Monday, 21 January 2008

“Tôi thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ cây”

(Yn 1: 9-10)

Có dịp đọc báo Ephata Việt Nam do Trung Tâm Mục Vụ Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách, bạn và tôi sẽ bắt gặp những giòng chảy về một vị linh mục Dòng đã một thời rất nổi tiếng, Lm Trần Hữu Thanh CssR, như sau:

“Một lần cuối cha Thanh chủ động dấn thân vào chính trị: đó là năm 1974 ở Sàigòn. Cha cùng với 301 linh mục khác ký tuyên ngôn lập Ủy Ban Chống Tham Nhũng. Cha Thanh trăn trở đã nhiều về tiền đồ đất nước, cha cũng đã xoay xở nhiều bề, nhiều phía. Càng ngày càng thấy rõ một điều: sự tham lam ích kỷ như một thứ tà khí bao trùm lên xã hội, nó gặm nhấm, nó làm tiêu tan, nó vô hiệu hóa những ý đồ tốt đẹp nhất. Cha cũng có kinh nghiệm về chống tham nhũng: trong những năm ’50 với việc phanh phui vụ “Gạo miền Trung”, cha góp phần làm cho nhiều quan chức đứng đầu 6 tỉnh miền Trung mất chức. Nhưng lần này không chỉ là chuyện của những quan chức cấp tỉnh. Lần này vấn đề lớn hơn nhiều: tham nhũng là quốc nạn, nó biến thành thói tục, thành cơ chế, thành cái nếp xuyên suốt xã hội từ trên xuống dưới, từ đưới lên trên. Nó khiến xã hội trở nên vô hồn, nó đầu độc sinh khí cộng đồng.” (Lm Vũ Khởi Phụng – Nhớ Cha Trần Hữu Thanh, Ephata Việt Nam số 343, 09/12/2007 tr. 16)

Đọc những giòng trên đây, bạn cũng như tôi, chắc có lúc cũng mang trong đầu rất nhiều câu hỏi. Nhưng câu hỏi bắt đầu bằng cụm từ “tại sao”. Chẳng hạn: tại sao truyền thông báo chí hôm nay đề cập nhiều về các nhóm Hồi giáo như Jamaar Islamir, Muslim Shiite, Suni … đến như thế? Tại sao Giáo hội mình cứ nhắc nhở dân con nhà Đạo hãy cẩn thận về những chuyện chính trị? Và, một trong những nhắc nhở dẫn tới vấn nạn nhiều nhất, là: ta có nên tham gia vào chuyện chính trị, đảng phái hoặc bày tỏ chính kiến/ý thức hệ, trong và ngoài nước, không?

Hỏi thì nhiều người cũng đã hỏi. Nhưng cho đến nay, đã được bao người đưa ra câu trả lời khiến bạn và tôi rất mãn nguyện? Hỏi thì như hỏi thế. Nhưng, có trả lời thì cũng chỉ để mà trả lời, thôi. Chứ, ai nào biết được câu trả lời sẽ đúng hay sai. Có hợp với lẽ Đạo nhà mình? Có ăn khớp với chuyện đời thường hay không? Đó mới là vấn đề.

Và, vấn đề của bạn và tôi hôm nay, là: ta chớ vội tìm câu trả lời, ngay lập tức. Nhưng hãy thử đưa mắt nhìn rất thoáng qua về một số vấn nạn muôn thuở. Thứ vấn nạn bao giờ cũng có đó. Và, lúc nào cũng xảy ra. Nó xảy ra, từ lúc con người manh nha ý thức về gốc gác tinh thần và đạo giáo nhà mình. Gặp những vấn nạn và câu hỏi tương tự, bạn và tôi cũng chớ nên vội vã đi thẳng vào vấn đề, nhưng hãy phiếm. Cứ phiếm trước đã. Phiếm cho ngã ngũ vấn đề, rồi sẽ hay.

Và khi phiếm, bạn và tôi cũng sẽ nhận ra rằng: các thắc mắc về chuyện tham gia chính trị của người nhà Đạo là chuyện rất bình thường. Bản thân bần đạo cũng đã từng có những thắc mắc tương tự vào thập niên ’60, hồi còn ở quê nhà. Lúc ấy, cục diện chính trị trong và ngoài nước đã bắt đầu sục sôi. Sục sôi ngay tại môi trường sống tách rời trần thế. Cụ thể, lúc ấy đã nảy sinh những vấn đề rất mới về triết lý Đông Tây. Thứ triết lý hiện sinh thu hút các văn nhân thi sĩ, khắp nơi trên thế giới.

Bần đệ còn nhớ. Trong khoảnh khắc mới chớm của cái-gọi-là triết lý hiện sinh Phương Tây, đã thấy xuất hiện ở Pháp một số các triết gia nổi bật như: Jean Paul Sartre, Albert Camus, Simone de Beauvoir, F. Sagan… đã gợi ra thứ tư tưởng làm bận lòng người suy tư, ở khắp nơi. Trên thế giới. Ngay cả môi trường tách biệt như Học viện trường Dòng, rất nhỏ bé. Và, những ông thầy Dòng bé nhỏ cũng từng hỏi: sau này làm linh mục, mình có nên gia nhập quỹ đạo quay cuồng nồng nhiệt ấy không? Nói cách khác, có nên tham gia môi trường chính trị luôn tạo những thói quen không chính đạo cho lắm?

Đề cập chuyện chính đạo hoặc tà đạo, là đề cập đến lập trường/đường lối của nhiều người, về Đạo. Về Đường. Về những con đường dẫn đến Đạo. Thứ Đạo ở đời. Với đời và trong đời. Nào giờ đây, ta hãy phiếm.

Quả là, khi Ngôi Hai nhập thể và nhập thế, toàn bộ đời người đã mang sắc thái, rất Đạo. Và, lẽ Đạo của ta nay dính nhiều đến đời. Dính chuyện người ở đời thường. Những chuyện đời người và người đời. Chuyện, mà người người vẫn gọi là chính trị. Hoặc, phát âm theo giọng Bắc -mà lúc ấy có người quen gọi là giọng “Bắc kỳ di cư”-, đó là chuyện “chính chị chính em”. Chính chị hay chuyện rất chính để trị, tựu trung vẫn là nhân sinh chuyện dài, ở đời.

Nhân sinh chuyện dài chính trị nói ở đây, tuyệt nhiên không nên hiểu theo nghĩa sức mạnh hoặc quyền lực. Cũng chẳng nên quan niệm. là: nó mang tính nghệ thuật của công tác quản lý hay quản trị, gì hết. Hoặc, quản trị đất nước hay quản lý gia đình, xã hội. Mà là, quản cai nhóm nào, đời người nào một cách chính đáng/chính trực, để mà sống. Sống rất chính. Rất đáng, là được rồi.

Nói cho cùng, chính trị chỉ là cách sống ở đời sao cho thích hợp với Đạo. Vì Đạo đã nhập thế. Vì, Ngôi Lời đã nhập thể. Đã vào đời. Nhập như thế, tức: Ngài đã đi vào với thế giới nhân trần, mặc cùng thể tạng, thể lý với những hình dạng, rất Đạo. Và rất đời. Thứ đời và Đạo quyện lẫn vào nhau. Trong nhau. Bên nhau.

Để dẫn chứng chuyện này, đây một Lời hằng sống:

“Và, Ngài đến trong thế gian.

Ngài có trong thế gian,

Và thế gian đã nhờ Ngài mà có.”

(Yn 1: 9-10)

Như thế, nói đến chính trị là nói đến đời. Đến Đạo. Nói đến Đạo, là nói chuyện nhập thế, và nhập thể. Nhập thế hay nhập thể, cũng là quanh một chữ “nhập”. Vẫn gọi là dẫn nhập, thấm nhập và hội nhập. Và như vậy, nhập thế hay nhập thể còn là hội nhập. Hội nhập chứ không nhập hội, như nhiều người lầm tưởng. Những người từng nhập hội này hội nọ, nhưng không thấm. Và cũng chẳng nhập. Bởi, hội nhập không có nghĩa thấm nhập, gia nhập bất cứ một hội nào. Mà là, đi vào với thế giới của mọi nhóm hội. Mọi đoàn thể. Như Lời đã đi vào trần thế. Vào với vũ trụ của đời sống. Lời đi vào, bằng tất cả tình thương yêu của người nhập cuộc. Ở trong cuộc.

Cụ thể hơn, khi Ngôi Lời nhập thế và nhập cuộc, Ngài đã yêu người và yêu đời. Ngài mặc lấy cho mình toàn bộ nhân gian cuộc đời. Tòan bộ loài người, nơi trần thế. Và như thế, Ngài đã thực sự hội nhập. Hết mình nhập cuộc.

Thế giới hôm nay nói nhiều đến Nhập. Đòi hỏi nhiều về hội nhập, và nhập hội. Ngày nay, người ta vẫn khuyên người đời hãy “Đáo giang tùy khúc, “nhập” gia tùy tục”. Tuy nhiên, nhìn lại thì thấy: thế giới loài người tuy có “nhập” đấy, nhưng thật ra, họ cũng vẫn chẳng nhập chút nào. Chưa “nhập” thì đúng hơn. Họ, mới chỉ nhập môn, nhập nhằng, chân trong chân ngoài, chứ chưa thật sự nhập cuộc. Hoặc, chưa nhập tâm, nhập Đạo. Nói khác đi, người đời vẫn chưa thẩm nhập vào chính trọng tâm của Lời. Và cũng là trọng tâm của đời. Chí ít, là vào Đạo của Đức Chúa Nhập thể. Của đời.

Xem như thế, đời vẫn là nơi để ta đón nhận Đạo. Để giúp ta sống Đạo. Sống yêu thương và tha thứ. Đạo đã tháp nhập vào đời. Tháp nhập, để rồi giúp ta dõi theo những bước chân mềm của Đức Chúa. Bởi Đạo chính là Đường. Và bởi, đời đã có Đạo. Và, đời đã có Lời Hằng Sống nơi Đạo. Của Chúa.

Thánh Gio-an từng quả quyết như thế, trong chương mở đầu Tin Mừng của ngài, rằng:

“Lúc khởi nguyên đã có ngôi Lời.

Và Lời ở nơi Thiên Chúa,

Và Lời là Thiên Chúa.”

(Yn 1: 1)

Và, thánh nhân còn ghi thêm:

“Lời đã thành xác phàm,

và đã lưu trú nơi chúng tôi,

và chúng tôi đã được ngắm vinh quang của Ngài,

vinh quang như của Con Một tự nơi Cha,

tràn đầy ơn nghĩa và sự thật.”

(Yn 1: 14)

Lời đã thành xác phàm. Và lưu lại ở với chúng tôi. Lời như thế là nhập cuộc. Là, thẩm nhập vào đời. Và, Lời không đứng ngoài nhìn đời, để chỉ biết phán và bảo ban, rất dửng dưng. Nhưng, Lời đã nhập thế. Và, Lời cũng nhập cuộc, rất trọn vẹn. Lời nhập thế/nhập cuộc, cốt là để ta có tự do gia nhập với đời. Với người. Nơi dương gian trên trần thế.

Bằng vào quả quyết tương tự, một Gio-an khác, Đức Gio-an Phao-lô ở thời đương đại, đã thổ lộ với các người trẻ khi họ tham gia lễ hội nọ. Lễ hội của những người trẻ trên thế giới năm 1996, như sau:

“Mục tiêu đời sống chúng ta luôn nhắm tới, chính là Đức Kitô. Ngài đang chờ chúng ta -mỗi người với tư cách cá nhân cũng như tất cả mọi người- để đưa ta ngang qua ranh giới của thời gian mà đến với Thiên Chúa Vĩnh Hằng, vì Ngài hằng thương yêu chúng ta, suốt cuộc đời.” (trích lời phát biểu của Đức Gio-an Phao-lô II tại Đại Hội Giới Trẻ năm 1996 ở Toronto)

Xem như thế, nhập cuộc là việc phải làm. Nên làm. Bởi, nếu không nhập cuộc với đời, ta chẳng thể hành trình đi vào đời. Và, cùng với đời, tháp nhập vào với Đạo. Hiển nhiên là như thế. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa ta bắt buộc phải tháp nhập vào những gian manh, nhập nhằng của một thể chế chính trị nào đó. Thái độ này, cần minh định cho dứt khoát. Bởi lẽ, gian manh không khi nào thể hiện và đi đôi với tình yêu của nhà Đạo. Và, nhập nhằng không thể nào phản ánh được tính vĩnh hằng của Lời đã nhập thế, vào đời. Nhờ có Lời nhập thế và nhập thể, đời cũng trở nên hoà đồng, với Đạo. Đi vào Đạo.

Cuối cùng, vấn đề còn lại, là: thế gian (hay còn gọi là chính trị) có phảng phất một nhập nhằng nào đó hay không? Chắc là có người sẽ trả lời: dĩ nhiên là có. Bởi, đối với những người này, chính trị là lem nhem. Là, tranh giành và biển lận. Là giối dan và tạm bợ. Và như thế, sẽ không có chỗ đứng nơi Đạo. Rất khó mà đồng hành với đời.

Nhập thế hay nhập cuộc luôn dẫn đến những ma sát, va chạm. Luôn có đấu tranh. Va chạm sự xấu. Đấu tranh, chống lại những khuynh hướng tệ hại. Nhập thế và nhập cuộc, còn đưa đến tình huống có quan tâm. Có hy sinh. Hy sinh, để rồi sẽ dấn thân. Hy sinh, để nhập cuộc một cách trọn vẹn. Hy sinh trọn vẹn như Ngôi Lời từng hy sinh sự sống của chính mình, cho thế gian. Hy sinh, để thực hiện ý của Cha, như Ngài từng bộc bạch:

“Lạy Cha, nếu có thể được,

xin cho chén này qua đi khỏi Con!

Song, không phải như ý Con,

Mà là như ý Cha.”

(Mt 26: 30)

Qua phong cách nhập thế, nhập cuộc (còn gọi là thái độ chính trị), ta cũng nên tìm đến những gì không mang tính chóng qua, tạm bợ. Bởi lẽ, chỉ có Đạo và riêng Đạo mới mang tính vĩnh cửu, thôi. Tháp nhập vào Đạo để trở nên vĩnh hằng. Trở nên Một thân - một Mình với Ngài. Trong Ngài. Và trong Đạo.

Ở vào không gian và thời gian khác, chính Đức Gio-an Phao-lô II cũng đã khẳng định với những người trẻ về tính vĩnh hằng ấy, như sau:

“Kỹ thuật hiện đại có thể cung ứng tạo niềm vui cho cuộc sống của chúng ta. Cả việc giúp ta tạm thời thoát rời, khỏi cuộc sống. Nhưng, cái mà thế giới không bao giờ cung ứng cho ta được, chính là niềm vui và sự bình an muôn thuở. Có những món quà, mà chỉ có Chúa Thánh Linh mới ban cho ta được mà thôi.” (Trích phát biểu của Đức Gio-an Phao-lô II nhân buổi họp mặt giới trẻ ở New Orleans, Hoa Kỳ năm 1987).

Với xác quyết của Đấng đại diện cho Đạo ở trần thế, khi nhập cuộc đi vào với Đạo, người người sẽ tìm được niềm vui muôn thuở. Niềm vui ấy, những người dấn thân nhập cuộc vào chính trị, có được những cảm nhận như thế hay không? Hay là, họ vẫn trên đường tìm kiếm?

Nói cách khác, nhập thế - nhập cuộc sẽ còn mang đến cho con người niềm vui khôn tả, nếu mọi người vẫn ở trong tư thế có thái độ đúng đắn, trên trường chính trị. Hợp lẽ phải.

Thành thử, trong đời thường, có thái độ sống mới là điều quan trọng. Tựa như thái độ vui buồn, ỉ ôi đủ bẩy thứ tình ta vẫn có, thoạt khi gia nhập vào đời. Đó là điều, đáng để ta quan tâm. Và, điều đáng ta quan tâm trước nhất, vẫn là thái độ để ngỏ. Để ngỏ, hầu Chúa có thể nhập thế và nhập cuộc vào với đời mình. Có như thế, ta mới không khoá cửa lòng mình. Không thờ ơ, lãnh đạm. Vì thờ ơ lãnh đạm, chắc chắn sẽ không có được niềm vui muôn thuở. Như Đức Gio-an Phao-lô II đã phát biểu, ở trên.

Thái độ sống là Đường. Là lối dẫn ta về với Đạo. Dẫn ta đến niềm vui miên trường. Mãi mãi lưu lại trong tình thương yêu của Đức Chúa. Thái độ chính trị như thế ấy, không là tư thế gian manh, tranh giành quyền bính. Không là phong thái tìm lấy cho mình, mọi lợi lộc quyền bính ở nơi chính trường. Vì tranh giành lợi lộc, quyền bính vẫn là thái độ chính trị, mang ý nghĩa thấp kém nhất. Đớn hèn nhất.

Có lẽ câu để đời của Ngôi Lời Nhập Thể và nhập thế dưới đây sẽ là kim chỉ nam cho những ai còn thắc mắc về thái độ chính trị phải có, trong cuộc đời. Câu ấy như sau:

“Nước Tôi không thuộc về trần thế.”

Và:

“Vì loài người chúng tôi và để cứu độ chúng tôi,

Ngài đã nhập thể trong lòng trinh nữ Maria

Và đã làm người.” (Kinh Tin Kính)

Cuối cùng, nếu cần một ngôn từ nhẹ nhàng hơn, ngõ hầu diễn tả phong thái ở trên, thì dưới đây là đề nghị của tác giả Nguyễn Ngọc Lan trong “Chủ Nhật Hồng Giữa Mùa Tím:

“Nhập thể như thế cũng là “nhập tịch”,

là đi vào giòng dõi loài người,

trở nên anh em bà con với mọi người”. (sđd, tr. 29)

Đó mới là thái độ chính trị. Đó mới là chọn lựa chính đáng. Cho mọi người.

Trần Ngọc Mười Hai

Và một vài suy tư đứt đoạn

Về một chữ “nhập”

nhân đêm giao thừa và giao thời

một năm mới.

No comments: