Saturday, 1 August 2015

“Trên đồi xanh chiều đã xuống dần,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần 19 thường niên Năm B 09/8/2015

“Trên đồi xanh chiều đã xuống dần,”
Mặt trời lấp ló sau đồi chiều vang.
Riêng mình ta ngồi ngắm quanh trời,
lạnh lùng nghe tiếng chim chiều gọi đàn…
(Nguyễn Văn Khánh – Chiều Vàng)

            Hát bài “Chiều vàng”, phải chăng người nghệ sĩ khi xưa muốn diễn-tả tình-cảnh có câu chuyện lình-xình với mối tình da diết của mùa thu? Không. Không phải thế đâu! Theo lời người dẫn nhập bản hát là đàn-sĩ Lê Văn Thụ Nhân trong chương trình “Hát Cho Nhau Nghe” ở Sydney hôm ấy, 05/7/2015 có bảo rằng:

“Tác-giả bài “Chiều Vàng” cũng là tác-giả bài “Nỗi Lòng” diễn-tả cuộc tình đầy đau thương của mình qua bài hát. Tình-tự được diễn-tả là: mới chỉ xa cách nhau có 3 tuần, nhưng khi đến thăm lần đó ông được biết là người tình của ông nay đã chết. Trong tâm trạng buồn bã ấy, tác-giả đã viết lên nỗi buồn mênh mang, nhè nhẹ này bằng giòng chảy rất “Chiều Vàng.” (Trích lời phát biểu của người trẻ tên Thụ Nhân cùng với người điều-khiển chương trình là Uông Thế Công)

            Chẳng biết người dẫn chương-trình hôm ấy nói có theo sách mách có dẫn-chứng hay không, nhưng nay vẫn cứ mời bạn và mời tôi ta nghe thêm đôi lời kể về buổi “chiều vàng” vẫn “buồn xa vắng buồn” như sau đây:

            “Buồn xa vắng buồn lòng thầm nhớ tới người.
Chiều xưa cũng trên đồi cùng ta.
Người đã ước nguyền rằng đời riêng có ta,
Lời đó còn đâu?
Đường về lòng người tha phưuơng nhớ.
Chiều dần dần mờ cô thôn vắng.
Người yêu dấu ngàn đời thấu chăng?
Ta nén đau thương gắng bước hoài,
Thuyền chèo tới đâu chưa ngừng bến.
Lời thề nguyền ngờ đâu xa vắng.
Tình tràn đầy sầu chung non nước,
Hồn em có cùng người chứng minh.
Anh bước ra đi luyến tiếc hoài,
Đời còn có em nay mà thôi.
(Nguyễn Văn Khánh – bđd)

“Chiều vàng”, ở đời nào cũng có thể là như thế! Còn, chiều rất “vàng” ở nhà Đạo thì sao?
Với nhà Đạo, làm gì có “Chiều vàng”, hoặc “sáng trắng”, đâu cơ chứ! Sáng hay chiều, với người nhà Đạo, vẫn là chuỗi ngày dài trước sau như một, đầy yên vui, tâm tịnh cũng rất “thiền”.
Nói cách khác, sáng hoặc chiều nơi nhà Đạo, lại là những ngày tháng dân con Đạo mình vẫn tịnh tâm suy tư về nhiều thứ. Chí ít, là những thứ và những sự được nhiều người áp-dụng cho đời mình, như truyện kể nhẹ ở bên dưới để dẫn nhập, như sau:     

“Tới chơi nhà người bạn già, chỉ thấy bà vợ ngồi trước hiên. Tôi bèn hỏi: "Ổng đâu bà chị?"
- Ngồi thiền rồi
Tôi ngạc nhiên: "Ây da, ổng tu hồi nào vậy bà chị?"
- Thì cách đây nửa năm một số người bạn quen biết rủ ổng đi chùa, rồi đi tham gia vào các đạo tràng, rồi tu học chèo thuyền thúng gì đó. Ổng về nói với tôi là ổng và tôi hết duyên, con cái chỉ là đống nợ, ổng muốn giải thoát, muốn được siêu thoát để đến cảnh giới niết bàn ghế gì đó...Tui chán, mặc ổng muốn làm gì thì làm. Cơm no bò cưỡi không muốn, muốn ăn chay, tiệt dục, ngơ ngơ ngẩn ngẩn chuyện tâm phào, đồ điên.
Tôi hỏi: "Thế thấy ổng có vui sướng không?"
Bả nhún vai ái ngại:
- Ái chà, sướng nỗi gì? Mở miệng ra nào thì đời là bể khổ hoặc ta chỉ là xác mượn. Hết biết!
"Khi nào ổng ngồi xong?" Tôi hỏi.
- Không biết, nhưng có lẽ xong rồi, để tui vào xem. Ông ngồi uống nước đợi chút nhé!
Chưa đầy 1 phút, một thân hình còm cõi vụt ra, hô to: "Ôi quý hóa quá, thiện nhân tới thăm"
Tôi mỉm cười: "Ai da, thiền nhân có khác. Tu tập tinh tấn có khác. Thế bác đang tu thiền, bác hiểu và cắt nghĩa cho tôi chữ thiền là gì được không?"
Bác Ba ngập ngừng: "Mới tập, chưa rõ lắm, chỉ biết là pháp môn của nhà Phật, con đường đi của đạo"
"Phương pháp như thế nào?" Tôi hỏi tiếp.
+ À, thì ngồi kiết già, nhắm mắt lại, không nghĩ ngợi. Tập trung nhất niệm: "Nam mô a di đà phật". Khoảng 1 tiếng là được. Mà phải giữ thân sạch như ăn chay, diệt dục thì tâm mới thanh tịnh được nhé!"
* Vậy à, thế ông đã thanh tịnh chưa? Tôi nghe nói ngồi thiền sẽ bỏ và buông được cái tôi đúng không?
+ Ừ, mình thấy thanh thản lắm.
* À, nãy tôi tới thấy vợ ông nói là ông không cần bả nữa, bả đang làm đơn xin li dị thì phải? Ai dà, tôi lấy làm tiếc cho ông!
+ Hắn sững cồ: "Cái gì? Nó dám bỏ tao sao? Tao phải vào cho nó biết tay mới được!"
* Nhưng ông có nói là không cần vợ con mà, ông muốn đi tu và xa lánh đời
+ Đúng, nhưng... Nó không được bỏ tao!
   Tôi thấy tình hình bất ổn nên vội xin phép ra về. Sau đó nghe đâu hai vợ chồng cãi nhau, bà vợ bỏ về nhà mẹ ruột ở.
   Một hôm, tôi nhận được điện thoại của bác Ba: "Alô! Rảnh ghé uống trà chơi nghen!" "Ok, chiều mai 5h tôi ghé" Tôi hẹn lại.
Qua hôm sau theo đúng hẹn tôi tới nhà bác Ba. "Sao rồi, khỏe chứ bác Ba?"
Hắn ra đón tiếp với trạng thái mỏi mệt:
+ Ừ, đang bệnh cảm lạnh, mấy hôm bị sốt cao, mệt quá!
* Mấy hôm không thiền nữa à? Tôi hỏi.
+ Thân xác rệu rã, không khỏe nên tâm vọng vớ vọng vẩn. Mình không sao tập trung được. Chán lắm. À, tôi nhờ Dũng đánh lời cho vợ tôi bảo bả về nhà đi, tôi ở một mình chịu hết nổi rồi!
* Ủa, một mình thì càng thanh tịnh chứ sao?
+ Biết vậy, nhưng không tập trung được bạn ạ! Với lại mì tôm hoài ớn quá!
* Hahaha, muốn thoát tục thì phải trả giá chứ? Tôi chọc.
+ Ừ, tôi biết rồi. Cái giá đó đắt quá. Thôi cứ từ từ mà thoát tục cũng được. Dũng giúp giùm tôi nhé.
* Ok, nhưng chỉ một lần này thôi nhé. Thật ra nói cho bác biết, bác hành thiền chưa đúng pháp đâu?
+ ??? Vậy sao cho đúng?
* Thiền là một trạng thái đưa tâm hồn vào miền không buồn, không vui, không có sắc màu, không tranh chấp, không luận bình suy diễn, bình yên an lạc và ung dung tự tại. Thiền có trong việc đi - đứng - nằm - ngồi. Thiền có trong công ăn việc làm. Thiền là hơi thở của cuộc sống. Ông chỉ cần làm theo nguyên tắc sau là được:
- Luôn hài lòng và vui vẻ với tất cả sự việc hiện tại. Kể cả sinh lão bệnh tử, hãy xem đó là quy luật bất biến và tất có. Mở lòng đón nhận nó.
- Sống thật với chính mình
- Làm những chuyện có lợi cho mình, cho người, giúp đỡ khi người gặp khó khăn trong điều kiện của mình một cách tốt nhất
- Nói và làm phải song hành
- Làm cho tất cả những người xung quanh và quen biết mình được an vui và hạnh phúc.
- Nói tóm lại, "Thiền" cũng tương tự như ông đi xe máy. Khi ông đi xe máy ông phải biết mình đang lái xe và tập trung nhìn vào phần đường mình đang đi. Không được vừa lái xe vừa nghĩ về chuyện khác. Nếu nghĩ về chuyện khác, ông mất tập trung tất sẽ bị tai nạn ngay.
   Vì vậy, ngoài việc tập trung để lái xe, ông còn phải khéo léo điều khiển xe sao cho không va đụng vào người khác và ông phải thực hiện và tuân thủ đúng một số quy định của luật an toàn giao thông. Điểm xuất phát thì ai cũng đều có, điểm đến thì tùy nơi ta muốn đến. Lộ trình di chuyển gọi là con đường (hay tạm gọi là Đạo). Cái xe ta điều khiển có thể gán cho thân xác. Tâm hồn hoặc sự suy nghĩ có thể gán cho ý thức. Luật giao thông có thể gán cho kinh sách. Ông sẽ thấy trên đường đi có rất nhiều người, bằng các phương tiện khác nhau họ đi với lộ trình khác ông. Vậy, lộ trình ông đi có đến được đích hay không là do ông quyết định. Mọi cái không có điểm dừng. Khi ta kết thúc một lộ trình, điểm dừng lộ trình này chính là điểm khởi đầu cho một lộ trình mới. Cứ vậy chẳng dừng. Khi ta chết, có thể một thế giới mới đang chờ ta.
+ Ôi, sao tôi thấy ông nói đơn giản mà dễ hiểu nhỉ. Không biết đúng hay sai, nhưng tôi cảm nhận được cái xe máy của tôi nó có lộ trình rồi. Thôi, để tôi qua tự đón vợ về. Ít nhất, tôi phải "tự" qua được "bên ấy" và "tự" giải quyết hậu quả do mình gây nên. Ây da, thì ra lâu nay nghĩ cao siêu quá, té ra đi xe máy cũng là "Thiền" rồi.
* Ừ, cứ vận dụng nhé! Khi đón bả về, có thể hiểu thêm "xe máy" cũng có thể là "bà xã" nhé! Vấn đề là lộ trình đi đến hạnh phúc phải tự mình quyết định. Kakakaka.”
(Truyện nhẹ do Hoàng Dũng Nha Trang kể)

Thật ra thì, có thuật truyện nặng/nhẹ về “thiền” hoặc về gì đi nữa, cũng chỉ để dẫn-nhập cho bạn và tôi, ta bước nhẹ vào hành-trình tư-duy có nhiều điều cần suy-nghĩ. Suy và nghĩ về những sự việc hoặc lập-trường/tư-tưởng của đấng bậc nhà Đạo đang diễn-biến trong/ngoài “Nhà Thờ”, cũng là điều rất đáng làm.
Nghĩ thế rồi, nay mời bạn và tôi, ta đi thẳng vào câu chuyện thường ngày, ngay bây giờ. Truyện ở đây, không chỉ là truyện kể cho có lệ hoặc “kể cho qua ngày đoạn tháng”, có thế thôi. Nhưng, là chuyện thời-sự trong Đạo rất nên bàn, những bảo rằng:

“Buổi lễ đầu-tiên tổ chức ngoài trời, hôm ấy, ở Nam Mỹ, Đức Phanxicô đã thúc-giục các giáo-dân tham-dự hãy nguyện cầu cho “phép lạ” xảy đến với Thượng Hội Đông Giám Mục Rôma tháng 10 năm 2015 này. Ngài nói: Hãy cầu nguyện để Hội thánh ta tìm ra giải-pháp hữu-hiệu cho các vấn-đề khó-khăn đang xảy đến với các gia-đình của thời mình…” (X. Mục tin tức trên tờ The Catholic Weekly ngày 12/7/2015 tr.12, Pray for miracle at synod, pope asks massive crowd)

            Nếu bạn và tôi, ta hiểu ý/từ “phép lạ” vào thời-đại hiện-tại theo nghĩa hiếm-hoi, ít-ỏi hoặc khó lòng thấy được, thì chả chắc gì ta có được giải-pháp thoả-đáng nào cho các gia-đình đang bị các “cụ Đạo” hoặc đấng bậc cổ hủ vẫn định-nghĩa, định-hình hay định vị gì đi nữa.
            Nói thì nói thế, chứ đấng bậc chủ quản giới truyền-thông thuộc Tông toà rất thánh lại nghĩ khác. Khác thế nào ư? Thế thì, mời bạn và mời tôi, ta nghe thêm lời lẽ xác-minh sau đây:

“Lm Federico Lombardi, giám-đốc phụ-trách truyền-thông báo chí Hội thánh Công giáo La Mã, lại đã diễn-giải cho các phóng-viên có mặt ở lễ thánh hôm ấy, ý-nghĩa cũng khác nên mới bảo: “Lời của Đức-Giáo Hoàng phải được hiểu như một tư-duy rất thông-thường về công-việc mà Thượng Hội-Đồng Giám-mục bàn bạc hầu giải-quyết, chứ không phải để qui-chiếu một đề-tài nào mà các Giám-mục có thể bàn đến.” (Xem bài đã dẫn ở trên)  

Tuy nhiên, hỏi rằng 500.000 người có mặt hôm ấy có thông-hiểu lời của Đức-Thánh-Là-Cha Phanxicô rất hiền-hoà như thế hay không, đó mới là vấn-đề. Hoặc, vấn-đề có thể là: vẫn còn nhiều ý-kiến rất khác biệt trong/ngoài Thượng Hội-đồng Giám mục, và cả ngoài lẫn trong Hội thánh, đó mới là điều cần-thiết.
Về ý-kiến của các đấng bậc lành thánh trong thánh-hội mỗi khi nhìn vào lập-trường bày-tỏ cho mọi người thấy vấn đề đang bàn lại khác nhau, rất nhiều. Trước nhất, phải kể đến đấng bậc rất “trong luồng” ở Sydney vốn dĩ là đấng-bậc từng giải-đáp nhiều thắc-mắc rất Giáo-luật lẫn giáo-điều, như sau:

“Về những điều được quyết-định, tôi nghĩ phần lớn cuộc sống của nhiều người trong chúng ta cũng sẽ tiếp-tục như những ngày xảy ra khi trước. Người nam cũng vẫn lấy vợ nhiều như họ vẫn từng làm khi trước. Chỉ một phần nhỏ số người cùng phái-tính mới làm chuyện lạ là lấy nhau thành vợ chồng cùng giống. Nhưng từ đó, sẽ có những hậu-quả nào đó, ta cần thận-trọng.

Khác biệt đầu-tiên xảy đến, chắc chắn là ý-niệm về hôn-nhân sẽ có thay-đổi. Cho đến nay, việc này chỉ xảy đến giữa đàn ông và đàn bà mà thôi. Nay, lại sẽ thấy sự việc ấy xảy đến với các cặp đồng phái-tính, nên có thể cũng sẽ có những liên-lụy này khác rày xảy đến…

Mặt khác, lại sẽ có những hậu-quả khó lường cho những ai từng chống-đối hôn-nhân cho người cùng phái tính. Ở Canada, là nước trong đó tôn-giáo dựa trên các dịch-vụ xã-hội, như tư-vấn và dịch-vụ nuôi con nuôi, nay đòi phải thích-hợp với luật lệ về hôn-nhân đồng phái-tính và tình-trạng miễn-trừ thuế xưa nay Giáo-hội được thừa-hưởng nay trở-thành vấn-đề cần xét-duyệt.

Ở trường/lớp, các giáo-chức cũng như cá-nhân buộc phải hỗ-trợ hôn-nhân đồng phái-tính và quần-chúng buộc phải ngưng việc chống đối sự việc này, cách công-khai. Do có sự than-phiền gửi đến Toà Hoà-giải Nhân-quyền British Columbia, chính-quyền ở đây loan-báo rằng giáo-án ở trườg/lớp đây đó từ Mẫu-giáo đến lớp 12 phải được coi lại để thêm vào đó các dẫn-giải tích-cực về hôn-nhân đồng phái-tính nữa…

Nói tóm lại, việc ban-hành đạo-luật hôn-nhân đồng phái-tính không chỉ liên-quan mỗi sự “đồng đều trong hôn-nhân” đối với nhiều người, thôi. Nhưng còn về cả một thế giới mới rất quả-cảm, nhìn về mặt tổng-thể.” (X. Lm John Flader, What difference will same-sex marriage have on our lives, The Catholic Weekly 12/7/2015, tr. 22)

Trong khi đó, có đấng bậc khác từng là chủ-quản Tổng Giáo-phận Sydney, lại có ý-nghĩ hơi khang khác, kèm theo lời dặn dò không giống nhiều vị vẫn theo “lề phải” ở Giáo Hội rất Rô ma, rằng:

“Tôi thật rất tiếc, hỏi rằng: Giả như Thượng Hội Đồng Giám mục Rôma đợt hai diễn ra vào tháng 10 năm 2015 quyết kiếm tìm lời đáp nào khác cho xứng-hợp, chắc các nghị-phụ mình phải nghiêm-túc nhìn vào giáo-huấn Hội-thánh liên-quan đến việc coi xem Hội thánh có cho phép mở “rộng cửa” cho các giải-pháp mục-vụ hay không. Đó là việc tôi đang kiếm tìm ở đây, trong tập sách này, không phải để áp-đặt một hiểu/biết, mà để cho thấy là: ta còn nhiều đề-tài để bàn-luận, chứ không chỉ mỗi hai điều duy-nhất là Gia-đình và chuyện Đồng-tính Luyến Ái chứa trong giáo huấn đầy tính khắc-nghiệt của Hội thánh, bấy lâu nay.” (X. Gm Geoffrey Robinson, The 2015 Synod, The Crucial Questions: Divorce and Homosexuality, ATF Press 2015, tr. 2)     
   
Thôi thì, trước khi đi tìm hiểu ý-kiến của nhiều vị khác, tưởng cũng nên quay lại với nhạc-bản ở trên để bạn và tôi, ta có đôi ba giây phút nhè nhẹ, lâng lâng mà ngẫm nghĩ, như sau:

“Sương chiều buông rơi mờ mờ rừng chiều dần dần tối.
Núi mây bốn phương giang hồ ngơi đi.
Thuyền lênh đênh trên sông Đà sóng, lướt lướt trên sông.
Nhìn chiều vàng đồi thông thưa vắng.
Lòng bùi ngùi buồn trông theo bóng.
Giờ đây viếng thầm hồn cố nhân.
Năm tháng trôi qua sóng gió đời.
Chiều chiều nhớ em khôn lòng nguôi.”
(Nguyễn Văn Khánh – bđd)

Diễn-tả chuyện ở trên theo lời vàng từ các bậc thánh-hiền thường dặn-dò, sẽ phải diễn-tả như sau:

Thật vậy,
chính Người là bình an của chúng ta:
Người đã liên kết đôi bên,
dân Do-thái và dân ngoại, thành một;
Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách
là sự thù ghét;
Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật.
Như vậy, khi thiết lập hoà bình,
Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất
nơi chính bản thân Người.”
(Êphêsô 2: 14-15)

Và để diễn rộng tư-tưởng này, đấng bậc lành thánh khác, lại đã qui về lời lẽ rất như sau:

“Thánh Phaolô nói: Đức Giêsu nối kết người Do Thái với dân ngoại, là để tất cả chúng ta cùng nhau tạo thành gia đình thân thương. Đầm ấm. Thánh nhân quyết bẻ gẫy mọi rào cản gây phân rẽ các thành phần dân Chúa, trong cộng đoàn. Thánh nhân dùng hình ảnh bức tường ngăn cách, của đền thờ.
Quả thật, Đền Thờ là công trình xây cất có nhiều tường. Mỗi bức tường, làm thành rào cản ngăn cách, hạn chế mọi kết đoàn, hoà hợp. Bên ngoài tường, nhiều người không thể đến được. Có tường, chỉ dành cho dân ngoại. Có tường, cho phụ nữ. Có tường cho đàn ông thanh niên. Có tường chỉ để cho các vị mục tử. Thậm chí, có tường còn cản ngăn không để ta đến được với Đấng Thánh ở trên cao. Như nơi  dành cho vị Thượng tế cao vút, mỗi năm chỉ một lần.
Bằng vào cái chết trên thập tự, Đức Giêsu đã phá bỏ mọi tường rào phân chia, ngăn cách. Tường, của hờn căm. Chia rẽ. Bằng vào việc sống lại, Ngài tạo ra Con Người Mới. Và, gia đình mới. Gia đình, không dựa trên máu mủ. Chủng tộc. Cũng không dựa vào dân tộc tính. Giới tính. Giai cấp. Ngài phá huỷ mọi tường thành ngăn cách. Tức, tường rào chỉ nhằm phân cách/rẽ chia nhóm này với nhóm khác.
Giáo huấn của Đức Giêsu nhằm đạt đến cả người Do Thái lẫn dân ngoại. Cả nam lẫn nữ. Cả người công chính, lẫn phạm nhân. Nô lệ lẫn tự do. Người tật bệnh, lẫn kẻ lành lặn. Ngài gọi mời tất cả mọi người chúng ta hãy về cùng một gia đình, gia đình của Ngài. Gia đình của Ngài gồm có Chúa Cha và ở đó, tất cả thành viên đều là anh em, chị em với nhau. Rẽ chia, là tà thần/ác quỷ chỉ chực ngăn chặn mọi người đến với nhau, trong chung sống an bình và hạnh phúc. Rẽ chia, là kẻ thù ngăn chặn ý định của Chúa muốn thu thập mọi người về với gia đình với Thân Mình của Chúa.
Điều mọi người trong gia đình Chúa cần làm, là phải nói tốt cho nhau về các Giám mục/linh mục, cha mẹ hoặc thành viên trong gia đình, tạo bình an. Hãy phá bỏ mọi rào cản rẽ chia đem mọi người về lại với nhau trong tình thương, qua và nhờ Đức Giêsu. Vì, tất cả đều có cùng con đường. Cùng một Thần Khí để đến với Cha, như đoạn cuối bài đọc 2, đã nhắc nhớ.” (Xem Lm Frank Doyle sj, Suy Niệm Lời Ngài năm B, nxb Tôn Giáo 2011, tr. 180-181)

Cuối cùng ra, ta bàn chuyện “các gia-đình có vấn-đề” này khác, tưởng cũng nên quay lại với ý/tứ của Đức Phanxicô hôm ấy, có những lời như sau:

“Trong bài chia-sẻ vào thánh lễ Thứ Hai hôm ấy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có đề-cập đến điều mà ngài gọi là “phép lạ” tại tiệc cưới Cana, ngài có khuyến-khích cộng-đồng dân Chúa hãy theo gương lành của Đức Maria từng làm, rằng: “Mẹ dạy ta hãy đặt gia-đình mình trong tay Chúa, để rồi sẽ hiệp lòng cầu nguyện, nhen nhúm niềm hy-vọng cốt cho ta thấy rằng mọi ưu-tư của ta cũng là quan-ngại của Chúa”. Đức Giáo Hoàng lại cũng nói: “Gia-đình là bệnh-viện, trường/lớp gần cận nhất cho giới trẻ và cũng là mái ấm/cơ ngơi cho bậc cao-niên, nữa.”

Đức Phanxicô còn nhắc mọi người hãy nhớ rằng: Gia-đình là ‘Giáo-hội nội-địa’, nên vẫn cần ta nguyện cầu để có thể gỡ bỏ mọi ưu-tư, quan-ngại trong đời mình. Ngài lại thêm: “Cuộc sống gia-đình, giống như tại Cana, “phép lạ” luôn xảy đến khi ta sở-hữu ít sự vật. Thế nên, là tín-hữu, ta hãy giùm giúp các gia-đình nào đang rối-bời về nhiều thứ, cả những thứ, những sự như “người nhà hết rượu để đãi đằng”, giùm giúp những ai đang uống thứ nước của sự nản lòng, tuyệt vọng. Với gia-đình nào tuân theo hiệu-lệnh hoặc lời khuyên của Đức Maria và làm những gì Đức Giêsu truyền làm, thì chắc chắn rượu ngon sẽ có ngay cho họ, cho mọi người.” (X. Mục tin tức trên tờ The Catholic Weekly ngày 12/7/2015 tr.12, Pray for miracle at synod, pope asks massive crowd)

Nói tóm lại, có bàn gì thì bàn, bàn về gia-đình thánh nho nhỏ của Giáo-hội, tưởng cũng nên hướng về gia-đình rộng lớn là Vương-Quốc-Nước-Trời từng được Đức Giêsu chủ-trương khi Ngài bảo ban dân con mọi người ở Do-thái.
Nói cho cùng, Vương-Quốc-Nước-Trời rất gia-đình ở thánh hội vẫn là và phải là như nhận-định của bậc thày dạy thần-học ở Đại-học De Paul, Chicago Hoa kỳ, như sau:

“Với Đức Giêsu, Vương Quốc Nước Trời được mô-tả bằng ảnh-hình của việc sửa soạn bàn tiệc có chỗ ngồi hẳn-hoi. “Tiệc Bàn Rộng Mở” không phân-biệt một ai, lại đã diễn-tả một xã-hội thu nhỏ không kỳ-thị. Và, quan-niệm cũng như thị-kiến này, trên căn-bản, đã chạm phải giá-trị nền-tảng của nền văn-hoá Địa-Trung-Hải, thời xưa cũ. Cũng không thể bảo: có thể cũng hơi sớm, nếu có ai đề-nghị ta nên nhận ra được sự giận-dữ kéo theo sau việc ‘ngồi cùng bàn’ còn mới mẻ, vào thời ấy. Đó, cũng là một trong các lý-do khiến họ bắt giam và xử trảm Ngài, không cho Ngài được hoạt-động giảng-rao/giùm-giúp người nghèo-khó/cùng quẫn nữa.” (Xem thêm John Dominic Crossan, Who is Jesus WJK 1996, tr.40-59)

Nói cho cùng, bàn về gia-đình mang tính-chất Vương-Quốc-Nước-Trời, trên thực-tế, ta cũng đừng nên quên những truyện kể nhè nhẹ có tính ‘tiếu-lâm-chay’ để mỗi lần nhớ, tôi và bạn, ta sẽ tủm tỉm cười vào buổi tuối, lúc khó ngủ cứ lấy sách “phiếm” ra đọ cho dễ ngũ, như sau:

“Truyện kể gia đình có vợ/chồng thuận-hoà vì luôn giữ bí-kíp sau đây:
Trên đời này, có hai việc khó nhất:
1.    Là, nhét tư-tưởng của người này vào đầu của người khác.
2.    Là, nhét tiền của người khác vào túi của mình.

Nếu:

1. Ai làm được điều số 1 thì ta gọi đó là …Thày              
2. Ai làm được điều thứ 2 thành-công thì ta gọi đó là…chủ.

Nhưng, nếu có người làm được cả 2 điều nói trên mà thành-công thì ta gọi đó là…Vợ.”

            Gọi gì thì gọi. Làm gì thì làm, hãy cứ làm và cứ gọi nhau trong tình thân thương của người anh người chị trong Vương Quốc Nước Trời, ở nơi đó mọi người vẫn cứ hát lên câu ca nhè nhẹ, rằng:

“Nhìn chiều vàng đồi thông thưa vắng.
Lòng bùi ngùi buồn trông theo bóng.
Giờ đây viếng thầm hồn cố nhân.
Năm tháng trôi qua sóng gió đời.
Chiều chiều nhớ em khôn lòng nguôi.”
(Nguyễn Văn Khánh – bđd)

Hát thế rồi, nay bạn và tôi, ta cứ hiên-ngang nhìn về phía trước rồi “đầu cao mắt sáng” sống xứng-đáng làm thành viên Nước Trời, ở đây, bây giờ.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn tâm-niệmn cuộc sống
Của mình và của người
Nên như thế.

No comments: