Friday, 21 August 2015

“Ở chợ Dầu có hàng cà phê,”




Chuyện Phiếm đọc trong tuần 22 thường niên Năm B 1/9/2015

“Ở chợ Dầu có hàng cà phê,”
Có một cô nàng be bé xinh xinh.
Cô hay cười hồn xuân phơi-phới,
Cứ xem dáng ngươì mới chừng đôi mươi.”
(Cao Minh - Cô Hàng Cà Phê)
(Galát 6: 10)
Cô hàng cà-phê ấy à? Chợ nào mà chẳng có mấy cố đó. Cứ gì Chợ Dầu/chợ mỡ với chợ thịt mới có các cô! Khác chăng, chợ này lại vẫn “có một cô nàng be bé xinh xinh…” Rồi lại hát: “cô hay cười hồn xuân phơi phới”. À thì ra, có xinh xinh và be bé mới đáng để nghệ-sĩ viết nhạc kể về cô hàng ở chợ của ông.
Thế nhưng, cứ nghe câu hát tiếp ở dưới, người nghe nhạc sẽ thấy phát khiếp lên, mà rằng      

“Làn thu ba cô liếc nghiêng thành,
Mùi hương lan thơm ngát vương bên mình.
Làm say mê bao gã thiếu-niên đa tình,
Mấy anh nho nhỏ thường hay đến ngồi cười với cô.

Lơ thơ tơ liễu buông mành,
Cho hay cái sắc khuynh thành,
Làm cho nhiều chàng chết mê mệt.
Đi đâu cũng ghé qua hàng,
Mong trông thấy bóng cô nàng,
Thì trong lòng chàng mới yên.
Hôm nao dưới bóng ánh trăng mờ,
Tôi mơ ngắm cánh tay ngà
Nhẹ nâng ly trà ướp sen ngạt ngào,
Trông cô dón dén ra vào,
Đôi môi thắm cánh hoa đào,
Lòng tôi rạt rào muốn xiêu.”
(Cao Minh – bđd)

Vâng. Ở quê nhà, bẵng đi một thời, người dân ở quận/huyện chốn loanh quanh, nếu có giờ rảnh mới ra “hàng cà-phê” mà ngồi nhâm nhi thứ nước đắng, cho đỡ buồn. Chứ, đâu phải để ngắm mấy cô hàng “be bé/xinh xinh” như thời bình, mới hôm nay.
Chốn quê hương nhà Đạo mình, cũng không khác thế là bao. Nhà Đạo mình, lại cũng có Đấng-bậc-trên-cao-tít vẫn cứ nhắn và cứ nhủ dân con bọn mình về “ngày nghỉ lễ”, để nguyện cầu có cuộc sống với nhiều chiều kích, như sau:

“Hôm 12 tháng 8 năm 2015, trong buổi triều-yết chung tại Đại Sảnh đường Phaolo VI, Đức Phanxicô tiếp tục bài giảng Giáo lý về Gia đình, trong đó ngài giải-thích ý-nghĩa đích-thực về “ngày nghỉ lễ” trong gia đình, bằng những giòng gọn nhẹ bảo rằng:

Hôm nay ta mở ra con đường suy niệm nhỏ về ba chiều kích đánh dấu nhịp độ cuộc sống gia đình là: ngày nghỉ lễ, làm việc và cầu nguyện.

Ngày nghỉ lễ không là dịp lười biếng ngồi trên ghế bành, hay say sưa với những trò tiêu-khiển vớ vẩn. Không. Ngày nghỉ lễ trước hết và trên hết là một cái nhìn yêu thương và biết ơn về công việc thực-hiện tốt đẹp; chúng ta mừng một công việc. Ngay cả anh chị em, những cặp vợ chồng mới cưới, mừng các việc làm của thời gian đính hôn tốt đẹp: và điều ấy tuyệt đẹp.

Đó là thời gian để nhìn vào con cái, cháu chắt đang lớn lên và nghĩ rằng: thật đẹp. Đó là thời gian để nhìn vào nhà của mình, bạn bè mình mà tiếp đãi, nhìn vào cộng-đồng chung quanh mình và nghĩ rằng: thật tốt đẹp. Thiên Chúa đã làm như thế khi Ngài tạo-dựng thế-gian. Ngài liên-tục làm việc như thế bởi Thiên Chúa mãi mãi tạo-dựng, cả lúc này…” (Xem thêm “Bài Giáo lý Đức Phanxicô dạy về các “ngày nghỉ lễ” hôm 12/8/2015, do Lê Xuân Khôi chuyển-ngữ http://giaoly.org/vn)      

            Đức thánh-(là)-cha, đấng chủ-quản cả tỷ con người, mới dám công-khai nói như thế. Chứ, với dân thường ngoài đời, hôm nay, lại vẫn không được nghỉ-ngơi/ngơi-nghỉ là mấy, khi đời sống gia-đình lúc này lại đã thấy nhiều đổi-thay trong quan-niệm, luật-định ở đời người kể cả chuyện sống một cuộc sống cho phải phép, ở gia-đình.
Cuộc sống gia-đình ở các nơi, hôm nay, đã thấy rất nhiều đổi thay, không chỉ mỗi quan-niệm và luật-lệ về “ngày nghỉ lễ” mà thôi, nhưng cả nhiều sự việc không giống trước, về hôn-nhân/gia-đình rất chộn rộn không còn được ngơi nghỉ và nguyện cầu như xưa nữa.          
Một trong các đổi thay dễ thấy nhất nay được nhiều bậc thức-giả suy tư, nhận-định như tác-giả bài viết trên báo điện mang tên “Conjugality, a blog on the future of marriage”, bà Carolyn Mynihan đã dùng tựa để ở trên để bảo rằng: Dạy-dỗ là quan-niệm về hôn-nhân/gia-đình có thể cũng biến mọi người trong gia-đình trở-thành người cực-đoan. Tác-giả bài báo này lại ghi rõ, như sau:

“Thế nào là người cực-đoan? Đây là câu hỏi khá quan-yếu được nêu ra ở Anh quốc hôm nay, khi chính-quyền Bảo-thủ của ông David Cameron đã kiểm-soát và đập mạnh lên các nhà giảng-thuyết đầy tính thánh-chiến và cả trên nhóm hữu-khuynh đã dấy lên mối hờn căm/ghen ghét và nhen nhúm nhiều bạo-loạn. Nếu quí vị đang làm những chuyện giống như thế, thì có khả-năng là nhà cầm-quyền ở đây sẽ bổ lên đầu gọi quí vị cái-gọi-là “Thủ-tục Gián-đoạn  chuyện Cực-đoan” trên quí vị cũng chóng thôi. Và như thế, sẽ giới-hạn mọi tự-do của quí vị. Nói một cách tích-cực, thì các luật-lệ mới có khuynh-hướng cố duy-trì các “giá-trị của nước Anh”.

Thế nhưng, ai là người bị đe-doạ nhiều nhất bởi các giá-trị này, điều đó cũng không rõ. Chỉ rõ có một điều là, tuần qua, một dân-biểu đảng Bảo-thủ Anh đã tìm cách làm sáng tỏ vấn-đề này cho cử-tri ở đơn-vị bầu-cử của ông, là người từng viết thư hỏi ông xem có đúng thực là “Thủ-tục” này sẽ đuợc sử-dụng là để khoá miệng người dân nào lại vẫn quan-niệm hôn-nhân theo truyền-thống cổ xưa…

Lấy ví-dụ như nhà giáo nào không đồng ý với ý-niệm về hôn-nhân đồng tính, vị ấy vẫn nhận được thư xác-nhận rằng “nhà giáo khắp nơi vẫn hoàn-toàn tự-do bày-tỏ hiểu biết của họ về ngôn-từ ‘hôn-nhân’ và vẫn được phát-biểu sự chống-đối của họ về việc sử-dụng, trong một số trường hợp mà không cần phải đả phá đạo-luật mới.  Và, trong trường hợp này, thì “Thủ-tục” ấy sẽ áp-dụng vào cảnh-tình trong đó nhà giáo của ta lại dậy-dỗ học trò mình cách đặc-biệt rằng: hôn-nhân đồng-tính là sai sót”… Nói cách khác, nếu nhà giáo này lại cứ bảo với học trò mình rằng ông ta không đồng ý với “Thủ-tục” ấy và dạy các em rằng: “Hôn-nhân chỉ có nghĩa khi nó xảy ra giữa người nam và người nữ mà thôi, thì nhà giáo này là người cực-đoan và sẽ bị ngưng chức trước khi quan án có câu trả lời về chuyện ấy.

Và đây, có thể cũng là hoàn-cảnh khốn-khổ của các nhà giáo tại nhiều trường Công-giáo đã bị buộc phải dạy cho học sinh mình đúng theo giáo-điều và định-nghĩa của đạo Công-giáo chứ không được nói gì khác về hôn-nhân…” (Xem thêm Carolyn Moynihan, Teaching just one view of marriage could make you an extremist”, Conjugality 12/8/15)

            Thế đấy, là những khó khăn không chỉ về “ngày nghỉ lễ” cho những người sống trong gia-đình, mà còn cho mọi người vào mọi ngày sống và làm việc với công-quyền, luật lệ.
            Thế đấy, là tình-cảnh của rất nhiều người/nhiều vị sống ở đời vẫn bị luật Đạo và lệ đời cứ luôn chõi. Trong cuộc đời người, có nhiều tình-huống rất ư “tròng/tréo” khi phải đối đầu với những kình-chống giữa luật Đạo và lệ đời, chí ít về hôn-nhân và gia-đình.
            Kình-chống và tròng-tréo càng rõ nét hơn, khi luật lệ ngoài đời lại đã bắt đầu công-nhận một định-nghĩa rất khác về hôn-nhân và gia-đình. Khác biệt về định-nghĩa, càng rõ nét khi luật đời bắt-đầu chính-thức công-nhận hôn-nhân giữa những người cùng phái, khác hẳn đạo-giáo rất Công-giáo.
            Để người trong Đạo hiểu rõ sự khác-biệt và đặc-biệt của hôn-nhân, một đấng bậc vị vọng thuộc giới truyền-thông Công giáo ở Sydney đã có giòng chảy giải-đáp câu hỏi: Tại sao Giáo-hội chống-đối hôn-nhân đồng giới-tính, như sau:

“Hôn-nhân không chỉ là “khái-niệm về xã-hội”, tức ý-niệm do con người lập ra để rồi chính họ lại thay đổi với thời gian theo ý-thích hoặc bằng phiếu bầu của người dân trong nước, được.

Hôn-nhân là thực-tại đâm rễ sâu nơi bản-chất con người và nó hiện-hữu ngay từ khi con người có mặt ở trên đời. Mọi nền văn-minh đều có thể-chế hôn-nhân như sự kết-hiệp giữa người nam và nữ được trù-định để sinh con đẻ cái.

Thiên-chúa kiến-tạo nên con người những nam và nữ và Ngài ban cho họ quan-năng lôi-cuốn nhau để cùng chung sống và tỏ bày tình thương-yêu lẫn nhau ngang qua động-tác của hôn-nhân mật-thiết ngang qua đó họ sinh con đẻ cái và đưa chúng vào đời. Đây là kế-hoạch của Thiên Chúa nhằm giúp các cá-thể hoàn-thành trọng-trách tiếp tục tạo-dựng nhân-loại.

Sách Giáo-lý Hội-thánh Công-giáo đã tóm tắt điều này bằng những câu: “Giao-ước hôn-nhân qua đó người nam và người nữa thiết-lập giữa họ quan-hệ đối-tác cho toàn-thể cuộc sống là do bản-chất con người được định-đoạt cho sự lành của hai người phối-ngẫu và việc sinh-sản cũng như giáo-dục con cái”. (Giáo lý HT CG đoạn 1601)

Hôn-nhân đến từ Thiên-Chúa như Chính Công đồng Vatican 2 đã dạy ta rằng: Sự kết-hợp mật-thiết của sự sống và tình yêu là những điều tạo nên tình-trạng hôn-phối là do Tạo-hoá thiết-lập và Ngài còn phú cho họ các luật-lệ thích-hợp… Chính Thiên-Chúa là tác-giả của hôn-nhân”… (Hiến-chế Niềm vui và Hy vọng đoạn 48)      

Nói cho cùng, thì cách hay nhất để phá-hủy hôn-nhân là cứ gọi tất cả mọi sự là hôn-nhân. Khi tất cả mọi sự được gọi là hôn-nhân, thì chẳng có gì là hôn-nhân hết. Vì thế nên, ta phải làm gì có thể làm được hầu giữ gìn thể chế này.” (X. Lm John Flader, Why does the Church oppose gay marriage? The Catholic Weekly tr. 30)

            Đấng bậc vị-vọng nói thế, người nghe cũng từng biết thế. Thế nhưng, vấn-đề là: làm sao sống hài-hoà với xã-hội ngoài Đạo không cùng chung ý-hướng, trách-nhiệm về hôn-nhân/gia-đình. Vấn-đề này, cần nhiều trang giấy cũng như thời-gian để bạn và tôi, ta luận ra được một kết-cuộc thật thoả-đáng.
            Thế nhưng, trong khi chờ đợi ngày ấy, lại cũng có câu vấn nạn vẫn hỏi rằng: Đối với những người chủ-trương hoặc từng thiết-lập hôn-nhân đồng tính ở đây đó, thì ta có thái-độ xử sự thế nào đối với họ? Khinh chê, ghét bỏ ư?
            Câu trả lời ai cũng có trong đầu, là: ta và người vẫn cứ tôn-trọng chọn-lựa một khác-biệt của những người như thế. Và thêm nữa, trong khi chờ Thượng Hội Đồng Rôma hội họp kỳ 2 vào tháng 10/2015 có được một qui-định làm sáng tỏ thêm vấn-đề đặt ra cho Giáo hội và cộng-đồng.
Trong khi chờ đợi kết quả thật khả-quan, tưởng cũng nên đi vào vùng trời thi-ca/âm nhạc để được lên tinh-thần mà sống-thực và hát hò những câu như:

Hôm nao dưới bóng ánh trăng mờ,
Tôi mơ ngắm cánh tay ngà
Nhẹ nâng ly trà ướp sen ngạt ngào,
Trông cô dón dén ra vào,
Đôi môi thắm cánh hoa đào,
Lòng tôi rạt rào muốn xiêu.”
(Cao Minh – bđd)

            Hát thế rồi, nay ta đi vào vùng trời truyện kể, có bậc thày giải đáp một số sự việc căn bản, như câu truyện về Nhan Uyên và Khổng tử vẫn dạy rằng: 

“Nhan Uyên ham học hỏi, tính tình tốt bụng, là một đệ tử đắc ý của Khổng Tử. Một ngày nọ, trên đường đi làm việc, Nhan Uyên thấy một đám đông ồn ào trước cửa tiệm vải.  Anh bước đến hỏi, mới biết là đang có tranh chấp giữa người mua và người bán vải.
Chỉ nghe người mua hét lớn: “Ba nhân tám là 23, sao ông cứ đòi ta 24 đồng?”
Nhan Uyên đến trước mặt người mua, lễ phép nói:  “Vị đại ca này, ba nhân tám là 24, sao có thể là 23 được? Anh tính sai rồi, không nên cãi lộn ầm ĩ nữa”.
     Người mua không phục, chỉ thẳng mặt Nhan Uyên nói: “Ai cần ngươi phân xử hay sao? Ngươi biết tính toán sao? Muốn phân xử chỉ có cách tìm Khổng phu tử, đúng hay sai hãy để ông ấy định đoạt! Đi, ta hãy tìm ông ấy để phân xử!”
     Nhan Uyên đáp:
     -Được. Nếu Khổng phu tử nói anh sai, vậy xử lý sao?
     Người mua nói:
     -Nếu ta sai, hãy lấy đầu ta. Nhà ngươi sai thì sao?  
     -Nếu tôi sai, tôi sẽ từ quan.
     Hai người đánh cuộc với nhau như thế, cũng đã tìm gặp được Khổng Tử. Khổng Tử nói:
     -Ba nhân tám là 23”, Nhan Uyên lòng không phục.
     Khổng Tử hỏi rõ tình huống, rồi quay sang Nhan Uyên cười nói:
     -Ba nhân tám là 23 đó! Nhan Uyên, con thua rồi lấy mũ quan xuống đem cho người ta đi!
     Nhan Uyên trước giờ chưa bao giờ cãi lại sư phụ.Nghe Khổng Tử nói mình sai, anh đành tháo mũ xuống giao cho người mua kia. Người mua nhận mũ, đắc ý rời đi. Đối với lời phân xét của Khổng Tử, Nhan Uyên biểu hiện là tuân theo, nhưng trong tâm lại không phục.
Anh cho rằng Khổng Tử già rồi đâm ra hồ đồ, liền không muốn ở lại học tập Khổng Tử nữa
Ngày hôm sau, Nhan Uyên quay lại lấy cớ nhà có việc muốn xin nghỉ học…
     Khổng Tử rất rõ tâm tư Nhan Uyên, nhưng không nói gì, chỉ gật đầu đồng ý.
Trước khi đi, Nhan Uyên quay lại cáo biệt Khổng Tử. Khổng Tử muốn Nhan Uyên trở về nhà bình an, cũng dặn dò hai câu:
                 -Ngàn năm cổ thụ không náu thân, sát nhân không rõ chớ động thủ.
     Nhan Uyên đáp lại một câu: “Con xin ghi nhớ”, rồi rời đi. Trên đường về, gió thổi mây dâng, sấm rung chớp giật, trời muốn đổ mưa to. Nhan Uyên tiến đến một cây đại thụ mục rỗng bên ven đường, muốn tránh mưa.
     Anh đột nhiên nhớ lại lời Khổng Tử đã nói: “Ngàn năm cổ thụ không náu thân”…
Nghĩ thầm, sư đồ nhất tràng, anh nghe theo lời sư phụ, tránh xa khỏi cái cây rỗng. Vừa rời đi không xa thì nghe một tiếng sấm, sét đã đánh tan cây cổ thụ kia.
Nhan Uyên kinh ngạc:
     -Câu đầu sư phụ nói đã ứng nghiệm sao! Chẳng lẽ ta còn có thể sát nhân ư?
     Khi về tới nhà thì trời cũng đã khuya. Không muốn kinh động người nhà, Nhan Uyên dùng bảo kiếm mang theo bên người để đẩy chốt cửa phòng nơi thê tử của anh đang ngủ. Đến bên giường, sờ lại thấy hai người nằm hai bên giường. Nhan Uyên vô cùng tức giận, giơ kiếm định chém, lại nghĩ đến câu nói thứ hai của Khổng Tử: “Sát nhân không rõ chớ động thủ”, bèn
đốt đèn lên xem, hóa ra một người là thê tử, người kia là muội muội của anh.
     Ngày hôm sau, Nhan Uyên quay trở lại, thấy Khổng Tử liền quỳ xuống nói:
     -Sư phụ, hai câu người nói đã cứu ba người là con, vợ con và muội muội của con đó! Sao người lại biết trước chuyện sẽ xảy ra vậy?
     Khổng Tử có đúng là có thể nhìn trước được tương lai? Hãy cùng xem tiếp…
Nhan Uyên cảm thấy kính phục sâu sắc, cũng đã biết được ẩn ý của Khổng Tử. Khổng Tử đỡ Nhan Uyên dậy và nói:
     -Ngày hôm qua thời tiết khô nóng, đoán chừng sẽ có cơn dông, nên ta nhắc nhở con: “ngàn năm cổ thụ không ai náu thân”, con lại mang khí bực trong người, trên thân đeo bảo kiếm, cho nên ta khuyên con “sát nhân không rõ chớ động thủ”!
     Nhan Uyên vừa vái lạy vừa nói:
     -Sư phụ liệu sự như thần, đệ tử mười phần kính nể! Mạng người quan trọng hay địa vị quan trọng? Khổng Tử lại nói tiếp:
     -Ta biết rõ con xin phép về nhà nghỉ là mượn cớ, thật ra cho rằng ta đã già nên hồ đồ rồi, không muốn học ta nữa. Con nghĩ xem, ta nói ba nhân tám bằng 23 là đúng, con thua, bất quá là thua cái mũ quan kia, nếu ta nói ba nhân tám bằng 24 mới đúng, người mua kia thua, đây là một mạng người đó! Vậy con nói xem, chức vị quan trọng hay mạng người quan trọng hơn?
     Nhan Uyên bỗng nhiên tỉnh ngộ, quỳ gối trước mặt Khổng Tử mà thưa: “Sư phụ trọng đại nghĩa coi nhẹ tiểu tiết, đệ tử còn tưởng rằng Sư phụ vì lớn tuổi mà thiếu minh mẫn, đệ tử hổ thẹn vạn phần!
     Từ đó về sau, bất luận Khổng Tử đi đến đâu, Nhan Uyên theo đến đó không rời sư phụ.
Câu chuyện này gợi cho tôi nhớ tới ca từ trong một bài hát tuyệt vời của Khắc Lý Lâm:
     -Nếu như mất đi bạn, được cả thế giới cũng để làm gì?
     Cũng như vậy, đôi khi bạn tranh đấu giành được điều bạn cho là lẽ phải,
Nhưng điều mất đi có lẽ còn quan trọng hơn. Luôn luôn phân rõ sự tình nặng nhẹ. Đừng gắng sức tranh giành, rồi sau hối hận không kịp!
     Rất nhiều chuyện không cần tranh giành, lùi một bước biển rộng trời cao. Hơn thua với khách hàng, thắng ấy cũng là thua (khi sản phẩm mới cần đổi mẫu, bạn sẽ biết. Hơn thua với ông chủ, thắng ấy cũng là thua (cuối năm lúc đánh giá thành tích, bạn sẽ biết. Hơn thua với người già, thắng ấy cũng là thua (người ta không để ý tới bạn đâu, bạn vẫn phải tự mình làm thôi. Hơn thua với bằng hữu, thắng ấy cũng là thua (làm không tốt sẽ mất đi một người bạn. Lá trà nhờ nước sôi mới có thể tỏa ra mùi hương thơm ngát, Sinh mệnh vượt qua bao trắc trở, mới để lại tiếng thơm cho đời…
     Hiểu được điều đó sẽ luôn luôn cảm ơn cuộc đời… vậy là hạnh phúc nhất đấy. Giáo dục là một vấn đề vô cùng trọng yếu! Bất luận điều gì chưa rõ, hãy cùng nhau bàn bạc giải quyết. Nếu không, sai một niệm có thể sẽ hỏng một đời…
     Quả thật, đây là những suy-tư sâu sắc!

Cuối cùng ra, mời tôi, mời bạn ta về với Lời Vàng hôm trước bậc thánh hiền vẫn cứ dạy:
           
Vậy bao lâu còn thời giờ,
chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người,
nhất là cho những anh em
trong cùng đại gia đình đức tin.”
(Galát 6: 10)

Nghe dạy rồi, ta lạ sẽ cứ thế hiên ngang tiến về phía trước để sống xứng đáng bậc làm con của Đức Chúa “trong cùng đại gia-đình đức tin” như Ngài vẫn dạy ta như thế, suốt mọi thời.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn cứ cầu cho mình và cho người
Luôn vui sống suốt cuộc đời
Bất kể mọi chuyện sẽ xảy ra trong đời
về hôn-nhân.

  
   


 

No comments: