Monday, 7 September 2015

“Đêm xuống dần, giọt sương rơi trên áo anh,”




Chuyện Phiếm đọc trong tuần 24 thường niên Năm B 15/9/2015

“Đêm xuống dần, giọt sương rơi trên áo anh,”
con phố dài, bàn chân anh qua lặng lẽ.
Thương nhớ người, tình yêu kia đâu dễ quên,
để trái tim xót xa cô đơn từng đêm.”
(Nhật Huy - Như Giấc Mơ Qua)
(2 Phêrô 3: 14-15)
            Lại phải thú thật với bạn đạo và bạn đọc khắp nơi, rằng: tác giả viết nhạc bản này, đối với bạn đạo thật “là lạ”. Lạ, cả tên tuổi lẫn ý/lời của giòng nhạc, ông còn hát, như sau:

“Em với người dìu nhau đi qua con phố quen,
đâu biết rằng mình anh trông theo lặng lẽ.
Xin dối lòng để anh quên đi bóng em,
dù trái tim vẫn kêu tên em từng đêm.
Ngày n            ào mình hẹn ước đắm đuối thiết tha,
mà người tình một phút đã thấy quá xa.”
(Nhật Huy – bđd)

            Có lần bần-đạo đây kể lại lời vị thày dạy từng bảo: “Bà Maria Magđalêna là một nữ thừa-tác-viên năng-nổ thời của Chúa, chứ không là cô gái điếm-đàng như thánh Grêgôriô Cả giảng ở nhà thờ đâu…” thì anh bạn nghe rồi, bèn phán rằng: “Ngài là Giáo-hoàng lại được Giáo-hội phong thánh thì phải đúng hơn ông thày của bạn chứ!”   
Nhiều năm sau, bần-đạo lại khám-phá ra rằng: hồi đầu thiên-niên-kỷ thứ 3, giới khảo-cổ đã khám-phá cuốn “Tin Mừng theo thánh Maria Magđalêna”, bèn cứ “cấu bụng” mà tự nhủ: Giáo-hoàng đúng hay nhà khảo-cổ đúng đây?
Nay, đọc được ý của đấng bậc vị vọng ở chốn “chóp bu” vẫn nhắc nhở người nghe/học dạy Giáo-lý Gia-đình mỗi Thứ Tư hàng tuần, như sau:

“Thật vậy, tiếng vãn than thường được nghe thấy nhất của Kitô hữu liên-quan đến thời-gian đó là: "Tôi cần phải cầu nguyện hơn nữa...Tôi muốn làm thế nhưng tôi thường không có giờ!!!!". Chúng ta luôn nghe như vậy.
Niềm tiếc xót này thật chân thành, vì tâm can con người luôn tìm đến nguyện cầu, dù trong vô thức; và nếu không có giờ cầu-nguyện thì họ thấy bồn-chồn khắc-khoải. Tuy nhiên, để có giờ cầu-nguyện, cũng cần vun trồng nơi tâm-hồn một tình yêu "nồng nàn" đối với Thiên Chúa đầy cảm mến.
Chúng ta hãy tự hỏi mình một vấn đề rất đơn giản. Cần phải tin vào Thiên Chúa với tất cả tâm can của mình; cần phải hy vọng rằng Ngài sẽ giúp chúng ta trong những cơn khốn khó; cần phải cảm thấy có nhiệm vụ cảm tạ Ngài. Tất cả những điều ấy đều tốt lành. Thế nhưng chúng ta cũng có yêu mến Chúa của ta không?
Ý nghĩ về Thiên Chúa có tác động chúng ta không, có làm ta bàng hoàng không, trở nên dịu dàng không? Chúng ta nghĩ đến việc công-thức-hóa Giới Luật trọng đại là thứ luật bao gồm mọi luật khác, đó là "Các người phải kính mến Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng hết linh hồn và hết sức ngươi" (Đệ Nhị Luật 6:5; Mathêu 22:37).
Công-thức này sử-dụng ngôn-từ mạnh mẽ của tình yêu, hướng về Thiên Chúa. Đó, tinh-thần cầu-nguyện trước hết là ở chỗ này. Và nếu nó ở chỗ này thì nó liên tục ở đó và không bao giờ rời bỏ đó. Ta có thể nghĩ về Thiên Chúa như Đấng âu yếm ôm lấy ta trong cuộc đời chứ không phải thứ gì khác không? Một niềm âu yếm mà không gì, kể cả chết chóc, có thể tách biệt chúng ta ra khỏi nó?”
Hay ta chỉ nghĩ về Ngài như là một Hữu-Thể cao cả, như Đấng Uy Quyền làm được mọi sự, như Vị Thẩm Phán kiểm-soát mọi hành động? Dĩ nhiên, tất cả điều này đều đúng; thế nhưng, chỉ khi nào Thiên Chúa là cảm xúc của mọi cảm xúc nơi ta thì ý nghĩ về những điều ấy mới trọn vẹn ý nghĩa.
Bấy giờ, ta thấy sung sướng, đồng thời cũng bị bối rối, vì Ngài nghĩ đến ta và nhất là Ngài yêu thương ta! Điều ấy không là những gì gây ấn tượng sao? Không ấn tượng sao, khi Thiên Chúa chăm sóc ta bằng mối tình của Người Cha? Thật là đẹp! Ngài có thể tỏ mình ra như là một Hữu Thể Tối Thượng, ban bố các Giới Luật của Ngài và chờ đợi thành quả.
Trái lại, Thiên Chúa đã và đang thực hiện một cách bất tận còn hơn như thế nữa. Ngài hỗ trợ ta trên con đường sự sống. Ngài bảo vệ, yêu thương chúng ta….” (xem Bài giáo lý Gia đình của Đức Phanxicô giảng hôm thứ Tư 27/8/15 do Cao Tấn Tĩnh chuyển dịch, www.vuisongtrenđời.com 28/8/15)

Xa lạ và khác-biệt, còn thấy cả trong nhận-định về lập-trường tư-tưởng hoặc lối sống, luôn có câu “đúng/sai”, ở trong đó. Chuyện đúng/sai, về động-thái nguyện-cầu, là chuyện của đấng bậc làm chủ giáo-hội. Đúng/sai về động thái, lại kéo theo chuyện đúng/sai về lập-trường tư-tưởng và lời lẽ của Giáo hoàng. Đó, còn là câu hỏi từ đấng bậc khác, trong dân gian, rất như sau:

“Qua nghiên-cứu, chúng ta thấy có nội-dung và lý-do chính nơi tâm-can cũng như hành-xử của những người cực-đoan.

Chuyện “tréo cẳng ngỗng” hoặc hỗ-trợ đầu tiên cho hành-xử đầy bao-lực là lời cam-kết mạnh-mẽ chấp-thuận các hành-động bạo-tàn vẫn bảo rằng: “Giả như bạo-tàn/bạo-lực không giải-quyết được vấn-đề này khác, là do bởi họ không đủ bạo-lực cần có”. Hoặc, “Con cháu của kẻ thù chúng nó giống như rắn rết, cần phải dẫm bẹp trước khi chúng phát-triển”

Chuyện thứ hai là lòng hận-thù nay mang mặc những hai hình-thức: một, chĩa thẳng vào ‘phương Tây’ hiện rõ nơi cam-kết như thể bảo: ‘khủng bố theo cách hình-thức tra-tấn dã-man và hành-quyết mà không cần toà xử được nhiều nước Tây phương đã và đang áp-dụng hằng ngày. Lối diễn-tả hận-thù khác nữa lại là niềm tin chung chung nghĩ rằng thế-giới ngày nay đang trở nên đốn-mạt cùng cực.

Và, nội dung cuối cùng của sự việc này, là: lấy cớ để bào-chữa. Dù ta có rất nhiều kiểu để tạo cớ làm điều này khác, đặc-trưng thông thường của nhiều người lại vẫn là việc biện-minh cho đầu óc thiển-cận, đầy ác-ý lẫn bạo-tàn của mình. Ở một số trường hợpcó người lại còn viện vào Thượng-Đế hoặc Thiên-Chúa trong lúc có khi chỉ là hành-động của một kẻ tin thực tình ở sự việc, chứ không là hành-động mang tính khủng-bố/bạo-lực chút nào hết.

Tâm-địa của đám người cực-đoan được định-hình trong các điều-tra/nghiên-cứu phần đông là ở dân chúng nói chung, chứ không phải nơi những người sử-dụng bạo-lực. Nói chung, thì: tâm-bệnh vẫn không là yếu-tố tạo nguyên-nhân trong các vụ khủng-bố dù cho đó có thể là những dấu-hiệu của sự cố có thể thấy được ở vài trường-hợp.

Là cá-thể, ta vẫn có tâm-trạng hoặc lập-trường khác-biệt đến độ ta có quyền đồng-thuận hay không với cam-kết ấy. Nói chung thì, sự khác-biệt ở nhiều dạng-thức khác nhau vẫn được định-hình nơi hành-xử của nhiều nhóm/phái rất khác nhau. (X. Lazar Stankov, The Making of a Militant Extremist, Australian Catholic University Insight 14: Mùa Đông 2015, tr. 4-5)

Lập trường của vị giáo-sư thần-học ở Đại-học Công-giáo Sydney, thì như thế. Thế nhưng, sự khác-biệt thấy rõ hơn cả là lập-trường/hành-xử của Đức Phanxicô lâu nay từng tỏ lộ. Nay đề-nghị bạn đề nghị tôi, truớc khi nghe thử một bài nhận-định về sự khác-mà-không-biệt của vị Giáo Chủ  năng-nổ xem thế nào, ta trở lại với nhạc-bản ở trên mà hát thêm, rằng:

“Em như giấc mơ đi qua đời ta,
rồi từng đêm gây nên bão tố.
Người về lòng còn nhớ
những phút đã qua,
đời làm mình lạc lối
giữa những xót xa.
Em như cánh chim
đi qua đời ta
rồi về vui với người xa lạ.”
            (Nhật Huy – bđd)

“Vui với người xa lạ”, còn là động-thái cùng quan-điểm của vị chủ-chăn cả một giáo-hội, được đấng bậc nọ ở nước Bỉ, có nhận-xét như sau:

“Đức Gian 23, là đấng bậc chủ-quản Giáo-hội mở ra Công đồng Vatican 2 lại đã nhấn-mạnh vào thuốc viên “từ bi” để chữa trị mọi bệnh. Trong khi đó, Đức Phanxicô lại có lập-trường biệt-lập cả về Niềm Vui Tin Mừng lẫn Nỗi Mừng của Từ Bi…

Lâu nay đức đương kim Giáo chủ tạo được sự hỗ-trợ ở văn-bản thần học giải-phóng có từ các vị chủ-quản ở Argentina ngang qua các thần-học-gia như Juan Carlos Scanone, Lucio Gera và Rafael Tello; và nhất là từ tài-liệu cuối xuất tự buổi họp Hội Đồng Giám-mục Châu Mỹ La-tinh tại Aparecida, nơi ngài là người tường-trình và cũng là đồng tác-giả.

Mới đây, nhiều vị trong Giáo-hội lại đã chê-trách quan-điểm của Bộ Trưởng Bộ Tín Lý/Giáo điều, tức Hồng y Muller. Vị này từng bảo: Đức Hồng Y Bergoglio (nay là Giáo hoàng Phanxicô) không là giáo-sư thần-học và cũng chẳng suy-tư theo kiểu có cấu-trúc hẳn-hòi như một thần-học-gia. Hồng y Muller khi ấy còn cho biết: Bộ Giáo Lý Đức Tin nay có trọng trách tác-tạo hiệp-nhất niềm-tin có cấu-trúc. Cũng từ đó, Hồng Y Muller lại chứng-tỏ điều này: quyền-bính do Hồng Y Ottaviani (tức Giáo Hoàng Piô 12) vào tháng ngày trước khi có Vaticăng 2. Và từ đó, Toà thánh lại đã tạo được uy-quyền vượt bực, hết mức.

Đức Phaolô Đệ Lục sau đó mới giảm thiểu quyền này một cách đáng kể và thay đổi tên gọi của Bộ này từ Thánh Bộ Bí Tích Tối Cao thành một bộ khác. Rồi đến 1988 qua Hiến chế Pastor Bonus, Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị lại tái-tạo uy-lực và quyền-hạn của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Đức Bênêđíchtô 16 lại củng cố Bộ này, ít nhất là bổ-nhiệm Đức Hồng Y làm đầu thánh bộ này. Đức Hồng Y Burke thuộc Toàn Án tối cao Rota từng gọi Giáo hội hiện nay là con thuyền không người lái vì thiếu cấu-trúc. Hồng Y Muller và Burke đã cho phép báo La Croix phỏng-vấn về vấn-đề này.

Điều đáng nói ở đây, là có giả-định rằng: việc trình-bày niềm tin liên-kết rất cấu-trúc rất cần-thiết cho sự lành mạnh và hiệu-năng của Giáo-hội. Sự đoàn-kết có cấu-trúc đã thành-hình trong một thời-gian rất lâu chiếu theo các ý-niệm có với một châu Âu cằn cỗi, từ chủ-thuyết DesCartes và triết-lý của người Đức.

Trong lần bàn cãi về thần-học giải-phóng của Châu Mỹ La-tinh, Hồng y Muller đã theo con đường này. Nền thần-học ấy nhìn trước tiên vào toàn-bộ thực-tế sống-động của dân Chúa và sau đó vào những gì được Tin Mừng nói về các tình-trạng thực-tế như thế. Thần-học ấy chào đón mọi tầm-nhìn hướng về chân trời này. Cảnh-trí đầu tiên để ra cho thực-tế sống của dân ở đây chính là gia-đình. Và, Hồng Y Muller là một trong các học-giả kinh-điển từng chú-ý nhiều về thần-học giải-phóng. Nhưng, nếu gọi đó là có được uy-lực quyền-bính để giải-định công việc của Giáo-hoàng, thì ngài đã vượt quá lằn ranh đỏ, rồi…

Việc bố-trí đặt để điều này cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trải qua nhiều thập-niên trước, là sự tranh-luận/cãi vã ở Châu Mỹ La-tinh giữa phe Mácxít và tầm nhìn của Peron khi ấy. Phe này chủ -trương đặt ưu-tiên cho một nhóm người riêng biệt hoặc giai-cấp ở xã-hội. Trong khi đó, phe kia lại nhấn mạnh đến chuyện ưu-tiên cho người dân với tư-cách là chúng-dân, vượt ngoài mọi chống-chọi giữa các giai-cấp với nhau. Và phe nhóm này quả là rất mạnh ở Argentina. Vì thế nên, tầm nhìn của Đức Phanxicô về từ-bi coi như lòng hỷ xả đối với và ở trong cũng như từ toàn-thể dân Chúa. Tuy nhiên, phe theo Péron khi ấy lại cứ coi dân Chúa là dân tốt nhất được họ phục-vụ vì khi ấy họ tự coi mình như tập-đoàn quân-sự kiểm-soát có hại cho người nghèo….

Tại Thượng Hội Đồng Giám mục Rôma năm 2014, không vị nào đề-cập đến hôn-nhân đồng tính, mà chỉ nói về chuyện làm sao giúp các gia-đình có con trai hay con gái là người đồng tính, thôi. Đây là trạng-huống trước đây chưa từng xẩy ra, nhưng các giáo-sĩ ngồi toà cáo-giải lại hay gặp. Nhưng, vấn-đề là: làm sao đồng-hành cùng với những người như thế, mới là khó.

Không lúc nào lại thấy tín-lý/giáo-điều về hôn-nhân được sờ đến. Vấn đề thật ra lại là những gì ta có thể làm cho những người đã ly-dị rồi nay tái-giá cách sao đây? Ta mở rộng cánh cửa nào đây? Những người như thế đâu có bị vạ tuyệt thông đâu, nhưng trên thực-tế, theo giáo-luật hiện hành, thì họ không thể là vú/bõ đỡ đầu khi rửa tội, không thể đọc sách thánh ở nhà thờ, trao Mình Chúa hoặc giảng-dạy giáo-lý/sách phần, vv được. Nói cách khác, họ cũng là thứ người bị vạ tuyệt-thông không chính-thức mà thôi.

Cuối cùng thì, câu hỏi đặt ra cho ta là: làm sao mở rộng vòng tay nhiều hơn nữa theo nghĩa những hành-xử, luật-đạo và giá-trị được…?

Đó chính là vấn đề, của đổi thay, khác-biệt vào thời này.” (xem Lm Armand Veilleux, The Theology of Francis, Scourmont Website, 24/5 2015, hoặc Lm Kevin O;Shea CSsR, A Tale of Two Synods, about some ethics and politics of Human Love, Workshop at Australian Catholic University, Strathfield Sydney 22/8/2015).

Nói cho cùng, thì có khác-biệt thế nào đi nữa, cũng hãy sống mà xử sự với mọi người như bậc thánh-hiền khi xưa vẫn khuyên rằng:

“Anh em phải cố gắng sao cho Ngài thấy anh em tinh tuyền,
không chi đáng trách và sống bình an.
Và anh em hãy biết rằng
Chúa chúng ta tỏ lòng kiên nhẫn
chính là để anh em được cứu độ,
như ông Phaolô,
người anh em thân mến của chúng ta,
đã viết cho anh em,
theo ơn khôn ngoan Thiên Chúa đã ban cho ông.”
(2 Phêrô 3: 14-15)

Nói thêm điều nữa, để nói rằng: ơn “khôn ngoan” như bậc thánh-hiền nói ở trên, đâu phải chỉ mỗi đấng bậc ở chốn chóp bu mới có; mà cả các đấng/các cụ xưa nay thường bày tỏ, như một tỏ-bày của ai đó ở bên dưới, như sau:

Hãy sống là chính mình như một cây cổ thụ!!! Bởi, cuộc sống sẽ không còn ý nghĩa nếu chúng ta cứ luôn sợ hãi, cân nhắc đắn đo giữa sự cho với nhận và không dám mạo hiểm trước những gì cần mạo hiểm.

Ngày nọ, một cậu bé đứng tựa vào gốc cây to xù xì, thì thầm hỏi:
-Thần cây ơi! Thần cây hãy chỉ cho con cách nào làm ba mẹ vui lòng mà con vẫn được là chính con?
Thần cây đáp:
-Con hãy nhìn ta đây. Cả một đời ta phơi mình trong nắng gió, biết bao lần phải oằn người trong giông bão nhưng ta vẫn là ta, vẫn là thân cây tỏa bóng mát cho mọi người. Qua hôm sau, một người đàn ông tìm đến cây than thở:
- Cây ơi, tôi là một người đàn ông bất tài vô dụng. Bao năm trôi qua rồi mà tôi vẫn chỉ là một anh nhân viên quèn, không thăng tiến được. Tôi không thể lo cho vợ con mình một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi thật sự đã thất bại, tôi chán bản thân mình lắm rồi.
-Anh hay nhìn tôi mà xem, Cây lên tiếng chia sẻ: “Tôi chấp nhận tự thay đổi để thích nghi với mọi điều kiện. Vào mùa xuân, tôi khoác lên mình chiếc áo xanh tươi, đâm chồi nở hoa rực rỡ. Nhưng khi mùa đông lạnh giá kéo về thì tôi ủ rũ, xám xịt với những cành cây khẳng khiu. Đến hè, tôi lại vươn vai tỏa bóng mát sum suê. Và như anh thấy đấy, dù có thay đổi thế nào thì tôi vẫn là tôi, là gốc cây đứng bên vệ đường chứng kiến bao thăng trầm của cuộc sống.

Đến một ngày, có cô gái đau khổ vì tình yêu chạy tới ôm thân cây òa khóc nức nở:
-Cây ơi! Người yêu của tôi đã rời xa tôi rồi. Tôi cảm thấy mất mát thật nhiều và đau khổ lắm. Giờ đây, có lẽ tôi không thể yêu thương ai khác được nữa.

Cây nhìn cô gái đầy thương cảm, dịu dàng nói:
-Cô hãy ngước lên và nhìn tôi đi. Nào là chim chóc, sâu bọ, gõ kiến, nào là rong rêu, dây leo, cây tầm gửi bám đầy trên người tôi. Hằng ngày, chúng lấy đi của tôi biết bao nguồn nhựa sống. Nhiều khi, tôi tưởng như không còn sức chịu đựng thêm được nữa. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua đi. Tôi vẫn là tôi, hiên ngang cho đi và dám hy sinh những gì mình có.” (Trích truyện kể trên mạng vi-tính rất nhiều nhiều)

Và, lời bàn cuối của người kể về sự khác-biệt/khổ-sở, khó giảng-giải, lại như sau:

“Chúng ta cũng giống như cây kia vậy, phải luôn thay đổi sao cho có thể thích ứng với từng giai đoạn của cuộc sống. Hãy hướng đến những điều lớn lao nhưng cũng đừng nên quá tuyệt vọng khi sự việc diễn ra không như những gì bạn mong đợi. Hãy sống mỗi ngày theo cách trọn vẹn nhất của bạn. Hãy để lòng dịu lại và lắng nghe con tim mách bảo, dũng cảm đối diện với khó khăn, thách thức.”

Không cần biết người kể đây là con-trai hay con-gái, nhưng hãy biết rằng lời bàn của người kể bao giờ cũng hay, cũng tuyệt như bao giờ. Vì chỉ là lời bàn chân-chất chứ đâu có ai đòi người kể xác-minh lời bàn của mình bằng kinh-nghiệm bản thân đâu bao giờ chứ.
Nghĩ thế rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta lại sẽ hát lên lời ca ý nhạc trích ở trên, lần nữa rằng:

Em như giấc mơ đi qua đời ta,
rồi từng đêm gây nên bão tố.
Người về lòng còn nhớ
những phút đã qua,
đời làm mình lạc lối
giữa những xót xa.

Em như cánh chim
đi qua đời ta
rồi về vui với người xa lạ.”
            (Nhật Huy – bđd)

Thế đó, là đôi ba tâm-tình nhân ngày buồn ở đâu đó, cũng khác hẳn “một-ngày-như-mọi-ngày” trong đời của tôi, của bạn, của mọi người. Ở muôn nơi.

Trần Ngọc Mười Hai
Và những khác biệt
Khi kể lại cho nhau nghe
chuyện            khác-biệt     
trong chốn dân-gian, người phàm
rất hết biết.



No comments: