(Lc 12:32)
Tin Mừng Chúa nhật thứ 19 thường niên, thánh Luca đã ghi ngay từ đầu, một trấn an:
“Đừng sợ, hỡi chiên bày bé nhỏ,
vì Cha đã vui lòng ban Nước của Người
cho anh em.”
( Lc 12: 32 ).
Đó là chuyện xảy ra từ hơn hai ngàn năm trước. Nhưng vào thiên niên kỷ thứ ba hôm nay, có những vị chủ chăn không còn bé nhỏ ở quê nhà, nhưng vẫn biết sợ. Sợ ma? Sợ quỷ? Không rõ lắm. Nhưng, vị mục tử ấy đã trả lời phóng viên nước ngoài, khi được hỏi: ngài có kinh nghiệm gì không khi đấu tranh cho tự do tôn giáo ở nhà không? Thì cụ đã dũng cảm trả lời: “đó là sự sợ hãi.”
Về sợ hãi, chẳng riêng gì các chiên đàn bé nhỏ hay vị mục tử ở quê nhà, mới biết hoảng. Chừng như, nhiều đấng bậc trong “nhà Chúa” ở khắp nơi, cũng từng hoảng. Và từng sợ. Trong kinh thánh, khi được loan báo tin cao cả, rằng:
“Bà sẽ cưu mang Đấng Cứu Độ loài người”,
(Lc 1: 30).
Đức Maria cũng đã rất sợ. Mẹ sợ đến độ thần sứ phải trấn an:
“Maria đừng sợ !”
(Lc 1: 30).
Phụ nữ như Mẹ, phải đối đầu với chuyện khủng khiếp cao cả, sợ là phải. Đằng này, đường đường một Đấng nam nhi như thánh Yu-se, vị phu quân nhân hiền của Mẹ, cũng hoảng hốt khi nghe tin vui “dấy động cả bầu trời” ấy, thánh cả đệ nhất nam nhân, cũng đã sợ. Và, thần sứ Chúa cũng phải khuyên:
“Hỡi Yuse, con của Đavít,
chớ có sợ!”
(Mt 1: 20).
Giống như thánh cả, các thánh tông đồ mạnh dạn, cứng cỏi như các nhà lao động trên sông nước của Đức Chúa, cũng biết hãi. Chợt thấy bóng Vị Thầy Thân Yêu lại ngỡ là ma. Nên biết sợ. Khiến Thầy Nhân Hiền cũng phải trấn an:
“Anh em đừng sợ!
Chính Tôi đây.”
(Mt 14: 27).
Xem như thế, sợ là trạng thái thường tình xảy đến với nhiều vị. Nhiều người. Trạng huống này, có mặt cùng lúc với người đời và đời người, ngay khi xuất hiện trên đời, thời ban sơ. Và cứ thế, Sợ là đức tính kéo dài, đến hôm nay. Sợ là một trong các tình tự gắn liền với con người, từ lúc nào, không ai biết.
Nhưng, sợ là nghĩa lý làm sao? Thực chất của sợ ra thế nào? Sợ có làm cho con người mất thứ gì không? Thêm điều gì chăng?
Sợ mang nhiều hình thái. Sợ có nhiều lý do. Hình thái và lý do đầu tiên có thể kể đến, là: sợ trước tiên là tình tự qua đó con người không muốn mất đi thứ gì: từ tình yêu, người thân đến tiền của, an bình lâu nay con người vẫn đang có. Sợ ở trạng thái này, là: sợ mất trộm, sợ cướp, sợ bệnh, sợ chết, vv. Sợ thế, là không muốn thiếu hụt, hoặc tỉa bỏ. Nhưng lại muốn có thêm. Thêm Phúc thêm Lộc, thêm sống đời tuổi Thọ, với dân gian.
Sợ, là trạng thái tâm linh của con người chẳng muốn thiếu. Dù chỉ thiếu thốn vật chất. Mất đi bản nhất Trời phú ban cho mình. Sợ thiếu vật chất là chuyện đã đành. Con người còn sợ thiếu thốn cả mặt tinh thần nữa. Đây mới là chuyện đáng ngại. Sợ ở đây là: sợ thiếu. Sợ mất (cũng lại sợ mất). Có trường hợp không thiếu, không mất nhưng người người vẫn sợ. Sợ quá không muốn có thêm. Sợ vì không tin tưởng. Hoặc sợ vì vẫn chưa tin vào lời của người khác. Chưa tin, dù Lời ấy là từ một quyền năng/sức mạnh vượt trội trên mình. Nói tóm lại, sợ là tính chất của người không muốn sự thật nào đó diễn ra, trên thực tế.
Muốn diệt niềm hãi sợ này, chỉ có một cách duy nhất là tái tạo lại niềm tin. Bởi, một khi đã tin trở lại, nào ai có thể làm cho mình sợ sệt, được thêm nữa. Thử đảo mắt nhìn quanh, nhìn vào những giòng tâm sự trong Kinh thánh, ta cũng thấy ít nhiều về những nỗi hãi sợ vẫn diễn ra, từ ngàn trước. Chẳng hạn, những khẳng định của thời xưa:
- Trong thánh vịnh:
“Tôi tin tưởng vào Chúa
và không còn hãi chi.”
(Tv 56).
“Tôi luôn vững lòng không sợ hãi
và rốt cuộc coi khinh lũ địch thù.”
(Tv 112).
- Nơi sách Khôn ngoan:
“Lý do khiến Chúa nương tay,
cũng không phải sợ hãi gì ai.”
( Kn 12 ).
“Dù chẳng có chi phải lo sợ,
chúng cũng kinh hoàng vì sâu bọ đi hoang.”
(Kn 117).
- Và, ở sách Huấn ca:
”Nếu con lỡ nặng lời với bạn,
đừng lo sợ;
con có thể giải hòa.”
(Hc 22).
“Ai kính sợ Đức Chúa
thì không sợ hãi gì”
(Hc 34)…
Và, với Thánh Kinh Tân Ước:
“Khi anh em nghe có chiến tranh,
loạn lạc thì đừng hãi sợ.
Vì những việc đó phải xảy ra,
nhưng chưa phải là chung cục.”
(Lc 21: 9).
Và, nhất là:
“Thầy để lại bình an cho anh em,
đừng xao xuyến,
cũng đừng hãi sợ.”
(Yn 14: 27).
Với những lời nhắn nhủ như thế, chắc hẳn người nghe đã thấy an tâm, ấm lòng. An tâm hơn, khi nhớ ra rằng: những gì mình không làm nổi,
Nhiều người thời nay thường hỏi và vẫn hỏi:
“Yêsu, Ngài là ai” ?
Và, đây là câu trả lời bắt gặp trên mạng:
Với ngành hóa chất, Ngài biến nước thành rượu.
Ở môi trường sinh học, Ngài sinh ra mà không phải tạo thành.
Nơi ngành vật lý, Ngài đả phá luật trọng lượng, khi về Trời.
Qua kinh bang tế thế, Ngài bác bỏ luật suy giảm lợi nhuận, khi bồi dưỡng những 5000 sinh linh con người chỉ bằng 2 con cá và 5 tấm bánh.
Bằng vào y học của riêng mình, Ngài chữa lành người đui kẻ què, chẳng cần gì thuốc.
Trong lịch sử, Ngài là Đầu hết và cũng là Cuối hết.
Về với thế quyền, Ngài là Ông Hoàng của hòa bình, chuyên tư vấn lời khuyên tuyệt diệu.
Tại nhà Đạo, Ngài cứ nhắn nhủ: không ai đến được với Cha mà không qua Ngài.
Ngài là thế đó. Yêsu Kitô, đích thực tên Ngài.
Chính vì vậy, hãy cùng nhau đến mà phủ phục, ngợi khen.
Bởi, nếu ở gần, không ai còn gì để sợ, nữa. Dù có mất mát, khó khăn. Dù đau khổ, hay buồn phiền, cứ nhớ rằng: Ngài là Đấng Ủi An. Bậc Vĩ Nhân của lịch sử loài người.
Xem tới đây, nếu người người vẫn còn sợ, thì cũng chỉ nên sợ kính, mỗi Đức Chúa Đấng Nhân Hiền rất mực, mà thôi. Phải thế không, hỡi bạn hữu khắp nơi ?
Trần Ngọc Mười Hai
vẫn biết kính
và biết sợ,
như bao giờ
No comments:
Post a Comment