Wednesday, 2 January 2008

Em đứng lên gọi mưa vào Hạ

(Yn 1: 14)

Trong quá trình kể lại những chuyện phiếm Đạo-đời -tức là: Đạo vào đời - Đạo sống trong đời- có bạn đã có ý kiến phản hồi, bảo rằng: tại sao khi phiếm, tác giả cứ nhắc đi nhắc lại cái câu “Ấy là kể chuyện”, nghe khó hiểu và nhàm tai quá…Cảm tạ ơn Chúa. Còn gì thú vị bằng vừa gửi thư đi, đã có thư về.

Vâng. Trong cuộc sống Đạo-đời, mỗi khi viết lách -tức: vừa viết vừa lách- bần đạo từng thấy có những điều mình viết hoặc nói ra, không mấy thuyết phục người đọc hoặc người nghe, bèn bắt chước nhạc mẫu thân sinh, bảo ngay rằng: “Ấy là kể chuyện”. Ý muốn nói, đó chỉ là chuyện kể. Rất tầm phào. Bạn bè nghe qua, nếu đồng ý, xin rất cảm ơn. Bạn khác nghe rồi, nếu chẳng thấy có điều gì lay chuyển được lòng mình, thì cũng cảm ơn bạn đã nghe và đã đọc. Còn chuyện, có hiểu hay không hoặc có đồng ý hay không, bần đạo xin thêm nguyện cầu để được soi sáng, sẽ viết rõ hơn.

Bây giờ, bần đạo mạo muội lại một lần nữa, vẫn xin: “Ấy là kể chuyện”.

Chuyện kể hôm nay, cũng thuộc lọai nửa Đạo, nửa đời. Trước nhất là chuyện Đạo.

Hôm ấy, bần đạo được mới đến nhà một đạo hữu nọ làm một việc mà bà con ta thường gọi là “Đọc Kinh Tôn Vương”. Nhưng hôm ấy, thay vì bà con lần chuỗi đọc những 50 kinh Kính Mừng, suy niệm về các mầu nhiệm trong Đạo, như: Năm Sự Vui, Thương, Mừng và Sáng, thì gia chủ lại đề nghị một hình thức giống như ta thường gọi “Bẻ Bánh Lời Chúa”, hay “Canh Thức Thánh Kinh”. Nghĩa là: chỉ đọc 1 kinh lạy Cha, 3 kinh Kính Mừng và 1 kinh Sáng Danh, để xin Chúa Thánh Thần soi sáng buổi nguyện cầu tại gia, rất ấm áp mùa Hạ. Sau đó, có người đề nghị thành viên gia đình đọc một đoạn Sách Thánh, rồi mọi người phát biểu cảm nghiệm hoặc kể chuyện gì đó về Đạo. Hoặc về đời.

Vì dịp đó là mùa Giáng Sinh, vào mùa nắng Hạ ở Úc, nên gia chủ cho đọc đoạn Tin Mừng theo thánh Gio-an, như sau:

“Lời đã thành xác phàm,

và đã lưu trú nơi chúng tôi,

và chúng tôi đã được ngắm vinh quang của Ngài

vinh quang như Con Một tự nơi Cha,

tràn đầy ân nghĩa và sự thật.”

(Yn 1: 14)

Bữa đó, không có ai là thầy sáu vĩnh viễn, cũng chẳng có vị nào xuất thân là đấng “ta ru” hay tu ra tu vào gì cả, nên chờ mãi mới thấy người nhà của gia chủ phát biểu, như sau:

“Kính thưa quý cụ, quý anh chị,

Chả nói giấu gì, con đây học hành chữ nghĩa chẳng bao lăm. Lòng đạo cũng chẳng được mấy tí, nên chẳng dám nói gì, chỉ xin kể lại câu chuyện nghe được từ người bạn về No-en như sau:

Đã lâu lắm, dịp Giáng Sinh năm ấy, Ông Già Noel lại chuẩn bị khăn gói lên đường. Lần này, ông gặp đủ mọi thứ trục trặc trên đời, lúc nào cũng gặp toàn là sự cố kỹ thuật. Các nàng tiên nhỏ thường hay giúp ông, năm nay phát quà chậm quá, nên các cháu thiếu nhi mãi đến hôm nay vẫn chưa có quà, kêu réo rất là inh ỏi. Lại thêm bà xã của Ông còn nhắn nhủ rằng thì là đêm nay “mẫu hậu” thân sinh sẽ ghé lại ngủ đêm để vui chung ngày lễ hội với hai vợ chồng. Tin này càng làm ông lo lắng, dữ hơn.

Ông ra xe, định bụng thắng chiếc yên cho 4 cô nai vàng yêu quí chuẩn bị cuộc xuống núi lao động, bèn phát giác ra rằng 3 trong 4 cô nàng kéo xe, đang chuyển bụng sắp đập bầu. Đã vội, lại càng thêm căng thẳng, Ông chỉ còn mỗi nước độc nhất, là cột cô nàng còn lại vào càng xe rồi trao cho cô ta trọng trách bao dàn, thay thế cho mấy cô đang vỡ bầu, thôi. Vừa bước lên chiếc thổ mộ, thì càng xe gãy rục, quà cáp vãi tung tóe, khắp nơi. Nhằm vợi bớt cơn giận lành của mình, Ông Già Noel trở vào nhà bếp, định bụng làm một hớp cà phê nóng, sau đó tính là thêm ba sợi Brandy sương sương cho lắng cơn giận đằng đằng, đang trào dâng bên trong… thì Ông lại té ngửa, phát giác thêm rằng: các nàng tiên bé nhỏ của ông cứ sợ ông gặp nạn trên đường nếu để cái thói “ngựa quen đường cũ” lè nhè một ngụm như trước thì Ông cũng chẳng làm ăn được gì cho tích sự, nên đã đập bể các chai whisky lớn nhỏ của Ông. Không chừa đến một giọt để ông thấm chút môi mềm, đêm nát rượu.

Trong lúc thất thần, ông Noel tuột tay đánh vỡ bình đựng cà phê quý giá, thế là từng giọt rồi lại từng giọt đen đen óng ánh rơi vãi trên sàn bếp nhỏ. Ông chầm chậm bước lên nhà trên, định bụng tìm cây chổi cùn quét nhẹ vài quét, kịp đón bà má vợ rất khó tính về những chuyện bếp núc soong nồi... Sờ đến chổi, mới hay đám chuột bọ ở đâu đến quấy phá, cắn nát mấy cọng chổi mà Ông bỏ công ra kết cột bằng các ống hút ny-lông xinh xinh ấy.

Vừa vặn có tiếng chuông bấm ngoài cửa, Ông Già Noel lụ khụ bước ra xem ai mà lại đến chơi vào giờ cao điểm như thế. Vừa mở cửa, Ông thấy thiên thần nhỏ đang khệ nệ bưng cây Giáng Sinh xanh mướt đem đến tặng ông làm quà. Thiên thần nhỏ cướp lời không cho ông phân trần:

Mừng Giáng Sinh Ông Già! Hôm nay trời đẹp quá phải không ông? Cháu có cây thông nhỏ đem đến tặng Ông làm quà Giáng Sinh đây. Ông muốn để ở đâu nào? Cây này dễ thương lắm đó!”

Nhìn cây Giáng Sinh, Ông Già Noel ra như quên hết các nỗi bực dọc, sự cố xảy đến từ sáng đến giờ, bèn đưa tay giúp vị thiên thần nhỏ bưng cây xanh tươi đẹp vào nhà và nhắm coi tính đặt vào chỗ nào cho thích hợp bây giờ?…

Vì thế, mỗi lần Giáng Sinh về, ta thấy nhà nào cũng có cây No-en. Trên mỗi cây, ta đều thấy có thiên thần nhỏ lủng lẳng trên ngọn chờ đợi Ông Già Tuyết, làm việc thay cho Chúa chỉ chỗ mọi người trưng bày hang đá, hoặc bàn thờ. Chuyện chỉ có thế, xin hết. Và xin quý vị góp ý.

Nghe chuyện, chẳng thấy có ai phát biểu điều gì dù là khuôn mặt ai cũng tỏ ra thích thú. Nháy bảo nhau mãi, lúc sau mới thấy một người trẻ trong gia đình, giơ tay nói:

Em xin nói: theo em, tất cả các chuyện Giáng Sinh, từ ngày giờ, cho chí đêm khuya tịch mịch và cả đến các nhân vật trong truyện như: Ông Già Tuyết, thiên thần, hoặc các chú nai gạc..đều là hình ảnh nói lên một sự thật về việc Chúa đã hạ mình xuống thế làm người. Ngày xưa, các cụ nhà ta có thói quen đọc Sách thánh, rồi cắt nghĩa cho con cháu hết điển tích này đến câu chuyện nọ, tìm cách làm cho mọi người dễ hiểu ý nghĩa của buổi lễ. Ngày nay, thời đại của truyền hình và vi tính, hiểu như thế cũng không sai Sự Thật về việc Chúa xuống thế làm người, hết.”

Để bổ túc, có một chị giơ tay xin được nói:

“Theo tôi thấy, khi ta lần chuỗi Mân Côi và suy ngắm các Mầu Nhiệm mà ta gọi là Năm sự Vui và nhất là khi ta đọc các kinh Kính Mừng, chúng ta đều suy niệm Mầu nhiệm Giáng Sinh. Nhất là ở chục kinh thứ nhất ta ngắm: Thiên thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai, ta hãy xin cho được lòng khiêm nhường. Rồi chục thứ hai: Đức mẹ đi viếng bà Ê-li-sa-bét, cứ thế cho đến hết chục thứ năm, chục nào cũng có lời ngắm, hết đó. Tóm lại, khi đọc kinh là ta suy gẫm Sách Thánh và như thế là ta đã cầu nguyện, rồi.

Một anh khác, bằng một giọng chắc nịch, xin phát biểu:

“Đồng ý với anh và chị gì vừa nói. Tôi không hiểu, sao có nhiều người bị thường hay bị cái mà tôi gọi là “dị ứng” với chuyện đọc kinh, lần chuỗi, quá sức. Đọc kinh, đâu phải là chuyện chúng ta lải nhải, van xin gì đâu. Mà, đó là lúc mình vừa đọc vừa nhớ lại khung cảnh diễn biến vào thời của Chúa, đấy chứ.”

Bầu khí trao đổi đã bắt đầu sôi động hơn, một chị khác giơ tay xin tiếp lời:

“Tôi đồng ý với các anh chị, đọc kinh hay suy gẫm, dù bằng cách nào đi nữa, cũng vẫn là cầu nguyện. Mà, nói đến cầu nguyện, thì mình nên chọn cách thức nào thích hợp với mình hơn cả, là hay nhất.”

Không khí trong buổi đọc kinh tôn Vương tối hôm ấy càng sinh động hơn, khi có một anh tuy thâm trầm ít nói, nhưng dường như muốn bày tỏ điều gì. Anh giơ tay phát biểu:

“Xin thưa với bà con, thật tình tôi ít có tham dự các buổi đọc kinh tối ở nhà mình hay nhà bạn bè như hôm nay lắm. Vì riêng tôi, tôi thích đọc sách tu đức, hoặc các sách Đạo, rồi suy nghĩ tìm hiểu; hoặc có gì thắc mắc, mình đi hỏi những người nào hiểu biết hơn. Ví dụ như, về mầu nhiệm Giáng Sinh, tôi có đọc một đoạn trong sách nọ, thấy hay bèn chép lại, và bỏ túi lâu lâu nghiền ngẫm. Đoạn sách ấy có nói về Giáng Sinh như thế này:

Đối với khách bàng quan xưa kia cũng như ngày hôm nay, “Giáng Sinh” chẳng qua chỉ là một biến cố lịch sử, một chuyện thời sự không hơn không kém…” Đối với chúng ta, những tín hữu Đức Kitô, Giáng Sinh có ý nghĩa gì? Giáng Sinh đối với ta, ngoài tính cách của biến cố lịch sử, còn là một bước sống. Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa muôn đời liên hệ đến chính kiếp sống chúng ta. Chúng ta tin Chúa đến với nhân lọai, đã biến đổi nếp sống chúng ta…(đoạn này trích từ sách của cựu linh mục Nguyễn Ngọc Lan, cuốn: Chủ Nhật Hồng Giữa Mùa Tím, tr. 20) Về Giáng Sinh, tác giả viết dài lắm. Tôi không thể đọc hết ở đây, chỉ xin tóm lại điều này: là người Công Giáo chúng mình tin là như thế. Nhưng, cuộc sống của mình đã có biến đổi gì chưa, đó mới là vấn đề.”

Như mọi lần, mỗi khi ai phát biểu xong, gia chủ chỉ mời mọi người gợi ý, chứ tuyệt nhiên không cho trả lời hoặc tranh luận gì hết. Thành thử, cứ nhắc nhở xem có anh hay chị nào có ý kiến gì không, thế thôi. Lại một khoảng thời gian im lặng, để trống. Cuối cùng, có chị cất lời:

“Thú thật với quý vị, đây là một trong những lần tôi tham dự buổi đọc kinh tôn vương hơi khác thường, một chút. Nhưng phải nói là, lâu lâu ta cũng nên thay đổi bầu khí và cách thức cầu nguyện một chút. Nói như thế, tôi xin phép phát biểu là: mỗi người chúng ta nên suy nghĩ thêm về câu hỏi: Mầu nhiệm Giáng Sinh đã đặc biệt đánh động mình như thế nào? Ai có câu trả lời, xin chia sẻ với cộng đoàn. Còn không, mình cứ để ngỏ câu này, vào một dịp nào đó, ta sẽ trao đổi tiếp với nhau sau.”

Được thể, lại một chị khác thêm ý kiến:

“Tôi thấy, tham dự những buổi như thế này, thường anh em mình ít có ai học rộng, hiểu sâu lời Chúa, cho bằng các cha, hoặc các cựu tu sĩ, thầy sáu. Anh chị nào quen biết mấy ông như thế, lần sau xin mời các vị ấy đến tham dự để mình chia sẻ cho mọi người hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc đọc kinh.”

Thấy không có ai phát biểu gì thêm, gia chủ đề nghị mọi người giở sách ra, ta hát bài “kinh hòa bình” của thánh Phanxicô, do cha Kim Long sáng tác. Để, xin hòa bình đến với muôn người. Người giàu cũng như kẻ nghèo. Nam cũng như nữ. Không phân biệt tuổi tác, quá trình thuộc loại cấp tiến hay bảo thủ, thủ cựu. Tất cả, ai ai cũng cần hòa bình. Nhất là vào những ngày mọi người mừng kính mầu nhiệm Chúa Xuống Thế làm người, với chúng ta.

Và mọi giọng hát được cất lên, rất ồ ồ. Rất lanh lảnh, như sau:

Lạy Chúa từ nhân,

Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa

Nơi mọi người.

Lạy Chúa, xin hãy dùng con,

Như khí cụ bình an của Chúa

Để con đem yêu thương vào nơi oán thù

Đem thứ tha vào nơi lăng nhục,

Đem an hoà vào nơi tranh chấp

Đem chân lý vào chốn lỗi lầm…

Bần đệ ra về, trong mưa. Đi trong mưa, mà lòng mừng thầm vì đã tìm thấy bình an trong tâm hồn. Dù bình an ấy, rất nhỏ. Rất tóm gọn. Và, bần đệ chợt như thấy mình đang thầm hát trong bụng bài ca nghe được hôm nào, từ giọng hát của Khánh Ly: “Em đứng lên gọi mưa vào Hạ.. Bất chợt hát lên vì mọi nơi đã thấy mưa. Mưa vào Hạ, rất nóng ấm. Hát xong, bần đệ những mong rằng: vào mùa Giáng Sinh rất thánh, người người sẽ cùng hát như bần đệ. Vì đã đến rồi, mưa Hồng Ân trên cao. Mưa An Bình, từ Đức Chúa. Rất Giáng Hạ. Mùa Hạ.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn cứ hát và cứ xin.

Xin cho những cơn mưa,

rất vào Hạ.

No comments: