Thursday, 20 December 2018
“Được Ngài sai đi, sai đi khắp nơi,”
Sau lễ
Chúa Chịu Phép Rửa năm C 13-01-2019
“Được Ngài sai đi, sai đi khắp nơi,”
Lòng mang Tin Vui, Tin Vui đến nơi
Cùng các dân trên thế gian đang lầm than…”
(Thành
Tâm – Được Sai Đi)
(Lc 24: 49)
“Được Sai Đi Khắp Nơi”, “Mang Tin Vui, Tin Vui Đến
Nơi”, có lẽ là chủ-trương “ắt và đủ”
của Đạo Chúa, ở mọi thời. Chí ít, là chủ-trương của mọi sỹ-tử Dòng Chúa Cứu Thế
khi xưa, hôm nay và mai ngày, còn ghi nhớ.
Ghi tạc
và nhung nhớ chủ-trương “sai đi” cũng là quyết tâm cần có rất “ắt và đủ”. Hôm
nay, bần đạo bầy tôi đây lại nhớ đến trường-hợp xảy ra với anh em song sinh nhà
O’Neill thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Úc
Châu, vốn dĩ là đấng bậc chân-phương, hạnh-đạo trong đời bình thường bậc trung,
ở đây.
Số là,
trong cuộc phỏng vấn “bỏ túi” khá ngắn do Tuần Báo The Catholic Weekly ở Sydney
thực-hiện, thì: nhị vị thừa sai mang tên O’Neill
ở Úc có nói với Tuần báo Đạo The Catholic Weekly ở Sydney hôm này.
Thế
nhưng, trước khi đi vào chi tiết lời lẽ trong buổi phỏng vấn ấy, tưởng cũng nên
nghe thêm câu hát của đấng bậc nọ thuộc Tỉnh Dòng Sài gòn từng hát lên như sau:
“Được
Ngài sai đi, sai đi khắp nơi,”
Lòng mang
Tin Vui, Tin Vui đến nơi
Cùng các
dân trên thế gian đang lầm than.
Được Ngài
sai đi, sai đi khắp nơi,”
Lòng mang
Tin Vui, Tin Vui đến nơi
Để các
dân được nhận biết
Chúa đất
trời.”
(Thành Tâm – bđd)
Và, tiếp
theo đây, mời bạn và tôi, ta đi vào chi tiết cuộc phỏng vân “bỏ túi” cũng khá
ngắn nói về nhị vị linh-mục song sinh người Úc rặt ở Sydney hôm trước, qua
giòng chảy như sau:
“Là anh
em song sinh giống nhau như giọt nước, hai linh mục Patrick và John O’Neill,
CSsR đều đã có mặt tại chỗ khi cây cầu Sydney Harbour Bridge được khai-trương
vào năm 1932. Thế nhưng, cả hai đều chẳng nhớ gì cái thời-khắc đáng ghi tạc ấy
do bởi các vị lúc đó mới được 6 tuần tuổi, thôi.
Tuy thế,
anh em giòng họ O’Neill nay đã 86 tuổi tròn cũng ghi nhớ ngày cùng thụ phong
linh-mục tại tu viện Dòng ở Ballarat cách nay đến 60 năm, tức vào ngày
16/3/1958.
Dù sự
kiện chứng tỏ hai anh em song sinh này cảm thấy mình được ơn gọi làm linh mục
ngay vào thời nhỏ tuổi, nhưng chẳng bao giờ bàn luận với nhau về chuyện ấy. Cả
hai “chỉ biết” mỗi việc là mình có được ơn gọi làm linh-mục, mỗi thế thôi.
Linh mục
Patrick O’Neill nói: “Tại sao tôi lại muốn trở thành linh mục ư? Tôi cũng không
biết nữa. Nhưng, có một điều tôi biết rõ lúc ấy, là: làm linh mục, tức có một
cuộc sống vui tươi, hạnh-phúc nên tôi chẳng muốn làm gì khác hơn. “
Trong khi
đó, linh mục John O’Neill lại cũng bảo: “Khi ấy, lúc nào tôi cũng chỉ
muốn trở-thành linh mục. Tôi nhắc lại là: lúc nào cũng thế.
Cùng lớn
lên với sáu anh/chị/em còn lại, anh em chúng tôi, Patrick và John đều nói: chúng
tôi từng có chung một nền giáo dục tuyệt vời từ các nữ tu Dòng Mercy Sisters
trong thời gian còn ngồi ghế ở Tiểu học và vào thời trung học với hội dòng
Chirstian Brothers, Úc châu.
Cả hai chúng
tôi cùng bước vào Đệ tử viện Cứu Thế ở Galong khi mới 15 tuổi. Về sau, cả hai lại
cùng gia-nhập Tu-tập-viện ở Pennant Hills và sau đó là Chủng viện ở Ballarat và
Mayfield. Trong những năm ở Tu-tập-viện, ban giám-đốc đã quyết định là trong
hai anh em chúng tôi, duy nhất chỉ một người thích-hợp với ơn gọi thôi, thế nên
sau đó các ngài đã tìm xem người nào trong chúng tôi có ơn gọi thực-thụ.’
Lm John
O’Neill nói: “Chúng tôi giống nhau như hai giọt nước, nên cả hai đều không thể
cùng có ơn gọi được; thành ra, các ngài mới nói: phải tách rời mỗi người đi một
chỗ để xem ai là người thực sự có ơn gọi. Thế là, tôi được đề bạt lên lới trên
còn anh tôi ở lớp dưới.”
Thế
nhưng, làm như thế vẫn không ổn. Bởi, rõ ràng là cả hai người trẻ chúng tôi đều
có ơn gọi làm linh-mục’. Linh-mục Patrick O’Neill lại cũng nói: ‘Lúc ấy, vẫn
không thấy phản-ứng nào từ cấp trên cả, vì thế nên các ngài lại đưa chúng tôi
về chốn cũ. Và, chúng tôi kết thúc năm học chung cùng một lớp.
Ít lâu
sau ngày thụ-phong, cả hai đều đã ra đi mỗi người một hướng khác nhau. Sau
nhiều tháng ngày học chung với nhau tại Rôma, linh mục John O’Neill về lại Úc
đứng lớp dạy ở chúng viện, còn linh mục Patrick thì ở lại đó tiếp tục môn thần-học
luân-lý chuyên sâu.
Hai anh em
song sinh đi vào nề nếp ổn định, cuối cùng cả hai rồi cũng đến ngày phải chia
tay đi Venice sau khi xảy ra biến-cố khá ư đau buồn, người này bèn báo-động
người kia rằng mình phải ra đi, còn anh ở lại cố ở cho tốt, sẽ có ngày anh em
mình lại gặp nhau thôi… Linh mục Patrick vừa cười vừa bảo thế.
Cả thập
niên sau đó, linh mục John O’Neill được sai phái làm mục vụ thừa sai tại các
giáo xứ loanh quanh nước Úc như phần quan trọng trong cuộc sống ơn gọi làm linh
mục Dòng Chúa Cứu Thế. Linh-mục John nhớ rõ mình đã phát-biểu, bảo rằng: “Bà
con có thể làm những gì mình muốn cốt
sao Danh Thánh Chúa được mọi người biết đến, cũng giống như trường-hợp các
thánh Tông-đồ của Chúa, cũng vậy thôi.
Cuối
cùng, ngài thấy mình được ơn gọi thừa sai tại châu Phi và phục-vụ qua tư-cách
của vị thừa sai mục-vụ ở Burkina Faso suốt 22 năm trời, chỉ về lại quê nhà khi
bị tai biến nhẹ vào năm 2007.
Trong khi
đó, linh mục Patrick O’Neill phục vụ Giáo hội qua vai-trò thừa sai Dòng Chúa
Cứu Thế cộng thêm công việc dạy học và làm kế-toán cũng như nuôi trồng ở
nông-trại ở tiểu chủng viện Galong. Thế nhưng, với 3 năm làm mục-vụ ở
Townsville, ông coi đây là những năm tốt đẹp nhất đời mình . Công tác thừa sai
/mục vụ đã làm nổi bật ơn gọi của chính mình. Linh-mục cũng từng quả quyết: “Chính
đó là mục đích của ơn gọi làm linh mục của chúng ta.”
Khi linh
mục John O’Neill bị đột quỵ tại châu Phi, người em song sinh là linh mục
Patrick bèn bay đi Rôma gặp gỡ và đưa người em song sinh của mình về lại Úc và
khi ấy anh em song sinh lại có dịp đoàn tụ, thêm một lần nữa. Nay thì, cả hai
đang chung sống tuổi già tại Dòng nhà ở Kogarah, Sydney, chuẩn bị mừng Lễ Ngọc
linh mục vào ngày 16/3/2018, cả hai đều bảo chính bàn tay Chúa đã dẫn dắt hai
anh em song sinh, đến từng bước.
Nay, linh
mục Patrick O’Neill cứ phân bua diễn giải cho giới trẻ mình biết là các ngài
trở-thành sỹ-tử Dòng Chúa Cứu Thế, một trong các dòng tu năng nổ chỉ 6 tháng
trước khi gia-nhập cuộc sống của Dòng này, mà thôi. Linh mục nói tiếp:
“Làm sao
ta có thể giải-thích được những chuyện như thế nếu không biết rằng ơn gọi là
một nhiệm-tích rất bí ẩn. Chính Chúa nhận trách-nhiệm mọi chuyện, nên ta chỉ có
việc tuân theo các chỉ-thị của Ngài, mà thôi. Chúa biết mình đang ở đâu, ta
không cần phải lên kế-hoạch này nọ. Cứ việc chờ Ngài cho biết Ngài cần đến ta,
muốn ta làm những việc Ngài cần, mỗi thế thôi. Điều tuyệt vời là: từ lầu cao,
luôn có ai đó chuyên lo những chuyện này, thôi. Phải thế không, các bạn?” (X. Catherine Sheehan, Brothers ‘just knew’ vocation, The Catholic Weekly 18/3/2018 tr. 7)
Chuyện kể
lể ở trên đưa dẫn người đọc vào một tình-huống có những ao-ước bảo rằng: Giáo
hội ta đang cần nhiều mục-tử có đầu óc và lập trường sống khá thông thoáng và
cởi mở, chứ không gò bó hoặc chú tâm đến luật-lệ mà thôi.
Lập
trường sống thông thoáng, cởi mở lại được tô đậm bằng câu truyện dân gian kể về
“Ông già Việt kiều” trở về Sài gòn đứng trước nhà sách Khai Trí ở đường Lê Lợi,
với những ý/lời giản-đơn, thân thương nhưng không hệ-quả giúp ta nắm bắt, hiểu được
sự việc qua giòng chảy ở bên dưới:
“Sự việc
kể về một nhân-vật nổi danh từng tạo tri-thức cho nhiều người ở Sài gòn thời đó
qua giòng chảy ngăn ngắn những kể rằng:
“Thời chúng tôi còn học Trung học, tức dưới thời
Tổng thống Ngô Đình Diệm, sách tiếng Việt ít nên muốn thi đậu bắt buộc phải
dùng sách tiếng Pháp, như Toán hình học, Toán đại số, Toán vật lý… Học lớp Đệ
tứ (lớp 9 bây giờ) mà làm hết cuốn Toán Hình học và Đại số của Réunion de
Professeurs gồm 1.144 bài thì nhất, đi thi trung học chắc ăn như bắp.
Thời ấy các tiệm sách lớn như Khai Trí chẳng hạn không có nhân viên bảo
vệ mặc đồng phục ngồi gác ở cửa như bây giờ, mà có các nhân viên giả làm khách
hàng, trông nom, ngăn chặn những người muốn ăn cắp sách.
Buổi sáng hôm ấy, một cậu học sinh cứ lang thang mở coi hết cuốn sách
này đến cuốn khác ở chỗ các giá sách bằng tiếng Pháp.. Việc lắm lét nhìn tới
nhìn lui của cậu bé khiến nhân viên trông coi khu sách tiếng Pháp nghi ngờ. Lúc
cậu đi ra, họ giữ lại, sờ ngực áo cậu và lôi ra một cuốn Toán Hình học và Đại
số của Réunion de Professeurs quý giá đã nói ở trên.
-Tại sao cậu ăn cắp sách?
Cậu bé tái mặt không nói nên lời. Chiếc phù hiệu trên ngực áo cậu cho
biết cậu học trường Pétrus Ký, một trong bốn trường trung học công lập lớn
nhất, rất nổi tiếng tại Sài Gòn lúc bấy giờ: Gia Long, Trưng Vương, Pétrus Ký,
Chu Văn An.
-Hừ, học sinh trường Pétrus Ký mà ăn cắp sách! Tôi gọi cảnh sát đến
bắt để cậu chừa cái thói đó đi!
Họ lôi cậu bé tới chỗ quầy thâu tiền của cô thâu ngân viên, nhờ cô giữ
cậu giùm rồi đi gọi cảnh sát. Cậu bé sợ hãi khóc như mưa như gió:
-Lạy chị, nhà em nghèo không có tiền mua sách, chị nói với chú ấy tha
cho em đừng gọi cảnh sát…
Cậu bé khóc quá khiến cô thâu ngân viên cũng thấy mủi lòng:
-Ba má em làm gì mà nghèo?
-Ba em chết, má em quét chợ An Đông…
-Mẹ quét chợ An Đông mà con học Pétrus Ký sao? Em học đến lớp mấy rồi?
-Dạ thưa quatrième année. Chị tha cho em, nếu cảnh sát
bắt, đưa giấy về trường em bị đuổi học tội nghiệp má em…
-Các em quen tiếng Pháp lắm phải không?
-Dạ!
-Bởi vậy nên mới lấy trộm sách Pháp phải không? Bằng bấy nhiêu mà đã học
lớp Đệ tứ, sắp thi Trung học là giỏi lắm. Nhưng chú ấy đã đi gọi cảnh sát thì
biết làm sao…
Cậu bé sợ quá lại khóc…
Từ đầu đến giờ có một ông đã lớn tuổi, ăn mặc lịch sự vẫn đứng theo dõi
câu chuyện. Thấy cô thâu ngân nói thế, ông bảo cô ta:
-Thôi được, cuốn sách giá bao nhiêu để tôi trả tiền. Học trò nghèo mà,
lấy một cuốn sách, lỡ bị đuổi học tội nghiệp…
Cô thâu ngân viên chưa biết giải quyết thế nào thì đúng lúc đó ông
Nguyễn Hùng Trương, chủ nhà sách mà mọi người vẫn gọi là ông Khai Trí, từ ngoài
đi vào. Thấy chuyện lạ, ông dừng lại hỏi chuyện gì. Cô thâu ngân viên thuật lại
sự việc và ông khách cũng đề nghị trả tiền như ông đã nói với cô thâu ngân. Ông
Khai Trí cầm cuốn sách lên coi sơ qua rồi nói:
-Phải học trò giỏi mới dùng tới cuốn sách này, chứ kém không dùng tới.
Cám ơn lòng tốt của ông nhưng để tôi tặng cậu ta, không lấy tiền và sẽ còn giúp
cậu ta thêm nữa…
Ông trao cuốn sách cho cậu bé, thân mật vỗ vai khuyên cậu cố gắng học
hành rồi móc bóp lấy tấm danh thiếp, viết vài chữ, ký tên và đưa cho cậu:
-Từ nay, hễ cần sách gì, cháu cứ đem danh thiếp này đến đưa cho ông
quản lý hay cô thâu ngân, cô ấy sẽ lấy cho cháu. Ngày trước bác cũng là học
sinh trường Pétrus Ký mà…
Ông bắt tay, cám ơn ông khách lần nữa rồi đi vào trong. Ba năm sau,
nghe nói cậu bé đậu xong Tú tài phần II, được học bổng du học nước ngoài, hình
như sang Canada.
Thời gian qua đi. Một năm sau biến cố lịch sử 1975, nhà sách Khai Trí bị
tịch thu, mới đầu người ta đặt tên là nhà sách “Ngoại văn”, sau đó đổi thành
nhà sách “Fahasa” (viết tắt của 3 chữ “Phát hành sách”), hiện nay lại đổi lần
nữa thành nhà sách “Sài-Gòn”.
Ông Khai Trí bị đi cải tạo vì tội “biệt kích văn nghệ”. Sau khi được
thả, ông sang định cư bên Hoa Kỳ. 10 năm sau, ông ở Mỹ về Việt Nam một lần nữa,
mang theo hy vọng làm được một chút gì cho đất nước. Ông đã mang về 2.000 đầu
sách để tiếp tục làm văn hoá.
Sách bị tịch thâu với lý do: in trước 75. Phần lớn sách bị tịch thâu là
các loại sách Học Làm Người. …Ông đau lòng vì sách, ôm đơn đi kiện. Kết cục
chẳng đi đến đâu. Ông buồn bã nói:
-Chắc “năm 3.000 thì họ trả…”
Ông mất năm 2005 tại Sài Gòn. Một buổi chiều, người ta thấy một “ông
già” khoảng ngoài 70 tuổi, ăn mặc theo lối Việt kiều, đứng ngắm trước cửa nhà
sách Sài Gòn với nét mặt buồn buồn, rồi bước vào hỏi thăm các cô bán sách về
ông Khai Trí, các cô nói hình như ông đã mất cách đây đến hàng chục năm. “Ông
già Việt kiều” lại ra đứng ngắm trước cửa tiệm sách hồi lâu, lấy khăn giấy lau
nước mắt, chắp tay hướng lên trên trời khẽ vái ba vái rồi đi. Không ai biết ông
ta là ai cả…” (Trích câu truyện kể về Ông Khai Trí và cậu học trò Trộm Sách” khi xưa)
Nhận
định thế rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta quay về vườn hoa thượng uyển có lời
vàng của bậc thánh hiền nhắn nhủ như sau:
“Phần Thầy,
Thầy sẽ gửi cho anh em
điều Cha Thầy đã hứa.
Còn anh em, hãy ở lại
trong thành,
cho đến khi nhận được
quyền năng từ trời cao ban xuống." (Lc 24: 49)
Thực-hiện
những gì được Đấng Bề Trên ưu ái trao ban theo cung-cách “ắt và đủ”, trên
thực-tế, là chuyện đã đành với mỗi người và mọi người. Thế nhưng, cùng nhau
thực hiện điều ấy qua cung-cách của nhân-vật nào đó như cặp linh-mục song sinh
ở Úc hôm rồi, mới là chuyện lạ. Và chuyện lạ đây, nay trở-thành hiện thực cũng rất
lạ.
Vâng.
Chính thế, đấy bạn ạ. Ta không gọi đó là ơn tiền-định hoặc phần số chút nào hết.
Thế nhưng, trong cuộc đời thường của ta và của người, luôn có cái gì đó không
do ta mà ra. Nhưng, xuất từ nơi nào đó, của ai đó không-là-ta và cũng chẳng là ai
khác, ở đời. Đó, là vấn-đề của tôi, của bạn. Trong đời thường. Của mọi người.
Trần Ngọc Mười Hai
Biết nói sao cho vừa những chuyện
đại loại khó diễn tả như trên.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment