Friday, 7 December 2007

Nghèo và cái eo

(Mt 5: 3)

Xưa nay, các cụ nhà ta thường có thói quen hay ví von lẩm cẩm. Lắm lúc, còn dặm chêm đôi ba câu sáo ngữ để diễn tả các tình huống khác nhau trong cuộc sống thường nhật. Một trong các câu ví mà người người thoạt nghe có vẻ xuôi tai; nhưng nghĩ lại, chẳng thấy thuận nhĩ chút nào. Đó là cụm từ “đã nghèo lại phải cái eo”.

NGHÈO và EO, quả là hai đặc thù tương đối giản đơn và hợp vận, thường được dùng để bày tỏ một nhân sinh quan không mấy hấp dẫn về hai chữ Phúc-Họa, trong đời người. Quan niệm nhân sinh này thật ra không mấy phấn khởi; nên, vẫn được mọi người kêu gọi đề cao cảnh giác mỗi khi có ai gặp điều may-vận rủi, đều được nhắn nhủ: “Phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí” (tức: cái may không đến hai lần, điều rủi không hẳn chỉ có thế).

NGHÈO: với văn chương bình dân

Họa-Phúc/Phúc-Họa, vỏn vẹn chỉ hai thanh âm biệt lập nhưng gói ghém toàn bộ cả một triết-thuyết nhị-nguyên, về cuộc đời. Đây là sự thật mà bất cứ ai có chút kinh nghiệm sống đều công nhận. Tuy nhiên, có một nhận định khác, hiển nhiên không kém phần tực tế, nhưng chẳng mang tính cách lạc quan chút nào hết; đó là, nhận định của rất nhiều người: “Giàu đâu chẳng thấy, nghèo ơi là nghèo…”

Nếu đánh vần, chữ “nghèo” theo lối đương đại như e..o = eo… ngờ …eo.. huyền = nghèo, hẳn ai cũng phải công nhận, rằng: “chữ nghèo liền với chữ eo một vần”. Xét cho cùng, “nghèo” với “eo” không chỉ tương quan “hợp vận” mà thôi; nhưng thực tế, “nghèo” thường dính liền với “eo” như hai mà một. Nó chợt đến chợt đi lúc nào cũng không biết. Lắm khi không ngờ.

Nghèo và eo dính liền và ăn sâu vào thân phận con người đến độ người nghèo không tài nào bỏ được cái “eo” tai hại ấy. Cái “ngờ..eo..huyền” đã khủng khiếp là thế mà ngôn ngữ dân gian còn dặm thêm đôi ba hình dung từ đặc biệt khác cốt để làm nổi bật tình trạng tối ư cùng cực của căn bệnh này, cho mọi người sợ, như: nghèo mạt rệp, nghèo cháy túi, nghèo rớt mồng tơi, nghèo kiết xác, vv và vv.

NGHÈO: qua thi văn hiện đại

Văn chương bình dân miêu tả cái “nghèo” đại loại là như thế. Nhưng, văn chương bác học còn nhận định “nghèo” một cách khác hẳn:

Đây, này một Nguyễn Công Trứ:

“Chẳng phải rằng ngây chẳng phải đần,

bởi vì nhà khó hóa bần thần”

(NCT – Cảnh Nghèo)

Và:

“quân tử lúc cùng thêm thẹn mặt,

anh hùng khi gắp cũng khoanh tay.”

(NCT-Cảnh nghèo).

Đó, kìa một Trần Tế Xương:

“Một tuồng rách rưới con như bố,

ba chữ nghêu ngao vợ chán chồng.”

(TTX – Mùa Nực Mặc Áo Bông)

Và rồi, một đấng đạo mạo như Nguyễn Du tiên sinh cũng đến phải than:

“Bắt phong trần phải phong trần,

cho thanh cao mới được phần thanh cao.”

(ND – Truyện Kiều)

Xét cho kỹ, có lẽ chẳng phải ai ai cũng đồng ý với tác giả Truyện Kiều về quan niệm phong trần hoặc nghèo khổ; coi đó như thứ định mệnh phũ phàng, không lối thoát. Trong khi, Nguyễn Công Trứ chỉ coi “nghèo” như một cơn bĩ cực hoàn toàn có tính cách giai đoạn, nhất thời:

“Còn trời còn đất còn non nước,

có lẽ ta đâu mãi thế này.”

(NCT – Than Nghèo)

Thậm chí, chán ngấy cảnh nheo nhóc, túng bấn như Trần Tế Xương mà cũng còn biết chúc người chúc mình như sau:

“Bắt chước ai ta chúc mấy lời,

Vua, quan, sĩ , thứ, người muôn nước

Sao được cho ra cái giống người.

(TTX – Chúc Xuân)

Trên đây là những mô tả hình thái không mấy hấp dẫn của người nghèo, cảnh nghèo. Những than và vịnh; kể lể những trạng huống nghèo nàn, cơ cực. Giờ đây, ta về với.

NGHÈO: theo quan niệm thần học kinh thánh

Thần học kinh thánh không những bàn luận sâu sắc về ý nghĩa chữ “nghèo” hoặc về người nghèo; mà còn, khẳng định rằng đó chính là trạng huống của cái gọi là PHÚC, chứ chẳng phải là HỌA như cả Đông lẫn Tây đều quan niệm.

Trong cả hai Cựu ước và Tân ước, có ít nhất 179 đoạn nói đến “nghèo” và tinh thần nghèo khó. Từ ban sơ, khi có ý định nhập thế, Thiên Chúa đã không chọn cảnh giàu sang phú quý để mang thân phận làm người. Nhưng, Ngài lại mặc lấy cho mình chính cái “nghèo”, tức: thân phận cơ cực nhất của loài người:

“Và, bà đã sinh con đầu lòng

và lấy tã vấn con

và đặt nằm trong máng cỏ

vì không có chỗ cho ông bà trong quán trọ.”

(Lc 2: 7)

Rồi, khi bắt đầu rao giảng về Nước Trời, mục tiêu của chương trình cứu độ, Đức Kitô đã tuyên bố Hiến Chương Nước Trời, qui chiếu vào chuyện “nghèo”. Nói cách khác, Ngài đem Tin Vui An Bình đến với người “nghèo” và trước nhất, chỉ với người “nghèo” mà thôi:

“Phúc cho những kẻ có tinh thần khó nghèo,

vì Nước Trời là của họ.”

(Mt 5: 3)

Thậm chí, toàn bộ lời rao giảng cũng chủ yếu hướng về mỗi người “nghèo”:

“Và, người nghèo khó

được nghe báo Tin Mừng.”

( 11: 5; Lc 7:22)

Và:

“Nếu ngươi muốn được trọn lành

thì hãy đi bán những gì ngươi có mà cho kẻ khó

và ngươi sẽ có một kho tàng trên trời.”

(Mt 19: 21; Mc 10:21; Lc 11:41)

Thêm vào đó, chính thánh Phaolô đã nhiều lần khẳng định:

“Đức Giê-su Kitô:

làm sao giàu có như Ngài mà,

vì anh chị em,

Ngài đã nên nghèo khó,

ngõ hầu anh chị em được nên giàu có

nhờ sự khó nghèo của Ngài.”

(2Cr 8:9)

Mặt khác, chính vị thánh “nghèo” như Phao lô vẫn thường nhắc nhở:

“Duy có điều này

là chúng ta hãy nhớ đến

những anh chị em nghèo khó,

một điều quả tôi đã quan tâm thi hành.”

(Ga 10)

Xem như thế, theo kinh thánh thì “nghèo” tuyệt nhiên không có nghĩa là thảm cảnh hoặc tình trạng đáng chê bai, nguyền rủa. Nhưng trái lại, đấy chính là tiên cảnh, là trạng huống phản ánh Nước Trời ở trần gian, nơi mà mọi người trong đó đều được Thiên Chúa chúc phúc, cũng như kề cận.

Người nghèo, từ đấy không còn là kẻ bị hắt hủi, bỏ bê mà chính là người của Chúa, người được Chúa đoái thương. Nhìn từ góc cạnh nào đó, có thể nói: “nghèo” không còn là trạng thái “mạt rệp”, “rớt mồng tơi”, “kiết xác” hoặc gì gì đi nữa. Mà, nghèo chính là người bạn tình của Thiên Chúa. Vì chính Chúa đã hạ sinh trong cảnh túng bấn, khó nghèo. Ngài đã sống một cách “nghèo” khổ và đã chết trong cảnh cơ cực.

NGHÈO: ấy chính là Hội thánh

Nghe theo và rập khuôn với Đức Giê-su nghèo, Hội thánh (tức, cả hệ cấp thần quyền lẫn các Kitô hữu) đều vẫn xác minh rằng: bản thân mình vốn “nghèo”, luôn đặt mình về phía người “nghèo”, sống cho hạng người “nghèo” và vì người “nghèo”. Lịch sử giáo hội Công giáo luôn sáng chói về điểm này. Mỗi trang, mỗi giòng trong giáo sử đều hàm ngụ những nét chấm phá nổi bật với tính chất “nghèo” và khổ.

Xưa nay, đã là Kitô hữu, thì dù có là cha hay con, mẹ hay chị, Đức Ông hay Đức thày, nhất nhất người người đều nghèo. Phải nghèo. Vui thú vì nghèo. Hãnh diện vì nghèo. Các vị tu sĩ, giáo sĩ, trợ sĩ, nữ tu đã và đang nhất mực duy trì tinh thần “nghèo” khó; coi đó, như một trong các mục tiêu/mục đích của cuộc sống tông đồ hoặc tu trì của mình. Nghĩa là, các vị nhất quyết sống “nghèo” để mở mang Nước Trời; tức, Vương Quốc của Chúa chẳng bao giờ giàu sang, hoặc xa hoa phung phí, hết

Thản hoặc, đây đó vẫn có nhiều người thường hay thắc mắc hỏi rằng: ngày nay không biết Hội thánh có còn là Hội thánh của người “nghèo” hay không? Hoặc: các giáo sĩ, tu sĩ, Kitô…sĩ có còn sống đời nghèo túng nữa chăng? Các dòng tu khắc khổ như: dòng Tiểu Đệ, Tiểu Muội Đức Giê-su, mà mục tiêu cao cả là chuyên lo mở rộng Nước Trời cho người “nghèo” khổ, sống như người nghèo, chung đụng với người nghèo, thì sứ vụ ấy có còn được triệt để áp dụng nữa không?

Ở các nước dư ăn dư mặc, hoặc không đến nỗi “nghèo” về vật chất lẫn tinh thần, thì tìm đâu ra người “nghèo”, kẻ khó để mà rao giảng? Để truyền đạo? Nay, để gợi giải đáp cho câu hỏi trên, thiết tưởng không gì bằng trích dẫn ở đây đôi ba đoạn Tin Mừng ngắn và gọn, như:

“vì chưng kẻ khó,

các ngươi vẫn luôn có với các ngươi..”

(Yn 12: 8)

Và:

“Thầy sẽ ở lại với các con

mọi ngày cho đến tận thế…”

(Mt 28: 20)

*

Vậy thì, hỡi các bạn tình “nghèo” của tôi, chính các bạn là hiện thân của Đức Kitô Đệ Nhất Khó Nghèo, các bạn hãy hãnh tiến phấn khởi hơn lên; vì, vinh quang Nước Trời thuộc về các bạn. Vì, tất cả giáo sĩ, tu sĩ cũng như Kitô …sĩ vẫn đang ở về phía các bạn, đấy!

Trần Ngọc Mười Hai

và đôi lời nhắn nhủ

gửi đến các bạn “nghèo”.

No comments: