Thursday, 20 December 2018

“Chiều êm êm đưa duyên về người”


Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ Ba thường niên năm C 27-01-2019

“Chiều êm êm đưa duyên về người”
Đàn triền miên nắn tiếng sầu đời…
Người hỡi! Đến bên tôi nghe lời xao xuyến như chuyện thần tiên
Niềm mơ xưa là đó…
(Nhạc ngoại quốc: Serenata – Lời Phạm Duy: Chiều tà)

(Mt 14: 15)

“Đưa duyên về người” một buổi chiều, có “lời xao xuyến như chuyện thần tiên”, ôi lời thơ đẹp như bức tranh thủy mạc, hôm nào. Thơ và tranh trong âm nhạc nay không thấy nhiều vào thời vi tính. Chí ít là những lời còn tiếp tục ở câu hát sau đây:

“Lắng trầm tiếng chiều ngân
Nhạc dặt dìu ái ân, Người ơi!
Nhớ mãi cung đàn, năm tháng phai tàn,
Duyên kiếp chưa hề lỡ làng.

Đã quên hết sầu chưa?
Lời này là tiếng xưa
Quỳ dâng dưới nắng phai mờ,
bên gối ơ thờ nghe tiếng tơ tình mong chờ.
(Phạm Duy: bđd)

Phải thú thật ở đây rằng: những bản nhạc ngoại lời Việt có giòng thơ miên man, êm đềm thật hiếm quí ở thời này. Hiếm và quí hơn nữa, khi những bài hát trữ tình ấy lại mô tả cảnh trí ở một nơi nào đó, tựa hồ cảnh thần tiên.

Không tin ư? Mời bạn và tôi ta nghe thêm đôi câu nữa, rồi hãy mạn bàn chuyện Đạo/đời bấy lâu nay. Này đây, là lời thơ và ý nhạc, thật hết biết:

Chiều êm êm đưa duyên về người,
Đàn triền miên, nắn tiếng sầu đời.
Người hỡi! Đến bên tôi nghe lời xao xuyến như chuyện thần tiên,
Niềm mơ là đó…
Cho ta nâng niu lời ca!
Chiều mờ không gian, hờ hững khói thiên đường
Thuyền trôi bến song xa đứng chờ…
Xin hãy lắng nghe bao lời thơ chiều tà…
(Phạm Duy: bđd)

Đi vào vườn hoa Lời Vàng của Bậc thánh hiền lại cũng thấy những mô tả về buổi vàng có chi tiết như thế này:

“Chiều đến,
các môn đệ lại gần thưa với Người:
"Nơi đây hoang vắng,
và đã muộn rồi,
vậy xin Thầy cho dân chúng về,
để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn."
(Mt 14 15)

Và thể theo Lời Ngài từng kể, nay đề nghị bạn/đề nghị tôi, ta thả hồn theo lời thơ và giòng nhạc chảy suốt rất êm đềm như thế, hạ hồi sẽ thấy ngay ở góc báo The Catholic Weekly hôm 02/12/2018 có bài hỏi/đáp do Lm John Flader phụ trách, viết như sau:

“Giuseppe Moscati (1880-1927) từng là y-sĩ Giáo sư y-khoa và là người tiên phong trong địa hạt hóa-sinh. Ông được Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị tấn phong lên hàng hiển-thánh vào năm 1987 trong buổi Họp Thường Đỉnh Giám mục bàn về Vai Trò Giáo Dân.

Giuseppe Moscati là người con thứ 7 của gia đình gồm 9 người con sinh hạ trong một gia đình quyền-quý ở Ý. Thân phụ của ngài là một Thẩm Phán từng dẫn dắt gia đình đến định cư tại thủ phủ Napôli. Cụ ông là người mộ đạo sốt sắng đến độ vẫn giúp Lễ cả khi gia đình đi nghỉ hè ở vùng quê nơi ông sinh hạ là thủ phủ Navellino.

Sinh viên Giuseppe Moscati quyết định theo học ngành y thay vì luật –học đúng vào lúc người anh Alberto Moscati, vị Trung úy Pháo binh ngã từ lưng ngựa bị chấn thương sọ não khó chữa trị vào năm 1893. Trải qua nhiều năm, Giuseppe Moscati đành chấp-nhận ở lại nhà để giúp chữa trị người anh trai xấu số này.

Năm 1897, khi Giuseppe gia-nhập đại-học y-khoa Napôli, lúc đó xảy ra bầu khí công khai bất khả trị, phi luân lý luôn phản chống giáo-sĩ, cũng là giai-đoạn khó khăn cho giới trẻ Công giáo. Thế nhưng, Giuseppe Moscati vẫn chuyên chăm học hành và tiếp tục thực thi niềm tin của ông và cuối cùng, vào năm 1903, ông đạt hoc-vị tiến-sĩ với nhiều bằng khen.

Tiến sĩ y-khoa Giuseppe Moscati hành nghề thày thuốc tại Bệnh viện dành cho bệnh nhân nan-y ở Napôli và đã có nhiều năm dạy y-học tổng-hợp tại đại học này. Chẳng mấy chốc, ông trở thành người cai quản cả về hành chánh ở bệnh-viện. Ông đã chứng tỏ cho mọi người thấy kỹ-năng đặc-thù của mình trong việc chẩn-đoán bệnh-lý của người bệnh mà hầu hết các đồng-nghiệp của ông đã trầm trồ khen ngợi biệt tài phối hợp các phương pháp y-lý cổ truyền với các thành-tựu của ngành khoa-học mới mẻ về hóa-sinh.

Các phương-án làm việc theo hướng tổng-thể của ông đã được mọi người phát-hiện trong thư ông viết cho một học-viên bác-sĩ trẻ, ông nhắc nhở: “Em hãy nhớ ta cần chữa-trị không phải mỗi thân-xác, mà cả linh-hồn của người bệnh qua việc kêu gọi họ chú-tâm vào cả đầu óc lẫn tâm can chứ không chỉ mỗi việc lạnh lùng kê toa thuốc rồi bảo họ đến các dược phòng gần bên mua/bán.” Trong lá thư viết cho học-viên khác, ông cũng bảo: “Không phải khoa-học mà là lòng bác ái yêu thương loài người là chất xúc-tác đã biến-đổi cả và thế-giới.”

Một đám tập sinh trường thuốc đã theo Bs Giuseppe Moscati mỗi khi ông dắt họ đi rảo quanh thăm viếng bệnh nhân ở nhà thương để rút tỉa các bài học thực-tế khi chữa bệnh. Năm 1993, khi cung-hiến nguyện-đường kính thánh Giuseppe Moscati ở thủ đô Rôma, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị từng diễn-giải phương-án chữa-trị của vị bác sĩ giàu tình thương này, rằng: “Thêm vào với tài nguyên hiếm quý là kỹ-năng riêng tư chuyên chăm sóc người bệnh của mình, thánh nhân đây còn sử dụng cả sự ấm áp đầy tính nhân-loại và bằng chứng hùng hồn của niềm tin ngài sẵn có, nữa.”

Thánh Giuseppe Moscati coi việc hành nghề y-khoa của ông như công việc tông-đồ, một thừa-tác-vụ thực-thụ cho những ai đang gặp khổ đau trong cuộc sống. Chẳng hạn như, trước khi chẩn-đoán hoặc khám bệnh cho bất cứ ai hoặc khi dấn thân vào sứ vụ nghiên-cứu y-học, bác sĩ Giuseppe Moscati đã đặt mình trước mặt Chúa và thánh-nhân cũng khuyến-dụ người bệnh, đặc biệt là những người sắp sửa mổ, là: hãy mở rộng vòng tay đón nhận bí-tích do Giáo hội ban.

Thánh-nhân rất độ-lượng trong việc thỏa-mãn nhu-cầu của người bệnh và chữa trị bệnh miễn phí cho các người bệnh đang trong cảnh túng thiếu, cơ-bần thậm chí thánh-nhân thường chuyển một số người về chữa tại nhà cộng thêm đó là các phong bì chứa toa-thuốc và tiền giấy trị giá $50 lira.

Có lần thánh-nhân suýt bỏ mạng vì mải mê giúp đỡ người khác. Thoạt vào lúc núi Vesuvius phụt lửa vào tháng Tư năm 1906, thánh nhân cũng đã tình-nguyện giúp di-tản cư-dân đang sinh sống tại viện dưỡng lãotrong vùng hiểm nghèo bằng cách tự tay khiêng mang người bệnh yếu ớt, ốm đau về nơi an toàn chỉ vài giây phút trước khi mái nhà đổ sụp vì sức nặng của tro tàn núi lửa.

Ngoài ra, thánh-nhân còn làm việc vượt cả bổn-phận của mình trong thời kỳ dịch-tả lan tràn khắp nơi và chính tay ngài đã chữa trị khoảng 3 ngàn binh sĩ trong thời Đệ Nhất Thế Chiến. Thánh-nhân được mọi người đặt tên cho là bác-sĩ nhân lành, thánh-thiện từng đeo đuổi nghiệp vụ khoa bảng từng ngồi vào ghế chuyên nghiệp xả thân cho công–cuộc nghiên-cứu chuyên-nghiệp, nhưng ngài lại ưa chọn công-tác giúp bệnh nhân nghèo và huấn-luyện tay nghề cho các sinh-viên thực-tập ở bệnh-viện.

Thứ Ba ngày 12 tháng Tư năm 1927, Giuseppe Moscati lên đường tham-dự thánh-lễ và đón nhận Mình Chúa như thường lệ và sau đó còn đi một vòng thăm viếng bệnh nhân ở nhà thương và sau bữa ăn trưa đơn giản, thánh nhân thấy yếu trong người, bèn ngả người nằm trên sàn đất và đó cũng là lúc thánh-nhân ra đi cách nhẹ nhàng, thanh-thản hưởng dương chỉ mới 47 tuổi.

Năm 1975, Giuseppe Moscati được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị tôn-dương lên bậc hiển thánh và tấn-phong thành thánh-nhân vào ngày 25 tháng Mười năm 1987. Ngày nay, thánh nhân được mọi người ghi nhớ cử hành mừng lễ vào ngày 16 tháng 11, mỗi năm.  (X. Lm John Flader, Doctor a holistic pioneer, The Catholic Weekly 2/12/2018 tr. 21)

Đọc báo Đạo, người đọc đều thấy rõ nhà Đạo mình chỉ nói chuyện thánh-hóa bản thân qua các truyện kể các vị thánh thời xưa/cũ, ít khi thấy đấng bậc mình kể về chuyện thánh hóa hoặc thánh “quá” (đọc theo giọng Nam kỳ) ở quê nhà.

Thôi thì, ta cũng đành chấp nhận sự nhàm chán lãng quên của nhà Đạo, bởi nếu không, sẽ lại bảo nhau xin lỗi, xin phải. Và, hôm nay mời bạn/mời tôi, ta đi vào vườn hoa truyện kể để rút tỉa câu truyện kể có tính đặc-thù về người thường ở đời có tính nhân lành hạnh đạo để minh-họa tính đặc-trưng của nhân-vật lành thánh như sau:

“Người đến dự đám cưới khá đông. Ông hàng xóm gọi bác làm công đến và bảo:
-Này, anh đi xem xem có bao nhiêu người đến dự đám cưới bên ấy, nhé.

Bác làm công ra đi. Bác để lên ngưỡng cửa một khúc gỗ và ngồi lên bờ tường đợi khách khứa ra khỏi nhà. Họ bắt đầu ra về. Ai đi ra cũng vấp phải khúc gỗ, văng lên chửi và lại tiêp tục đi. Chỉ có một bà lão vấp phải khúc gỗ, liền quay lại đẩy khúc gỗ sang một bên.
Bác làm công trở về gặp người chủ.
Người chủ hỏi:
-Ở bên ấy có nhiều người không?
Bác làm công trả lời:
-Chỉ có mỗi một người, mà lại là bà lão.
-Tại sao vậy?
-Bởi vì tôi để khúc gỗ bên thềm nhà, tất cả đều vấp phải, nhưng cũng chẳng ai buồn dẹp đi. Thế thì, lũ cừu cũng làm thế. Nhưng, một bà lão đã dẹp khúc gỗ sang một bên để người khác khỏi vấp ngã. Chỉ có con người mới làm như vậy. Một mình bà lão nọ là người, mà thôi.

Và, thêm một lời bàn của người kể truyện, cứ bảo rằng: Câu truyện ở đây nghe qua có vẻ như hư cấu, nhưng vẫn là chuyện thật xảy ra ở đâu đó, có thể là ngay cạnh nhà mình, cũng nên. (Truyện vặt rút từ điện thư gửi người anh em thích đọc, ở quê nhà)

Kể câu truyện trên đây, người kể không có ý bảo rằng, làm thánh-nhân, không có nghĩa là vị ấy chỉ làm những việc lạ kỳ, chẳng giống ai, mới là thánh. Kể như thế, bầy tôi đây chỉ cốt ý bảo rằng: làm thánh-nhân, đôi lúc có nghĩa là làm những việc ít người nghĩ rằng đó là công việc dành mình, chứ không phải ai khác.

Hôm nay, để kết thúc câu chuyện phiếm lai rai, phiếm dài dài, lại cũng có đề nghị bạn/đề-nghị tôi, ta quay về với nhạc bản trích-dẫn ở trên mà hát vang những lời phấn chấn, vẫn hát rằng:

“Lắng trầm tiếng chiều ngân
Nhạc dặt dìu ái ân, Người ơi!
Nhớ mãi cung đàn, năm tháng phai tàn,
Duyên kiếp chưa hề lỡ làng.

Đã quên hết sầu chưa?
Lời này là tiếng xưa
Quỳ dâng dưới nắng phai mờ,
bên gối ơ thờ nghe tiếng tơ tình mong chờ.

Chiều êm êm đưa duyên về người
Đàn triền miên nắn tiếng sầu đời…
Người hỡi! Đến bên tôi nghe lời xao xuyến như chuyện thần tiên
Niềm mơ xưa là đó…

Cho ta nâng niu lời ca
Chiều mờ không gian, hờ hững khói thiên đường
Thuyền trôi bến song xa đứng chờ…
Xin hãy lắng nghe bao lời thơ chiều ta
Nhạc chiều của chúng ta
Là câu ái ân muôn đời, bóng đã xế rồi
Hãy nép trong lòng cõi đời.
Tình yêu mãi mãi…”
(Phạm Duy: bđd)
     
Trần Ngọc Mười Hai
Cũng có lúc
Những kiếm tìm câu chuyện vặt vãnh
lạ kỳ để mọi người vui
mà thôi.




No comments: