Wednesday 29 August 2018

“Đừng! đừng nhìn anh bằng đôi mắt buồn vời vợi”.


Chuyện Phiếm đọc trong tuần 22 Thường niên năm B 02-9-2018

“Đừng! đừng nhìn anh bằng đôi mắt buồn vời vợi”.
Thà em nói thà em trách là anh dối gian thật buồn.
Bây giờ còn hai ta giây phút cuối bên nhau.
Em nói đi em nói đi dù chỉ một lần làm tan nát lòng nhau.
(Nguyễn Vũ – Lời Cuối Cho Em)

(2 Sam 8: 16-17) 

Chẳng cần biết, đó có là “lời cuối cho em” không, nhưng ca-từ năn nỉ/ỉ ôi như thể bảo: “Đừng nhìn anh bằng đôi mắt buồn vời vợi”, vẫn là lời nhắn nhủ, gửi đến em/đến anh, đến tất cả mọi người trên đời; chí ít là người đi Đạo, những câu nói da diết như sau:

“Nếu ngày mai nếu chúng mình xa nhau
anh xin hứa lời cùng em lần cuối.
Nếu ngày mai lỡ chúng mình xa nhau.
Anh xin muôn kiếp yêu em mà thôi.”
(Nguyễn Vũ – bđd)

Chính đó là vấn đề, của tôi/của bạn, của mọi người ngày hôm nay. Hôm nay, cũng giống như mai ngày và hết mọi ngày, chắc hẳn mọi người trong đời sẽ nhắn nhủ mọi người, những chuyện tựa hồ như thế.

Thế đó, là lời hát. Còn đây, là vấn đề của những người đang lập hành-trình đi vào đời vẫn rất Đạo. Đạo làm người. Đạo làm dân con Đức Chúa, luôn có vấn-đề đặt ra cho Giáo hội. Cho người thường ở đời, như chuyện Đạo/đời được ghi lại qua mục hỏi/đáp sau đây:

“Hỏi:
“Thưa Cha, đọc sách Tân Ước, con thấy nhiều chương/đoạn đề-cập đến các vị “ký-lục” khi xưa nối-kết với nhóm Biệt-Phái/Pharisêu rất trổi bật. Vậy, xin cha giải thích cho con biết họ là ai? Họ từng làm điều gì trong xã-hội Do-thái-giáo?” (Câu hỏi từ một giáo-dân không biết nhiều về giáo-lý).

“Đáp:
“Vâng. Do không chuyên và cũng không hiểu nhiều điều về Giáo-lý/Sách phần, nên hôm nay người thưa chuyện mới đưa ra những thắc mắc khó tả nhờ “cha” giải-thích. Bởi, khi đã “chuyên” rồi thì người hỏi cần gì phải đưa ra những thắc mắc/hỏi han cho thêm bận!

Đúng vậy. Bấy lâu nay, dù bận hay không, cha/cố hoặc đấng bậc vị vọng vẫn có nhiều thì giờ và tư-tưởng để nghiên-cứu/học hỏi, rồi trả lời như sau:

“Tự-vựng “Ký-lục” bên tiếng Anh, chỉ-định người nào đó từng viết lách, dạy dỗ rất nhiều “sự”. Và, đây là công-tác hàng đầu của vị gọi là “Ký-lục”. Cụm-từ “sopherim” bên tiếng Aram/Do-thái được dịch ra nguyên-ngữ thành “ký lục” có nghĩa khác nhau khi viết hoặc theo dõi thứ tự sự việc liên quan đến cân/đong đo/đếm.

Trên thực tế, người mang danh “ký lục” đều làm các công việc tương-tự như thế. Đặc biệt hơn, khi làm bất cứ việc gì, họ đều quan-tâm đến lề-luật do Chúa tỏ bày qua tổ-phụ Môsê. Thành ra, các ký-lục sẽ viết xuống các điều ấy thành luật-lệ rồi sao chép luật và sắp xếp theo thứ tự hợp lẽ có khi còn đến số chữ trong các bản văn nữa, cũng không chừng.

Các nhà ký-lục thường phục-vụ vua/chúa cũng như các vị cầm quyền mà ngày nay ta có thói quen gọi họ là thư-ký hoặc lục-sự, tức những người có bổn-phận soạn-thảo thư-từ giao-dịch, lập quyết-định và cả đến việc quản-trị tài-chánh của giới cầm-quyền. Chẳng hạn như, vào thời vua Đavít trị vì đất nước Do-thái, có ông Jôsaphát chuyên hoàn-thành nhiệm-vụ duy-trì sổ sách và Sêraja thực-thi công việccủa người thư-ký như có ghi ở sách Samuel như sau:

“Ông Giôáp, con bà Xơrugia, làm cai binh.
Ông Giôsaphát, con của Akhilút, làm ngự-sử.
Ông Xađốc, con ông Akhitúp,
và ông Akhimeléc con ông Épgiaha, làm tư tế.
Ông Xơragia làm ký lục.”
(Sách Samuel quyển 2 đoạn 8, câu 16-17)  

“Trong số các viên chức cao cấp của vua Salômôn, ta thấy có Êlihoreph và Ahijah là hai người đóng vai thư ký, còn Giêhôsa phát lại là người ghi chú hồ sơ, như có viết ở Cựu Ước:

“Êlikhôrép và Akhigia,
hai người con của Sisa làm ký lục.
Giơhôsaphát, con của Akhilút,
làm ngự sử.”
(1 Vua 4: 3)

“Và, các ký-lục thời vua chúa lại rất có thẩm-quyền cùng uy-tín đối với dân chúng. Bên dưới những vị này, lại cũng có giai cấp thấp kém chỉ lo mỗi việc ghi chép, đó là các thày trợ tế Lêvít, như sách Giêrêmia từng chép lại, những câu sau đây:

“Ông Giêrêmia gọi ông Barúc,
con ông Nêrigia lại;
và theo lời ông đọc,
ông Barúc đã viết lại
tất cả những lời Đức Chúa đã phán với ông
vào một cuộn sách.”
(Giêrêmia 36: 4)

“Thời Đức Giêsu, các ký lục lại có quyền soạn-thảo các tài liệu về luật pháp như hợp đồng hôn-ước và/hoặc ly-dị, vay nợ, thừa-kế, thế-chấp, bán đất, vv… Thế nhưng, công-tác quan-trọng nhất của những vị này là nghiên-cứu về luật pháp, diễn-giải và giảng dạy các thứ ấy cho mọi người hiểu. Thành thử, nhiều lúc họ cũng được gọi là luật-sĩ hoặc thày thuốc, tức: các bậc thày dạy pháp-luật.

“Thông thường thì, các vị này phần lớn là những người học-thức trong xã hội qua đó các vị ấy vẫn vui hưởng quyền lợi to tát, gây nhiều ảnh-hưởng trong dân chúng. Các vị này đều có tiêu-chuẩn được bình bầu vào hội đồng tối-cao của Do-thái-giáo, còn gọi là Đại Công Nghị.

“Một ví dụ khác cho thấy ý-nghĩa tương-tự giữa danh xưng ký-lục và luật sĩ như đoạn Tin Mừng Mát-thêu trong đó có ông Pharisêu nọ hỏi Đức Giêsu về tầm quan trọng của luật sĩ, như sau:

“Khi nghe tin Đức Giêsu đã làm cho nhóm Xađốc phải câm miệng,
thì những người Pharisêu họp nhau lại. Rồi một người thông luật trong nhóm
hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng:
"Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?"
(Mt 22: 34-36)

Và ở một đoạn khác, tác giả Tin Mừng Mátthêu cũng phân biệt:

“Bấy giờ, Đức Giêsu nói với dân chúng
và các môn đệ Ngài rằng:
"Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy.
Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ,
còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo,
vì họ nói mà không làm…
Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy.
Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn,
mang những tua áo thật dài.
Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc,
chiếm hàng ghế đầu trong hội đường,
ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng
và được thiên hạ gọi là "Rabbi".
(Mt 23: 1-7)

“Xem thế, rõ ràng là: có hiểu/biết vai trò của các kinh-sư cùng ký-lục, người đọc Kinh thánh mới hiểu được Sách này.” (X. Lm John Flader, Solving the fallacies about the Pharisee, The Catholic Weekly 15/7/2018, tr. 21)

Hiểu được vai-trò của mỗi người và mỗi vị như thế rồi, ta sẽ nhận ra bài sai gửi con dân đi Đạo, không chỉ gửi đến các đấng bậc Biệt-Phái, Kinh-sư hoặc “ký-lục” mà thôi. Nhưng, bài sai là “bài-bản-để-sai-đi” gửi đến với mọi người ở trần-thế, như đấng bậc nọ đã nhận chân ý-nghĩa thực-thụ những điều được viết trong Kinh thánh bằng lời dẫn-giải sau đây:

“Dân con đạo Chúa đi nhà thờ hàng tuần những tưởng Tiệc Thánh Thể rày chấm dứt khi vị chủ tế giơ tay ban phép lành kèm theo lời nhắn nhủ: “Anh chị em hãy ra đi bình an.” Kỳ thực, lời nhắn hay chúc mừng “ra đi bình an”, đều thôi thúc dân con dự Tiệc hãy về với thế trần mang theo sứ vụ Chúa trao cho mọi người. Nhưng, sứ vụ đây là bài sai thúc giục người dự Tiệc phải làm những gì ngay sau đó? Làm theo cách-thế nào đây? Và, kết quả rồi sẽ ra sao?
Ở đây, dân con dự Tiệc còn khám phá ra một thúc giục khác xuất từ Tiệc Thánh. Đó là, sự hiện diện mặt-đối-mặt với các sự vật như vật thể. Dự Tiệc, không là hiện diện bằng thân xác mà dân con/cộng đoàn từng trải nghiệm một cách chủ quan, giới hạn. Nhưng hiện diện, là qui cách hiện hữu chỉ mình Chúa mới có. Đó là sự Hiện Diện theo nghĩa tặng ban/cho đi. Cho nhưng-không, chẳng màng lợi danh, đổi chác theo nghĩa “có đi có lại mới toại lòng nhau”.
Đức Chúa không tặng ban cho ta chỉ mỗi hiện hữu có lợi, Ngài cũng chẳng trông chờ ta cảm kích biết ơn rồi tạo ràng buộc khiến ta mất đi sự tự do, thoải mái. Ngài không muốn lấy đi giây phút hiện tại ta đang sống trong nhà Chúa như sự thể chính đáng. Và, Ngài cũng không đánh giá quá thấp tháng ngày dài thời quá khứ hoặc tương lai đang đến.
Ta tưởng, đó như một hiện tại kéo dài để rồi đưa ra những mẩu chuyện nhỏ cho một tổng thể lớn. Tổng thể, tức: đường lối hoàn toàn khác hẳn vốn dĩ cho thấy người đời thường đặt nặng mọi thứ chứ không màng gì hiện tại. Nhất thứ là một hiện tại xảy ra vào cuối buổi Tiệc, lúc ta được bảo: hãy “ra đi” trở thành kẻ tản bộ tàn tàn đi trong ước mơ chậm lụt nhưng chắc chắn ở thế trần. Ra đi, vì bài sai Chúa gửi cho trần thế không do ta chọn hoặc lập ra, mà chỉ tuân thủ và thực thi.
Và, Hội thánh hôm nay cho thấy thái độ “đóng kín” chẳng am tường gì bản chất của chính mình, nên đã không phản ánh cái đẹp của trần thế bằng việc thể hiện động thái của mình. Và, cũng vì không am tường bản chất của mình nên không tạo ảnh hưởng nào lên trần thế.
Thành thử, khi nhận bài sai ra đi về với thế-trần làm chứng-nhân rao truyền Lời Chúa, sống cho Chúa, dân con đi Đạo thường cảm thấy khó mà sống thực niềm tin giữa lòng dân tộc, thời hiện đại. Bởi thế nên, nền văn-hoá thời-đại chẳng còn đón nhận sứ điệp từ Đạo Chúa. Thế trần thời hôm nay, là chốn miền khiến ta khó mà sống niềm tin đích thực. Ngày nay, người người vẫn dễ dàng sống theo lề thói vật chất, vui hưởng lợi lộc do chủ thuyết tiêu thụ dọn sẵn theo hướng chệch choạc.
Đây cũng thế, ta không dễ gì định hướng được tính khí của nhân loại để mọi người ra đi mở rộng Nước Chúa, sống cho Chúa. Bởi, cơ chế xây dựng Hội thánh hôm nay càng ít trở nên gương mẫu cho người đời Thế nên, Hội thánh càng xa rời đời sống của chúng dân. Ở thế trần hôm nay, ngày càng thấy ít đi các buổ Tiệc hiến tế hoặc Tiệc Lòng mến thân thương nhiều người dự. Số lượng linh mục phục vụ Tiệc ngày càng ít dần, kéo theo một thực thể là sứ vụ rao truyền Lời ngày càng chất chồng lên đôi vai trần của một vài vị còn ở lại với thánh hội.
Từ đó, có vị mục tử cùng lúc phải trông nom nhiều giáo xứ. Có vị phải bỏ nhiều giờ ra để đi tới vùng sâu/vùng xa mà “rao truyền Lời”. Thế nên, hôm nay, nhu cầu đòi hỏi dân con dự Tiệc nhận bài sai “ra đi rao truyền Lời” trở thành chuyện “sống thực” ở đời. Sống thực, là sống đúng nghĩa Tiệc Lòng Mến biến cải thế giới thành chốn đặc biệt để sống và lao động. Hôm nay, dân con nhận bài sai rao truyền Lời, cho thấy: đó là quan điểm cách mạng chứng tỏ vai trò giáo dân đã đến hồi nở rộ, đẹp đẽ, tốt lành.
Vấn đề của giáo dân, nay không nhằm khuếch trương Hội thánh theo số lượng bao gồm sự việc và phong trào do Hội thánh chủ trương. Cũng không nhằm làm những gì hoặc làm thế nào để số người “đi nhà thờ” ngày một đông, hoặc có thêm người đọc kinh, hát xướng; mà là: sống thực cuộc sống hiệp thông ta học được từ Tiệc Thánh xảy đến trong trần thế rất khí thế.
Trở thành giáo dân đúng nghĩa, là ơn gọi nhận bài sai ra đi rao giảng Lời, chứ không phải nhận lãnh danh xưng/chức tước để thi-hành. Ơn gọi giáo dân, là ân-lộc gọi mời mọi người trở nên dân con Chúa bằng cách sống hiệp thông, thương yêu. Gọi mời mọi người trở thành dân con sống thực Lời Chúa trong thế giới vật chất. Sống thực Lời, là sống hiệp thông thương yêu trong khuôn khổ của trần thế.
Sống thực đây, không là kinh nghiệm hiệp thông có từ Tiệc Thánh rồi phổ biến cho thế giới làm giống thế. Làm thế, khác nào biến thế giới bên ngoài thành chi nhánh của Hội thánh. Làm thế, tức: dân con đi Đạo không còn tôn trọng các đặc-thù của thế giới bên ngoài và chỉ muốn canh cải mặt ngoài của thế trần, mà thôi.
Sống thực Lời, là cởi mở với tính đặc-thù của trần thế nơi cuộc sống đời thường vẫn như thế. Và rồi, từ đó khám phá ra cuộc sống hiệp thông, thương yêu có từ Tiệc Thánh đang thăng tiến với thế trần.
Mãi đến hôm nay, Hội thánh vẫn chưa thành đạt chuyện này. Hội thánh, nay vẫn hãi sợ “thế gian” phàm tục. Thế gian, là cụm-từ mà Hội thánh ít muốn để tai nghe. Thế gian, là từ-vựng về hệ thống giá trị mang tính phàm tục nghịch lại hệ-cấp giá trị của thánh hội. Và Hội thánh vẫn sợ cả đến giáo dân bên trong thánh hội mình; sợ rằng: ngày nào đó, họ sẽ qua mặt hệ-cấp rất thánh.
            Cuối cùng thì, với bài sai vừa nhận, đạt sẽ ra đi mà không hãi sợ trần thế rất “thế-gian” mà có lần cha/cố nhà Đạo vẫn ví-von “ba thù” hoặc “kẻ thù thứ ba” rất đáng gờm. Ra đi, hầu nhận-lãnh sứ vụ gửi đến mỗi người và mọi người có kèm theo lời chúc phúc rất hiên ngang. Cứ hiên ngang ra đi, vì Đức Chúa vẫn ở với mình và với người là thế-giới gian-trần Ngài mến thương. Ra đi, vì đó là ý-nghĩa và là mục-tiêu của thánh hội được Đức Chúa ủy-thác cho mình bài sai đặc-thù, rất như thế.” (X. Lm Kevin O’Shea, Lời Chúa Sẻ San, nxb Hồng Đức 2014, tr. 190-194)        
Xem thế thì, vai trò của các vị “ký-lục”, Biệt-Phái hoặc Pharisêu, đều là “nghĩa vụ” gửi đến mỗi người trong ta. Ta và người, đều được sai đi rao truyền Lời trong cương-vị của mỗi giáo dân ở huyện nhà, còn gọi là “con dân đi Đạo”, ở trong đời.

Vai-trò và ý-nghĩa của các vị “ký-lục” không chỉ duy-nhất có một việc, là: sao chép, diễn-giải Lời Chúa phán bảo. Mà, còn là và vẫn là ý-nghĩa của “bài sai” đối với người dân trong Đạo khi lĩnh-nhận thanh-tẩy ngay từ nhỏ.  Bài sai ấy, lời truyền đây, đều sẽ là và vẫn là lời khuyến-khích thúc giục ta và mọi người hãy làm thế cho mình và cho người, suốt mọi thời.

Để minh họa cho kết cuộc bài Phiếm không chuyên hôm nay, tưởng cũng nên kể cho nhau nghe đôi giòng truyện cũng khá nhẹ nhưng rất thấm về danh xưng/vai-trò của một vài người trong đời, như ông bố và anh con trai trẻ tuổi, sau đây:

“Truyện rằng:

“Bao giờ cũng vậy, cứ bốn giờ sáng là ông Rôbớt lại thức giấc. Bốn giờ sáng, đúng cái giờ trước đây bố vẫn thường gọi ông dậy cùng đi vắt sữa. Thật lạ là cái thói quen đã hình thành cách đây 50 năm, từ lúc ông còn nhỏ, vẫn còn theo ông tới tận bây giờ. Bố ông mất cũng đã được 20 năm, nhưng ông vẫn luôn thức dậy vào lúc bốn giờ sáng mỗi ngày, rồi sau đó mới ngủ tiếp trở lại được. Nhưng hôm nay là Giáng sinh; ông không ngủ lại nữa.

“Rôbớt lần hồi nhớ lại cái ngày ông mới 15 tuổi, ngày ông còn đang ở nông trang, và câu chuyện về tình yêu vô tận dành cho bố. Thực ra, ông cũng chỉ nhận ra tình yêu đó vài ngày trước lễ Giáng sinh năm ấy, năm ông 15 tuổi, khi nghe lỏm được câu chuyện của bố mẹ.

“Bố bảo: “Mary này, anh không muốn gọi Rôbớt dậy sớm như vậy chút nào. Thằng bé đang tuổi ăn tuổi ngủ. Nhìn cái cách nó ngủ mỗi sáng trước khi phải gọi nó dậy mà xem. Anh cứ ước sao mình có thể tự làm việc đó một mình”.

“Mẹ nói:
-Ồ, anh biết là mình anh thì không thể ngày nào cũng làm việc đó được mà. Thằng bé cũng đã lớn rồi. Đã đến lúc cho nó tập làm việc đó.

“Bố chậm rãi trả lời:
-Thì đúng thế. Nhưng anh vẫn chẳng thích phải gọi thằng bé dậy sớm chút nào.

“Trước đây, Rôbớt chưa từng bao giờ nhận ra bố yêu mình nhiều đến thế, thậm chí chưa từng bao giờ nghĩ tới điều đó. Rôbớt chỉ coi đó là chuyện tất nhiên trong quan hệ bố con. Cả bố và mẹ đều chẳng bao giờ nói họ yêu lũ trẻ tới mức nào, bởi họ chẳng có nhiều thời gian để nói ra những điều hiển nhiên như vậy. Công việc nông trang vốn đã hết sức bận rộn và đôi lúc họ chẳng còn thời gian cho điều gì khác.

“Từ bữa đó, mỗi sáng khi bố gọi, Rôbớt không còn nấn ná ngủ thêm hay để phải gọi lần thứ hai nữa. Bao giờ cậu bé 15 tuổi cũng vùng dậy ngay lập tức, mắt nhắm mắt mở mặc thêm quần áo. Dẫu hai mí mắt còn đang dính vào nhau, Rôbớt đã loạng choạng đi thẳng về phía chuồng bò.

“Đêm trước lễ Giáng sinh năm 15 tuổi, Rôbớt không khỏi suy nghĩ về ngày lễ sắp tới. Gia đình Rôbớt còn nghèo và sự háo hức đợi chờ một lễ Giáng sinh cũng chỉ xoay quanh món gà tây tự nuôi ở nông trang và bánh kẹp thịt băm mẹ làm. Mấy chị gái Rôbớt sẽ tự làm những món quà tặng còn bố mẹ thì luôn mua một thứ gì đó mà Rôbớt rất cần, không hẳn là kiểu như một chiếc áo ấm mà có thể là một thứ gì đó hơn thế, một cuốn sách chẳng hạn. Rôbớt cũng dành dụm và mua quà tặng cho mọi người.

“Năm 15 tuổi, Rôbớt bắt đầu để tâm đi tìm một món quà nào đó có ý nghĩa dành tặng bố. Thường thì Rôbớt vẫn tới cửa hàng một giá 10-xen và mua một chiếc cà-vạt. Ý tưởng về một chiếc cà-vạt mới cho bố vẫn ổn cho đến đêm trước lễ Giáng sinh. Rôbớt nằm trên giường, nhìn ra ngoài cửa sổ căn gác xép áp mái và nghĩ về món quà cho bố; ngoài kia, muôn vàn vì sao đang nhấp nháy.

“Đột nhiên, ý tưởng về một món quà Giáng sinh đặc biệt vụt tới, như những ánh sao lung linh ngoài kia. “Tại sao không?” Rôbớt nghĩ. Cậu có thể dậy sớm, sớm hơn nhiều so với cái thời gian cố định bốn giờ sáng. Rồi Rôbớt sẽ nhẹ nhàng đi tới chuồng bò, sẽ một mình vắt sữa. Đúng! Rôbớt sẽ làm việc đó một mình: vắt sữa và dọn dẹp, để đến khi bố dậy thì mọi việc đã xong. Bố sẽ biết ai là người đã làm việc đó. Rô-bớt mỉm cười, ngắm nhìn những vì sao lấp lánh ngoài ô cửa sổ. Rôbớt sẽ làm việc đó một mình, vì thế sẽ không được phép ngủ quá say.

“Đêm đó, cậu bé Rôbớt trằn trọc, cứ thức rồi lại ngủ không dưới 20 lần. Mỗi lần thức giấc Rôbớt lại quẹt diêm soi chiếc đồng hồ cũ kỹ: nửa đêm, một rưỡi sáng, rồi hai giờ sáng. “Ba rưỡi sáng! Rôbớt bật dậy, mặc thêm quần áo, lặng lẽ rời khỏi giường đi về phía chuồng bò. Lũ bò sữa đưa đôi mắt ngái ngủ nhìn Rôbớt ngạc nhiên. Chúng cũng thấy còn quá sớm.

“Trước đây Rôbớt chưa bao giờ vắt sữa một mình, nhưng có vẻ như việc này cũng chẳng quá khó. Vừa làm Rôbớt vừa mường tượng xem bố sẽ ngạc nhiên đến thế nào. Bố sẽ tới gọi Rôbớt và như mọi lần sẽ đi chuẩn bị đồ trong khi đợi Rôbớt mặc quần áo. Rồi bố sẽ mở cửa kho lấy hai chiếc thùng để đựng sữa và phát hiện ra hai chiếc thùng đã đầy. Bố sẽ kêu lên kinh ngạc: “Chuyện gì đã xảy ra thế này?”

“Rôbớt mỉm cười tiếp tục vắt; hai dòng sữa trắng đục phun mạnh vào trong chiếc thùng, sủi lên lớp bong bóng nhỏ xíu, thơm phức. Công việc diễn ra trôi chảy hơn Rôbớt nghĩ. Lần đầu tiên trong đời cậu bé 15 tuổi Rôbớt, vắt sữa không còn là một việc vặt nhàm chán hàng ngày nữa. Nó đã trở thành một điều gì đó rất khác, một món quà đặc biệt cho một người luôn dành cho Rôbớt tất cả yêu thương.

“Công việc đã xong. Rôbớt đậy nắp thùng, đóng cửa nhà kho cẩn thận. Về đến phòng, chỉ kịp cởi bớt quần áo, chui vào giường và kéo chăn kín đầu thì bố đã tới gọi: “Rôbớt! Dậy đi thôi. Chúng ta vẫn phải vắt sữa dù hôm nay là Giáng sinh”.

“Rôbớt trả lời, giọng vờ ngái ngủ:
-Vâng!

“Cửa phòng đóng lại. Rôbớt thầm mỉm cười trong bóng tối. Chỉ vài phút nữa thôi là bố sẽ biết. Tim cậu bé 15 tuổi đập chộn rộn như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Chỉ mấy phút thôi mà tưởng chừng như thời gian dừng lại, không bao giờ dứt. Mười phút, mười lăm phút, Rôbớt cũng không nhớ rõ là bao lâu nữa. Cuối cùng tiếng bước chân bố cũng vang lên nơi bậu cửa. Cửa phòng bật mở; bố đứng đó, lặng im một lúc lâu.
-Rôbớt!
-Sao thế bố?

“Bố bật cười lớn, tiếng cười thật lạ, bởi trộn lẫn trong đó là thứ gì như tiếng thổn thức:
-Rôbớt, con nghĩ rằng sẽ gạt được bố sao?
-Bố, đó là món quà Giáng sinh của con dành cho bố!

“Ông Bố bước đến bên giường, kéo chăn xuống và ôm chặt lấy Rôbớt. Trời vẫn còn tối và chẳng ai nhìn rõ mặt ai:
-Con trai, chưa ai từng tặng bố món quà nào tuyệt vời đến vậy!
-Bố à, con chỉ muốn bố biết rằng… con chỉ muốn bố biết rằng…,

“Giọng Rôbớt nghẹt lại rồi vỡ toang, đầy thổn thức. Rôbớt không biết nói gì nữa, trái tim cậu bé 15 tuổi run rẩy với cả nỗi lòng yêu thương. Rôbớt xuống giường, mặc quần áo ấm và tới bên cây thông Giáng sinh. Ở đó, bố đang kể lại câu chuyện về món quà Giáng sinh đặc biệt cho mọi người.

“Bố bảo:
-Đó là món quà Giáng sinh tuyệt vời nhất của bố. Mỗi Giáng sinh bố sẽ lại nhớ về món quà đặc biệt này. Bố sẽ không bao giờ quên con trai ạ, cho đến tận cuối đời.

“Thời gian trôi nhanh. Cả Rôbớt và bố đều luôn nhớ về món quà đặc biệt năm đó. Rồi bố Rôbớt mất. Giờ chỉ còn mình Rôbớt là nhớ câu chuyện năm nào. Chỉ còn Rôbớt là nhớ y nguyên buổi sáng tinh mơ năm đó, nhớ lũ bò và món quà yêu thương của mình.

“Năm nay ông già Rôbớt sẽ viết thiệp Giáng sinh tặng vợ. Thực ra đã rất lâu rồi ông không nói thành lời “ba từ yêu thương” đó, dù ông yêu bà theo cách rất đặc biệt, sâu lắng hơn rất nhiều so với thời họ còn son trẻ. Bà cũng rất yêu ông. Yêu và được yêu, đó là niềm vui đích thực của cuộc sống.

“Giáng sinh này, cũng như mọi Giáng sinh, tình yêu vẫn cứ nồng nàn như những ngọn nến, bởi nó vẫn luôn ở đó, trong sâu thẳm trái tim ông già Rôbớt và của mỗi người. Đúng thế! Tình yêu tự thân nó có khả năng đánh thức tình yêu trong tất thảy mọi người. Trong buổi sáng Giáng sinh may mắn này, ông già Rôbớt sẽ viết ra những lời yêu thương cho vợ, để vợ ông có thể đọc và lưu lại mãi mãi trong tim. Ông đi đến bên bàn, ngồi xuống và bắt viết: Bà xã thân yêu…

“Sẽ là một Giáng sinh hạnh phúc, rất hạnh phúc khi món quà là tất cả yêu thương!” (Truyện ngắn do ST sưu tầm)

Giáng sinh hạnh-phúc hoặc hạnh-phúc của các “Biệt-Phái”, “ký lục” cũng na ná giống như thế. Tức có nghĩa, một thứ hạnh-phúc của những vị, những cụ thi-hành trọn vẹn danh-xưng/sứ mang của mỗi người và mọi người, dù học có là “ký lục”, Biệt phái hoặc đơn giản chỉ là người còn trẻ tuổi mang tên, rất Rôbớt.    

Trần Ngọc Mười Hai
Từng lĩnh-nhận nhiều điều
nhưng vẫn chậm hiểu
và chậm tiêu
Nên mới thế.  


No comments: