Wednesday, 2 January 2008

“Đêm qua chưa mà trời sao vội sáng”

(Lc 3: 23-38)

Hồi còn nhỏ, ở Sài gòn, bần đạo được nghe các cụ rủ nhau tìm đến cụ Dã Lan Nguyễn Đức Dụ, để nhờ lập gia phả cho nhà mình. Không làm thế, sợ rằng rồi ra bọn trẻ không còn biết nguồn gốc tổ tiên, ai trên ai dưới. Ai thuộc thế hệ nào, đời nào. Thưa gửi làm sao…

Lớn lên, khi ngồi ghế ở nhà trường, nghe giảng giải về các lời kinh tu đức, bần đạo còn được bảo là: Đức Giê-su thuộc giòng tộc quý phái. Là, hậu duệ vua Đavít, rất nhiều đời. Lúc ấy, bần đạo càng xác tín thêm ý nghĩa cũng như vai trò rất hệ trọng của gia phả, cả tổ tiên.

Cách đây vài năm, nhân đọc cuốn “Chứng Nhân Hy Vọng, các bài giảng tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và Giáo triều Rôma năm 2000” của Đức Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận, bần đạo bắt gặp được một tư tưởng kính trọng nguồn gốc tổ tiên như sau:

“Đối với chúng tôi, những người Á Châu, đặc biệt là đối với người Việt Nam, việc tưởng nhớ các tiền nhân có một giá trị lớn lao. Theo văn hóa Việt nam, trong niềm hiếu kính, chúng tôi vẫn giữ một cuốn gia phả của gia tổ trên bàn thờ, trong gia đình. Chính tôi cũng biết được tên của 15 thế hệ các tổ tiên của tôi, từ năm 1698, khi gia tộc tôi được lĩnh nhận phép Thánh Tẩy. Qua gia phả, chúng ta thấy rằng mình thuộc về một lịch sử rộng lớn hơn. Và chúng ta ý thức rõ hơn ý nghĩa lịch sử của mình.

Tôi xác tín rằng những lời trong “Sách gia phả Chúa Giê-su Kitô” chứa đựng lời loan báo chủ yếu về Cựu Ước và Tân Ước, chính yếu của Mầu Nhiệm Cứu Độ liên kết tất cả chúng ta với nhau, các tín hữu Công Giáo, Chính Thống và Tin Lành”.

(F.X. Nguyễn VănThuận, sđd năm 2001, tr. 25-27)

Vừa qua, trên tờ The Catholic Weekly số đặc biệt Giáng Sinh 2007, (đề ngày 23.12.2007, tr.10), bần đạo thấy có tín hữu phương Tây, mang nặng cùng một ưu tư thắc mắc về gia phả Đức Giê-su được nhắc đến trong Tin Mừng. Nhưng, thay vì trích dẫn đoạn Tin Mừng nói về Gia-phả, thì nữ độc giả nọ lại càng thắc mắc nhiều về cây Giáng sinh, như sau:

“Là một bổn đạo mới vừa gia nhập cộng đoàn tín hữu Công giáo ở Úc, có nhiều điều tôi chỉ mới được nghe vài lần chưa quen tai cho lắm. Chẳng hạn, như: một số thói quen chỉ thấy nơi một vài nhà xứ nhà thờ họ lẻ mà thôi. Một trong những điều tôi chưa hiểu rõ, là: tên tuổi các vị tiền nhân rất lạ được treo trên cây No-en ở nhà thờ, mà một số người gọi là nhành Y-sai (bên tiếng Anh gọi là Jesse tree). Xin cho biết điển tích và ý nghĩa của nhánh cây gia phả này.

Đã hỏi về ý nghĩa của gia-phả hay về các nhánh giòng tộc, có lẽ cũng nên trích dẫn lời chú giải của Giáo sư kinh thánh Nguyễn Thế Thuấn CssR, như sau:

“Gia phả được xây dựng theo những số nhất định (7 và 14): gồm có 3 đợt theo 3 thời kỳ lịch sử Israel; mỗi đợt là 2 lần 7 (nên đã bỏ sót ít là 4 đời). Mục đích của gia phả là cho thấy nơi Chúa Giê-su, các lời hứa cho Ap-ra-ham đã ứng nghiệm; và Ngài Đavít mới (số 14 là tổng số tiếng Đawid tính theo giá trị số của chữ Hip-ri). Đến sau 6 loạt 7 đời, Ngài khai mạc thời viên mãn vào đầu loạt thứ 7. Gia phả theo Luca đại đồng hơn là trong Mat-thêu: Luca lên đến A-đam. Hai gia phả không phù hợp với nhau, và không thể dung hòa. Phải nhận là có những điều nan giải vì đã quá xa trong quá khứ-‘EB 563’. “(Kinh Thánh 1976, Nguyễn Thế Thuấn, tr12,132)

Nay, ta hãy thử dõi theo câu trả lời của lm John Flader như sau:

“Cây gia phả mà cô có nhắc đến trong thư, có lúc được gọi là “cây Y-sai”. Cụm từ này được trích từ một đoạn sách tiên tri I-sai-a trong Cựu ước, có nói: “Một chồi sẽ xuất từ gốc Y-sai, và từ rễ của nó, lộc sẽ mọc lên.” (Is 11: 1)

Còn về câu hỏi: cây Y-sai này có liên quan gì với Giáng Sinh hay không? Thiết tưởng, cụm từ “cây Y-sai” nhắc nhớ chúng ta về gia phả của Đức Giê-su, bắt đầu từ Y-sai, cha của Vua Đavít. Lộc chồi hoặc nhánh gia phả mà tiên tri I-sai-a nói đến mang xuất xứ từ Đavít, và cuối cùng, ý nói Đức Giê-su là Đấng kế vị ngai vàng của tổ phụ mình là Đavít. (xem Lc 1: 32). Các nhánh gia phả này được điểm tô bằng tên tổ tiên Đức Kitô và Đức Maria ở trên đầu.

Cả hai thánh sử Mat-thêu và Luca đều liệt kê các người trong gia phả của Đức Giê-su. Thánh Mat-thêu ghi ngược về thế hệ của Áp-ra-ham ngang qua Y-sai và Đa-vít, rồi tận cùng bằng thế Đức Giê-su. Còn, thánh Lu-ca bắt đầu từ Đức Giê-su, rồi trở ngược về tới Đa-vít, Y-sai rồi đến A-đam.

Theo dõi gia phả từ chi họ Y-sai cho đến thời Chúa Giáng Sinh là để nhắc nhở ta về nhiều thế hệ nối tiếp cứ mãi không ngừng chờ đợi ngày Đấng Thiên Sai đến từ hậu duệ của Vua Đa-vít…” (Lm John Flader, The Catholic Weekly 23/12/2007, tr 10)

Ở đây, cũng nên thêm ý kiến của cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Lan về gốc gác gia phả Đức Giê-su, như sau:

“Mat-thêu và Luca cho biết gia phả từ hàng mấy mươi đời trước. Nhưng gia phả ấy, không chỉ gồm những danh thơm tiếng tốt, vì trai bạo ngược cũng có mà gái giang hồ cũng có. Gia phả theo Luca không ghi lại một danh tính phụ nữ nào. Gia phả theo Mat-thêu (Mt 1: 1-17) nhắc tới vỏn vẹn bốn bà, nhưng đến ba bà chẳng quý hoá gì. Gia phả kia không phải thuộc loại gia phả tô hồng…

Người ta còn kể nhiều chuyện lạ, trước và sau ‘Giáng Sinh’. Chuyện thần tiên ẩn hiện, chuyện báo mộng phi thường, chuyện đoàn mục tử nghe tiếng nhạc huyền bí, chuyện ba nhà đạo sĩ lần bước theo một vì sao lạ.

Như thế, tất cả những anh em sống chung quanh chúng ta đều là “dấu” để nhận ra Chúa Kitô và tiếp xúc với Ngài, tất cả vạn sự to nhỏ đời họ cũng như đời chúng ta đều ăn liền vào chính cuộc sống Chúa Kitô.

Chúa đang đến giữa chúng ta, chúng ta sẽ tha hồ gặp gỡ Chúa làm người. Vợ gặp Chúa trong chồng, chồng gặp Chúa trong vợ. Vợ chồng gặp Chúa trong con cái. Vợ chồng con cái cùng có thể mở cửa tìm Chúa, đón Chúa, khi mở cửa nhà, trông qua nhà bên cạnh để tha thiết đến tiếng khóc, tiếng cười của kẻ khác, kể từ bạn láng giềng, đồng nghiệp, đồng học vẫn hằng ngày chung đụng, cho đến nét mặt trầm tư chỉ thoáng gặp một lần đâu đó trên đường…”

(Nguyễn Ngọc Lan, Chủ nhật hồng giữa mùa tím, tr.21-22)

Vâng. Nói đến Giáng Sinh, là nói đến gia phả. Nhắc đến gia phả, ta không chỉ khoa trương giòng dõi quý phái, vua quan của mình thôi. Nhưng, còn là nói và nhớ đến những người “chỉ thoáng gặp một lần đâu đó, trên đường”, hoặc trên trang sách báo, màn hình nhỏ như truyện kể về một David khác như sau:

“Tôi chạy vội ra cửa hàng doanh thương, định mua vét vài món quà Giáng sinh cho con, cho cháu. Nhìn quanh, xem người người tấp nập đổ xô, mua mua bán bán. Và, trong một thoáng rất nhanh, tôi tự trách mình sao không nhanh chân lẹ tay để giờ này cứ phải đứng đây chờ với đợi, sốt ruột quá.

Cuối cùng, tôi đến khu bán đồ chơi và lẩm bẩm một mình không biết bọn trẻ ở nhà có ưa các món tôi mua cho chúng không. Bất chợt, mắt tôi quay về phía chú bé kia đang ôm chặt con búp bê. Ra chiều ưng ý lắm. Một tay cầm búp bê, tay kia chú mân mê vuốt nhẹ lên tóc của búp bê.

Về sau, tôi thấy chú bé quay người, hỏi: “Dì ơi, Dì có chắc là mình không còn tiền để mua búp bê nữa không?” Người đàn bà khẽ trả lời: “David à, Emily không còn chơi búp bê nữa đâu”. Tôi thấy người phụ nữ lảng qua phía khác, lựa đồ. Cậu bé cứ lẽo đẽo đi theo. Tay ghì chặt lấy búp bê chưa trả tiền. Thấy David đứng thờ thẫn, tôi mon men đến gần và hỏi xem: hai dì cháu định mua búp bê cho ai vậy. Cậu bé trả lời: “Mỗi lần có Noel, là chị của cháu đều thích mua búp bê”. Tôi bảo: “Cứ từ từ cháu ạ, rồi thì ông Già Noẽl cũng đem búp bê đến cho chị của cháu thôi”. Chú bé nói: “Không có đâu, Ông Noẽl không sao đến chỗ của chị cháu được đâu. Cháu phải đem búp bê cho Mẹ, để Mẹ đi đến chỗ đó, mà đưa cho Emily. Chỉ có cách ấy thôi.” Tôi hỏi: “Thế chị cháu ở mãi đâu, mà ông Noel không đến được, xa lắm sao?”

David rơm rớm nước mắt “Chị cháu đã về chỗ Chúa Giê-su ở rồi, Bác ạ. Ba nói: Mẹ cũng sắp đến chỗ Emily và Chúa Giê-su hôm này thôi!” Nghe xong, tim tôi chừng như ngừng đập. Và, David tiếp: “Cháu có nói với Ba là làm sao thì làm, để Mẹ đừng có đi vội, phải chờ sao cho cháu mua được búp bê cho Emily cái đã. Cháu vẫn muốn Mẹ mang búp bê tới cho Emily, của cháu cơ.”

Thấy cậu bé không để ý nhìn, tôi vội đưa tay vào ví, lấy ít tiền và bảo: “David, cháu có biết đếm không?” Mắt bé sáng rực niềm hưng phấn. Và nói:”Đấy, cháu biết mà thế nào Chúa Giê-su cũng cho cháu tiền để mua búp bê cho Emily mà, chắc chắn là như thế.” Tôi dúi tiền vào tay bé rồi cả hai cùng đếm. Đếm xong, David nói: “Đúng là Chúa Giê-su sẽ cho cháu đủ tiền để mua búp bê mà.”

Vài phút sau, Dì của David quay lại. Thấy vậy, tôi vội đẩy chiếc xe chở đồ đi nơi khác, tránh thắc mắc của hai người. Trong bụng, tôi không khỏi suy nghĩ về bé David; và, thấy rằng hôm nay mình đã thực hiện chuyến mua sắm trong tình huống khác hẳn lúc ban đầu.

Về nhà, đọc lại câu chuyện đăng trên báo vào mấy hôm trước có nói về trường hợp: một người uống rượu phóng xe đụng phải xe khác làm chết một em bé gái. Mẹ của em đang thoi thóp trên giường bệnh phải dùng ống dưỡng khí, trợ thở. Cách đây hai ngày đọc thấy gia đình của người đàn bà xấu số trong cơn hôn mê ấy, đã quyết định rút máy trợ thở, tuyệt vọng.

Và, trước lễ Chúa Giáng Sinh, báo đài còn đề cập đến tang lễ của Julia Norris cùng con gái của bà, là Emily, được cử hành vào ngày lễ thánh Stê-pha-nô, tử đạo. Tên người đàn ông là chồng, và cha là Michael và tên người em nhỏ, em trai của Emily, là David.

Vào buổi Lễ đêm, gia đình tôi tụ tập nơi bàn tiệc nhiều thức ăn quá mức mà chúng tôi không thể ăn hết. Tay cầm món quà đắt tiền mà chưa chắc mọi người đã lấy làm thích thú. Còn bia và rượu thì uống say quá mức. Suy nghĩ kỹ, tôi thấy “tôi và gia đình mình đã để mất đi ý nghĩa của ngày lễ Chúa Giáng Sinh, làm người phàm”.

Sự kiện Chúa-ở-cùng-chúng-ta xảy đến thật đơn giản. Chỉ như một hài nhi bình thường đang cần tình thương yêu đùm bọc của mọi người. Thế mà, chỉ vì đây là ngày Lễ, ta lại phung phí bạc tiền quá sức. Ăn uống, thì vượt quá mức độ cần thiết. Đã thế, lại còn say sưa chè chén, đến lố bịch.

Tôi buồn rầu rời bàn tiệc về phòng, viết vội tấm thiệp gửi đến các thành viên trong gia đình nhỏ của tôi. Tôi viết về điều mà trước đây chẳng khi nào tôi có thể nói bằng lời là: “Tôi muốn cho gia đình biết là: tôi luôn thương yêu hết mọi người.” Đọc tấm thiệp tôi viết, chắc mọi người sẽ nghĩ rằng tôi bị chứng mát thần kinh chăng. Dầu sao đi nữa, hình ảnh bé David, búp bê kia và cả Chúa Hài Đồng đã ghé thăm hồn tôi vào tuần lễ mới, của Mùa Lễ. Và với tôi, Giáng sinh mai ngày, sẽ chẳng bao giờ giống như Giáng sinh năm ấy.

Lẽ đáng ra, nên kể chuyện nào hấp dẫn hơn, cho bầy trẻ các nơi thưởng lãm, mới đúng. Nhưng, câu truyện và những cảm nghiệm về một Giáng Sinh ở trên cũng là điều bổ ích, nếu bạn và tôi, ta tản mạn qua câu truyện nào mà ít người đề cập tới. Truyện người già, những người vẫn muốn cho con cháu mình nhớ đến gốc gác tổ tiên. Nhớ giòng họ của mình, chẳng hạn.

Giáng sinh, không chỉ là lễ hội của hôm nay. Năm này mà thôi. Nhưng, là lễ hội diễn ra vào mọi ngày trong đời mình. Và đời người. Ở nơi đó, ta bắt gặp những khuôn mặt, những gia phả của các giòng họ, thân quen. Hoặc, chưa một lần quen biết. Vào lễ Giáng sinh, ta gặp một chân lý. Chân lý ấy, như sau: tất cả chúng ta đều có chung một giòng họ. Cùng gia phả giòng tộc. Cùng xuất tự giòng dõi của vua Đavít. Gia phả của vua Đa-vít, là chính gia phả Đức Kitô.

Và, thêm một điều nữa: một khi là tín hữu Đức Kitô, ta đã là Kitô-khác rồi. Vậy, hãy cứ vui lên, vì nay ta đã biết được gia phả rất cao sang của mình. Quyết giữ lấy danh hiệu “Kitô-khác” cho trùng hợp ăn khớp với đường lối của Đức Kitô, con cháu vua Đa-vít. Tức: Ông tằng ông tổ của tất cả chúng ta. Quyết sống cho sáng danh giòng dõi, gia phả Đức Kitô, rất đặc biệt. Một gia đình rất thân yêu. Đầm ấm.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn luôn tự nhắc mình nhớ

về một gia phả:

Gia phả Ngài.

No comments: