Friday, 7 December 2007

Áo Anh trắng quá, nhìn không ra

(Yn 21: 4)

Đã có lần, nhiều người có nhận định rất ư là lẩn thẩn quanh mấy chuyện vẩn vơ, như: nhà thơ Hàn Mặc Tử khi nói câu trên, chắc cũng đã liên tưởng chút nào đến Đức Chúa sống lại ngày Phục Sinh, chứ nhỉ? Hỏi như thế, có dịch ra tiếng La-tinh hay tiếng Ý để hỏi, thì vị đứng đầu Giáo hội nhà mình cũng chẳng biết nhờ ai mà trả lời.

Giả như, câu hỏi bâng quơ của yếu nhân nào đó cho đi là đúng, thì ắt hẳn đồ đệ thời của Chúa cũng đã mang cùng tâm trạng, như thi sĩ mọi thời? Bởi, có thi sĩ nọ đã từng thì thào, rằng: “Làm thi sĩ, nghĩa là ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” (Xuân Diệu – Cảm xúc), thưở nào rồi. Có thể là, các môn đệ chắc cũng có tâm hồn trăng sao thi sĩ ghê lắm, mới không nhận ra được Thầy qua mầu trắng Phục Sinh, hôm nào:

“Xảy ra là đang lúc họ chuyện vãn

và bàn tính với nhau

thì chính Đức Yêsu tiến lại gần bên

mà đi với họ;

nhưng mắt họ bị ngăn

không làm sao nhận ra được Ngài”

(Lc 24: 15).

Thôi chết thật rồi. Không nhận ra được Ngài, chẳng phải vì các môn đệ vốn là thi sĩ hay nông dân thuyền chài gì gì đi nữa, nhưng chỉ vì mắt mình bị ngăn. Ngăn hay ngừa, đâu phải chỉ có các môn đệ vốn nam nhân, mới bị như thế. Cả các phụ nữ cũng đến thế, mà thôi. Đích thân, các vị phụ nữ cũng đã chạy tứ tán lùng tìm xem ai đã lấy xác của Thầy mình đi; để rồi, Thầy đứng sờ sờ ngay trước mắt đó, mà cũng không biết:

“Nói rồi, bà quay lại đằng sau

và trông thấy Đứng Yêsu đứng đó,

nhưng không biết là chính Đức Yêsu.”

(Yn 20: 14)

Rõ ràng, chỉ bình thường mắt thịt, thị sĩ họ Hàn đã dùng đến cụm từ “trắng quá, nhìn không ra”. Với thánh Luca, thì lại khác: “họ không nhận ra Ngài”(Lc 24: 15). Thánh Yoan, thì nói: “các bà trông thấy, nhưng không biết”(Yn 20: 14). Và, thánh Marcô lại trình thuật: “Ngài quở mắng sự cứng tin, lòng chai đá của họ, bởi họ không tin những kẻ được thấy Ngài đã sống lại” (Mc 16: 14).

Sau cùng, với thánh Mat-thêu, thì rõ ràng hơn:

“Thấy Ngài,

họ phục lạy

nhưng có kẻ hoài nghi” (Mt: 28: 14).

Cũng có thể: nhìn không ra, không thấy, hay không nhận… cuối cùng vẫn chỉ là nhìn trong trạng thái hoài nghi, chưa tin. Chả thế mà, Đức Kitô khi đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, Ngài vẫn luôn khẳng định: “Phúc cho ai không thấy mà tin”.

Không tin, vì:

”Các ngươi có nhìn lấy nhìn để,

mà cũng không thấy.

Vì lòng dân này đã ra chai lại:

Chúng đã nặng tai nghe,

Chúng đã nhắm mắt lại”

(Mt 13: 14)

Thành ra, nhìn mà không thấy, chẳng phải vì áo trắng Phục sinh của Ngài “trắng quá nhìn không ra”, mà vì người người chỉ nhìn sự vật và sự kiện –nhất là sự kiện Phục Sinh, Chúa sống lại-- chỉ bằng mắt thịt hạn hẹp. Chứ đâu có nhìn bằng mắt tin tưởng. Mắt của lòng yêu thương trìu mến. Suốt ngày cứ đi tìm người mình yêu. Nhất thứ, khi người Yêu Rất Nhân Hiền của mọi người xưa đã chết, nay đà sống lại. Vì mình. Và cho mình.

Sống lại vì mình và cho mình, là câu nói rất “có căn”. Tựa như thánh Phaolô tông đồ, từng quả quyết:

“Nếu Đức Kitô đã không sống lại

thì việc anh em tin

cũng thành hão huyền

và hiện nay anh em vẫn còn ở trong tội lỗi.”

(1Cr 15: 17)

Nói cách khác, nếu không có Phục Sinh đầy mầu trắng, thì chuyện: theo bước chân mềm Hiền Dịu của Chúa, chỉ là chuyện vô duyên lãng xẹt, chẳng nên làm. Lại nữa, nếu không có mắt, những tin và yêu, thì cũng chẳng thể nào nhận ra được mầu trắng yêu đương, rất Phục sinh của Đức Chúa.

Hôm nay thêm một vấn đặt ra, là: mang danh đồ đệ, tức người con yêu của Đức Chúa, dân con nhà Đạo là những người anh, người chị, là tôi, bần đạo đây phải sống thế nào để chứng tỏ rằng mình đã nhìn “ra được mầu trắng Phục Sinh, nơi Ngài”. Hoặc, người anh, người chị của tôi nữa phải hành xử với các huynh đệ tỷ muội trong Đạo, “ngoài luồng” thế nào, để rồi “tứ hải giai huynh đệ” chúng ta biết và nhận rằng Chúa Cứu Thế đã Phục sinh, toàn một mầu trắng?

Đặt câu hỏi như trên, hôm nay, không phải để vấn nạn lòng tin - yêu của anh, của chị hoặc chính mình mình, dù chắc chắn là: đã biết và đã nhận ra được mầu trắng Phục Sinh. Đã có câu trả lời từ lâu. Hôm nay, có đặt lại câu hỏi nào khác theo cách thức dị kỳ khác lạ, thì cũng chỉ để mình nhủ lòng mình, rằng: đã tự kiểm đủ chưa? Đã tự xét về mình khá chưa, nhân mùa Phục sinh Chúa sống lại?

Hỏi, cũng còn để nhớ và truyền cho nhau những cảm nghiệm nóng bỏng hồi nào, từ vị đàn anh thân thương thuở trước. Cảm nghiệm có được nhân bài chia sẻ lời Chúa rất ngắn rất gọn dịp vui mừng tràn đầy, về điều-gọi-là “áo trắng Phục sinh”, năm nào. Chừng như, vào thập niên một chín sáu mươi, hồi ấy như sau:

“Đức tin, là ân huệ Chúa ban cho con người, một cách nhưng không. Không kèo nài. Chẳng cầu cạnh. Cũng tựa hồ, như cha mẹ tặng cho con chiếc áo trắng tinh. Cha mẹ cho con chiếc áo mới, chẳng phải vì công lênh tài cán gì của con. Hoặc, do con ngoan và hiền. Nhưng, cha mẹ vẫn cứ cho, chỉ vì lòng cha mẹ vốn rất thương con. Mà thôi. Vậy, bổn phận của con khi nhận “áo trắng” này, là làm sao giữ cho áo được tinh tuyền trắng mãi như thế. Trắng như thể mầu trắng của Phục sinh” (Lm Nguyễn Thế Thuấn, CssR)

Kết cuộc, để đóng góp lời giải cho thắc mắc ở trên, bần đạo chỉ dám xin thêm một lời bàn, là: xin các bạn đọc nốt hai câu cuối mà thi sĩ họ Hàn dùng làm kết đoạn cho bài “Đây Thôn Vĩ Dạ”, viết vào năm ấy:

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?”

(Hàn Mặc Tử).

Và, cũng xin thêm một đề nghị nữa, đề nghị rất nhỏ, là: ta cứ thử sửa đổi chữ “A” ở từ “ai” từ chữ chử nhỏ thành chữ viết hoa, ắt sẽ có câu trả lời thỏa đáng. Câu trả lời rất đẹp cho những ngày Phục Sinh sắp đến.

Trần Ngọc Mười Hai

với một đề nghị nhỏ về Mầu Trắng, rất trinh trong.

No comments: