Friday, 7 December 2007

“Tôi xa Hà Nội năm lên 18, khi vừa biết yêu”

(Mt 26: 13 / 1Cr 6: 19)

Xa thành đô vào thập niên 50 khi lên 18, lại vừa biết yêu. Ôi! Mối tình đời quá đẹp. Đẹp như tranh vẽ. Đẹp như người dân mộc mạc trong huyện ngoài làng. Làng Việt Nam yêu dấu, rất trữ tình. Nhưng, đó là chuyện thời xưa. Còn, với thời vi tính, thì chắc là khó khó mà tìm được một thứ tình yêu lãng mạn trong trắng. Chí ít, lại là chuyện chăn gối tuổi đôi mươi, nơi nhà Đạo.

Với người nhà Đạo, yêu đương đúng phép tắc/lẽ Đạo, mới là chuyện đáng bàn. Bàn về yêu đương phải phép, cũng vẫn là chuyện gây chấn động cách đây không lâu. Ở thời không lâu về trước, tin tức hoặc truyện kể về yêu đương da diết vẫn là đề mục dấp dẫn để luận phiếm, những chuyện Đạo.

Trước hết, là truyện người nữ phụ ở Nigeria, năm 2003. Truyện kể rằng:

“Tối cao pháp viện nước này đã thừa nhận phán quyết tử hình gán cho người nữ phụ mang tên De Amina. Với phán quyết này, chị sẽ bị chôn sống đến tận cổ và bị ném đá cho đến chết; trừ phi nhà cầm quyền xét lại bản án tử hình. Hoặc, dời ngày thi hành án để chị có thể cho con bú mớm, một thời gian.”

Một truyện khác, cũng về người nữ phụ bị kết án tương tự, chỉ vì chị đã cả gan sinh con, cả vào lúc đã ly dị chồng. Cũng may, nhờ có nhiều người trên thế giới vận động ký thỉnh nguyện thư xin chính quyền sở tại xét lại phán quyết nói trên. Cuối cùng, Safia -tên của chị- nhờ đó mới thoát chết.

Xem thế, ở nước Nigêria, thân phận phụ nữ quả là quá thấp. Thấp và hèn hơn phận nam nhi. Rất nhiều. Nam giới, dù có phạm tội tày trời hoặc dữ tợn thế nào đi nữa, cũng vẫn không tệ đến nỗi phải chịu hình phạt nặng và nhục nhã, như thế.

Truyện kể tiếp theo, là một bài viết về thân phận của các phụ nữ trẻ làm cô dâu hay lao động nước ngoài, do tác giả ký tên Nguyễn thị Thanh Vân trên báo điện, bốn năm về trước. Bài có tựa đề “Chợ vợ, chợ buôn nô lệ tìnhdục” (Sàigòn báo 14/5/03).

Bài báo viết rằng:

Vài năm trước đây, các tờ báo Việt nam thường hay nhắc đến các quán bia ôm, cà phê ôm, Karaôkê ôm, đủ thứ loại quán tận cùng bằng chữ “ôm”, để nói lên những nơi hoạt động của gái mãi dâm trá hình…

Bước vào thế kỷ 21, đất nước tôi có những món hàng mới, đó là những người nô lệ tình dục, người ta mang những cô gái ra chợ bán như bán một con vật chứ không còn coi họ là con người, đi lựa vợ như đi lựa môt con heo giống hay con bò sữa. Đau đớn hơn nữa, những người khách mua vợ thường là khách ngoại quốc tới chọn hàng rồi họ dẫn đi biệt xứ không biết đời sống của họ ra sao…

Cuộc sống nghèo khổ của người dân mình bây giờ là như thế đó!!!

Xã hội Việt Nam bây giờ đồi trụy như thế đó!!!

“Như thế đó”, không có nghĩa rằng đây chính là thân phận của phụ nữ đất Việt hôm nay, hoặc của người phụ nữ xứ Nigêria, hôm nào. “Như thế đó”, là thân và phận của những người, những nhóm người, hoặc xã hội/đất nước quá thiên về thân và xác.

“Như thế đó”, còn có nghĩa: như một thông điệp vẫn có đó, đang trải dàn đi khắp nơi. Thông điệp xuất từ lời cầu kinh, ý khẩn nguyện cho đến những nhận định, xác quyết của các bậc, rất vị vọng. Và từ các phó thường dân chăm lo giữ Đạo, hoặc “hành” Đạo. Và, vẫn còn đó những người tin vào Đạo.

Thế đó, còn là thông điệp của Đức Giáo Tông gửi đến các người trẻ tuổi ở Đại Hội Thế Giới Những Người Trẻ, Toronto năm 2002, với ý chủ lực như sau:

“Hôm ở Toronto, Đức gio-an Phao-lô Đệ Nhị đã cảnh giác những người trẻ tuổi phải cẩn thận về ‘tiền tài, sự thành đạt, quyền bính, các vui thú chóng qua và những hời hợt trong hành xử xác thịt. Và, các bạn trẻ đã vỗ tán thành ĐứcTthánh Cha”. (Henri Tincq, Le Monde 26/7/02)

Thế đó, còn là thông điệp từ hai ngàn năm về trước, thánh Phaolô tông đồ, đã khẳng định với các tín hữu thành Côrinthô, trong bức thư rất tâm tình của thánh nhân, rằng:

“Anh chị em hãy nhớ rằng:

thân xác mình là đền thờ của Thiên Chúa.”

(1Cr 6: 19)

Quả quyết của thánh Phaolô chỉ phản ánh lời dặn dò của Đức Chúa, khi Ngài tuyến bố với những người đi theo Ngài, mà nghe giảng giải về Tin Mừng cứu rỗi:

“Nếu mắt của anh sinh tội,

Thì thà móc nó và quăng đi còn hơn”.

(Mt 5: 28)

Nhưng, như thế đó là những chuyện không chỉ xảy ra vào những năm gần đây thôi, nhưng dường như nó đã có, từ bao giờ. Những chuyện như Sô-đô-ma, Gô-mo-rhê trong Cựu Ước, câu truyện về tay bạo chúa Nêrô trong sử sách La Mã, hoặc truyện Hêrôđia/Hêrôđê trong Tân Ước, không chỉ mang tính thần thoại bâng quơ. Nhưng, ít nhiều đã chứa đựng chất giáo dục và đề nghị.

Và, “như thế đó” vẫn là chuyện muôn thuở đã và còn xảy đến với người trẻ, ở muôn thế hệ. Với mọi dân tộc khác nhau trên thế giới. Nhưng, vấn đề là: chúng ta hôm nay không chỉ nghe đọc tin hoặc xem đài mà ghi nhận như một sự kiện đơn lẻ. Mà, phải có phản ứng thế nào về các hiện tượng “như thế đó”?

Phiếm Đạo hôm nay, cũng nên ghi lại ý kiến của một số đấng bậc vị vọng khắp nơi, cho rộng đường dư luận về đề tài thân xác và tình dục, rất sôi động, năng nổ. Một trong các ý kiến không kém phần bức xúc, ưu tư là của giáo sư An Vân trong cuốn “,40 năm sau Vatican hai nhìn lại”. bài của giáo sư An Vân viết nhiều về việc hội nhập với thế giới gian trần, nhưng tác giả cũng đề cập đến trường hợp của chị De Amina ở đọan giữa, như sau:

“Người ta vẫn cứ làm nô lệ cho Luật lệ bất nhân, đặc biệt là đối với phụ nữ. Phụ nữ không phải là con người, chỉ là vật sở hữu của cha mẹ rồi của chồng. Đàn ông ngoại tình đâu có bị xử như thế. Để chiều theo dư luận quốc tế mà buông tha một phụ nữ ngoại tình, người ta phải bày ra chuyện “bị cưỡng hiếp chứ không phải ngoại tình”. Nhưng anh đàn ông cưỡng hiếp hay ngoại tình vẫn không bị Luật lệ và Tòa án đụng tới.” (sđd, tr. 252)

Thân phận “như thế đó” không chỉ xảy ra ở Nigiêria, Châu Phi hay ở Đài bắc, Xêul, Châu Á, nhưng vẫn ở các nơi mà người người vẫn quen gọi là nơi có nền văn minh hiện đại, ở mọi thời.

Thế giới ngàn năm văn vật, tưởng như rất quen với lối nhìn và thái độ không quân bình khi nhìn vào thân phận người phụ nữ. Hai mươi thế kỷ qua đi,con người vẫn có thói nhìn người phụ nữ theo tư thế kẻ cả, đấng bề trên. Chả thế, mà phong trào giải phóng đòi quyền sống của phụ nữ đã gán cho thế-giới-tự-cho-mình-là-văn-minh này những nhận định bảo rằng thế giới này là của nam nhân. Do nam nhân khuynh loát, thống trị.

Mãi đến ngày đầu thiên niên kỷ, Đức Gio-an Phaolô Đệ Nhị đã chính thức nhìn nhận các sai phạm của con cái Chúa trong Hội thánh về người Do Thái, về phụ nữ.. trong suốt hai ngàn năm qua. Trong bài chia sẻ thánh lễ Chủ nhật 12/3/2000, Đức Giáo Hoàng đã cùng với anh chị em giáo dân cầu nguyện những lời lẽ trầm mặc như sau:

Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con,

Chúa đã tạo dựng nên người nam và người nữ theo hình ảnh của Cha và giống như Cha.

Nhưng đôi khi sự bình đẳng giữa các con của Cha như người nam và nữ đã không được nhìn nhận; cả các Kitô hữu đã phạm lỗi khi có thái độ hắt hủi và kỳ thị lẫn nhau.”

Lời nguyện cầu/xưng thú của Đức thánh Cha đã xác nhận một sự thật khủng khiếp: trong chuỗi ngày dài những hai ngàn năm có lẻ, con người và người con của Đức Chúa vẫn quên đi các lời khuyên nhắn của Ngài trong Tin Vui An Bình, như sau:

“Này chị,

lòng tin của chị đã cứu chị.”

(Lc 7: 50)

Và Ngài thêm:

“Hễ ở đâu Tin Mừng được loan báo,

thì điều mà chị ta vừa làm

cũng sẽ được nhắc lại,

để nhớ đến chị.”

(Mt 26: 13)

Nhắc lại, để nhớ đến chị, không chỉ nhớ đến người nữ phụ tên Maria Magđala, hoặc Mai Đệ Liên hay De Amina, hay ai đó bị người ta (tức các nam nhân) rượt bắt, ném đá kết tội hoặc coi thường nhục mạ vì đã lỡ làm một việc mà lề luật không cho phép. Đã lỡ mang thân phận thấp hèn của người nữ, rất thấp và còn hèn hơn so với nam nhân những chễm chệ ngồi ở bục cao, những là xỉa xói, xỉ vả, bới móc hoặc tệ hơn nữa: chúc dữ, rủa xả cho đến khi chết mới thôi.

“Như thế đó”, vẫn là thái độ rất người của kẻ tự nhận là công chính, những nam nhân:

“Trong các ngươi (tức các nam nhân)

ai vô tội thì hãy ném đá chị này (tức nữ phụ)

trước đi.”

(Yn 8: 7)

Cùng lúc ấy, quay về phí chị phạm nhân biết lỗi, Đức Kitô vẫn ôn tồn dạy rằng:

“Tôi cũng không xử tội chị đâu!

Hãy đi, và từ nay đừng lỗi phạm nữa.”

(Yn 8: 11)

Của đáng tội, dù là nam nhân hay bậc nữ lưu, ai mà chẳng hơn một lần phạm lỗi. Nào được mấy ai dám vỗ ngực tự hào rằng mình cao cả hơn người phụ nữ? Và thật ra, đâu chỉ mỗi chị phụ nữ ấy hay tất cả các người phụ nữ đều là những người dễ sai trái, lỗi phạm! và cũng xin thêm: sao không lên án, ném đá nam nhân phạm lỗi, chủ mưu ngoại tình mà chỉ kết án nạn nhân của mọi bất công, nơi lề luật do nam giới đặt ra…

Nói cho cùng, là người ai mà không lỗi phạm. Ai mà chẳng chán nản vì đã sai trái. Nhưng, sao chỉ các phụ nữ mới biết run sợ, khi phạm luật? Nhất thứ, là khi luật ấy liên quan đến “tình” và “dục”.

Có bất công chăng, khi có sự liên lụy giữa “dục” và “tình”? Bởi, trên thực tế, dục luôn dẫn đến tình. Không thể có dục nếu không có tình. Và, ngược lại, không thể có tình khi chưa biết dục. Dục, chính là tình. Và, tình vẫn tồn tại. Tồn tại mãi cho đến ngày sau hết. Ngày, mọi người chấm dứt sự sống nơi đời phàm. Điểm chấm hết của thế giới ở trần gian. Của thế trần, nơi có nhiều nam nhân tội lỗi hơn nữ phụ.

Không. Thế trần có đạt tới điểm chấm hết đi nữa. “Dục” có bị vi phạm lề luật, nhưng “tình” vẫn cứ còn đó, rất buồn. “Tình” còn đó, là để cứu vớt con người đã vi phạm “dục”, quá nhiều. Con người sai phạm về “dục”, thì không chỉ mỗi người nữ phụ, rất phái yếu.

Và, lời trấn an của Đức Chúa “Lòng tin của chị đã cứu chị”, là câu nói không chỉ hướng đến phái yếu và kém (tức người bị cho là chủ mưu hay chủ động trong sai phạm về chuyện “dục”, tức ngoại tình, hay ở bên ngoài “tình” . Mà, là tất cả mọi người, cả nam lẫn nữa. Một khi người người nhận lấy xác phàm, thì đã nhận cả “dục”. Dục là đặc điểm của thân xác. Dục, hay xác phàm không là điều xấu, mà là sản phẩm rất đáng quý của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa. Hiển nhiên, Thiên Chúa. Chẳng khi nào tạo dựng nên người xấu, sự xấu. Ngài cũng chẳng dựng nên sai trái, lỗi phạm bao giờ. Và, thân xác (trong đó có “dục”) vẫn là chi thể và là Đền thờ của Thánh Thần Chúa, như thánh Phaolô từng quả quyết:

“Anh chị em không biết sao?

Thân xác của anh chị em

là chi thể của Đức Kitô.”

(1Cr 6: 15)

Và:

“Anh chị em không biết sao?

Thân mình của anh chị em là đền thờ

Của Thánh thần ngự trong anh chị em,

Anh chị em đã chịu lấy từ Thiên Chúa

Và anh chị em

không còn thuộc về mình nữa.” (1Cr 6: 19)

“Như thế đó”, là xác quyết của các thánh nhân. Những xác quyết tuyệt nhiên không bao hàm chỉ một phái tính. Xác quyết còn mạnh bạo hơn khi thánh sử Gio-an dõng dạc tuyên bố:

“và Lời đã thành xác phàm

và ở với chúng ta.”

(Yn 1: 14)

Đức Chúa mặc lấy xác phàm giống như con người. Như thế, là Ngài cùng chung một thân phận với ta, như ta. Thân phận hèn mạt như người nữ phụ trong trình thuật vừa đọc xong. Đức Chúa cũng bị lăng mạ, nhục nhã. Ngài cũng từng chịu mọi cực hình gồm nhiếc móc, rủa xả, cho đến phỉ nhổ, ném đá, thậm chí đóng đinh trên thập tự cạnh tên tử tội. Và, cũng giống như thân phận người nữ phụ, Ngài đã được Cha giải thoát nhờ Tình của Cha. Đấng luôn có Tình. Luôn tồn tại với Tình.

Thành thử, ta cứ vui lên và hy vọng. Dù, là nam nhân hoặc bậc nữ lưu. Vì, lâu nay ta vẫn còn lại niềm tin. Và, chính niềm tin đã cứu thoát anh chị em mình. Tin vào Đức Chúa.Tin vào Tình. Hãy Tin và cứ yêu. Dù có là nam hay nữ. Hãy cứ yêu. Và cứ có Tình đi đã, như lời thánh Âu-tinh từng nói:

Hãy có Tình, và hãy yêu đi,

Sau đó muốn làm gì, tùy ý.”

Bởi Tình là tất cả. Tình mới thật đáng quý. Và, tình tồn tại như chốn vĩnh hằng. Tồn tại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người này sang người khác. Tình không nhất thiết của mỗi nam nhân. Không nên tước đoạt “tình” khỏi thân phận người nữ phụ.

Bao lâu con người còn “Tình”, bấy lâu nhân loại sẽ bớt khổ. Bớt cả những chuyện không lành xảy đến với mọi người phụ nữ.

*

Đó là tín thư ngàn đời. Là, thông điệp gửi nhắn khắp mọi nơi. Gửi tận chốn mút cùng của trái đất. Gửi cả vào nơi vĩnh hằng, có Đức Chúa.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn cứ khắc khoải

về những thiệt thòi

của thân phận phụ nữ.

2 comments:

Sunday morning said...

vat vo, lung tung lang tang, do rac ruoi

Sunday morning said...

do rac ruoi, lung tung lang tang, ranh viec