(Yn 1: 10-12)
“Ngài có trong thế gian, và thế gian đã nhờ Ngài mà được có, mà thế gian không biết Ngài”
Như mọi người đều biết, có lần học giả Nguyễn Văn Vĩnh từng dõng dạc tuyên bố một câu “xanh rờn”, đại để bảo rằng: “Người Việt còn, thì tiếng Việt còn. Tiếng Việt còn, nước ta còn.”
Có người từng nói với bần đạo, là: khi tuyến bố câu để đời này, chắc học giả Nguyễn Văn Vĩnh đang công du nước ngoài. Như thế, còn hiểu được. Chứ, đang ở trong nước, mà lại nói thế, thì khác nào bảo rằng dân con nhà mình nay đà mất gốc. Mất cả bản sắc văn hoá của tiền nhân!
Nói đến bản sắc văn hóa của tiền nhân hay của đất nước mình, tưởng đây cũng là chuyện mà nhiều người đang ưu tư, khắc khoải. Rất nên phiếm.
Luận phiếm về bản sắc văn hóa người mình, chí ít là với kiều bào sống ở nước ngoài, còn là chuyện: có nên hội nhập vào với xã hội người nước ngoài hay không? Xã hội, mà có một bạn đã hùng dũng: “Xin nhận nơi này làm quê hương, dẫu cho khó thương…”
Vâng. Bàn về du nhập và hội nhập, còn là bàn chuyện trong nhà, ngoài phố. Trong nhà Đạo. Ngoài phố chợ. Bàn chuyện phố xá vừa mới quen. Sống từ lâu ở nước ngoài, hay mới vừa di tản về vùng đất mới, các cụ nhà ta thường khuyên con bảo cháu: “Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục.”
Nói đáo giang, thì từ ngày vượt biên, vượt biển quyết đặt chân đến “đệ tam quốc gia”, tìm cho mình một cuộc sống mới, người Việt chắc không còn chọn lựa nào khác để cứ đứng đó mà chờ khúc “giang đầu’ nào thật tốt mới chịu xuống thuyền. Mới chịu theo tắc-xi lên “cá lớn”. Nhưng, “nhập gia”, cho dù là đi “chui”, hay đi chính thức, du học, du lịch vv.. Nhất nhất, người thức thời đều bảo nhau “hãy tùy vào tập tục” của đất khách quê người mà mình nhận làm… quê hương.
Nói như thế, “hội nhập” vào gia đình mới, vào đất nước/xã hội mới.. đương nhiên là chuyện phải làm. Dù là ở đâu, nơi nào, ta cũng nên làm như thế. Làm, để không còn cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Hoặc, lẽo đẽo theo sau bước tiến của thời đại Nhưng, nên làm không có nghĩa là “dễ làm”, hoặc “cần làm cho nhanh”. Cho chóng. Bởi, rõ ràng là: nói nguyên tắc bao giờ cũng dễ hơn là đi vào thực hiện, trong tích cực. Và, thực hiện cho thành công cũng là cả một vấn đề. Vấn đề thời gian. Vấn đề kiên nhẫn. Chịu đựng.
Những ai từng trải, ngang qua nhiều kinh nghiệm xương máu, đều thấy rằng “hội nhập” vào quê hương mới, đòi hỏi một “chuyển hệ” rất ý tứ, và khéo léo. Bởi, đối với người Việt, định cư hội nhập vào các nước ở phương Tây, có thể có khó khăn như khi thực hiện một dung hòa giữa nước và lửa. Giữa âm/dương, trắng/đen. Thực tế không dễ như nói chuyện lý thuyết.
Không dễ, là bởi vì Đông Tây luôn có khác biệt. Và, là khác biệt một trời một vực. Khác về triết lý. Khác nhân sinh quan. Khác cả phong cách, lẫn hình thái xử sự. Như trong giao tế chẳng hạn, người phương Tây có thói quen: thương ai nói rõ ra ngoài. Còn, ở phương Đông, người người có thương nhau lắm cũng để trong bụng. Đâu có ôm hôn, hoặc bá cổ choàng vai nhau giữa thanh thiên bạch nhật, ở ngoài đường.
Người phương Đông, khi biết ơn nhau hoặc khi phạm lỗi lầm gì với nhau, nhất là đối với con cháu, bậc dưới thì cũng chỉ xoa đầu xoa lưng vài cái, rồi thôi. Chứ, đâu có tỏ bày bằng miệng bằng lưỡi, nói lời “Sorry”, “Thank you” “Pardon”, “Merci bien!” đâu. Người nào nói ra điều đó, đã bị chỉnh là: “Sao Tây quá vậy?” Tôi đây, chỉ thuộc lọai “tây đui/tui đây” hoặc Tây Ninh Trảng Bàng, chứ đi đâu rời làng, bỏ quê đâu mà biết lỗi với phải (?)...
Chính vì thế, với cương vị là “Việt kiều” nước ngoài, ta thường nghe mọi người nhắc đi nhắc lại rằng: Đông/Tây luôn xung khắc. Khó hoà hợp như chuyện xung khắc trong gia đình giữa ông bà cha mẹ - con cháu. Giữa hai văn hóa Việt-Âu. Chính vì thế, mỗi lần có chuyện không hay xảy đến từ một người thuộc giòng giống/sắc tộc đối lại với bản xứ phương Tây, ta bắt gặp những trường hợp được gọi là “kỳ thị”, là “phân biệt chủng tộc”…dễ như chơi. Lập trường và thái độ của cựu dân biểu Pauline Hanson ở Bắc Úc đối với người Á Châu, Hoa Kiều… là một chứng minh cụ thể. Thật khó hoà hợp, mỗi khi có sự cố, hiểu lầm giữa các sắc tộc với nhau.
Trong cung cách hòa hợp với xã hội mới, đất nước mới, vấn đề hội nhập bằng tín ngưỡng, đạo giáo, càng khúc mắc hơn. Đạo giáo ở đây, hiểu theo nghĩa cộng đoàn các kẻ tin vào cùng Đấng Tối Cao. Như Đạo Công Giáo, xưa nay vẫn được coi là Đạo “chung” của mọi người. Công là chung, giáo là Đạo, là tôn giáo.
Thành thử, vì là “Đạo chung” cho mọi người, nên người đi Đạo có là người gốc Ý, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ hay Việt Nam, Phi… đi nữa, ai cũng đến nhà thờ, đọc kinh hoặc tham dự thánh lễ với nhau. Cùng sinh họat tỏ bày tình thương yêu đồng Đạo, với nhau. Cùng hội nhập vào Đạo, như Chúa đã hội nhập vào cộng đoàn kẻ tin, ngay từ đầu ngày lúc Ngài xuống thế làm người.
Hội nhập trong Đạo, như thánh Phao-lô từng khuyên, là:
“Hãy vui với kẻ vui
khóc với kẻ khóc.
Cùng nhau tâm đồng ý hợp;
đừng quá cao vọng về mình;
trái lại hãy biết bỏ mình
chuộng phần hèn kém; đừng có tự thị mình khôn…”
(Rm 12: 15-16)
Và, lý do để mình nhận mình thuộc phận hèn kém, còn là:
“Tự lượng lấy mình sao cho khiêm tốn
mỗi người tùy theo lường đức tin
Vì cũng như thân mình ta
Tuy nó là một, lại có nhiều chi thể,
Và các chi thể không đồng một công việc
Ta chỉ là một thân mình trong Đức Kitô.”
(Rm 123-5)
Đi vào thực tế, hẳn mọi người đã rõ: lúc đầu định cư, vì có trở ngại về ngôn ngữ tập tục, nên mới nảy sinh cái-gọi-là: Ban Tuyên Úy, Cộng Đồng Người Việt Công Giáo. Và, ban ấy vẫn tồn tại đến ngày hôm nay, kể từ ngày bà con bôn ba hải ngoại, vì lý do hoặc hoàn cảnh nào đó. Ban Tuyên Úy và Cộng Đồng Người Việt Công Giáo, vẫn có sinh hoạt riêng. Sinh hoạt ngoài khuôn khổ của giáo xứ. Giáo phận.
Chuyện này cũng có điều hay, nỗi phiền. Nay, trên thực tế đã có nhiều linh mục chánh xứ gốc Việt, hy vọng bà con ta sẽ hội nhập thật sâu thật sát, với Giáo hội sở tại hơn. Sinh hoạt đồng loạt và liên kết hơn. Lúc ấy, Đạo mình mới mang ý nghĩa phổ cập. Công giáo hơn.
Và lúc ấy, việc hội nhập mới trọn vẹn. Mới đúng như lời thánh Phao-lô nói: “Hy Lạp với người Hy Lạp, Do Thái với người Do Thái”.
Có một lần, đề cập chuyện này với bạn bè đồng Đạo, có người anh em đề nghị: Chuyện Giáo Hội, hãy để Chúa Thánh Thần soi sáng. Chỉ cần một điều: hãy tin vào Chúa quan phòng. Cứ phó mặc cho Chúa, mọi việc sẽ tốt đẹp thôi.
Đành rằng, phó thác, tin vào ơn Chúa Quan Phòng là chuyện phải làm, vào mọi lúc. Nhưng nếu hiểu theo nghĩa, đóng góp tích tực, ta phải làm sao đây?
Câu hỏi dành cho người đọc, và người nghe. Vì người đọc và người nghe cũng là người hỏi. Để kế thúc, xin có một câu chuyện khôi hài về cặp người tình kẻ tin rất tín thác vào chúa Quan Phòng đến tận cuối đời mình. Đến cả vào lúc, một người bị bệnh Alzheimer, như sau:
“Trong buổi họp mặt cựu chiến binh dịp lễ Memorial Day của Hội Cựu Chiến Binh Mỹ, bàn tụi tôi rất ồn với đủ mọi vấn đề trên trời dưới đất, từ chuyện an sinh, hội nhập lẫn tiếu lâm xung quanh cuộc sống của người “Mỹ thầm lặng”. Đặc biệt là lớp tuổi nay phải đương đầu với chuyện nhà hưu dưỡng, tật bệnh, chí ít là bệnh Alzheimer…
Hôm ấy kể chuyện về cặp vợ chồng già rất tin tưởng vào việc Chúa Quan Phòng hết mọi chuyện, Bác sĩ nói với người vợ: tôi thấy sức khoẻ của ông nhà độ này, đã khá hơn trước rất nhiều. Ông đã tìm được niềm vui nơi Thượng Đế. Tin tưởng nhiều vào việc Chúa Quan Phòng, và Chúa Thánh Thần soi sáng hết mọi chuyện, trong cả bước đi. Ông còn nói: đêm qua, khi vừa mở cửa phòng tắm để giải quyết vấn đề nhân sinh cho thông thoáng, thì Chúa biết ý đã bật đèn sáng cho ông ngay…
Nghe thấy thế, bà vợ ông liền ngắt lời Bác sĩ: Thôi chết rồi, Lạy Chúa tôi! Ỗng lại làm bậy vào tủ lạnh của tôi, mất rồi…
Và mọi người nghe chuyện, đều nghĩ: Chúa có Quan Phòng thì Ngài cũng đâu làm những việc như thế…
Đúng thế, hội nhập vào đời sống mới, xã hội mới, Chúa vẫn dành để cho con người “tự do con cái Chúa”. Ngài đâu bao giờ xen vào “chuyện nội bộ” của riêng ai. Nhóm hội nào. Chí ít là, cả một tập thể như Cộng Đồng Công Giáo A, hay B.
Thành thử, Hội nhập hay Giáng nhập, vẫn luôn là vấn đề không của riêng ai. Một người, một tôn giáo đoàn thể nào. Nhưng là của tất cả mọi người. Những người có “tự do con cái Chúa”. Như bạn và tôi.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn nhắc nhở chính mình
những điều như thế ấy.
No comments:
Post a Comment