Saturday, 19 September 2015

“Trên con đường một mình anh về”




Chuyện Phiếm đọc trong tuần 26 thường niên Năm B 27/9/2015

“Trên con đường một mình anh về”
nơi chốn tha hương.
Cơn đau xa người còn thấm môi hôn nhớ về ai.
Phút chia tay em nói lời tiễn đưa
Mắt anh buồn nhìn em, thôi đã mất.
(Hoàng Trọng Thụy - Đoản Khúc Cuối Cho Em)

( Cv 3: 17-20)

          Đoản khúc cuối cho em”, ư? Phải chăng, đây là lời nhắn gửi đến mọi người, hoặc muôn người? Chí ít, là những người lâu nay được đề-cao, nâng nhấc, kích bốc lên tận chín tầng mây trên đó, chốn đạo hạnh?
            Sở dĩ bần đạo đây, hôm nay, nói lên những điều khó nói này là vì, vừa qua, bần-đạo đọc được “Bản Tin Giáo Xứ” của một họ đạo ở nước Úc, rất Sydney. Bản tin hôm ấy, tóm gọn chỉ mỗi lời nhắn không theo dạng “Đoản Khúc Cuối Cho Em”, mà là lời nhủ khuyên gửi đến các vị lâu rày lãng quên chuyện hỗ-trợ các bậc vị-vọng nay chìm vào chốn lãng quên, rất như sau:

“Hôm nay, ta thực-hiện  quyên góp giúp các Linh mục về hưu có nơi ăn chốn ở, được chăm sóc sức-khoẻ bằng những hỗ-trợ cần-thiết để các ngài có cuộc sống xứng-đáng, khi về hưu.

Chúng ta mắc nợ các linh mục rất nhiều. Các ngài đã cống-hiến cả đời mình để phục-vụ Thiên-Chúa và nuôi dưỡng lòng tin của ta, cũng như đóng góp bằng nhiều cách cho cuộc sống cộng-đoàn. Hỗ-trợ Quỹ Tài trợ Linh mục về hưu, là cung-cách thực-tiễn qua đó ta chứng-tỏ lòng cảm-kích biết ơn các linh-mục thừa-tác từng cho đi chính đời mình hầu phục-vụ tha-nhân và cộng-đoàn niềm tin.” (X.Bulletin of Fairfield Parish 23rd Ordinary Sunday year B, 06/9/2015)

            Lý-do khiến bần-đạo trích dẫn “Bản tin Giáo xứ” này, ở đây, không để nhắn bạn đạo nào ở đâu đó rằng: bà con ta đừng quên các linh mục già đầy tuổi tác đang sống ở viện dưỡng-lão đây đó, trên toàn quốc. Nhưng, vì lời lẽ “kích-bốc” theo kiểu “lời vàng” khá cũ của thời trước, nay lỗi thời.
Lỗi thời hơn, là quan-niệm của vị nào đó cứ coi các đấng-bậc thày cả như quan-viên sống trên đầu/trên cổ đám giáo-dân lúc này cũng đã biết nhiều và hiểu nhiều về những chuyện xảy ra trong/ngoài nhà Đạo, nay bê bết.
Lỗi thời mãi, lại là quan-niệm của một số vị cứ tâng-bốc các đấng bậc “thày cả” vẫn tự coi mình là “kẻ cả” có tư-thế và vai-vế hơn hẳn người dưới trướng trong Hội-thánh La Mã, rất Vaticăng. 
Nay, quan-niệm “ở trên đầu/trên cổ giáo dân” đã mai-một không còn hợp thời và lẽ đạo nữa, đến độ Đức Phanxicô đã phải nhắn-nhủ con dân trong Đạo, những người vẫn đi đạo và giữ đạo nhưng không biết tình-hình trong Đạo. Lời nhắn-nhủ ấy như thế này:

“Các linh mục phải đồng-hành ngang hàng mọi người, chứ không thể ở trên hoặc ở trước họ.

Hôm 3/9/2015, Đức Phanxicô có chuyển đến các linh-mục thuộc Phong-trào Schoenstatt một lời nhắn cũng rất mạnh rằng: “Linh-mục ở Đạo ta không bao giờ nên ở trên hoặc ở trước mọi người. Thay vào đó, họ phải đồng-hành bên cạnh các vị ấy, mới được…

Thông-điệp, gửi các vị tham-gia buổi hội-thảo hàng năm của Phong-trào Schoenstatt này đây, hôm ấy, Đức Phanxicô có được sự đồng-thuận của những người trong cuộc, nên ngài đã mạnh-dạn trích-dẫn nhận-định của Lm Kentenich của Phong-trào, khi ông bảo: “Mọi người chúng ta, ai cũng nên mở tai mình ra mà đặt vào tâm-can của Chúa và đặt đôi tay lên nhịp đập của thời-đại… Đó là hai cột-trụ của đời sống linh-thao hôm nay, rất đích-thực.”

Đức Phanxicô, sau đó, đã rời buổi hội-thảo của Phong-trào nói trên nhưng không quên để lại đề-nghị khẩn-cấp để bảo rằng: “Chúng ta nên dâng-tiến chính mình để giúp đỡ các gia-đình, đặc biệt là gia-đình nào đang trong cảnh bức-bách, khó khăn, khổ sở. Đồng thời, cũng nên bỏ giờ ra mà ngồi toà cáo-giải nghe hối-nhân xưng-thú lỗi/tội của họ, đặc biệt trong năm thánh mừng vui này. Còn một điều nữa, cũng nên quan-tâm đến, là: ta hãy cầu-nguyện thêm cho Đức Giáo-Hoàng nữa.” (Xem News: Priests must walk alongside others, not in front: Pope”, trên tờ The Catholic Weekly ngày 13/9/2015 tr.10).

Đức Giáo-Hoàng nói thế, tức bảo rằng: nay là lúc con dân dưới trướng nên giúp giùm/đùm bọc lẫn nhau, chứ không nên kẻ trước/người sau, cứ thế mà giành nhau vị-thế trên dưới/trước sau, với người thường? Phải chăng, vì thế không nên cứ coi giáo dân như kẻ ở dưới trướng, cần đe nẹt?
Nói như Đức Giáo-Hoàng nhà mình, là nói theo kiểu nhà Đạo, lúc nào cũng hỗ-trợ nhau về mọi cách, chứ không thể đi đằng trước /bước lên trên rồi lại yêu-cầu người đi sau hoặc đi dưới cứ thế yểm trợ bằng công sức, tiền bạc và lời cầu nguyện kéo dài mãi không ngừng.
Nói như Đức Giáo-Hoàng, là cứ nói và nhớ lời bậc thánh hiền khi xưa từng nhủ khuyên/khuyên-nhủ các vị được đề-bạt hoặc thăng quan tiến chức, rất ở trên, bằng những lời rằng:

“Thưa anh em,
giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết,
cũng như các thủ lãnh của anh em.
Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện
những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước,
đó là: Đấng Kitô của Người phải chịu khổ hình.
Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa,
để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em.
Như vậy thời kỳ an lạc mà Đức Chúa ban cho anh em sẽ đến,
khi Người sai Đấng Kitô Người đã dành cho anh em,
là Đức Giêsu.”
(Cv 3: 17-20)

            Nói theo kiểu các đấng bậc ở chốn chóp bu nhà Đạo thì như thế. Còn, nói và hát theo kiểu con dân ngoài đời, rất nghệ-sĩ, thì như sau:

            “Đêm hôm nào mùa trăng thu chờ em đến bên tôi
Vùi thân rã rời hình bóng em theo chăn gối này
Thoáng hương xưa thôi cũng đành
Nói cho nhau lời cuối cùng
Dấu chân em rời căn gác buồn tênh.

Và ngày em đi, anh đưa môi tìm lên môi son cũ
Dấu vết ái ân tan theo như lời nói khi lìa nhau
Bàn tay như cố kéo những ước mơ đã mãi xa rồi
Nhìn tháng năm tàn phai, hình bóng thôi còn ai.
(Hoàng Trọng Thụy – bđd)

Thật ra thì, làm đấng bậc thủ-lãnh trong Đạo, là phải sống như một Kitô-khác, tức: rất giống Đức Kitô là Đấng nhân-hiền thánh hoá. Chí ít, là đấng bậc “thày cả” của “cả-và-thiên-hạ”.
Thật ra thì, làm thủ-lãnh đấng bậc ở Đạo Chúa, tức: không những phải chối-từ chuyện ngồi chiếu trên hay luôn đi trước đám giáo-dân trong đó nhiều người còn rành rẽ, thánh-thiện và khiêm-tốn hơn cả “thày cả”, nữa.
Thật ra thì, làm thủ-lãnh đấng bậc trong Đạo, là bắt chước Đức Kitô và/hoặc tuân-thủ Lời Ngài khuyên-dạy để sống xứng-đáng chức-năng/vai-trò bé nhỏ mà Đấng bậc nọ ở Sydney mới đây lên tiếng bằng một nhận-định ngắn gọn, như sau:

“Khi xưa Đức Giêsu Kitô làm tất cả mọi việc và nói tất cả mọi lời, Ngài đều nói và làm qua câu hát.

Nhiều lần, Ngài ra tay chữa trị hoặc “chữa lành” người tật/bệnh, Ngài lại còn cất tiếng hát khe khẽ, nhẹ êm trong đó có lời ca toàn là những yêu thương, trìu mến rất đầy đặn.

Nhiều khi, Ngài kể cho những người đi theo Ngài đôi ba câu chuyện hay ho/nho nhỏ, Ngài cũng lại cất lên giai-điệu tuyệt vời, tức: thứ âm-giai nhẹ mà khi nghe rồi, người nghe sẽ không còn quên lãng. Đó, là giai-điệu mà ta thường ngâm-nga suốt ngày không cần biết mình đang làm gì, sẽ ra sao.

Rất nhiều lần, khi Ngài bênh-vực quyền-lợi của người thấp bé/nghèo-hèn, thì tiếng giọng của Ngài lớn mạnh đầy quyền-uy, cho đến đoạn cuối kết thúc bằng cái chết thập-giá, trên đó Ngài lại hát mạnh hơn đến độ tiếng giọng của Ngài ngân-vang cùng khắp xuyên suốt vũ-trụ.

Môn-đồ nghe Ngài hát, lại cứ nghĩ: đây là bài ca họ chưa từng nghe bao giờ hết. Và, khi Ngài về với Cha Ngài, họ cũng bắt đầu hát như thế cho hết mọi người trong/ngoài nhóm/hội của mình. Dù bắt chước Ngài nhiều lần và nhiều cách, môn-đồ Ngài lại cũng không hát được những lời Đức Giêsu khi xưa từng hát. Đôi lúc, môn-đồ Ngài quên cả lời ca cùng sức-lực đến bể giọng. Tuy thế, về sau này, đồ-đệ Ngài vẫn cố hát hết mình. Và dù tiếng giọng của họ có yếu đi nhiều, thì chúng-dân tuy không nghe rõ tiếng các vị hát, vẫn nghĩ rằng đó là bài ca hay nhất họ từng biết.

Bài ca do môn-đệ hát, vẫn lan-tràn từ Giêrusalem sang đất miền khác đến độ: các bậc mẹ cha ở đây đó lại cũng hát vang cho con mình; và cứ thế lan-truyền xuống thế-hệ kế tiếp suốt nhiều thời.

Nhiều lúc, trong cuộc sống của các bậc thánh-hiền lớn/nhỏ, rất nhiều bài ca được hát bằng tiếng giọng tuyệt-vời. Cũng có khi, các vị lại hát sai/hát quấy do bởi lời ca/tiếng nhạc ở trong đó mạnh đến độ nhiều vị sử-dụng sức mạnh của nó để ra đi gây chiến, đè bẹp và khuynh-loát nhiều người khác.

Thành thử, người ta lại cứ bàn-cãi, đấu-tranh, giành quyền sở-hữu bài hát ấy, rồi còn bóp méo và phủ lên nó bằng những tầng dầy do con người thêm-thắt vào. Và, con người dù có làm tất cả mọi sự để được thế, họ vẫn không bắt chụp được chúng-dân khi tính giản-đơn, mỏng dòn và nhẹ êm nơi bài ca cho phép họ hát mãi như thế, suốt mọi ngày.

Một trong những chốn miền mà bài ca đạt tới, là đất miền cùng tận ở phía Nam mang tên Úc-Đại-Lợi. Ban đầu, bài ca này được hát vẫn không đạt, bởi nét đẹp của bản ca bị nhận chìm bên dưới âm thanh mạnh bạo của lằn roi vọt đập lên lưng tội-phạm đến từ Anh-quốc và rồi, do tiếng than khóc của Thổ-dân thấp cổ/bé họng sống ở đây. Duy có bài ca còn cao cả hơn người hát, vẫn được ca và hát trong nhà ở hoặc nguyện-đường làm bằng gỗ, cùng thánh-đường nguy-nga, khi ấy lan rộng sang tận đất miền khô khan và rộng lan.

Cuối cùng, bài hát ấy đã đến với tôi theo cách nhẹ êm, yêu thương xuất từ miệng mẹ cha cùng người thân-thuộc. Giống nhiều triệu người sinh sống trước thời của tôi, cả tôi nữa cũng bị lôi-cuốn/mê hoặc bởi bài ca mà tôi vẫn muốn hát, muốn vui say/nhảy mừng với cả thân mình của tôi.

Bài ca nay không thể dừng lại ở thế-hệ của chúng tôi được nữa rồi. Đổi lại, chúng tôi cũng phải trao ban nét đẹp tuyệt-vời của nó cho những người đến sau tôi. Và khi làm như thế, chúng tôi sẽ luôn nhớ, rằng: bài ca này có hai đặc-trưng/đặc-thù, rất khác-biệt.

Thứ nhất, là: trong khi chúng tôi hát bài ca ấy một cách bết-bát/tệ-hại, thì dù gì đi nữa, ta vẫn hát cho hết khả-năng của mình. Và, người khác cũng sẽ nghe được dù không chỉ mỗi tiếng-giọng yếu-ớt của ta mà thôi, nhưng phía sau ta và ngang qua ta, họ sẽ còn nghe được tiếng giọng mạnh mẽ và chắc-chắn hơn, vì đó là chính tiếng giọng của Ngài, Đức Giêsu Kitô của ta.

Hai nữa, là: ta sẽ luôn hát hoài, hát mãi bài ca ấy cho hay-ho nhiều hơn nữa, mỗi khi ta học hát với nhau –không chỉ một tiếng giọng ở đây đó, mà sẽ cùng hát những lời khác hẳn giai-điệu ta từng hát trước đây, nhưng cùng chung một tiếng, một giọng, thế mới tuyệt. Bởi, rồi ra, toàn-thể thế-giới sẽ thực-sự biết rằng: vẫn còn bài ca đẹp đẽ, tuyệt-vời nhất mà họ chưa từng nghe biết.” (X. Gm Geoffrey Robinson, 2015 Synod, the Crucial Questions: Divorce and Homo-sexuality, ATF Press Australia 2015, tr. 6-8)

            Vâng. Ở ngoài đời, cũng có bạn trẻ nọ từng nhận-định về chuyện hát hò ở trong đời, có những lời như sau:
           
Cuộc đời, là những tiếng hát mà mỗi người chúng ta sẽ tự hát lên theo cách riêng của mình: có tiếng trong veo, vút cao, có tiếng khàn đục, trầm lắng. Cụ thể hơn, cuộc đời còn là sự song-hành của một chuỗi những buồn/vui, được/mất mà mỗi người sẽ tự hát lên, kể từ lúc bản thân mình bắt đầu nhận thức được về thế giới chung quanh, cho đến khi thấy mình nhẹ tênh như một chiếc lá lìa cành, tìm về đất mẹ.  Và bên cạnh ngàn vạn tiếng ca với những âm-sắc bộn-bề buồn/vui, được/mất khác nhau ấy, ai cũng có một khoảng bình-yên ru hồn nương náu, nơi mà “địa đàng còn in dấu chân, bước quên”. (X. Anthony Trần, Du Ký Đi Tây Duc in Altum số 86 Quý 2/2014, www.giadinhanphong.com)

Chính thế. Cả đời ta và đời người, cùng đời của đấng bậc vị vọng là “thày cả” ở thế-giới này cũng như đám dân đen bên dưới rồi ra cũng sẽ hát lên bài ca yêu-thương đồng-hành cạnh bên nhau. Sẽ không còn cảnh trên dưới/trước sau nữa. Bởi, ta và người trước/sau như một, sẽ cùng ca và cùng hát chỉ mỗi bài ca yêu-thương, là tất cả.
Và tất cả, đều sẽ sướng vui với giai-điệu đằm-thắm ấy như bậc thánh-hiền xưa nay từng khẳng-định và nhủ-khuyên.
Để minh-hoạ điều này, nay mời bạn và mời tôi, ta đi vào vùng trời truyện kể có ý/lời sau đây:
            “Truyện rằng:
            Trước cổng một nghĩa trang nọ, người ta thấy có một chiếc xe Roll Royce sang trọng dừng lại. Người tài xế tiến lại người giữ cổng và nói: xin anh giúp một tay cho người đàn bà này xuống xe vì bà ta yếu quá không đi được nữa. Vừa ra khỏi xe, người đàn bà tự giới thiệu và nói với người giữ cổng nghĩa trang:
- Từ hai năm qua, mỗi tuần, tôi là người đã gửi cho anh 5 đô-la để mua hoa và đặt trên mộ con trai tôi, nhưng nay các bác sĩ bảo rằng, tôi không còn sống được bao lâu nữa, nên tôi đến đây để chào từ biệt và cảm ơn anh đã mua hoa giùm tôi.
Thế nhưng, người đàn bà không ngờ rằng người giữ cổng nghĩa trang trả lời như sau:
- Thưa bà, tôi lấy làm tiếc rằng bà đã làm công việc ấy!
Người đàn bà cảm thấy như bị ai đó vả vào mặt. Nhưng bà vẫn còn đủ bình tĩnh hỏi lại người thanh niên:
- Tại sao lại lấy làm tiếc về cử chỉ đẹp như thế?
Người thanh niên giải thích:
- Thưa bà, tôi lấy làm tiếc vì những người chết như con trai bà, chẳng bao giờ còn thấy được một cánh hoa nào nữa!
Bị chạm tự ái, người đàn bà liền cao giọng:
- Anh có biết anh đã làm tổn thương tôi không?
Người thanh niên bình tĩnh trả lời:
- Thưa bà, tôi xin lỗi, tôi chỉ muốn nói với bà rằng có rất nhiều người đang cần đến những cánh hoa của bà hơn. Tôi là hội viên của một tổ chức chuyên đi thăm những người già lão, các bệnh nhân trong viện dưỡng lão, các bệnh viện. Chính họ mới là những người đang cần đến những cánh hoa của chúng ta, họ có thể nhìn thấy và ngửi được cánh hoa ấy.
Nghe thế, người đàn bà ngồi bất động trên chiếc xe sang trọng một lúc, rồi ra hiệu cho tài xế mở máy. Vài tháng sau người đàn bà trở lại nghĩa trang. Nhưng lần này không cần ai giúp đỡ, bà tự động bước xuống xe với một dáng vẻ vui tươi nhanh nhẹn hơn, và điều đáng ngạc nhiên hơn nữa, một nụ cười rạng rỡ, bà nói với người thanh niên giữ cổng:
- Chú đã có lý, tôi mang hoa đến cho những người già lão, bệnh tật. Quả thật, điều đó đã làm cho họ được hạnh phúc. Nhung người thực sự hạnh phúc chính là tôi. Cac bác sỹ không biết được bí quyết làm tôi khỏe mạnh lại. Nhưng tôi đã khám phá ra cái bí quyết ấy, tôi đã tìm ra lẽ sống.
           
Và người kể, nay thêm đôi lời bàn Mao Tôn Cương, đã nói rằng:

 “Giúp đỡ người khác là giúp đỡ chính mình”. Đó cũng là khuôn vàng thước ngọc của Thượng đế “cho thì có phúc hơn là nhận lãnh”. Bởi vì, trao ban cho người tức là trao ban cho mình. Một ngạn ngữ Anh cũng nói một cách tương tự: “điều tôi tiêu đi là tôi có, điều tôi giữ lại là tôi mất, điều tôi cho đi là tôi được”. Đó là lý luận của tình yêu. Tình yêu lớn lên theo mức độ của sự trao ban. Có biết yêu thương thì con người mới thực sự triển nở, và tìm gặp lại chính mình. Có biết yêu thương thì con người mới biết vui sống, và tìm được hạnh phúc đích thực trong cuộc sống.

            Kể thế rồi, nay mời bạn mời tôi, ta lại sẽ hiên ngang hướng về phía trước, cứ thế ngâm nga đôi lời ca được người nghệ-sĩ viết lên vào thời trước, những hát rằng:

“Trên con đường một mình anh về nơi chốn tha hương.
Cơn đau xa người còn thấm môi hôn nhớ về ai.
Phút chia tay em nói lời tiễn đưa,
Mắt anh buồn nhìn em, thôi đã mất.
            Đêm hôm nào mùa trăng thu chờ em đến bên tôi,
Vùi thân rã rời hình bóng em theo chăn gối này.
Thoang hương xưa thôi cũng đành.
Nói cho nhau lời cuối cùng,
Dấu chân em rời căn gác buồn tênh.
Và ngày em đi, anh đưa môi tìm lên môi son cũ.
Dấu vết ái ân tan theo như lời nói khi lìa nhau,
Bàn tay như cố kéo những ước mơ đã mãi xa rồi.
Nhìn tháng năm tàn phai, hình bóng thôi còn ai.
(Hoàng Trọng Thụy – bđd)

Hát thế rồi, nay mới thấy: cứ “nhìn tháng năm tàn phai, hình bóng thôi còn ai”, nay anh có đồng-hành ở bên trên hay phía trước hết mọi người, rồi ra cũng chẳng là gì hết. Bởi, nếu không cùng cất tiếng hát “Tình thương yêu mến mộ”, hoặc nếu không yêu thương, nhường nhịn và tương kính nhau, thì có giành giựt cho lắm từ danh vọng đến chức quyền đi nữa, tất cả cũng chỉ là phù-vân, chóng hết, rất tầm thường.

Trần Ngọc Mười Hai
Nhiều lúc cũng có tâm-tư trầm lắng   
            Rất như thế.
           




No comments: