Tuesday, 4 December 2007

CỨ CHỌN CHỖ TỐT MÀ NGỒI SAO

(Lc 14: 7-14)

Tin Mừng Chúa nhật 22 có nói:

“khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người mời phải đến nói với anh rằng :xin ông nhường chỗ cho vị này… ”

(Lc 14: 8-9)

Đành là thế. Nhưng đằng này, đi dự tiệc lòng mến thì sao ?

Mới đây, có bạn đi lễ tiếng Anh, nhặt được “mảnh vụn suy tư” nhỏ trên tờ Bản Tin Giáo Xứ, đề cập đến vị thế/chỗ ngồi trong nguyện đường như sau:

Tại sao mỗi khi đi nhà thờ, bạn và ta cứ ẩn giấu thân mình nơi hàng quỳ bên dưới mà không chịu ở trên, cho anh em nhờ? Có người đưa ra nhiều lý do để giải thích. Tựu trung, các lý do được tóm gọn như sau:

- để thêm lòng sốt sắng: một trong các lý do họ đưa ra, là: vì bọn tôi không uyên bác, hoặc học cao hiểu rộng, nên ngồi ở dưới cho chắc ăn. Tránh được các câu hỏi bất chợt, hoặc cái nhìn tập trung của vị cha cố đang chia sẻ. Lại nữa, gặp khi ngủ gật, cũng không ai biết.

- vì thói quen, tập tục: ngồi phía dưới là vì hồi nào đến giờ, mẹ tôi vẫn dạy: đi nhà thờ, con đừng bao giờ tìm chỗ tốt mà ngồi. Vì làm như thế dễ khiến người khác chú ý. Gặp khi ho hen hoặc hát trật cũng đâu ai bảo sao.

- do tính vị kỷ: ngồi phía sau, gặp lúc đụng chuyện có thể rút dù rất dễ; hoặc có chuyện gì xảy đến, còn biết đường mà thoát thân.

Nhưng, tờ “Bản tin giáo xứ” còn đề nghị: dù gì đi nữa, nếu toàn bộ cộng đoàn tham dự thánh lễ mà cứ ngồi ở phía sau phía dưới sẽ còn gây nhiều khó khăn hơn, như:

- hàng ghế trước sẽ trống vắng, rất khó coi.

- làm như thế sẽ tạo khủng hoảng giữa “bàn tiệc Chúa ngồi” với “khách ngồi bàn Chúa”, dễ gây lúng túng.

- và người hay đi trễ thường muốn tránh các cặp mắt “nhìn trừng trừng”, nên vẫn chọn giải pháp ở lại đằng sau, hơn là phải đi suốt từ dưới lên, mọi người thấy hết.

Để giải quyết khó khăn trên, người viết “mảnh vụn suy tư” bèn đề nghị với cộng đoàn các kẻ tin, rằng: để tỏ lòng hiếu khách với người anh em trong cộng đoàn thường hay đi trễ ta nên lấp đầy chỗ trống ở hàng trên. Chúa biết lòng ta, sẽ trả công, bội hậu.

*

Từ chuyện “ngồi đâu ? đứng chỗ nào ? trong giờ lễ” ta qua câu hỏi khác cũng của một bạn không rành chi tiết phụng vụ, đọc được nơi tuần san The Catholic Weekly - 15/5/2007, như sau:

“Khi rước Mình Thánh Chúa nơi bàn tay, tôi thuờng hay thắc mắc/bối rối về mảnh vụn bánh thánh còn sót nơi tay mình sẽ ra sao. Thì, chị bạn là thừa tác viên kẻ liệt cho biết: chuyện Mình Thánh Chúa còn sót trong bình đựng Bánh Thánh là chuyện thường tình, đâu có gì bận tâm đâu, mà phải lo nghĩ ! Vậy, xin hỏi: đâu là ý kiến đúng, xin linh mục cho biết”.

Và, câu trả lời của đấng bậc chịu trách nhiệm giải đáp, vẫn là giải đáp rất kinh điển, như sau:

“Trước hết, cho tôi được phép bắt đầu bằng lời bình luận của người Cha Già khả kính của Giáo Hội, là thánh Xy-rin ở Yêrusalem. Trong sách “Khai Tâm Giáo Lý” dành cho các bổn đạo tân tòng năm 352, thánh Xy-rin có chỉ cách rước Chúa vào lòng như sau: “Khi đến gần Thầy Cả để đón Mình Thánh Chúa, con đừng giơ bàn tay bẹt thẳng ra đằng trước; cũng đừng giang các ngón tay ra ngoài, nhưng hãy để cho lòng bàn tay trái cách sao cho giống như hình ngai vua ngự triều để bàn tay phải đưa Mình Thánh Chúa ngự vào nơi đó.

Vì bàn tay phải của con sẽ đón nhận Vị Vua Cao Cả trên hết các vua. Và khi đón nhận Mình Thánh Chúa Ki-tô nơi lòng bàn tay của mình, con hãy thưa “Amen” Ước gì được như vậy. Và sau khi đã thánh hóa cặp mắt trần của con cho cẩn trọng để tiếp xúc Thân Mình rất Thánh của Đức Chúa, thì con hãy lĩnh nhận bằng tất cả sự thận trọng, để không có gì rơi rớt mất đi. Bởi vì, nếu con để một chút gì rớt rơi bên ngoài thì cũng như thể là con đã đánh mất một phần chi thể của con rồi. Hãy nói cho cha biết coi, nếu có ai cho con nhiều hạt vàng, chắc là con sẽ giữ gìn hạt vàng ấy một cách cẩn thận ghê lắm, để không có hạt nào rơi vãi ra ngoài, có phải không? Với những gì quý hơn nữ trang vàng bạc, thì chắc là con sẽ còn phải cẩn thận hơn nhiều !” ( sđd, 5, 19 – 22 ).

Từ những lời chỉ cách này, rõ ràng là thánh Xy-rin không chỉ coi toàn bộ Mình Thánh Chúa, mà cả những vụn Bánh Thánh là trọn vẹn Thân Mình Đức Ki-tô. Thánh Tô-ma A-qui-nô lại đã phản ánh niềm tin tưởng này trong bài ca vịnh “Khong khen Xi-on” do thánh nhân đặt vào năm 1264 vào cuối lễ Mình Máu Chúa câu hát rằng:

Không còn ngờ vực gì nữa, khi linh mục bẻ bánh làm đôi, mỗi phần đều giữ trọn vẹn thân mình của Chúa.”

Cả đến Công đồng Tri-Đen-Ti-Nô cũng nói về sự thật này như một tín điều của lòng tin:

“Nếu có ai từ chối không tin rằng, phép Bí Tích Thánh Thể Cao Cả, chứa đựng trọn vẹn Thân Mình Đức Ki-tô trong mỗi hình mỗi dạng, và ẩn dưới bất cứ thành phần vụn vặt, khi phân cách, thì kẻ đó rõ ràng bị rối.” ( Giáo luật số 3, chương 13).

Trong tin tưởng rằng mỗi phần của bánh thánh đều chứa đựng trọng vẹn Thân Mình Đức Ki-tô, Bánh Thánh đôi khi được trao cho những người đau ốm, liệt lào, thì dù người chỉ đón rước một phần nhỏ của Bánh Thánh thôi, cũng đã rước toàn bộ Thân Mình của Chúa.

Tương tự như thế, Hội Thánh yêu cầu vị linh mục khi dâng thánh lễ phải hết sức cẩn thận tẩy rửa các ngón tay mình cho thanh sạch và cũng làm như thế khi tiếp xúc bình, chén và dĩa thánh đựng Mình Thánh Chúa. Vì các chén thánh và dĩa thánh này có đựng Mình Thánh Chúa, lúc hiến dâng.

Sách lễ La Mã còn ghi lại những chỉ dẫn thông thường, như sau:

”Mỗi khi có vụn Bánh Thánh dính vào ngón tay, nhất là sau khi bẻ bánh hoặc khi trao Mình Chúa cho giáo dân tham dự, vị linh mục chùi phủi sạch các mảnh vụn từ ngón tay mình lên trên dĩa thánh, hoặc nếu cần, cũng nên rửa các ngón tay này. Và, linh mục cũng phải gom các vụn bánh thánh có thể rơi rớt bên ngoài dĩa thánh nữa.

(Mục chữ đỏ Sách lễ Rô Ma, số 278).

Cũng thế,

“nếu có bánh thánh hoặc mẩu vụn bánh rơi xuống, cũng phải tỏ lòng tôn kính mà cầm lên.

(sđd, số 280).

Và rồi, các mảnh vụn này phải được phủi gạt vào cho gọn trong chén thánh, rồi sau đó vị linh mục uống tất cả vào lòng. Kế đến, phải chùi sạch chén thánh bằng khăn sạch được gọi là khăn thánh.

Cũng thế, phải cẩn thận khi lau giũ khăn thánh, vì có thể vẫn còn sót vài mẩu vụn bánh thánh dính ở đó. Truyền thống giáo hội khuyên nên kỹ lưỡng khi giặt rửa khăn thánh bằng tay trong thẫu đựng nước và nuớc này sẽ đổ vào bể bồn truyền thẳng xuống đất hoặc đổ vào nơi không ai giẫm đạp. Không được đổ nước này vào bồn rửa bình thường. (xem chỉ dẫn trong sách Nghi thức Phụng Vụ, số 120 )

Khi trao mình thánh cho người ốm/kẻ liệt, thường phải lấy hết mảnh vụn bánh thánh ra khỏi bình đựng cho vào ly nước rồi vị phó tế hay linh mục sẽ uống nước này với lòng kính cẩn.

Khi đón rước Mình Thánh Chúa nơi lòng bàn tay, cũng nên xem có mẩu vụn bánh thánh nào còn sót, phải đưa vào miệng mà đón nhận. Thông thường, ai rước Chúa bằng miệng, thì vấn đề này không đặt ra.

Cùng lúc như thế, cũng không nên quá tẩn mẩn về các mẩu vụn bánh thánh li ti không thấy đuợc bằng mắt trần, tựa như hạt bụi bánh có thể rơi vãi xuống sàn đất hoặc bên dưới bàn thờ.

Nói cho cùng, mọi giáo dân đều phải cẩn trọng khi tiếp xúc với mẩu vụn bánh thánh. Nhưng cũng đừng quá tẩn mẩn tỉ mỉ từng chi tiết. Lẽ tự nhiên cuộc đời dạy ta biết xử sự. Cho nên, chẳng ai có thể tỉ mỉ đến độ lo lắng quá đáng với các mẫu vụn bánh thánh li ti, không thể thấy bằng mắt thịt được.

*

Đấy. Nhận định của các đấng bậc và truyền thống Giáo Hội là như thế. Tựu trung, khi đến tham dự tiệc thánh hoặc cử hành nghi thức phụng vụ, thiết tưởng cứ nên dùng lý lẽ tự nhiên là hay hơn cả. Nói cho cùng, nếu đó là mẫu vụn thân mình hoặc xương cốt của người mình yêu dấu, thì chắc chắn ai cũng biết mình sẽ phải làm gì.

Chắc rằng, bạn trẻ khi đưa ra thắc mắc ở trên, cũng đã có câu trả lời.

Lẽ thường tình dạy ta cách sống ở mọi nơi. Mọi hoàn cảnh. Nhất thứ, là khi ta tiếp xúc các đấng vị vọng. Ở Trên ta.

Trần Ngọc Mười Hai

Cũng thắc mắc đấy,

nhưng không bối rối,

tẩn mẩn

No comments: