( Mt 26: 61 )
Có một điều mà mọi người, bạn cũng như tôi, không thể phủ nhận được, đó là: trong quá trình gợi chuyện và kể chuyện, ta vẫn dùng đến ngôn ngữ. Có thể là ngôn ngữ nói, rất bình dân. Có thể là ngôn ngữ viết, rất bác học, và, ngôn ngữ ta dùng hoặc tượng thanh, hoặc rất tượng hình.
Với người Việt, hầu như mọi người đều không chỉ hài lòng với ngôn ngữ nói chung, mà còn tự hào với sự giàu có của tiếng Việt nữa. Chẳng hạn, để chỉ ngôi thứ nhất số nhiều, bên tiếng Anh, tiếng Pháp có mỗi một chữ “We – Nous”; trong khi tiếng Việt ta có một loạt từ như: Chúng tôi, Chúng ta, Chúng con, Chúng cháu, Bọn tôi, v.v... Ở ngôi thứ nhất số ít, ngôn ngữ bạn có mỗi một chữ “Je – I” trong khi ta có đủ: Tôi, Tao, Tớ, Con, Cháu, Thầy, Chị, Anh, Em, Bố, Mẹ v.v…
Trong tình huống tương tự, khi “kể chuyện” mà gặp các từ bên tiếng Anh, tiếng Pháp như Church – Église, các nhà dịch thuật sẽ dùng cụm từ khác nhau để chỉ cùng một ngôn ngữ gốc, như: Hội Thánh, Giáo Hội, Thánh Đường, Giáo Đường, Đền Thờ, Phẩm trật giáo quyền v.v…
Cụ thể hơn, quay về với Kinh Thánh tìm hiểu các đoạn nói về “Nhà Thờ” tương đương với chữ “Church – Eglise”, người đọc sẽ bắt gặp rất nhiều từ, như:
“Các ông cứ phá đền thờ này đi,
nội trong ba ngày Tôi sẽ xây dựng lại.”
(Mt 26: 61)
hoặc uyển chuyển hơn:
“Ngươi là Đá, và trên Đá ấy, Ta sẽ xây Giáo Hội của Ta. (Mt 16, 18)
Với thánh Phao-lô, cụm từ trên còn có nghĩa:
“Phao-lô Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su kính gửi Hội Thánh của
Ở đoạn khác trong Sách Thánh, cố Lm, Nguyễn Thế Thuấn, DCCT, đã chuyển ngữ chữ “Church – Eglise”, thành “buổi hội”: “Phụ nữ phải làm thinh trong các buổi hội.”
Xem thế, thì tự thân, chữ “Church – Eglise” mang tính phong phú cả về thể lý, lẫn linh đạo. Đôi khi, sự phong phú của ngôn ngữ – nhất là trong trường hợp này – còn đưa dẫn người kể chuyện cũng như người nghe về một tình huống xôn xao, bực dọc. Thứ xôn xao dễ gây ngộ nhận, về mặt tình cảm.
Dạo gần đây, một số Giáo Dân ở hải ngoại, khi hướng lòng mình về với Giáo Hội ở nhà, chỉ nhìn Hội Thánh (Church – Eglise) như một tập thể gồm các chức sắc, đấng bậc có trọng trách cai quản các tín hữu Đức Ki-tô, thôi. Cho nên, cái nhìn của các vị mang tính xao xuyến, lo âu biểu hiện rõ nơi truyền thông báo chí như:
“… Sao độ này các Linh Mục, Giám Mục nhà mình hay xuất ngoại xin tiền xây Nhà Thờ/nhà thánh thế nhỉ… Các ngài làm như vậy dễ khiến cho người ở ngoài lầm tưởng là ở Việt
Đằng khác, có một số nhận định từ nhiều phía vẫn coi Giáo Hội ở quê nhà chỉ gồm chức sắc, đấng bậc mà thôi, nên thắc mắc của quý vị này đượm nhiều phiền trách:
“…Tại sao các Giám Mục bên nhà vẫn lặng thinh để mặc cho nhà cầm quyền thao túng, cướp đi cái vai trò và trách nhiệm của Giáo Hội trong việc bổ nhiệm và phong chức Linh Mục, như thế? Sao các ngài cứ để con chiên, đệ tử của mình bị bách hại, hoặc cầm tù lâu ngày mà chẳng lên tiếng bênh vực, gì hết vậy ?”
Những xao xuyến và nhận định có phần bức xúc ở trên, đã đưa nhiều người về với trạng thái xốn xang, khó nguôi, thậm chí, có những bức xúc đạt mức cao độ khiến nhiều vị, trong cũng như ngoài nước, mất cả niềm tự chủ, phải thốt lên lời hằn học, chỉ trích công khai trên truyền thông, báo chí. Rõ thật không phải.
Về với đề tài “Một thoáng mẹ hiền” hôm nay, bần đạo không rõ cụm từ Hội Thánh – Giáo Hội khởi sắc từ lúc nào và được đưa vào kinh sách của các tôn giáo những bao lâu. Nhưng, nếu tầm nguyên bên tiếng Anh là chữ “Church”, ta thấy tự điển The Macquarie Encyclopedic Dictionary của Úc có đưa ra các định nghĩa rõ ràng về từ Church như sau:
Church:
- là công trình kiến trúc được dùng làm nơi phụng thờ (tức Giáo Đường, Nhà Thờ)
- là việc công khai phụng thờ Thượng Đế, nơi hội họp (tức sự tuyên tín trong Nhà Thờ)
- (viết Hoa) là cộng đoàn gồm các kẻ tin vào Đức Ki-tô (tức Hội Thánh của Chúa Ki-tô)
- (viết Hoa) là hệ phái những người cùng một lòng tin, công nhận một quyền bính (tức Giáo Hội)
- là quyền bính Giáo Hội so với quyền bính ở dưới thế (tức Phẩm trật Hội Thánh)
- là nhóm người hoặc tổ chức tôn giáo không tin vào Đức Ki-tô như Do Thái Giáo, Phật Giáo (tức giáo phái, giáo hội).
Mặt khác, theo The Dictionary of Jesus and the Gospels, InterVarsity Press 1992, thì chữ “Church” (có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là Ekklẽsia ) đọc thấy trong Tin Mừng theo thánh Matthêu ở đoạn 16, 18 và 18, 17. Qua đoạn này, các sử gia Tin Mừng khẳng định rằng Hội Thánh Đức Ki-tô chính là Nước Trời. Là, Cộng Đoàn các kẻ tin vào Chúa.
Xem như thế, mọi xôn xao bức xúc của bè bạn khi hướng lòng về Hội Thánh sở tại, vẫn là tâm tình mà các vị đang có đối với các đấng bản quyền có trọng trách chăm nom cộng đoàn kẻ tin hiện sống nơi quê nhà. Tâm tư này trải dài ở tầm mức quốc tế. Nghĩa là, phổ biến rộng với nhiều người đang sống tại nhiều nơi, trên thế giới.
Tầm mức quốc tế này, đã phần nào nói lên đặc điểm “chung” và “rộng khắp” của đạo giáo có tầm kích qui mô, là Đạo Công Giáo. Chính vì tính cách “chung” và “đại đồng” của Đạo mà mối xôn xao/lo ngại nói trên đã vượt quá phạm vi quốc gia, Giáo Phận và giáo xứ.
Tuy nhiên, “lo” giữ Đạo ở Giáo Xứ, Giáo Đoàn mình ngoài nơi mình ngụ cư, và “ngại” cho trọng trách cai quản Hội Thánh ở nhà, có là tâm tư/thắc mắc phải chăng, rất đáng quan ngại hay không ?
Thắc mắc, vì có nhiều vị ở hải ngoại (tức đang sống với Giáo Hội sở tại) mà vẫn lo và ngại cho các đấng bản quyền mình ở trong nước (tức Giáo Hội mình đã rời bỏ). Thấy các “cụ” bị cấm cung, không xuất ngoại tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục được thì lo rằng Giáo Hội ở nhà không chừng sẽ biến thành Giáo Hội thầm lặng (như Trung Quốc), cũng buồn. Rồi khi, các đấng bậc được phép ra ngoài thăm các giáo đoàn định cư ở khắp nơi trên thế giới, thì các cụ lại lo là: các “đấng” ấy không chừng bị rơi vào bẫy cạm thâm độc của nhóm người nổi danh là “vô thần” bóp chết tự do tôn giáo, rất lo xa.
Ở đây, cũng chẳng nên tranh cãi hoặc kéo về cùng phe với bất cứ ai. Bởi, nếu cứ lý luận hoặc tranh cãi với nhau mãi về tư thế của Giáo Hội nhà, rồi ra bà con sẽ quên bẵng mất một khẳng định nòng cốt Đức Ki-tô đã nói từ trước với vị chủ chốt Giáo Hội tiên khởi hôm nào, rằng:
“và quyền môn âm phủ sẽ không thể thắng nổi.”
(Mt 18, 18)
Đồng thời, nếu cứ mải tranh luận, có thể bà con cũng sẽ quên bẵng lời nhắn nhủ khẩn trương của vị Giám quản Tông Toà cộng đoàn tiên khởi, là Saulô, người từng bách hại Hội thánh Chúa khi trước, nay hồi hướng trở về:
“Hỡi anh em, nhân danh Chúa chúng ta, Đức Giê-su Ki-tô, tôi nài xin anh em hãy lo cho được đồng ý với nhau hết thảy, đừng để có sự chia rẽ trong anh em, nhưng hãy đoàn kết trong cùng một tâm trí, cùng một quan điểm.” (1 Cr 1, 10)
Vả lại, nói về chuyện “gây khó dễ, bách hại”, thì không phải chỉ lúc này Hội Thánh Chúa mới gặp phải. Theo lịch sử, ngay buổi đầu, những người rủ nhau vào chốn hoang vu nghe Đức Ki-tô giảng giải, tất cả đều đã ra đi. Đi, cả vào lúc đang bị ngoại bang đô hộ, nữa. Là Đấng chuyên kể chuyện dụ ngôn cho người bị cấm đoán, chịu đô hộ, Đức Ki-tô cũng đã bị khó dễ, đủ điều.
Vào thời tiên khởi, Hội Thánh có các hang toại đạo đầy những hãi sợ. Có khổ giá, bắt bớ hành hình, mà các mục tử rao giảng còn chẳng sợ. Đến thời Trung Cổ, đầy những cảnh dầu sôi lửa bỏng, máy chém hoặc giây thừng quàng cổ mà người đi Đạo lẫn đấng giảng rao, đâu nào cản ngăn được bàn tay Chúa Thánh Linh đỡ đần và soi sáng. Xá chi, những kẻ xấu tân thời có làm khó cũng chỉ để tranh giành lợi lộc, quyền thế hoặc mưu sinh.
Hội Thánh ta, tuy yếu ớt, bé nhỏ, nhưng luôn tồn tại trước mọi phong trào bách hại tinh vi, thâm độc đến cực độ. Ai còn lo lắng trước sức mạnh cản ngăn từ các kẻ xấu, là chưa tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh, quyền uy của Chúa Thánh Linh đang hoạt động khắp nơi, vào mọi lúc.
Nếu bảo rằng, các đấng bậc ở nhà, bình chân như vại vẫn cứ làm ngơ trước mọi hình thái bách hại, ngăn tự do tôn giáo và ngôn luận, thì làm sao biết được là các ngài đã và đang làm thinh? Cũng có thể, các ngài đang bị bách hại cũng không kém, theo kiểu tinh vi/khoa học hơn xưa? Cũng có thể, các ngài được Chúa Thánh Linh soi sáng, đang chiến đấu không ngừng nghỉ cho Nước Chúa được bền đỗ đến cùng ?
Đằng khác, đâu cứ phải ra mặt chống đối kẻ xấu mới là cách hay nhất/đúng nhất để giúp Hội Thánh thực hiện chức năng của mình và sống bên cạnh “quyền môn âm phủ” mà chẳng bị âm phủ bế môn uy quyền? Có thể bà con ta không ở trong cuộc, nên quá nhiệt tình với Giáo Hội “ở nhà”, chợt quên mất lời Thầy dặn, trước ngày Thầy về với Cha, chăng? Lời ấy thế này:
“Vậy, các ngươi hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân…”
(Mt 28, 19)
Và, nhất là:
“Này, Ta sẽ ở với các ngươi mọi ngày cho đến tận thế.”
(Mt 28, 20)
Cuối cùng, Giáo Hội ở nhà dù đang lâm vào thế cùng quẫn, cũng sẽ không quên rằng: tất cả đều là ân huệ. Ân huệ được gửi đến theo một hình thái rất nghịch lý. Nghịch lý ấy, đôi khi khó mà tưởng tượng hoặc chấp nhận được. Nhưng, đó mới là mầu nhiệm. Đó mới là thử thách. Thử thách, ở thời tinh vi, khoa học.
Để bà con có thể thư giãn một chút, cũng nên đính kèm theo đây vài hàng chuyện kể mang dáng dấp tâm tình của một cộng đoàn nhỏ thân thương. Vì là chuyện kể từ nước ngoài, nên sẽ có đôi chút “hải ngoại”, chắc bà con cảm thông:
“Hồi còn trung học, tôi có một cô giáo có tài rất đặc biệt. Chồng cô vừa qua đời sau cơn đau tim, chẳng có dấu hiệu gì báo trước. Một tuần sau cái chết của người chồng, cô giáo vào lớp chia sẻ với các em học sinh của cô, lúc sắp đến giờ tan học. Với dáng điệu trầm buồn nhưng thư giãn, cô suy nghĩ giây lát, rồi chậm nói:
“Trước khi kết thúc lớp học chiều nay, cô muốn san sẻ với các em mảnh vụn suy tư không liên quan gì đến lớp của mình; nhưng cô thấy nó rất quan trọng đối với chúng ta. “Mỗi người chúng ta vào với cuộc sống này là để học hỏi, san sẻ, yêu thương, cảm tạ và cho đi những gì mình trân quý nhất. Không ai trong chúng ta biết được ngày nào thì các kinh nghiệm tuyệt vời ấy chấm dứt. Có thể nó bị lấy đi vào bất cứ lúc nào. Có thể đây là cách mà Thượng Đế muốn tỏ cho ta biết mình phải thực hiện tối đa điều tốt đẹp trên đời, dù chỉ phút chốc nhỏ nhoi, trong ngày.
“Mắt cô hơi rướm lệ. Nhưng cô vẫn tiếp tục:
“Thành thử, hôm nay cô muốn tất cả các em hãy hứa với cô một điều là từ giờ trở đi, trên đường đi đến trường hoặc lúc về nhà, các em hãy tìm cho ra thứ gì tốt đẹp, xinh xắn và đặt vào đó sự chú ý của mình. Không cần phải là những gì mình đang thấy. Có thể là mùi thơm từ đâu đó. Có thể là mẩu bánh cỏn con người nào đó vừa vứt vào xọt rác bên đường. Có thể là cơn gió thoảng. Là, xào xạc tiếng lá rơi bên thềm; hoặc, nhè nhẹ ánh nắng ban mai chiếu chậm lên lá vàng rơi đang từ từ rớt xuống, bên đường.
“Hãy để tâm đến những thứ ấy và trân trọng chúng. Bởi, dù chúng có là đồ bỏ, vô dụng đối với một số người, nhưng vẫn là phẩm vật của đời thường. Dù chỉ là chút quà nhỏ bé gửi đến với ta để ta vui hưởng cuộc sống mỗi ngày. Những vật mà ta quên lãng; hoặc, không còn thuởng thức, cũng nên trân trọng. Điều cần, là các em phải để ý đến chúng. Bởi, có thể, vào bất cứ lúc nào, tất cả những thứ ấy sẽ bị nhanh chóng lấy đi.”
“Cả lớp bỗng trở nên im ắng. Và sau đó, chúng tôi sắp dọn sách vở, chuẩn bị rời lớp ra về. Chiều đến, tôi để ý nhiều thứ hơn những gì tôi vẫn làm trong cả học kỳ. Có khi, chỉ trong khoảnh khắc, tôi đã nghĩ đến những thầy, những cô mà tôi có dịp được học ở trường. Nhớ lại cái cảm giác lúc cô chủ nhiệm đem điều ấy đến cho tôi. Tôi cố trân trọng và vui hưởng các vật dụng của đời thường mà trước đó, tôi chỉ nhìn qua, rất thoáng.
*
Chuyện vừa kể, không chấm dứt ở đó. Rất ngắn. Nhưng, được người kể thêm vào một chút gì để gọi là có hương có hoa, có cả đề nghị, như sau:
“Trưa nay, bạn hãy chú ý đến những gì rất đặc biệt mà bạn được thưởng thức trong bữa cơm đạm bạc, hằng ngày. Hãy thử đi chân đất. Thử tản bộ trên bãi cát biển xanh, khi mặt trời vừa xuống thấp… Cứ thử xem. Thử nhiều hơn. Bởi, với tuổi đời trôi nhanh, thường vì mình không chỉ quên những gì mình đã làm; nhưng, quên cả những gì mình không làm hoặc chưa kịp làm nữa, mà thôi.
Mọi người trên đời chẳng thể nào đo lường cuộc sống bằng lượng không khí mình hít thở, nhưng bằng giây bằng phút mà chính hơi thở của ta bị cất đi, không báo trước.”
Áp dụng câu truyện mà bạn và tôi đang bàn, Hội thánh Chúa vẫn bao gồm cuộc sống của nhiều đấng bậc, kẻ tin. Hội thánh, chính là thực thể được đưa vào cuộc trần, là để ta có thể chia nhau mà học hỏi. Để yêu thương, cảm tạ và cho đi những gì mình đang trân quý.
Hòa với giòng chảy suy tư của cô giáo trong truyện kể trên, bần đạo nghĩ mình cũng nên trân trọng cảm tạ những gì được gửi đến cho riêng mình. Cho thành viên của mỗi cộng đoàn mình đang sống, dù ở trong hay ở ngoài đất nước tạm dung. Hãy vui hưởng và trân trọng tất cả. Bởi, rồi ra những gì gửi đến với ta sẽ được cất đi vào bất cứ lúc nào, không báo trước.
Trần Ngọc Mười Hai
và những trăn trở
khi có những phiền hà
về một số công việc
No comments:
Post a Comment