(Lc 20: 34)
Kể ra, thật cũng khó mà định nghĩa được tình yêu, cho nó phải. Khó là bởi, “khi đã yêu, thì cho rất nhiều”. Cho cả con tim. Cho hết bạc tiền. Cho trọn chữ nghĩa. Có định nghĩa được hay chăng, chỉ khi đương sự đã bị những gì mà người trẻ gọi là “bò đá”, hoặc:“đi Tây”. Bò hay bồ, thì cũng vậy. Cũng như nhau.
Thế, hạnh phúc thì sao? Có định nghĩa được không? Trả lời câu hỏi này, cũng không khó cho lắm. Bởi, một khi bước vào cuộc đời, ai mà chẳng hơn một lần cảm nghiệm được cái-gọi-là-hạnh-phúc ấy. Và, khi cảm nghiệm được nỗi niềm sung sướng của cuộc đời rồi, thế nào cũng diễn tả được điều nọ. Chuyện ấy. Chẳng thế mà, nhiều vị danh nhân khoa bảng đã làm công việc không-ăn-lương này.
Dưới đây, là một vài trích dẫn rất cỏn con, về hạnh phúc:
*”Hạnh phúc là cộng thêm và nhân lên khi ta đem chia nó cho người khác.” (A.Nielson)
*”Hạnh phúc như nụ hôn, muốn thưởng thức phải san sẻ cho người khác”(Bernard Melzer)
*”Không phải sự giàu sang tạo nên hạnh phúc, mà là tĩnh lặng và việc làm.”(T. Jefferson)
*”Hạnh phúc ta gặp là trên đuờng đi chứ không phải ở cuối con đường ấy.” (Sol Gordon)
*”Hạnh phúc giữ trong tay chỉ là hạt, hạnh phúc mang san sẻ mới trổ hoa.” (E Hemingway)
*”Cứ một phút hờn giận,buồn phiền làm ta mất đi 60 giây hạnh phúc.” (Ralph W Emerson)
*”Nếu rượt đuổi hạnh phúc, ta không bao giờ gặp được chính nó.” (W. Wolfe)
*”Dù hạnh phúc đôi khi ở bên cạnh, cũng đừng bao giờ quên hẳn nó.” (Jacques Prévert)
…
Ấy, nói “định nghĩa hạnh phúc” cũng chỉ là nói thế. Chứ thật ra, hạnh phúc khó mà diễn tả được, bằng ngôn ngữ. Hoặc chữ viết. Mà, chỉ có thể cảm nhận qua cuộc sống. Với tâm tình. Cuộc sống và tâm tình, ta đặt tên cho nó là hạnh phúc theo quan niệm của các nhân sĩ đọc ở trên, còn biểu hiện rõ nét hơn, nơi cuộc sống lứa đôi. Cuộc sống, có những giây những phút ta cảm thấy là mình thích thú; hoặc sung sướng, chứ không thể lột tả cho hết được những điều thích thú, những nỗi niềm sung sướng ấy.
Có nhiều trường hợp, cuộc sống lứa đôi được coi là rất “hạnh phúc” kia, không thể kéo dài suốt một đời, như ta tưởng. Nhưng cũng giống như tình yêu, hạnh phúc vẫn có những giai đoạn thăng trầm, đầy trở ngại.
Thăng trầm và trở ngại của hạnh phúc lứa đôi trong cuộc sống nhà Đạo, vẫn là những kinh nghiệm mà nhiều người từng trải. Từng trải với nhiều kinh nghiệm, nhưng không phải là ai cũng có thể giải quyết êm đẹp. Hợp lẽ đạo.
Vừa qua, trên tờ The Catholic Weekly ở Sydney, một độc giả giấu tên, có thư về tuần báo xin được vấn kế/vấn nạn đấng bậc rất khả kính là Lm John Flader, như sau:
“Tôi có người bạn thân là Công Giáo. Khoảng 15 năm về trước, chị kết hôn với một tín đồ theo giáo phái Thệ Phản. Sùng đạo cũng không kém. Và suốt bao năm trời, chị không mấy sốt sắng trong việc thực thi niềm tin của mình, cho lắm. Nay, chị quay về với nhà thờ, muốn hăng say trở lại với các sinh hoạt như khi trước.Chị muốn điều chỉnh hôn nhân của vợ chồng chị, sao cho thích hợp, để chị có thể tham dự thánh lễ và rước Chúa như mọi người. Xin cho biết, có cách nào giúp chị làm việc ấy mà không bắt buộc chị quay về làm lại nghi thức hôn phối. Hoặc, phải đến với linh mục. Và, phải có ít là hai người làm chứng. Nhiêu khê quá. Hơn nữa, chồng chị thuộc vào loại cứng đầu. Anh không chịu tổ chức đám cưới lần nữa. Anh nói đã lấy nhau thật tình, sao cứ phải làm đám cưới một lần nữa cho mất công. Xin giải đáp giúp chị. Rất biết ơn.
Đã hỏi, mà lại hỏi ông cha hay ông cố, thì dù cố có là cố đạo hay cố vấn về luật Đạo đi nữa, thì cả cố lẫn cha sẽ phải lục lọi, và phán những luật và luật. Lê thê lắm. Tức, những gì các “cố” đã phán, đều sẽ đụng tới chữ “phải”, hết. Chữ nghĩa ngày nay không đơn giản, nhất là mỗi lần có ai đó muốn lập hành trình tìm kiếm những hạnh, và phúc. Rất tưng bừng.
Và, câu trả lời được diễn tả như sau:
Trước hết, như trong thư chị có nói là bạn chị muốn điều chỉnh hôn phối cách sao đó, ngõ hầu có thể rước Chúa khi đi nhà thờ dự lễ. Đây là điều rất hệ trọng. Bởi lẽ, hôn nhân của chị ta trong giáo hội Thệ Phản, không được Giáo hội Công giáo công nhận. Xem như thế, có thể nói được là chị ấy đang ở trong tình trạng “rối” (tức phạm luật) với một người mà chị đã kết hôn một cách không thành. Và vì thế, chị không đuợc phép rước lễ, mà ngôn từ bây giờ gọi là: Hiệp thông với Chúa.
Điều quan trọng cũng nên biết, là: nếu người nào Công giáo mà muốn kết hôn với người không-Công giáo tại nhà thờ không thuộc đạo Công giáo, vẫn được làm chuyện ấy, nếu có phép của vị Giám mục sở tại.
Lấy ví dụ: nếu người Công giáo kia là con trai hay con gái của một thừa tác viên trong Đạo cứ nằng nặc đòi phải cử hành lễ hôn phối, thì Giáo hội Công giáo thường vẫn cho phép những việc như thế.
Nếu đã được phép, thì hôn lễ được Hội thánh Công giáo công nhận là thành.
Khi đã nói đến điều chỉnh hay hợp thức hóa hôn nhân là ta có ý nói một việc gì đó đã được thực hiện; và, hôn nhân của đôi vợ chồng ấy, được coi là đã thành theo nhãn quan của Hội thánh. Thật ra, có hai phương cách để thực hiện việc này:
Một, được đơn giản coi như việc “hợp thức hóa” để thành hiệu lực. Việc này, đòi hỏi đôi vợ chồng phải trao cho nhau sự đồng thuận một lần nữa, trước mặt vị linh mục và có hai người làm chứng. Nói cách khác, cặp này sẽ làm đám cưới lại, và lần này trong phạm vi khuôn khổ của Hội thánh.
Đôi vợ chồng ấy, có thể chọn làm đám cưới công khai như một buổi cử hành đám cưới đúng nghĩa; có nhiều quan khách đến dự; coi như phương cách diễn tả niềm vui của hai người được kết thành hôn phối, dưới nhãn quan của Chúa và cộng đồng giáo hội.
Hoặc giả, hai người cũng có thể chọn cử hành trong vòng thân mật kín đáo hơn, chỉ cần có linh mục và hai người làm chứng, và có thể có một nhóm bạn bè thôi, cũng được. Theo cách nào đi nữa, lúc ấy đám cưới của hai người, mới được coi là thành, kể từ ngày cử hành đám cưới mới đây, thôi.
Cách thứ hai, để điều chỉnh hôn nhân được biết dưới cụm từ “Có hiệu lực hồi tố”, và việc này không đòi phải có sự đồng thuận trao cho nhau.
Làm cách này, hai người chỉ việc đến với vị Linh mục của mình, xin “hiệu lực hóa” hôn nhân. Khi đến, nên mang theo giấy tờ cần thiết -như: chứng thư hôn phối của đám cưới gốc, giấy rửa tội của hai người, vv..- và Linh mục sẽ chuyển giấy tờ này lên Đức Giám mục địa phận. Và lúc ấy, Đức Giám mục mới ban hành quyết định; hiệu lực hóa hôn nhân.
Làm như thế, hôn nhân của hai người này, mới được coi là có hiệu lực theo luật của Hội thánh, kể từ ngày đầu tiên đã làm đám cưới chưa có phép hợp thức.
Về hiệu lực hồi tố, hai vợ chồng dĩ nhiên vẫn tiếp tục đồng ý kết hôn với nhau, mặc dù họ không cần phải bày tỏ công khai sự đồng thuận này.Hình thức hiệu lực hóa hôn nhân như thế, có thể được cho phép ngay cả khi một bên không-là-Công-giáo, không am tường chuyện ấy. Đặc biệt nên khuyến khích làm như thế, chí ít là khi một trong hai người từ chối không trao cho nhau sự đồng thuận, vào buổi cử hành hôn lễ.
Về trường hợp chị nêu ra ở trên, là cuộc hôn nhân giữa người Công Giáo và người kia không-Công giáo, muốn cho “hôn nhân đa tôn giáo” thành hiệu lực, cũng phải có phép đặc biệt mới được. Trong trường hợp này, một số điều kiện cần được áp dụng. Phải đảm bảo là: không có gì nguy hiểm cho niềm tin của người theo Đạo Công giáo. Bởi, với tư cách Công giáo, ta hứa dùng quyền của người chồng hoặc vợ, chấp nhận sẽ rửa tội và giáo dục con cái theo nghi thức Công giáo. Và, người phối ngẫu nào không theo đạo Công giáo, đều phải am tường các bổn phận mà người Công giáo noi theo.
Vẫn biết, với hôn nhân đầu, đôi vợ chồng hoàn toàn có tự do tiến tới hôn nhân. Điều này có nghĩa, là: không người nào ở cả hai bên, đã từng tiến hành một đám cưới nào, trước đó.
Giả như, một trong hai người khi trước đã có kết hôn với nguời khác rồi, sau đó ly dị, thì người ấy cần có giấy quyết định hủy bỏ hôn nhân cũ, dành cho đám cưới trước. Giấy này do tòa án giáo luật cung cấp. Có như thế, đám cưới của hai người này mới thành. Mới có hiệu lực.
Kết hôn với người bên ngoài Đạo, có hiệu lực không? đó vẫn là thắc mắc của nhiều người. Của thời đại. Vấn đề, là vấn đề đối với giáo luật. Với đời sống xứng hợp với Đạo giáo. Cứ hỏi nhau về luật, dù luật đời hay Đạo, là phải trả lời như thế. Nhưng trên thực tế, ta có nên uyển chuyển và thông thoáng về vấn đề này không?
Trở về với chủ đề buổi phiếm hôm nay, có lẽ bạn cũng như bần đạo sẽ thấy khó hơn khi đặt thêm câu hỏi: biết làm sao định nghĩa được tình yêu …giữa những người nhà Đạo? Nhưng, có khó hơn chăng nếu có ai đó hỏi rằng: còn hạnh phúc giữa các người đi Đạo, thì sao?
Có lẽ, nên mượn ý của nhân sĩ nào đó có tên là Ziggy để trả lời, như sau: “Bạn có thể phàn nàn rằng:hoa hồng đẹp thật, nhưng lại có gai; hoặc bạn cứ thế mà hân hoan, vì trên cành gai kia sao lại có những bông hồng tuyệt đẹp như thế nhỉ?”.
Hoặc, cũng nên chọn định nghĩa của văn hào Victor Hugo về Hạnh phúc cuộc đời, dù đời ấy có là đời độc thân; hoặc, lấy vợ lấy chồng dù người phối ngẫu phía bên kia có là người đi Đạo hoặc không, vẫn cứ nói: “Hạnh phúc tuyệt đỉnh của cuộc đời là xác tín rằng ta được yêu thương”.
Trần Ngọc Mười Hai
chẳng thích định nghĩa nào cho bằng sống trước đã,
No comments:
Post a Comment