Chuyện
phiếm đọc trong tuần thứ 32 mùa thường niên năm C 06/11/2016
“Ôi ơn đời chói vói”,
Nhớ khi thân tròn ôm gối
Ba trăm ngày trong gói
Ngóng trông ra đời góp mối chung vui
Ôi ơn đời mãi mãi
Thoát thai theo đời vun xới
Bao nhân tình thế giới
Lớn lên trong vườn ân ái muôn đời.”
(Phạm Duy
– Tạ Ơn Đời)
(Ga 1: 14)
Đành rằng
“Ơn đời (bao giờ) cũng chói vói”. Đó là chuyện đương
nhiên, không cần cãi vã làm chi cho tốn “calôri”. Thế còn, “Ơn Người” thì sao? “Ơn Người” có kể rõ ra
là: ta chỉ có mỗi “300 ngày ôm gối” mà thôi không? Đó, mới là vấn-đề mà nhiều người
và tôi, hôm nay từng lên tiếng hỏi. Hỏi hết mọi người, cả những người trong
Đạo/ngoài đời, đại loại những lời như thế.
Bần đạo bầy
tôi hôm nay, có đưa ra đôi ba câu hỏi tương-tự cũng chỉ vì mới được đọc lại
đoạn trích-dẫn ở cuốn sách bàn về “Niềm
tin, nỗi niềm xuất tự con tim”, nên mới hỏi. Hỏi, là hỏi rằng: Thiên-Chúa đã
ban nhiều ân-huệ cho bạn và cho tôi, Ngài có dựa vào công-lênh, tài-cáng gì của
tôi hoặc của bạn không? Và, câu trả lời lại đã do cha giáo Kevin O’Shea CSsR
từng giảng dạy ở bài giáo-án ngày hôm ấy, vẫn bảo rằng:
“Thiên-Chúa phú ban chính mình Ngài, chẳng
vì ta có được cung-lòng hoàn-hảo để đón tiếp Ngài vào nơi đó mà ngự đâu. Bởi,
chẳng ai có được khả-năng đón-nhận Ngài hết. Bản thân ta, chẳng khi nào có được
cung lòng tốt lành để làm như thế.
Thiên-Chúa, Ngài ban chính Mình Ngài bằng
vào thân-phận chưa từng có ai đón tiếp cái quyền-hạn được ở lại nơi đó cho đến
khi ta chấp-nhận sự việc ấy mà thôi. Và, nếu có ai ngạc-nhiên sửng-sốt về chuyện
này thì cũng tựa hồ như ta đây luôn có mặt ở nơi đó, kể từ ngày mình sinh ra và
Chúa lại cũng ban cho ta ân-huệ tuyệt-vời, theo qui-cách vào nơi này/lúc ấy,
thôi.
Tôi vẫn muốn thêm thắt ở đây đôi điều,
để nói lên rằng: có lẽ ta sẽ nói với nhiều người tốt lành/hạnh đạo là: ta vẫn
muốn kiếm tìm Chúa. Nhất thứ, là khi ta lại cứ coi như mình lâu nay tìm kiếm một
Đức Chúa mà chẳng bao giờ thấy được Ngài.
Thay vào đó, tôi đề nghị: ta hãy thay
thế chuyện ấy bằng việc nhận ra rằng: chính Chúa mới là Người hằng đi tìm ta,
đã thấy ta và rồi Ngài lại đã công-nhận ta là dân/con của Ngài. Thế nên, ta lại
cũng hiểu rằng: việc này có thể chiếu rọi một vài lằn sáng lên nhiều sự việc.
Nền thần-học của ta có nguyên-tắc căn-bản
được mọi người gọi đó là tính ưu-việt của ân-huệ. Chính ra, ta phải gọi đó là
tính ưu-việt của ân-huệ Ngài từng ban cho ta, mới đúng. Bởi, ân-huệ sẽ là chuyện
trừu-tượng không thể có, nếu nó không được ban/tặng, riêng mình ta. Nỗi kinh-ngạc
về chuyện này nằm ở điểm: Ân-huệ ấy “đã” được ban cho ta từ lâu rồi.
Thành thử, sống trong trời đất, chẳng
có gì gọi là bản-chất vô-huệ, hết. Tự thân, ta chẳng có được tính chất khả-thi
vốn dĩ là của Chúa. Nhưng thật ra, ta không có khả-năng đến với Chúa -và như thế, ta cần được Ngài ban thêm huệ-lộc
cộng thêm vào với những gì hiện giờ ta không có. Nếu sự thể là như thế, thì huệ
và lộc Trời ban, lại sẽ là “tư-duy” ta có sau này về phần riêng của Thiên-Chúa,
mà thôi.
Nói cách khác, có lẽ Chúa cũng chẳng tạo
nên ta một cách đúng-đắn, ngay từ đầu. Ân và huệ theo sử-tính, cũng chẳng là món
quà và là thứ tặng-dữ Ngài ban cho ta, mãi về sau; mà Thiên-Chúa đã cưu-mang ta
ngay trong ân và huệ của Ngài, ngay từ đầu rồi. Rõ ràng là thế.
Ân và huệ, không là thứ gì đó tuyệt-đối
ta không ngờ từ trước. Tất cả, chẳng phải vì Ngài đã có món nợ đó đối với ta, mà
về phần mình, ta chẳng xứng-đáng được như thế. Và có lẽ, ân và huệ cũng chẳng
ban cho một số đấng bậc của ta, nơi ta sau này, nếu như ta chứng-tỏ được mình
là kẻ tốt lành/hạnh đạo. Nhưng, ân và huệ, tự nó, vẫn có đó nằm sẵn trong bản-thể
của ta là con người bằng xương bằng thịt, ở đời.
Bản-chất con người, lúc nào/bao giờ cũng
gồm tóm ân và huệ, rất tự-thân. Và, ta được tặng ban, hoặc có được khả năng “thấy”
Chúa, ngay từ đầu. Thật ra thì, không thể có cái-gọi-là “nhân-loại bình thường”
vô ân-huệ. Bản-chất “người”, theo định-nghĩa, bao gồm ân và huệ cũng như khả-năng
thực-thụ được phép “thấy” Chúa. Những gì vừa nói ở trên, không phải là thi-ca/thi-ảnh,
mà là cung-cách Chúa tạo-dựng nên ta, con người của chính ta.
Tính-chất “người” là ân và huệ. Đó là
theo định-nghĩa Thiên-Chúa tỏ-bày/mặc-khải cho ta biết như thế. Ta được
cưu-mang một cách không tì-vết ngay trong tâm-tưởng của Chúa. Thiên-Chúa, Ngài
đã thẩm-thấu vào bên trong con người của ta ngay trước khi ta hiện-hữu, nữa. Chất
“người” là sự hội-nhập và thẩm-thấu tính-chất rất “Thiên-Chúa”.
Nói cách khác, ta không bắt đầu sự việc
như thế một cách tách-biệt và tự-lập hoặc tự mình có thể tìm kiếm Chúa. Và, cả
vào khi kiếm-tìm Ngài đi nữa, đôi lúc ta cũng ở trong tình-trạng đã có ân và huệ
và đôi khi, cũng lại không thế. Ta đã bắt đầu sự sống có ân và huệ, đã ở trong
ân và huệ rồi. Chính Thiên-Chúa đã công-nhận và sở-hữu ta ngay từ lúc đầu mà ta
chẳng biết, đấy thôi..
Ngay từ đầu, Ngài đã thương-yêu ta.
Chính vì lý-do này, mà bản-chất của vật tạo-thành (nói theo ngôn-ngữ tạo-dựng
là hành-động của Thiên-Chúa) không chỉ là hiện-hữu hoặc sự việc đang kiếm tìm,
nhưng là: “đã ở trong Chúa”. Nói như thế, tức bảo rằng: ta đã được Chúa gặp ta
và thấy ta ngay trong bản-chất Ngài, rồi. Thiên-Chúa và tạo-vật, lúc nào cũng ở
trong nhau, quyện lẫn vào nhau. Ta có mặt ở đây, không phải để “kiếm tìm” một
Thiên-Chúa-đã-có-đó, nhưng là để cảm-tạ Chúa vì ngay từ đầu, Ngài đã đi tìm ta
và thấy ta, trong tạo-dựng.
Có thể nói: Thiên-Chúa là Người đầu-tiên
kiếm-tìm và gặp-gỡ ta, từ ngàn đời rồi. Mỗi thế thôi.” (X. Lm Kevin O’Shea CSsR, Niềm Tin, Nỗi Niềm Xuất Tự Con Tim”, www.giadinhanphong.com” nxb
Hồng Đức 2016-2017)
Vậy thì, theo tác-giả đây, ta có
mặt ở thế-gian này là để cảm tạ Thiên-Chúa chứ không để kiếm/tìm Ngài. Bởi,
Ngài đã tìm và gặp ta và ở trong ta ngay vào lúc tạo-dựng nên ta rồi.
Nghe dạy/bảo
như thế, bần đạo bầy tôi đây, bèn thấy mình nên quay về lại với nhạc-bản của
nghệ-sĩ họ Phạm từng hát về “Ơn đời”, như sau:
“Tim vang
còn giây lát.
Hơi run còn thơm ngát.
Dương gian còn trong mắt.
Nghe tiếng hát chưa nhạt tan.
Bao nhiêu
là thương mến.
Bao nhiêu là quyến luyến.
Với bao nhiêu niềm xao xuyến.
Đời vắng xa như mẹ hiền.
Ôi một lần nương náu.
Đi trên đời chẳng lâu.
Trong trăm mùa xuân héo.
Tay hái biết bao niềm yêu.
Dăm em
sèo nhân thế.
Chưa phai lòng say mê.
Với đôi ba lần gian dối.
Đời vẫn ban cho ngọt bùi.
(Phạm Duy – bđd)
Ơn đời,
thì như thế. Ơn Người, sẽ ra sao? Thôi thì, ngay lúc này đây, ta hãy đi vào
vườn thượng-uyển có ý/lực của bậc thánh-hiền vẫn từng giảng-dạy và nhủ-khuyên,
như sau:
“Chúng
tôi đã được nhìn thấy
vinh
quang của Ngài,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Ngài,
là Con Một
đầy
tràn Ân-sủng và sự thật.”
(Ga 1: 14)
Ân và huệ Ngài ban,
bao giờ cũng tràn-đầy sự thật. Cái sự rất thật, lại được nghệ-sĩ ở ngoài đời
trau-chuốt bằng lời thơ/tiếng nhạc, rất như sau:
“Ôi ơn
đời chói vói.
Nhớ khi thân tròn ôm gối.
Ba trăm ngày trong gói.
Ngóng trông ra đời góp mối chung vu.
Ôi ơn đời
mãi mãi.
Thoát thai theo đời vun xới.
Bao nhân tình thế giới.
Lớn lên trong vườn ân ái muôn đời.
Mang ơn
đời chăn vỗ.
Dâng cho người yêu goá.
Dâng cây đàn bơ vơ.
Dâng biết bao ân tình xưa.
Mang ơn
đời nâng đỡ.
Dâng nấm mồ thô sơ.
Với dâng hương hồn thương nhớ.
Còn vấn vương trong chiều tà.
(Phạm Duy – bđd)
Ân và
huệ, vẫn là thứ gì rất quí-báu đáng vấn-vương trong đời. Một đời, có rất nhiều
chuyện. Từ, chuyện tình-yêu, hạnh-phúc đến chuyện khổ đau/sầu buồn, đầy-đủ cả.
Mỗi chuyện, đều mang ý-nghĩa nào đó cũng sắc bén. Mỗi sự việc xảy đến, như ân
và huệ từ trên ban tặng. Có khi, là một cảnh báo. Có lúc, là một phản-hồi khi
câu chuyện đà xảy đến.
Để xác-chứng
và minh-hoạ những ý/tứ và ý/từ ở trên, thiết tưởng không gì bằng ta hãy mời
nhau đi vào vùng trời truyện kể, với ý/lời tưởng chừng như trách-móc, khiếu-nại
vì đời mình không như đời người.
Nhưng
cuối cùng, có lẽ cũng phải công-nhận với ai đó rằng: “Tất cả là ân-huệ” dù ân đó/huệ đây mang dáng-vẻ của tủi-nhục, hờn
đau, cần cố-gắng hơn nữa, để vượt qua.
Cuối
cùng, ta cũng phải nhận-chân rằng: ân đâu/huệ đó, có chăng chỉ là ảnh-hình về
một đặc-trưng/đặc-thù của huệ/của ân ấy, rất như sau:
“Truyện kể về một bệnh SID xảy ra với một em bé
không thoát khỏi lưỡi hái của tử thần, vẫn được mọi người chung quanh tận tình
giúp đỡ đến khi chết.
"Có lẽ trong suốt cuộc đời
làm phiên-dịch của mình, gần 20 năm, chưa lần nào tôi thấy khó như lần này và
cũng chưa bao giờ tôi không thể dịch được, mặc dù tôi hiểu hết ý bác sỹ nói gì.
Một ca hóc-búa. Hôm nay, là ngày ra đi của bé Lam. Tôi chưa một lần được biết
cháu, nhưng tôi có duyên may được đưa-tiễn cháu về phía “chân mây cuối trời”.
Cuộc đời cháu quá ngắn-ngủi, chỉ 4 tháng, nhưng cháu đã mang đến biết bao cảm-xúc,
nỗi-niềm và cháu đã nối biết bao người xa lạ lại với nhau và vào nhau.
Bé Lam là một ca tôi khó
quên.
Tôi đang ngồi làm việc thì chuông
điện-thoại reo. Một ca cấp-cứu cần tôi phải đến bệnh-viện ngay lập-tức. Lúc đó
là 8 giờ tối. Hình như có vụ gì đó liên-quan đến cảnh-sát nên không thể dịch qua
điện-thoại như tôi vẫn làm khi có chuyện xảy ra đột-ngột, hoặc vào ban
đêm.
Tôi nghĩ, chắc là đánh nhau, hoặc
các tội phạm đâm chém nhau đây. Thói-quen nghề-nghiệp của tôi là: đi cho nhanh
để kịp giờ, không mảy may lo sợ. Thấy tôi, cô y-tá trực đêm vui mừng kéo tôi ra
một góc báo trước sự việc.
Một cháu bé 4 tháng tuổi đã tắt
thở, tim ngừng đập, được chuyển từ bệnh-viện địa-phương bằng máy bay trực-thăng
lên Bệnh-viện Nhi-Đồng Boston, Massachusetts. Cháu được các bác-sĩ hồi-sức cấp-cứu
cho tim đập trở lại, nhưng đang ở trạng-thái nguy-kịch, khả-năng tử-vong rất
cao. Tôi được đưa vào phòng bệnh-nhân.
Bác-sĩ trực-tiếp cấp-cứu cháu,
với gương mặt mệt-mỏi, buồn-phiền báo cho tôi biết có nhiều khả-năng cháu mắc
bệnh đột-tử ở trẻ sơ sinh (Sudden Infant Death- viết tắt là SID), hiện nay y-học
chưa tìm ra nguyên-nhân căn bệnh này. Bác sĩ đang cố gắng tìm tiếp khả năng
khác, liệu có thể cứu-chữa cháu được không. Nhưng kết-luận của ông gần như 99%
là cháu không thể qua khỏi.
Bên giường bệnh, người mẹ trẻ
khóc-lóc, lo-âu và hy-vọng. Câu hỏi duy-nhất ba mẹ cháu hỏi trong tiếng nghẹn-ngào
là: “Hy vọng được bao nhiêu, thưa bác-sĩ?” Câu trả lời của bác-sĩ: “Cháu khó
lòng qua khỏi, tôi chưa thấy được tương-lai của cháu trong lúc này”. Dù vậy,
hai y-tá vẫn miệt-mài làm việc, bốn màn hình máy tính treo bốn góc theo-dõi
toàn-bộ hoạt-động cơ-thể của cháu bé. Mỗi tiếng “tít, tít” kêu lên, là họ lại
liên-tục thao-tác hoạt-động theo chuyên-môn để giữ nhịp tim và nhịp thở của cháu
bé.
Trên đầu cháu, là các loại dây nhợ,
dày đặc các ống dẫn bằng nhựa/mủ, tiếng máy chạy ào ào. Tôi căng hết cả cái đầu
mình ra để nghe bác-sĩ nói rồi dịch. Tiếp theo đó, bác-sĩ trực đêm đến hỏi thăm
tin-tức hồ-sơ bệnh-án của cháu. Về sau tôi mới biết, họ đã biết kết-cục nhưng
vẫn cứ hỏi để cho cha mẹ được yên-tâm về mặt tâm-lý.
Nhằm giúp-đỡ cha mẹ trong hoàn-cảnh
đó, “nhân-viên xã-hội" đến thăm-hỏi, động-viên gia-đình bệnh-nhân. Nhiệm-vụ
của họ, là chăm-sóc cả vật-chất lẫn tinh-thần cho gia-đình, chí ít là trong
hoàn-cảnh bệnh-nhân đang trong cơn nguy-cấp, hiểm nghèo. Họ cung-cấp phiếu ăn
miễn-phí, lo chỗ ngủ cho người nhà của con bệnh. Lúc đó đã 10 giờ đêm, nhà ăn
bệnh-viện đã đóng cửa, nên họ cử y-tá ra phố mua đồ ăn về cho bố mẹ cháu bé. Họ
hỏi rất kỹ là quí vị thích ăn món gì và họ tận-tình đi mua rồi mang đến.
Gần 1 giờ sáng, hai cô y-tá mắt
đỏ ngầu, vẫn luôn chân/luôn tay chăm-sóc toàn-bộ hệ-thống máy móc đảm-bảo cho
cháu bé thở được, theo-dõi nhịp tim. Ba xét-nghiệm não (chụp cắt lớp, đo điện
não đồ và chụp MRI toàn-thân người bệnh) liên-tục được tiến-hành. Kết-luận thật
đáng buồn: cháu bé mắc chứng đột-tử ở trẻ sơ-sinh, y-khoa thế-giới lâu nay đành
bó tay, chưa tìm ra nguyên-nhân của căn-bệnh.
Cuộc họp đầu-tiên với bố mẹ để
chuẩn-bị tâm-lý rằng: tình-thế hết sức nguy-kịch. Nhóm y/bác-sĩ mắt đỏ hoe, đầy
cảm-thông, ngồi im lặng lắng nghe một người nói nhỏ nhưng dứt khoát: “Chúng tôi
rất tiếc phải thông-báo rằng: tình-trạng của cháu ngày càng xấu, nhưng chúng
tôi không đầu hàng, chúng tôi vẫn chiến-đấu để giành giật sự sống cho cháu.
Cháu cũng là một "chiến-binh dũng cảm" đang đồng-hành với chúng
tôi”.
Họ lặng lẽ mang giấy lau nước mắt
cho người mẹ. Họ cảm-thông chia-sẻ bằng sự im-lặng và sự tận-tụy với công việc.
Họp xong, họ trở lại chăm-sóc cháu bé, với hàng nắm dây nhợ, máy móc quanh đầu,
quanh người cháu. Lúc đó là 2 giờ sáng.
Cuộc họp thứ hai vào sáng hôm
sau, gồm bác-sĩ trưởng Khoa Cấp cứu, bác-sĩ chuyên về não-khoa, bác-sĩ và y-tá
trực-tiếp điều-trị cho cháu. Cuộc họp này thật khó-khăn. Sau khi giải-thích
tình-trạng của cháu bé, nguyên-nhân không xác-định, bác-sĩ nói: “Mặc dù cháu
nằm đó, tim còn đập, nhưng cháu không còn nữa. Khả-năng cứu-chữa cho cháu là vô
vọng. Bệnh-viện đề-xuất chuyện rút máy trợ thở. Tiếp đó, cháu sẽ hoàn toàn ra
đi.” Người mẹ bật lên tiếng nức nở. Họ lại ngồi yên-lặng, cùng bật lên một câu:
“Chúng tôi xin chia-sẻ với gia-đình”.
Cuộc họp cuối cùng sau đó 24 giờ
đồng hồ. Vẫn một thông-tin giống như trước. Bác-sĩ chỉ trên màn hình hoành-đồ
của não trông gần như một đường thẳng cho thấy: não-bộ đã hoàn-toàn tê-liệt. Bác
sĩ giảng giải kỹ lưỡng về căn bệnh SID và đi đến kết luận: hy vọng chỉ là zero.
Tiếp theo là ý-kiến gia-đình có chấp-nhận rút máy trợ thở hay không? Nếu có,
thì giờ nào sẽ rút máy cho cháu để cháu ra đi được thanh-thản.
Y-tá đã tìm-hiểu biết được là gia-đình
theo Đạo Phật, và họ tìm đọc trên mạng về Đạo Phật, nghi-lễ chôn-cất, hoặc mời
thày tới làm lễ ngay tại bệnh-viện. Rồi bàn về qui-trình rút máy trợ thở, bác-sĩ
sẽ trao cháu bé cho bố mẹ, cháu sẽ thở hắt ra, hoặc ho lên, rồi tắt ngụm hẳn,
da sẽ chuyển sang màu tím tái. Có gia-đình không muốn chứng-kiến cảnh-tượng này,
thường đợi bác-sĩ làm xong rồi nhận cháu bé với thân-xác đã bọc kín.
Y-tá còn đề-xuất nếu bố mẹ muốn
được nằm cạnh con, họ sẽ tìm cho một cái giường, để có thể nằm ôm cháu. Nghe
đến đó, thông-dịch đến đó, tôi nghẹn-ngào, vì chỉ mới 4 tháng trước, mẹ cháu
cũng đón cháu từ tay bác-sĩ, nhưng là lúc cháu chào-đời. Còn nay, bác-sĩ đưa
cháu để bố mẹ được ôm cháu vào những giây phút cuối. Bố mẹ cháu đã từ-chối vì
không thể chịu nổi.
Bác-sĩ dành cho gia-đình mọi sự
ưu ái. Khi nào gia-đình sẵn-sàng thì rút máy, cần hỏi gì thì bác-sĩ ở xung
quanh sẵn-sàng trả-lời mọi câu hỏi. Việc rút máy trợ thở có thể tiến-hành trong
buổi chiều hoặc đêm, hoặc sáng hôm sau. Gia-đình có nhiều thời-gian để bàn tính
và định-liệu.
Cuối cùng, giờ tốt đã chọn, thầy
chùa cũng được mời tới. Thời-gian chỉ tình bằng phút và bằng giây thôi. Tôi ra
về, khi mọi việc đã bàn-định xong xuôi.
Tôi nhìn cháu bé lần cuối, nói
với cháu rằng: “Lam ơi, cháu sống ở trên đời này quá ngắn, nhưng cháu đã làm được
một sứ-mạng lớn-lao là gắn kết mọi người lại với nhau, cháu làm tôi yêu quý
cuộc sống này, cháu là lý-do để tôi nhìn thấy những điều tốt-đẹp còn hiển-hiện
quanh tôi, để tôi thấy rõ tính chuyên-nghiệp trong công việc, tính nhân-văn
trong lời nói và cách ứng-xử của các bác-sĩ, y-tá và tình người tồn-tại trong
mỗi chúng ta. Cám ơn cháu, cầu mong cháu được siêu-thoát. Cháu hãy phù-hộ cho
bố mẹ cháu và người thân của cháu nhé”.
Tôi bị ám ảnh bởi bao nhiêu phức-cảm:
đau-thương, ưu-phiền, lành-thánh, tình người và phong-cách làm việc chuẩn-mực
và chuyên-nghiệp đến mức khó tin của tập-thể y/bác-sĩ trong một bệnh-viện có lẽ
tốt nhất thế-giới. Tôi cứ suy ngẫm làm sao họ có thể có được cách ứng-xử như
thế đối với người đồng-loại. Tôi cứ tần-ngần nghĩ đến những lần đi bệnh-viện ở
Việt Nam, bị bác sĩ, y-tá đối-xử thiếu tôn-trọng. Tôi băn-khoăn không biết bao
giờ xã-hội Việt Nam mình, nhất là những nơi cung-cấp dịch-vụ giáo-dục và y-tế,
có được tính-chất chuyên-nghiệp như thế này.
Ba tháng sau, bệnh viện gọi điện
cho tôi, nhờ tôi dịch qua điện-thoại cho họ với cha của bé Lam. Họ thăm hỏi,
chia buồn một lần nữa và thông báo là gia đình được miễn hoàn-toàn viện phí và
bệnh-viện cũng hỗ-trợ tiền mai-táng cho cháu. Họ cầu chúc cháu an-nghỉ và chia buồn
cùng cha mẹ cháu." (Le
Phan theo vietbf.com)
Vâng. Tình
người hoặc cung-cách cảm-tạ ân-huệ Chúa ban đã thể-hiện qua nhóm bác-sĩ đã
săn-sóc bé Lam rồi. Vâng. Có rất nhiều dấu-hiệu nêu rõ ân và huệ trong đời
người. Một đời có nhiều thứ để nhớ, nhưng vẫn quên. Và đời người, vào hôm trước
lẫn ngày nay, vẫn còn rất nhiều thứ lại cứ hay quên cả những điều hệ-trong
trong đời, vẫn rất ân và rất huệ.
Ân và
huệ, là những thứ tạo nên cốt-cách cuộc đời, cho con người. Cho cả tôi lẫn bạn,
suốt một đời. Trong cõi nghìn thu, mãi mãi vẫn cứ trôi.
Trần Ngọc
Mười Hai
Có nhiều
thứ rất hay quên,
nhưng sẽ
cố không quên
những ân
và huệ
mà bạn từng
làm cho tôi
cho mọi
người.
Ở đời
này.
No comments:
Post a Comment