Friday, 7 December 2007

Những sự rất thật

(Yn 1: 37-38)

Nếu bạn hữu các nơi cùng hiệp thông với chúng nhân nhà Đạo để cùng nhau ta chia sẻ bài Tin Mừng rất “Thương Khó” đọc vào tuần lễ rất thánh, thì hẳn ta sẽ được nghe trích đoạn Lời Chúa, như sau:

“Tôi đã đến trong thế gian:

ấy là để làm chứng cho sự thật.

Phàm ai thuộc về sự thật,

Thì nghe được tiếng Tôi.

Philatô nói với Ngài:

“Sự thật” là gì?”…

(Yn 1: 37-38)

Nếu câu hỏi khi xưa của Phi-la-tô được viết bằng nét chữ bình thường, tức là chữ “S” không được viết hoa ở từ “sự” và chữ “T” ở từ “thật” cũng được viết bình thường, thì câu hỏi trên đã được gửi đến hết mọi người, từ đám lê dân đến các vua quan, và lãnh chúa. Nhưng, nếu Sự Thật được viết hoa cả hai, thì rõ ràng là câu hỏi này chỉ được gửi đến Đức Chúa, Sự Thật bằng xương bằng thịt, đang đứng trước mặt vua quan, lúc bấy giờ.

Nếu hỏi về sự thật của mọi thứ, mọi sự, thì câu trả lời sẽ tùy tình trạng và tư cách của người hỏi, kể cả lãnh chúa, vua quan đến bậc lê dân. Nhưng, nếu là câu hỏi gửi đến Đức Chúa, đích thực là Sự Thật bằng xương bằng thịt, thì có lẽ Phi-la-tô lúc ấy chỉ hỏi để mà hỏi. Chứ nào đã sẵn sàng nghe câu trả lời. Hay nói đúng hơn, Phi-la-tô đâu đã chuẩn bị để tìm ra câu trả lời mà Đấng Hiện Thân của Sự Thật từng tuyên bố Ngài là Đường và là Sự Thật, từ bấy lâu nay rồi.

Về chữ “thật”, hoặc “sự thật” được trích dẫn, nếu các Phi-la-tô này khác ở cõi trần chịu khó sưu tra tìm tòi cũng sẽ tìm ra rất nhiều cụm từ rất “thật” bàng bạc nơi Tin Mừng. Chí ít, là Tin Mừng Nhất Lãm. Này đây, vài ví dụ:

“Trước khi mọi sự thật đã xảy ra…” (Mt 5: 1),

Hoặc:

“Quả thật, Tôi bảo thật với các ông…”

(Mt 5:26, 6:2; 6:5; 6:16; 8:10; 10:15; 10:25; 10:42; 11:11; 13:17; 16:28; 17:20; 18:3; 18:13; 18:18,1; 9: 23; 19:28; 21:21; 21:31; 23:36; 24:2; 24:34; 24:47; 25:12; 25:40; 25:45; 26:13; 26:21; 26:34…)

Trong đời thường, có những vị mang trong mình đầy đủ mọi thứ rất thật, thông suốt mọi sự, nắm vững được sự thật trong mọi vấn đề. Và, cũng đã tận mắt tường tận “Sự Thật” bằng xương bằng thịt qua mắt thịt của mình. Thế mà, vẫn sự thật ấy vẫn nằm lại ở đôi mắt những xương cùng thịt, mà thôi. Chưa đạt tới con mắt của tin-yêu và kính phục. Thế nên, vẫn còn nghi vấn. Còn ngờ vực ở mức khá cao. Những nghi và ngờ. Những là thách thức chính Đấng đã từng mạc khải: “Ta-Là-Đường-Là-Sự-Thật”, về sự thật:

Thưa Thầy,

Chúng tôi biết Thầy là người ngay thật

Và Thầy dạy đường lối Thiên Chúa

Một cách chân thành;

Vì Thầy không có thói coi mặt đặt tên

Vậy xin nói cho chúng tôi hay…

(Mt 22: 16-17)

Đúng thế. Nhóm Biệt Phái – Kinh sư, đều là giới trí thức thời đại, đã thông hiểu mọi chuyện và thừa biết rằng “ngay thật” luôn đi đôi với “chân thành”. Lại còn giải thích thái độ và tư cách của Thầy, là: “Thầy không bận tâm và không có thói coi mặt đặt tên”. Biệt phái – Kinh sư , thật ra, đã thông hiểu mọi chuyện. Đã từng nghe và cũng từng biết hết mọi sự. Họ biết rõ Đức Giê-su. Ngài chính là “Đường, là Sự Sáng và là Sự Thật”. Nhưng, vẫn cứ nghi. Và, vẫn cứ ngờ. Cứ thách thức chính Sự Thật.

Quả thật, đám Biệt phái – Kinh sư không chịu nghe và nhận ra Sự Thật, thật cũng dễ hiểu thôi. Vì, dù “sự thật có được phơi bầy trên mái nhà”, thì họ vẫn cứ “mũ ni che tai”, không chịu nghe. Không chịu nhận đó là sự thật.

Đã nhiều lần, Đức Giê-su từng cảnh cáo những người “có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe”, nhưng họ vẫn có thói quen “coi mặt đặt tên”. Vẫn bận tâm chuyện người. Thậm chí, có mỗi cọng rác nơi mắt người, họ cũng bận tâm. Để rồi, cố tình quên lờ đòi hỏi của Đức Chúa, là: phải mở mắt, mở tai và mở cả lòng mình mà đón nhận Sự Thật đang hiện diện trước mắt mình.

Trong đời thường, bàn dân thiên hạ cũng muốn biết sự thật về nhiều thứ, nhiều chuyện. Nhưng, lại không có thói quen rất bình thường là mở mắt, mở tai để nghe những gì cần nghe, nên nghe. Chẳng hạn như, nghe xem người ngoài Đạo nhận định thế nào về người đi Đạo, trong Đạo vv…

Chẳng cần tranh cãi hoặc biện luận về tác phong, hoặc lối sống của một chức sắc ngoài Đạo đang nổi tiếng với vài họat động đi nhiều và nói nhiều, ở nhiều nơi. Nhưng, đôi lúc cũng nên để tai nghe xem các vị ấy nói gì về người trong Đạo mình. Dưới đây là một trong các nhận định, làm ví dụ:

“Tại tây Phương, nhiều người đang muốn cho Đạo Kytô được hiện đại hóa, nhưng họ chưa thành công vì thái độ thủ cựu và giáo điều của chức sắc bề trên. Nhiều nhà thờ vắng bóng tín đồ. Người xuất gia rất hiếm. Chỉ vì tại người ta bảo thủ quá, không chịu làm mới, không chịu cách mạng giáo lý và giáo chế…”(Thích Nhất Hạnh – Hẹn Nhau Mùa Anh Đào Sang Năm).

Vâng. Thiền sư ngoài Đạo ở trên đã có nhận định về người đi Đạo, và hệ cấp trong Đạo. Đúng – sai, ở đây không là vấn đề. Bởi, “thiền” sư cũng chỉ nhận định để mà nhận định, chứ đâu phải để cùng mở mắt, mở tai như mọi người bên trong nhà Đạo, để tìm ra sự thật về Đạo hoặc đi tìm chính Sự Thật (viết hoa) như tìm Đạo. Hơn nữa, muốn biết sự thật về mình và về những gì người khác nhận định về mình, về Đạo của mình, có lẽ vẫn phải mở ta, mở mắt mà xem mới thấy, mới biết được sự thật. Không mở tai, mắt và nhất là lòng mình ra, thì làm sao biết được sự thật về mọi chuyện. Chí ít, là sự thật về Sự Thật.

Thời xưa, cổ nhân có câu: “lộng giả thành chân” để nhắn nhủ người đời rằng: điều gì tuy mới hư hư chưa thành thực thực, nhưng nếu cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, rồi ra cũng thành sự thực, thôi. Ngày nay, với cuộc cách mạng vi tính, truyền hình, người ta dù có lặp đi lặp lại sự kiện nào đó cả triệu lần, thì sự kiện ấy vẫn không thể nào trở thành sự thật được. Về điều này, nhiều người chắc cũng chẳng đồng ý với lập trường của cổ nhân trên, mà cho rằng: sự thật vẫn cứ là sự thật. Dù ta có bác bỏ và lặp đi lặp lại nhiều lần, nó vẫn như thế. Ngược lại, những gì không phải là sự thật, thì có lặp đi lặp lại nhiều lần, cũng chỉ thành sự thật của con vẹt, mà thôi.

Lại nữa, nói về sự thật (không viết hoa) của mọi chuyện là nói về lập trường, về chính kiến của mỗi người. Và mọi người. Không có gì để biện luận, hoặc tranh cãi. Nhưng nói đến Sự Thật (viết hoa), có lẽ phải nói về niềm tin hơn là quan điểm.

Trong tuần lễ rất thánh và những ngày Vọng Phục Sinh, có những câu hỏi về “Sự Thật” và sự nghi ngờ không tin của một số người về Đấng-là-Đường-và-là-Sự-Thật đã sống lại thật, tưởng cũng nên lặp lại ở đây, một trích dẫn Tin Mừng rất “Thật” về sự thật Phục Sinh như sau:

“Bà Maria Magđala đi báo tin cho các kẻ đã ở với Ngài, bấy giờ những rên cùng khóc. Nghe nói Ngài đang sống và bà đã thấy Ngài, họ cũng chẳng tin.

Sau đó, với một hình dạng khác, Ngài đã tỏ mình ra cho hai người trong nhóm họ đi đường, đang khi họ về chốn thôn quê. Họ đi báo tin cho các người khác, nhưng những người này cũng không tin họ.

Sau cùng, Ngài tỏ mình ra cho chính nhóm Mười Một đang khi họ dùng bữa, và Ngài quở mắng sự cứng tin, lòng chai đá của họ, bởi họ không tin những kẻ được thấy Ngài đã sống lại.”

(Mc 16: 10-14)

Nói cho cùng, ngày hôm nay, trong thế giới đương đại này, có những đạo sĩ, những kẻ chọn lựa ở ngoài hay trong Đạo, bằng cách này cách khác vẫn chuyển cho nhau các thông tin về một sự thật. Sự thật ấy, là: chỉ có lòng yêu thương đích thực mới cứu được mọi người. Chỉ có tình yêu thương người đồng loại mới đưa con người xích lại gần nhau hơn.

Nắm vững được sự thật này, con người sẽ bớt va chạm, bớt gây “thương khó” cho nhau. Nhưng sẽ an hòa, trộn lẫn vào nhau trong niềm vui lớn. Niềm vui yêu thương, quần tụ. Ở đó, Sự Thật đích thực hiện diện và hòa mình với cộng đoàn tình thương. Ở bên ngoài Sự Thật đích thực, tất cả chỉ là hư cấu. Tất cả chỉ là khéo che, khéo đậy. Tất cả chỉ hư hư thực thực. Hoặc, có đấy nhưng không thực. Không đích thực là Sự Thật.

Trong bầu khí thân thương rất thực của những giờ phút tìm kiếm Sự Thật, hãy yêu thương và chịu đựng lẫn nhau. Như Sự Thật của ta đã chịu đựng cho đến chết. Có yêu thương và chịu đựng, rồi ra mọi người cũng sẽ mở mắt, mở tai và mở lòng mình để đón nhận Đức Chúa đến ngự trị trong cung lòng thương yêu rất thực. Sự Thật còn là Tình yêu rất thật. Là sự vui sống rất thật.

Sống hưng phấn. Sống bền chặt. Đó là thông điệp rút ra từ mỗi sự kiện. Và, mọi sự kiện. Dù, sự kiện có tàn nhẫn đau lòng đi nữa, vẫn là những sự kiện rất thật. Sự Thật đã giải phóng chúng ta khỏi cái chết. Để ta cùng sống với Ngài. Trong yêu thương. Trong Sự Thật rất thật.

Trần Ngọc Mười Hai

với những nghĩ quanh câu hỏi

về sự thật

No comments: