Friday, 7 December 2007

CÓ CHĂNG THẦN HỌC DỤC TÌNH ?

(1 Co 4: 15)

Trên đây là câu hỏi mà, vừa rồi, một số bạn trẻ đã đặt ra khi nghe tin Tổng Giáo Phận Los Angeles thuận trả số tiền nộp phạt $500 triệu đô la để bồi thường cho nạn nhân các vụ rối loạn tình dục trong giáo hội Mỹ. Thật ra, bần đạo chẳng có tư cách đề cập đến những đề tài lớn lao như thế. Tuy nhiên, vì câu hỏi có thể đặt ra cho mọi người, nên bần đạo tự mạn phép truy tầm tìm hiểu, để có lập trường vững chắc cho chính mình, trước các vấn nạn gửi đến từ nhiều nơi.

Nhận định trước tiên, là về dục và tình. Dục và tình xuất hiện từ lâu, trên đời. Dục và tình luôn đến với các động vật có sự sống. Chí ít, là “con” người. Là người, không ai tự hào rằng mình có thể thoát được cả dục lẫn tình. Với người đời, dục luôn đi đôi với tình. Có tình là có dục. Và ngược lại, có dục tức đã có tình.

Với nhà Đạo, cũng chẳng có gì khác lạ. Có khác chăng, là khi người nhà Đạo biết hy sinh dục tình để hướng thượng. Hướng tất cả vì lý tưởng nơi thượng giới. Hy sinh dục để cứu lấy tình. Thứ tình cao cả. Rất miên trường. Và, vì chưa nắm bắt trọn vẹn ý nghĩa cao cả của tình, nên nhiều vị đã tỏ ra khinh xuất. Rất sơ hở. Và coi thường. Lẽ đáng, phải đặt tình trên dục; nhưng thực tế, các vị đã để cho dục làm mất đi cái tình cao cả ấy. Đành tự xuống cấp và xuống thấp với thứ tình rất giai đoạn. Thứ “tình mình bây giờ”, hoặc bây giờ là tình của mình.

Tình trong giai đoạn có dục chi phối, chừng như đã bắt đầu từ lúc có cặp nam thanh nữ tú đầu tiên trong đời thường. Sách khởi nguyên kể về dục và tình đầu tiên, như sau:

Về quả cây ở giữa vườn thì Thiên Chúa đã phán:

Các ngươi không được ăn,

Không được rờ đến kẻo phải chết”

(Kn 3: 3).

Và tiếp đó, sách thánh nói đôi chút về “tình mình bấy giờ” của cặp nam nữ đầu đời ấy:

“Và mắt cả hai đứa đã mở ra.

Và chúng biết là chúng trần truồng.

Chúng đã khâu lá vả làm khố cho mình”

(Kn 3: 7).

Chú giải các đoạn Cựu Ước nói trên, cố Giáo sư Kinh thánh Nguyễn Thế Thuấn có luận về dục tình/dục vọng như sau:

Sự xấu hổ vì dục vọng nổi lên sẽ đem đến những đổ vỡ khác. Tội kéo vào trần gian phá cảnh an hoà của tạo thành”.

( Kinh thánh, Lm Nguyễn thế Thuấn 1976, t. 8).

Thật sự, khi diễn tả đời sống có tình, có dục của cặp “người đời” tiên khởi, tác giả Sách Khởi nguyên dùng ngôn ngữ và nhãn quan thời bấy giờ để khẳng định rằng: dục và tình của cặp nam nữ đầu đời, không chỉ muốn tiếm quyền của Yavê Thiên Chúa, ngõ hầu biết điều lành điều dữ, trên thế gian. Nhưng, là khát vọng của người đời, vào mọi thời. Khát vọng về dục, chứ không phải tình. Về tình, mà họ có với nhau. Tình, mà họ dành cho Yavê Thiên Chúa.

Nói khác đi, khát vọng về dục mà không có tình, hoặc về dục mạnh hơn tình, chỉ là thứ dục đầy nhục. Nhục dục. Dục, dầu gì đi nữa, tự nó không làm nên tội. Vì được tạo dựng để cho con người. Cùng với con người. Dục chỉ thành tội và nên tội, khi vượt mức ấn định. Vượt mức có tình. Trên tình. Nhất là Tình có với người đối tác. Tình với Đấng Ở trên. Bề Trên. Nơi thượng giới.

Từ lâu, nhà Đạo khắp nơi đã và mãi mãi đề cao Tình này. Các đấng bậc trong Hội thánh, xưa nay vẫn nhấn mạnh đến Tình này. Các ngài luôn nhắc dân con nhà Đạo hãy ghi nhớ thái độ phải có đối với thân xác, cả dục lẫn tình. Vì xác có dục và có tình, vẫn là chi thể của Đức Kitô. Là đền thờ của Thần Khí Chúa (1Cr 6: 15).

Để mọi người biết quan tâm đúng mức đến dục có tình, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô Đệ Nhị nói nhiều về điều mà ngài gọi là “Thần học về Thân xác” (xem Pauline, Books & Media, 1997). Cụ thể là, trong 129 lần triều yết khác nhau mở ra cho đủ mọi thành phần dân Chúa trong cũng như ngoài nhà Đạo, từ tháng 9/1979 đến tháng 11/1984, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô Đệ Nhị đã đề cập đến tình dục và đạo lý Đức Kitô theo nhãn giới thần học.

Qua suy nghĩ về sự khác biệt phái tính và niềm khát vọng giao hoan dục tình với người khác phái, ta khám phá ra thực chất sâu xa của con người. Rồi từ đó, ta đi sâu vào huyền nhiệm cao cả nơi sự kết hợp giữa Ba Ngôi Đức Chúa. Nếu sống đúng với thực chất của dục và tình, ta sẽ tìm ra ý nghĩa cao cả của chính sự sống. Một cuộc sống theo đúng nghĩa tận cùng của nó.

Nói nôm na, có thể bảo rằng: điều mà Đức Gio-an Phao-lô Đệ Nhị muốn bảo, là: nếu nước là tín hiệu huyền nhiệm của phép thanh tẩy; dầu là dấu chỉ của bí tích thêm sức, thì đâu là biểu hiện của hôn nhân phối kết nam-nữ? Và, Đức Thánh Cha trả lời: Đó là sự giao hoan xác thịt. Xem như thế, mỗi lần người vợ và người chồng có động tác ăn nằm với nhau, làm chuyện giao hoan xác thịt với nhau, tức là họ tái tạo lời thề họ đã hứa khi kết duyên ăn đời ở kiếp với nhau.

Vậy, đâu là quyết tâm của người Nam và người Nữ khi ký kết thỏa hiệp sống hài hoà có dục và có tình với nhau, suốt đời người? Tình đầy sức sống bao giờ cũng mang tính trọn vẹn, chân phương, đầy ắp những kết cuộc hài hoà. Sự giao hoan xác thịt để nên một thân mình, chính là ngôn ngữ của thân xác nói về tình yêu cao cả. Đó, còn là ngôn ngữ rất tiên tri và phụng tự. Bởi, việc giao hoan phối kết ấy đã rao báo việc Thiên Chúa là Đấng đang yêu, đang trao hiến sự sống đang diễn tả về cuộc sống cũng như tình yêu cho thế giới con người.

Nhưng, đâu là điều mới mẻ và quan trọng trong “Thần học về Thân xác” của Đức Gio-an Phao-lô II?

Thần học về Thân xác mà Đức thánh Cha Gio-an Phao-lô II nói đến là khẳng định nhằm nhấn mạnh lập trường đã có từ lâu, của Đạo Chúa. Hội thánh Chúa thẩm định sự giao hoan xác thịt giữa người Nam và người Nữ như một động tác thánh thiêng, huyền nhiệm. Với ánh sáng dẫn đường này, ta hiểu rằng Hội thánh có quan niệm rất vững khi giáo dục con dân của mình phản chống những chủ trương hỗ trợ việc ăn nằm thể xác thực hiện trước hoặc ngoài hôn nhân. Hội thánh cũng phản đối các hành động chống thai theo cách phản thiên nhiên; hoặc thụ thai qua ống nghiệm chỉ để vui hưởng những dục và tình.

Là thành viên của Hội thánh, ta không đồng thuận với những người chủ trương có hành động trái nghịch luân thường đạo lý. Làm như thế, không phải Hội thánh chống lại hành động giao hoan xác thịt, rất tự nhiên. Nhưng, là để việc sống có tình và có dục của ta, cũng như việc trao thân gửi phận ta thực hiện, sẽ mang tính trọn vẹn hơn. Hỗ tương hơn. Hành động trọn vẹn, hỗ tương này không hàm ngụ một ẩn ý nào hết. Nhưng, mang ý nghĩa trung thực nơi hôn ước giữa ngưới Nam và người Nữ.

Điều đáng buồn, là thông điệp của Sách thánh về sự tốt đẹp nơi động tác giao hoan tình và dục không được hiểu đúng cách và phổ biến rộng rãi cho dân dã, người thường. Đây có thể là một trong các điểm yếu của Giáo hội khi phản ứng chậm trước cuộc cách mạng tình dục vào thế kỷ thứ XX. Thông điệp của Giáo hội khởi từ Sách thánh lâu nay bị mây đen vần vũ khỏa lấp. Mây đen bao trùm, do có những nhận định méo mó, vặn vẹo từ những người chủ trương đưa thông tin sai lạc bằng hệ thống truyền thông, đời thường.

Qua Thần học về Thân xác, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II gửi đến con người thời đại, nam cũng như nữ, một quan niệm đúng đắn để ta có thể truy cập thông điệp cốt tủy mà Sách thánh đưa ra. Thông điệp ấy là: Giáo hội mời gọi mọi người hãy xem lại để có được chân lý trọn vẹn về sinh hoạt giao hoan tình và dục của họ. Có như thế, mọi người mới khám phá ra thực chất của bản tính con người. Và từ đó, mọi người đi sâu vào huyền nhiệm cao cả Ba Ngôi Đức Chúa.

Câu chuyện tạo dựng vũ trụ và con người cho thấy người Nam và Nữ (tức Adong và Evà) được tạo dựng là cho người khác phái. Ở phần sâu thẳm của chính mình, hữu thể Người (gồm cả nam lẫn nữ) cảm nghiệm được khát vọng ngay tự đáy lòng muốn giao hoan dục và tình với nhau cốt trở thành thực thể duy nhất. Khát vọng ấy rộn ràng nơi cá nhân mỗi người, bằng xương bằng thịt.

Con người kéo dài sự sống cho nhau là để san sẻ thân xác với nhau; và, để người đối tác khác mình, biết rằng: là tạo vật người, ta được dựng ra là để yêu và được yêu. Cả người Nam lẫn Nữ hãy khuyến khích nhau ra khỏi chính mình mà đến với người đối tác, khác phái với mình. Sự khích động và lôi kéo dục tình không chỉ đơn thuần khêu gợi khát vọng thể xác thôi, nhưng còn bộc lộ ý hướng dẫn đưa chủ thể người đến với con tim nhân phàm. Đến với khát vọng sâu xa, là: có được sự trọn vẹn. Có được động tác giao hoan chung tình; để rồi, kết cuộc đôi bên cùng dẫn đưa nhau đi về cùng Thiên Chúa.

Mục tiêu tạo dựng con người ngay lúc ban sơ đã mang tính quan yếu là tạo nên cho người đối tác khác phái và người khác phái. Nam nhân được tạo dựng là để giao hoan thể xác với người nữ. Cũng thế Evà (người Nữ) được tạo thành là cho Adong (tức Nam nhân), Adong. Việc giao hoan dục tình tham gia hành động trao thân một cách tự do trọn vẹn.

Trao thân cho nhau. Gửi phận nhau. Việc lạ thường ấy, nay thành chuyện đương nhiên ở đời. Từ nay, ở thân xác và qua động tác giao hoan phối kết thành một thân xác. Hai người khác phái đã yêu đương như Thiên Chúa đương yêu con người. Xem như thế, vinh quang của Thiên Chúa đã tỏ hiện. Và, Đức Gio-an Phao-lô II gọi đó là: “Ý nghĩa của giao hoan kết thành thân xác.”

Qua việc trao thân phối kết với người Nữ, Nam nhân (tức Adong) tìm ra bản chất “người” của mình. Cũng thế, qua việc ăn nằm với Nam nhân, người Nữ (tức Evà) khám phá ra ý nghĩa sâu sắc nơi căn tính của mình.

Theo đó, ta hiểu được rằng: trong chuyện tạo dựng trời đất, người Nam và người Nữ nhìn hai thân xác trần truồng nhưng không thấy xấu hổ, lúng túng mà chỉ thêm hưng phấn khi nhận ra sự huyền nhiệm của Tình Yêu mà Yavê Thiên Chúa tặng ban. Chính cái nhìn tinh tuyền này đã phối kết thân xác của con người. Và, sự phối kết này biểu tỏ đúng ý nghĩa của cụm từ được viết trong sách Khởi nguyên ở đọan 2, câu 25:

“Và cả hai đều trần truồng

mà chẳng thấy hổ ngươi” .

Để tóm tắt, có thể nói như thế này: Việc giao hoan phối kết thân xác giữa hai chủ thể Nam và Nữ, từ ngàn năm trước, đã mang tính thánh thiêng (chứ không trần tục) của tình yêu thương và khát vọng muốn trở nên Một. Một thân xác. Một chủ thể duy nhất và hòa hợp. Điều này chứng tỏ một cách không gượng ép nhưng mạnh dạn Tình Yêu Nên Một của Ba Ngôi Đức Chúa. Tình Yêu ấy, Thiên Chúa đã phú ban một cách nhưng-không cho con người. Để rồi, con người được hoà mình vào chính Tình Yêu bằng những hành động mang dáng dấp xác thân, phàm trần.

Thế nên, chuyện lợi dụng thân xác hoặc cho mục đích vị kỷ, trần thế được xem như hành động vi phạm tính thánh thiêng/linh đạo của hành vi cao cả, nói trên. Tức, sự yêu đương và đương yêu. Vô hình chung, hành động ấy vi phạm Tình Yêu Đương đích thật. Hành động ấy mang tính động vật, không thể nào hàm chứa ý nghĩa yêu đương cao cả của Ba Ngôi Đức Chúa.

Nói cho cùng, thông điệp Thần học về Thân xác của Đức Cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô Đệ Nhị, đủ để tóm gọn và trả lời cho những ai vẫn còn thắc mắc về các chuyện đã và đang xảy ra trong huyện, ngoài làng. Dù huyện ấy có là huyện L.A. Và, dù làng ấy có là làng mạc vùng sâu vùng xa, nơi mạn ngược. Bởi lẽ, đi đâu hoặc làm gì, nam hay nữ, ta vẫn là những Adong hoặc Evà, đầy tính người. Vấn đề còn lại, là: ta còn thủy chung với lời thề nguyền hôm trước, nữa không. Dù cho, lời ấy là lời thề với người đối tác, khác phái tính. Hoặc, là lời nguyền với Đức Chúa, Đấng yêu đương và đương yêu chúng ta.

Và, một khi đã hiểu vấn đề theo ý hướng rất đúng của Đức Gio-an Phao-lô II, thì thắc mắc ở trên không còn là vấn nạn nữa. Mà là, những câu trả lời. Của người. Và của mình.

Trần Ngọc Mười Hai

cũng đã từng hỏi

và cố tìm câu trả lời

No comments: