn bỏ ngoài tai, việc mình mình làm. Các tù binh không tiếc lời mắng nhiếc Roddick là tên cẩu tặc, kẻ bán nước, loài chó săn…

Nhưng cũng chính nhờ đó, quân Đức quốc xã càng lúc càng thích thú và tín nhiệm Roddick. Ban đầu, khi anh lái xe ra khỏi trại tập trung, binh sĩ Đức quốc xã đều chặn xe lại kiểm tra, giám sát từng cử động nhưng về sau, anh có thể ra vào thoải mái mà không hề bị kiểm soát. 

Chiến hữu của Roddick cũng ngầm công kích anh, không ít lần thiếu chút nữa thì bị họ đánh cho mất mạng. Sau một lần bị đánh thừa chết thiếu sống, Roddick vĩnh viễn mất đi một cánh tay, đồng thời, anh cũng mất đi giá trị lợi dụng. Không còn có thể tiếp tục lái xe, Roddick như chiếc bị rách bị quân Đức quốc xã vứt ra bãi rác.

Không còn được quân Đức bảo hộ, Roddick nhanh chóng rơi vào trận địa báo thù vô tình của các tù nhân chiến tranh Anh. Một ngày mưa, trong một hoàn cảnh cô độc đến thê lương, anh chết cạnh một góc tường ẩm ướt trong trại tập trung của người Đức.

60 năm đã trôi qua, người dân ở quê hương Roddick dường như sớm đã quên mất anh còn những người trong gia tộc cũng cố tình né tránh tất cả những việc làm liên quan đến con em mình.
Cứ như thế, Roddick bị chôn vùi trong cát bụi của thời gian.

Thế nhưng bỗng nhiên có một ngày, một tờ báo có lượng phát hành không nhỏ của nước Anh đã đăng tải một bài viết có tựa đề "Người cứu tôi, là người tôi hận nhất" ở ngay vị trí bắt mắt nhất trang nhất. 


Nội dung bài báo viết như sau:

“Trong tại tập trung của Đức quốc xã có một tên phản đồ tên Roddick, cam tâm bán mạng cho tụi Nazi (ám chỉ Đức quốc xã). Ngày hôm đó, tôi ốm nhưng chưa chết, thế nhưng anh ta vẫn vất tôi lên xe tải và nói với bọn Đức là đem tôi đi chôn.

Tuy nhiên, điều khiến tôi không thể ngờ đến, là: khi xe chạy được nửa đường, Roddick dừng xe, nhấc tôi đang thoi thóp ra khỏi xe và đặt tôi xuống dưới gốc một cây cổ thụ, để lại vài mẩu bánh mì đen và một bình nước, vội vã nói với tôi: Nếu như anh có thể sống, hãy đến thăm cái cây này rồi cấp tốc lái xe đi mất.

Sau khi câu chuyện ngắn ngủi này được đăng không lâu, tòa soạn báo liên tục nhận được điện thoại gọi đến và không một ai ngoại lệ, tất cả đều là cựu binh chiến tranh Thế giới thứ hai và đều là những chiến binh già không may từng bị bắt làm tù binh.

Một điều nữa càng khiến người ta không tưởng tượng được, là không một ai ngoại lệ, 12 cựu chiến binh gọi điện đến đều từng ở cùng nhau trong một trại tập trung của Đức – đó là trại tập trung mà Roddick đã ở.

Những câu chuyện do chính 12 cựu quân nhân kể ra, dường như đều là bản sao của câu chuyện đã được đăng tải trên mặt báo: Họ đều được Roddick đặt xuống dưới gốc cây và nhờ đó mà thoát chết.

Điều khiến người ta chú ý hơn là, mỗi lần Roddick lái xe ra khỏi trại tập trung, anh đều nói với các chiến hữu rằng: Nếu anh có thể sống, hãy quay lại thăm cái cây này.

Người biên tập và giới thiệu bản thảo của bài viết là một cựu biên tập từng tham gia chiến tranh. Dựa vào trực giác nghề nghiệp, ông phán đoán một cách nhạy cảm, rằng cái cây mà Roddick nhiều lần nhắc đến, nhất định phải chứa đựng nội dung gì đó.

Và ông lập tức tổ chức các cựu binh, hợp thành nhóm 13 người, men theo con đường năm xưa họ trốn chạy để tìm cái cây vốn không thể phán đoán liệu nó tồn tại hay không.

Khi đoàn người đến được điểm đến, rừng núi vẫn như xưa, cái cây cổ thụ vẫn ở đó.. Một cựu binh không kiềm chế được cảm xúc, chạy về phía trước ôm thân cây, khóc lớn. Trong một cái hộc ở gốc cây, người này phát hiện một cái hộp sắt đã hoen rỉ từ bao giờ.

Khi mọi người xúm lại lấy và mở chiếc hộp ra, họ phát hiện một cuốn nhật ký nhiều trang đã loang lổ và trong đó là một tấm ảnh đã mốc theo thời gian. Nhẹ nhàng lật giở cuốn nhật ký, cựu biên tập viên bắt đầu đọc:

Hôm nay mình lại cứu được một chiến hữu, đây đã là người thứ 28 rồi… cầu mong anh ta có thể sống được…

Hôm nay, 20 chiến hữu của mình đã chết…

Đêm qua, các chiến hữu lại một lần nữa mạnh tay với mình… Nhưng mình phải kiên quyết đến cùng, cho dù thế nào đi nữa mình cũng không được nói ra sự thật, như thế, mình mới có thể cứu được thêm nhiều người khác…

Các chiến hữu thân yêu, tôi chỉ có một hy vọng, nếu các bạn còn sống, xin hãy quay lại thăm cái cây này.

Giọng của vị cựu biên tập ứ nghẹn lại, những cựu binh khác đã rơi nước mắt tự khi nào không hay. Những mái đầu hoa râm đứng dưới tán cây cổ thụ, cho đến lúc đó mới hoàn toàn nhận thức thật rõ ràng, rằng Roddick đã cứu tất cả 36 tù binh của Anh Quốc.

Hôm nay, những người còn sống trên đời, có lẽ không chỉ có 13 người đi tìm lại gốc cây năm xưa. Cuốn nhật ký và tấm ảnh liên quan đến trại tập trung được lưu lại ở hộc cây, đó là bằng chứng thép vạch trần tội ác của Đức quốc xã với thế giới, nó cũng là bằng chứng thép cho thấy Roddick không tồi tệ như các chiến hữu năm xưa đã đánh giá về anh. 

Roddick đã chấp nhận mọi đau khổ, thậm chí là chấp nhận cả cái chết dù anh biết mình đã bị hiểu lầm. Chia tay với các cựu binh, vị cựu biên tập nhanh chóng cho đăng tất cả những câu chuyện đủ hay, đủ sức lay động hàng triệu triệu trái tim trên khắp thế giới trên trang bìa của tờ báo mình đang cộng tác.

Vì được báo chí đưa tin mà khung rừng già cùng gốc cây lưu lại dấu tích của Roddick kia bỗng trở nên náo nhiệt. Không ít người đã tự tìm đến đây, cúi đầu trước người chiến binh thực sự vĩ đại, thể hiện sự tôn kính của họ dành cho anh. 

Lẽ đương nhiên, Roddick trở thành anh hùng của nước Anh. Một tác giả đến thăm khu rừng này, bó một bó họa rừng không rõ tên đặt trước bia kỷ niệm mộc mạc và ngồi lại dưới gốc cây thật lâu. Về sau, ông ta lấy bút ra viết một đoạn cảm xúc ra cuốn sổ của mình. Ông cảm giác, mình có trách nhiệm phải nói với mọi người: 

Sự hoàn mỹ luôn cần có cái giá để đánh đổi, không có tinh thần trách nhiệm lớn lao, không có sự hy sinh bất khuất, không có một tinh thần thép, tuyệt đối không thể làm được! Khát vọng hoàn mỹ là quyền của mỗi con người. Có những lúc, sự hoàn mỹ đó vì bị môi trường thúc ép mà hình thức biểu hiện của nó trở nên khác với nguyện vọng ban đầu, vì thế mà tạo nên sự hiểu lầm, dẫn đến những ánh mắt thù địch.

Điều này nhất định sẽ hình thành nên một loại áp lực xã hội vô cùng lớn. Thế nhưng người có thể vì sứ mệnh cao cả của sự hoàn mỹ, từ đầu đến cuối chấp nhận mọi oan ức, đau đớn, hiểu lầm… tên tuổi của anh ta sẽ trở thành một lá cờ luôn đương giương cao, cao mãi.
Roddick là một người như thế.

Và trên thế giới này, tôi kính phục nhất một kiểu người mà trong hoàn cảnh ác liệt và tồi tệ, họ thà chấp nhận gánh nặng trên vai và bước tiếp thay vì sống vô trách nhiệm, để mặc đời muốn trôi đến đâu thì đến!” (Truyện do bạn bè gửi qua điện thư trên mạng)


Với tôi, và có lẽ với cả bạn bè của tôi nữa, câu truyện về anh Roddick chỉ là câu truyện để kể, thế thôi. Chứ thời buổi này làm gì có những người như thế. Có như thế đi nữa, cũng chẳng có ma nào chịu để ý rồi suy nghĩ viển vông cho nó vận vào người.

Hôm nay nữa, nhà đạo mình cũng có đôi ba chuyện lỉnh kỉnh khiến bạn và tôi ta cứ suy và nghĩ lỉnh kỉnh cho dài thêm những tháng ngày cuộc đời, rồi thôi.

Nghĩ thế rồi, bầy tôi đây bèn đi vào vười hoa truyện kể ‘xuc sạo’ đôi ba chi-tiết khá lỉnh-kỉnh mà suy thêm về những điều mà bọn trẻ thời nay ít chịu nghĩ. Chuyện cần suy và nghĩ mà người thời nay nên để tâm thực hiện trước tiên, đó là: NGHE. Về chuyện này, một đấng bậc vị vọng ở Úc từng khuyên đám học trò linh-mục Dòng mình như sau:


“Sách luật Torah ghi lại tất cả gồm 613 điều luật. Thời tác-giả Tin Mừng Mátthêu, và kể từ ngày đền thờ Giêrusalem bị tàn phá, người Sađuxê và Kinh-sư cuồng-tín không còn tạo ảnh-hưởng gì trên bất cứ ai, duy chỉ mỗi nhóm Pharisêu là không còn cảm-tình gì với tín-hữu thời tiên-khởi và nhóm này đà khơi dậy phong-trào chống tín-hữu.

Một trong số những người này, có lẽ là bậc thày chuyên về luật Torah đã đưa ra câu hỏi bảo rằng: “Trong sách Torah, giới-lệnh nào lớn hơn cả?”

Cho đến nay, ta không có đủ bằng chứng để quyết xem có phải chính tác-giả Hillel, một trong các học-giả Do-thái-giáo tài ba lỗi lạc đã trả lời câu hỏi này theo cùng một kiểu như Đức Giêsu từng nói ở Tin Mừng hay không?

Cũng có thể, đây là câu nói do tác giả Tin Mừng Mátthêu đặt nơi miệng Đức Giêsu để trả lời câu hỏi xuất từ nhóm Pharisêu theo ngôn-từ do nhóm này sử-dụng.

Nhưng điều quan-trọng hơn cả, là: ta cũng nên suy về câu trả lời của Đức Giêsu khi Ngài bảo: Nghe đây, Israel! Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi là một. Ngươi hãy kính mến Đức Chúa, Thiên- Chúa của các ngươi trọn tâm can, linh-hồn và đầu óc. Đó là giới lệnh cao cả nhất trong các giới-lệnh. Còn, giới-lệnh thứ hai là: “Ngươi phải thương yêu người lân cận như chính mình vậy!”

Giới-lệnh tiên-quyết ở đây là: “Nghe đây! (tiếng Do-thái là: “Shema”). Đây là lời đầu tiên hiện trong câu kinh căn-bản của dân-tộc Israel được người theo Do-thái-giáo lặp đi lặp nhiều lần trong ngày.

“Nghe đây!”, tức: Hãy nghe và chú ý, cố gắng vươn về phía trước và tin-tưởng vào đôi điều mà ngươi không đạt đến mà không chịu để tâm. Hay còn nói: “Cả đến việc đừng suy nghĩ gì về lề luật trừ phi các người thực-hiện luật ấy trước nhất…

Thoạt vào lúc Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô 16 viếng thăm New York vào độ tháng Tư năm 2016, ngài vào một hội đường và được người Do-thái-giáo ở đó hát lên câu kinh Shema. Israel từng nói (đúng hơn là hát) cho Đức Giáo Hoàng của Công Giáo mà bảo rằng: “Hãy lắng nghe!”          

Vậy, hỏi rằng bạn nghe được gì khi lắng tai nghe? Đó là khẳng định: Đức Chúa, Thiên-Chúa của ngươi là Một. Ta đang nói về Đức Giavê, Thiên Chúa của Israel. Chính dân-tộc Israel không được phép xướng lên danh-tánh của Thiên-Chúa. Họ phải dùng lối nói dài dòng mà diễn-tả  ‘Đức Chúa’ (Adonai).

Khi các ngươi lắng nghe, các ngươi khám phá ra Đấng nên Một là Đấng khó mà xướng tên ở đây. Và điều căn-bản mà các ngươi phát-giác ra được  -đó là Đức Chúa Đấng không thể xướng Tên lên được chính là Đấng NÊN MỘT. Đó không chỉ có nghĩa “Duy nhất chỉ có một Thiên Chúa”.

Đúng hơn, Thiên Chúa Duy Nhất có sự Nên Một ngay trong chính tâm thân của Ngài là Đấng Duy nhất, và đó là bí mật của mọi thực-tại. Hãy Nghe Đây, các ngươi có thể nghe được điều ấy. Hãy Nghe đây, và các ngươi sẽ làm được điều ấy như trọng tâm cuộc đời mình…” (X. Lm Kevin O’Shea, CSsR “Where to from here”, The Catholic University in Strathfield Sydney 27/8/2016 tr. 4)

Đọc chuyện chia sẻ ở trên, chắc hẳn bạn đọc cũng như bầy tôi đây, ta lại sẽ liên-tưởng đến lời vàng trong Kinh Sách, có những giòng chảy na ná, hệt như sau:

“Chúc tụng Thiên Chúa
là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô,
Chúa chúng ta.
Ngài là Cha giàu lòng từ-bi lân-ái,
và là Thiên-Chúa hằng sẵn-sàng nâng-đỡ ủi-an.
Ngài luôn nâng đỡ ủi an chúng ta
trong mọi cơn gian nan thử-thách,
để sau khi đã được Thiên Chúa nâng-đỡ,
chính chúng ta cũng biết an ủi
những ai lâm cảnh gian nan khốn khó.
Vì cũng như chúng ta
chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Kitô,
thì nhờ Ngài,
chúng ta cũng được chứa-chan niềm an-ủi.”
(2Corinthô 1: 3)

Nói cho cùng, tất cả chỉ là những tư-tưởng nền-tảng giúp ta có thêm đôi ba phút thư-giãn nhập thiền hầu thoái sống nốt cuối đời còn lại, mỗi thế thôi. Nghĩ thế rồi, bần đạo lại cứ hiên ngang ngẩng đầu về phía trước mà cất lên lời ca tiếng hát được trích-dẫn, để rồi dùng đó làm kết-luận cho bài phiếm không dài, hôm nay. Vậy thì, mời bạn và mời tôi, ta cứ hát:

“Em ơi! Phương xa nào em có biết,
Có hay tình ta nhớ thương vơi đầy.

Em ơi! Em ơi! Ở nơi xa đó
Có khi nào em tiếc thương ngày cũ.
Đắm đuối xa xưa khi sống gần nhau
hay em quên mau.

Như cơn mơ trở về bến cũ
khiến ai chờ mong héo hon đêm ngày…”
(Nhạc ngoại quốc Lời Việt - bđd)   


Hát thế rồi, ta lại hiên ngang tiến về phía trước mà thực hiện những gì cần hiện-thực, trong đời mình.


Trần Ngọc Mười Hai
Và những điều cần hiện-thực
cứ lởn vởn mãi
trong đầu.







No comments: