Saturday, 25 July 2015

“Tôi có người em nhỏ”,



Chuyện Phiếm đọc trong tuần 18 thường niên Năm B 02/8/2015

“Tôi có người em nhỏ”,
Xanh xanh đôi hàng mi
Môi hồng vừa đương độ
Chưa biết sầu biệt ly.”
(Nguyễn Hiền/Thiệu Giang - Người Em Nhỏ)

            (Êphêsô 5: 1-2)
Nghe anh hát, tôi lại bảo: có người Em nào mà chẳng nhỏ lại vẫn “xanh xanh đôi hàng mi” cơ chứ! Nếu không thì, ai ai cũng sẽ gọi người ấy là “em họ” hoặc “Em” theo nghĩa học trò, người xa kẻ lạ ít tuổi hơn. Ngôn-ngữ người mình văn-hoa là như thế. Văn hoa, có nghĩa như gió thoảng/mây trôi lại mang tính thi-ca, ngọc ngà ướt mượt. Chả thế mà, nghệ sĩ nhà mình lại sẽ hát thêm:

“Ngày tôi đi vàng nắng
Nghiêng nghiêng một hàng cau
Mai ta nhìn mây trắng
Gửi lời về thương nhau
Chiều nay buồn viễn xứ
Nhớ người em gái xưa
Tôi thấy phương trời cũ
Giăng giăng một hàng mưa.
Mơ về đôi môi thắm
Cười ngày tôi lên đường
Quê ta chừng xa lắm
Giờ em có nhớ thương.”
(Nguyễn Hiền/Thiệu Giang – bđd)

Hỏi rằng: “Giờ Em có nhớ thương”, hay còn hỏi gì đi nữa, cũng bằng thừa. Bởi, đã là người em rất nhỏ rồi, thì chắc hẳn ai cũng đều thương, đều nhớ. Thương và nhớ, cả một thánh hội toàn những người/anh người chị thân thương, đầy ý-nghĩa.
“Giờ Em có nhớ thương” hay sao đó, vẫn là nỗi nhớ niềm thương của người em hoặc anh hoặc chị cứ là dắt tay nhau đi vào vùng trời ở Vương Quốc Nước Trời nay gần gũi có những lời nhắn-nhủ, dài muôn thuở, như sau:

“Anh chị em hãy bắt chước Thiên Chúa,
vì anh chị em là con cái được Người yêu thương,
và hãy sống trong tình bác ái,
như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta
và vì chúng ta,
đã tự nộp mình làm hiến lễ,
làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt.”
(Êphêsô 5: 1-2)

Hôm nay đây, người người trong nhà Đạo lại vẫn nhớ không chỉ mỗi lời nhắn của đấng thánh hiền tên gọi Phaolô mà thôi, nhưng còn nhớ cả những lời của Đức Giáo Tông Phanxicô hôm rồi gửi đến bà con, những lời như sau:

“Hôm 21 tháng 5 năm 2015, Đức Phanxicô có nhắn-nhủ bà con thân thuộc của vị sĩ-quan Cảnh Sát bị bắn chết hoặc bị thương trầm trọng, những lời như: Xã-hội hôm nay, còn mắc nợ gia đình ta sự thể là người thân của quí vị đây, đã sống đời chân-phương, ngoan-cường, trật-tự.” Đức Phanxicô lại đã ca ngợi các vị đang làm việc trong cơ-quan công-quyền vẫn có lòng quả-cảm giúp giùm người bị nạn cũng như đã ngăn chặn các can-phạm hùng hổ, tấn-kích người hiền ở xã hội. Các sĩ-quan đây như người thân của quý vị, đã không quản-ngại mọi hiểm nguy có thể xảy đến với mình, cả mạng sống có khi lại mất đi cũng không nản lòng trong khi thi-hành phận-sự trong công-quyền. Tiếc rằng, ở xã hội khác, nay lại để mất đi quyết-tâm quả-cảm ấy nên mới gây tai-hại cho mọi người…” (xem tin tức trong tuần trên The Catholic Weekly ngày 31/5/2015, tr. 3)    

            Lời nhắn nhủ, từ các đấng bậc ngoan-hiền ở thánh hội, lâu nay thì như thế. Trong đời đi Đạo của mỗi người và mọi người, chắc chắn việc này từng xảy ra cũng không thiếu. Bởi thế nên, nghệ-sĩ hôm nay lại có ý/lời ca-tụng những người “em nhỏ” trong đời những lời êm ái sau đây:  

“Tôi có người em nhỏ
Xanh xanh đôi hàng mi
Môi hồng còn đương độ
Đã biết sầu biệt ly.”
(Nguyễn Hiền – bđd)

“Sầu biệt ly” đây, có thể là nỗi sầu cũng khó hiểu, do ngộ nhận hoặc sao đó. Nhưng, “sầu ly biệt” này có thể là thứ “sầu buồn” như nhận-định của đấng bậc chủ-quản ở chốn chop bu nhà Đạo khi ngài nói về tình-trạng của xã-hội hôm nay.
“Sầu biệt ly” hôm nay, không chỉ vì Facebook, Twitter, SMS hoặc nhiều thứ trên vi-tính hoặc điện-thoại khôn-ngoan từng đem lại cho cuộc sống vội vàng, chụp-giựt, lười suy-nghĩ.
“Sầu ly-biệt” hôm nay và mai ngày, còn là mối sầu khó tả cứ lai rai, trải dài nơi cuộc sống gia-đình không còn theo khuôn phép cũ/xưa, nhưng rất khác. Khác, về tập-tục lẫn lề-luật cùng cung-cách phụng-thờ, tin-tưởng, khiến nhiều bậc thức-giả trong Đạo, ngoài đời từng bận-tâm tìm nhiều phương-cách để giải-quyết.
Một trong các phương-cách rất thức-thời được đấng bậc chủ quản khi xưa từng tỏ bày bằng những ảnh-hình so-sánh cuộc sống có niềm tin với vụ nổ ở vũ trụ năm nào, như sau:

“Khoa học từng nói cho tôi biết thế giới hiện ta đang sống, lại đã bắt đầu bằng vụ nổ Big Bang từ lâu lắm. Trong khi đó, niềm tin đi Đạo lại bảo tôi, rằng: Big Bang, chính là vụ nổ do Thượng-Đế làm để tỏ-bày Tình Thương của Ngài đối với ta. 

Tôi không có khả-năng đưa ra đây bất kỳ chứng-cứ nào mang tính tính khoa-học về niềm tin của ta, nhưng đó là một trong các giải-thích đem đến với mọi người sự thoả-mãn tốt đẹp nhất tìm thấy được ở quanh ta, cả vũ-trụ vật chất lẫn tâm-tư, cũng như tâm-can của chính mình.

Trước nhất, là lượng-mức lớn-lao vẫn trộn lẫn với nhau cách hài-hoà nơi nhân-sinh vũ-trụ, vạn-vật. Và rồi, qua khoảng cách thời-gian kéo dài tưởng chừng như vô-tận, nhiều sự-vật vững-chãi/chắc-nịch lại đã thành-hình như trăng, sao, tinh-tú, cùng các giải ngân-hà lại đã đi vào hiện-thực. Thề-giới vẫn được sắc-màu tuyệt-vời, lộng-lẫy; nhưng lại không có tư-duy, cảm-xúc nào thực-tế khả dĩ đáp trả lại tình Thương yêu Ngài từng tạo ra chúng.

Nhiềy tỷ năm qua, mãi cho đến thời mà hành-tinh địa-cầu mở rộng ra để đón chào mọi hình-thái của sự sống ban đầu mà hiện-hữu. Và rồi, từ biển-khơi, sinh-vật đủ mọi loại cũng từ đó bắt đầu chinh-phục đất liền. Và xảy ra, là: tất cả mọi loại-hình cây cối cùng loài thú, cứ thế phát-triển nhưng không một hữu-thể nào dù sinh-động cách mấy lại có được ý-thực ứng-đáp lại Tình Thương Yêu của Thượng Đế.

Cuối cùng thì, chỉ một số rất ít loài thú mới khởi-sự đứng trụ trên đôi chân hiền của mình mà phát-triển sự sống có ý-thức của chúng. Con người, cũng từ từ biến-hoá theo dạng-thức có tư duy, xúc-cảm để rồi cuối cùng cũng tự mình biết đáp-ứng với Tình Thương Yêu của Chúa Trời là Đấng tạo-dựng nên mình.

Từ vụ nổ Tình Thương Yêu rất Big Bang đến giai-đoạn đáp trả đầy ý-thức đối với Tình Thương Yêu của Chúa Trời lại đã kéo dài những 13,8 tỷ năm liền và ngang qua thời-gian dài đằng d0ẵng ấy, Chúa Trời vẫn cứ đợi và cứ đợi. Ngài vẫn đợi mãi, mà không xen vào mọi chuyện của bất cứ loài nào. Ngài vẫn kiên-tâm đến vô cùng vô tận, nên đã cho phép mọi sự được triển-khai theo nhịp-độ và cung-cách của chính nó.

Con người lâu nay, vẫn rắp ranh tìm-hiểu gốc-nguồn và ý-nghĩa của thế-giới, với thế-gian, mặc dù lần rắp ranh đầu thường chỉ dính-dự bằng truyện kể về các thần-linh tranh-chấp với các anh-hùng cùng siêu-nhân.

Và rồi, dân con Israel lại đã biết tin tưởng vào chỉ một Chúa Trời và phát-triển niềm tin-tưởng ấy viết lại cuộc hành-trình đầy đạo-đức lẫn tâm-linh của mình thành truyện kể. Hành-trình này khởi từ ý-tưởng về sự lớn lao/cao cả và trả đũa với hận-thù (Kn 4: 17-24), và rồi tuần tự dấy lên ý-tưởng tôn-trọng phẩm-cách của mọi giống nòi cùng quyền-lợi của loài khác từng tuôn chảy từ phẩm cách này như sách Xuất hành từng nói đến (Xh 20: 1-17). Rồi từ đó, lại có ý-tưởng diễn-tả đòi hỏi mọi loài phải yêu-thương kẻ đồng-loại cùng như phải yêu thương lẫn nhau như sách Lêvi còn viết dặn (Lv 19:18), và cả việc thương yêu Chúa Trời như Ngài từng yêu-thương hết mọi loài (ĐNL 6: 4-9); (Giôna 4: 9-11).

Từ đó đến nay, vẫn có những bước chân âm-thầm tiến về phía trước hoặc lui về dĩ-vãng, như truyện kể về sự tăng-trưởng đạo-đức cũng như tâm-linh phản ánh sự tăng-trưởng trong thiên-nhiên.

Có một vị tên là Giêsu, đến từ Đức Chúa, đã tiếp-nhận mọi sự tốt đẹp từ truyện này, nhưng Ngài còn đưa câu truyện tạo-dựng của Chúa Trời đi xa hơn bằng cách trưng cho thế-giới một mức-độ thương yêu từng phản-ánh từ vụ nổ tình-thương của Đức Chúa trong tạo-dựng. Ngài làm thế, để rồi có hy-vọng là mọi người và mọi loài lại sẽ noi gương bắt chước tình thương yêu này và phát-triển nó trong tăng-trưởng.

Đức Chúa xưa nay, vào mọi lúc, vẫn đợi chờ cho sự tăng-trưởng này được thành-tựu; và nếu cần, Ngài còn chờ, còn đợi mãi bao lâu kế-hoạch thiên-định được thực-hiện. Thiết tưởng, mục-tiêu tối hậu của kế-hoạch Ngài đưa ra là loài người sẽ phải tiếp-tục tặng-trưởng mãi cả về mặt đạo-đức lẫn tâm-linh, theo cách nào đó, cho đến khi biến thế-giới trở về lại với tình thương-yêu từ đó nó xuất xứ. Thật ra, chẳng ai biết được sự việc ấy mang hình-thức như thế nào, nhưng ai cũng tin tưởng là đó là mục-tiêu tối-hậu của loài người. Dù có trải dài thêm 13 hoặc 14 tỷ năm hoặc hơn nữa, cũng được đi, vì Đức Chúa đã biết chờ, thì Ngài sẽ còn chờ, còn đợi mãi cũng không sao.

Đức Giêsu khi xưa từng sống chỉ cách nay có hơn hai ngàn năm, tức một khoảnh-khắc rất nhỏ so với cả tỷ năm tạo-dựng. Và Đức Chúa vẫn cứ đợi cứ chờ bao lâu người theo chân Đức Giêsu cần phát-triển và áp-dụng ý-định của Ngài theo cách-thức nào toàn thể-thế-giới có khả-năng phát-triển cách an-toàn đi vào mục-tiêu tối hậu này.

Mọi chứng-cứ sẽ chỉ-dẫn để ta thấy rằng vào những ngày sớm-sủa nhất ở truyện kể của Đạo Chúa, như nó từng là thành-phần của truyện kể bảo rằng: thế-giới này sẽ quay về với tình thương-yêu là gốc-nguồn từ đó nó được sinh ra.” (x. Gm Geoffrey Robinson, The 2015 Synod, The Crucial Questions: Divorce & Homosexuality  ATF Press 2015, tr. 2-5)                 

            Trích-dẫn nhận định của đấng-bậc chủ-quản từng chủ-trì Tổng Giáo-phận Sydney, hôm nay, chính là để bạn và để tôi, ta có một cái nhìn chín-chắn về sự tin-tưởng trong sống Đạo giữa đời, có nhiều lời bàn ra tán vào về nhiều thứ.
            Trích và dẫn, không chỉ dẫn và trích những gì được nói hoặc được viết trên giấy trắng mực đen, thôi.
            Trích và dẫn, còn là dẫn-giải về nhiều thứ chuyện trong đời của con người. Những sự và những việc có liên quan đến đời sống của nhiều người trong ngoài Đạo Chúa hay đạo Bụt, ở mọi nơi. Trích và dẫn, còn là cứ dẫn và cứ trích những sự vụ hoặc lời kể ở nhiều nơi, vẫn gửi vể để bà con ta có chút gì mà nhớ mà thương, như sau:   

“Có 5 điều mà các bậc cha mẹ nên học từ các bạn bên đạo Bụt tiếp tục phát triển rộng ở nhiều nước bên phương Tây ít nhiều thì giáo lý của Đạo cũng đã và đang được đưa vào thảo luận quanh đề-tài “Làm sao Trở Thành Bậc Cha Mẹ Tốt. Các khái-niệm về Thiền, Từ Bi, và Chánh Niệm dễ dàng đi vào suy nghĩ của chúng ta; nhưng các khái niệm này thực sự có nghĩa gì trong thực tập?

Tác giả cuốn sách có tựa đề là ‘Brave Parenting’ (Bậc Cha Mẹ Dũng Cảm), lấy hứng từ đạo Bụt về vấn đề làm cha làm mẹ, đã vui thích kết hợp triết lý đạo Bụt với việc làm cha mẹ trong đời sống hằng ngày. Một trong những nguyên tắc rút từ phương pháp này là kích thích sự chín chắn nơi cảm xúc và khả năng tự lực cánh sinh của trẻ/bé. Trong khi đó, việc cha mẹ chu-toàn bổn-phận cũng ngày một dễ dàng hơn.

Tác-giả khẳng định điều đó không có nghĩa mình phải giữ yên tịnh và tĩnh tâm vào mọi lúc. Đây là việc chuyển hóa quan hệ đơn thuần của ta với con cái để có mặt thật sự với con mình. Đây còn trải-nghiệm các cấp-độ cảm xúc mà không tạo phản ứng.

Dưới đây là năm nguyên tắc căn bản lấy hứng từ đạo Bụt hầu giúp bạn trong hành trình sống:
1. Thấy được tâm định tĩnh là tâm vững vàng
Theo đạo Bụt, cuộc sống là một giòng chảy liên tục. Chính vì thế sự ổn định không có từ ngoại cảnh, mà từ cung-cách ta tiếp-cận với nó thế nào: ta có thể gieo trồng hạt giống của tâm định tĩnh.
Hầu hết chúng ta đều có trạng-thái tinh-thần hứng-khởi rồi huỷ-diệt trong các hoạt động thường ngày. Ta tiếp-cận chúng với động-thái xấu/tốt lẫn lộn. Chẳng hạn như, bằng cách ôm hôn, cười với con là đều tốt; cả khi bị kẹt xe và trễ giờ đi họp có thể là xấu. Đạo Bụt khuyên ta nên xem các sự việc ấy bằng tâm xả. Vạn vật đều như thế. Và chính mình cũng cảm nhận cách sâu sắc sức mạnh nằm ở việc chấp nhận như thế. Bạn có thể dạy con cái mình bằng tấm gương của chính mình. Thiền tập như thế là cách hay nhất để nuôi dưỡng hạt giống tâm-định rất tĩnh.
2. Mỉm cười với vô thường
Văn hóa của ta, phần lớn đều lo ngại do bởi ý niệm vạn-vật vẫn liên hồi thay đổi. Ta thích lề thói, tập quán và mọi sự vĩnh cữu. Nhưng, Bụt dạy: vạn vật vẫn liên-tục vận-động và hơn nữa, tất cả đều vô thường.
Ta không muốn bị bệnh tật hoặc chết chóc, nhưng chính những cái ấy là một phần của cuộc sống. Có sinh có diệt. Điều đó là chuyện tự nhiên của kiếp người, thôi! Ta có thể dạy con biết điều này không làm cho chúng sợ  mà cho chúng hiểu về quá-trình của kiếp sống: hoa cũng tàn, cây trái cũng có ngày bị hư hoại, lá vẫn rơi rụng vào mùa thu.
Trong cuộc sống hàng ngày, ta học cách chấp nhận hơn là lo sợ, đó là sự chuyển vận to lớn. Ta dạy cho con cái biết: thay đổi là việc tự nhiên. Và cách tốt nhất để am-hiểu lẽ vô thường nơi vạn-vật là thái độ cảm-hoá biết ơn vào mỗi ngày mình sống, bởi mỗi ngày đều duy nhất, rất khác biệt.
3. Hãy nói ‘Cũng tốt thôi!’ với những điều mình đang lo lắng
Người thường đều rõ biết, do tính vô thường mà nỗi-niềm lo lắng luôn tiềm-ẩn, tồn tại. Nỗi niềm ấy là dấu hiệu cho thấy có cái gì đó ‘không ổn’; nó là trải nghiệm của tình trạng sống trong thế giới vô thường này. Thế nên, đây không là những gì ta có thể tự ‘chỉnh sửa’ nơi người mình, cũng như nơi con em của ta. Nỗi-niềm lo-lắng là cảm xúc thường-tình mà mỗi người đều cảm nhận. Nỗi-niềm chịu đựng sự việc như thế sẽ chóng tiêu tan khi ta nhận diện và chấp nhận nó.
4. Biết quan tâm đến những cảm xúc của trẻ; các cảm xúc ấy được Đạo khuyến khích ta quan tâm ngang qua những thăng trầm của cuộc sống và nhận biết rằng ta đang trải qua giai-đoạn đó. Chính vì thế, mà mọi cảm xúc đều không xấu, không tốt. Người người nên nhận biết cho đúng cảm xúc ấy để hiểu được rằng: chúng là những ‘nhân tố’ báo cho ta biết tình trạng hiện thời của ta ra sao.
Hiểu được sinh khởi và hoại diệt của cảm xúc, ta sẽ dạy cho con cái mình biết đối diện với cảm xúc của chúng theo cách tự nhiên nhất. Đó là  bình-an trú-ngụ trong hiện tại và trải nghiệm được cảm xúc ấy cho tới khi chúng biến mất. Bậc cha mẹ không cần xen vào việc tiến-trình này để chỉnh-sửa hay chuyển-đổi cảm nhận của con cái.
5. Tin rằng con mình đủ sức tự lập
Trong đời sống hàng ngày, dĩ nhiên có mất mát và thất vọng. Các bậc phụ-huynh ngày nay thương yêu bảo bọc con em mình khỏi mặt trái của cuộc sống và đây là bản năng tất yếu, không thoát khỏi. Tuy nhiên, ta cũng thách-thức bậc phụ huynh để cho con mình tự giải quyết các vấn đề do chúng mắc phải.
Các vấn đề mà trẻ thường hay mắc phải là sự thất vọng trong sinh hoạt hằng ngày, chúng thấy khó khăn khi mang bài tập về nhà, hoặc cứ cãi vã với anh chị, bạn bè, hoặc chống-đối nội quy, công việc, v.v.... Khi con em được phép đấu tranh, chúng có xu hướng khởi-đầu giải quyết vấn đề và tập sống tự lực trước mọi khó khăn cũng như các thuận lợi của cuộc sống mà không cần cha mẹ giúp đỡ.
Đại sư Tịch Thiên từng dạy, là: ‘Đi trên đất với đôi chân trần bạn có thể bị đứt. Bạn có thể trải miếng da trên đường đi, hoặc bao bọc chân mình bằng miếng da gọi là giày dép.
Làm cha mẹ, ta đang bọc lót các miếng da bảo vệ con cái mình, hơn là dạy chúng biết cách tự làm giày để chúng biết xoay sở trước những trở ngại và để chúng phát huy tính tự lực cánh sinh của chùng. (Theo mindbodygreen.com)

Kể thế rồi, nếu như bạn và tôi, ta vẫn chưa thấy thuyết phục cho lắm về các ý-kiến này, nay lại xin gửi đến tôi và đến bạn truyện kể mang tên “Kẻ lang thang muốn đổi chỗ cho Bụt ở Chùa, giống thánh hiền Đạo Chúa đứng ngồi như tượng thần, cũng rất thần và rất tượng như sau:

Có một kẻ lang thang, đi vào chùa, thấy Bụt ngồi trên Đài Sen nhận cúng bái của mọi người, anh ta vô cùng ngưỡng mộ. Kẻ lang thang nói với Bụt: 
-Tôi có thể đổi chỗ ngồi với Người một lát không?”
Bụt trả lời: 
-Chỉ cần anh không mở miệng.
Kẻ lang thang ngồi lên Đài Sen. Trước mắt anh là cả một ngày hỗn loạn và ầm ĩ, người đến viếng hầu hết đều cầu điều này chuyện nọ. Anh vẫn cố chịu đựng trước sau không mở miệng. Một ngày nọ, có phú ông đến. Phú ông xin:
-Cầu Bụt ban cho con đức tính tốt.
Nói xong ông dập đầu, đứng dậy, ví tiền rớt xuống mặt đất. Kẻ lang thang vừa muốn mở miệng nhắc nhở, nhưng kịp nhớ đến điều kiện do Bụt đưa ra, nên lại thôi.
Sau khi phú ông đi, có người nghèo nọ bước vào, nói:
-Cầu Bụt cho con ít tiền. Người nhà con lâm bệnh nặng, đang rất cần tiền ạ.
Cầu xong ông dập đầu, đứng dậy, nhìn thấy một túi tiền rơi trên mặt đất. Người nghèo thốt lên câu:
-Bụt đây quả thật rất linh. 
Ông cầm túi tiền cất bước ra đi. Kẻ lang thang muốn mở miệng nói không phải linh với hiển gì đâu, mà chỉ là đồ người ta đánh rơi, nhưng anh nhớ đến điều kiện do Bụt đưa ra, nên lại thôi. Lúc này, lại có ngư-dân bước vào. Ngư dân cầu xin cùng Bụt như sau:
-Cầu Bụt ban cho con bình an, ra biển không gặp sóng gió.
Đoạn dập đầu, đứng dậy, ông vừa muốn đi, lại bị phú ông túm chặt áo đòi lại túi tiền. Chỉ vì túi tiền, mà hai người đánh nhau túi bụi. Phú ông cho rằng ngư-dân này đã lấy túi tiền của ông, còn ngư-dân lại thấy oan-ức không chịu nổi. Kẻ lang thang, ngồi trên nhìn xuống không thể nhịn được nữa, anh liền hô to:
-Dừng tay! Nói thế rồi, anh đem hết câu truyện kể lại cho hai người hiểu. Nhờ thế, hai người này không còn tranh chấp, cãi vã hoặc đánh nhau nữa, nên đã yên.
Lúc ấy Bụt bèn nói:
-Ngươi thấy làm như thế có được không? Hãy tiếp tục làm kẻ lang thang đi mà sống đúng chức-năng của mình! Ngươi mở miệng, tự cho mình là công bằng, nhưng người nghèo vì vậy mà không có tiền chữa-trị người thân; người giàu không có cơ-hội tu-thân tạo đức hạnh; ngư-dân ra biển gặp sóng gió chôn thân dưới đáy biển. Nếu ngươi không mở miệng, mạng sống người nhà của kẻ nghèo sẽ được cứu; người giàu có tốn chút tiền thật đấy, nhưng lại giúp được người khác hầu tích đức; ngư dân cũng vì dây dưa không cách nào lên thuyền, tránh được mưa gió, bão bùng có thể còn sống sót.”
Kẻ lang thang im lặng bước ra khỏi chùa chiền, suy-nghĩ rất nhiều. Nghĩ rằng: nhiều sự việc trong đời, nó có thế nào vẫn là như thế. Cứ để nó tiến-triển theo luật tự nhiên, kết quả sẽ tốt hơn. Khi đối mặt với sự việc, ai biết được kết quả đem lại cho mình và cho người, chứ? Cứ yên-lặng theo dõi mọi diễn biến, đó chính là năng-lực có thực! Thuận theo luật tự nhiên, lại cũng là một loại hạnh phúc, ở trên đời! (truyện kể do Minh Quân dịch)

                Truyện kể hay những đoạn trích-dẫn ở trên, vẫn dẫn đưa bạn và tôi trở về tình-huống có lời ca tiếng hát vẫn nhắc nhở mọi người, bằng ca-từ đầy ý-tứ như sau:

Ngày tôi đi vàng nắng
Nghiêng nghiêng một hàng cau
Mai ta nhìn mây trắng
Gửi lời về thương nhau
Chiều nay buồn viễn xứ
Nhớ người em gái xưa
Tôi thấy phương trời cũ
Giăng giăng một hàng mưa.”
(Nguyễn Hiền/Thiệu Giang – bđd)

Hát thế rồi, tôi và bạn lại cứ hiên ngang đầu cao mắt sáng cứ tiến thẳng về phía trước, không sợ đớn đau, sầu buồn hoặc trở ngại ở đâu đó, dù rất khó.
Hát thế rồi, nay xin bạn và tôi, ta lại sẽ triển-khai những gì học được từ đấng bậc rất hiền lành, ở trong Đạo hoặc ngài đời, rất thức thời.

Trần Ngọc Mười Hai
Và những quyết tâm
Sẽ học mãi hết mọi người
Cả trong Đạo lẫn ngoài đời


No comments: