Saturday, 12 September 2015

“Mặt trời, mặt trời đã lên!”




Chuyện Phiếm đọc trong tuần 25 thường niên Năm B 22/9/2015

“Mặt trời, mặt trời đã lên!”
Một ngày, một ngày đã qua rồi!
Từng vùng từng vùng lá xanh.
Rộn ràng, rộn ràng tiếng cười nói.
(Trịnh Công Sơn – Còn Thấy Mặt Người)
(Mt 22: 2-10)
            Chuyện phiếm hôm nay, nó thế này: Hôm ấy, một ngày mùa Đông ở Úc, tôi theo gia đình bé nhỏ lái xe đi về vùng sâu vùng xa, nơi tổ-chức buổi Nhạc Đồng Quê mỗi năm ở Tamworth, Sydney lại được nghe nhạc Trịnh Công Sơn có những lời ca sau đây:

“Mặt trời, mặt trời đã lên!
Một ngày một ngày đã qua rồi.
Từng vùng từng vùng nắng trong.
Một ngày một ngày biết ơn đời.

Từng ngày thấy mặt trời.
thấy mọi người lòng đã thấy vui.
từng đêm tối ngồi chờ đợi.
từng đêm tối ngồi chờ đợi.
chờ từng sớm mai thấy lại mặt người.”
(Trịnh Công Sơn – bđd)

Thú thật với quý vị đang đọc giòng chữ ở đây, rằng: vào mùa Đông u tối thế này mà lại được nghe câu hát như thế, thì có ủ-dột như người sắp chết cũng phải sống lại như ai đó, rất dũng cảm. Dũng cảm nhất, là khi ca-sĩ hát câu: “còn nhìn thấy con người” “tình cờ biết em”, “Iạ lùng biết trần gian”, vv...
Ôi chao là lời hát, rất đưa con người vào tâm-trạng của mùa Đông, trong đó có “từng đêm tối ngồi chờ đợi”. Chờ đợi mãi rồi cũng thấy người nghệ sĩ hát thêm câu này “cuộc đời này đà có em”, và “từng ngày từng nhớ ơn đời”.
Không chỉ mỗi thế. Nghệ sĩ họ Trịnh cho ca sĩ hát thế rồi, lại còn bồi thêm bằng những câu như sau:

“Mặt trời, mặt trời đã lên!
Còn nhìn còn nhìn thấy con người.
Một ngày tình cờ biết em.
Là ngày lạ lùng biết trần gian.

Mặt trời, mặt trời đã lên.
Còn nhìn còn nhìn thấy con người.
Cuộc đời này đã có em.
Từng ngày từng ngày nhớ ơn đời.”
(Trịnh Công Sơn – bđd)

À thì ra là như thế. Hễ có “Một ngày tình cờ biết em”, là thấy ngay sau đó: “Là ngày lạ lùng biết trần gian”, rồi lại “còn nhìn thấy con người”, nên mới bảo: “Cuộc đời này đà có em”, Từng ngày từng ngày nhớ ơn đời.”…
Hôm đi về miền quê xa vắng ấy, bần đạo lại tự hỏi: “Một ngày tình cờ biết em” và biết anh như thế rồi, sao còn bảo: “cuộc đời này đã có em”, “từng ngày từng ngày nhớ ơn đời”, chứ không thấy nói: nhớ ơn trời, và ơn người đâu?
Tự hỏi, là hỏi thế chứ đến bao giờ mới nhận được câu trả lời của người viết nhạc mới hôm nào vừa viết đây, nay khuất bóng. Thôi thì, nay bần đạo đi một vòng phiếm loạn chuyện đạo chuyện đời, để coi xem trong Đạo/ngoài đời có ai trả được một lời tương tự chăng.
Nhưng, trước khi đi vào vùng trời những luận và “phiếm” như thế, nay mời bạn và mời tôi, ta cứ nghe thử truyện kể nhè nhẹ mà thư-giãn để rồi có sức mà lý sự, luận bàn. Truyện để kể, là kể như sau:

“Hôm ấy, có người mẹ nọ bảo với anh con trai trưởng của cụ, rằng:
-Này con, nay con đã gần 40 tuổi đầu rồi đấy. Lấy vợ đi, kẻo sau này ăn cơm xong, có muốn xỉa răng cũng không có người lấy tăm cho xỉa đâu!
40 năm sau, chàng trai ngày ấy nay trở-thành ông già 80 tuổi nằm ôm đầu, hai tai nhét chặt đầy những bông gòn, rồi than thở:
-Ôi! Chỉ vì một cái tăm mà thân ta ra khốn khổ đến thế này đây!”

Chả biết cụ ông 80 nay khốn khổ đến thế nào? Có phải vì cụ cũng thấy “đời còn có em”, hoặc ngày ngày lại cứ thấy “Mặt trời, mặt trời đã lên” không? Mặt trời có lên hay không ở đâu đó, chứ đừng lên trong nhà trong cửa sẽ hâm nóng mọi người đến độ các vị ấy cứ phải “ôm đầu” hoặc “nhét bông gòn đầy tai” vì sao đó, mới được.
Có “Ôm đầu” hoặc “nhét bông gòn vào tai”, nhiều khi chỉ vì ngày ngày cứ nghe miết người em nhỏ hoặc bạn đời/bạn tình già kể mãi chuyện đời nghe hoài đến phát chán.  
“Nhét bông gòn vào tai” hay cứ lặng lẽ “ôm đầu” không buồn nghe chuyện gì nữa, có thể vẫn là động-thái của nhiều người, cách riêng là những vị chỉ thích nói chứ không thích nghe hoặc làm. Hoặc, cũng có thể là vì các vị này cứ phải nghe mãi câu chuyện đời, đến chán phèo rồi nhức đầu?
Nói tóm lại, có “nhét bông gòn vào tai” hay “ôm đầu”/bứt tóc đôi khi chỉ là thói quen khó bỏ khi bị ai đó chê trách, mắng mỏ những điều mình làm vì thói quen, hay vì giận đời không tên, chẳng còn nhớ. Chỉ nhớ mỗi chuyện đời, nơi câu hát nghe quen, vẫn ca rằng:

“Mặt trời, mặt trời đã lên!”
Một ngày, một ngày đã qua rồi!
Từng vùng từng vùng lá xanh.
Rộn ràng, rộn ràng tiếng cười nói.”
(Trịnh Công Sơn – bđd)

Thôi thì, nay mời bạn và mời tôi, ta đi thẳng vào chủ đề bàn luận về đời người có những tháng ngày mình chưa trỗi dậy, đã thấy “Mặt trời, mặt trời đã lên”, đến hết hồn.
Về đời người, ngày nào mà chả thấy “Mặt trời, mặt trời đã lên”, chốn ngút ngàn. Cuộc đời người, với nhà Đạo, lại vẫn có ý-nghĩa rất hay-ho ở “chốn Nước Trời” có vua cha cứ mở tiệc linh-đình rồi còn mời mọi người tham gia đi vào “Tiệc Bàn rộng mở” bằng cử-chỉ rất rộn ràng niềm vui, như thể bảo:

“Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình.
Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước,
xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến.
Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi,
và dặn họ:
"Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng:
Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn.
Mời quý vị đến dự tiệc cưới!"
Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi:
kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn,
còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết.
Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ,
sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng.
Rồi nhà vua bảo đầy tớ:
"Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi,
mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng.
Vậy các ngươi đi ra các ngã đường,
gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới."
Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại,
nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.”
(Mt 22: 2-10)

Với nhà Đạo, có vị khi hát câu “Mặt trời, mặt trời đã lên”, lại đã hiểu: đó là câu “Nước Trời gần kề”! mà bậc thánh-hiền khi xưa từng loan báo.  Có vị khác, lại nhân cơ-hội hiểu và bảo rằng: Vương Quốc Nước Trời, không chỉ đang gần kề, mà đã có ngay ở đây, lúc này.
Với nhân-sĩ nhà Đạo thuộc tầm-cỡ thày dạy, lại đã hiểu và cắt nghĩa “Vương-Quốc-Nước-Trời” là “Tiệc Bàn Rộng Mở”, ở trong đó mọi người vẫn nhận phần quà ngang-bằng/đồng-đều, từ Đức Chúa và không qua một trung-gian nào. Đấng bậc ấy, từng diễn-gải quan-niệm rất nên hiểu bằng lời lẽ, sẽ như sau:

“Thế-giới này, Ngài đã cống-hiến và sống-thực đời Ngài bằng một thị-kiến thay cho mọi sự. Và, Ngài mời gọi mọi người hãy sẻ-san sự sống của mình với cộng-đoàn có chữa-lành miễn phí và cùng ăn cùng uống với nhau, sẻ san cho nhau hết mọi sự, trong cộng-đoàn thân-thương gồm những người chủ-trương sống công-bằng với nhau và với Chúa.

Với đàn bà, con trẻ hoặc nam-giới cùng những người bị phong/cùi hoặc tật nguyền, những kẻ nghèo-đói/túng-bấn, Ngài mời họ đến với Ngài ăn chung uống chung, để được chữa-lành và nhận-lãnh kinh-nghiệm sống từ người khác.

Cộng-đoàn mới Ngài tạo-dựng là Vương-Quốc-Nước-Trời, tức: thế-giới sinh-động trong đó mọi người sống ngang bằng/đồng đều như nhau trong mọi tình-cảnh, cả vào lúc Thiên-Chúa (chứ không phải hoàng-đế La Mã) đã và đang trực-tiếp quản-cai thế-trần này. Điều đó có nghĩa: mọi sự đều thuận theo ý Chúa ở thế-trần này cũng như thiên-quốc.

“Thiên-quốc” Ngài thiết-lập, mang khuôn-thước đúng-đắn, đích-thực. Còn, thế-trần này mới thật nhiều chuyện. Chính vì lý-do đó, Đức Giêsu không chỉ nói đến Vương-Quốc-Nước-Trời mà thôi, nhưng Ngài còn sống-thực sự-thật ấy nữa. Ngài vun/xới thị-kiến Vương-Quốc-Nước-Trời ngay bên trong xã-hội Ngài sống. Điều này, đã khiến Ngài trở-thành nhà Cách-mạng lừng-danh, lỗi-lạc. Cách-mạng Ngài hiện thực, không có chiến-tranh, dành quyền nhưng là xã-hội rất ổn-định.

Ngài chết vì thị-kiến Vương-Quốc-Nước-Trời vĩ-đại. Ngài thách-thức lề-lối sắp-xếp mọi sự trên/dưới nơi thế-giới Ngài từng sống cùng và sống với. Việc này, khiến Ngài rơi vào trạng-huống có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Và, việc Ngài tuyên-bố dẹp/sập Đền thờ đang vững như trụ đồng, tạo hậu-quả ngay tức thì, đã khiến giới cầm-quyền La Mã và Do thái đã phải tìm đủ mọi cách chống-báng Ngài. Ngay như chúng ta đây, cũng thấy khó mà tưởng-tượng ra tình-huống ‘nới rộng vòng tay’ mà Ngài từng tỏ-bày với đám dân quê hèn-hạ, khiến Ngài bị bách-hại ngay tại Giêrusalem vào thời Caipha và Philatô, đến như thế.

Thế nhưng, ta không thể ngờ được, là: những gì từng khiến giới cầm-quyền ra lúng-túng, lại do đám dân quê nghèo/hèn người Do-thái tác tạo. Những ai, cảm-nhận quyền-uy của Thiên-Chúa qua chung sống với Ngài, vẫn tiếp-tục trải-nghiệm sự thể như thế, cả sau khi Ngài quá vãng. Nay, uy-lực của Ngài không còn bị hạn-chế bởi thời-gian và không-gian nữa; nhưng đã nên hiệu-lực cho người gặp gỡ Thiên-Chúa qua Đức Giêsu.

Đó, là lý-do khiến sử-gia trung-lập Do-thái là Flavius Josephus đã khéo-léo ghi lại sự-kiện xảy ra hồi cuối thế-kỷ thứ nhất, khi ông nói: “Những người yêu thương Ngài ngay từ đầu, sẽ còn tiếp tục thương-yêu Ngài như thế mãi. Đến hôm nay, nhóm Kitô-hữu, tức những người mang Danh Ngài vẫn không hề biến-dạng, bao giờ hết.”

Đó, là ảnh-hình tôi có về Đức Giêsu Lịch sử. Bằng động-thái cống-hiến chữa-lành miễn-phí và sự việc cùng ăn chung uống chung với Ngài tại “Tiệc-Bàn-Mở-Rộng”, Ngài loan-báo, kiến-tạo cộng-đoàn quyết nói tiếng không với hệ-cấp xã-hội theo hệ-cấp chủ/nô ở nơi Ngài sinh sống.

Sợ rằng, Ngài bị mọi người coi như Đấng trung-gian chốn bán-buôn/thương-mại đặt ra cho một Đức Chúa rất mới lạ, Ngài lại đã liên-tục tiến về phía trước, rất không ngừng. Ngài không bao giờ là trung-gian/môi giới theo nghĩa nào hết.

Nói cho đúng, Ngài là Đấng loan-báo cho mọi người biết: không trung-gian/môi-giới nào khả dĩ hiện-hữu nơi con người và với con người, hoặc giữa con người với Chúa, được hết. Nói khác đi, Ngài loan-báo Vương-Quốc-Nước-Trời không có trung-gian/môi-giới theo kiểu bán-buôn ở phố chợ hoặc bất cứ nơi nào khác.” Xem Gs Jogn Dominic Crossan, Who is Jesus, Westminster John Knox Press 1996, tr. 135-136)

Xem như thế, ta cũng nên hiểu cuộc đời này đều vẫn thấy Mặt trời, mặt trời đã lên” hoặc bừng sáng với con người. Bừng và sáng, cả vào khi mỗi người và mọi người thấy chán nản, vô vọng hoặc tuyệt-vọng thế nào đi nữa, vẫn không buồn.
Quyết thế rồi, này mời bạn và mời tôi, ta nghe thêm lời trần tình của ai đó được “búng” lên điện-thư/trang mạng rất nhiều lần, có lời kể như sau:

Ai trong chúng ta cũng mong muốn sống một cuộc đời thành công và hạnh phúc,
nhưng điều đó không phải tự nhiên mà có được.
Nếu bạn muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn, hãy ghi nhớ 20 điều dưới đây:

 1. Bạn sinh ra không phải để làm hài lòng tất cả mọi người.
Vậy nên đừng quá bận tâm tới những gì người khác nói về bạn, hãy cứ là chính mình.
2. Nếu bạn muốn đạt được những thứ bạn chưa từng có,
bạn phải làm những điều bạn chưa từng làm.
3. Nếu bạn tin rằng những đường chỉ tay nói lên số phận của bạn
thì bạn cũng đừng quên rằng, chúng cũng chỉ nằm trong lòng bàn tay bạn mà thôi.
4. Cuộc sống luôn cho bạn cơ hội thứ hai. Nó được gọi là ngày mai.
5. Toàn bộ đại dương cũng không thể làm đắm được một con tàu
trừ khi nước ngập vào trong. Tương tự, toàn bộ những gì tiêu cực trên đời
cũng không thể nào hạ gục được bạn trừ khi bạn cho phép nó thấm vào người mình.
6. Hãy học cách trân trọng những gì bạn đang có trước khi thời gian
dạy cho bạn biết trân trọng những gì bạn đã từng có.
7. Chính trải nghiệm chứ không phải thứ gì khác, là thứ làm nên con người bạn.
8. Hãy ở bên người làm cho bạn cười, ngay cả khi bạn mệt mỏi, không vui.
9. Đừng vội vàng từ bỏ người mà bạn yêu thương,
bởi tình yêu đâu phải ai cũng may mắn tìm được nhau.
10. "Hãy đếm số tuổi của bạn bằng số bạn bè, chứ không phải số năm.    Hãy đếm cuộc đời của bạn bằng nụ cười chứ không phải những giọt nước mắt." - John Lennon
11. Không có ai hoàn hảo cả. Đó là lý do tại sao bút chì có cục gôm.
12. Thứ đắt giá nhất trên đời này là lòng tin. Để có được có khi cần rất nhiều thời gian, nhưng để đánh mất thì chỉ cần vài giây ngắn ngủi. 
13. Một cái đầu đầy nỗi sợ hãi sẽ không còn chỗ trống cho những ước mơ.
14. Tiền xu luôn gây ra tiếng động, nhưng tiền giấy lại luôn im lặng.
Bởi vậy, khi giá trị của bạn tăng lên, hãy giữ cho mình khiêm tốn và ít nói đi.
15. Đôi khi bạn phải tự mình đứng dậy và bước tiếp, bởi không ai làm điều đó thay bạn đâu.
16. "Tôi không biết chìa khóa của thành công là gì, nhưng tôi biết chìa khóa của thất bại
là cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người." - Bill Cosby
17. "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng." - Trịnh Công Sơn [Để gió cuốn đi]
18. Mỗi ngày hãy sống như thể đó là ngày cuối cùng của bạn.
19. Khóc cũng sống, cười cũng sống. Tại sao ta không chọn nụ cười để sống?
20. Thứ quý giá nhất đối với mỗi người không phải là tiền bạc hay địa vị,...
mà chính là sức khỏe. Bởi vậy, hãy quan tâm tới sức khỏe trước khi quá muộn bạn nhé!”

Nghe thế rồi, nay lại mời bạn mời tôi thêm lần nữa, ta nghe nhạc sĩ họ Trịnh qua một bài hát khác, lại cũng muốn mọi người trong đời suy-tư về cuộc đời có niềm an vui, phấn chấn với lời ca sau đây:

Xin cho mây che đủ phận người”
Xin cho tôi một sáng trời vui
Xin cho tôi đến tận nụ cười
Cho tôi quên một nấm mộ tươi
Xin cho tôi xin vạn lần rồi
Một góc này chỉ biết rong chơi.

Xin cho tôi yên phận này thôi
Xin cho tôi yên ngủ một ngày
Xin cho đêm không có đạn bay
Xin cho chim góp nhạc về trời
Xin cho tôi là kiếp của mây
Xin cho tôi ra khỏi cuộc đời
Để bao giờ trời đất yên vui
Xin cho tôi xin lại cuộc đời
      (Trịnh Công Sơn – Xin Cho Tôi)

            Dù có xin nhưng chưa được, ta cứ hát mãi những câu tựa như thế sẽ thấy đời vui như sau:
 
“Cho tôi đi xây lại chuyện tình
Cho tôi đi nâng dậy hòa bình
Cho tôi đi qua tận gập ghềnh
Nhìn giòng máu trong tim anh
Cho tôi xin tay mẹ nồng nàn
Cho tôi nghe chân trẻ rộn ràng
Cho quê hương giấc ngủ thật hiền
Rồi từ đó tôi yêu em.

Xin cho tôi nguyên vẹn hình hài
Cho tôi nghe lời hát cỏ cây
Xin cho tôi quên phận tù đày
Xin cho tôi là thoáng rượu cay
Xin cho tôi xin cả cuộc đời
Một hôm nào trẻ hát trong nôi
Xin cho tôi xin chỉ một ngày.”
(Trịnh Công Sơn – bđd)

Tắt một lời, cuộc đời người và đời chính ra gồm toàn những ngày vui, hết biết. Chưa thấy vui, hoặc chẳng thấy gì là “Mặt trời, mặt trời đã lên”, có thể vì mắt tôi và mắt bạn bị quáng gà hay “cườm” nặng nên mới thế. Dù có thế, vẫn cứ vui vì biết rằng đời mình và đời người vẫn luôn là chuỗi ngày vui, ở Vương Quốc Nước Trời có “Tiệc Bàn rộng mở” ở ngay đây, cho mọi người.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn cứ cầu và cứ xin
Cho mình và cho người
Thấy được Mặt Trời đã lên
Với chính mình.     

 

No comments: